Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (67.13 KB, 5 trang )

NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY VÀ MỘT
SỐ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC
NCS. Ths Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Kinh tế - Du lịch
Chất lượng giảng dạy trong giáo dục đào tạo nói chung, chất lượng giảng dạy
trong trường đại học nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công cuộc
phát triển kinh tế xã hội của một đất nước, bởi nó tác động trực tiếp đến chất lượng
nguồn nhân lực – nguồn lực được xem là quan trọng bậc nhất hiện nay. Do vậy,
nâng cao chất lượng giảng dạy không chỉ là mối quan tâm của riêng người học,
người dạy mà là của toàn xã hội. Chất lượng giảng dạy cũng chính là vấn đề cốt lõi,
quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của một trường đại học.
Chất lượng giảng dạy phụ thuộc nhiều nhân tố, trong đó trực tiếp nhất là ba
nhóm nhân tố tham gia và tương tác lẫn nhau trong một giờ giảng bất kỳ, đó là
người dạy, người học và môi trường, điều kiện dạy học. Ba nhóm nhân tố này quan
hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau góp phần quan trọng tạo nên kết quả/sản phẩm cuối
cùng là chất lượng giảng dạy.
Chất lượng giảng dạy đương nhiên không thể thiếu vai trò của người dạy. Có
câu “không thầy đố mầy làm nên”. Người thầy trong lớp học chính là vị nhạc
trưởng điều khiển cả dàn nhạc cùng hòa âm tạo ra một bản nhạc chung là nội dung
của bài học. Nếu người nhạc trưởng không điều khiển, hướng dẫn được các nhạc
công thì sẽ không tạo ra được một bản hòa âm trọn vẹn, hoặc nếu có thì cũng là một
bản hòa âm chất lượng kém. Dưới góc độ chuyên môn, bài giảng của người thầy
cần sinh động và được cập nhật thường xuyên. Đây chính là điểm mấu chốt thu hút
sự chú ý, tập trung của người học. Trong bài giảng cần sử dụng các ví dụ mang tính
thời sự, tính thực tế. Điều này đặc biệt cần thiết với nhóm ngành kinh tế – nhóm
ngành luôn có sự vận động thay đổi thường xuyên, nhanh chóng. Các ví dụ trực
quan sẽ giúp sinh viên liên hệ được với thực tiễn, làm cho các nội dung lý thuyết
không còn khô cứng, khó nhớ mà trở nên gần gũi, dễ hiểu. Ví dụ càng gần với bối
cảnh địa phương, với môi trường mà người học sinh sống càng làm cho họ dễ tiếp
thu và ghi nhớ. Kiến thức trong bài giảng được cập nhật, bổ sung điểm mới sẽ giúp
người học tránh được sự nhàm chán, đồng thời tăng khả năng ứng dụng trong thực


tiễn.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên nên đưa ra nhiều câu hỏi gợi mở và
đồng thời khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan trong các tiết
giảng. Khi giảng viên đặt câu hỏi, sinh viên sẽ phải động não để tìm câu trả lời.
Ngược lại, khi sinh viên đặt câu hỏi cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy giảng viên
phải liên tục tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu để trả lời. Đặt câu hỏi không chỉ yêu cầu
đơn thuần là đưa ra câu hỏi một cách ngẫu nhiên, bất kỳ. Thực tế, để có thể đặt
được câu hỏi, cả sinh viên và giảng viên đều phải hết sức tập trung vào bài giảng,
đọc trước giáo trình cũng như tài liệu tham khảo, thậm chí phải đọc kỹ và nhiều tài
liệu mới có thể đặt được câu hỏi hay. Mặt khác, khi đặt câu hỏi thì trong đầu người
hỏi gần như tự động sẽ có một số phương án trả lời cho riêng mình, mặc dù có thể
còn băn khoăn, thắc mắc, chưa chắc chắn phương án nào chính xác nhất. Như vậy,
câu hỏi trong các tiết giảng thúc đẩy cả thầy và trò tăng cường tư duy, động não, tập
trung vào bài học. Đặt câu hỏi chính là cách dẫn dắt để người học đến được câu trả
lời và nhớ được câu trả lời tự nhiên nhất.
Với các vấn đề mở, giảng viên nên để sinh viên thảo luận và khuyến khích
quyền được trao đổi, phát biểu ý kiến cá nhân của sinh viên. Trong một số trường
hợp, giảng viên đưa các chủ đề liên quan, chia lớp thành các nhóm để thảo luận về
các chủ đề đó. Sau đó các nhóm được yêu cầu trình bày trước lớp kết quả thảo luận
của nhóm mình. Giảng viên và các sinh viên nhóm khác sẽ bổ sung ý kiến và góp ý
để hoàn chỉnh. Việc được trao đổi, bày tỏ quan điểm sẽ giúp sinh viên cảm thấy
không bị áp đặt, không bị thụ động thu nhận kiến thức một chiều, mà ngược lại,
sinh viên được học hỏi lẫn nhau, từ đó có thể làm cho các em tự tin hơn, hăng say
hơn trong các tiết học. Riêng việc trình bày kết quả thảo luận nhóm, giảng viên
cũng cần lưu ý yêu cầu và đánh giá sự tham gia của tất cả các thành viên trong
nhóm. Điều này giúp người học có trách nhiệm, tham gia nhiệt tình hơn trong thảo
luận, đồng thời rèn luyện cho họ kỹ năng làm việc nhóm trong các công việc chung.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, phong thái và cách tiếp cận người học của
giảng viên cũng rất quan trọng góp phần vào chất lượng giảng dạy. Phong thái của
người dạy thể hiện qua trang phục, giọng nói, cách đi đứng trên giảng đường.

Không yêu cầu quá khuôn mẫu, đạo mạo, vì điều này có thể tạo ra rào cản, làm cho
người học e ngại trước người dạy. Tuy nhiên, giảng viên cũng cần đảm bảo những
tiêu chuẩn cơ bản để tạo ra sự nghiêm túc cần thiết trong quá trình giảng dạy. Cách
diễn đạt mạch lạc, chắc chắn và có điểm nhấn của người thầy sẽ làm cho sinh viên
dễ tiếp thu và tin tưởng vào kiến thức được truyền đạt. Ngôn ngữ hình thể của
người dạy cũng là một kênh quan trong để chuyển tải nội dung bài học. Cùng với
ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, ngôn ngữ hình thể giúp thu hút sự chú ý của người
nghe, và trong một chừng mực nào đó giúp giải thích, làm rõ hơn nội dung cần
truyền đạt. Khi giảng dạy, việc tăng cường giao lưu giữa thầy và trò trong lớp học là
rất cần thiết. Nếu hoàn toàn chỉ đứng trên bục giảng, người dạy sẽ rất khó thúc đẩy
sự tham gia phát biểu ý kiến cũng như kiểm soát được các hoạt động của người học.
Việc di chuyển đến gần vị trí sinh viên của giảng viên trong lớp học không chỉ giúp
tất cả người học nghe rõ được bài giảng mà quan trọng hơn làm cho người học thấy
bản thân họ được quan tâm, chú ý bởi người dạy. Do đó, họ sẽ có ý thức điều chỉnh
thái độ học tập, trở nên tích cực hơn và giảm bớt các hành động ảnh hưởng không
tốt đến giờ học như nói chuyện riêng, làm việc riêng, v.v.
Chất lượng giảng dạy không chỉ phụ thuộc vào người dạy. Cùng với vai trò
nhạc trưởng là người thầy như đã trình bày ở trên, người học đóng vai trò trung tâm
như các nhạc công làm nên bản hòa âm. Tinh thần, thái độ của người học rất quan
trọng trong các tiết học. Người học là người chủ của buổi học, là nhân tố quyết định
đối với chất lượng kiến thức thu được sau buổi học. Nếu người học không yêu
thích, không chủ động, chưa có trách nhiệm với việc học của mình thì rất khó có
được một giờ giảng sôi nổi, có chất lượng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa
giảng viên chỉ thụ động ngồi chờ sinh viên có thái độ học tập tốt. Người dạy cần
truyền được cho người học tinh thần học tập, sự hăng say sôi nổi trong các giờ học.
Khi sinh viên chưa có sự hăng say, chưa có đam mê học, giảng viên cần khơi gợi,
tạo ra sự yêu thích và động lực cho các em qua các câu chuyện, các tấm gương và
ngay cả trong việc đánh giá công bằng kết quả học tập của các em. Cần làm cho
sinh viên hiểu rằng học với các em chính là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ,
là “được đi học” chứ không phải “bị đi học”. Cần xác định rõ việc học là để thu

nhận kiến thức, kỹ năng phục vụ cho cuộc sống, cho tương lai của chính các em chứ
không phải vì cha mẹ, vì thầy cô hay vì bất kỳ một ai khác. Nếu ví von dưới góc
nhìn của nhà kinh tế, kiến thức, kỹ năng (chứ không phải là điểm số) là một loại
hàng hóa đặc biệt trên thị trường thì các em và gia đình chính là người mua hàng và
đã trả tiền thông qua học phí; nhà trường và giảng viên giao hàng hóa mà người
mua yêu cầu thông qua các tiết giảng, các buổi thảo luận, các chuyến đi thực tế.
Trong trường hợp này, nếu sinh viên không tích cực thu nhận, trao đổi, đề xuất, đặt
câu hỏi để khai thác kiến thức, kỹ năng từ người thầy cũng đồng nghĩa với việc các
em đã đánh rơi hàng hóa mà chính các em và gia đình đã bỏ tiền và thời gian ra để
mua, hoặc cũng như chấp nhận nhận hàng hóa chất lượng thấp. Như vậy, ảnh hưởng
và thiệt thòi chính là thuộc phía các em và gia đình.
Dưới góc độ tâm lý, tinh thần và thái độ học tập tích cực của sinh viên còn
như một động lực, thôi thúc giảng viên nhiệt tình, đưa hết tâm huyết vào bài giảng.
Khi người học chăm chú lắng nghe bài giảng, tích cực phát biểu ý kiến, trao đổi hai
chiều sẽ làm cho người dạy cảm thấy bài giảng của mình hữu ích, được chú ý. Nó
như một yếu tố vô hình động viên người thầy ngày càng yêu nghề hơn, cố gắng, nỗ
lực hết mình trong việc xây dựng bài giảng hay hơn, sinh động hơn, cũng như thôi
thúc người dạy tiếp tục học hỏi, nghiên cứu để làm phong phú bài giảng, chú ý rèn
luyện để hoàn thiện bản thân, xứng đáng với vai trò người thầy trên bục giảng.
Cùng với vai trò người dạy và người học, nhóm nhân tố về điều kiện, môi
trường dạy học cũng góp phần làm nên chất lượng của tiết giảng. Hệ thống phòng
học, máy móc thiết bị không thể thay thế được người thầy nhưng hệ thống này đảm
bảo chất lượng chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học. Đơn cử các
thiết bị nghe nhìn như máy chiếu, tai nghe, loa đài, … giúp cho sinh viên tiếp cận
nội dung bài giảng sinh động hơn, rõ ràng hơn, đồng thời giúp giảng viên dành
được nhiều thời gian trao đổi, giao tiếp với sinh viên thay vì mất quá nhiều thời gian
cho việc tác nghiệp trên bảng. Đối với các môn học có nhiều hình vẽ, sơ đồ, mô
hình và liên quan đến âm thanh, các thiết bị này lại càng hữu ích.
Quy mô lớp học cũng không nên quá lớn. Có như vậy thì mỗi sinh viên mới
có cơ hội trao đổi với giảng viên và ngược lại giảng viên có thể sắp xếp được thời

gian để giải đáp thắc mắc của sinh viên. Lớp học quá đông không chỉ ảnh hưởng
đến khả năng trao đổi giữa người học và người dạy, mà còn là yếu tố tiềm ẩn có thể
dẫn đến tình trạng mất trật tự trong lớp học. Do đó, quy mô lớp học không hợp lý có
thể gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, số lượng học phần
phụ trách trên mỗi giảng viên không nên quá nhiều, đặc biệt đối với các giảng viên
trẻ. Đây là một trong những điều kiện quan trọng giúp giảng viên có đủ thời gian để
nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu và đầu tư sâu hơn cho một bài giảng chất lượng tốt.
Một vấn đề nữa cũng cần đề cập đến trong nhóm nhân tố về điều kiện, môi
trường dạy học là trật tự lớp học. Khi các yếu tố âm thanh gây nhiễu ở bên ngoài
phòng học được loại trừ thì việc duy trì không khí dạy học nghiêm túc, trật tự hết
sức quan trọng đối với chất lượng giảng dạy. Môi trường giảng dạy rất cần sự thân
thiện, cởi mở giữa sinh viên và giảng viên, cũng như giữa các sinh viên với nhau.
Nhưng điều này không có nghĩa các thành viên trong lớp học, kể cả giảng viên,
hoàn toàn tự do tất cả các hành động của mình. Các hoạt động trong lớp cần hướng
đến và liên quan tới nội dung bài học. Cần loại trừ các hoạt động như nói chuyện
riêng, làm việc riêng khác. Chú ý đảm bảo nguyên tắc “người nói có người nghe”.
Để có được điều này, trước khi bắt đầu một môn học hoặc một giờ giảng nên có sự
thống nhất, xây dựng nội quy của tập thể lớp học để cả thầy và trò cùng chấp hành.
Một hoạt động tốn rất ít thời gian, tưởng như nhỏ như việc nghiêm túc đứng chào
nhau giữa người học và người dạy đầu mỗi buổi học cũng góp phần không nhỏ đối
với việc tạo ra trật tự cho lớp học. Thực hiện động tác này, ngoài việc như một nghi
lễ để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò, quan trọng hơn, nó còn giúp
cho cả thầy và trò chuẩn bị tâm thế nghiêm túc, ổn định và tập trung cho một tiết
học mới.
Chất lượng giảng dạy là kết quả tổng hòa của rất nhiều nhân tố. Nó có thể
được cải thiện, nâng cao, tuy nhiên, không phải ngay tức khắc mà cần một quá
trình, với sự phối hợp tích cực của cả người dạy, người học và những điều kiện, môi
trường hỗ trợ bên ngoài.
Với vốn hiểu biết còn hạn chế và kinh nghiệm chưa nhiều trong giảng dạy, tôi
xin đóng góp một vài ý kiến như trên với mong muốn hội thảo “Nâng cao chất

lượng giảng dạy” của chúng ta sẽ thành công, đạt được mực tiêu đề ra. Tôi mong
muốn và tin tưởng tập thể thầy và trò của trường Đại học Quảng Bình sẽ từng bước
đạt được điều này trong tương lai không xa.


×