Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh TT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (607.63 KB, 27 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***********



TRẦN THỊ THANH MAI




NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ, ĐỖ HOÀNG DIỆU
VÀ PHAN THỊ VÀNG ANH





LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lí luận văn học




Hà Nội – 2011

1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***********





TRẦN THỊ THANH MAI




NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ, ĐỖ HOÀNG DIỆU
VÀ PHAN THỊ VÀNG ANH


Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành : Lí luận văn học
Mã số: 60.22.32



Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. ĐOÀN ĐỨC PHƯƠNG


Hà Nội - 2011

2
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2

3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu 8
4. Phương pháp nghiên cứu 9
5. Cấu trúc luận văn 9
CHƯƠNG 1. TRUYỆN NGẮN NỮ ĐƯƠNG ĐẠI VÀ SÁNG TÁC CỦA
NGUYỄN NGỌC TƯ, ĐỖ HOÀNG DIỆU, PHAN THỊ VÀNG ANH 10
1.1. Truyện ngắn và sự phát triển thể loại 10
1.2. Diện mạo truyện ngắn 1975 đến nay 13
1.3. Truyện ngắn của các cây bút nữ đương đại 16
1.4. Truyện ngắn của ba cây bút nữ: Nguyễn Ngọc Tư , Phan Thị Vàng Anh
và Đỗ Hoàng Diệu 23
CHƯƠNG 2: LOẠI HÌNH NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN
NGẮN CỦA BA TÁC GIẢ 28
2.1. Khái niệm nhân vật văn học và tầm quan trọng của nhân vật trong tác
phẩm văn học 28
2.2. Khái lược về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam, văn học
đương đại và sáng tác của ba tác giả 31
2.3. Loại hình nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn của ba tác giả 36
2.3.1. Những nét tương đồng trong việc khắc họa nhân vật người phụ nữ
của ba tác giả 36
2.3.1.1. Nhân vật người phụ nữ có số phận bất hạnh 37
2.3.1.2. Nhân vật người phụ nữ luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc 53
2.3.2. Những nét riêng trong việc khắc họa nhân vật người phụ nữ của ba
tác giả 62

3
2.3.2.1. Nhân vật người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, mang đậm
nét tính cách của con người Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư .62
2.3.2.2. Nhân vật người phụ nữ mới lớn, trẻ trung nhưng nông nổi, bồng bột
trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh 71
2.3.2.3. Nhân vật người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt đầy táo bạo trong

truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu 75
CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA BA TÁC GIẢ 79
3.1. Ngôn ngữ, giọng điệu 79
3.1.1. Ngôn ngữ 79
3.1.1.1. Ngôn ngữ mang tính chất địa phương 79
3.1.1.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm 80
3.1.2. Giọng điệu 82
3.1.2.1. Giọng trữ tình, đằm thắm, sâu lắng 82
3.1.2.2. Giọng táo bạo, sắc sảo 83
3.1.2.3. Giọng triết lý 83
3.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống 86
3.2.1. Tình huống mang tính bi kịch 87
3.2.2. Tình huống tâm trạng 89
3.2.3. Tình huống nhận thức 89
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 90
3.3.1. Miêu tả ngoại hình 90
3.3.2. Miêu tả hành động 95
3.3.3. Biểu hiện nội tâm 98
KẾT LUẬN 100
TÀI LIỆU THAM KHẢO 105



1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong văn chương đương đại Việt Nam, ba cây bút nữ:
Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh đã để lại
một dấu ấn khá rõ nét, đặc biệt trong việc miêu tả và khắc họa hình

ảnh người phụ nữ. Nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của ba nhà
văn vừa mang những nét chung nhưng cũng mang những nét rất
riêng, độc đáo, cá tính và đầy bản lĩnh. Chính yếu tố này đã tạo nên
sự khác biệt về nhân vật người phụ nữ trong sáng tác của ba cây bút
nữ so với các tác giả trước đây, góp phần tái hiện chân dung người
phụ nữ thời đại mới trong dòng chảy của văn học đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Trong ba nữ tác giả trên, khối lượng bài viết và công trình về
tác giả Nguyễn Ngọc Tư chiếm số lượng lớn nhất. Đó là trang web:
o tổng hợp rất nhiều bài viết về tác giả, tác
phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà độc giả Trần Hữu Dũng đã lập ra. Có
khá nhiều bài viết về tác giả Nguyễn Ngọc Tư trên cả phương diện
nội dung lẫn nghệ thuật như: Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền Nam
(Trần Hữu Dũng), Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (Kiệt Tấn),
Lời đề từ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Phạm Phú
Phong),…Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều khóa luận tốt nghiệp, luận
văn tìm hiểu về Nguyễn Ngọc Tư. Có thể điểm qua như: Khám phá
thế giới nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Vũ Thị Thu Hà -
khóa luận tốt nghiệp 2006), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư dưới góc
nhìn văn hóa (Nguyễn Thị Lan Hương - khóa luận tốt nghiệp) hay
Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư
và Đỗ Hoàng Diệu (Lê Thị Tuyết - Luận văn thạc sỹ - 2010),…
Bước vào làng văn với tập truyện Khi người ta trẻ (1993),
Phan Thị Vàng Anh đã tạo ra cho mình một phong cách riêng được

2
rất nhiều bạn đọc trẻ mến mộ. Viết về Phan Thị Vàng Anh có khá
nhiều các bài báo, bài viết như: Phan Thị Vàng Anh - cây bút đa năng
(Sinh viên Việt Nam) hay nhà phê bình Huỳnh Như Phương cũng có
những nhận xét rất chính xác, tinh tế về cây bút trẻ này: "Vàng Anh

biết cách lạ hóa những điều quen thuộc, biết làm cho da diết những
điều tưởng như nhạt nhẽo". Các khóa luận và luận văn tốt nghiệp
cũng bước đầu tìm hiểu về nhà văn Phan Thị Vàng Anh: Truyện ngắn
của một số cây bút nữ: Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Hảo,
Nguyễn Thị Thu Huệ (Chu Thị Như Quỳnh - 2001),…
Không có nhiều tác phẩm nhưng vẫn nhận được sự quan tâm
và tạo nên một dấu ấn riêng trong văn học đương đại Việt Nam phải
kể đến nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu. Tập truyện ngắn Bóng đè (2005)
đã gây xôn xao văn đàn một thời gian dài với rất nhiều luồng ý kiến
và dư luận trái chiều. Có không dưới hàng chục bài viết đề cập đến
tác phẩm trên các trang báo lớn như: An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Văn
nghệ trẻ, Hợp lưu, Talawas, Cũng có nhiều bài phỏng vấn về sự
nghiệp, quan niệm văn chương và cuộc đời của Đỗ Hoàng Diệu như:
Ngoài đời tôi rất yếu đuối (Ngọc Trâm), Chuyện có thể bịa nhưng
cảm xúc phải thật (Đỗ Hồng Hạnh),… Cũng từ đây bắt đầu có khá
nhiều công trình khoa học nghiên cứu về nữ tác giả Đỗ Hoàng Diệu.
Đó là khóa luận: Gia đình hiện đại trong truyện ngắn của một số cây
bút nữ: Dạ Ngân, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng
Diệu, Nguyễn Ngọc Tư (Hoàng Lan Phương), luận văn: Nhân vật
người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc
Tư và Đỗ Hoàng Diệu của tác giả Lê Thị Tuyết,…
Qua quá trình tìm hiểu lịch sử vấn đề, chúng tôi nhận thấy
chưa có một công trình khoa học nào đi sâu vào phân tích, tìm hiểu
nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Phan
Thị Vàng Anh, Đỗ Hoàng Diệu một cách sâu sắc, cụ thể và có hệ

3
thống. Vì thế ở luận văn này, chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu, hi vọng
sẽ đóng góp thêm một phát hiện mới về cách thể hiện hình ảnh người
phụ nữ trong văn học đương đại của ba nữ nhà văn trẻ.

3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Mục đích: tìm kiếm, phát hiện những nét tương đồng và khác
biệt trong cách nhìn và thể hiện hình ảnh người phụ nữ của ba cây
bút trẻ. Qua đây khẳng định đóng góp của văn học đương đại Việt
Nam trong dòng chảy của văn học dân tộc.
Đối tượng nghiên cứu là hình ảnh người phụ nữ trong sáng
tác của ba cây bút nữ: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị
Vàng Anh. Từ đó, khái quát lên bức chân dung về người phụ nữ
trong văn học đương đại Việt Nam.
Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi chủ yếu đi sâu
khảo sát nhân vật người phụ nữ trong các tác phẩm tiêu biểu của ba
cây bút trẻ. Đó là: Nguyễn Thị Ngọc Tư với các tập truyện: Ngọn
đèn không tắt (2000), Biển người mênh mông (2003), Giao thừa
(2003), Nước chảy mây trôi (2004), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
(2005), Cánh đồng bất tận (2005), Gió lẻ (2008).
Phan Thị Vàng Anh với tập truyện: Khi người ta trẻ (1993),
Ở nhà (1994), Hội chợ (1995).
Đỗ Hoàng Diệu với tập: Bóng đè (2005) và một số truyện
ngắn như: Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và
năm người đàn ông, Ngày bất tận.

4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như:
phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp thống
kê, phương pháp tổng hợp. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng một số
phương pháp khác góp phần bổ trợ và đa dạng hóa các phương pháp

4
nghiên cứu với nhiều góc độ: phương pháp cấu trúc, phương pháp
tiếp cận Thi pháp học.

5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Truyện ngắn nữ đương đại và sáng tác của: Đỗ
Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư và Phan Thị Vàng Anh.
Chương 2: Loại hình nhân vật người phụ nữ trong truyện
ngắn của ba tác giả.
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện nhân vật người phụ nữ trong
truyện ngắn của ba tác giả.













CHƯƠNG 1. TRUYỆN NGẮN NỮ ĐƯƠNG ĐẠI VÀ SÁNG
TÁC CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ, PHAN THỊ VÀNG ANH, ĐỖ
HOÀNG DIỆU
1.1. Truyện ngắn và sự phát triển thể loại
Truyện ngắn là một thể tài tự sự, với dung lượng vừa đủ,
giúp nhà văn truyền tải những quan niệm, suy nghĩ của mình về cuộc

5
sống một cách ngắn gọn và súc tích nhất. Với những ưu thế của

mình, truyện ngắn dần trở thành thể loại quen thuộc được nhiều nhà
văn lựa chọn từ khi ra đời cho đến nay.
Nói về nguồn gốc truyện ngắn, trong cuốn Truyện ngắn,
những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, tác giả Bùi Việt Thắng
đã đề cập một cách khá đầy đủ. Theo tác giả "Ở Châu Âu, sự ra đời
của truyện ngắn với tư cách một thể loại văn học độc lập gắn liền với
thời kì phục Hưng, khi nhu cầu giải phóng tinh thần cá nhân trở
thành một cuộc cách mạng xã hội". Ở phương Đông, hình thức ban
sơ của truyện ngắn là thể truyền kì - một thứ "truyện thần thoại có
tác giả". Truyền kì bắt đầu xuất hiện từ đời Đường (thế kỉ IX) ở
Trung Quốc còn ở Việt Nam thể loại này bắt dầu xuất hiện với tác
phẩm Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ). Đặc biệt, xu hướng truyện
ngắn mang dung lượng tiểu thuyết trở thành một nét khá độc đáo, tạo
nên diện mạo mới cho nền văn học: Số phận con người (Sôlôkhôp),
Thảo nguyên (Sekhôp), AQ chính truyện (Lỗ Tấn), Chí Phèo
(Nam Cao), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Tướng về hưu
(Nguyễn Huy Thiệp) hay Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu),
Từ khi ra đời cho đến nay, truyện ngắn vẫn luôn tồn tại và
chứng tỏ sức sống lâu bền của nó. Sự ra đời của hàng loạt tuyển tập
truyện ngắn cùng với những cuộc thi viết truyện ngắn liên tiếp xuất
hiện trên tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ trẻ, tạp chí Sông
Hương đã thể hiện sức sống của thể loại này. Bạn đọc ngày nay
không quay lưng lại với truyện ngắn. Họ vẫn dõi theo, nồng nhiệt
hưởng ứng và đón đợi các tác phẩm mới. Có những tập truyện ngắn
ngay từ khi mới ra đời đã tạo nên sức hút đối với đông đảo bạn đọc
và trở thành hiện tượng như: Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Cánh đồng
bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Nói như vậy, đủ thấy được tầm quan

6
trọng và sức ảnh hưởng của truyện ngắn đối với văn học đương đại

nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
1.2. Diện mạo truyện ngắn 1975 đến nay
Sau năm 1975, truyện ngắn đã có sự thay đổi hợp với tình
hình, với giai đoạn hiện đại. Nếu trước kia, văn học phục vụ kháng
chiến và phản ánh cuộc đấu tranh vĩ đại, gian lao của dân tộc thì ngày
nay, văn học đi sâu vào phản ánh cuộc sống của con người, chủ đề
thế sự, đời tư được các nhà văn khai thác và thể hiện trong các tác
phẩm của mình. Vì thế mà chủ đề, âm hưởng và giọng điệu đã có sự
thay đổi. Lực lượng sáng tác cũng biến chuyển với sự lên ngôi của
hàng loạt các cây bút nữ: Y Ban, Võ Thị Hảo, Dương Thu Hương,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ
Hoàng Diệu, Các cây bút nữ đã thể hiện được tài năng, sức sáng tạo
của mình khi liên tiếp nhận được giải thưởng cao nhất của các cuộc
thi sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ trẻ,…
1.3. Truyện ngắn của các cây bút nữ đương đại
Trong văn học Việt Nam trước đây, dường như vắng bóng
các cây bút nữ. Đến văn học hiện đại chúng ta mới bắt đầu thấy bóng
dáng của các cây bút nữ, tuy nhiên, chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ.
Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ
cây bút nữ dần nhiều lên: Nguyễn Ngọc Tú, Trần Thị Trường, Lê
Minh Khuê,
Nhưng nói đến sự nở rộ của các cây bút nữ phải kể đến thời
kì sau năm 1975. Một loạt các cây bút nữ trẻ bắt đầu xuất hiện, dần
khẳng định tài năng và vị trí của mình. Các giải thưởng truyện ngắn
liên tiếp được trao cho các cây bút nữ: Có một đêm như thế (Phạm
Thị Minh Thư), Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (Y Ban), Hậu thiên đường
và Mùa đông ấm áp (Nguyễn Thị Thu Huệ),…Sự xuất hiện của các
cây bút nữ đã trở thành một trào lưu, đồng thời, nó cũng là mạch

7

nguồn cho sự ra đời của dòng văn học nữ quyền. Sự ảnh hưởng của
dòng văn học nữ quyền trong truyện ngắn 1975 đến nay là một trong
những bước đi tiến bộ, thể hiện sự nhanh nhạy trong việc bắt kịp
những xu hướng vận động của văn học thế giới trong thời đại mới.
1.4. Truyện ngắn của ba cây bút nữ: Nguyễn Ngọc Tư , Phan Thị
Vàng Anh và Đỗ Hoàng Diệu
Nguyễn Ngọc Tư - một giọng văn miền Nam với phong cách
dịu dàng, đằm thắm không ồn ào lên gân mà đi sâu phân tích tâm lí
con người một cách nhẹ nhàng, sắc sảo, tinh tế. Nguyễn Ngọc Tư
tham gia văn đàn với tập truyện: Ngọn đèn không tắt (2000) và
giành giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II.
Tiếp theo đó là một loạt tập truyện ngắn khác: Ông ngoại (2001),
Biển người mênh mông (2003), Nước chảy mây trôi (2004). Đặc
biệt đến năm 2006, tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận được giải
thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Với tác phẩm này, tên tuổi của
Nguyễn Ngọc Tư được đông đảo bạn đọc biết đến và bắt đầu hình
thành nên một phong cách truyện ngắn in đậm dấu ấn miền Nam:
Nguyễn Ngọc Tư.
Phan Thị Vàng Anh sinh năm 1968 tại Hà Nội, là con gái
nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Trường. Tốt nghiệp Đại
học Y Khoa thành phố Hồ Chí Minh năm 1993, Phan Thị Vàng Anh
chạm ngõ với văn chương bằng tập truyện ngắn Khi người ta trẻ.
Ngay sau đó, tập truyện này đã được tặng thưởng của Hội nhà văn
Việt Nam năm 1994. Đọc văn của Phan Thị Vàng Anh ta thấy có sự
pha trộn của nhiều giọng điệu: lúc rất hùng hồn đạo mạo nhưng lúc
lại rất đỗi bóng bẩy, nhí nhảnh - một thứ văn chương luôn ở trạng
thái chuyển động.
Đỗ Hoàng Diệu lại mang đến một giọng văn táo bạo, sắc sảo.
Đỗ Hoàng Diệu viết nhiều về phụ nữ với dục tính, nhưng quan trọng


8
hơn, nhà văn sử dụng nó như một bộ mã để gửi đi một thông điệp
cho mình và cho cuộc sống. Đỗ Hoàng Diệu từng được giải thưởng
Tác phẩm tuổi xanh lần thứ nhất năm 1991 với tác phẩm: Ông già
hàng xóm. Tuy nhiên, sau một thời gian im hơi, lặng tiếng, Đỗ
Hoàng Diệu tái xuất với tập truyện ngắn Bóng đè với các truyện tiêu
biểu: Bóng đè, Vu quy,…đã tạo nên một cơn sốt và xôn xao trong dư
luận.
Ba tác giả, ba phong cách và ba con đường đi riêng nhưng có
một điểm chung, đó là: họ đều là những cây bút nữ, yêu và say mê
với nghề. Chính vì thế, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị
Vàng Anh và Đỗ Hoàng Diệu đã góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, sâu
sắc vào văn chương nữ quyền Việt Nam nói riêng và văn học đương
đại Việt Nam nói chung.






CHƯƠNG 2. LOẠI HÌNH NHÂN VẬT NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA BA TÁC GIẢ
2.1. Khái niệm nhân vật văn học và tầm quan trọng của nhân vật
trong tác phẩm văn học
Nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng trong tác
phẩm văn học. Nhân vật tạo nên linh hồn cho tác phẩm, là cầu nối
giữa nhà văn với bạn đọc. Khái niệm nhân vật không chỉ bó hẹp
trong phạm vi nhỏ mà nên được hiểu theo nghĩa rộng. Đó có thể là
con người cụ thể hay vô danh; là những sự vật, loài vật ít nhiều mang
bóng dáng, tính cách con người, được dùng như những phương thức


9
khác nhau để biểu hiện con người: nhân vật Dế mèn, võ sỹ Bọ ngựa
trong truyện Dế mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài,
Bước vào thế giới nhân vật, chúng ta bắt gặp khá nhiều loại
hình đa dạng, phong phú. Có nhân vật chính, nhân vật trung tâm,
nhân vật phụ, nhân vật phản diện, Ngoài ra, còn có một số dạng
nhân vật khác như: nhân vật chức năng có tác dụng thực hiện một sứ
mệnh nào đó: ông Bụt (Tấm Cám), mụ phù thủy (Nàng Bạch Tuyết
và bảy chú lùn), hay kiểu loại nhân vật tư tưởng thường được nhà
văn sáng tạo để minh họa cho quan điểm tư tưởng của mình hoặc thể
hiện một tư tưởng nào đó của thời đại: Giave (Những người khốn
khổ),… Đặc biệt, có nhiều tác giả đã xây dựng thành công nhân vật
điển hình với tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình: AQ (AQ
chính truyện - Lỗ Tấn), Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao),
Và một điều chắc chắn chúng ta có thể khẳng định, đó là:
nhân vật đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ "nhân vật là công
cụ cho nên việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa để mở
rộng các mảng đề tài mới".
2.2. Khái lược về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt
Nam, văn học đương đại và sáng tác của ba tác giả
Viết về người phụ nữ là mạch nguồn bất tận trong các sáng
tác thơ văn từ xưa cho tới nay. Ngay từ văn học dân gian, chúng ta đã
bắt gặp những câu ca dao, dân ca ca ngợi vẻ đẹp cô thiếu nữ: "Trúc
xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh". Đến
với văn học trung đại, hình ảnh người phụ nữ vẫn tiếp tục được miêu
tả với tư tưởng chủ đạo "hồng nhan bạc mệnh". Đó là nàng Vũ
Nương trong truyện Người con gái Nam Xương, người cung nữ
trong Cung oán ngâm khúc, hay người thiếu phụ trong Chinh phụ
ngâm, Thúy Kiều (Truyện Kiều ),… Bước sang thế kỉ XX, văn học

tiếp tục đổi mới trong việc khắc họa hình ảnh người phụ nữ. Tiểu

10
thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn đã tái hiện nhân vật trung tâm là
người phụ nữ với những cung bậc cảm xúc và nội tâm đa chiều như:
Mai (Nửa chừng xuân - Khái Hưng), Loan (Đoạn tuyệt - Nhất
Linh). Đặc biệt, các nhà văn hiện thực phê phán đã có cái nhìn và sự
cảm thông với thân phận người phụ nữ và thể hiện nét đẹp của họ:
Chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố), Dì Hảo (Dì Hảo - Nam Cao),…Văn
học cách mạng tiếp tục mạch cảm hứng về người phụ nữ với những
nét mới. Người phụ nữ giờ đây là những người anh hùng trực tiếp
cầm súng chiến đấu: chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng (Nguyễn
Thi) hay chị Sứ trong Hòn Đất - Anh Đức, Nguyệt trong Mảnh
trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu,
Sau năm 1975, văn học bước sang một thời kì mới. Sự ảnh
hưởng của trào lưu văn học nữ quyền đã khiến cho cho văn học thời
kì này xuất hiện ngày càng nhiều những cây bút nữ với rất nhiều tác
giả tiêu biểu: Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn
Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Hoàng Diệu,
Ba cây bút nữ trẻ: Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh và
Đỗ Hoàng Diệu với ba cá tính sáng tạo và phong cách khác nhau đã
làm nên sự đa dạng, phong phú của nền văn học đương đại. Thế giới
nhân vật nữ trong sáng tác của họ đa dạng, phong phú vừa mang
những nét tương đồng nhưng lại mang màu sắc riêng biệt. Chính điều
đó đã làm nên thành công của các cây bút nữ trong dòng chảy của
truyện ngắn đương đại.
2.3. Loại hình nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn của ba
tác giả
2.3.1. Những nét tương đồng trong việc khắc họa nhân vật người
phụ nữ trong truyện ngắn của ba tác giả

2.3.1. 1. Nhân vật người phụ nữ có số phận bất hạnh

11
Nguyễn Du đã từng nói: "Đau đớn thay phận đàn bà. Lời
rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Dường như, số phận bất hạnh
thường gắn liền với người phụ nữ. Từ văn học dân gian đến văn học
trung đại và văn học hiện đại, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với với
số phận éo le, ngang trái: Vũ Nương (Truyền kì mạn lục – Nguyễn
Dữ), Thúy Kiều (Truyện Kiều – Nguyễn Du), chị Dậu (Tắt đèn –
Ngô Tất Tố),… Các tác giả trong dòng văn học đương đại cũng thể
hiện sự đồng cảm của mình đối với bi kịch của người phụ nữ trong
cuộc sống: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà (Y Ban), Hậu thiên
đường, Phù thủy (Nguyễn Thị Thu Huệ), Bàn tay lạnh (Võ Thị
Hảo),
Nguyễn Ngọc Tư với tấm lòng nhân hậu đã khắc họa bi kịch
của người phụ nữ với sự đồng cảm chân thành, sâu sắc. Nhiều lắm
trong những trang văn của chị là số phận của những đứa trẻ chịu
nhiều bất hạnh: Điệp (Chuyện của Điệp), San (Bởi yêu thương),
Nương (Cánh đồng bất tận), … Nguyễn Ngọc Tư thường miêu tả về
cuộc đời của những cô đào yêu nghề, đam mê với nghề nhưng phải
gánh chịu bi kịch của nhan sắc tàn phai: cô đào Điệp (Bởi yêu
thương), đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc). Nhân vật người phụ nữ
trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường là những người phụ nữ
mang một mối tình đơn phương: nhân vật Tôi (Một mối tình), chị
Hảo (Hiu hiu gió bấc), là những người phụ nữ cả tin đến khờ dại:
San (Ngày đùa), thậm chí là thân phận của những cô gái điếm trên
những Cánh đồng bất tận,… Tất cả đã tạo nên một bức tranh muôn
màu, muôn vẻ về thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Tư.
Tiếp tục mạch cảm xúc về những người phụ nữ, Phan Thị

Vàng Anh cũng đã phát hiện và miêu tả những mảnh đời, thân phận
đầy bất hạnh. Đó là nhân vật cô trong truyện ngắn Khi người ta trẻ

12
đã nhận một cái chết bi kịch cho mối tình đầu dang dở của mình. Đó
là cô bé con diễn vai kịch câm với người bố để rồi phát hiện ra, chính
vở kịch câm ấy đã làm cho khoảng cách giữa hai bố con ngày càng
xa hơn (Kịch câm). Màn kịch này không phải được diễn trên sân
khấu mà được diễn ngay trong chính cuộc đời, giữa những người
thân thuộc. Vì thế, nó thấm thía và sâu sắc hơn bao giờ hết.
Đỗ Hoàng Diệu cũng có sự đồng cảm khi nhìn nhận và miêu
tả về số phận bất hạnh của người phụ nữ. Nhân vật phụ nữ trong tác
phẩm của chị bề ngoài tính cách mạnh mẽ nhưng ẩn sâu trong tâm
thức vẫn là một sự yếu đuối rất đàn bà. Cô gái trong Vu quy đã trải
qua rất nhiều mối tình khác nhau với đau khổ và nước mắt. Cuối
cùng, cô buộc phải chung sống với người chồng - cho dù - đó là một
xác ướp. Trong truyện ngắn Linh thiêng, Đỗ Hoàng Diệu đã khắc
họa số phận éo le của người phụ nữ khi phải lìa xa đứa con trai của
mình và chịu sự ruồng rẫy của mẹ chồng. Còn truyện ngắn Dòng
sông hủi là bi kịch của một người con gái khi lấy phải người chồng
ích kỉ, lạnh lùng đến đáng sợ.
Ba nhà văn nữ với ba phong cách khác nhau đã đem đến cho
người đọc bức tranh nhiều màu sắc trong việc khắc họa số phận bất
hạnh của người phụ nữ. Đằng sau những trang văn đó chính là tấm
lòng đồng cảm chân thành và xót thương cho số phận bất hạnh của
tác giả.
2.3.1.2. Nhân vật người phụ nữ luôn khao khát tình yêu, hạnh
phúc
Trong những trang văn của các cây bút nữ trẻ, người phụ nữ
tuy có số phận bất hạnh nhưng luôn khát khao vươn tới tình yêu,

hạnh phúc. Khát khao hạnh phúc và đấu tranh cho hạnh phúc chính là
một trong những biểu hiện rõ ràng của tính nữ quyền trong truyện
ngắn của các cây bút nữ.

13
Cuối cùng, sau bao vất vả của cuộc sống mưu sinh, vào đúng
khoảnh khắc giao thừa, Đậm đã tìm thấy cho mình một tình yêu đích
thực (Giao thừa). Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn ôm ấp trong
mình một mối tình đơn phương, khát khao có được hạnh phúc với
người mình yêu và sẵn sàng chờ đợi: chị Hảo (Hiu hiu gió bấc), Tôi
(Một mối tình),… Đặc biệt, trong Cánh đồng bất tận, nhân vật gái
điếm Sương, dù trải qua cuộc đời với thân phận làm đĩ nhưng Sương
vẫn khát khao một hạnh phúc. Chị đã ở lại ghe thuyền của ba bố con
bởi tình cảm chân thành của những đứa trẻ và cũng bởi thẳm sâu
trong tâm hồn, chị mong muốn được bình yên sau bao sóng gió cuộc
đời. Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa người phụ nữ với những thân
phận và hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ vẫn là một
ước muốn, khát khao về hạnh phúc.
Đến với Phan Thị Vàng Anh là đến với thế giới của những cô
gái trẻ với khao khát về tình yêu. Đó là ước mơ về tình yêu của cô bé
con trong Truyện trẻ con, là câu chuyện tình yêu của người cô trong
Khi người ta trẻ, là những rung động ngây thơ của cô gái trong Si
tình. Các nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh thường cả
tin đến ngây thơ: đó là sự chờ đợi lá thư trong vô vọng của cô gái
trong Mười ngày, là mối tình đầu đau khổ của cô gái trong
Yêu,…Truyện của Vàng Anh thường rất ngắn gọn, giản dị, không
màu mè, đem đến cho người đọc thế giới phong phú của những
người trẻ, đã yêu, đang yêu và mơ ước về tình yêu.
Đỗ Hoàng Diệu lại có cách thể hiện về tình yêu theo một
cách rất riêng. Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn của chị hiện

lên với những khao khát rất bản năng, đàn bà. Hạnh phúc đối với
nhân vật nữ của Đỗ Hoàng Diệu là được làm vợ một người đàn ông
mạnh mẽ, tử tế, là mẹ của những đứa con xuất phát từ tình yêu, là
được hôn chồng vào mỗi buổi sáng mai và là quần áo cho chồng đi

14
làm như Vy (Tình chuột). Đó còn là sự dâng hiến cho người yêu của
cô gái trong Vu quy, sự mạnh mẽ từ bỏ người chồng ích kỉ để đi theo
tiếng gọi tình yêu của cô gái trong Dòng sông hủi, hay tình yêu
mãnh liệt như cô gái trong truyện ngắn Căn bệnh.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của các cây bút nữ trẻ
thật phong phú, đa dạng như một xã hội thu nhỏ. Và có một điểm
chung là dù có trải qua bao đau khổ, sóng gió, bao mưa nắng của
cuộc đời thì những người phụ nữ vẫn luôn khao khát một tình yêu,
một hạnh phúc. Đó chính là niềm tin, là đức tin của họ giữa bộn bề lo
toan của cuộc sống này.
2.3.2. Những nét riêng trong việc khắc họa nhân vật người phụ nữ
của ba tác giả
2.3.2.1. Nhân vật người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó,
mang đậm nét tính cách của con người Nam Bộ trong truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư giản dị, mộc mạc như chính con người
Nam Bộ chân thành, không màu mè. Vì thế, văn chương của chị, đặc
biệt hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
cũng giản dị, hiền lành. Họ mang đậm nét tính cách của con người
Nam Bộ: bao dung, nhân hậu, trọng nghĩa tình. Họ tuy sinh ra và lớn
lên trong cái nghèo khó, phải chịu số phận bất hạnh nhưng vẫn giữ
trọn những đức tính tốt đẹp: người con yêu thương ba má (Đời như
ý), người chị yêu thương em (Cánh đồng bất tận), người mẹ yêu
thương và khao khát có con (Làm mẹ), người bà yêu cháu (Làm má

đâu có dễ),…Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Tư còn khắc họa hình ảnh
những con người giàu lòng yêu quê hương, mang nặng nghĩa tình với
mảnh đất Nam Bộ: Tươi (Ngọn đèn không tắt), Giang (Dòng nhớ).
Tấm lòng chân thành, nhân hậu của người miền Nam cũng được
Nguyễn Ngọc Tư khắc họa đầy đủ, sâu sắc: Điệp (Làm má đâu có

15
dễ), dì Diệu (Làm mẹ), Diệp (Nước chảy mây trôi), Nương (Cánh
đồng bất tận),… Họ thường hi sinh, nhường nhịn trong tình yêu như
các nhân vật trong truyện: Nhà cổ, Một mối tình, Chiều vắng, Nửa
mùa, Bến đò xóm Miễu, Nhớ sông, Duyên phận so le, Cánh đồng
bất tận,
2.3.2.2. Nhân vật người phụ nữ mới lớn, trẻ trung nhưng nông nổi,
bồng bột trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh
Nếu hiện diện trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư
là hình ảnh người phụ nữ thôn quê đằm thắm, nhân hậu thì Phan Thị
Vàng Anh lại mang đến nét mới khi người phụ nữ trong truyện ngắn
của chị đa phần là những cô gái trẻ, sống ở thành thị với niềm yêu và
khát khao hạnh phúc khi bước vào ngưỡng cửa cuộc sống. Thế giới
của nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là thế giới của
tuổi trẻ, của giảng đường với những cô gái mới lớn đang bước vào độ
tuổi yêu đương. Vì thế, suy nghĩ về tình yêu, cuộc sống của họ vẫn
còn non nớt và thơ ngây. Đó là cô bé trong Phục thiện với quyết tâm
sửa đổi sau khi bị lưu Đoàn, là chuyện tình yêu mang màu sắc lãng
mạn tiểu thuyết của cô bé trong Truyện trẻ con hay tình yêu đến mức
mù quáng của nhân vật cô trong Khi người ta trẻ, thậm chí cho đến
lúc cuối cùng mới nhận ra được sự thật về tình yêu của mình của cô
bé trong truyện Si tình,… Hình ảnh nhân vật phụ nữ trong truyện
ngắn Phan Thị Vàng Anh rất gần với những cô gái mới lớn, và vì thế,
người ta mới cho rằng, văn chương của chị là một thứ văn rất trẻ.

2.3.2.3. Nhân vật người phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt đầy táo bạo
trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu
Khác với Nguyễn Ngọc Tư và Phan Thị Vàng Anh, Đỗ
Hoàng Diệu đã tự mở một đường riêng cho mình khi chạm ngõ văn
chương. Văn của Đỗ Hoàng Diệu là thứ văn "thấm đẫm nữ tính, tỉnh
táo nhiều khi đến tàn nhẫn mà vẫn thật mê hoặc". Nhân vật người

16
phụ nữ trong truyện ngắn của chị thường yêu mãnh liệt, hạnh phúc
trong tình yêu và không ngần ngại thổ lộ những ham muốn đầy tính
bản năng: Bóng đè, Vu quy, Căn bệnh… Chị đã để cho nhân vật của
mình thổ lộ những ước muốn về tình yêu, tình dục một cách tự nhiên,
phóng khoáng. Không ít những trang văn, Đỗ Hoàng Diệu miêu tả
mạnh mẽ, táo bạo đầy bất ngờ. Với bản tính mạnh mẽ , người con gái
trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu sẵn sàng từ bỏ thực tại để kiếm
tìm cho mình tình yêu đích thực: Dòng sông hủi, … Vì thế, chị đã
tạo được một dấu ấn rất riêng của mình.



CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN NHÂN VẬT
NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA BA TÁC GIẢ
3.1. Ngôn ngữ, giọng điệu
3.1.1. Ngôn ngữ
3.1.1.1. Ngôn ngữ mang tính chất địa phương
Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, có sự xuất hiện dày
đặc của những phương ngữ Nam Bộ đặc sắc. Những danh từ chỉ địa
danh vùng sông nước Nam Bộ như: Vàm Cỏ Xước, Kinh Mười Hai,
rạch Ráng,… hay những tên ấp, tên làng như: xóm Kinh Cụt, mút Cà
Tha,… Và cả những danh từ chỉ sự vật, cây cối rất gần gũi với cuộc

sống con người Nam Bộ: áo bà ba, bông súng, dây thun, cây mắm,…
Những danh từ chỉ nghề nghiệp quen thuộc của những người nông
dân miền Nam Bộ cũng xuất hiện trong truyện ngắn của chị: nghề
nuôi vịt chạy đồng, nghề gặt mướn, nghề cầm ca, các cô đào Hồng,
Đào Chín,… Ngay đến cái tên của nhân vật cũng không thể trộn lẫn:
Hai Nhớ, Hai Tương, Tư Lai, Năm Nhỏ, Út Vũ,… Bên cạnh đó,
Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng rất nhiều các nghĩa khí từ như: hôn,

17
hen, bộ, hổng, nè,… Cách nói, cách diễn đạt trong văn Nguyễn Ngọc
Tư mang những nét rất đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ như: té ra,
mắc cười, trời đất quỷ thần ơi,…Chính điều này đã tạo nên chất văn
đậm màu sắc Nam Bộ, tạo nên cá tính Nguyễn Ngọc Tư trong dòng
chảy của văn học đương đại.
3.1.1.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Ngôn ngữ trong truyện ngắn của các tác giả nữ là thứ ngôn
ngữ độc thoại nội tâm. Hầu hết, các nhà văn đều dùng ngôn ngữ của
nhân vật Tôi khi kể về câu chuyện của cuộc đời mình, những tình
huống xảy ra với mình: Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư. Đỗ
Hoàng Diệu cũng thường để các nhân vật của mình trong những độc
thoại nội tâm dài bất tận. Khảo sát trong tập truyện ngắn Bóng đè, có
5/8 truyện ngắn của chị sử dụng ngôi xưng nhân vật Tôi để kể lại câu
chuyện. Và ngôn ngữ độc thoại nội tâm đã trở thành nét chung trong
sáng tác của ba cây bút nữ.
3.1.2. Giọng điệu
3.1.2.1. Giọng trữ tình, đằm thắm, sâu lắng
Ta thấy xuyên suốt trong những trang văn của Nguyễn Ngọc
Tư là giọng trữ tình, đằm thắm và sâu lắng: Huệ lấy chồng, Dòng
nhớ, Cánh đồng bất tận,…Không khó để tìm ra những câu văn miêu
tả cảnh sông nước mang màu sắc lãng mạn: "Cánh đồng không có

tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi
nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên mỗi
cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây. Chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có
kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai nầy khi trôi dạt đến một nơi nào
khác, nhắc đến cánh đồng này với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ
xốn xang" (Cánh đồng bất tận).
3.1.2.2. Giọng táo bạo, sắc sảo

18
Nếu như Nguyễn Ngọc Tư để lại ấn tượng trong lòng bạn
đọc bởi lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng thì ngược lại, Đỗ Hoàng
Diệu lại mang đến một giọng văn đầy táo bạo và sắc sảo để làm nổi
bật tính cách nhân vật: "Tôi chạy giữa bãi tha ma thênh thang hoang
dại. Tôi múa điệu múa da thịt tươi tốt, thách thức thần linh, thách
thức âm hồn dòng dõi Trung Hoa nhà Thụ" (Bóng đè) hay: "Tất cả
người đàn ông trên thế gian này khi chán đều buông thả, đều cài mầm
phôi vào bụng người đàn bà vô tội vạ thế ư?" (Vu quy),…Giọng điệu
của Đỗ Hoàng Diệu là giọng của những người phụ nữ sắc sảo, táo
bạo trong tình yêu, người phụ nữ sẵn sàng chủ động hiến dâng và
kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc cho mình.
3.1.2.3. Giọng triết lý
Hầu hết trong truyện ngắn của ba tác giả đều là những triết lý
giản dị, sâu sắc và mang đậm màu sắc nhân văn. Đó là triết lý: "phải
biết tha thứ cho hết thảy mọi người" (Chuyện của Điệp) hay "Những
người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau" (Làm mẹ) và ở đời:
"không có dòng nước mắt nào dịu mềm bằng dòng nước mắt chảy ra
từ lòng hối hận" (Ngày đùa),…Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh
cũng có khá nhiều triết lý kiểu trẻ con của các cô gái mới lớn: "trẻ
con có một đặc điểm hơn hẳn người lớn là có thể nhanh chóng thay
đổi những hành động của mình mà hoàn toàn không tự ái"(Phục

thiện) hay triết lý về cuộc đời:"Ở cái tuổi này người ta điên đến mức
nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè an ủi biết bao nhiêu,
người ta lại thích trả thù nữa chứ" (Khi người ta trẻ),…Đỗ Hoàng
Diệu lại chọn cho mình triết lý của những người đàn bà về cuộc sống,
về tình yêu: "Đàn ông như anh, như phần đông đàn ông Việt Nam
không biết đánh vần từ Chung Thủy trôi chảy" (Vu quy).
3.2. Nghệ thuật xây dựng tình huống
3.2.1. Tình huống mang tính bi kịch

19
Một điều thường thấy trong những trang viết của Nguyễn
Ngọc Tư là tác giả để cho nhân vật của mình rơi vào trong những
cuộc tình tay ba hay tình yêu đơn phương. Tình yêu cứ như một cuộc
rượt bắt đối với các nhân vật trong truyện: Hiu hiu gió bấc, Dòng
nhớ, ….Đặc biệt, trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã rất
bạo tay khi dựng nên tình huống bi kịch của tình yêu - lòng thù hận.
Tình yêu chết đi đã hóa thành lòng thù hận của người cha đối với đàn
bà và ngay cả đối với những đứa con. Các tác giả Phan Thị Vàng
Anh hay Đỗ Hoàng Diệu cũng tìm cho mình những tình huống mang
tính bi kịch. Đó là bi kịch tình yêu của cô gái trẻ si tình trong Khi
người ta trẻ, bi kịch cha con trong Kịch câm,…Đỗ Hoàng Diệu lại
đặt nhân vật của mình trong những tình huống bi kịch thật lạ: đó là bi
kịch của cô gái bị hãm hiếp ngay tại nhà chồng bởi bóng ma trên bàn
thờ tổ tiên trong Bóng đè. Đó còn là bi kịch của cô gái trẻ phải lấy
một xác ướp làm chồng trong Vu quy,…
3.2.2. Tình huống tâm trạng
Tình huống tâm trạng là dạng tình huống đi sâu vào miêu tả
những tâm lí, diễn biến nội tâm sâu sắc của các nhân vật. Đó có thể là
tâm trạng nhớ sông - nhớ chiếc ghe nhỏ của cô bé khi về nhà chồng
của Giang (Nhớ sông) hoặc dòng tâm trạng của dì Diệu với nỗi khao

khát có con trong Làm mẹ hay tâm trạng đợi chờ người yêu đến cuối
đời của cô gái trong Hiu hiu gió bấc,…Những nhân vật trong truyện
ngắn của Phan Thị Vàng Anh sống trong tâm trạng si tình, mơ mộng
về tình yêu tuổi mới lớn. Đồng thời, cũng là sự thất vọng khi khám
phá ra những lừa dối trong tình yêu: Hội chợ, Si tình, Khi người ta
trẻ,…Đỗ Hoàng Diệu thường miêu tả tâm trạng của nhân vật. Các
nhân vật nữ trong truyện ngắn của chị được đặt vào trong những tình
huống tâm trạng với những lời tự vấn và khao khát kiếm tìm sự thỏa

20
mãn về tình dục hay những mong ước tình yêu hạnh phúc: Bóng đè,
Vu quy, Căn bệnh,…
3.2.3. Tình huống nhận thức
Tình huống nhận thức cho phép nhà văn đặt nhân vật của
mình vào trong những cảnh ngộ khác nhau để từ đó tự ý thức và rút
ra cho mình những bài học và kinh nghiệm sống đúng đắn. Đó là
nhận thức được tình yêu thương dành cho má của Điệp (Làm má đâu
có dễ), nhận thức được sự tha thứ trong cuộc sống (Cánh đồng bất
tận),…Phan Thị Vàng Anh cũng để cho các nhân vật nữ của mình
đối diện và nhận thức ra được sự nông nổi, cả tin trong tình yêu, rằng
đợi chờ trong tình yêu chỉ là một sự vô vọng (Mười ngày) hay sự háo
thắng cũng chỉ đem lại những kết cục buồn bã (Kịch câm),… Nhân
vật phụ nữ trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu lại nhận thức được
chính hành động nông nổi của mình trong quá khứ sẽ phải trả một cái
giá đắt (Linh thiêng) và chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành mọi căn
bệnh: "Đúng rồi, anh mới là phương thuốc tốt nhất cho em" (Căn
bệnh).
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.3.1. Miêu tả ngoại hình
Các nhà văn trẻ thường chú trọng khai thác ngoại hình của

nhân vật để từ đó khắc họa tính cách và số phận của họ. Nguyễn
Ngọc Tư và Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả khuôn mặt, hình
dáng của nhân vật: hình dáng bé nhỏ của Điệp trong Làm má đâu có
dễ, nhan sắc phai tàn với mái tóc xác xơ của các cô đào trong: Cuối
mùa nhan sắc, Bởi yêu thương,…hay đôi môi khô nứt nẻ của người
đàn bà đánh ghen trong Cánh đồng bất tận,…Phan Thị Vàng Anh
thường miêu tả ngoại hình để thấy được tính cách, tâm trạng của
nhân vật. Đó là ánh mắt, nụ cười của người cô trong truyện ngắn Khi
người ta trẻ, là bức chân dung về người con gái tên Thương trong

21
truyện ngắn Thương. Đỗ Hoàng Diệu lại chú trọng đến những chi
tiết nhỏ như: bàn tay ở truyện Bóng đè. Một chi tiết mà Đỗ Hoàng
Diệu cũng rất hay miêu tả trong truyện ngắn của mình là vòm ngực
đầy của người thiếu nữ trong các truyện: Vu quy, Hoa máu,…
3.3.2. Miêu tả hành động
Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là người phụ
nữ với những hành động của cuộc sống đời thường. Đặc biệt hơn, đó
là hành động gắn bó với cuộc sống sông nước: chèo thuyền, cho vịt
ăn, đi chợ,… Cũng có thể đó là những vai diễn của các cô đào trên
sân khấu với tình yêu, niềm nhiệt huyết, đam mê đến cháy bỏng.
Nguyễn Ngọc Tư thường đặt nhân vật của mình vào trong những tình
huống éo le và hành động của nhân vật trong những tình huống đó
thật cao cả, mang đậm tính chất nhân văn: Chuyện của Điệp, Làm
mẹ, Dòng nhớ,…Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả những hành
động nông nổi, trẻ con của các nhân vật: hành động tự tử của nhân
vật cô trong truyện ngắn Khi người ta trẻ hay hành động gửi thư
trong sự cả tin đến ngây thơ, sự chờ đợi đến mỏi mòn của cô gái trẻ
trong Mười ngày. Đỗ Hoàng Diệu lại đặt nhân vật của mình trong
những hành động mang tính bản năng. Đó chính là những khao khát

ái ân, những cuộc làm tình trong các truyện: Bóng đè, Vu quy, Dòng
sông hủi,…
3.3.3. Biểu hiện nội tâm
Trong truyện ngắn của các cây bút nữ, ta thấy tác giả sử dụng
yếu tố độc thoại nội tâm và đối thoại trong nội tâm để thể hiện những
suy nghĩ của nhân vật. Đó là tâm trạng buồn đến xót xa khi phải trả
lại đứa trẻ mà mình thương yêu về cho má của Điệp trong Chuyện
của Điệp. Đó còn là những dòng tâm sự, nỗi khát khao thèm muốn
một đứa con của dì Diệu trong Làm mẹ, là tâm trạng buồn bã, xót xa
cho một nhan sắc phai tàn của đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc

×