ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
LÊ THÚY HẰNG
MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC
- LIÊN HỆ VÀO LĨNH VỰC KINH DOANH
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI - NĂM 2006
MỤC LỤC
Trang
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1
MỞ ĐẦU
2
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA
PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC - LIÊN HỆ TRONG LĨNH
VỰC KINH DOANH
6
1.1. Các khái niệm cơ bản
6
1.1.1. Pháp luật và pháp luật kinh doanh
6
1.1.1.1. Khái niệm pháp luật
6
1.1.1.1. Khái niệm pháp luật kinh doanh
6
1.1.2. Đạo đức và đạo đức kinh doanh
7
1.1.2.1. Khái niệm đạo đức
7
1.1.2.2. Khái niệm đạo đức kinh doanh
8
1.2. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức - liên hệ trong lĩnh vực
kinh doanh
10
1.2.1. Tính chất của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
10
1.2.2. Những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa pháp luật và
đạo đức - liên hệ trong lĩnh vực kinh doanh
12
1.2.2.1. Đạo đức giúp lấp đầy những “khoảng trống” của pháp luật
12
1.2.2.2. Pháp luật ghi nhận và bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp
14
1.2.2.3. Pháp luật và đạo đức về cơ bản có sự thống nhất
16
1.2.2.4. Tuân thủ pháp luật là một trong những con đường hình
thành thói quen đạo đức
19
1.2.2.5. Tự nguyện tuân thủ pháp luật là một trong những
nguyên tắc cơ bản của đạo đức
20
Chương 2. SỰ THỂ HIỆN CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁP
LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG THỰC TIỄN PHÁP
LUẬT VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH Ở VIỆT NAM
HIỆN NAY
23
2.1. Sự cần thiết của việc xem xét mối quan hệ giữa pháp luật và đạo
đức trong thực tiễn pháp luật và hoạt động kinh doanh ở Việt
Nam hiện nay
23
2.1.1. Ý nghĩa của việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và pháp
luật trong kinh doanh
23
2.1.2. Mục tiêu xây dựng nền kinh tế lành mạnh vận hành theo cơ
chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
25
2.2. Thực tiễn pháp luật và đạo đức trong hoạt động kinh doanh ở
Việt Nam hiện nay
25
2.2.1. Thực hiện nghĩa vụ thuế
27
2.2.1.1. Khái niệm thuế và ý nghĩa của thuế
27
2.2.1.2. Hiện trạng thực hiện nghĩa vụ thuế của các cơ sở kinh doanh
28
2.2.1.3. Nguyên nhân của hiện tượng trốn lậu thuế ở Việt Nam
31
2.2.2. Chống cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát độc quyền
33
2.2.2.1. Các khái niệm và ý nghÜa ph©n tÝch
33
2.2.2.2. Một số dẫn chứng về hiện tượng cạnh tranh không lành
mạnh và độc quyền ở Việt Nam hiện nay
35
2.2.2.3. Nguyên nhân của hiện tượng cạnh tranh không lành
mạnh và độc quyền ở Việt Nam hiện nay
40
2.2.2.4. Pháp luật về ngăn chặn và xử lý hiện tượng cạnh tranh
không lành mạnh, độc quyền
42
2.2.3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
45
2.2.3.1. í nghĩa phân tích
45
2.2.3.2. Thc trng tuõn th phỏp lut v o c kinh doanh
trong vic bo v quyn li ngi tiờu dựng Vit
Nam hin nay
45
2.2.3.3. Nguyờn nhõn ca hin tng ngi tiờu dựng Vit Nam
cha thc s c tụn trng
48
2.2.4. Bo v ngi lao ng
49
2.2.4.1. í nghĩa phân tích
49
2.2.4.2. Hin trng thc hin phỏp lut lao ng ca cỏc c s
kinh doanh
50
2.2.4.3. Nguyờn nhõn ca hin tng vi phm trỏch nhim ca
ch s dng lao ng
55
2.2.5. Bo v mụi trng
59
2.2.5.1. í ngha phõn tớch
59
2.2.5.2. Thực trạng ứng xử đối vỡi môi trờng
của các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam
hiện nay
60
Chng 3. MT S GII PHP NHM XY DNG í THC V
THểI QUEN TUN TH PHP LUT V O C
TRONG KINH DOANH VIT NAM
62
3.1. Nguyờn nhõn ca nhng hn ch trong vic thc thi phỏp lut
v o c trong hot ng kinh doanh Vit Nam hin nay
62
3.1.1. Tõm lý coi thng thng nghip v thng nhõn
62
3.1.2. Mt nn kinh t th trng mi hỡnh thnh
63
3.1.3. o c kinh doanh l mt khỏi nim mi m
64
3.1.4. H thng phỏp lut kinh doanh cũn nhiu im hn ch
64
3.2. Một số giải pháp nhằm xây dựng ý thức và thói quen tuân thủ
pháp luật và đạo đức trong kinh doanh ở Việt Nam
65
3.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật
65
3.2.2. Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng một
nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên
nghiệp và hiện đại
69
3.2.3. Khuyến khích việc cam kết và thực hiện trách nhiệm xã hội
của doanh nghiệp
72
3.2.4. Khơi dậy tinh thần toàn dân kinh doanh vì mục tiêu dân giàu
- nước mạnh
76
3.2.5. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và đạo đức, đặc
biệt là đào tạo các nhà kinh doanh tương lai vừa có đủ đạo
đức vừa có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế
77
3.2.6. Phát huy vai trò của các hiệp hội trong việc khuyến khích
kinh doanh có đạo đức, hợp pháp và nâng cao tính cộng
đồng của doanh nhân Việt Nam
78
KẾT LUẬN
81
TÀI LIỆU THAM KHẢO
83
1
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Ký hiệu các chữ viết tắt
Chữ viết đầy đủ
- XHCN
xã hội chủ nghĩa
- TNHH
trách nhiệm hữu hạn
- BHXH
bảo hiểm xã hội
- CoC
Bộ Quy tắc ứng xử - Code of Conduct
MỞ ĐẦU
2
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngày nay, các quy phạm pháp luật có xu hướng được ban hành nhiều
hơn, khiến cho không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang sống
trong một xã hội mà cái gì không được quy định, hành vi nào không được đề
ra khuôn mẫu bắt buộc và không bị răn đe bởi các chế tài thì con người ắt có
xử sự không đúng đắn? Nhưng tại sao pháp luật ngày càng chặt chẽ mà tội
phạm lại ngày càng gia tăng, xã hội ngày một phức tạp? Như vậy có phải khi
pháp luật lên ngôi cũng có nghĩa là đạo đức đã xuống cấp hay không?
Hãy nhìn vào một trong những lĩnh vực nóng bỏng hiện nay là kinh
doanh. Tại sao đã qua 20 năm đổi mới theo cơ chế thị trường chúng ta vẫn
chưa có một cộng đồng doanh nhân đích thực, chưa hoàn toàn có một cái nhìn
thực sự thiện cảm về giới kinh doanh? Tại sao những con người làm nên tâm
điểm của định hướng mà chúng ta đang theo đuổi lại vẫn còn bị gọi một cách
miệt thị là “con buôn” - một danh từ mà khi sử dụng như tính từ thì nó dùng
để chỉ những ai có bản tính tham lam, trí trá, lật lọng, sẵn sàng vì đồng tiền
hay lợi ích cá nhân của mình mà chà đạp lên lợi ích của người khác?
Tuy nhiên, dù đặt ngược vấn đề như thế nào thì khi nhìn nhận lại một
cách nghiêm túc, không ai có thể phủ nhận vai trò của mối quan hệ tương tác
giữa pháp luật và đạo đức. Xã hội không thể tồn tại một ngày mà thiếu đi sự
điều chỉnh của hai loại quy phạm này vì đó là nhu cầu mang tính tất yếu. Liên
hệ vào lĩnh vực kinh doanh, chúng ta đều phải thừa nhận một cách khách
quan rằng: vượt ra khỏi phạm vi ảnh hưởng tới những chủ thể tham gia trực
tiếp trong quan hệ kinh doanh, hành vi vi phạm pháp luật và hành xử trái đạo
đức trong kinh doanh còn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền
kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường Và chừng nào pháp luật cùng với đạo
đức chưa là tôn chỉ trong hành động của các nhà kinh doanh thì nền kinh tế
thị trường mà chúng ta đang xây dựng chưa thể phát triển lành mạnh.
3
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
- liên hệ vào lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam hiện nay”, về mặt lý luận cũng
như qua đánh giá thực tiễn để tìm ra bản chất vai trò của mối quan hệ giữa
pháp luật và đạo đức, tìm ra nguyên nhân vì đâu mà đôi khi vai trò đó lại bị
hoài nghi để đưa ra hướng khắc phục là một yêu cầu hết sức bức thiết.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức về mặt lý luận là mảng
đề tài đã được khai thác khá sâu trong một số công trình nghiên cứu, sách
tham khảo và trên các diễn đàn, đáng chú ý là:
- Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội có đề tài: “Mối quan hệ giữa
pháp luật và đạo đức trong quản lý xã hội ở Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu
khoa học cấp Bộ, do PGS, TS. Hoàng Thị Kim Quế chủ nhiệm, Hà Nội, năm
2002.
- Cuốn “Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam” của
GS. Vũ Khiêu và PGS, TS. Thành Duy, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm
2000.
Vấn đề pháp luật và đạo đức trong kinh doanh cũng đã được đề cập đến
trong không ít tác phẩm chuyên khảo và báo chí. Tuy nhiên, cách tiếp cận
trong những nghiên cứu đó hoặc chỉ thuần tuý về đạo đức kinh doanh, hoặc
chỉ trên một chế định, một lĩnh vực pháp luật cụ thể, chưa có sự phân tích
chuyên sâu theo hướng song hành giữa hai nhân tố này về mặt lý luận cũng
như trong thực tiễn các quan hệ kinh doanh một cách hệ thống.
3. Mục đích nghiên cứu của luận văn
Xuất phát từ tình hình nghiên cứu đề tài như trên, trong Luận án này
chúng tôi không đặt nặng vấn đề nghiên cứu, phân tích mối quan hệ giữa pháp
luật và đạo đức nói chung mà đặt trọng tâm là liên hệ mối quan hệ đó vào lĩnh
4
vực kinh doanh ở Việt Nam hiện nay nhằm những mục đích và nhiệm vụ chủ
yếu sau:
- Phân tích mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật trong lĩnh vực kinh
doanh để nêu bật được vai trò của hai yếu tố này và mối quan hệ giữa chúng
trong việc điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh cũng như tác động đến
hiệu quả kinh doanh.
- Phác thảo những nét cơ bản về thực thực tiễn pháp luật và đạo đức
trong kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân của các
hiện tượng được phản ánh và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức
pháp luật, tạo dựng thói quen hành xử theo đạo đức cho các chủ thể kinh
doanh.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa pháp
luật và đạo đức nói chung và trong kinh doanh nói riêng; khảo sát và đánh giá
thực trạng hệ thống pháp luật, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, thực
hành đạo đức nói chung và ở lĩnh vực kinh doanh nói riêng trong xã hội Việt
Nam hiện nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít; quan điểm của
Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa…
Các phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh… được sử
dụng để phân tích các số liệu, các ví dụ thực tế trong thực tiễn pháp luật và
đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra các nhận định và đề
xuất các giải pháp để phát huy tính tích cực của mối quan hệ giữa pháp luật
5
và đạo đức trên thực tế, nâng cao ý thức và thói quen hành xử theo pháp luật
và đạo đức trong hoạt động kinh doanh ở nước ta.
6. Ý nghĩa của luận văn
Luận văn được thực hiện trong bối cảnh nước ta đang xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu
rộng hơn vào đời sống kinh tế thế giới. Bối cảnh đó đòi hỏi các nhà làm luật,
các nhà quản lý và đặc biệt là giới doanh nhân Việt Nam cần có ý thức
nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn về vai trò của pháp luật và đạo đức trong kinh
doanh để nâng cao sức mạnh kinh tế của đất nước và uy tín của giới doanh
nhân Việt Nam.
Luận văn có thể làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo, phục vụ cho hoạt
động nghiên cứu cũng như trong thực tiễn hoàn thiện pháp luật và xây dựng
văn hóa kinh doanh ở Việt Nam.
7. Cơ cấu của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo và kết luận, Luận văn
có kết cấu gồm ba chương như sau:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo
đức - liên hệ trong lĩnh vực kinh doanh.
Chương 2. Sự thể hiện của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong
thực tiễn pháp luật và hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3. Một số giải pháp nhằm xây dựng ý thức và thói quen tuân
thủ pháp luật và đạo đức trong kinh doanh ở Việt Nam.
6
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ
GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC - LIÊN HỆ TRONG LĨNH VỰC
KINH DOANH
Trước khi bàn luận về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, đồng
thời liên hệ vấn đề đó vào lĩnh vực kinh doanh, chúng tôi muốn khái quát
những nội dung cơ bản nhất về các khái niệm này, coi đó là cái gốc đề nhìn
nhận một cách tổng thể, rộng hơn, khái quát hơn về tầm điều chỉnh của pháp
luật và đạo đức trong các quan hệ xã hội nói chung và trong kinh doanh nói
riêng.
1.1. Các khái niệm cơ bản
1.1.1. Pháp luật và pháp luật kinh doanh
1.1.1.1. Khái niệm pháp luật
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm pháp luật, nhưng một
cách chung nhất, trên cơ sở khái quát những thuộc tính và chức năng cơ bản
nhất, pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc
chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận thể hiện ý chí của giai cấp thống trị
trên cơ sở ghi nhận các nhu cầu về lợi ích của toàn xã hội, được đảm bảo thực
hiện bằng nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích trật tự
và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội [38, tr. 288].
1.1.1.2. Khái niệm pháp luật kinh doanh
Là một bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật
kinh doanh được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do
nhà nước ban hành, hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện để điều chỉnh hành
vi của các chủ thể trong quan hệ kinh doanh.
7
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật kinh doanh - quan hệ kinh doanh -
là quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.
Hoạt động đó, theo định nghĩa tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm
2005, “là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình
đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị
trường nhằm mục đích sinh lợi”.
Như vậy, kinh doanh là một khái niệm rất rộng. Với mục đích tìm kiếm
lợi nhuận, nhưng kinh doanh không chỉ là “tổ chức mua bán để thu lời" [25,
tr. 326] (mua hàng hoá từ người cung cấp và bán lại cho người mua để tìm
kiếm giá trị chênh lệch một cách giản đơn) như cách nhiều người quan niệm
trước đây mà còn bao gồm một chuỗi các hoạt động từ đầu tư vốn, đầu tư
công nghệ, xây dựng nhà xưởng, tổ chức, quản lý sản xuất, tìm kiếm thị
trường, phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ… Tất nhiên, một nhà kinh
doanh có thể thực hiện tất cả các khâu, hoặc một số khâu hay chỉ một khâu
trong quá trình đó. Nhưng dù ở khâu nào, từ phức tạp nhất đến đơn giản nhất,
từ thu lời nhỏ nhất đến có lãi cao nhất, thì vẫn không thể nhìn nhận nhà kinh
doanh như những kẻ ăn trắng mặc trơn, làm giàu trên lưng người khác. Thị
trường ngày càng tự do, mở rộng với rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong và
ngoài nước, do vậy kinh doanh thực sự là một đấu trường mà các nhà kinh
doanh thực sự phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, tài chính cho
sự tồn tại và phát triển của mình.
Do các mối quan hệ trong kinh doanh rất đa dạng và phức tạp (quan hệ
giữa cơ sở kinh doanh với nhà nước, quan hệ giữa các thành viên công ty,
quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động, quan hệ giữa cơ sở
kinh doanh với các nhà cung cấp và các khách hàng, quan hệ giữa cơ sở kinh
doanh với các chủ thể khác trong xã hội, với môi trường…), nên tầm điều
chỉnh của pháp luật kinh doanh cũng rất rộng.
8
Hệ thống pháp luật kinh doanh bao gồm: pháp luật về hợp đồng, doanh
nghiệp, cạnh tranh, tài chính, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, v.v
1.1.2. Đạo đức và đạo đức kinh doanh
1.1.2.1. Khái niệm đạo đức
Theo nghĩa chiết tự, “đạo” là “một cái đạo lý, một cái lẽ nhất định, là ai
cũng phải noi đấy mà theo” [22; tr. 614]; “đức” có nghĩa là “cái đạo để lập
thân, thiện, làm thiện, cảm hóa đến người…” [22; tr.177]. Như vậy, đạo đức
có thể hiểu là cái lẽ về việc thiện, là những chuẩn mực, những quy tắc, những
quan niệm hình thành trong xã hội về lẽ sống, về “tốt” - “xấu”, về “thiện” -
“ác”, về lương tâm, về danh dự Đạo đức có phạm vi điều chỉnh rất rộng, ở
nhiều mức độ khác nhau và hầu như bao khắp các lĩnh vực của đời sống xã
hội.
1.1.2.2. Khái niệm đạo đức kinh doanh:
“Đạo đức kinh doanh” (business ethics) cũng được xây dựng trên
những nền tảng cơ bản của đạo đức nói chung. Nó là “tập hợp các nguyên tắc,
các chuẩn mực điều chỉnh và kiểm soát hành vi kinh doanh của một cá nhân,
một nhóm người hay một nhóm ngành nghề nhất định” [36, tr. 9].
Những nguyên tắc nền tảng của đạo đức kinh doanh bao gồm:
- Nguyên tắc rèn luyện tính quan tâm đúng mức;
- Nguyên tắc bí mật;
- Nguyên tắc trung thành với những trách nhiệm đặc biệt;
- Nguyên tắc tránh sự xuất hiện xung đột về quyền lợi;
- Nguyên tắc tự nguyện tuân thủ pháp luật;
- Nguyên tắc hành động có thiện chí trong các cuộc đàm phán;
- Nguyên tắc tôn trọng hạnh phúc của mọi người;
- Nguyên tắc tôn trọng quyền tự do và các quyền hạn hợp pháp khác
[36, tr. 45-46].
9
Đạo đức trong kinh doanh được nhìn nhận ở tất cả các mối quan hệ
phát sinh trong quá trình kinh doanh của một doanh nghiệp: quan hệ giữa
doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa
doanh nghiệp với nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ, quan hệ giữa các cổ
đông, các thành viên công ty với nhau, quan hệ giữa người sử dụng lao động
và người lao động, cách hành xử của doanh nghiệp đối với môi trường…
Bên cạnh đó, đạo đức kinh doanh cũng có thể hiểu một cách rộng hơn,
ngoài các mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh thuần túy, thể hiện qua
những hành vi tương tự đạo đức hàng ngày của chủ thể kinh doanh với tư
cách là một thành viên tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội như: đền ơn
đáp nghĩa, làm từ thiện… Nếu những hành động này được thực hiện một cách
tự nguyện, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của chủ thể kinh doanh đối với xã
hội chứ không nhằm mục đích duy nhất là quảng cáo hình ảnh, đánh bóng tên
tuổi… thì đó cũng được coi là một hành vi đạo đức của chủ thể kinh doanh.
Tuy nhiên, chúng tôi không bàn về đạo đức kinh doanh theo hướng là
tất cả các hành vi đạo đức của chủ thể kinh doanh mà chỉ xem xét theo nghĩa
hẹp, tức là đạo đức gắn liền với hoạt động kinh doanh.
Theo nghĩa này, đạo đức trong kinh doanh có những khác biệt nhất định
với đạo đức trong sinh hoạt, ứng xử hàng ngày. Bởi lẽ, người kinh doanh luôn
phải quan tâm đến các yếu tố: lợi nhuận, thời cơ và thị trường. Quá trình tìm
kiếm lợi nhuận trên thị trường cũng giống như phân chia một cái bánh, nếu
người này được thêm một phần thì đương nhiên người kia sẽ không có phần
đó. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, còn hoạt động kinh doanh về bản
chất không phải là làm từ thiện. Không ai kinh doanh mà không quan tâm đến
lợi ích của mình trước tiên, kể cả những nhà kinh doanh có đạo đức nhất.
Những quy tắc đạo đức trong kinh doanh, vì thế, cũng cho phép người ta hành
xử khác với đạo đức trong sinh hoạt thường nhật.
10
Ví dụ: Trong cuộc sống hằng ngày, các quy tắc đạo đức yêu cầu con
người phải thật trung thực, thậm chí hi sinh lợi ích bản thân nếu như việc đạt
được lợi ích đó sẽ gây tổn hại - dù ít, dù nhiều - đến chủ thể khác Trong
kinh doanh lại không hẳn như vậy. Chẳng hạn, khi tham gia một thương vụ,
bên bán cố tình chào mức giá cao hơn mức mà tại đó họ có thể chấp nhận bán
với lợi nhuận hợp lý. Sau khi thương lượng, hai bên mua và bán đã thống nhất
một mức giá “thuận mua vừa bán”, thấp hơn mức giá ban đầu bên bán đưa ra,
nhưng vẫn đảm bảo bên bán có lãi. Xét dưới góc độ đạo đức hàng ngày, hành
động của bên bán là không hoàn toàn phù hợp với đạo đức vì anh ta đã cố tình
“nói thách”, muốn bên mua chịu thiệt nhiều hơn để tối đa hoá lợi nhuận cho
mình. Song trong kinh doanh, chuyện mặc cả, thương lượng để đạt tới một cái
giá thuận mua vừa bán là một cách hành xử hết sức bình thường (trừ khi nói
thách thái quá, lừa dối về giá trị hay ép giá…). Có nghĩa dưới góc độ đạo đức
kinh doanh thì việc nâng khống giá lên một chút cũng chưa thể bị đánh giá là
phi đạo đức. Bản thân bên bán cũng như bên mua hoàn toàn biết rõ và chấp
nhận điều ấy.
Ví dụ trên cho thấy rằng, quan niệm đạo đức trong kinh doanh có
những tiêu chuẩn riêng mà đôi khi chúng ta không thể lấy những khuôn khổ
tuyệt đối để áp đặt cho nó. Để đánh giá một hành vi, một quyết định là phù
hợp hay không phù hợp với đạo đức kinh doanh, chúng ta cần xem xét trên cơ
sở những chuẩn mực đạo đức chung kết hợp với đặc thù của nghề nghiệp này.
Nói như Montesquieu: “Tinh thần thương mại tạo cho con người một ý thức
về công bằng đúng mức. Một mặt nó phản đối cướp bóc, mặt khác nó phản
đối đạo đức đơn thuần khiến người ta không muốn tranh chấp gay gắt về
mình mà sao nhãng lợi ích người khác” [27, tr. 168].
1.2. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức - liên hệ trong lĩnh vực
kinh doanh
11
1.2.1. Tính chất của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
Pháp luật và đạo đức xét dưới giác độ xã hội đều tồn tại dưới dạng ý
thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng và do cơ sở hạ tầng quyết định. Giữa
pháp luật và đạo đức có mối quan hệ biện chứng. Chúng là hai khái niệm độc
lập với nhiều điểm khác biệt, nhưng với tư cách là hai loại quy phạm xã hội
quan trọng nhất trong việc điều chỉnh hành vi của mỗi con người, pháp luật và
đạo đức về cơ bản chúng vẫn hướng tới những chuẩn mực chung.
Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức thể hiện ở con đường hình
thành, hình thức, phạm vi điều chỉnh và tính chất điều chỉnh… Pháp luật chỉ
xuất hiện khi có giai cấp và nhà nước, trong khi những quy phạm đạo đức
hình thành từ rất sớm trong xã hội loài người; pháp luật được hình thành một
cách tự giác (do nhà nước ban hành) và được áp dụng chung, còn đạo đức
thường hình thành mang tính tự phát và khác nhau với từng giai cấp, tầng lớp;
pháp luật có thể tồn tại dưới hình thức thành văn và luôn chặt chẽ, chính xác,
một nghĩa, nhưng đạo đức lại không có văn bản chuyên biệt và thường rất
chung chung, mỗi người có thể nhìn nhận một vấn đề đạo đức theo nhiều cách
khác nhau; pháp luật chỉ điều chỉnh hành vi của con người trong những loại
quan hệ xã hội quan trọng nhất, nhưng đạo đức đi vào từ suy nghĩ đến hành vi
trong mọi ngóc ngách của cuộc sống con người; pháp luật hướng tới duy trì
một trật tự tối thiểu, còn đạo đức yêu cầu nhiều hơn về chân - thiện - mỹ;
pháp luật có những quy phạm thuần túy mang tính kỹ thuật, quy trình, không
mang tính luân lý và hoàn toàn nằm ngoài sự phán xét của đạo đức; pháp luật
được đảm bảo bằng cưỡng chế nhà nước, còn đạo đức được đảm bảo bằng
những biện pháp “cưỡng chế” mang tính xã hội, do vậy, sự trừng phạt của
pháp luật nghiêm khắc nhưng có thời hạn, còn sự trừng phạt của đạo đức đôi
khi dai dẳng cả đời…
12
Mặc dù có những điểm khác biệt nhưng trong tổng thể chung của các
quy phạm điều chỉnh hành vi của con người, pháp luật và đạo đức là hai yếu
tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hầu như không loại trừ nhau. Ngay từ
thời cổ đại, các nhà tư tưởng Nho gia đã khái quát rất sâu sắc về mối quan hệ
này: “Dẫn dắt bằng chính, chấn chỉnh bằng hình, dân chịu mà vô sỉ. Dẫn dắt
bằng đức, chấn chỉnh bằng lễ, biết sỉ lại tiêu chuẩn, dân mới biết tự trọng và
vào nề nếp” [Khổng Tử, dẫn theo 29, tr. 35]. “Chỉ có lòng thiện mà thôi thì
lòng thiện chưa đủ sức cai trị, chỉ có luật pháp mà thôi thì luật pháp chẳng đủ
sức làm cho người ta tuân theo” [Mạnh Tử, Ly lâu - Thượng 1, dẫn theo 29,
tr. 35]. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, pháp luật và đạo đức vẫn luôn tồn tại
và khẳng định sức mạnh, tầm quan trọng của mình trong đời sống xã hội loài
người, không cái nào triệt tiêu cái nào. Thậm chí, bước qua dần những rào cản
về giai cấp, cùng với sự hoàn thiện theo hướng công bằng, bình đẳng của
pháp luật và sự biến chuyển của các quan niệm đạo đức hiện đại, càng ngày
pháp luật và đạo đức càng tiến đến gần nhau hơn trong tiêu chí đánh giá hành
vi và bổ sung, hỗ trợ đắc lực cho nhau hơn khi điều chỉnh hành vi của con
người - bằng chính những sự khác biệt của mình. Không thể đánh giá đạo
đức và pháp luật cái nào quan trọng hơn và có sức mạnh hơn cái nào, đơn
giản vì chúng mang trong mình những sức mạnh khác nhau và hai sức mạnh
đó chỉ phát huy hết giá trị của mình trong mối quan hệ biện chứng với nhau.
Nói cách khác, “cái chân lý tạo ra động lực phát triển đồng thời là triết lý phát
triển không phải ở một bên đạo đức hay pháp luật mà chính là ở mối quan hệ
biện chứng giữa đạo đức và pháp luật” [29, tr. 38].
1.2.2. Những biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo
đức - liên hệ trong lĩnh vực kinh doanh
Một cách cụ thể, mối quan hệ biện chứng giữa pháp luật và đạo đức
được biểu hiện trên những khía cạnh sau:
13
1.2.2.1 Đạo đức giúp lấp đầy những “khoảng trống” của pháp luật
Như đã khẳng định ở trên, pháp luật chỉ điều chỉnh hành vi của con
người trong những loại quan hệ xã hội quan trọng nhất để duy trì trật tự và sự
phát triển bình thường của xã hội, nhưng đạo đức đi vào từ suy nghĩ đến hành
vi trong mọi ngóc ngách của cuộc sống con người ở mọi lĩnh vực. Có nhiều
lĩnh vực mà pháp luật không điều chỉnh được nhưng vẫn có quy phạm đạo
đức điều chỉnh, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến tình cảm như quan
hệ thầy trò, tình bạn, tình yêu… hay những quy tắc trong giao tiếp, ứng xử…
Lẽ dĩ nhiên, chẳng thể vì lý do những lĩnh vực đó không có quy phạm pháp
luật điều chỉnh mà cho rằng chúng không quan trọng. Trái lại, chúng là những
gì gần gũi, thiết thân và thường nhật nhất trong đời sống mỗi con người.
Nhưng các mối quan hệ này quá đa dạng, phức tạp, thiên biến vạn hoá, phụ
thuộc vào tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của cá nhân và không một nhà làm luật
nào có thể dự liệu chính xác cũng như đánh giá hết được các khả năng có thể
xảy ra để đặt tiêu chí chung cho chúng.
Mặt khác, pháp luật chỉ phán xét con người qua hành vi, nhưng đạo đức
phán xét con người từ suy nghĩ - sự phán xét của lương tâm, do chính chủ thể
tự phán xét trên nền tảng đạo đức xã hội mà người đó đã được hấp thu trong
quá trình nhận thức, trưởng thành. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài vùng phủ
sóng của pháp luật và chính là sức mạnh của đạo đức. Do vậy, đạo đức bổ
sung cho pháp luật, cùng với pháp luật trở thành hai công cụ quan trọng bậc
nhất để quản lý xã hội và giáo dục con người, điều chỉnh hành vi của con
người tới cái đúng đắn và cao hơn nữa là cái chân - thiện - mỹ.
Trong lĩnh vực kinh doanh, về nguyên tắc, quyền tự do kinh doanh đảm
bảo cho chủ thể kinh doanh có quyền được làm tất cả những gì pháp luật
không cấm, mà bản thân pháp luật thì chỉ có thể hoàn thiện dần chứ không
bao giờ hoàn hảo. Pháp luật khó lòng đi trước, “đón đường” thực tiễn, nhưng
14
mỗi khi xuất hiện một quan hệ mới cần điều chỉnh bằng pháp luật thì vẫn phải
trải qua thủ tục xây dựng, ban hành quy phạm pháp luật hết nhiều bước và
không ít thời gian. Ngược lại, đạo đức phản ứng một cách rất nhanh chóng
với các quan hệ xã hội, các hiện tượng xã hội mới phát sinh trong hoạt động
kinh doanh. Ngay khi chúng vừa xuất hiện, người ta đã có thể đưa ra những ý
kiến về cách hành xử thế nào là đúng, thế nào là sai trên cơ sở những nguyên
tắc đạo đức thông dụng, trong khi nhà làm luật có thể vẫn còn đang đắn đo
xem vấn đề này có nhất thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật hay không, điều
chỉnh như thế nào và ở mức độ ra sao…
Thêm vào đó, pháp luật đôi khi chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp
nhất của đạo đức trong kinh doanh [36, tr. 11]. Vì vậy, một số hành vi thực tế
xét trên phương diện đạo đức thì rất khó được chấp nhận, nhưng xét trên
phương diện pháp lý lại không có gì vi phạm. Ví dụ: quyền sở hữu công
nghiệp chỉ được bảo hộ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc theo
điều ước quốc tế mà một nước ký kết hoặc tham gia. Đó là lý do khiến cho
một số công ty Việt Nam bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (như tên thương
mại và kiểu dáng công nghiệp) tại quốc gia khác. Với tư cách là chủ nhân thật
sự của những sản phẩm trí tuệ đó, các công ty Việt Nam có thể bảo rằng họ
(những kẻ dám “ăn cắp” thương hiệu) chơi xấu - ai cũng thừa nhận như vậy,
chúng ta có thể kiện - không ai ngăn cản quyền đó, nhưng chúng ta lại không
thể thắng - đơn giản vì sản phẩm của chúng ta chưa được bảo hộ ở các quốc
gia này theo quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tóm lại, bản thân phát luật không thể dự liệu hết được những tình
huống có thể phát sinh trên thực tế, hoặc vì lý do này lý do khác mà không thể
đáp ứng được khát vọng về sự công bằng cho tất cả mọi người, bởi thế mới
nảy sinh hiện tượng "lách luật". Hành vi "lách luật" có thể gây hậu quả xấu,
xâm phạm lợi ích của người khác nhưng về nguyên tắc nhà nước không thể
15
xử lý vì không có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Khi đó, điều ngăn chặn chủ
thể kinh doanh có những hành vi gây hại không gì khác chính là đạo đức của
họ. Dư luận xã hội, sự tẩy chay của người tiêu dùng hay sự bất hợp tác của
những người vốn “cùng hội cùng thuyền” cộng với những dằn vặt về mặt nội
tâm… chính là cái giá mà nhà kinh doanh phải gánh chịu khi bỏ qua những
giá trị đạo đức.
1.2.2.2. Pháp luật ghi nhận và bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp
Có một thực tế tất yếu là những nguyên tắc đạo đức được “luật hoá”
ngày càng nhiều. Đây là sự thừa nhận công khai của nhà nước về tính đúng
đắn, hợp tình, hợp lý của các quy phạm đạo đức và cũng là cách thức hữu
hiệu để nhà nước bảo vệ chính những giá trị đạo đức này trước sự phát triển
lạnh lùng của nền kinh tế và sức xâm thực ghê gớm của đồng tiền trong việc
điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tính tất yếu của việc ghi nhận các giá trị đạo
đức tốt đẹp trong các quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay được lý giải
bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đạo đức xuất hiện trước và là tiền đề làm nảy sinh các quy
phạm pháp luật.
Đây là nguyên nhân mang tính lịch sử. Pháp luật, với tư cách là những
quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành và đảm bảo
thực hiện, được ra đời cùng với sự hình thành của nhà nước và nhu cầu tất
yếu phải có một hệ thống quy phạm chặt chẽ để điều chỉnh các quan hệ xã hội
quan trọng. Tuy nhiên, xã hội loài người đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó
mà không cần đến pháp luật. Khi đó, các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi
các phong tục tập quán và các chuẩn mực đạo đức. Đạo đức được hiểu là
những chuẩn mực, những quy tắc, quan niệm về lẽ sống, tốt - xấu, thiện -
ác… được hình thành trong cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận và có sức
mạnh áp dụng đối với các thành viên của cộng đồng ấy. Pháp luật ban đầu
16
cũng được xây dựng trên cơ sở những quy phạm xã hội có sẵn như phong tục
tập quán và đạo đức.
Thứ hai, đạo đức có sức mạnh không thể phủ nhận trong việc điều
chỉnh hành vi của con người.
Nếu như đằng sau các quy phạm pháp luật là một hệ thống các cơ quan
công quyền luôn sẵn sàng bảo vệ như toà án, quân đội, cảnh sát… thì đằng
sau các quy phạm đạo đức - xét một cách độc lập với các quy phạm pháp luật
- không hề có những thiết chế mang tính nhà nước để đảm bảo cho nó được
thi hành. Tuy nhiên, sức mạnh “cưỡng chế” của đạo đức lại nằm ở một
phương diện khác, đó là dư luận xã hội và sự tác động của lương tâm - tức là
cả tác động bên ngoài và sự thúc giục bên trong. Vì lý do trên mà không hiếm
khi con người có xu hướng chống lại các quy phạm pháp luật, nhưng lại dễ
dàng chịu khuất phục trước một nguyên tắc đạo đức hết sức bình thường vì
đơn giản họ đã lớn lên với tiềm thức và được giáo dục về nguyên tắc đạo đức
đó trước khi biết đến các quy phạm mà nhà nước bắt buộc họ phải thực hiện.
Thứ ba, sự xói mòn của ý thức đạo đức trong xã hội hiện đại.
Đây là một câu chuyện rất cũ và được nói nhiều từ khi nền kinh tế nước
ta chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường.
Một số người coi đó là “chi phí cơ hội”, tức là thứ “lợi nhuận” bị mất một
cách đương nhiên khi chúng ta lựa chọn con đường phát triển kinh tế và như
vậy hành vi của con người bị điều chỉnh bởi yếu tố lợi ích nhiều hơn là động
cơ đạo đức. Dễ dàng nhận thấy nếu không được bảo vệ bằng một cơ chế có
sức cưỡng chế hữu hình hơn thì những giá trị đạo đức tốt đẹp dần dần sẽ bị
xâm phạm không thương tiếc và để lại những hậu quả đáng tiếc về nhiều mặt
cho xã hội.
Thứ tư, nhận thức của nhà làm luật về nhu cầu ghi nhận các giá trị đạo
đức tốt đẹp trong các quy phạm pháp luật.
17
Tuyệt đại đa số các nguyên tắc đạo đức được gìn giữ đến thời điểm
hiện tại đều có tính chất tốt đẹp và vì thế nó không dễ dàng trở nên cũ kỹ hay
lạc hậu theo thời gian. Nếu những chuẩn mực đạo đức được lồng vào các quy
phạm pháp luật thì quy phạm đó sẽ có sức sống lâu bền, được thực hiện một
cách tự nguyện, tự giác. Ở đâu pháp luật được thực hiện một cách tự nguyện,
tự giác thì ở đó chi phí cho việc thực hiện pháp luật sẽ giảm đi đáng kể. Việc
ghi nhận các giá trị đạo đức trong các quy phạm pháp luật xuất phát chính từ
sự nhận thức của nhà làm luật về những giá trị tốt đẹp và sức mạnh to lớn của
đạo đức trong hệ thống các quy phạm xã hội. Sự kết hợp này sẽ tạo nên một
cơ chế điều chỉnh hoàn hảo hơn.
1.2.2.3. Pháp luật và đạo đức về cơ bản có sự thống nhất
Đây là hệ quả tất yếu của việc pháp luật được xây dựng trên những nền
tảng đạo đức sẵn có và sự phản ánh mang tính tất yếu của các giá trị đạo đức
trong các quy phạm pháp luật hiện đại.
Rõ ràng, pháp luật mặc dù do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và
đảm bảo thực hiện nhưng điều đó không có nghĩa pháp luật thuần tuý thể hiện
ý chí chủ quan của riêng nhà nước, nhà nước muốn quy định thế nào cũng
được. Sứ mệnh của pháp luật là sinh ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục
vụ xã hội. Do vậy, pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở những giá trị
được xã hội thừa nhận chung, nói một cách chính xác hơn, pháp luật phải
được xây dựng trên cơ sở đạo đức, phù hợp với đạo đức. Bởi lẽ, phần lớn các
quan niệm đạo đức hiện tồn tại đều là những giá trị tốt đẹp đã được thử thách
qua thời gian, hay ít nhất, đó cũng là những gì đã ăn sâu vào nếp nghĩ của con
người và không dễ một sớm một chiều có thể thay đổi. Nếu pháp luật mà trái
đạo đức thì rất khó được thực hiện một cách tự giác. Chính vì vậy, tôn trọng
các quy định pháp luật, xét một cách chung nhất, cũng là tôn trọng những giá
trị đạo đức.
18
Trong thực tế, một hành vi trái pháp luật thường cũng trái đạo đức xã
hội và ngược lại, ví dụ: tương ứng với hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự
nhân phẩm bị xã hội lên án, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định chế tài cụ thể
đối với tội làm nhục người khác (Điều 121). Thậm chí, tôn trọng đạo đức,
truyền thống tốt đẹp đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của pháp luật… Tất
nhiên, cũng có trường hợp một hành vi phù hợp đạo đức nhưng trái pháp luật
và ngược lại, ví dụ: người cha giết người nhưng người con không tố cáo thì
hành vi của người con sẽ cấu thành tội không tố giác tội phạm theo Điều 314
Bộ luật hình sự. Nếu đứng trên phương diện đạo đức, cách xử sự này hoàn
toàn có thể được thông cảm, nhưng đứng trên phương diện ý thức công dân
(cụ thể ở đây là sự tôn trọng pháp luật) thì lại không thể tha thứ. Sự mâu
thuẫn này giữa pháp luật và đạo đức truyền thống được lý giải bởi nguyên tắc
pháp luật luôn phải được xây dựng trên cơ sở bảo vệ lợi ích chung và áp dụng
công bằng với tất cả mọi người. Cái “tình” là cái không thể bỏ qua, nhưng
không phải là cái chi phối tuyệt đối khi xây dựng luật.
Khi xem xét trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta có thể nhận thấy tính
thống nhất giữa pháp luật và đạo đức đã được khẳng định một cách cao độ và
biểu hiện thành một vấn đề mang tính nguyên tắc, đó là tự nguyện tuân thủ
pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của đạo đức kinh doanh.
Tuy nhiên, khi khẳng định như vậy cũng cần lưu ý rằng kể cả trong
trường hợp pháp luật hoàn toàn phù hợp với đạo đức thì việc làm theo đúng
pháp luật chưa phải lúc nào cũng là có đạo đức, tức là không thể đồng nhất
một hành vi hợp pháp với một hành vi đạo đức. Bởi lẽ, hành vi hợp pháp tồn
tại dưới nhiều dạng. Dựa vào thái độ tâm lý bên trong của con người đối với
hành vi của mình, có thể chia làm ba dạng hành vi hợp pháp cơ bản sau đây:
hành vi hợp pháp dựa trên lòng tin sâu sắc của mình vào tính cần thiết và tính
hợp lý của việc điều chỉnh bằng pháp luật; hành vi hợp pháp dựa trên sự phục
19
tùng các mệnh lệnh pháp luật mà bản thân không ý thức đầy đủ, toàn diện và
sâu sắc về các mệnh lệnh ấy; hành vi hợp pháp dựa trên sự tác động cưỡng
bức hoặc sự sợ hãi” [23, tr. 147-148]. Ở dạng thứ nhất, hành vi hợp pháp cũng
đồng nghĩa với hành vi đạo đức (trong điều kiện pháp luật phù hợp với đạo
đức). Ở dạng thứ hai và thứ ba thì hành vi đạo đức không đồng thời là hành vi
đạo đức, vì nó không xuất phát từ sự nhiệt tình hành động gắn với nhận thức
đầy đủ của chủ thể về nghĩa vụ pháp lý của mình.
Có thể thấy động cơ đơn giản nhất của chủ thể kinh doanh khi thực hiện
pháp luật là vì pháp luật có tính bắt buộc, dù không muốn cũng vẫn phải thực
hiện, nếu làm ngược lại sẽ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Chẳng hạn
như đối với nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nếu để các
doanh nghiệp tự giác nộp thì chắc chắn số tiền cơ quan bảo hiểm xã hội thu
được sẽ chẳng đáng là bao vì nó đồng nghĩa với việc tăng chi phí, giảm lợi
nhuận. Do vậy, nhà nước phải đưa ra những biện pháp xử lý như xử phạt hành
chính, truy thu tiền bảo hiểm xã hội để răn đe và buộc các doanh nghiệp phải
thực hiện nghĩa vụ luật định.
Trong khi đó, việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động xét dưới
góc độ của một hành vi đạo đức lại có những chuẩn mực cao hơn. Chủ thể
kinh doanh lựa chọn phương án đóng bảo hiểm xã hội theo pháp luật xuất
phát từ việc họ cho rằng đó là cách thức đúng đắn, tốt cho doanh nghiệp, tốt
cho người lao động và lương tâm không cho phép họ làm điều ngược lại. Bởi
thế, họ hành động thuần tuý theo tâm nguyện và ý thức về cái đúng - cái sai,
cái tốt - cái xấu, cái nên - cái không nên chứ không phải vì sợ chế tài nào cả.
Hành vi thực hiện pháp luật chỉ trở thành một hành vi đạo đức khi đạt được sự
tự nguyện như vậy.
Có thể nói, trạng thái lý tưởng nhất của hành vi pháp luật chính là khi
nó trở thành hành vi đạo đức bởi điều đó khẳng định một quy phạm pháp luật
20
cụ thể đã đáp ứng được hai yêu cầu rất quan trọng: một là tính phù hợp với
các chuẩn mực chung của xã hội, và hai là tính khả thi. Khi nghĩa vụ thực thi
pháp luật được coi là một nghĩa vụ đạo đức thì pháp luật sẽ được thực hiện
một cách tự nguyện, thiện chí, và như vậy đạo đức giúp cho chi phí để thi
hành luật (bao gồm cả việc ngăn chặn và giải quyết các tranh chấp phát sinh)
giảm đi rất nhiều.
1.2.2.4. Tuân thủ pháp luật là một trong những con đường hình thành
thói quen đạo đức
Thói quen là hành vi ứng xử của một người được lặp đi lặp lại nhiều lần
trong một loại hoàn cảnh nhất định và trở thành phương thức ứng xử mang
tính thường xuyên, ổn định của người đó khi gặp hoàn cảnh tương tự.
Một thói quen có thể được hình thành bằng nhiều cách khác nhau, về cơ
bản chia làm hai xu hướng: thói quen hình thành một cách tự nguyện, tự giác
và thói quen hình thành do bị cưỡng chế, bắt buộc lâu dần trở thành hành vi tự
nguyện.
Tuy nhiên, “thói quen không phải đơn thuần là phép cộng của các phản
xạ có tính liên kết với nhau của chủ thể” trong hành vi mà còn bao gồm cả tư
duy - cảm xúc [26; tr. 75]. Sự điều chỉnh của pháp luật đến hành vi của các
chủ thể kinh doanh để hình thành thói quen hành động hợp pháp chính là sự
tác động đến nhận thức của chủ thể về các chuẩn mực của pháp luật phù hợp
với các giá trị đạo đức xã hội.
Tính bắt buộc chung và đảm bảo bằng quyền lực nhà nước là một ưu
thế của pháp luật so với đạo đức. Ngay cả những nghĩa vụ đạo đức cơ bản
nhất, có tính nguyên tắc, không thể thiếu trong việc tạo nên một môi trường
kinh doanh, một môi trường xã hội lành mạnh, chẳng hạn như nộp thuế vào
ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối giữa thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ
ngơi cho người lao động, tôn trọng đối thủ cạnh tranh, tôn trọng với khách