Tải bản đầy đủ (.pdf) (134 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và việc vận dụng vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.04 MB, 134 trang )

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN




ĐOÀN ANH PHƯỢNG


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ
GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ VÀ VIỆC VẬN DỤNG VÀO SỰ NGHIỆP
ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


Chuyên ngành: Hồ Chí Minh học
Mã số: 60 31 27



TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH TRỊ HỌC





Hà Nội-2012
2



Công trình được hoàn thành tại:
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


Người hướng dẫn khoa học: TS. LẠI QUỐC KHÁNH


Phản biện 1: GS.TS. Nguyễn Văn Huyên
Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu


Luận văn sẽ được bảo vệ trước hội đồng chấm luận văn thạc sĩ họp tại:
Khoa Chính Trị, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Vào hồi 17 giờ 00 ngày 2 tháng 11 năm 2012








Có thể tìm hiểu luận văn tại: Trung tâm thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội
iii

MỤC LỤC


Trang
PHẦN MỞ ĐẦU

1
Chương 1: Một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí
Minh về giải phóng phụ nữ

9
1.1.Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ
9
1.1.1. Vai trò của phụ nữ trong gia đình
9
1.1.2. Vai trò của phụ nữ trong lao động sản xuất
16
1.1.3. Vai trò của phụ nữ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm
22
1.1.4. Vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước
28
1.2. Quan điểm Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải giải phóng
phụ nữ

31
1.2.1. Trong xã hội phụ nữ còn chưa được giải phóng hoàn toàn
31
1.2.2. Bản thân phụ nữ chưa có đủ năng lực để tự giải phóng mình
40
1.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nội dung giải phóng phụ nữ
43
1.3.1. Giải phóng phụ nữ là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ sự
nghiệp cách mạng của dân tộc

43
1.3.2. Nâng cao năng lực tự giải phóng của phụ nữ

47
1.3.3. Tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ được giải phóng
51
Chương 2: Đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta
thời kì đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

59
2.1.Thực trạng giải phóng phụ nữ ở nước ta hiện nay
59
2.1.1. Những thành tựu trong giải phóng phụ nữ
59
2.1.2. Những hạn chế về giải phóng phụ nữ
74
2.1.3. Nguyên nhân của những hạn chế
84
iv

2.2. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng phụ
nữ ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
98
2.2.1. Giải pháp đối với Đảng và Nhà nước
98
2.2.2. Giải pháp đối với các đoàn thể phụ nữ
107
2.2.3. Giải pháp đối với bản thân phụ nữ
116
PHẦN KẾT LUẬN
122
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
125

1

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiêt của đề tài
Về mặt sinh học, không ai có thể phủ nhận được vai trò của phụ nữ đối
với sự tồn tại của loài người. Về mặt xã hội, chưa có nghiên cứu khoa học nào
chứng minh được năng lực xã hội của phụ nữ kém hơn nam giới. Tuy nhiên,
thực tế lịch sử cho thấy, trong tất cả các xã hội theo chế độ phụ hệ, năng lực
và vai trò xã hội (và nhiều lúc cả năng lực sinh học) của phụ nữ không phải
lúc nào cũng được thừa nhận, hoặc có được thừa nhận nhưng không tương
xứng với giá trị vốn có của nó. Từ nhận thức đến hành động, nhiều thể chế và
thiết chế xã hội in đậm dấu ấn bất bình đẳng giới đã ra đời, tồn tại dai dẳng và
đè nặng lên cuộc đời của người phụ nữ.
Trên cơ sở tiếp thu các giá trị, tư tưởng, văn hoá của nhân loại, đặc biệt
là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nữ quyền và giải phóng phụ nữ,
Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giải phóng
phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, trong
toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con
người. Nhận thức đúng đắn, mang tính khoa học và tính nhân văn sâu sắc ấy
đã từng bước được hiện thực hoá trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt
Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Di sản tư tưởng về giải phóng phụ
nữ mà Người để lại cho dân tộc ta là một tài sản quý báu mà chúng ta cần
nhận thức và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn sự nghiệp giải phóng
phụ nữ hiện nay.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn
quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ. Trên
thực tế vai trò của phụ nữ đã được phát huy ở một mức độ nhất định và có
những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng
như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2

Tuy nhiên, công tác giải phóng phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ ở
nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.
Nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là
một nhiệm vụ quan trọng trong nghiên cứu lý luận ở Việt Nam. Tuy nhiên,
phải khẳng định rằng, những nghiên cứu theo hướng này còn chưa nhiều, có
nhiều vấn đề cần được nhận thức và luận giải sâu sắc hơn.
Với mong muốn góp phần nghiên cứu vấn đề có ý nghĩa lý luận và
thực tiễn cấp bách nói trên, chúng tôi đã chọn đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh
về giải phóng phụ nữ và việc vận dụng vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện
nay” làm đề tài luận văn thạc sỹ chuyên ngành Hồ Chí Minh học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Cho đến nay chưa có đề tài nào trực tiếp nghiên cứu về vấn đề mà đề
tài đặt ra. Tuy nhiên, có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề có liên
quan đã được công bố. Có thể phân loại các công trình này thành ba nhóm
chính như sau:
Nhóm thứ nhất là các công trình nghiên cứu về các nội dung khác nhau
trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó ít nhiều có đề cập đến tư
tưởng của Người về phụ nữ và giải phóng phụ nữ. Có thể nêu ra một số công
trình tiêu biểu như:
Phạm Văn Đồng với công trình Hồ Chí Minh và con người Việt Nam
trên con đường dân giàu, nước mạnh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993,
đã đề cập đến quá trình đấu tranh bền bỉ của con người trong lịch sử loài
người nói chung và người Việt Nam trong lịch sử Việt Nam nói riêng và hoạt
động của Hồ Chí Minh nhằm giải phóng con người, xây dựng cho con người
Việt Nam một cuộc sống hạnh phúc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu
mạnh.
3


Võ Nguyên Giáp với công trình nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh với
sự nghiệp xây dựng con người mới trong cuốn“Chủ tịch Hồ Chí Minh, người
chiến sĩ cộng sản kiên cường”, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1990, đã đề
cập đến con người, sự nghiệp, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó nói
nhiều đến tư tưởng nhân văn của Người về con người và giải phóng con
người.
Phạm Hoàng Điệp với công trình Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tiến bộ
của phụ nữ, Nxb Văn hoá Thông tin, 2008, đã tập hợp những bài nói, bài viết
của Hồ Chí Minh về chủ đề giải phóng phụ nữ; những mẩu chuyện, hồi kí, bài
viết thể hiện lòng kính trọng, yêu quý và biết ơn sâu sắc của phụ nữ Việt Nam
và phụ nữ quốc tế đối với Người.
Hoàng Chí Bảo với công trình Văn hoá và con người Việt Nam trong
tiến trình CNH, HĐH theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 2006, đề cập đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với yêu cầu
phát triển văn hoá và con người, phát triển văn hoá và xây dựng con người
Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra các tạp chí khoa học xã hội và nhân văn đều mở chuyên mục
nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đăng tải những kết quả nghiên cứu của
đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà lãnh đạo quản lý, ví dụ như:
Lê Văn Dương với công trình Một số nét cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh
về con người; Đỗ Long với công trình Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về
quyền con người, quyền công dân; Phùng Hữu Phú với công trình Nội dung tư
tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội; Nguyễn Trọng Phúc với công trình
Những luận điểm của Hồ Chí Minh về con người và con người trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội; Bùi Đình Phong với công trình Giải phóng con
người và mưu cầu hạnh phúc cho con người - cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí
Minh.
4

Nhóm thứ hai là các công trình nghiên cứu về nữ quyền, về giới và

bình đẳng giới ở Việt Nam, v.v trong đó, phần nghiên cứu lý thuyết cũng ít
nhiều đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ. Có thể nêu ra
một số công trình tiêu biểu như:
Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng với công trình Phụ nữ, giới và phát
triển, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, đã phân tích quá trình phát triển của các văn
bản luật và chính sách liên quan đến phụ nữ. Thông qua những phân tích và
các quan điểm được đưa ra, các tác giả đã làm sáng tỏ những yêu cầu về nhận
thức và phương pháp đối với việc tiếp cận và phân tích các văn bản luật và
các chính sách liên quan đến phụ nữ.
Nguyễn Linh Khiếu với công trình Nghiên cứu phụ nữ: Giới và Gia đình,
Nxb Khoa học Xã hội, 2003, đã khái quát về gia đình và vai trò của người phụ
nữ trong gia đình; sự bình đẳng của phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói
riêng trong thời đại ngày nay cũng như vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc,
nuôi dạy và giáo dục trẻ em.
Lê Thi với công trình Phụ nữ và bình đẳng giới trong đổi mới ở Việt Nam,
Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1999, đã trình bày quan điểm tiếp cận giới và vấn đề
nghiên cứu khoa học về người phụ nữ; thực trạng đời sống người lao động nữ
trong giai đoạn đổi mới của đất nước; văn hoá, sức khoẻ, gia đình và sự bình
đẳng về giới; những vấn đề cần quan tâm giải quyết nhằm đẩy mạnh sự tiến bộ
của phụ nữ và sự bình đẳng về giới ở Việt Nam.
Bùi Thị Tính với công trình Phụ nữ và giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 2010, đã cung cấp những thông tin về những vấn đề lý luận và thực tiễn của
vấn đề giới và phong trào nữ quyền; trình bày quan điểm về giới và con đường
giải phóng phụ nữ.
Lê Ngọc Văn, Trần Hàn Giang, Mai Huy Bích với công trình Nghiên cứu
gia đình lý thuyết nữ quyền, quan điểm giới, Nxb Khoa học Xã hội, 2006, đã giới
thiệu lịch sử hình thành, phát triển, các trường phái lý thuyết nữ quyền, lý thuyết
5

giới; các quan điểm về giới trong nghiên cứu gia đình và việc vận dụng lý thuyết

nữ quyền, lý thuyết giới vào nghiên cứu gia đình ở Việt Nam.
Nhóm thứ ba là các công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, đặc biệt
là lịch sử các phong trào phụ nữ, các tổ chức phụ nữ ở Việt Nam thời hiện đại,
trong đó đề cập đến vai trò của Hồ Chí Minh với tư cách là người lãnh đạo có
ảnh hưởng lớn đến sự ra đời và quá trình vận động của các phong trào, các tổ
chức này. Có thể nêu ra một số công trình tiêu biểu như:
Lê Thị Nhâm Tuyết với công trình Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại,
Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973, đã giới thiệu về phụ nữ Việt Nam qua
các thời kỳ lịch sử, từ buổi ban đầu trải qua chế độ phong kiến đến phong trào
cách mạng hiện đại. Trong phần dành cho lịch sử hiện đại, tác giả lần lượt
giới thiệu phụ nữ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử được bắt đầu với năm
đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa.
Lê Thi với công trình nghiên cứu Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt
Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1982, đã phân tích tư tưởng, quan điểm của Hồ
Chí Minh về con đường giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, đồng thời làm nổi bật
tinh thần nhân đạo cao cả của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc,
giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó có giải phóng phụ nữ.
Lê Thi, Đỗ Thị Bình với công trình Mười năm bước tiến bộ của phụ nữ
Việt Nam (1985-1995), Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1997, đã đề cập đến những nét
chung về phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1985-1995 như: các vấn đề về việc làm,
giáo dục, sức khoẻ, vai trò xã hội của phụ nữ, hôn nhân và gia đình, pháp luật và
tệ nạn xã hội.
Lê Thi với công trình Phụ nữ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI, Tạp chí
Cộng sản, số 20/2000, đã giới thiệu về hình ảnh, vai trò, đặc điểm truyền
thống của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình lịch sử phát triển đất nước: phụ
nữ Việt Nam từ khi có Đảng, mười lăm năm đổi mới cùng đất nước, phụ nữ
Việt Nam bước vào thế kỷ XXI.
6

Nguyễn Đức Hạt với công trình Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ

nữ trong hệ thống chính trị, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, đã đưa ra
những luận cứ khoa học, thực tiễn về việc nâng cao vị trí, vai trò, năng lực lãnh
đạo của cán bộ nữ, tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong
hệ thống bộ máy đảng, nhà nước và các tổ chức đoàn thể ở nước ta trong tình
hình mới.
Các công trình nghiên cứu đã nêu đã đề cập đến những khía cạnh khác
nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực trạng giải phóng
phụ nữ và những vấn đề đặt ra, v.v Những kết quả nghiên cứu của các nhóm
đề tài nói trên có giá trị gợi mở và tham khảo rất hữu ích đối với chúng tôi khi
triển khai đề tài luận văn của mình. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có những
công trình nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ và việc vận dụng tư tưởng đó để nhận diện và giải quyết những
vấn đề đặt ra trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là làm rõ những nội dung cơ bản
trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và vận dụng tư tưởng đó
vào việc nhận thức thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy
mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ nước ta hiện nay.
Để đạt được mục tiêu đã nêu chúng tôi xác định cần phải thực hiện
những nhiệm vụ nghiên cứu sau:
- Một là, làm rõ những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về
giải phóng phụ nữ.
- Hai là, làm rõ thực trạng giải phóng phụ nữ ở nước ta thời kì đổi mới
từ góc nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Ba là, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giải phóng
phụ nữ ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
7

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ; thực trạng và giải pháp giải phóng phụ nữ trong bối cảnh nước
ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trên cơ sở các
tác phẩm của Hồ Chí Minh được công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995-1996.
Nghiên cứu thực trạng giải phóng phụ nữ ở nước ta từ năm 1986 đến
nay.
Tư liệu phục vụ nghiên cứu là các xuất bản phẩm trong nước có liên
quan đến đề tài luận văn.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Cơ sở lý luận của luận văn là những quan điểm của chủ nghĩa Mác-
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về
phụ nữ và giải phóng phụ nữ.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: phân tích
và tổng hợp, khái quát hoá và trừu tượng hoá, từ trừu tượng đến cụ thể, lôgic
và lịch sử, hệ thống - cấu trúc, đối chiếu so sánh.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn phân tích và trình bày hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh về
giải phóng phụ nữ; thực trạng và một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh sự
nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta hiện nay.
8

Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng là tài liệu tham
khảo phục vụ việc hoạch định đường lối, chính sách có liên quan đến giải
phóng phụ nữ. Đây cũng là tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu và
giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh.

7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có hai chương, năm tiết.


9

Chương 1
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

1.1.QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ
1.1.1. Vai trò của phụ nữ trong gia đình
Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng và của nhân dân ta, là nhà tư
tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm về
giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Sự nghiệp của
Người bắt đầu từ con người và cũng trở về với con người. Người khẳng định
cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó phụ nữ là
một lực lượng quan trọng.
Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã
hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt” [41, tr.523]. Cũng
chính từ quan điểm đó, Người đã đánh giá cao vai trò của người phụ nữ Việt
Nam đối với gia đình và xã hội.
Gia đình là bức tranh thu nhỏ của xã hội, trong đó bộc lộ đầy đủ và rõ
ràng địa vị của người phụ nữ. Trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan
trọng, trách nhiệm của họ là rất lớn: duy trì và phát triển nòi giống, nuôi
dưỡng sức người và sức lao động v.v
Theo Hồ Chí Minh, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã
hội là thống nhất, bổ sung cho nhau. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội
được bắt nguồn từ chính vai trò của họ trong gia đình. Tạo hóa đã ban cho
người phụ nữ chức năng sinh đẻ và nuôi dạy con cái, chăm sóc và vun trồng

những mầm non của đất nước, bảo tồn và phát triển nòi giống. Đảm nhận
trọng trách thiêng liêng này, trong điều kiện và hoàn cảnh nước ta, người phụ
nữ đã chịu đựng rất nhiều vất vả, cực nhọc nhưng họ cũng tìm thấy ở đó
10

nguồn hạnh phúc, niềm vui sướng của mình. Người phụ nữ đóng vai trò rất
lớn trong việc nuôi dạy con cái, là người thầy dạy học đầu tiên và gần gũi
nhất của con cái. Những lời khuyên nhủ của người mẹ in sâu vào tâm hồn
trong trắng của đứa trẻ, để hình thành cá tính, tâm lý riêng. Tình cảm yêu
nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí ham học, ham làm của con
người trong tương lai đã bắt nguồn sâu xa từ sự dạy dỗ, từ cách sống và tấm
gương của người mẹ.
Người mẹ là người giữ gìn, truyền thụ những giá trị văn hóa tốt đẹp của
dân tộc cho các thế hệ trẻ. Đó là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như lòng
hiếu thảo của con cháu đối với bố mẹ, sự kính trọng người già, lòng yêu
thương con trẻ, sự tương trợ đùm bọc nhau. Ở đây có công lao to lớn của
người mẹ trong việc vun đắp, dạy dỗ con cái.
Phụ nữ Việt Nam luôn đầy lòng nhân ái. Họ không chỉ quan tâm giáo
dục con em của mình mà còn quan tâm giáo dục thế hệ trẻ nói chung. Trên
thực tế đã có nhiều phụ nữ quan tâm làm tốt công tác giáo dục thế hệ trẻ. Là
người luôn sâu sát thực tế, Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “Sự săn sóc dạy
dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố
gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe. Về việc này chúng ta có
những người gương mẫu như cụ Lê Thị Hoan. Cụ Hoan đã có công giáo dục
mấy chục cháu xấu trở thành những cháu tốt. Nếu tất cả chị em phụ nữ ta đều
cố gắng làm được như cụ Hoan thì chắc chắn con cháu chúng ta sẽ đều ngoan
và tốt” [43, tr.258]
Người phụ nữ không chỉ thực hiện chức năng sinh đẻ, nuôi dạy con cái
mà trong gia đình gánh nặng công việc nhà luôn đè nặng lên họ. Chị em
không chỉ làm công việc nội trợ, cơm nóng, canh ngọt, mà phải lo chạy đủ

gạo ăn cho gia đình, lo giỗ tết, cưới xin, ma chay, v.v Họ đã cần cù, tiết kiệm,
giật gấu bá vai, sao cho vừa đủ ăn, làm tròn nghĩa vụ với tổ tiên, với chồng
11

con, với họ hàng làng xóm. Trong điều kiện hoàn cảnh sống còn khó khăn,
thiếu thốn, người phụ luôn lo lắng cho gia đình, cho con cái có cơm ăn, áo
mặc, được học hành và khỏe mạnh. Nỗi lo đó của người phụ nữ, người mẹ,
người vợ cũng chính là nỗi niềm day dứt của Hồ Chí Minh. Người khẳng
định: “Phụ nữ gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái” [40, tr.185]. Hồ Chí
Minh luôn có sự cảm thông sâu sắc đối với những khó khăn, vất vả của người
phụ nữ.
Người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia
đình. Với vai trò là người vợ hiền, họ luôn là người hiểu chồng, sẵn sàng chia
ngọt sẻ bùi, cũng như những đắng cay cùng chồng. Trong những năm tháng
đất nước có chiến tranh, thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh, vì nghĩa lớn
mà gác tình riêng, hàng triệu phụ nữ đã động viên, khuyến khích chồng con ra
trận. Ghi nhận sự hy sinh và đóng góp to lớn của chị em phụ nữ cho cách
mạng, Hồ Chí Minh viết: “Phụ nữ tham gia sản xuất, khuyến khích chồng con
ra mặt trận” [35, tr.438]. Không chỉ xung phong sản xuất mà còn “khuyên
chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải” [38,
tr.172]. Những lúc chồng con ra đi bảo vệ đất nước, thì người mẹ, người vợ ở
nhà bám chặt lấy đồng ruộng, tiếp tục sản xuất, nuôi con cái, bố mẹ già và
tiếp lương cho quân đội. Chị em phụ nữ đã làm mọi công việc thay chồng
con, vì việc nước mà vắng nhà. Công lao to lớn của các bà, các mẹ, các chị
được Hồ Chí Minh kịp thời thay mặt cả nước ngợi khen và gửi lời cảm ơn:
“Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy
những thế hệ anh hùng của nước ta” [44, tr.148]
Đảm đang, cần cù trong lao động, anh hùng bất khuất trong đấu tranh
chống giặc ngoại xâm, nhân nghĩa thủy chung trong quan hệ gia đình, xóm
làng, đó chính là những nét điển hình tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam từ ngàn

xưa để lại. Từ đó đến nay, người phụ nữ luôn có mặt trong hầu hết các lĩnh
12

vực của đời sống xã hội, nhưng họ lại không hề quên trách nhiệm làm vợ, làm
mẹ của mình. Người phụ nữ bên cạnh những đóng góp cho xã hội thông qua
các công việc chuyên môn của mình còn là nhân tố tích cực, thậm chí quyết
định cho một “gia đình tốt” như Hồ Chí Minh từng khẳng định.
Song vai trò của người phụ nữ không phải khi nào cũng được nhận thức
đầy đủ và được quan tâm phát huy. Trong xã hội cũ, người phụ nữ bị coi
khinh, bị ngược đãi, bị trói buộc bởi đạo “tam tòng”, bởi tư tưởng “trọng nam
khinh nữ”, không có quyền lực gì trong gia đình, họ bị đối xử bất công, bất
bình đẳng, bị bóc lột và bị nô lệ cùng một lúc trong xã hội và trong chính gia
đình của họ. Họ không chỉ bị bóc lột về thể xác mà còn bị bóc lột về kinh tế,
về tinh thần.
Phê phán những tư tưởng lạc hậu kìm hãm, trói buộc người phụ nữ
trong xã hội cũ, Hồ Chí Minh luôn đặt vị thế vai trò của phụ nữ ngang hàng
với nam giới. Người nhất quán tư tưởng giải phóng phụ nữ phải giải phóng
toàn diện về kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội. Giải phóng phụ nữ trước hết
là phải giải phóng từ trong gia đình - tế bào của xã hội, thực hiện bình đẳng
giới, hôn nhân một vợ, một chồng
Hôn nhân và gia đình, đây là một lĩnh vực mà người phụ nữ có vai trò,
có trách nhiệm rất lớn, đồng thời cũng gặp vô vàn khó khăn vất vả. Hồ Chí
Minh tuy không có gia đình riêng nhưng Người hiểu và thông cảm sâu sắc với
những băn khoăn, lo lắng của người phụ nữ làm bổn phận người vợ, người mẹ
trong gia đình và là người lao động trong xã hội. Người từng nói: “Có người
nghĩ rằng Bác không có gia đình chắc không hiểu gì mấy vấn đề này. Bác tuy
không có gia đình riêng, nhưng bác có một đại gia đình rất lớn, trong đó là
giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó
Bác có thể suy đoán gia đình nhỏ” [37, tr.281].
13


Hồ Chí Minh đã có những quan niệm về giải phóng phụ nữ rất sâu sắc
thể hiện tính nhân văn, lòng yêu thương con người nói chung và sự quan tâm
đặc biệt đối với phụ nữ nói riêng. Vấn đề vai trò của người phụ nữ trong gia
đình luôn được Người quan tâm coi trọng. Người cho rằng: “Rất quan tâm
đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì
gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia
đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý đến hạt nhân cho
tốt. Tục ngữ ta có câu “thuận vợ, thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” [37,
tr.282].
Quan điểm của Hồ Chí Minh hết sức đúng đắn, mới mẻ khi cho rằng
muốn thuận vợ, thuận chồng thì lấy nhau phải thực sự yêu thương nhau.
Chính Người đã nhấn mạnh đến cơ sở chân chính của hôn nhân, sức mạnh
tinh thần để xây dựng một gia đình hạnh phúc là tình yêu và sự tôn trọng lẫn
nhau giữa nam và nữ.
Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và xây dựng gia đình kiểu mới bình
đẳng, tiến bộ, đấu tranh chống những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu kìm hãm trói
buộc người phụ nữ. Hồ Chí Minh đã tích cực chỉ đạo việc xây dựng Hiến
pháp và pháp luật, trong đó có những quy định rõ về quyền bình đẳng của phụ
nữ đối với nam giới. Hiến pháp năm 1946, Điều 24 quy định: “Phụ nữ nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt
sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình” [42, tr.224]. Luật hôn
nhân gia đình đầu tiên, năm 1960, Điều 1 nói: “Nhà nước đảm bảo nam nữ
bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ” [42, tr.224].
Luật hôn nhân và gia đình ra đời, theo Hồ Chí Minh, đó là một cuộc
cách mạng thật sự bởi vì nó là cơ sở để xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa nam
và nữ. Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi nhắc nhở việc thực hiện nghiêm
chỉnh Luật hôn nhân và gia đình. Người yêu cầu các đoàn thể có trách nhiệm
14


tuyên truyền cho từng gia đình và toàn thể cộng đồng trong xã hội, đồng thời
nhắc nhở chị em phải tìm hiểu, nắm chắc luật làm cơ sở đấu tranh bảo vệ
quyền bình đẳng trong gia đình.
Theo Hồ Chí Minh, thực hiện sự bình đẳng về giới là: “Một cuộc cách
mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm
để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã
hội, vì thế không thể dùng vũ lực mà đấu tranh” [38, tr.433]. Hồ Chí Minh
căn dặn: “giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng phải tiến hành thường
xuyên, kiên trì, triệt để, phải thu hút cả xã hội tham gia và làm cách mạng
từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành
công” [38, tr.433]. Người nói:
Hội phụ nữ và đoàn thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục
một cách rộng khắp và bền bỉ cho mọi gia đình phải hiểu rõ pháp luật
nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy. Bà con
trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa,
không để những việc vi phạm như vậy xảy ra. Bản thân chị em phải có
ý chí tự cường, tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa
đổi thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh
[42, tr.226].
Mục đích giải phóng phụ nữ xét đến cùng là thực hiện quyền bình đẳng
của phụ nữ so với nam giới. Đó phải là bình đẳng thực sự, bình đẳng từ trong
gia đình cho đến ngoài xã hội.
Song Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và phê phán tình trạng hiểu việc
giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng nam nữ theo kiểu “hôm nay anh
nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát” [38,
tr.433]. Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng nam nữ cần được hiểu là công việc của
15

phụ nữ phải được phân công một cách khoa học, thỏa đáng, phù hợp với sức

khỏe, thể chất, tính cách, thiên chức của chị em, nhằm tạo mọi điều kiện cho
chị em phát huy được những khả năng, ưu thế của họ trong việc xây dựng gia
đình hạnh phúc và tham gia vào xây dựng phát triển xã hội.
Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và
các tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và xây dựng gia
đình kiểu mới, bình đẳng tiến bộ. Người khẳng định:
Từ nay đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là phụ
nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật hôn nhân và gia
đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những
thói dã man đánh vợ và ép duyên con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của
phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi
gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết [42, tr.662].
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, các tổ chức đoàn thể phải làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện
nam nữ bình quyền, chống bạo lực gia đình, bởi nó chính là yếu tố không chỉ
cản trở sự phát triển của mỗi gia đình, mà còn cản trở sự phát triển của xã hội.
Hồ Chí Minh chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, tạo mọi
điều kiện cho họ thực hiện quyền bình đẳng của mình, trước hết là trong gia
đình. Điều đó đã tạo động lực cho chị em phụ nữ, thôi thúc họ hăng hái tham
gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, trong quan điểm của Hồ Chí Minh, người phụ nữ sinh ra
không phải chỉ để quanh quẩn với những công việc nội trợ trong gia đình, mà
họ còn là thành viên của xã hội, có trách nhiệm giáo dục, đào tạo cho xã hội
những người con có đầy đủ sức khỏe, phẩm chất và năng lực. Đồng thời họ
cũng góp phần hoàn thiện nhân cách, trình độ của nguồn nhân lực xã hội.
16

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh “gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, sứ
mệnh của người phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy. Với những phẩm chất

cao quý và những đóng góp lớn, mỗi người phụ nữ Việt Nam là một nhân tố
tích cực trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn như Hồ Chí Minh từng mong đợi.
1.1.2. Vai trò của phụ nữ trong lao động sản xuất
Phụ nữ không chỉ có vai trò trong gia đình mà còn có vai trò rất lớn
trong lao động sản xuất và trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ đã
tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất và đạt được nhiều thành tích
cao trong lao động sản xuất. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ là lực
lượng lao động quan trọng trong xã hội, là một trong những đội quân chủ lực
tạo ra của cải vật chất làm giàu cho xã hội.
Bằng lao động của mình, chị em phụ nữ chẳng những đã góp phần tạo
ra của cải vật chất và tinh thần mà còn tích cực tham gia góp phần to lớn vào
công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chị em phụ nữ đã tạo ra những giá trị
vật chất to lớn để đáp ứng nhu cầu gia đình và phục vụ quân đội. Trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chị em phụ nữ không chỉ chiến đấu,
phục vụ chiến đấu rất dũng cảm, mà trong sản xuất, họ cũng thể hiện khả
năng to lớn là thay mặt nam giới trong nhiều công việc, đảm bảo chăm lo thu
vén cho gia đình và cung cấp nhu yếu phẩm cho chiến trường.
Trên mặt trận lao động sản xuất, Hồ Chí Minh luôn khẳng định phụ nữ
luôn có vai trò rất quan trọng, họ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, chị
em phụ nữ đã góp phần công sức to lớn của mình trong việc nuôi quân và dân
“ăn no đánh giặc”. Người chỉ rõ: “chưa bao giờ có nhiều đoàn phụ nữ Kinh,
Mán, Thổ, Nùng đi tiếp tế vận tải đông đảo như vậy, khó nhọc, khổ sở, nguy
hiểm, mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm thật là đáng khâm phục” [38, tr.10].
Để đánh thắng đế quốc Pháp và phát xít Nhật, “tất cả người già, đàn ông, đàn
17

bà ai cũng tham gia cách mạng hoặc ra mặt trận giết giặc hoặc ở đằng sau
trồng trọt ngô, khoai, giúp cho quân lính mình” [36, tr.103]. Chính nhờ có
phụ nữ quyết tâm lao động sản xuất tạo ra nhiều lương thực để rồi “bộ đội ta

kéo đến đâu cũng có dân giúp đỡ, nhất là chị em phụ nữ, họ tranh nhau giúp
nấu cơm, gánh nước, giặt áo và quần cho bộ đội” [37, tr.607]. Ngoài ra ở địa
phương “các chị thi đua nhau tăng gia sản xuất, rủ nhau gửi đồ quý, gạo cho
chiến sĩ ở tiền phương, có gì gửi nấy, quà bánh và thư từ” [37, tr.15]
Ghi nhận vai trò của phụ nữ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nam nữ công
nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản ngại khó nhọc để
giúp một phần vào kháng chiến” [38, tr.172]. Để phát huy vai trò của phụ nữ,
Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm tốt công tác nêu gương. Khi nói chuyện với
đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, năm 1957, Người đã nêu gương về
những phụ nữ luôn đi đầu trong lao động sản xuất mà ngay cả nam giới cũng
cần học tập. Người nói:
Nữ đồng chí Thiện dù nghèo, có bệnh, vẫn cố gắng xây dựng tổ đoi
công trong những chỗ khó khăn (vùng đồng bào công giáo) chịu khổ đi
trước, làm trước. Đó là gương tốt. Chẳng những trong nữ giới mà nam
giới cũng cần phải noi theo [40, tr.417].
Vai trò của người phụ nữ được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực lao
động sản xuất: trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cũng như trên các
lĩnh vực văn hóa xã hội. Về điều này, Hồ Chí Minh khẳng định:
Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng
đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi
đua làm tròn nghĩa vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào
việc phát triển văn hóa [40, tr.132].
Bằng lao động và thông qua lao động, chị em phụ nữ đã phát huy vai
trò làm chủ của mình trong lao động và đã tạo ra giá trị sản phẩm gấp nhiều
18

lần so với định mức quy định. Trong bài Công tác cầu đường, năm 1953, Hồ
Chí Minh đã nêu ra những tấm gương cụ thể về những phụ nữ đạt thành tích
cao trong lao động sản xuất. Người đã đưa ra những ví dụ cụ thể như: “Đồng
chí Mao tăng năng suất hơn gấp năm mức đã định, đồng chí Lý tăng năng suất

hơn 3 lần” [39, tr.87]
Có được kết quả trong lao động sản xuất là nhờ sự cố gắng vươn lên,
không quản ngại khó khăn vất vả của bản thân phụ nữ. Không chỉ công việc
gia đình, phụ nữ còn tham gia lao động sản xuất tốt, quản lý tốt. Khi nói về
những tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, Hồ Chí
Minh đã nêu ra những ví dụ cụ thể như:
Có nhiều cô như cô Đảng có 4 cháu mọn, chồng là thương binh, đã làm
bí thư chi bộ, ủy viên ban chấp hành phụ nữ xã, ủy viên quản trị kiêm
đội trưởng đội lao động mà vẫn làm được 220 ngày công. Cô Xịch bận
3 cháu mọn, mỗi năm vẫn làm được 333 ngày công, nhặt được 4 tấn
phân bón [42, tr.597].
Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào vai trò và khả năng của phụ nữ. Vì
vậy, Người luôn quan tâm động viên, khích lệ, phát huy vai trò của chị em
phụ nữ trong lao động sản xuất cũng như trong mọi công việc của xã hội.
Người viết: “Có vài nơi, chị em phụ nữ không quen cày cấy, thậm chí không
gánh nổi phân phải đội. Đối với điểm này, chị em cần phải cố gắng thi đua
với nam giới. Đánh giặc là việc nguy hiểm phụ nữ ta đã tỏ ra rất oanh liệt,
không lẽ việc cày cấy làm ăn mà chị em lại chịu thua” [41, tr.215].
Với những phụ nữ đạt thành tích cao trong lao động sản xuất đều được
Hồ Chí Minh biểu dương khen ngợi kịp thời. Trong bài Nói chuyện với chị em
phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, năm 1957, Người biểu dương: “Chị em phụ nữ
Thanh Hóa có tinh thần lao động cần cù, lao động rất tốt. Như thế là vừa làm
lợi nhà, vừa làm ích nước” [40, tr.401].
19

Trong Báo cáo tại hội nghị chính trị đặc biệt, năm 1964, Hồ Chí Minh
khẳng định: “Phụ nữ ta đã có thành tích cao trong sản xuất nông nghiệp và
công nghiệp, có nhiều anh hùng chiến sĩ thi đua, đội trưởng đội sản xuất trong
các nhà máy, chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng đội dân quân, bác sĩ, giáo
viên… rất giỏi” [43, tr.225].

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chị em phụ nữ hai miền
đã thực hiện tốt các phong trào thi đua “năm tốt”, “ba đảm đang”. Các phong
trào này đã có tác dụng to lớn trong việc đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến
đấu chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phụ
nữ miền Bắc không chỉ thi đua “mỗi người làm việc bằng hai người vì miền
Nam ruột thịt”, mà còn thi đua góp phần vào các phong trào “Ba đảm nhiệm”,
“Ba sẵn sàng”, “Đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sản xuất và phục vụ chiến đấu”.
Những phong trào thi đua đó đã phát huy phẩm chất đạo đức của phụ nữ, góp
phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hồ Chí Minh
khẳng định:
“Phong trào năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “ba đảm đang”
của phụ nữ miền Bắc là những phong trào yêu nước nồng nàn và rộng
khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ
chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn
dân [44, tr.149].
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh
thấy và đánh giá rất cao việc có nhiều phụ nữ biết điều khiển máy tiện, máy
khoan, máy dệt tối tân; trên các công trường có nữ thanh niên, có các cháu gái
biết lái máy xúc, lái xe vận tải; “ở mỏ than Hòn Gai, chị em làm ở Cọc 6, chỉ
trong mấy ngày đã nâng mức đẩy xe từ 32 xe lên 335 xe một ca” [42, tr.88].
Tổng kết về vai trò của phụ nữ tham gia vào lao động sản xuất xây dựng chủ
nghĩa xã hội, Người chỉ rõ:
20

Ở nông thôn 60% xã viên hợp tác xã là phụ nữ. Có những cô chủ nhiệm
hợp tác xã. Cô Hoàn là người đầu tiên đã làm được 3000 cân phân, rồi
phong trào thi đua lên, nhiều người làm vượt hơn cô Hoàn, có người
làm tới 7000 cân. Phụ nữ tri thức cũng tham gia dân quân tự vệ, nhiều
đội rất khá. Phụ nữ tri thức cũng đóng góp nhiều công trong việc xây
dựng các vườn trẻ, lớp mẫu giáo và trong các ngành nghề khác. Trong

phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa chị em buôn bán nhỏ đã tổ chức lại,
đi vào hợp tác và sửa đổi cách làm ăn buôn bán như thực thà, không lấy
lãi, khiêm tốn, phục vụ khách hàng, rất đáng khen. Chị em tư sản tự
mình tiếp thu và khuyên chồng tiếp thu cải tạo và đi vào con đường
công tư hợp doanh [42, tr.88].
Đánh giá vai trò của người phụ nữ trong lao động sản xuất, Hồ Chí
Minh khẳng định có nhiều tấm gương như “có chỗ ông chủ nhiệm đi bộ đội,
công việc do cháu gái làm, làm lại tốt hơn trước kia” [44, tr.22]. Trong Bài
nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp, năm 1966, Người khẳng định: “Nói
chung, các cháu gái rất hăng. Ví dụ: đi chặt gỗ, việc ấy nặng nhọc, lúc hăng
các cháu làm được hết; hay đi đắp đường, chỗ núi non khó khăn, các cháu
cũng làm được” [44, tr.22].
Đặc biệt trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, Hồ Chí Minh đã
kịp thời biểu dương những đóng góp của phụ nữ có những tiến bộ lớn, nhất là
các cháu thanh niên gái đã trở thành công nhân, tổ trưởng chiến sĩ thi đua ở
các xí nghiệp như mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên…Trong
điện gửi Đại hội phụ nữ Ba đảm đang, năm 1966, Hồ Chí Minh viết: “Bác vui
lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi các
chị em phụ nữ ba đảm đang” [44, tr.38].
Không chỉ công nhận và đánh giá cao thành tích công lao to lớn của
phụ nữ trong lao động sản xuất, Hồ Chí Minh còn căn dặn chị em phụ nữ:
21

“Để xứng đáng là người làm chủ nước nhà, chị em phải gia sức tăng gia sản
xuất, thực hành tiết kiệm, làm tốt nhiệm vụ với nhà nước, xung phong trong
việc xây dựng đời sống mới, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất” [40, tr.410].
Hồ Chí Minh căn dặn: “Phụ nữ công nhân cần tích cực tham gia quản
lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia
phong trào đổi công, hợp tác, gặt tốt vụ mùa, chuẩn bị tốt vụ chiêm năm tới.
Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt chính sách của Đảng và

Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đúng đắn”
[41, tr.238].
Không chỉ căn dặn động viên phụ nữ, Hồ Chí Minh còn nhắc nhở
Đảng, Chính phủ các cấp “muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải
giải phóng sức lao động của phụ nữ” [41, tr.523]. Để cho mọi phụ nữ phát
huy hết khả năng lao động sáng tạo của mình, Người khẳng định: “phải đặc
biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông.
Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt” [44,
tr.194].
Hồ Chí Minh khẳng định chị em phụ nữ không chỉ có vai trò trong các
lĩnh vực lao động sản xuất ra của cải vật chất mà còn có vai trò rất lớn trong
việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa tinh thần. Theo Hồ Chí Minh, nếu trong xã
hội phong kiến, phụ nữ chỉ là những người làm các công việc lao động chân
tay, việc học hành, lao động trí óc là thuộc về nam giới thì trong công cuộc
xây dựng xã hội mới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chị em phụ nữ
ngày càng tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có
các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Sau cách mạng Tháng Tám, một trong những nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu của cách mạng được Hồ Chí Minh xác định là phải “diệt giặc dốt”,
nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Cũng chính ngay từ những ngày đầu

×