Tải bản đầy đủ (.pdf) (133 trang)

Hành động xin lỗi một phân tích dụng học - văn hoá trong tiếng Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.13 MB, 133 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA NGÔN NGỮ HỌC





LUẬN VĂN THẠC SỸ




HÀNH ĐỘNG XIN LỖI: MỘT PHÂN
TÍCH DỤNG HỌC-VĂN HÓA TRONG
TIẾNG VIỆT

CHUYÊN NGÀNH : NGÔN NGỮ HỌC
MÃ SỐ : 60 21 01



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : TS. VŨ THỊ THANH HƯƠNG
NGƯỜI THỰC HIỆN : NGUYỄN THẾ DƯƠNG















HÀ NỘI, 2006




1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 3
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4
3. Mục đích và nội dung của luận văn 4
4. Tư liệu và phương pháp phân tích 5
5. Đóng góp của luận văn 6
6. Bố cục của luận văn 7
CHƢƠNG 1: CƠ SỞ LÍ THUYẾT 8
1.1. Xin lỗi với tư cách là một hành động ngôn từ 8
1.1.1. Lí thuyết hành động ngôn từ 8
1.1.2. Hành động ngôn từ xin lỗi 18
1.2. Hành động xin lỗi trong cấu trúc đoạn thoại 34
1.2.1. Cấu trúc hội thoại 34
1.2.2. Hành động xin lỗi đặt trong cấu trúc đoạn thoại 38
1.3. Hành động xin lỗi và thể diện 43

1.3.1. Thể diện và hành động đe doạ thể diện 43
1.3.2. Hành động xin lỗi và thể diện 46
1.4. Tiểu kết 50
CHƢƠNG 2: CÁC CÁCH THỨC THỰC HIỆN HÀNH ĐỘNG XIN LỖI TRONG
TIẾNG VIỆT 52
2.1. Tình hình nghiên cứu các cách thức thực hiện hành động xin lỗi 52
2.1.1. Ở nước ngoài 52
2.1.2. Ở Việt Nam 55
2.2. Các cách thức thực hiện hành động xin lỗi trong tiếng Việt 58
2.2.1. Xin lỗi trực tiếp 58
2.2.2. Xin lỗi gián tiếp 70
2.3. Tiểu kết 96
CHƢƠNG 3: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƢỞNG ĐẾN VIỆC HIỆN THỰC HOÁ HÀNH
ĐỘNG XIN LỖI 98
3.1. Các nghiên cứu đi trước 98
3.2. Giới tính và hành động xin lỗi 99


2
3.2.1. Sự phân bố giới tính của người xin lỗi và người nhận 99
3.2.2. Giới tính người xin lỗi và việc hiện thực hoá hành động xin lỗi 101
3.3. Mức độ tương thân và hành động xin lỗi 104
3.3.1. Sự phân bố hành động xin lỗi trong các quan hệ tương thân 104
3.3.2. Mức độ tương thân và việc hiện thực hoá hành động xin lỗi 107
3.4. Quyền lực và hành động xin lỗi 109
3.4.1. Sự phân bố hành động xin lỗi trong các quan hệ tương thân 110
3.4.2. Quyền lực và việc hiện thực hoá hành động xin lỗi 112
3.5. Mức độ lỗi lầm và hành động xin lỗi 114
3.6. Tiểu kết 118
KẾT LUẬN 121

TÀI LIỆU THAM KHẢO 123
PHỤ LỤC 128
















3
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Kể từ khi ra đời, lí thuyết hành động ngôn từ đã có một ảnh hưởng sâu
rộng và trở thành một lí thuyết xương sống cho chuyên ngành ngữ dụng học.
Nó đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu
cho việc phân tích diễn ngôn. Lí thuyết này bác bỏ nhận định rằng mục đích
của ngôn ngữ chỉ là miêu tả một sự tình, và cho rằng khi chúng ta nói ra chính
là chúng ta đang thực hiện một hành động, chẳng hạn như: thông báo, chào,
cảm ơn, xin lỗi, đề nghị Từ đó, một hướng nghiên cứu mới được mở ra, tập
trung vào việc phân tích những loại hành động ngôn từ cụ thể.
Nằm trong số đó, hành động xin lỗi cũng nhận được nhiều sự quan tâm

của các nhà nghiên cứu. Sở dĩ có điều này là vì trong thực tế dụng ngôn, xin
lỗi là một hành động ngôn từ khá thông dụng và quan trọng. Nó thông dụng vì
nó tiềm tàng khả năng xuất hiện trong nhiều tình huống giao tiếp. Dường như
trong bất cứ một nền văn hoá nào thì xin lỗi cũng được xem như là những
phát ngôn cửa miệng, mang tính chất nghi thức cao. Nó quan trọng ở chính
chức năng sửa chữa của nó. Xã hội luôn hướng đến một thế cục tích cực và
hợp tác mà lời xin lỗi là một trong những phương tiện hữu hiệu để biểu thị
mong muốn khôi phục sự hài hoà trong xã hội. Về phương diện lí thuyết, xin
lỗi, ngay từ thời kì ngữ dụng học sơ khai, đã được xem là một trong những ví
dụ kinh điển của hành động ngôn từ. Sở dĩ có điều này là bởi lẽ lời xin lỗi có
những đặc tính tự quy chiếu (self-referential) tức là động từ trong câu quy
chiếu đến điều mà người nói đang thực hiện, tự xác nhận (self-verifying) tức
là chúng chứa đựng những điều kiện chân thực của riêng mình và bất khả
nguỵ (non-falsifiable) tức là chúng không bao giờ nhận giá trị sai theo các
điều kiện mệnh đề logic.


4
Ở Việt Nam, đã có một số tác giả tìm hiểu về hành động xin lỗi (Phạm
Thị Thành 1996, Nguyễn Văn Lập 2005). Tuy nhiên, những nghiên cứu này
chỉ hạn định trong khuôn khổ của nghi thức lời nói và còn tương đối sơ lược.
Do vậy, những nghiên cứu sâu hơn là điều cần thiết nhằm tìm hiểu những đặc
điểm mang tính chất phổ quát đồng thời cũng thấy rõ những nét đặc trưng
riêng của hành động xin lỗi trong một ngôn ngữ cụ thể. Vì những lí do trên,
chúng tôi lựa chọn đề tài "Hành động xin lỗi: một nghiên cứu về dụng học -
văn hoá" cho luận văn này.
2. ĐỐI TƢỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các phát ngôn có chứa hành động
ngôn từ xin lỗi trong tiếng Việt. Để nhận diện và phân tích các phát ngôn này
một cách hiệu quả nhất, chúng tôi không xem xét lời xin lỗi như là một phát

ngôn riêng lẻ mà đặt nó trong một khuôn khổ lớn hơn, đó là đoạn thoại. Từ
đoạn thoại chứa những yếu tố cần viện đến lời xin lỗi, ta sẽ thấy rõ hơn tình
huống và những vận động hội thoại để đi đến hành động xin lỗi đồng thời
cũng thấy rõ phản ứng của người bị phạm lỗi thông qua lời hồi đáp. Hành
động xin lỗi nghiên cứu ở đây thuộc cả hai dạng thức là trực tiếp và gián tiếp.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NỘI DUNG CỦA LUẬN VĂN
Mục đích của luận văn là phân tích các đặc điểm của hành động ngôn
từ xin lỗi trong tiếng Việt dưới góc độ dụng học- văn hoá. Để đạt được mục
đích trên, luận văn tập trung vào giải quyết ba nội dung cơ bản như sau:
a. Tìm hiểu bản chất của hành động xin lỗi trên cơ sở các lí thuyết
hành động ngôn từ, lịch sự và hội thoại.
b. Tìm hiểu các cách thức thực hiện hành động ngôn từ xin lỗi trong
tiếng Việt.
c. Tìm hiểu tác động của các nhân tố giới tính, quyền lực, mức tương
thân và mức độ lỗi lầm ảnh hưởng đến việc hiện thực hoá hành động xin lỗi
như thế nào.


5


4. TƢ LIỆU VÀ PHƢƠNG PHÁP PHÂN TÍCH
4.1. Tƣ liệu
Việc thu thập tư liệu trong nghiên cứu hành động ngôn từ nói chung và
hành động xin lỗi nói riêng cần thiết phải đạt đến cái đích là thể hiện được
những hiện dạng có thể có của hành động. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải
thu thập được nhiều tình huống phong phú nhằm thấy hết được tính đa diện
của hành động này. Với tinh thần như vậy, tư liệu của luận văn được thu thập
từ ba nguồn sau:
- Nguồn thứ nhất là tư liệu giao tiếp thực tế được thu thập trong

khuôn khổ của công trình Ngôn ngữ giao tiếp giữa người lớn –
trẻ em ở Hoài Thị (Đề tài của Viện Ngôn ngữ học hợp tác với
Đại học Toronto, Canada 2000 – 2002).
- Nguồn thứ hai là những đoạn thoại xin lỗi trong một số bộ
phim của Việt Nam được phát sóng trên Truyền hình Việt Nam
VTV từ tháng 4/2005 đến tháng 5/2006.
- Nguồn thứ ba là một số tác phẩm văn học của Việt Nam trong
thế kỉ XX.
(Danh sách phim truyện và tác phẩm văn học được dùng làm tư liệu
trong luận văn được thống kê trong phần Phụ lục 1).
4.2. Phƣơng pháp phân tích
Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng hai phương pháp phân tích sau:
1. Phương pháp phân tích định tính: được sử dụng để phân loại và mô
tả tư liệu đã thu thập được. Cụ thể, chúng tôi thực hiện thao tác so
sánh các ngữ cảnh thu thập được, từ đó tách chúng thành hai siêu
chiến lược xin lỗi trực tiếp và xin lỗi gián tiếp. Trong hai siêu chiến


6
lược này, chúng tôi phân chia nhỏ chúng thành các chiến lược xin
lỗi cụ thể.
2. Phương pháp phân tích định lượng: được sử dụng để phân tích
thống kê tư liệu thu thập được sau khi đã được mã hoá nhờ sự hỗ trợ
của phần mềm SPSS (Về bảng mã, xin xem phần Phụ lục 2).
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
5.1. Về mặt lí luận
Kết quả của luận văn góp phần soi sáng những đặc trưng của hành động
ngôn từ xin lỗi trong tiếng Việt thông qua các dạng thức xin lỗi và các nhân tố
có thể tác động đến việc hiện thực hoá lời xin lỗi. Từ đó, nó góp phần vào
việc kiểm nghiệm lí thuyết hành động ngôn từ trong một hành động cụ thể và

một ngôn ngữ cụ thể. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến việc kết hợp của các
biểu thức xin lỗi trong một lời xin lỗi hoàn chỉnh. Nó giúp ích nhiều cho việc
có được một góc nhìn toàn diện về hành động ngôn từ này. Đây là điều mà
hầu hết các nghiên cứu về hành động xin lỗi chưa chú ý tới.
5.2. Về mặt thực tiễn
Xin lỗi, cùng với những hành động như chào, cảm ơn… là những chiếc
chìa khoá đầu tiên để người học thâm nhập vào một ngoại ngữ mới. Bất kì
một người học ngoại ngữ nào cũng cần thiết phải quan tâm ngay đến nó. Cho
nên, hầu như các giáo trình dạy tiếng đều đặt hành động xin lỗi ngay trong
những bài học đầu tiên. Song, cái hành động ngôn từ tưởng chừng đơn giản
này lại có muôn hình vạn trạng các cách hiện thực hoá, hàm chứa trong đó rất
nhiều những nhân tố dụng học và văn hoá, đòi hỏi cả người dạy và người học
phải lưu tâm nếu không muốn vấp phải những cú sốc văn hoá. Do vậy, việc
hiểu rõ bản chất, chức năng, các cách thức thực hiện cũng như các nhân tố xã
hội ảnh hưởng đến hành động này là một điều cần thiết vì nó sẽ hỗ trợ hiệu
quả và thiết thực cho việc dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.



7


6. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có ba chương như sau:
Chƣơng 1: Cơ sở lí thuyết. Chương này có nội dung tìm hiểu bản chất
của hành động ngôn từ xin lỗi thông qua các lí thuyết: Lí thuyết hành động
ngôn từ, lí thuyết lịch sự và lí thuyết hội thoại.
Chƣơng 2: Các cách thức thực hiện hành động xin lỗi trong tiếng Việt.
Chương này có nội dung là phân loại và mô tả các cách thức thực hiện của
hành động xin lỗi trong tiếng Việt trên cơ sở tư liệu thu thập được.

Chƣơng 3: Các nhân tố ảnh hƣởng đến việc hiện thực hoá hành động
xin lỗi. Chương này có nội dung là phân tích sự tác động của bốn nhân tố
giới tính, quyền lực, mức tương thân và mức độ lỗi lầm đến việc hiện thực
hoá hành động xin lỗi.



8
CHƢƠNG 1
CƠ SỞ LÍ THUYẾT
Trong chương 1, chúng tôi sẽ điểm luận các lí thuyết có liên quan đến
luận văn. Đó là các lí thuyết hành động ngôn từ, lí thuyết lịch sự và lí thuyết
hội thoại. Trên cơ sở của các lí thuyết này, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu bản
chất và chức năng của hành động ngôn từ xin lỗi.
1.1. XIN LỖI VỚI TƢ CÁCH LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG NGÔN TỪ
1.1.1. Lí thuyết hành động ngôn từ
Lí thuyết hành động ngôn từ được khởi nguồn từ nhà triết học và ngôn
ngữ học người Mĩ Austin. Sau đó, nó được tiếp thu và phát triển ở rất nhiều
các nhà nghiên cứu sau này và trở thành một trong những lí thuyết cơ bản
nhất của chuyên ngành ngữ dụng học.
1.1.1.1. Bản chất của hành động ngôn từ
Trong tác phẩm How to do things with words (1965), Austin đã tiến
hành việc nhìn nhận lại điều mà ông gọi là ảo tưởng miêu tả (descriptive
fallacy). Theo Austin, lâu nay, người ta dường như đã quá quen với một giả
định triết học rằng nhiệm vụ của một câu chỉ gói gọn trong việc “miêu tả” một
số sự tình hoặc “thông báo một số sự thật”, và câu đó phải nhận một trong hai
giá trị chân hoặc nguỵ. Tuy nhiên, giả định này sẽ phải đối mặt với những
thách thức thực sự từ những phát ngôn kiểu:
Hoa hậu Việt Nam đẹp nhất thế giới.
hoặc:

Monet là hoạ sĩ tài năng hơn Manet. (ví dụ của Lyons)
Có thể thấy ngay là không thể áp dụng những tiêu chuẩn chân nguỵ của
logic cho những phát ngôn kiểu này. Chúng là những phát ngôn giả phán
đoán, tức là phản ánh những cảm nhận, quan điểm của người nói về hiện thực


9
khách quan chứ không phải để miêu tả hiện thực ấy. Thêm vào đó, chúng ta
lại có những phát ngôn kiểu:
Tôi xin lỗi chị.
hoặc:
Tôi hứa sẽ thi đấu trung thực.
thì rõ ràng, ta không phải đang nói một điều gì đó có thể đúng sai so với hiện
thực mà chính là ta đang thực hiện một hành động nhất định, ở đây là hành
động xin lỗi hoặc hành động hứa.
Từ những xuất phát điểm trên, Austin đã đưa ra một sự phân biệt giữa
phát ngôn tường thuật (constative) và phát ngôn ngôn hành (performative),
theo đó, phát ngôn tường thuật là phát ngôn nêu nhận định, còn phát ngôn
ngôn hành là phát ngôn mà khi nói ra chúng cũng chính là ta đang thực hiện
một hành động nhất định.
Những chuyên đề sau này, Austin lại tiến hành phân biệt giữa phát
ngôn ngôn hành tường minh và phát ngôn ngôn hành nguyên cấp. Từ đây, sự
phân biệt giữa phát ngôn tường thuật và phát ngôn ngôn hành không còn nữa.
Theo Austin, tất cả các phát ngôn mà người ta nói ra đều là ngôn hành. Có
điều, chúng hàm ẩn hay được tường minh hoá ra mà thôi.
Austin xác định ba cấp độ hành động nằm trong bản thân hành động
phát ngôn. Nói khác đi, đằng sau một lời nói cụ thể là ba hành động nằm
trong một hành động. Ba hành động đó lần lượt là: Hành động tạo ngôn, hành
động ngôn trung và hành động xuyên ngôn. Hành động tạo ngôn là hành động
sử dụng các yếu tố ngôn ngữ như ngữ âm, từ, các kiểu kết cấu để tạo nên một

phát ngôn hoàn chỉnh. Hành động ngôn trung là những hành động mà người
nói thực hiện ngay khi nói năng. Hành động xuyên ngôn là hành động gây nên
những hiệu quả tâm lí nào đó đối với người nghe.
Ngôn ngữ học, nhất là ngữ dụng học rất quan tâm đến hành động ngôn
trung. Hành động ngôn trung là cái lõi của hành động ngôn từ. Do vậy, ngày


10
nay, theo Thomas (1995:51), thuật ngữ hành động ngôn trung cũng được dùng
để chỉ hành động ngôn từ. Lí thuyết về hành động ngôn từ được xem là một
đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ theo hướng giao tiếp.
Phát triển quan điểm của Austin, Searle (1969) cho rằng khi chúng ta
nói, chúng ta đang thể hiện những hành động ngôn từ như: nhận định, ra lệnh,
hỏi, hứa hẹn Tác giả cũng cho rằng những hành động ngôn từ này được biểu
hiện là do sự tương hợp với những quy tắc nhất định cho việc sử dụng các
thành tố ngôn ngữ (1969:16). Theo tác giả, mục đích của cuộc giao tiếp là để
truyền tin đến người nghe bằng cách làm cho người nghe nhận thấy được ý
định của người nói. Người nói sau đó phải đạt tới được những hiệu quả có chủ
ý đến người nghe bằng cách cho phép người nghe nhận ra ý định là muốn đạt
đến cái hiệu quả ấy. Khi mà người nghe nhận ra được ý định của người nói
muốn đạt tới một hiệu quả nào đó thì tức là giao tiếp diễn ra thông suốt.
Những nghiên cứu có tính chất khai sáng của Austin và Searle về lí
thuyết hành động ngôn từ thực sự là những bước tiến quan trọng trong nghiên
cứu ngôn ngữ học. Nó giúp ta hiểu được bản chất hành động của ngôn ngữ.
Nói cách khác, với lí thuyết này, nói cũng được xem là một hành động với
phương tiện để thực hiện là ngôn ngữ. Lí thuyết này đã được rất nhiều nhà
nghiên cứu tiếp thu và phát triển (Ducrot 1972; Bach và Harnish 1979; Brown
và Levinson 1987; Wierzbicka 1987; Thomas 1995; Yule 1996…). Song hành
với quá trình nghiên cứu về bản chất của hành động ngôn từ, nhiều nhà ngôn
ngữ cũng triển khai việc nghiên cứu những hành động ngôn từ cụ thể, trong

đó có hành động xin lỗi.
Ở Việt Nam, lí thuyết hành động ngôn từ bắt đầu được giới thiệu từ
cuối những năm 1980 và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi với một số tác
phẩm của Đỗ Hữu Châu (1995, 2002); Nguyễn Đức Dân (1998); Nguyễn
Thiện Giáp (2000), Đỗ Thị Kim Liên (2005)… Dưới ánh sáng của lí thuyết
này, một số các hành động ngôn từ cụ thể trong tiếng Việt cũng đã được


11
nghiên cứu như: lời khen và tiếp nhận lời khen (Nguyễn Quang 1998); thỉnh
cầu (Nguyễn Văn Độ 1999), cầu khiến (Vũ Thị Thanh Hương 2000; Chu Thị
Thuỷ An 2002); từ chối (Nguyễn Phương Chi 2004; Trần Chi Mai 2005)… đã
góp phần áp dụng lí thuyết này trong bối cảnh một ngôn ngữ cụ thể là tiếng
Việt.
1.1.1.2. Điều kiện sử dụng của các hành động ngôn từ
Các hành động ngôn từ không thể được thực hiện một cách tuỳ tiện mà
phải hội tụ đủ một tập hợp những điều kiện sử dụng làm cơ sở cho việc hiện
thực hoá chúng. Việc tìm hiểu điều kiện sử dụng của hành động ngôn từ là
một công việc rất quan trọng vì nó giúp ích cho việc khám phá bản chất cũng
như cơ chế vận hành chúng. Song bên cạnh đó, công việc này cũng không hề
đơn giản vì sự đa dạng của thực tế dụng ngôn. Nhận thức được điều này, ngay
từ thời kì đầu, các nhà ngữ dụng học đã xem việc tìm hiểu điều kiện sử dụng
là một trong những nội dung quan trọng của việc nghiên cứu về hành động
ngôn từ.
Theo Đỗ Hữu Châu (2002:111), đây là “những điều kiện mà một hành
động ngôn từ phải đáp ứng để nó có thể diễn ra thích hợp với ngữ cảnh của sự
phát ngôn ra nó”. Thực chất của việc nghiên cứu điều kiện sử dụng là tìm hiểu
cơ chế vận hành của một hành động ngôn từ. Theo Austin (1965:14-5), một
hành động ngôn từ muốn thành công thì phải thoả mãn điều kiện may mắn.
Những điều kiện may mắn đó được xác định như sau:

(A.1) Phải có thủ tục quy ước và thủ tục này phải có một hiệu quả quy
ước, tức là bao gồm việc phát ra một số từ nào đó, bởi một số người nào đó
trong những cảnh huống nào đó, và hơn nữa,
(A.2) Hoàn cảnh và con người cụ thể trong trường hợp đã cho phải phù
hợp với những thủ tục cụ thể được đưa ra.
(B.1) Thủ tục này phải được tất cả những người tham gia thực thi
chuẩn xác và


12
(B.2) đầy đủ.
(C.1) Thông thường thì những người này phải có những ý nghĩ, tình
cảm và ý định đúng như đã được đề ra trong thủ tục và
(C2) Khi hành động thì ý nghĩ, tình cảm và ý định đúng như nó có.
Kế sau Austin, Searle (1969) đã chỉnh sửa và bổ sung nhằm hệ thống
hoá và dạng thức hoá các điều kiện may mắn này và gọi chúng là điều kiện sử
dụng. Trước tiên, Searle phân biệt hai loại quy tắc (rule). Một loại là các quy
tắc cấu thành (constitutive rules) “nhằm thiết lập hay xác định các dạng thức
hành vi mới”, chẳng hạn như quy tắc của môn bóng đá. Một loại là quy tắc
điều chỉnh (regulative rules) “nhằm điều khiển các dạng thức của hành vi đã
có trước”, chẳng hạn các quy tắc về tính lễ độ điều chỉnh các quan hệ liên
nhân dù rằng những quan hệ liên nhân này tồn tại từ khi chưa có các quy tắc
lễ độ. Từ sự phân biệt này, tác giả cho rằng để có thể thành công được, các
hành động ngôn từ cũng phải tuân thủ một bộ các quy tắc cấu thành. Ý định
của Searle là muốn phân tích nhằm tiến tới việc xác lập một cơ chế vận hành
có tính ổn định cho các hành động ngôn từ này thông qua những quy tắc cấu
thành nhất định. Những quy tắc cấu thành này “tạo ra (và cũng có tác dụng
điều chỉnh) một hoạt động mà sự tồn tại của nó phụ thuộc một cách logic vào
các quy tắc đó” (1969:617). Bằng cách phân tích hành động hứa hẹn
(promising), Searle đã đề xuất bốn điều kiện sử dụng cho một hành động

ngôn từ bao gồm: điều kiện nội dung mệnh đề, điều kiện chuẩn bị, điều kiện
chân thành và điều kiện căn bản. Về nguyên tắc, đây là những điều kiện cần
và đủ để có thể áp dụng cho bất kì một hành động ngôn từ nào. Nội dung cụ
thể của bốn điều kiện sử dụng đó như sau:
a. Điều kiện nội dung mệnh đề: chỉ ra bản chất nội dung của hành
động. Đó có thể là một mệnh đề đơn giản (trong các hành động
khảo nghiệm, miêu tả), một hàm mệnh đề (như các câu hỏi
có/không?). Nội dung mệnh đề có thể là một hành động của


13
người nói (như hứa hẹn), có thể là một hành động của người
nghe (như ra lệnh).
b. Điều kiện chuẩn bị: bao gồm những hiểu biết của người nói về
năng lực lợi ích, ý định của người nghe và về các quan hệ giữa
người nói và người nghe. Chẳng hạn khi ra lệnh, người nói phải
tin rằng người nghe có khả năng thực hiện lệnh đó, đồng thời
cũng phải nắm bắt rõ tương quan vị thế xã hội giữa hai người.
c. Điều kiện chân thành: chỉ ra các trạng thái tâm lí tương ứng của
người nói. Chẳng hạn, ra lệnh đòi hỏi lòng mong muốn của chủ
thể.
d. Điều kiện căn bản: là điều kiện đưa ra kiểu trách nhiệm mà
người nói hoặc người nghe bị ràng buộc vào khi hành động được
phát ra.
Hệ điều kiện sử dụng hành động ngôn trung của Searle có giá trị cao vì
nó đã khái quát hoá những điều kiện thiết yếu để một hành động ngôn từ có
thể diễn ra. Đề xuất các quy tắc này là hữu ích cho việc định hướng tương tác,
là cơ sở cho việc thực thi các nguyên tắc hội thoại nhằm dẫn tới những kết
cục thành công trong các giao tiếp thực tế. Tuy vậy, thực tế tương tác lại rất
đa dạng và phức tạp, cho nên, theo Thomas (1995), việc áp dụng chúng đối

với những hành động ngôn từ cụ thể đã gặp phải những lỗ hổng (gap). Những
quy tắc này dường như là tĩnh so với cái thực tế sống động của diễn ngôn.
Đương nhiên, mọi quy tắc dường như là không thể bao quát được tất cả các
trường hợp như chính Searle cũng từng thừa nhận khi tiến hành phân tích
hành động hứa hẹn (promising): “khái niệm hứa hẹn, cũng giống như hầu hết
các khái niệm trong ngôn ngữ thông thường, đều không có những quy tắc
tuyệt đối nghiêm ngặt” (1969:623).
1.1.1.3. Phân loại các hành động ngôn từ


14
Các hành động ngôn từ không phải tách rời nhau mà giữa chúng có
những mối dây liên hệ nhất định. Việc tìm hiểu sự ràng buộc lẫn nhau giữa
các hành động này được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Austin (1965),
Vendler (1972), Searle (1975), Bach và Harnish (1979), Allan (1986) đã
quy chúng vào những phạm trù nhất định.
a. Hướng phân loại của Austin
Trên cơ sở các động từ ngôn hành trong tiếng Anh, Austin đã tiến hành
phân loại các hành động ngôn từ thành năm phạm trù như sau:
- Phán xử (verditives) gồm có xử trắng án, tính toán, miêu tả, phân tích,
trù định Đây là những hành động đưa ra những lời phán xét về một sự
kiện hoặc một giá trị dựa trên những chứng cớ hiển nhiên hoặc dựa vào
những lí lẽ vững chắc.
- Hành xử (exercitives) gồm có ra lệnh, chỉ huy, biện hộ cho, khẩn cầu,
đặt hàng, giới thiệu, van xin, khuyến cáo, bổ nhiệm, đặt tên, tuyên bố
khai mạc, bế mạc, cảnh cáo, tuyên ngôn… Đây là những hành động
đưa ra những quyết định thuận lợi hay chống lại một chuỗi hành động
nào đó.
- Cam kết (commissives) gồm có hứa hẹn, bày tỏ mong muốn, giao ước,
bảo đảm, thề nguyền Đây là những hành động ràng buộc người nói

vào chuỗi những hành động nhất định.
- Trình bày (expositives) gồm có khẳng định, phủ định, chối, trả lời,
phản bác, nhượng bộ Đây là những hành động được dùng để trình
bày các quan niệm, dẫn dắt lập luận, giải thích cách dùng các từ
- Ứng xử (behabitives) gồm có xin lỗi, cảm ơn, khen ngợi, chào mừng,
phê phán, chia buồn, ban phước, nguyền rủa Đây là những hành
động phản ứng với cách xử sự của người khác, đối với các sự kiện có
liên quan, chúng cũng là cách biểu hiện thái độ đối với hành vi hay số
phận của người khác.


15
Thực chất, Austin đã phân loại theo hướng từ vựng, tức là phân loại các
động từ ngôn trung. Cùng theo hướng phân loại này, Vendler (1972) đã tách 5
phạm trù của Austin thành 7 phạm trù. Cụ thể phạm trù hành xử được chia
nhỏ thành phát vấn (interrogatives) và hành xử; còn phán xử được chia thành
phán xử và thi hành (operatives). Còn Wierzbicka (1987), sau khi tiến hành
phân tích nghĩa tường minh của 270 động từ nói năng (speech act verb), đã
nhóm chúng lại thành 37 loại.
b. Hướng phân loại của Searle
Không đồng tình với hướng phân loại mà Austin đề xướng, Searle cho
rằng trước hết phải phân loại các hành động ngôn trung chứ không phải phân
loại các động từ gọi tên chúng. Việc phân loại này muốn thành công được thì
trước hết phải định ra được bộ tiêu chí. Searle đã đề xuất 12 điểm khác biệt
giữa các hành động ngôn từ và sử dụng 4 điểm như là các tiêu chí để phân
loại. Đó là:
1. Đích ngôn trung (illocutionary point)
2. Hướng khớp ghép lời với hiện thực mà lời đề cập đến (direction
of fit)
3. Trạng thái tâm lí được thể hiện (expressed psychological state)

4. Nội dung mệnh đề (propositional content).
Từ 4 tiêu chí này, tác giả phân loại thành 5 phạm trù như sau:
- Tái hiện (representatives): đích ngôn trung là việc miêu tả một sự tình
đang được nói đến. Hướng khớp ghép là lời – hiện thực, trạng thái tâm
lí là niềm tin vào điều nói ra, nội dung mệnh đề là một mệnh đề p. Ví
dụ: miêu tả, khẳng định, tường thuật, kết luận, suy diễn
- Điều khiển (directives): đích ngôn trung đặt người nghe vào trách
nhiệm phải thực hiện một hành động trong tương lai; hướng khớp ghép
là hiện thực – lời, trạng thái tâm lí là sự mong muốn của người nói rằng


16
người nghe thực hiện hành động A, nội dung mệnh đề là hành động của
người nghe trong tương lai. Ví dụ: ra lệnh, yêu cầu, hỏi, xin phép
- Cam kết (commissives): đích ngôn trung là trách nhiệm phải thực hiện
hành động tương lai mà người nói bị ràng buộc, hướng khớp ghép là
hiện thực – lời, trạng thái tâm lí là ý định của người nói về việc thực
hiện hành động A; nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người
nói. Ví dụ: hứa hẹn, tặng, biếu
- Biểu cảm (expressives): đích ngôn trung là bày tỏ thái độ của người nói
trước một sự tình cụ thể nào đó. Trạng thái tâm lí thay đổi tuỳ theo
hành động, nội dung mệnh đề là một hành động hay một tính chất nào
đó của người nói hay người nghe, không có hướng khớp ghép. Ví dụ:
chào, cám ơn, xin lỗi, chia buồn, chúc mừng
- Tuyên bố (declarations): đích ngôn trung là nhằm thực thi nội dung của
hành động, hướng khớp ghép là cả là lời – hiện thực lẫn hiện thực – lời,
nội dung mệnh đề là một mệnh đề, không có trạng thái tâm lí. Ví dụ:
tuyên bố, buộc tội
1.1.1.4. Hành động ngôn từ gián tiếp
Không phải một phát ngôn chỉ có duy nhất một lực ngôn trung. Các

tương tác thực tế luôn rất phức tạp. Người ta có thể nói một đằng song nghĩ
một nẻo, hoặc giả người ta có thể thuyết giải không chuẩn xác ý định của
người nói dẫn đến những hiểu lầm. Cho nên, trong thực tế giao tiếp, đại bộ
phận các phát ngôn được xem như là đồng thời có thể tiềm tàng thực hiện một
số hành động. Hành động ngôn từ gián tiếp là hành động có hình thức là một
hành động ngôn từ loại này nhưng lại có đích ngôn trung của một hành động
khác. Nói khác đi, đó là vấn đề của điều nói ra (what is said) và điều hàm
nghĩa (what is meant). Hành động ngôn từ gián tiếp đã được Austin nói đến
và được Searle nghiên cứu kĩ. Đó là một trong những phương thức tạo ra tính
mơ hồ về nghĩa trong lời nói.


17
Việc sử dụng và nhận diện hành động ngôn từ gián tiếp là kết quả của
một quá trình hai chiều: tạo lập và tiếp nhận. Tạo lập là quá trình thuộc về
người nói, là mong muốn, mục đích thực sự của họ khi thực hiện một hành
động ngôn từ. Tiếp nhận là quá trình thuộc về người nghe, là khả năng có thể
thuyết giải được điều mình nghe được ở mức độ như thế nào. Trong những
nghiên cứu có tính chất khai sáng của mình, Austin và Searle dường như đã
quá chú tâm đến ý định của người nói mà quên mất đi vai trò của người nghe.
Vì giao tiếp là một quá trình hai chiều, trong đó mức độ tương tác giữa người
nói và người nghe giữ một vai trò rất lớn trong cả quá trình này nên nếu chỉ
quan tâm đến một chiều của người nói thì không thể tránh khỏi những cách
nhìn phiến diện.
Hành động ngôn từ gián tiếp phụ thuộc rất mạnh vào ngữ cảnh. Chẳng
hạn, một cậu học sinh nói với thầy giáo: Em hứa với thầy từ lần sau em không
đi học muộn nữa là một lời hứa tường minh xong cũng được xem là một lời
xin lỗi gián tiếp trong ngữ cảnh người nói đã vi phạm một lỗi lầm về mặt thời
gian và cậu ta đã nhận thức đồng thời mong muốn được khắc phục lỗi lầm đó
của mình.

Chính do sự phức tạp trong việc thuyết giải lực ngôn trung của phát
ngôn nên muốn nhận biết được chính xác hành động ngôn từ gián tiếp thì phải
nhận biết và hiểu đích ngôn trung của hành động trực tiếp. Mặt khác, cần phải
xét đến cơ chế vận hành của hành động gián tiếp, cụ thể là những điều kiện
cần và đủ (các quy tắc). Nếu một phát ngôn thoả mãn đầy đủ tất cả các điều
kiện đặt ra cho một hành động ngôn từ thì phải xem nó là sự thể hiện của
hành động đó, dù rằng về hình thức bề mặt, nó thuộc về một kiểu hành động
ngôn từ khác.
Tính phức tạp và mơ hồ của hành động ngôn từ gián tiếp vừa là một gợi
mở nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người
nghiên cứu về hành động ngôn từ.


18
1.1.2. Hành động ngôn từ xin lỗi
1.1.2.1. Các nghiên cứu đi trước về hành động ngôn từ xin lỗi
Các nhà ngữ dụng học thời kì đầu như Austin hay Searle, dù không tập
trung phân tích lời xin lỗi, nhưng đã cố gắng sắp đặt hành động này vào
những phạm trù nhất định trong bảng phân loại các hành động ngôn từ của
mình. Xin lỗi được Austin (1962) xếp vào nhóm hành động ứng xử
(behabitives) cùng với các hành động khác như chúc mừng, cảm ơn, chia
buồn Đó được xem là các hành vi mang tính xã hội, biểu thị những phản
ứng của chủ ngôn với các hành động và vận mệnh của người khác. Còn Searle
(1975) lại xếp xin lỗi vào nhóm hành động mà tác giả gọi là bày tỏ
(expressives). Đây là hành động biểu thị thái độ tới người nghe trước một sự
kiện mà người nói thừa nhận có phần liên quan, và chúng thường là nhằm để
thoả mãn những chờ đợi mang tính xã hội nào đó.
Các nghiên cứu chuyên sâu về hành động xin lỗi của các nhà ngôn ngữ
sau đó đã tập trung chú ý nhiều hơn đến chức năng của hành động này. Xin
lỗi được Goffman (1971) xem như là một kiểu hoạt động sửa chữa, một thành

tố trong một cặp thoại sửa chữa (remedy exchange). Nó liên quan đến việc
phân chia bản thân người nói thành hai phần, đầu tiên là nhận thức rõ về việc
xúc phạm người nhận; kế đó, người xin lỗi sẽ hướng mình đến người nhận và
đến chuẩn mực bị vi phạm. Tiếp thu tinh thần này, Holmes (1995:155) cho
rằng: “xin lỗi là một hành động ngôn từ hướng tới những nhu cầu thể diện của
B và nhằm cứu vãn một lỗi lầm mà A có trách nhiệm trong đó, và do đó để
khôi phục sự cân bằng giữa A và B”.
Fraser (1981) cho rằng một lời xin lỗi phải thể hiện được hai mục đích.
Thứ nhất, nó truyền đạt sự thừa nhận những trách nhiệm của người xin lỗi về
sự việc xúc phạm, đồng thời, nó phải thể hiện sự hối tiếc của người xin lỗi về
sự việc đó. Hai mục đích này phải song hành với nhau, thiếu đi một mục đích,
đó sẽ không phải là lời xin lỗi nữa.


19
Theo Edmondson và House (1981)
1
, hành động xin lỗi có mục tiêu
chính là “đặt mọi thứ đúng chỗ”. Người xin lỗi phải làm cho người mà mình
đã xúc phạm hiểu rằng họ thực sự cảm thấy lấy làm tiếc về những gì đã thực
hiện. Việc nói ra lời xin lỗi có tính chất nâng đỡ người nhận rất lớn và thường
đi kèm với điều đó là sự tự hạ thấp mình.
Olshtain và Cohen (1983) nhận định rằng xin lỗi là một hành động
ngôn từ được đưa ra khi các chuẩn mực xã hội đã bị vi phạm. Sự vi phạm
chuẩn mực đó có thể là hiện thực hay tiềm tàng. Blum-Kulka và Olshtain
(1984) nhấn mạnh rằng xin lỗi là một hành động hậu sự kiện (post-event -
theo thuật ngữ của Leech) nghĩa là nó biểu hiện rằng một kiểu sự kiện nào đó
đã diễn ra hoặc đã nằm trong dự liệu của người nói. Mặt khác, người nói nhận
ra rằng đã có một sự xâm phạm vào chuẩn mực xã hội và người nói ít nhiều
liên đới đến nguyên nhân của nó.

Trosborg (1987) đặt hành động xin lỗi trong một cặp thoại gọi là than
phiền – xin lỗi. Trong cặp thoại này, có ba vai liên quan là người than phiền
(Complainer), người bị than phiền (Complainee) hoặc người xin lỗi
(Apologiser) và sự kiện than phiền (Complainable - tức là lỗi lầm được nói
đến). Trosborg phân biệt rõ ràng việc giữa người bị than phiền và người xin
lỗi. Nếu trong tình huống than phiền – xin lỗi, chủ thể không nhận thức được
trách nhiệm và không cất lời xin lỗi, họ được xem là người bị than phiền.
Ngược lại, nếu chủ thể nhận thức được trách nhiệm và cất lời xin lỗi, họ sẽ là
người xin lỗi. Theo Trosborg, khi nhận một lời than phiền, chủ thể cảm thấy
rằng năng lực xã hội của mình bị thách thức. Do vậy, lời hồi đáp của họ nhắm
đến hai mục đích: phải làm dịu người than phiền nhằm khôi phục sự hài hoà
xã hội và phải khôi phục địa vị xã hội của chính mình. Tác giả chỉ ra rằng hai
mục đích này mâu thuẫn nhau. Hệ quả là, một lời than phiền không phải lúc
nào cũng theo sau bởi một lời xin lỗi. Đến lượt nó, người tiếp nhận một lời

1
Dẫn theo Trosborg (1987)


20
xin lỗi có thể hoặc có thể không đang than phiền. Bởi vậy, mặc dù hành động
than phiền/ xin lỗi giống với một cặp kế cận điển hình nhưng một hành động
có thể diễn ra mà không có hành động kia.
Deutschmann (2003) đã nghiên cứu lời xin lỗi tiếng Anh trong luận án
của mình. Tuy nhiên, tác giả chỉ hạn định nghiên cứu trong khuôn khổ của
những phát ngôn xin lỗi tường minh (tức là các phát ngôn có chứa các cấu
trúc sorry, apologize, afraid, pardon, excuse và regret). Vấn đề quan tâm của
luận án này là dạng thức và chức năng của lời xin lỗi. Deutschmann đã tiến
hành tìm hiểu tần số của những dạng thức xin lỗi trong những bối cảnh giao
tiếp khác nhau, các nhân vật giao tiếp khác nhau. Tác giả đi đến kết luận rằng

xin lỗi là một hành động đa diện, rất phức tạp và có thể được thảo luận ở trên
nhiều phương diện khác nhau.
Bên cạnh việc tìm hiểu bản chất của hành động xin lỗi, các nhà nghiên
cứu cũng rất quan tâm đến khía cạnh giao tiếp liên văn hoá của hành động
này. Những nghiên cứu của Blum-Kulka, House và Kasper (1989); Cohen và
Olshtain (1989); Vollmer và Olshtain (1989); Holmes (1990); Orecchioni
(1994); Ide (1998), Sbisà (1999) thông qua những khối tư liệu phong phú
của tiếng Do Thái, Pháp, Đức, Nhật, Italia đã chỉ ra rằng hành động xin lỗi
không phải dễ dàng gì để có thể biểu đạt trong một ngôn ngữ thứ hai bởi
những ràng buộc về hệ thống cấu trúc của ngôn ngữ và những chuẩn văn hoá
trong ngôn ngữ thứ hai đó. Rất khó có sự tương đương một đối một giữa một
biểu thức xin lỗi của ngôn ngữ này trong sự đối chiếu với các ngôn ngữ khác,
mà thông dụng nhất là tiếng Anh, ngôn ngữ luôn được xem là cơ sở cho các
công việc đối chiếu. Như vậy, rõ ràng xin lỗi ngoài những đặc điểm chung,
mang tính phổ quát thì lại có những mô hình hiện thực hoá ra khác nhau trong
các ngôn ngữ và văn hoá. Nhận định này là rất quan trọng cho sự thành công
cuả các cuộc giao tiếp liên văn hoá và cả hoạt động dạy và học ngoại ngữ.


21
Trong tiếng Việt, Phạm Thị Thành (1996) và Nguyễn Văn Lập (2003)
cũng dành một phần trong luận án của mình để miêu tả về hành động xin lỗi.
Hướng tiếp cận chung của cả hai luận án này đều là từ góc độ nghi thức lời
nói. Xin lỗi được xem là một hành vi nằm trong một nhóm nghi thức khá cao
và có những công thức cố định để nhận diện. Phạm Thị Thành cho rằng
những phát ngôn nghi thức kiểu này “hướng đến chức năng thiết lập tiếp xúc,
xác định quan hệ thân thiện, bộc lộ thái độ lịch sự đối với đối tượng giao tiếp,
làm cho đối tượng giao tiếp có phản ứng đối đáp tích cực và hoạt động giao
tiếp theo ý định mong muốn của chủ thể giao tiếp (1996:125). Tuy nhiên, cả
hai nghiên cứu này chỉ phác thảo ra những nét sơ lược về lời xin lỗi trong

hàng loạt các kiểu loại phát ngôn nghi thức khác.
1.1.2.2. Điều kiện sử dụng hành động xin lỗi
a. Quan điểm của Austin
Austin là người đầu tiên quan tâm đến việc thiết lập những điều kiện
cho các hành động ngôn từ. Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu hành động xin
lỗi nhưng Austin vẫn thường sử dụng hành động này như là một ví dụ điển
hình của hành động ngôn từ. Theo Austin, các phát ngôn biểu thị hành động
xin lỗi có một cơ chế rất đặc biệt. Đó là những phát ngôn tự quy chiếu (self-
referential) tức là động từ trong câu quy chiếu đến điều mà người nói đang
thực hiện, tự xác nhận (self-verifying) tức là chúng chứa đựng những điều
kiện chân thực của riêng mình và bất khả nguỵ (non-falsifiable) tức là chúng
không bao giờ nhận giá trị sai theo các điều kiện mệnh đề logic. Như vậy, một
khi ta nói ra một phát ngôn, chẳng hạn Em xin lỗi vì đã đi học muộn thì cái
phát ngôn ấy luôn nhận giá trị đúng, bất kể trong ngữ cảnh nào. Austin cho
rằng những loại phát ngôn ngôn hành siêu ngôn ngữ này luôn có được “điều
kiện may mắn” và do vậy luôn thành công.
b. Quan điểm của những nhà nghiên cứu hành động xin lỗi


22
Fraser (1981) cho rằng “một lời xin lỗi có thể được diễn ra chỉ trong
trường hợp hai điều kiện căn bản gặp nhau: Thứ nhất, người nói thừa nhận
trách nhiệm vì đã thực hiện hành động nào đó, thứ hai người nói truyền đạt sự
hối tiếc về lỗi lầm do hành động đó gây nên”. Do vậy, một lời xin lỗi được
xem là phương tiện để thực hiện hai việc này cùng lúc và thiếu một trong hai
điều kiện này thì cũng sẽ không có hành động xin lỗi. Theo cách hiểu của tác
giả, nếu người nói không chịu thừa nhận, hoặc “đánh trống lảng” về trách
nhiệm của mình đối với lỗi lầm thì lời xin lỗi phát ra không phải là “xin lỗi”.
Chẳng hạn, Fraser cho rằng phát ngôn: I apologize for Xing, but I deny that I
did it (Tôi xin lỗi về việc này, nhưng tôi phủ nhận là tôi đã làm nó) không thể

được sử dụng với tư cách là một lời xin lỗi vì điều kiện đầu tiên bị vi phạm dù
rằng nó có sự hiện diện của động từ ngôn hành siêu ngôn ngữ. Ngược lại, một
phát ngôn kiểu Tôi xin lỗi về những việc đã diễn ra nhưng tôi thực ra đó chỉ
là vô tình thôi thì lại được xem là xin lỗi.
Blum-Kulka và Olshtain (1984) xác định lời xin lỗi là một hành động
hậu sự kiện (post-event act) với một cách hiểu khá rộng. Hậu sự kiện tức là
một loại sự kiện nào đó đã xảy ra hoặc người nói nhận thức được việc nó sắp
xảy đến. Trong khi xác lập các mô hình hiện thực hoá hành động ngôn từ
xuyên văn hoá (CCSARP), Blum-Kulka và Olshtain đưa ra ba điều kiện tiên
quyết để cho một hành động xin lỗi được diễn ra:
a. Người nói S đã thực hiện hành động X hoặc cố tránh việc thực hiện X
(hoặc chuẩn bị thực hiện nó).
b. Hành động X được S hoặc H, hoặc cả hai, hoặc một thành phần thứ ba
nhận thức như việc vi phạm (breach) đến một chuẩn mực xã hội.
c. X được ít nhất một trong những thành phần hữu quan nhận thức như là
một việc phạm lỗi, xâm hại hay làm ảnh hưởng đến người nghe theo
những cách nào đó. (1984:206)


23
Ba điều kiện tiên quyết này được xem là cơ sở, là tiền đề để một hành
động xin lỗi diễn ra. Theo Blum-Kulka và Olshtain, để lời xin lỗi được hiện
thực hoá, người nói S phải lĩnh hội đủ cả ba điều kiện tiên quyết này và tự
thấy mình có nhu cầu phải xin lỗi. Bằng việc xin lỗi, S bày tỏ sự tôn trọng đối
với những chuẩn mực của xã hội (tức là thừa nhận điều kiện (b)) và cố gắng
làm người nghe nguôi ngoai (tức là thừa nhận điều kiện (c)).
Cách hiểu rộng của hai tác giả này về cái gọi là hậu sự kiện đã giúp cho
việc bao quát toàn bộ những ngữ cảnh tiềm tàng cho một hành động xin lỗi.
Hậu sự kiện vẫn có thể hướng đến một hành động đe doạ thể diện trong tương
lai song nó vẫn được quan niệm là “hậu” vì nó đã được người nói hình dung

từ trước. Và họ cũng chỉ rõ rằng: “Nếu việc xúc phạm chưa diễn ra hoặc H
chưa nhận ra, S có rất nhiều cách khác nhau để báo tin cho tới H” (1984:206).
Điều đáng chú ý của Blum-Kulka và Olshtain là họ đã quy nhận thức của S
khi thực hiện hành động A là một sự vi phạm vào chuẩn mực xã hội. Chuẩn
mực xã hội thuộc về những quy tắc điều chỉnh (regulative rule) mà Searle đưa
ra nhằm điều phối các quan hệ liên nhân và do đó, nó mang tính chất linh
hoạt. Nhiều khi, không phải S xin lỗi vì nhận thức được những thiếu sót nào
đó với H mà chính chuẩn mực xã hội đòi hỏi cần phải có một lời xin lỗi như
vậy. Đề cập đến chuẩn mực xã hội như một điều kiện tiên quyết cho lời xin
lỗi đã tạo thuận lợi cho việc lí giải sự xuất hiện của lời xin lỗi trong cả một số
ngữ cảnh đặc biệt. Song nếu như chỉ có người nghe hay một thành phần thứ
ba nào khác nhận thức được sự vi phạm chuẩn mực xã hội của hành động X
thì có lẽ sẽ không có một lời xin lỗi diễn ra. Người nói phải là nhân tố bắt
buộc trong việc nhận thức sự vi phạm chuẩn mực ấy, từ đó, thông qua việc
xin lỗi, S mới bày tỏ “sự tôn trọng đối với những chuẩn mực của xã hội (tức
là thừa nhận điều kiện (b))” được.
Điều kiện tiên quyết (c) mà Blum-Kulka và Olshtain đưa ra hướng đến
việc thừa nhận những lỗi lầm nào đó của người xin lỗi hoặc người xin lỗi cảm


24
thấy có phần trách nhiệm đối với người nghe. Việc thừa nhận này mang tính
cá nhân nhiều hơn là tính chuẩn mực, song cũng có thể thấy trong phương
diện cá nhân ấy cũng có cả phương diện chuẩn mực và ngược lại. Do vậy, hai
điều kiện (b) và (c) có liên quan đến nhau, vì chúng cùng đề cập tới nhận thức
của người nói. Từ cách hiểu này, chúng tôi cho rằng có thể đập nhập hai điều
kiện này thành một. Trong một tình huống lí tưởng, cả hai điều kiện (b) và (c)
cùng xảy ra song thực chất chỉ cần ít nhất một điều kiện xảy ra là đủ. Cũng
giống như điều kiện tiên quyết (b), điều bất cập trong điều kiện (c) này là hai
tác giả cũng không xem người nói như một nhân tố bắt buộc.

Dù chưa giải quyết được hoàn toàn những điều kiện cần có cho một
hành động xin lỗi nhưng những điều kiện tiên quyết mà Blum-Kulka và
Olshtain đưa ra đã khắc phục được một số những nhược điểm trong quan
điểm của Searle. Một điểm nữa cần lưu ý là Blum-Kulka và Olshtain đã giới
hạn nghiên cứu của mình vào những trường hợp mà lỗi lầm đã được cả người
nghe và người nói nhận biết.
Một tác giả khác cũng đưa ra hệ điều kiện sử dụng cho hành động xin
lỗi là Thomas. Trên cơ sở phê phán các điều kiện của Searle được vận dụng
vào hành động xin lỗi, Thomas (1995) đã thử xác lập các điều kiện của riêng
mình. Theo tác giả, một hành động xin lỗi cần có hai điều kiện như sau:
Hành động mệnh đề: Người nói biểu thị hay ngụ ý hay bằng một cách
nào đó chỉ ra sự hối tiếc về một hành động trong quá khứ, hiện tại hay tương
lai do người nói, hoặc do một ai đó, một điều gì đó mà người nói có trách
nhiệm hoặc có thể được xem như là có trách nhiệm (chứ không có trách
nhiệm gì hết) thực hiện.
Điều kiện chuẩn bị: Người nói có thể hoặc không cần tin rằng hành
động đó đã, đang hay sẽ đi ngược lại những điều mà người nghe ưa thích
nhất và v.v (1995:102)

×