SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề tài: Một vài biện pháp giúp giáo viên xây dựng môi trường
cho trẻ hoạt động ở trường Mầm Non Đông Hồ
Thị xã Hà Tiên.
LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu
trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Mục tiêu của ngành học là hình
thành cho trẻ những cơ sở đầu tiên của nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa,
tạo những tiền đề cần thiết để chuẩn bị cho trẻ bước vào trường phổ thông. Muốn
vậy, người làm công tác ở bậc học mầm non phải biết tổ chức môi trường cho trẻ
hoạt động phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi giúp trẻ phát triển toàn diện về các mặt: thể
chất, tình cảm, nhận thức, ngôn ngữ và thẩm mỹ.
Ở các trường phổ thông, môi trường lớp học là bàn, ghế, phấn, bảng, dụng cụ
học tập, thầy cô, bè bạn với không khí lớp học trang nghiêm và mối quan hệ rạch
ròi giữa học sinh và thầy cô giáo. Riêng môi trường lớp học ở trường mầm non với
các mảng tường, các góc chơi, đồ chơi được sắp xếp, trang trí nổi bật nhằm thu hút
sự chú ý của trẻ cùng với không khí lớp học vui tươi, chan hòa, gần gũi giữa cô và
trẻ. Đơn giản là thế nhưng việc thực hiện không hoàn toàn dễ dàng. Bởi môi trường
giáo dục trong trường mầm non phải tạo cơ hội cho trẻ tìm tòi, khám phá, phát hiện
nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, trẻ được tự lựa chọn hoạt động cá nhân
hoặc theo nhóm một cách tích cực, qua đó kiến thức và kỹ năng ở trẻ dần được
hình thành. Môi trường đó phải đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho trẻ vừa có
tác dụng giáo dục, có tính thẩm mỹ và phải được xây dựng trong suốt quá trình
thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt, từ khi Bộ Giáo dục và Đào
tạo triển khai Chương trình Giáo dục mầm non mới, thì vấn đề xây dựng môi
1
trường giáo dục cho trẻ mầm non được đặt ra ngày càng cấp thiết hơn. Bởi môi
trường giáo dục được ví như người giáo viên thứ hai tổ chức và hướng dẫn trẻ chơi,
trẻ hoạt động để nhận thức và phát triển.
Trong thực tế hiện nay, đa số giáo viên đã biết cách xây dựng môi trường
giáo dục cho trẻ hoạt động, trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục do cô
tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: môi trường cho trẻ hoạt động chưa
phong phú, còn mang tính áp đặt, cách bố trí các góc hoạt động chưa linh hoạt,
chưa khai thác hiệu quả sử dụng của các góc, các mảng tường, đồ dùng đồ chơi …
Vì vậy tôi đã chọn đề tài: Một vài biện pháp giúp giáo viên xây dựng môi trường
cho trẻ hoạt động ở trường Mầm Non Đông Hồ Thị xã Hà Tiên để nghiên cứu và
tìm ra biện pháp giúp giáo viên thực hiện công tác chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng
tốt hơn.
2
NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN:
1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài:
- Xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động: là xây dựng một môi trường an
toàn, thân thiện, ấm cúng, trình bày đẹp mắt, thu hút, giúp trẻ chủ động tham gia
vào các hoạt động, có cơ hội trải nghiệm và giao tiếp một cách tích cực. Môi
trường đó gồm hai bộ phận: môi trường vật chất và môi trường tinh thần, chúng
không thể tách rời và liên quan chặt chẽ bổ sung lẫn nhau.
+ Môi trường vật chất: là toàn bộ phương tiện vật chất ở trong lớp và ngoài
trời liên quan đến đến diện tích, ánh sáng, tiếng ồn, cách bố trí sắp xếp…
+ Môi trường tinh thần: là toàn bộ các mối quan hệ giúp trẻ hình thành và
phát triển nhân cách: giao tiếp giữa trẻ với người lớn (giáo viên, phụ huynh), giữa
trẻ với nhau và giữa người lớn với nhau.
2. Tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động:
Như trên đã nói, môi trường giáo dục là người giáo viên thứ hai tổ chức và
hướng dẫn trẻ chơi, trẻ hoạt động để nhận thức và phát triển. Môi trường hoạt động
đó vừa thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giao tiếp, nhận thức, nhu cầu hoạt động cùng
nhau của trẻ, vừa tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ khả năng của mình, qua đó các kiến
thức, kỹ năng của trẻ được hình thành, củng cố và bổ sung, đây là những nhân tố
góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ mầm non.
Khi trẻ được hoạt động trong môi trường giáo dục phù hợp sẽ hình thành và
phát triển ở trẻ những chức năng tâm, sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền
tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa
những khả năng tiềm ẩn đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho
việc học tập suốt đời.
Môi trường giáo dục đa dạng, phong phú sẽ kích thích tính tích cực chủ động
của trẻ từ việc tự lựa chọn góc chơi, đồ chơi đến việc tự quyết định và tìm cách giải
3
quyết nhiệm vụ. Trẻ sẽ dần biết tự chịu trách nhiệm với hành động của mình và biết
đánh giá những thành công hay thất bại trong quá trình chơi, trẻ sẽ dần rút ra những
bài học cho bản thân mình. Trong quá trình hoạt động, trẻ sẽ phối hợp chơi cùng
nhau như cùng xây dựng, cùng chơi gia đình, bác sĩ, … trên cơ sở đó giúp trẻ tái
hiện lại các mối quan hệ gia đình, cộng đồng. Qua đó, trẻ học được cách làm việc
với người khác, học cách lắng nghe và chia sẻ suy nghĩ của bản thân với bạn bè.
Đây là cơ sở hình thành tính tập thể và đoàn kết ở trẻ.
Môi trường giáo dục phù hợp, đa dạng, phong phú sẽ gây hứng thú cho trẻ và
cả giáo viên, góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện, tự tin giữa
giáo viên với trẻ và giữa trẻ với nhau.
II. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ:
Trường Mầm non Đông Hồ gồm có 02 phân hiệu đều toạ lạc trên phường
Đông Hồ, Thị xã Hà Tiên, là trường bán trú duy nhất trên địa bàn Thị xã. Trường
có 11 phòng học, nhưng trong đó có 08 phòng được cải tạo lại từ các phòng của
kho lương thực và Uỷ ban nhân dân cũ trước đây. Gồm có các khối lớp sau:
- Tổng số lớp học: 11 lớp. Được chia thành 4 khối:
+ Nhà trẻ: 01 lớp
+ Khối Mầm: 03 lớp
+ Khối Chồi: 03 lớp
+ Khối Lá: 04 lớp
Các phòng học tuy nhỏ hẹp nhưng được trang bị tương đối đầy đủ các
phương tiện, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
* Về tình hình đội ngũ giáo viên:
Trong năm học 2011 – 2012 trường có 22 giáo viên bao gồm các trình
độ sau:
4
Trìnhđộ
Số liệu
THCS THPT Sơ cấp
SPMN
Trung
cấp
SPMN
Cao
đẳng
Đại học Tổng số
Số
lượng 4 18 1 11 1 9 22
Tỉ lệ 18% 82% 5% 50% 5% 40% 100%
Qua số liệu thống kê ở bảng trên, cho thấy trình độ chuyên môn của đội ngũ
giáo viên ở trường Mầm non Đông Hồ vẫn chưa đồng đều, có nhiều trình độ khác
nhau, trong đó còn 01 giáo viên trình độ sơ cấp Sư phạm Mầm non.
* Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của Phòng Giáo dục- Đạo tạo thị xã Hà Tiên, cấp uỷ
Đảng và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện tốt
nhiệm vụ của đơn vị.
- Đa số CBGVCNV trong đơn vị đều nhiệt tình, tâm huyết với ngành học
mầm non, yêu nghề, mến trẻ, có kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc,
giáo dục trẻ. Mỗi lớp đều được bố trí đủ 2 giáo viên.
* Khó khăn:
- Do cơ sở còn nhỏ hẹp nên việc bố trí các khu vực chơi còn bị hạn chế; các
phương tiện, đồ dùng đồ chơi căn bản được trang bị đủ nhưng chưa phong phú, đa
dạng.
- Việc thiết kế môi trường cho trẻ hoạt động chưa phong phú; cách bố trí các
góc hoạt động chưa linh hoạt; chưa khai thác hiệu quả sử dụng của các góc; hình
ảnh trên các mảng tường chủ yếu để trang trí, giáo viên chưa tận dụng các hình
trang trí làm phương tiên dạy học; ít sử dụng các nguyên vật liệu mở để làm đồ
dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động…
5
- Một số cháu chưa qua trường lớp mẫu giáo nên nề nếp chưa đồng đều, trẻ
còn nhút nhát, chưa chủ động tham gia các hoạt động.
- Năng lực chuyên môn trong đội ngũ chuyên môn không đồng đều. Một bộ
phận giáo viên khi tổ chức các giờ hoạt động còn mang tính áp đặt chưa chú trọng
vào tâm lý trẻ, chưa tạo nhiều cơ hội để phát huy tính tích cực chủ động ở trẻ.
Từ thực trạng nêu trên, tôi đã đề ra một số biện pháp khắc phục như sau:
III. CÁC BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH:
Như trên đã nói, môi trường cho trẻ hoạt động ở trường mầm non bao gồm
môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài này,
người viết chỉ đề cập đến các biện pháp giúp giáo viên xây dựng và thiết kế môi
trường lớp học của mình trên cơ sở các trang thiết bị sẳn có của lớp để làm phong
phú môi trường cho trẻ hoạt động.
Môi trường cho trẻ hoạt động là nơi có các nguồn thông tin phong phú,
khuyến khích tính độc lập và hoạt động tích cực của trẻ. Tôi đã tiến hành các biện
pháp như sau:
1. Trang trí lớp theo chủ đề:
Khi bước chân vào cổng trường mầm non, bạn như được bước vào một thế
giới khác: thế giới của trẻ thơ với những bức tranh đầy màu sắc, từ những nhân vật
cổ tích, cỏ cây, hoa lá, đến những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh… được trang trí
trên khắp tường rào, hành lang lớp học. Còn bên trong lớp học, các hình ảnh trang
trí phong phú hơn gắn với nội dung giáo dục theo chủ đề. Việc trang trí lớp theo
chủ đề vừa tạo sự chú ý và hứng thú khám phá ở trẻ vừa để cho mọi người biết lớp
đang học chủ đề nào. Việc làm này trường đã thực hiện từ nhiều năm trước đây,
nhưng giáo viên chỉ làm rầm rộ vào lúc chuẩn bị khai giảng năm học mới, sau đó
chỉ bổ sung vài hình ảnh cho có gọi là trang trí theo chủ đề. Để khắc phục tình
trạng này, từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương giáo dục mầm non mới (năm
2009-2010), tôi đã chỉ đạo các lớp thực hiện các biện pháp sau:
6
- Xây dựng kế hoạch trang trí theo chủ đề: Đây là vấn đề tôi đặc biệt
quan tâm khi kiểm duyệt giáo án của của giáo viên. Thời gian đầu, giáo viên
thường bỏ qua các bước mở và đóng chủ đề vì cho rằng không quan trọng, chủ yếu
soạn đầy đủ các bài dạy theo kế hoạch chương trình. Sau nhiều lần nhắc nhỡ, thậm
chí đưa vào tiêu chuẩn thi đua, giáo viên đã thực hiện tương đối tốt yêu cầu này.
Khi soạn giáo án, đầu mỗi chủ đề, tôi yêu cầu giáo viên phải soạn mở chủ đề, trong
đó trình bày những công việc cần làm để giới thiệu chủ đề đến với trẻ. Giáo viên có
thể chọn hoặc phối hợp nhiều hình thức được gợi ý sau đây để giới thiệu chủ đề:
+ Trò chuyện: cùng trẻ trò chuyện để tìm hiểu xem trẻ đã biết và chưa biết
điều gì về chủ điểm (giáo viên có thể mở rộng thêm). Giao một số nhiệm vụ cho trẻ
thực hiện: tô, vẽ, cắt dán để làm tranh chủ đề, mang các nguyên vật liệu gia đình
sẳn có như tranh ảnh, chai, lọ, vỏ sò, ốc các loại … để xây dựng chủ đề lớp học.
+ Cùng trẻ làm đồ dùng đồ chơi để trang trí lớp.
+ Tham quan: Có thể thực hiện khi triển khai các chủ đề Quê hương, Giáo
thông, Nước và thời tiết (mùa hè), Thực vật… Trong quá trình tham quan cô và trẻ
có thể thu nhặt các nguyên liệu để trang trí chủ đề: lá cây, đá, sỏi…
- Trang trí lớp theo chủ đề: Đầu năm học, các lớp được trường cung cấp
đầy đủ các nguyên, vật liệu cần thiết (xốp màu, keo dán, giấy màu…) để trang trí
các mảng tường của lớp theo chủ đề đầu tiên của chương trình: chủ đề Trường
mầm non. Giáo viên cắt, dán hoặc sưu tầm hình ảnh về trường mầm non để trang trí
lớp. Trong quá trình trang trí, giáo viên phải dự định vị trí các góc chơi phù hợp với
lớp mình để gắn tên các góc. Các tranh, ảnh trang trí đều được gắn kèm từ để trẻ
được làm quen chữ cái. Ngoài các tranh, ảnh theo chủ đề nhà trường đã trang bị
cho lớp, tôi thường khuyến khích giáo viên tự làm hoặc sưu tầm các hình ảnh về
chủ đề trường mầm non từ tranh, ảnh, sách báo, internet, … để làm phong phú hơn
chủ đề của lớp mình.
Khi triển khai một chủ đề mới, giáo viên cùng trẻ trò chuyện về nội dung chủ
đề, tìm kiếm nguyên, vật liệu để trang trí chủ đề mới. Ví dụ: chủ đề Gia đình, sau
7
khi tổ chức trò chuyện, xem một số hình ảnh về chủ đề, cô cùng trẻ vẽ, tô màu, cắt
dán hoặc sưu tầm tranh ảnh về gia đình để làm tranh chủ đề và trang trí các mảng
tường. Phân công trẻ mang một số nguyên vật liệu: lon bia, vải vụn, vỏ hộp các loại
…. đến lớp làm đồ chơi. Một chủ đề không nhất thiết phải trang trí hoàn chỉnh ngay
từ khi bắt đầu, mà có thể bổ sung dần qua từng nhánh nhỏ của chủ đề cho đến khi
kết thúc chủ đề. Ví dụ Chủ đề : “Thế giới động vật” có các chủ đề nhánh là:
+ Nhánh 1: Những con vật đáng yêu (Vật nuôi trong gia đình)
+ Nhánh 2: Những con vật ngộ nghĩnh (Động vật sống trong rừng)
+ Nhánh 3: Thủy cung của bé (Động vật sống dưới nước)
+ Nhánh 4: Con gì biết bay? (Chim - Côn trùng)
Cô và trẻ lần lượt trang trí hình ảnh các con vật của từng nhánh nhỏ theo
phân phối thời gian thực hiện chủ đề (mỗi tuần 01 nhánh). Khi có đủ một số tranh,
ảnh cần thiết để trang trí chủ đề, cô cùng trẻ thảo luận xem nên chọn loại tranh nào
để dán các mảng tường, tranh nào có thể treo để tạo không khí sinh động cho lớp
học. Việc trang trí các hình ảnh trên tường giáo viên yêu cầu lựa chọn và sắp xếp
sao cho có thể sử dụng làm tình huống hoặc phương tiện giáo dục cho các hoạt
động có chủ đích trong chủ đề. Ví dụ: Chủ đề Động vật – khối Chồi – tôi gợi ý để
giáo viên trang trí hình các con vật có số lượng sao cho có thể sử dụng làm trò chơi
luyện tập khi học Toán: “hãy tìm xung quanh lớp, nhóm cá có số lượng ít hơn 3”;
hoặc sử dụng hình ảnh các loại quả được trang trí trong chủ đề thực vật, cô yêu cầu:
“ tìm cho cô chùm quả có màu đỏ” khi dạy hoạt động nhận biết phân biệt ở nhóm
trẻ …
Hiệu quả: Khi tổ chức thực hiện biện pháp này tôi nhận thấy đa số giáo viên
đã nhận thức được tầm quan trọng của của việc lập kế hoạch trang trí lớp theo chủ
đề và thực hện tốt các kế hoạch đã đề ra. Các mảng tường của lớp được trang trí
các hình ảnh vừa đảm bảo tính thẩm mỹ (đẹp, hấp dẫn trẻ), vừa đảm bảo các yêu
cầu giáo dục (có thể sử dụng các mảng trang trí làm phương tiện dạy học), trẻ rất
thích được tham gia các hoạt động cùng cô trang trí môi trường lớp học.
8
2. Xây dựng các góc hoạt động trong lớp:
Xây dựng các góc hoạt động trong lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động
cá nhân hoặc nhóm nhỏ theo hứng thú và nhu cầu riêng của trẻ với các hình thức
hoạt động phong phú, đa dạng, qua đó giúp trẻ tìm hiểu và khám phá cái mới, tích
cực tìm hiểu các chức năng sử dụng của đồ dùng đồ chơi và rèn luyện các kỹ năng
giao tiếp, hợp tác cùng bạn, hoặc tự giải quyết các nhiệm vụ, …
Do phòng học được cải tạo từ một cơ quan trước đây nên rất nhỏ hẹp, đòi
hỏi giáo viên phải biết thiết kế các góc hoạt động sao cho phù hợp với tình hình
thực tế của lớp mình. Trên cơ sở các góc hoạt động giáo viên đã xây dựng, tôi
thường góp ý cách bày trí nhằm phát huy tối đa diện tích cho trẻ hoạt động: cách
sắp xếp các góc; cách đặt tên góc chơi; trưng bày đồ dùng đồ chơi; …
- Cách sắp xếp các góc hoạt động: Vị trí các góc chơi phải hợp lý, thuận
tiện và có đủ không gian cho trẻ hoạt động. Các góc yên tĩnh (góc học tập, góc
sách…) xa góc hoạt động ồn ào (góc phân vai, góc xây dựng…). Sử dụng các giá
tạo hình, các loại bảng thấp, để làm hàng rào phân góc vừa không che khuất tầm
nhìn, vừa đảm bảo các lối đi để trẻ hoạt động liên góc. Diện tích trong mỗi góc hoạt
động tùy thuộc vào số lượng trẻ chơi và số lượng đồ dùng đồ chơi trong góc. Ví dụ:
góc phân vai - chủ đề Thực vật – nếu giáo viên bố trí 2 hoạt động: vừa có cửa hàng
rau, vừa nấu ăn (chế biến các món ăn từ rau củ) thì diện tích phải rộng hơn, số
lượng trẻ chơi nhiều hơn so với 1 hoạt động trong cùng góc.
Thay đổi nội dung các góc chơi trong cùng chủ đề nhằm tạo sự mới lạ, kích
thích hứng thú của trẻ. Ví dụ: góc xây dựng – chủ đề Thực vật – tuần 1 và 2 xây
vườn rau hoặc vườn cây ăn quả; tuần 3 và 4 xây công viên … Hoặc góc phân vai –
Chủ đề Gia đình: Tuần 1 và 2 chơi đóng vai các thành viên gia đình, tuần 3 và 4
chơi bán rau, củ quả, đồ dùng gia đình. Sau khi kết thúc một chủ đề, các góc sẽ
được sắp xếp lại với các đồ dùng, đồ chơi phù hợp với chủ đề mới.
- Đặt tên các góc:
9
Những năm trước đây, tên các góc được đặt theo sách hướng dẫn chương
trình, rất khô khan như: góc xây dựng, góc phân vai, góc học tập, góc thư viện…
Từ khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tôi chỉ đạo giáo
viên trang trí các góc lớp bằng những cái tên ngộ nghĩnh, gần gũi với các bé, chẳng
hạn góc Xây dựng: Bé là thợ xây, Kỹ sư tí hon, … hoặc Góc Thư viện: Mời bạn
xem, Những cuốn sách kỳ lạ, Thư viện của bé … hay góc phân vai: Bé thích nấu
ăn, Đầu bếp tí hon…
- Đồ chơi, đồ dùng ở các góc:
Đồ dùng đồ chơi ở các góc phải phù hợp với mức phát triển của trẻ và phù
hợp với đặc điểm địa phương. Trên thực tế trường đã trang bị các đồ dùng đồ chơi
cần thiết cho lớp như gạch xây dựng các loại, đồ chơi gia đình, các loại rau củ quả
nhưng số lượng còn hạn chế, giáo viên phải tìm kiếm nguyên vật liệu, làm đồ chơi
bổ sung cho các góc. Sử dụng các loại phế liệu, nguyên vật liệu sẳn có tại địa
phương để làm đồ chơi cho trẻ, từ các loại chai nhựa, vỏ hộp sữa, hộp bánh kẹo,
ống hút, đá, sỏi, lá cây, xốp màu… để làm đồ dùng đồ chơi. Mỗi loại vật liệu có thể
có thể dùng cho các góc và các hoạt động khác nhau: vỏ hộp sữa thay thế gạch làm
hàng rào, đá sỏi làm hòn non bộ ở góc xây dựng; hộp bánh kẹo dùng chơi bán hàng
ở góc phân vai; ống hút, xốp màu, lá cây chơi ở góc tạo hình… Có những loại vật
liệu được sử dụng nhiều lần cho các góc chơi và các chủ đề chơi khác nhau. Ví dụ
các hộp bánh kẹo, hộp bánh Snack, các loại quả dùng để chơi bán hàng ở góc phân
vai của chủ đề Gia đình, khi sang chủ đề Tết và mùa xuân, được dùng làm nguyên
liệu cùng với giấy màu xanh, dây buộc, giấy kiếng màu để gói bánh chưng, bánh
tét hoặc trang trí thành các hộp quà, giỏ quà ở góc tạo hình.
Những đồ chơi dễ làm, khuyến khích trẻ tham gia cùng cô, chẳng hạn tô, vẽ
tranh để trang trí, dùng bút dạ vẽ thêm các chi tiết trên các hòn sỏi theo sự tưởng
tượng của trẻ làm đồ chơi theo ý thích để trưng bày, hoặc mang các chai nhựa, vỏ
hộp bánh kẹo, vỏ sò, ốc… đến lớp để làm đồ dùng đồ chơi. Ngoài ra vận động phụ
10
huynh hỗ trợ thêm các loại đồ chơi bằng nhựa như các loại rau củ quả, các con vật
để làm phong phú hơn đồ dùng đồ chơi của các lớp.
- Trưng bày – trang trí góc hoạt động: Việc bố trí, trưng bày các thiết bị,
đồ dùng, đồ chơi phải phù hợp mục tiêu yêu cầu giáo dục của chủ đề. Khi triển khai
chủ đề nào, môi trường các góc phải phản ánh được chủ đề đó. Ví dụ:
Chủ đề Giao thông, các góc hoạt động đều được trưng bày thể hiện nội dung
của chủ đề:
- Góc xây dựng: trưng bày gạch các loại hoặc vỏ hộp sữa; sỏi, đá; các loại
phương tiện và biển báo giao thông; một vài cây, hoa để trang trí… (chơi xây
đường phố, bến xe…)
- Góc phân vai: các loại phương tiện giao thông, vé số (giả tiền), giấy vụn
(vé xe), trang phục cảnh sát giao thông… (chơi đóng vai cảnh sát giao thông, gia
đình đi nghỉ mát …)
- Góc học tập: Tranh, ảnh, lô tô, đôminô các phương tiện giao thông … (chơi
lô tô, đôminô, phân loại các phương tiện giao thông…)
- Góc nghệ thuật: Giấy màu, bút vẽ, kéo, hồ, khăn lau, vỏ hộp các loại, giấy
báo … (vẽ, cắt, dán, gấp hình các phương tiện, biển báo giao thông …)
- Góc thư viện: bổ sung một số sách chủ đề giao thông: Một phen sợ hãi, vì
sao thỏ cụt đuôi, Xe lu và xe ca, Gấu con qua đường…
- Góc thiên nhiên: Đồ chơi với nước, giấy các loại…( chơi xếp thuyền, thả
thuyền…)
Thế nhưng khi chuyển sang chủ đề Quê hương – Đất nước – Bác Hồ các góc
được thay đổi với cách trưng bày sau:
- Góc xây dựng: vỏ hộp sữa, nước ngọt, gạch xây dựng, mô hình Lăng Bác,
cây, hoa, thảm cỏ (xây Lăng Bác…)
- Góc phân vai: vỏ sò ốc các loại, một số loại quả, bánh đặc sản Hà Tiên: trái
sơn trà, vải rừng, bánh thốt nốt (chơi bán hàng, chế biến các ăn từ hải sản…)
11
- Góc học tập: Tranh, ảnh về Bác Hồ; các di tích, danh lam thắng cảnh của
Hà Tiên, đá sỏi nhỏ … (làm album về Bác Hồ, Hà Tiên, chơi Ô ăn quan…)
- Góc nghệ thuật: Lá cây, đá sỏi, hột hạt, ống hút, xốp màu, đất sét… (cho trẻ
làm nhẫn, dây chuyền, đồng hồ, các con vật … từ lá cây, đá sỏi; gói bánh thốt nốt,
làm bông hoa từ xốp màu, ống hút…
- Góc thư viện: Sự tích bánh chưng bánh dày, truyện Thạch Sanh, Sự tích
Chú Cuội, Sự tích Hồ Gươm, Sự tích núi Ông cọp, …
- Góc thiên nhiên: Đồ chơi với nước, chai, lọ, ca, cốc, … (chơi đong lường
nước…)
Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu trong từng góc được sắp xếp phải dễ thấy,
dễ lấy, dễ lựa chọn. Những thiết bị đồ chơi nặng đặt ở dưới, những đồ chơi có
nhiều bộ phận phải đặt theo bộ. Màu sắc, hình dáng đồ dùng đồ chơi đẹp, hấp dẫn,
đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, bàn ghế và đồ dùng cá nhân của trẻ phải được
xếp gọn vào một góc lớp, tránh che khuất các mảng trang trí và các góc hoạt động.
Hiệu quả: Khi áp dụng biện pháp trên tôi nhận thấy: Đa số giáo viên đều
biết cách sắp xếp các góc hoạt động hợp lý, phù hợp mục tiêu, yêu cầu giáo dục của
từng chủ đề và điều kiện thực tế từng lớp học. Tên các góc chơi đơn giản, dễ hiểu,
gần gũi đối với trẻ. Đồ dùng đồ chơi các góc tương đối phong phú, sử dụng các
nguyên vật liệu mở, đảm bảo an toàn đối với trẻ.
3. Hướng dẫn trẻ hoạt động:
Để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của các góc hoạt động, giáo viên phải
cho trẻ được tham gia vào các hoạt động một cách tích cực. Bởi vì, một môi trường
vật chất dù được xây dựng phong phú, nhưng chỉ để trưng bày cho đẹp mắt, không
cho trẻ chạm vào vì sợ phá hỏng bao công sức trưng bày thì môi trường đó giống
như những ảo ảnh trong sa mạc không giúp ích được gì cho cô và trẻ. Do đó, giáo
viên phải thiết lập môi trường giao tiếp hòa đồng, cởi mở, thân thiện, khuyến khích
trẻ tham gia vào các hoạt động của lớp.
12
Đối với những trẻ thụ động hoặc các độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo bé giáo viên
khuyến khích trẻ chơi bằng cách nhập cuộc vào trò chơi trong thời gian ngắn. Ví dụ
ở cửa hàng ăn uống (lớp mầm), giáo viên đóng vai khách hàng và nói với trẻ đóng
vai người bán hàng: “Hôm nay cửa hàng bác có những món ăn nào? Bác bán cho
tôi một tô phở mang về nhé!” Sau khi được phục vụ, giáo viên lại nói: “Bao nhiêu
tiền vậy bác? cảm ơn bác!”. Khi thấy cô làm như vậy trẻ sẽ bắt chước làm theo, biết
cách xưng hô và lễ phép trong giao tiếp.
Đối với trẻ ở các độ tuổi lớn hơn, giáo viên chỉ cần gợi mở để trẻ triển khai
các hoạt động chơi trong góc. Hoặc nhập cuộc vào trò chơi với tư cách là người
trung gian quan sát. Chẳng hạn: “Các chú công nhân định xây công trình gì? Trong
công trình có những khu vực nào? ”
Thường xuyên gợi mở, khuyến khích trẻ mở rộng mối quan hệ qua lại với
các góc chơi làm cho nội dung chơi thêm phong phú. Ví dụ các chú công nhân mua
vật liệu xây dựng, mua thức ăn, hoặc khám bệnh, các góc khác có thể tham quan
công trình xây dựng, hoặc tham quan triển lãm các tác phẩm tạo hình ở góc nghệ
thuật…
Trong quá trình hoạt động giáo viên phải bao quát, chú ý đến hứng thú và tôn
trọng ý thích cá nhân, không áp đặt trẻ.
Hiệu quả: Đa số trẻ mạnh, tự tin, tích cực tham gia vào các hoạt động của
lớp. Thông qua các hoạt động chơi, trẻ học được cách sử dụng đồ dùng đồ chơi một
cách khéo léo, biết cách cư xử trong giao tiếp, vốn từ ngữ được mở rộng góp phần
phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
III. HIỆU QUẢ CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM:
1. Phạm vi áp dụng:
Đề tài sáng kiến kinh nghiệm này chỉ đề cập đến các biện pháp giúp giáo
viên ở trường Mầm non Đông Hồ, xây dựng môi trường bên trong lớp học cho trẻ
hoạt động, nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng môi trường giáo dục trong trường
mầm non.
13
2. Kết quả:
Qua thời gian nghiên cứu và thực các biện pháp nêu trên, tôi đã nhận thấy
những kết quả như sau:
* Đối với giáo viên:
- Đa số giáo viên đều chủ động, linh hoạt trong việc thiết kế môi trường cho
trẻ hoạt động, có chú ý thay đổi các nguyên vật liệu, cách bày trí theo từng chủ đề
(trước đây còn để nhắc nhỡ), tạo được nhiều cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám phá
và rèn các kỹ năng một cách tích cực.
- Các mảng tường được trang trí với màu sắc tươi sáng, vừa tầm mắt trẻ, phù
hợp mục tiêu và nội dung giáo dục từng chủ đề. Nhiều sản phẩm do cô và trẻ cùng
làm như tranh chủ đề (cô vẽ trẻ tô màu), các sản phẩm tạo hình, các đồ chơi từ hoa
lá, hột hạt, phế liệu… được sử dụng để trang trí làm trẻ rất thích, vì mình đã góp
công sức vào việc tạo môi trường học tập trong lớp.
- Quá trình thiết kế môi trường giáo dục theo từng chủ đề giúp giáo viên tích
lũy thêm kinh nghiệm về sưu tầm nguyên vật liệu và sự khéo léo, sáng tạo trong
làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động. Nhiều giáo viên đã sử dụng các nguyên vật
liệu từ thiên nhiên, phế liệu để làm đồ dùng đồ chơi: lá dừa làm chong chóng, nhẫn,
đồng hồ, dây chuyền, kèn lá… hoặc dùng các hòn đá cuội cho trẻ vẽ thêm các chi
tiết để tạo thành các con vật gà, vịt, thỏ … (lớp Chồi 1); dùng ống hút, xốp màu,
chai nước ngọt tạo hình bông hoa (lớp Lá 2); dùng xác dừa đã qua sử dụng phơi
khô, mút xốp, đá sỏi làm thí nghiệm vật chìm, vật nổi (lớp Lá 1); Hơn 90% lớp
dùng vỏ sò, ốc các loại cho trẻ chơi bán hàng, nấu ăn, làm đồ dùng dạy học ở các
môn hình thành biểu tượng toán sơ đẳng, Làm quen môi trường xung quanh của
chủ đề Động vật. Riêng năm học 2011-2012, trong Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm
của trường có 21/22 giáo viên tham gia, 10 bộ đồ dùng được chọn dự thi cấp thị xã
và 02 bộ đồ dùng được chọn triển lãm ở Sở Giáo dục tỉnh Kiên Giang. Cấp trường
có 15 đồ dùng xếp loại A, 04 loại B, 02 loại C; cấp thị xã đạt 02 loại B và 02 C.
* Đối với trẻ:
14
- Trẻ biết sử dụng đồ dùng, đồ chơi khéo léo hơn, biết tạo ra nhiều sản phẩm
đẹp, sáng tạo khi được hoạt động với các nguyên vật liệu mở.
- Trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia vào các góc hoạt động của lớp. Trẻ
thích chơi cùng bạn, biết được nhiệm vụ của mình và bạn trong khi chơi, có thái độ
tự giác cùng bạn đến góc chơi, biết hợp tác chia sẻ cùng bạn để hoàn thành các vai
chơi, nhiệm vụ chơi trong góc. Chẳng hạn để lắp ghép được ngôi nhà làm bằng
giấy cacton (trong góc xây dựng – Chủ đề Gia đình) đòi hỏi phải có từ 2-3 trẻ khéo
léo phối hợp cùng nhau mới hoàn thành. Hoặc trò chơi Bác sĩ (góc phân vai – Chủ
đề Nghề nghiệp), trẻ đóng vai bác sĩ và bệnh nhân phải thể hiện trọn vẹn vai chơi
từ lúc bắt đầu khám bệnh cho đến cho toa, tiêm thuốc… Thông qua các mối quan
hệ trong các vai chơi, giao tiếp giữa các trẻ không ngừng được mở rộng làm tăng
thêm vốn từ đây là tiền đề cần thiết giúp trẻ học tốt Tiếng việt ở trường phổ thông.
15
Một số hình ảnh thiết kế môi trường hoạt động ở các lớp:
Tranh trang trí theo chủ đề (Lá 2)
Góc nghệ thuật (Mầm 3) Góc phân vai (Mầm 3)
16
Góc khám phá khoa học (Chồi 2) Góc Xây dựng (Mầm 1)
Góc Những cuốn sách kỳ lạ
17
Sản phẩm của trẻ làm (Lá 2)
Các hoạt động trong góc xây dựng và góc phân vai (Lá 1)
18
KẾT LUẬN
1. Ý nghĩa của sáng kiến kinh nghiệm:
- Công tác xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động có vai trò đặc biệt quan
trọng đối với sự phát triển của trẻ: giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu nhận thức, tìm tòi
khám phá thế giới xung quanh, trẻ học được cách cư xử - giao tiếp, hợp tác cùng
bạn. Môi trường học tập phong phú, đa dạng giúp trẻ có cơ hội lựa chọn hoạt động
phù hợp khả năng và ý thích của mình, từ đó trẻ mạnh dạn, tự tin giải quyết tốt các
nhiệm vụ được giao.
- Giúp giáo viên có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và sự cần thiết của việc
xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện giúp
cho giáo viên thêm phần khéo léo, sáng tạo trong việc thiết kế các góc hoạt động,
làm đồ dùng đồ chơi, trang trí lớp theo chủ đề phù hợp với mục tiêu chương trình
giáo dục mầm non mới.
2. Khả năng áp dụng:
Đề tài sáng kiến kinh nghiệm đã được áp dụng có kết quả tương đối tốt ở
trường mầm non Đông Hồ và có thể nhân rộng ở một số đơn vị trong tỉnh.
3. Bài học kinh nghiệm:
Xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động là một công việc hết sức quan trọng
trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non. Nó đòi hỏi người giáo
viên phải nắm vững mục tiêu chương trình giáo dục mầm non, phải quan tâm đến
nguyện vọng, các đặc điểm tâm sinh lý trẻ, và phải có sự kiên trì, khéo léo, sáng tạo
trong việc thiết kế môi trường cho trẻ hoạt động.
- Người phụ trách công tác chuyên môn phải gợi ý giúp giáo viên định
hướng và điều chỉnh các thiết kế môi trường giáo dục của lớp phù hợp mục tiêu chủ
đề và điều kiện thực tế của lớp.
19
- Phải làm cho giáo viên có sự chuyển biến về mặt nhận thức, coi việc tự bồi
dưỡng và học tập là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao trình độ
chuyên môn.
- Phải xây dựng được một tập thể đội ngũ giáo viên có tay nghề vững vàng,
chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ được giao đạt yêu cầu.
- Phải có kế hoạch xây dựng môi trường cho trẻ hoạt động phù hợp với độ
tuổi mầm non, và mục tiêu giáo dục của chủ đề.
- Thường xuyên cung cấp mở rộng vốn kinh nghiệm cho trẻ qua các buổi trò
chuyện, thảo luận, các buổi tham quan dã ngoại
- Đồ dùng đồ chơi phải đa dạng, phong phú, đẹp, hấp dẫn, sáng tạo có tác
dụng thu hút, lôi cuốn trẻ, tạo cho trẻ niềm say mê khám phá và húng thú hoạt
động. Định kỳ hàng năm, trường tổ chức Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm trong đội
ngũ giáo viên; khen thưởng kịp thời những giáo viên có những đồ dùng sáng tạo,
đạt các yêu cầu về sư phạm, kỹ thuật, thẩm mĩ, kinh tế và hiệu quả sử dụng nhằm
khuyến khích phong trào làm đồ dùng dạy học trong nhà trường.
- Khi tổ chức hướng dẫn các hoạt động cho trẻ phải nhẹ nhàng, thoải mái,
tránh gò ép. Mặt khác có sự phối hợp với phụ huynh bổ sung nguyên liệu mở để
kích thích trẻ hoạt động
- Nên sử dụng sản phẩm của trẻ vào việc thiết kế, tạo lập môi trường
hoạt động
Đông Hồ, ngày 27 tháng 05 năm 2012
NGƯỜI VIẾT
ĐOÀN THỊ PHƯỢNG
20
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho
Giáo viên mầm non chu kỳ II.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Tài liệu bồi dưỡng Cán bộ quản lý và
giáo viên Mầm non năm học 2009-2010
21
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo
dục mẫu giáo 2010
22