ĐỀ BÀI
Dân khổ vì dự án treo….13 năm!
“Hồi mới quy hoạch tôi 46 tuổi, nay tôi gần 60 rồi. Trong suốt thời gian đó,
tôi không làm gì được. Chúng tôi như kiệt quệ ! ” - Ông Lê Thanh Nhung ở tổ 25,
phường Thạc Gián, quận Thanh Khê đã nói như vậy. Suốt 13 năm nay, 28 hộ dân ở
đây đã gửi đơn nhiều nơi, đi kêu nhiều cửa nhưng hiện dự án vẫn còn ... treo!
Kiểm định rồi để đó !
Năm 1992, các hộ dân ở tổ dân phố 38 (nay là tổ 25) phường Thạc Gián
nhận được thông báo thành phố sẽ có kế hoạch giải toả khu dân cư này. Đây là dự
án khu dân cư thuộc Ban quản lý công trình bàu Thạc Gián – Vĩnh Trung. Thông
báo quy hoạch đồng nghĩa với việc không được chuyển nhượng, không được cấp
phép xây dựng, không giải quyết cấp giấy tờ nhà đất ….
Người dân chấp hành chủ trương của thành phố. Nhưng rồi thời gian trôi
qua, họ chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy dự án khởi động. Nhiều người gửi đơn
đến các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét dự án. Đến năm 1996, dự án cử người
xuống kiểm định….Kiểm định xong chờ mãi, chờ hoài vẫn không thấy đền bù giải
toả gì. Dân lại gửi đơn thư. Năm 2000, người ta lại thấy người của dự án xuống….
kiểm định.Tiếp tục đến 2004, lại kiểm định một lần nữa rồi để đó cho tới bây giờ!
Gần 13 năm nay, nhân dân ở đây đã gửi đơn đi các cấp, kiến nghị nhiều nơi, kêu
nhiều cửa nhưng mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.
Anh Nguyễn Đức Phát nói : “Hồi thông báo triển khai dự án, con gái tôi mới
học mẫu giáo. Đến nay con tôi đã học lớp 12. Vừa rồi nghe có đoàn kiểm tra của
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đi kiểm tra, tôi đã điện thoại trực tiếp cho thứ
trưởng Đặng Hùng Võ. Nghe trình bày tình hình xong, Thứ trưởng Võ hỏi : “Các
anh đã gửi đơn đến đoàn Đại biểu quốc hội thành phố chưa?”. Thực ra hiện nay
chúng tôi không biết phải làm gì nữa!”.
Khổ vì bị …treo
Những hộ dân nói trên đã sinh sống và định cư ven bàu Thạc Gián từ những
năm 60 của thế kỉ trước. Đây là xóm lao động nghèo, phần lớn làm nghề chạy chợ,
buôn gánh bán bưng. Ông Ngô Văn Thi - tổ trưởng tổ dân phố cho biết gia đình anh
Phát là một trong những hộ nghèo ở đây. Năm 1987, anh Phát xây dựng một căn
nhà cấp 4 khoảng 40 m2, nhà có năm nhân khẩu. Căn nhà chuẩn bị đến thời kì phải
sửa chữa thì nhận được thông báo quy hoạch. Hơn 13 năm nay, gia đình anh phải
sống trong căn nhà đó. Mỗi lần mưa đến, cả nhà phải chống đỡ với sự dột nát tứ bể,
bên dưới thì nước cống tràn vào gây lụt lội triền miên. Theo diện nghèo, đáng lẽ gia
đình anh Phát được trợ cấp tôn để sửa lại nhà nhưng cần quy hoạch nên
đành…..chịu.
Gia đình anh Trịnh A còn “ bi kịch ” hơn. Căn hộ 40 m2 là nơi sinh sống của
3 hộ, 3 thế hệ với 10 người “Trước tôi có làm đơn xin làm một cái gác để có chỗ
sinh hoạt nhưng cũng không được!” – anh A nói. Quá bức xúc, năm 1998, anh A ra
ngoài gò mả dựng đại một túp liều và đưa gia đình ra đấy ở để nhường bớt chỗ lại
cho các em và mẹ già. Anh A có tất thảy 5 anh em, 2 đứa em trai đến tuổi lấy vợ
cũng không dám lấy vì …không có nơi ở. Hàng tháng, các gia đình ở đây phải trả
tiền điện lên đến 2.000đồng/kWh. Điện được tính theo giá phụ trội vì bốn, năm hộ
phải dùng chung 1 đồng hồ. Cống thoát nước không, đường sá không, nhà cửa che
đậy bằng đủ thứ nilon, vải bạt….và họ không hề được cấp một loại giấy tờ nhà đấy
nào kể từ khi có dự án đến nay.
Bao giờ?
Toàn bộ diện tích quy hoạch của khu vực này là 7.500m2, thuộc dự án khu
dân cư ven bàu Thạc Gián. Đây là dự án khai thác quỹ đất của thành phố. Cách đây
trên 5 năm, một số hộ dân nằm ở mặt tiền đường Tản Đà đã được Nhà nước đền bù
và tái định cư. Những người này sau khi ra đi rất lâu nhưng thấy dự án vẫn chưa
rục rịch gì nên quay về dựng lều buôn bán và hình thành một cái chợ xép nhỏ.
Ngày 16/11/2004, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có công văn đồng ý cho
xây dựng một chợ xép mới nơi này. Nhưng ngày 14/06/2005, cũng Chủ tịch
UBND thành phố lại có công văn không đồng ý xây dựng chợ! .
Ông Thi tổ trưởng nói : “Xóm này gọi là xóm xôi gà. Bà con ở đây mỗi ngày
nấu một nồi xôi gà và đi bán khắp thành phố. Vừa rồi thành phố có chủ trương cấm
người bán hàng rong trên một số tuyến đường. Thật khó khăn cho họ nếu không có
cái chợ nhỏ này để bà con bám vào đó mà sinh nhai!”. Và mới đây, 28 hộ dân ở
khu ổ chuột bị ảnh hưởng do quy hoạch treo này lại bàng hoàng khi nghe tin hành
lang là dự dán sẽ triển khai nhưng tất cả họ sẽ phải ra đi và không được tái định cư
tại chỗ.
Chủ tịch UBND phường Thạch Gián cho biết là thành phố đã có chủ trương
giải quyết tình trạng này. Song thấy bây giờ vẫn chưa có bất cứ một văn bản hay
tác động cụ thể nào cho thấy dự án có dấu hiệu khởi động.
Ở bên kia bàu Thạch Gián, khu dân cư thuộc tổ dân phố 20 phường Vĩnh
Trung cũng cùng chung số phận như vậy vì nó cùng một dự án bị treo gần 13 năm
nay!
(Theo tác giả Minh Sơn Báo – Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ra ngày
26/09/2005)
Qua bài báo trên đây, anh (chị ) hãy cho biết :
1. Có nhận xét, bình luận, đánh giá gì về chính sách quy hoạch và việc không
triển khai dự án thao đúng quy hoạch (quy hoạch “treo”) của các cơ quan
chức năng thành phố Đà Nẵng ?
2. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, có nên để tình trạng quy hoạch “treo” kéo
dài như phản ánh của tác giả Minh Sơn trong bài báo trên đây không? Vì
sao?.
3. Trong bài báo trên đây, sau khi anh Phát trình bày nội dung vụ việc quy
hoạch “treo” của khu vực nơi anh ở với nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên
và Môi trường Đặng Hùng Võ và nghe thứ trưởng Võ hỏi : “Các anh đã gửi
đơn đến đoàn Đại biểu quốc hội thành phố chưa? ”. Anh Phát lâm vào tình
trạng tuyệt vọng. Anh (chị) có suy nghĩ gì sau khi nghe anh Phát nói câu nói
sau : “Thật ra hiện nay chúng tôi cũng không biết phải làm gì nữa!”.
4. Trước việc người dân nghèo ở khu vực bàu Thạc Gián - Phường Thạc Gián,
quận Thanh Khê ( thành phố Đà Nẵng ) đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp
chính quyền ở thành phố Đà Nẵng phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt của họ
gặp rất nhiều khó khăn dó tình trạng quy hoạch “treo” gây ra nhưng vẫn
không được giải quyết. Anh (chị) có sáng kiến gì để họ thoát khỏi thảm cảnh
này?
5. Cần phải thực thi những giải pháp nào trong chính sách đất đai để không cho
tiếp diễn tình trạng quy hoạch “treo” như bài báo trên đã đề cập?