A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong quá trình tiến hành tố tụng, giai đoạn xét xử chiếm vị trí rất quan trọng.
Bởi các giai đoạn khác có đạt được hiệu quả hay không có vai trò rất lớn ở công
tác xét xử tại tòa án. Nước ta ghi nhận và đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt nguyên
tắc hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Trong đó, xét xử sơ
thẩm được quy định chặt chẽ từ thẩm quyền xét xử, chuẩn bị xét xử, những quy
định chung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa cho đến khi xét hỏi, tranh luận tại
phiên tòa, nghị án và tuyên án. Nói riêng vấn đề thẩm quyền xét xử sơ thẩm
được quy định rất cụ thể trong chương XVI Bộ luật tố tụng Hình sự 2003
(BLTTHS). Hiện nay thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định
khá phù hợp với thực tiễn cũng như năng lực xét xử của Tòa án nước ta. Tuy
nhiên, do những điều kiện khách quan và chủ quan, các quy định của luật tố tụng
Hình sự vẫn còn nhiều hạn chế và rất cần có những đề xuất đổi mới và hoàn
thiện nó. Với nội dung bài tập lớn học kì em xin lựa chọn đề tài: “Thẩm quyền
xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và việc hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề
này”.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
1. Khái niệm thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và căn cứ quy định
thẩm quyền xét xử.
Theo giáo trình luật TTHS trường Đại học Luật Hà Nội: “Thẩm quyền xét xử
sơ thẩm là quyền mà pháp luật quy định cho phép Tòa án được xét xử sơ thẩm vụ
án hình sự căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; đối
tượng phạm tội; nơi thực hiện tội phạm hoặc nơi khác theo quy định của pháp
luật”. Đây là một khái niệm hẹp giới hạn trong phạm vi nghiên cứu về thẩm
quyền xét xử của Tòa án theo quy định tại Chương XVI của Bộ luật TTHS
(thẩm quyền hình thức) còn xét một cách rộng hơn thẩm quyền xét xử của tòa án
1
còn bao gồm cả thẩm quyền nội dung bao gồm cả quyền hạn giải quyết, quyết
định của tòa án đối với những vấn đề cần được xem xét mà trong phạm vi bài
làm này sẽ không đề cập đến.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được phân định theo những căn cứ
sau: căn cứ vào đường lối chính sách của Đảng; các nguyên tắc cơ bản của luật
TTHS; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; tính chất
nghiêm trọng, phức tạp của tội phạm; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người
tiến hành tố tụng; số lượng cán bộ và cơ sở vật chất của cơ quan tiến hành tố
tụng và căn cứ vào tình hình tội phạm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội
phạm. Dựa trên những căn cứ này, pháp luật hiện hành phân định thẩm quyền
của Tòa án như sau:
- Thẩm quyền xét xử theo sự việc: là sự phân định thẩm quyền xét xử gữa
Tòa án các cấp với nhau căn cứ vào tính chất của tội phạm.
- Thẩm quyền xét xử theo đối tượng: là sự phân định thẩm quyền xét xử gữa
TAND và TAQS căn cứ vào đối tượng của tội phạm.
- Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ: là sự phân định thẩm quyền xét xử căn cứ
vào nơi tội phạm được thực hiện và nơi kết thúc điều tra.
2. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Toà án theo quy định của
Bộ luật tố tụng hình sự
2.1 Thẩm quyền xét xử theo sự việc
* Thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực
Khoản 1 Điều 170 BLTTHS 2003 quy định Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa
án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít
nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
2
- Các tội quy định tại các điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223,
224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự năm
1999.
Như vậy theo khoản 1 Điều 170 BLTTHS, thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án
hình sự (VAHS) của TAND huyện và TAQS khu vực bao gồm các loại tội phạm
có mức hình phạt cao nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi
2009 (BLHS) là 15 năm tù, trừ trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1
Điều 170. So với quy định của BLTTHS 1988, thầm quyền xét xử sơ thẩm quy
định theo hướng tăng cường thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện. Đây cũng
là một biện pháp giảm lượng án tồn đọng ở TAND cấp tỉnh và Tòa phúc thẩm
TAND tối cao. Đây là một bước cải cách phù hợp với chuyên môn, cơ sở vật
chất của ngành Tòa án. Vấn đề này đã được hướng dẫn tại Mục 3 Nghị quyết 24/
2003/QH11 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Việc mở rộng thẩm quyền cho TAND huyện xuất phát từ lí do sau:
Một là, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán ở hầu hết Toà án cấp
huyện ngày càng được nâng cao và có khả năng xét xử được những vụ án mà
mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là 15 năm tù trở xuống. Hai là,
việc tăng thẩm quyền xét xử cho Toà án cấp huyện sẽ tránh được việc tồn đọng
án cấp tỉnh, dành thời gian cho Tòa cấp tỉnh tập trung xét xử phúc thẩm, giám
đốc thẩm, tái thẩm. Ba là, cơ sở vật chất của Tòa án cấp huyện phần nào đã được
cải thiện nâng cấp. Số lượng biên chế thẩm phán ổn định cũng chính là lí do giúp
cho ngành Tòa án làm việc tốt hơn. Bốn là, giảm bớt được chi phí và thời gian
tiến hành tố tụng, tránh được việc trì hoãn phiên tòa vì lí do vắng mặt của người
tham gia tố tụng. Năm là, một trong những mục đích của việc xét xử là giáo dục
quần chúng nhân dân chấp hành đúng pháp luật, và việc xét xử ở Tòa cấp huyện
có thể thực hiện tốt mục đích này.
* Thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu
3
Khoản 2 Điều 170 Bộ luật TTHS 2003 quy định: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh và
Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội
phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự
khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy
lên để xét xử ”. So với những quy định trước đây, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của
Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu được quy định trong
Bộ luật tố tụng hình sự không có gì khác nhau. Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà
án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hai loại việc sau:
- Những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án
nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực.
Đó là những VAHS về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất
của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, hoặc những vụ án không
thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều
170 BLTTHS.
- Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể những vụ án nào thuộc thẩm
quyền của Toà án cấp huyện nhưng Toà án cấp tỉnh lấy lên để xét xử. Do đó,
Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát và Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp
tỉnh cần căn cứ vào khả năng thực tế của các Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều
tra viên ở cấp huyện mà xác định những loại vụ án nào cần lấy lên để điều tra,
truy tố và xét xử ở cấp tỉnh. Cơ quan điều tra cần lấy lên để điều tra, truy tố và
xét xử các vụ án sau:
+) Những vụ án có tính chất phức tạp (có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất
về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành);
+) Những vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, sỹ quan công an, cán bộ
lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người nước ngoài, người có chức sắc trong tôn
giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
4
2.2 Thẩm quyền xét xử theo đối tượng
Trong BLTTHS 2003 không có điều luật cụ thể phân định đối tượng nào
thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự, đối tượng nào thuộc thẩm quyền
của Toà án nhân dân. Tuy nhiên trong Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự 2002 có
quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS. Cụ thể Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Toà
án quân sự năm 2002 quy định: “Các Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử
những vụ án hình sự mà bị cáo là:
1. Quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong
thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân
quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những
người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp
quản lý;
2. Những người không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà
phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội”.
Dấu hiệu đối tượng tội phạm phân biệt rõ thẩm quyền giữa tòa án quân sự và tòa
án nhân dân. Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử hầu hết các đối tượng phạm
tội trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự (theo Điều 3
pháp lệnh trên). Còn trong các tòa án quân sự thì việc phân định thẩm quyền xét
xử giữa các cấp lại cũng theo cấp bậc, chức vụ quân nhân (Điều 26, Điều 29
Pháp lệnh).
Ngoài những tội phạm có đối tượng không thuộc thẩm xét xử của tòa án quân
sự, Tòa án nhân dân có quyền xét xử những người không còn phục vụ trong
quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ
quân đội, những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của
họ được thực hiện trước khi vào quan đội nếu tội phạm đó không liên quan đến
bí mật quân sự hoặc không gây thiệt hại cho quân đội.
2.3 Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ
5
Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ được quy định tại Điều 171 BLTTHS. Theo
khoản 1 Điều 171, VAHS được xét xử căn cứ vào nơi tội phạm được thực hiện
và nơi kết thúc điều tra. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi
khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm
quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc điều tra. Đối với Tòa án Quân sự, thẩm
quyền xét xử được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 24/2005: “Vụ án thuộc
thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp nào xảy ra trên địa bàn có Tòa án
quân sự cấp đó thì do Tòa án quân sự cấp đó xét xử. Việc phân định địa bàn trong
quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự do Bộ Quốc phòng
quy định cụ thể”. Nếu không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc có nhiều
Tòa án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử vụ án thì Tòa án quân sự đó xét
xử vụ án là Tòa mà VKS truy tố bị cáo trước tòa đó.
Việc quy định thẩm quyền xét xử thuộc về tòa án nơi tội phạm được thực hiện
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham
gia tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dễ dàng tiết kiệm được thời gian hơn
trong việc tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, triệu tập người
làm chứng hoặc những người liên quan trong vụ án. Mặt khác, việc xử lý vụ án
nơi tội phạm được thực hiện cũng đảm bảo tốt hơn sự có mặt của những người
tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo khoản 2 Điều 171 BLTTHS đối với trường hợp bị cáo phạm tội ở nước
ngoài thì:
- Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án nhân dân
cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác
định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành
phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.
6