Tầng 9, Toà Nhà Minexport, 28 Bà Triệu, Hà Nội, Việt Nam
Tel: 04 62702158 Fax: 04 62702138
Email: ; Website: www.mutrap.org.vn
BÁO CÁO
BẢO HỘ THUẾ QUAN, TRỢ CẤP THỰC PHẨM NÔNG NGHIỆP VÀ
ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) GIỮA
VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)
Báo cáo cung cấp thông tin về các cơ chế mà Liên minh châu Âu đã thông qua
để hỗ trợ cho một số sản phẩm cụ thể, và sự phù hợp của trợ cấp hàng hóa đầu
vào qua mức bảo hộ hữu dụng. Một số sản phẩm đó là thịt, rau và bột mì. Việc
nghiên cứu sẽ minh họa sự liên quan hiệu quả của các cơ chế hỗ trợ đối với
những sản phẩm này trong EU
MÃ HOẠT ĐỘNG: FTA- 7C
Nhóm chuyên gia:
Antonio Cordella
Võ Trí Thành
Trịnh Quang Long
Hà Nội, 07/2011
Báo cáo này được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu. Quan điểm trong báo cáo là của
các tác giả, không phải là ý kiến chính thức của Liên minh châu Âu hay của Bộ Công Thương
MỤC LỤC
I. TÓM TẮT 1
II. GIỚI THIỆU 11
1. Các mô hình thương mại 11
2. Chế độ chính sách và các công cụ về thương mại của EU 15
3. Hiệp định thương mại tự do so với Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 22
4. Bảo hộ thuế quan của EU 24
5. Các biện pháp phi thuế quan 41
6. FDI, FTA và thương mại thực phẩm chế biến 43
III. KẾT LUẬN 44
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
ACP
(Các nước) châu Phi-Ca ri bê-Thái Bình Dương
ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
CAP
Chính sách nông nghiệp chung
EBA
Sáng kiến “mọi thứ trừ vũ khí”
EC
Cộng đồng châu Âu
EPA
Hiệp định đối tác kinh tế
ERP
Suất bảo hộ hữu dụng
EU
Liên minh châu Âu
FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
FTA
Hiệp định thương mại tự do
GIs
Chỉ dẫn địa lý
GMOs
Thành phần biến đổi gen
GSP
Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập
LDCs
Các nước kém phát triển
MFN
Đối xử tối huệ quốc
NRP
Suất bảo hộ danh nghĩa
SPS
Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật
1
I. TÓM TẮT
Việt Nam là một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm
khoảng hai phần ba GDP. Việt Nam có truyền thống là một nước xuất khẩu ròng các sản
phẩm thực phẩm nông nghiệp, nhưng đã trở thành một nước nhập khẩu ròng trong năm
2010. Hàng hóa thực phẩm nông nghiệp nhập khẩu đã tăng lên đều đặn từ năm 2006, và
con số thặng dư thương mại gần 3 tỷ USD trong năm 2008 giờ đây đã không còn.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo (29% kim ngạch xuất khẩu thực phẩm
nông nghiệp), cà phê (26%), hạt điều (13%), và hạt tiêu (5%). Các đối tác thương mại
chính gồm: ASEAN, EU, Mỹ và Trung Quốc mà cộng tất cả lại chiếm 80% giá trị hàng
hóa thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010.
Trái ngược với những gì diễn ra với Việt Nam, năm 2010, EU đã trở thành nhà xuất khẩu
ròng các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp với mức thặng dư là 3,8 tỷ USD hay 0,4% tổng
mậu dịch. Trao đổi thương mại các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp với Việt Nam chỉ
chiếm một phần nhỏ trong ngoại thương của EU cả về mặt nhập khẩu (0,35%) lẫn xuất
khẩu (0,15%).
Về chiến lược chính sách thực phẩm nông nghiệp, EU đang ngày càng gia tăng nhập khẩu
các loại nguyên liệu nông nghiệp thô cơ bản, giá rẻ, rồi sau đó đưa vào phục vụ cho ngành
công nghiệp thực phẩm và đồ uống của EU với định hướng toàn cầu, lấy chất lượng làm
trọng tâm và giá trị cao. Chính vì thế, EU đang tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu nông
nghiệp thô trong khi xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn. Thật vậy,
thị phần hàng nông nghiệp xuất khẩu số lượng lớn của EU đang giảm, song xuất khẩu các
sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng của EU lại tăng cao.
Như một phần trong tiến trình cải cách về Chính sách nông nghiệp chung, EU đã và đang
tìm cách thúc đẩy một sự dịch chuyển căn bản trong mô hình sản xuất nông nghiệp, lương
thực của châu Âu từ "số lượng" sang “chất lượng", từ phục vụ các thị trường “mua sắm -
thiết yếu” sang các thị trường “mua sắm - xa xỉ”. Chính sách chất lượng hàng nông sản
bao trùm 3 lĩnh vực chính:
Các yêu cầu sản xuất chính và các tiêu chuẩn thị trường;
Các chương trình chất lượng EU cụ thể, như là các chỉ dẫn địa lý (GIs), các loại
đặc sản truyền thống và canh tác hữu cơ;
Các chương trình chứng nhận chất lượng thực phẩm.
Thương mại song phương các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam-EU
(không bao gồm các sản phẩm thủy sản) phần lớn vẫn có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên,
mức thâm hụt thương mại của EU đã giảm đi gần một phần tư trong những năm gần đây,
xuống còn khoảng 880 triệu USD trong năm 2010 (năm 2007 là 1,2 tỉ USD). Trong khi
hàng xuất khẩu của Việt Nam ít nhiều vẫn ổn định trong giai đoạn 2007-2010 (năm 2010
là 1,5 tỉ USD), và hàng nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, lên 646 triệu USD.
Ba loại thực phẩm nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam xuất sang thị trường EU chiếm hơn
4/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cà phê (59%), hạt điều (16%) và hạt tiêu (10%). Các
loại hàng hóa xuất khẩu khác bao gồm mì sợi chiếm 2,3%, nước trái cây (1,4%), chè (0,9%),
gạo (0,8%).
Hàng thực phẩm nông nghiệp của EU xuất sang thị trường Việt Nam đa dạng hơn, với 4
2
loại sản phẩm hàng đầu chỉ chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu, bao gồm các chế phẩm thực
phẩm (15%), rượu (8%), các sản phẩm sữa (7%) và thức ăn chăn nuôi (5%).
Chế độ thuế quan EU: Cơ cấu về biểu thuế nhập khẩu tối huệ quốc chung của EU bao gồm
thuế tuyệt đối và thuế tương đối. Mạng lưới bao gồm các cơ chế thương mại ưu đãi, cùng
với hệ thống ưu đãi đơn phương của EU đang làm tăng thêm mức độ phức tạp của chế độ
thuế quan EU. Thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho hàng nhập khẩu và
hàng hoá sản xuất trong nước có cùng mức thuế; các mức thuế này được các quốc gia thành
viên thiết lập, tuy nhiên vẫn chưa được hài hoà hóa trong EU.
Việc cấm nhập và giám sát hàng nhập khẩu, ngoài những hình thức khác, được duy trì trên
cơ sở an ninh, kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, môi trường, và theo các hiệp định và công ước quốc
tế. Cần phải có giấy phép nhập khẩu cho các sản phẩm thuộc diện bị hạn chế về số lượng, về
hạn ngạch thuế quan, và về các biện pháp bảo vệ, hoặc phục vụ cho công tác theo dõi, giám
sát hàng nhập khẩu.
EU sử dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả thương mại dự phòng, mặc dù số lượng
các biện pháp dự phòng mà EC thông báo lên tổ chức WTO đã giảm kể từ năm 2005. Quá
trình hài hòa hóa các yêu cầu kỹ thuật (bao gồm các quy định, chuẩn mực, tiêu chuẩn kỹ
thuật, và các biện pháp vệ sinh dịch tễ) giữa các nước thành viên EU vẫn đang tiếp diễn.
Cần phải có giấy phép xuất khẩu để xuất khẩu một số mặt hàng nông sản nhất định, và để
phục vụ kiểm soát việc xuất khẩu các hạng mục và công nghệ sử dụng kép.
EU vẫn áp dụng trợ cấp xuất khẩu một số hàng nông sản. Kể từ năm 1992, Chính sách nông
nghiệp chung của EU đã có sự thay đổi đáng kể do việc trợ cấp phần lớn đã được tách riêng
ra khỏi sản xuất. Trợ cấp lớn nhất hiện nay là chương trình Trợ cấp theo diện tích đất canh
tác (Single Farm Payment) thuộc loại trợ cấp trong “Hộp xanh lá cây" được WTO cho phép
cung cấp.
Việc cải cách hệ thống hiện đang được tiến hành (theo từng giai đoạn từ 2004 đến 2012)
để giảm bớt kiểm soát đối với hàng nhập khẩu và chuyển trợ cấp cho việc quản lý đất đai
hơn là cho việc sản xuất cây trồng cụ thể. Cải cách Chính sách nông nghiệp chung (CAP)
vào tháng 6 năm 2003 đã thực sự chuyển khoảng 90% chi trả trực tiếp từ các hộp hổ phách
và xanh lam sang hộp xanh lá cây - chủ yếu được thể hiện qua việc "trợ cấp nông nghiệp
dựa trên diện tích canh tác". Năm 2010, EU đã chi khoảng 57 tỷ Euro cho phát triển nông
nghiệp, trong đó 39 tỷ Euro đã được dành cho các khoản trợ cấp trực tiếp. Trợ cấp nông
nghiệp và thủy sản chiếm hơn 40% ngân sách của EU.
Chương trình Trợ cấp theo diện tích đất canh tác (Single Payment Scheme): Mục đích chính
của chương trình này là giúp người nông dân có thu nhập ổn định hơn. Nông dân có thể tự
quyết định sản xuất cái gì và hiểu rằng mình sẽ nhận được cùng một số tiền trợ cấp, cho
phép họ có thể điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu. Để được hưởng chương trình trợ
cấp này, người nông dân phải có đơn đề nghị. Những khoản tiền này được tính toán trên cơ
sở những khoản thanh toán mà người nông dân đã nhận được trong một giai đoạn tham
chiếu (dựa trên dữ liệu trong quá khứ) hoặc số héc ta có đủ điều kiện đã được đưa vào sản
xuất trong năm đầu tiên triển khai chương trình (mô hình vùng).
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ này, EU còn có kế hoạch hoàn thuế xuất khẩu. Theo Chính
sách nông nghiệp chung (CAP), EU đặt ra các mức giá tối thiểu cho một số hàng nông sản
nhất định để khuyến khích người nông dân tiếp tục sản xuất lương thực. Trong một số
trường hợp, các mức giá tối thiểu này cao hơn mức giá thế giới áp dụng cho cùng loại sản
3
phẩm. Khi các sản phẩm nuôi trồng được xuất khẩu ra ngoài EU, khoản tiền hoàn trả này
cho phép thu hẹp khoảng cách về giá giữa mức giá EU và mức giá thị trường thế giới, và để
hỗ trợ cho mức giá thu mua nguyên liệu đầu vào cao trong EU. Chương trình này cho phép
các nhà xuất khẩu EU có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới. Việc hoàn thuế xuất
khẩu chính là trợ cấp, có thể được chi trả cho các sản phẩm như thịt bò, gia súc hơi, sữa và
các sản phẩm từ sữa, đường, ngũ cốc, thịt lợn, gia cầm và trứng, và một số sản phẩm chế
biến nhất định - mà được xuất khẩu ra bên ngoài EU. Chính sách hoàn thuế xuất khẩu cũng
áp dụng đối với các cơ sở chế xuất/sản xuất xuất khẩu, cụ thể cho sản phẩm nông nghiệp chế
biến, chẳng hạn như sô cô la, bánh kẹo, đồ uống ngọt, bánh quy, Theo cam kết WTO, EU
có quyền chi trả tiền hoàn thuế xuất khẩu cho các hàng hóa nông sản theo lộ trình – hàng
năm EU chi trả một khoản tiền là 7,4 tỷ Euro cho trợ cấp xuất khẩu, bao gồm 415 triệu
Euro trợ cấp xuất khẩu cho hàng nông sản kết hợp (tức là thực phẩm chế biến), chiếm
5,6% của tổng chi trợ cấp xuất khẩu chung của EU.
EU đã áp dụng các chính sách ưu đãi thương mại cho các nước đang phát triển kể từ đầu
những năm 1960. Mức độ ưu tiên mà EU đưa ra là khác nhau phụ thuộc vào việc liệu một
nước đang phát triển chỉ thuộc diện hưởng ưu đãi theo Cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập
(GSP) (mà theo đó tất cả các nước đang phát triển đều có đủ điều kiện) hay thuộc diện các
chế độ thương mại tự chủ khác.
Về cơ bản có ba chế độ thương mại ưu đãi để vào thị trường EU đối với hàng hóa nông
nghiệp có nguồn gốc từ các nước đang phát triển:
Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), áp dụng cho tất cả các nước đang phát
triển trong danh sách hợp lệ, bao gồm:
o Sáng kiến “mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) hỗ trợ cho tất cả các nước kém phát
triển nhất (LDCs);
Các chế độ ưu đãi tự chủ theo Hiệp định Cotonou cho các nước ACP, trong đó bao
gồm:
o Sáng kiến EBA hỗ trợ cho tất cả các nước kém phát triển;
o Các Hiệp định đối tác kinh tế tạm thời (EPAs) và một EPA toàn diện được
ký tắt hoặc ký kết với các chính phủ của một số nước ACP nhất định;
o Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) quy định khuôn khổ thương mại
cho riêng 10 nước ACP không thuộc danh sách kém phát triển mà chính
phủ các nước này chưa ký tắt các EPA tạm thời.
Các thỏa thuận ưu đãi song phương hoặc khu vực – Hiệp định thương mại tự do,
chẳng hạn như Chi-lê, Mê-hi-cô và Nam Phi và hầu hết các nước Địa Trung Hải.
Việt Nam vẫn đang cân nhắc những lợi ích (lợi thế và bất lợi) khi ký kết Hiệp định thương
mại tự do với EU. Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ GSP với EU, nhưng không
giống với một Hiệp định thương mại tự do ký kết song phương, các ưu đãi thuộc quy chế
GSP được tái xem xét trên cơ sở định kỳ. Ví dụ, Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập với
Việt Nam đã được điều chỉnh vào năm 2008 và một số sản phẩm khác nhau như là giày
dép của Việt Nam - những mặt hàng đã được hưởng lợi từ cơ chế này – đã không còn đáp
ứng được các điều kiện cần thiết.
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam có thể mang lại cho Việt nam cơ hội tiếp cận
thị trường EU một cách tự do và với những ưu đãi hơn cơ chế GSP hiện đang mang lại,
tuy nhiên, FTA sẽ áp dụng sự trao đổi những đặc quyền mậu dịch có đi có lại giữa hai bên
và buộc Việt Nam phải mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa nhập khẩu EU.
4
Trong trường hợp các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam không
đi đến thống nhất thì giải pháp thay thế duy nhất đối với Hiệp định thương mại tự do mà
WTO cho phép đó là duy trì cơ chế GSP được áp dụng cho tất cả các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong tương lai EU có thể đơn phương quyết định hạn chế, thắt chặt hơn việc
tiếp cận GSP đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
EU áp dụng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chế biến phụ thuộc vào các thành phần
nhất định (chẳng hạn như việc áp mức thuế cao hơn khi sản phẩm đó có một thành phần là
đường); thuế đối với trái cây và rau quả phụ thuộc vào giá nhập khẩu cố định hàng ngày
và mùa vụ (ví dụ, trong thời gian trái vụ thì áp mức thuế suất thấp hơn); và duy trì một
biên độ ưu đãi đối với ngũ cốc và gạo.
Mức thuế EU áp dụng đối với các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu có xuất xứ
tại Việt Nam là không cao lắm. Các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo (cà phê, hạt điều, hạt tiêu
và chè) có thể được miễn thuế khi vào thị trường EU, trong khi đó mức thuế nhập khẩu
tương đương 5,7% được áp dụng đối với gạo. Các mức thuế trung bình <15% được áp
dụng cho các sản phẩm thực phẩm chế biến, hoặc sơ chế (các loại rau quả như dưa chuột,
cà chua, hành khô, thịt), hoặc là tiêu dùng cuối cùng (nước sốt cà chua, nước táo ép, dăm
bông). Mức thuế suất cao hơn - nhưng <30% - được áp dụng cho sữa bột, xúc xích, rau
quả tươi, mì, nước ép trái cây và rau quả, bột mì, và bánh quy. Riêng đối với đường thô
(không phải là đường tinh luyện) thì mức thuế áp dụng là rất cao, tới trên 50%.
Đối với một số các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp, mức thuế suất mà Việt Nam áp
dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ EU nhìn chung cao hơn so với mức mà EU
áp dụng đối với các sản phẩm từ Việt Nam. Điều này chủ yếu do trên thực tế EU đưa ra
chính sách tiếp cận ưu đãi đơn phương cho một số sản phẩm nhất định của Việt Nam theo
chế độ GSP, trong khi Việt Nam áp dụng các mức thuế nhập khẩu MFN đối với các sản
phẩm của EU.
Biểu thuế quan leo thang: thị trường châu Âu có vẻ là khá mở cho các nước đang phát
triển nhờ vào nhiều hiệp định ưu đãi mà EU đã ký kết với các đối tác của mình (GSP, EPA
với các nước ACP, FTA với không thuộc ACP,…).
Nhìn vào những hiệp định ưu đãi này, việc phân tích của chúng tôi cho thấy trong năm
2010, không có hiện tượng đánh thuế lũy tiến của EU đối với các nước đang phát triển
theo EPA, và tương đối nhỏ cho các nước đang phát triển khác, với các nước được hưởng
lợi từ GSP chịu mức thuế cao hơn những nước được hưởng lợi từ các hiệp định FTA
không thuộc EPA.
Biểu thuế quan leo thang được EU áp dụng đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
có tồn tại, mặc dù có vẻ không lớn, và ít khắt khe hơn mức thuế nhập khẩu leo thang mà
Việt Nam áp dụng trên các sản phẩm tương tự nhập từ EU. Hơn nữa, mức thuế leo thang
của EU áp dụng đối với các sản phẩm sơ chế dường như cao hơn các sản phẩm thực phẩm
thành phẩm, trong khi Việt Nam áp mức thuế leo thang cao hơn vào các sản phẩm thực
phẩm cho tiêu dùng cuối cùng.
Trong chuỗi bột ngũ cốc, mức thuế mà EU áp dụng đối với bột mì cao hơn so với bánh
quy (tương ứng là 23% và 18%), và cà chua sơ chế cao hơn nước sốt cà chua (tương ứng
là 14% và 7%), tuy nhiên, mức thuế suất leo thang áp dụng đối với các sản phẩm thành
phẩm lại cao hơn so với các sản phẩm sơ chế trong chuỗi chế biến dưa chuột và thịt (lần
lượt là 9% và 14% đối với dưa chuột, 13% và 20% đối với thịt).
5
Khi so sánh các mức thuế nhập khẩu mà EU áp dụng đối với các đối tác thương mại với
mức độ tiếp cận ưu đãi khác nhau, bên cạnh những lợi thế rõ ràng của EPA và EBA (trong
đó các mức thuế suất mà các thành viên thiết lập là “bằng không”) thì có vẻ như hàng hóa
xuất khẩu từ các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU được hưởng ưu đãi hơn
khi vào thị trường EU so với hàng hóa xuất khẩu từ các nước được hưởng lợi từ chương
trình GSP đơn phương. Cụ thể khoảng cách ưu đãi đối với một số (nhưng không phải là tất
cả) các sản phẩm sơ chế (như cà chua sơ chế, một số loại thịt), thực phẩm chế biến (mì,
nước trái cây, nước sốt) và nhìn chung cho các loại rau quả tươi hoặc ướp lạnh là tương đối
lớn. Tuy nhiên, không có việc tiếp cận ưu đãi giữa một FTA phi EPA và GSP đối với các
loại hàng hóa xuất khẩu truyền thống của Việt Nam (cà phê, các loại hạt, hạt tiêu, gạo, và
chè), sản phẩm ngũ cốc (lúa mì, bột), đường và các loại thịt chế biến.
Như đã nói ở trên, mức thuế suất của EU đánh vào cà phê, hạt điều, hạt tiêu và chè nhập
khẩu từ Việt Nam là bằng không. Không áp dụng biểu thuế nhập khẩu leo thang khi các
sản phẩm này được xuất đi ở công đoạn chế biến đầu tiên, tuy nhiên Việt Nam đã không
thể tận dụng được lợi thế này do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt cà phê tươi chứ không
phải là cà phê rang. Ngược lại, hạt điều chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng không vỏ. Các
sản phẩm có chứa đường (cà phê hòa tan và trà) thường có thuế suất cao nhất bởi vì chính
sách thuế suất đặt biệt áp dụng vào các sản phẩm có chứa đường.
Thuế nhập khẩu của EU đánh vào thực phẩm từ ngũ cốc rất phức tạp và khác nhau, với
thuế bổ sung được áp dựa trên tỷ lệ phần trăm theo trọng lượng của tinh bột, đường, chất
béo sữa và protein sữa có trong sản phẩm. Các sản phẩm từ ngũ cốc xuất khẩu của Việt
Nam bị áp biểu thuế leo thang hạn chế, với mức thuế cho các sản phẩm sơ chế là cao nhất.
Thực tế, thuế nhập khẩu của EU áp dụng trên các loại ngũ cốc có nguồn gốc từ Việt Nam
trung bình là 5,7% đối với gạo, 15,3% đối với lúa mì, tăng lên tới 23,3% đối với bột mì,
nhưng chỉ là 17,5% cho các sản phẩm chế biến thành phẩm. Suất bảo hộ hữu dụng cho sản
phẩm thành phẩm của chuỗi hàng hóa một mì (bánh quy) ước tính là 16%, gần với mức
bảo hộ danh nghĩa.
Hàng rau quả sơ chế xuất khẩu của Việt Nam bị áp một mức thuế nhập khẩu theo tỷ lệ
không bị cấm (non-prohibitive ad valorem) là 8,6%, trong khi một mức thuế nhập khẩu
cao hơn 14,1% áp dụng cho rau quả đã chế biến cho tiêu dùng cuối cùng, cả hai mức thuế
này là thấp hơn so với các mức thuế đối với rau tươi và ướp lạnh (17,3%). Suất bảo hộ
hữu dụng cho sản phẩm cuối cùng trong chuỗi hàng hóa rau quả được dự tính là 34% cho
dưa chuột bảo quản, nhưng là âm (- 15%) cho nước sốt cà chua. Một ERP mức âm có
nghĩa là nhà sản xuất trong nước bị đánh thuế chứ không phải là được trợ cấp (do đó, một
suất bảo hộ hiệu quả âm cho các nhà sản xuất Việt Nam) khi sản xuất nước sốt cà chua;
điều này là bởi vì thuế nhập khẩu đánh vào nguyên liệu đầu vào hầu hết là cao hơn so với
thuế nhập khẩu đánh vào sản phẩm cuối cùng.
Mặt hàng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của Việt Nam đối diện với một số mức thuế
nhập khẩu leo thang đối với thịt lợn trung bình 12,5%, trong khi mức thuế nhập khẩu leo
thang đối với một số sản phẩm cuối cùng nhất định nhìn chung cao hơn, trung bình 16%
cho xúc xích, và 20% cho các sản phẩm thịt khác – tuy nhiên cũng có thể thấp hơn như
trong trường hợp của dăm bông chỉ là 10%. Suất bảo hộ hữu dụng đối với các sản phẩm
cuối cùng trong chuỗi mặt hàng thịt lợn đã được tính toán ở mức 21% cho xúc xích, và 8%
cho dăm bông.
Một phân tích sâu hơn đã được tiến hành nhằm so sánh các mức thuế nhập khẩu các đối
tác thương mại chính áp dụng với các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp của Việt Nam để
6
kiểm chứng xem liệu mức thuế có phải là một yếu tố tác động chính quyết định dòng chảy
xuất khẩu đối với các đối tác thương mại khác nhau hay không.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là gạo (79% giá trị thực phẩm nông
nghiệp xuất khẩu trong năm 2010) và cà phê (đứng thứ hai với tỷ lệ 5%). Tuy nhiên,
ASEAN áp dụng mức thuế nhập khẩu tương đối cao trên cả gạo (11%) và cà phê (7%), và
cao hơn các mức thuế mà các đối tác thương mại khác như EU, Mỹ và Hàn Quốc đang áp
dụng. Dòng chảy thương mại dường như thực sự chịu tác động của khoảng cách địa lý
(các thị trường ASEAN là gần hơn so với EU và Mỹ) và tình hình thị trường, bao gồm
cung - cầu và thói quen tiêu dùng (ASEAN là các nước truyền thống tiêu thụ gạo lớn) hơn
là các mức thuế.
Hàng thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là cà phê (39%
giá trị thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu trong năm 2010) và hạt điều (36%), và mặt hàng
hạt tiêu đứng thứ ba (với tỷ lệ 6%). Xuất khẩu bánh bích quy chiếm thêm 2%, và với mỗi
mặt hàng là mì sợi, chè và gạo cộng thêm lần lượt 1% vào tổng giá trị. Mức thuế mà Mỹ
áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu này của Việt Nam nhìn chung là thấp, thậm chí ở
mức bằng không, và có thể có một số tác động trong việc quyết định các dòng chảy
thương mại, đặc biệt là đối với bánh quy và mì, mặc dù cung - cầu và xu hướng giá có lẽ
quan trọng hơn mức thuế đối với hàng hoá xuất khẩu cà phê, các loại hạt và hạt tiêu.
Hàng thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là sắn
với 39% giá trị thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu trong năm 2010 và hoa quả (35%), trong
khi hạt điều là 10%, cà phê 5% và gạo 3% cũng chiếm phần đáng kể. Hầu hết các thực
phẩm nông nghiệp có nguồn gốc tại Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được miễn thuế,
có ngoại lệ đáng chú ý là gạo (áp dụng mức thuế là 33%), hạt tiêu (12%), lúa mì và bột mì
(65%) và đường (50%). Các mô hình thương mại cho thấy các mức thuế này có tác động
lớn đến dòng chảy thương mại.
Đối với hàng thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang EU thì mức thuế có
một số tác động (các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt có mức thuế “bằng không”), mặc dù
khoảng cách địa lý (tức là chi phí vận chuyển) và tình hình cung - cầu có thể đã có một
hiệu ứng lớn hơn đối với các dòng chảy thương mại. Đối với thị trường trái cây và rau quả
tươi, các quy định ngặt nghèo về vệ sinh dịch tễ và các tiêu chuẩn thị trường cộng với chi
phí vận chuyển cao lại thêm mức thuế nhập khẩu cao tạo ra một trở ngại khó thể vượt qua
cho việc xuất khẩu các sản phẩm này.
Một so sánh về suất bảo hộ hữu dụng ERP các đối tác thương mại chính áp dụng đối với
một số các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đến các nước tiêu
thụ cuối cùng cho thấy suất bảo hộ hữu dụng này là cao hơn ở ASEAN, Nhật Bản và Hàn
Quốc, là trung bình ở EU, và nhìn chung là thấp hơn ở các thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Mức bảo hộ dường như có tác động hạn chế về quy mô xuất khẩu các sản phẩm bánh. Các
mặt hàng bánh xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường EU quả thật còn cao hơn tất cả
các đối tác thương mại khác, mặc dù phải đối mặt với một mức bảo hộ (cả danh nghĩa và
hữu dụng) lớn hơn nhiều.
Các biện pháp phi thuế quan là những trở ngại cho việc trao đổi mậu dịch hàng loạt các
sản phẩm thực phẩm, nước giải khát chế biến. Chúng liên quan đến những vấn đề như
quản lý xuất khẩu, an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học, truy xuất nguồn gốc, thủ tục
hải quan, ngoài ra còn phải kể đến những hạn chế về vệ sinh dịch tễ, trợ cấp xuất khẩu, và
7
các doanh nghiệp thương mại quốc doanh. Các biện pháp phi thuế quan này có lẽ là trở
ngại đáng quan tâm hơn là thuế quan.
Đăng ký sản phẩm và giấy phép xuất khẩu có thể là một rào cản lớn đối với hàng thực
phẩm, đồ uống chế biến xuất khẩu của Việt Nam sang EU và các thị trường chính khác. Để
xuất khẩu được các sản phẩm vào hầu hết các thị trường này thì trước tiên các sản phẩm
phải được đăng ký tại các nước nhập khẩu. Một số thị trường còn đòi hỏi việc kiểm tra
thường xuyên các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Trong khi việc lấy mẫu ngẫu nhiên phục
vụ cho các mục đích an toàn thực phẩm là phổ biến ở hầu hết các nước, thì trong một số
trường hợp khác, nó được áp dụng khác biệt đối với hàng hoá nhập khẩu và các sản phẩm
trong nước, và có thể được sử dụng như một lý do để cấm nhập khẩu hoàn toàn.
Việc ghi nhãn có thể là một vấn đề quan trọng cho các nhà xuất khẩu thực phẩm chế biến
của Việt Nam, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu vào thị trường EU mà trong đó có đến 27
quốc gia phần lớn sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Các yêu cầu về ghi nhãn có thể có nhiều
hình thức, một vài trong số đó không nhất thiết tạo ra các hàng rào phi thuế quan. Ví dụ,
yêu cầu ghi nhãn sản phẩm bằng ngôn ngữ chính thức của một quốc gia, các hình thức
khác nhau về thời hạn sử dụng ghi trên bao bì, và những thay đổi về dinh dưỡng hay các
nhãn sản phẩm của một quốc gia. Để đáp ứng được các yêu cầu như vậy có thể tốn kém
bởi vì sự cần thiết phải thiết kế các nhãn hiệu (labels) hoặc nhãn dính phụ (stickers) cụ thể
của quốc gia (đặc biệt ở các thị trường có khối lượng giao dịch nhỏ), các yêu cầu này
thường được áp dụng bình đẳng đối với cả các nhà sản xuất trong nước lẫn các nhà nhập
khẩu, và thường (chứ không phải luôn luôn) không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết.
Việc thiếu hài hòa hóa các tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu, đặc biệt có liên quan đến các
vấn đề về các chất tăng cường, chất phụ gia thực phẩm, và các yêu cầu thời hạn sử dụng -
có thể tạo ra những khó khăn cho rất nhiều nhà xuất khẩu các thực phẩm, đồ uống chế biến
của Việt Nam. Cũng giống như việc ghi nhãn, các tiêu chuẩn thực phẩm tự nó không phải
là các hàng rào phi thuế quan nếu chúng được áp dụng thống nhất và dựa trên các nguyên
tắc khoa học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lý do cho việc cấm một số chất phụ gia
nào đó được đưa ra dựa trên các mối quan tâm chính trị, quan điểm văn hóa, và/hoặc một
cơ sở hạ tầng luật pháp cũ kỹ hơn là dựa trên các lý do đã được minh chứng về mặt khoa
học.
Việc truy xuất nguồn gốc là việc dẫn chứng bằng tài liệu về nguồn gốc, xuất xứ của tất cả
các thành phần đã được sử dụng trong việc sản xuất một sản phẩm chế biến, quy trình sản
xuất đã sử dụng, hoặc cả hai. Việc truy xuất nguồn gốc nhằm mục đích đem lại cho người
tiêu dùng sự lựa chọn thông minh (được thông tin trước) về các sản phẩm mà họ tiêu thụ,
và đã được dựa trên những mối quan tâm của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm,
quyền lợi động vật, môi trường, một phần xuất phát từ các vấn đề trong quá khứ trong
Liên minh châu Âu chẳng hạn như bệnh bò điên và dioxin, cũng như các vấn đề hiện tại
chẳng hạn như là các sản phẩm có thành phần biến đổi gen (GMOs).
Liên minh châu Âu đã thông qua các chương trình nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc
nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến thông qua nhãn hiệu sản phẩm (như là hệ thống Kiểm
soát chăn nuôi (KAT) đối với trứng) để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin chi tiết về
nguồn gốc, xuất xứ và quy trình sản xuất đã sử dụng cho mỗi quả trứng. Tuy vậy, việc xây
dựng các quy tắc tiêu chuẩn hóa cho các chương trình truy xuất nguồn gốc vẫn chưa hoàn
tất. Tác động thương mại tiềm tàng chính của việc truy xuất nguồn gốc đó là các kênh phân
phối cần thiết để đảm bảo cho công tác truy xuất nguồn gốc đầy đủ về các sản phẩm chưa có
ở Việt Nam, điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng tới thương mại với EU.
8
FDI: mối quan hệ giữa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một vấn đề
quan trọng khi cố gắng tìm hiểu tác động của rào cản thương mại đối với các sản phẩm
thực phẩm chế biến. Không giống như hàng hóa nông nghiệp mà ở đó việc thâm nhập thị
trường nước ngoài hầu như chỉ xảy ra thông qua thương mại, các nhà sản xuất thực phẩm
chế biến có thể lựa chọn hoặc là kinh doanh thực phẩm, đồ uống chế biến trên thị trường
quốc tế, hoặc là sản xuất trực tiếp tại ngay trong một thị trường nước ngoài.
Những rào cản thương mại, mặc dù là một yếu tố quan trọng, nhưng không hẳn là động
lực chính cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các thị trường được bảo hộ. Trong hầu
hết trường hợp, FDI là một cấu phần của một chiến lược kinh doanh tổng thể, trong đó quy
mô của thị trường và tiềm năng tiết kiệm chi phí qua việc sản xuất tại địa phương là quan
trọng hơn cả so với các hàng rào thuế quan. Chỉ trong trường hợp mức thuế quan áp dụng
rất cao thì các rào cản thương mại mới là một động lực trực tiếp cho đầu tư. Các rào cản
thương mại có thể đẩy nhanh thời gian gia nhập vào một thị trường nước ngoài thông qua
FDI. Trong trường hợp thuế nhập khẩu khuyến khích việc sản xuất có giấy phép một sản
phẩm nước ngoài và có nhu cầu mạnh mẽ về sản phẩm như vậy, điều này có lẽ dẫn đến
việc sản xuất thực tế trong thị trường nước ngoài đó. Tự do thương mại còn có thể giúp
thúc đẩy việc thâm nhập thị trường nước ngoài mang tính chất khu vực nhiều hơn, do đó
việc gia tăng tự do hóa thương mại (chẳng hạn như thông qua một Hiệp định thương mại
tự do) sẽ dẫn đến sự gia tăng trong cả xuất khẩu và sản xuất nước ngoài.
Do đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam nhỏ
(chiếm <1% tổng vốn FDI) nên rất khó có thể nói rằng liệu việc tự do hóa thương mại hơn
nữa thông qua ký kết và triển khai một hiệp định thương mại tự do với EU có làm tăng
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam hay
không. Một yếu tố quan trọng đó là sự tiến triển của tự do hóa thương mại giữa EU và các
nước ASEAN khác. Nếu một Hiệp định thương mại tự do giữa khu vực ASEAN và EU
được triển khai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU rốt cuộc sẽ được rót vào quốc gia
thành viên nơi có các điều kiện đầu tư tốt nhất (về chi phí, tiện ích, cơ sở hạ tầng, cung
ứng, nhu cầu, tạo thuận lợi, thuế, vv), do đó không nhất thiết là Việt Nam. Ngược lại,
trong trường hợp không có một hiệp định FTA, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành
công nghiệp thực phẩm của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng nhắm tới các thị trường địa
phương và khu vực (ASEAN) hơn.
Kết luận: Có phải một Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu là một sự thỏa
thuận tốt hơn so với Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đơn phương hiện tại của
EU?
Đối với các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp, về mặt thuế quan thì có một lợi thế khách quan
cho Việt Nam để đàm phán thành công một FTA với EU rằng cần đưa vào ít nhất cùng mức
tiếp cận ưu đãi như đã dành cho các nước Địa Trung Hải (chẳng hạn như Ma-rốc).
Như một sự thỏa hiệp về mức độ tiếp cận thị trường nâng cao này, Việt Nam sẽ cần phải
mở cửa một phần đáng kể (khoảng 90%) thị trường thực phẩm nông nghiệp của mình cho
hàng hóa xuất khẩu đến từ EU. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn đối với
các nhà sản xuất trong nước sản xuất những mặt hàng nhập khẩu đang được tự do hóa, và
các nhà sản xuất kém hiệu quả có thể bị mất thị phần. Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh
tốt hơn sẽ quyết định nhà sản xuất nào trong nước có thể đứng vững thì sẽ trở nên hiệu quả
hơn, đặc biệt là về chất lượng và giá trị gia tăng, và có thêm thị phần trên thị trường trong
nước lẫn nước ngoài. Sẽ có những thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong nước về thực
phẩm chế biến và thực phẩm tiện lợi, tức là các sản phẩm thực phẩm cần nhiều vốn mà ở
9
đó EU có một lợi thế so sánh. Ngược lại các nhà sản xuất các sản phẩm thực phẩm cần
nhiều đất đai của Việt Nam sẽ có một lợi thế cạnh tranh rõ ràng so với các nhà sản xuất
của EU như đã được thể hiện qua mức thuế thấp áp dụng trên các loại hàng hóa nhập khẩu
này vào EU, trong khi các lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm thực phẩm cần nhiều lao
động cũng đứng về phía Việt Nam.
Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao sự cạnh tranh gia tăng về các sản phẩm do EU sản
xuất và việc tiếp cận ưu đãi hơn nữa của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu do yếu
tố không gian sẽ làm giảm tính cạnh tranh do các chi phí vận chuyển phải gánh chịu là cao
hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Cũng cần phải tính đến những thói quen và thị hiếu
tiêu dùng khác nhau mà nó có thể làm giảm đi lợi ích của việc tiếp cận ưu đãi.
Sự cạnh tranh gia tăng đối với các nhà sản xuất của Việt Nam và sự tăng trưởng tiềm tàng
của việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp từ EU nên được xét trên những lợi
ích của giá cả thực phẩm thấp hơn đem lại cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là xu thế
gần đây đã chứng kiến Việt Nam trở thành một nước nhập siêu sản phẩm thực phẩm nông
nghiệp kể từ năm 2010.
Một hiệu ứng tích cực khả dĩ cho việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với EU
là sự kỳ vọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nhà máy chế biến thực phẩm, hoặc
dưới góc độ cung ứng cho một thị trường thực phẩm trong nước đang mở rộng thông qua
các sản phẩm được sản xuất gần hơn với các điểm tiêu thụ, hoặc dưới góc độ cung ứng các
thị trường nước ngoài mà có sự tiếp cận ưu đãi hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc tại
Việt Nam hơn là từ EU. Đây là trường hợp, ví dụ, của cả thị trường Trung Quốc và các thị
trường ASEAN. Trong trường hợp FTA giữa ASEAN và EU không diễn ra hoặc bị trì
hoãn thì FTA giữa Việt Nam và EU sẽ là động lực cho dòng vốn FDI cho chế biến thực
phẩm nhắm mục tiêu vào cả thị trường Việt Nam và các thị trường ASEAN. Tuy nhiên,
cần phải tính đến yếu tố luật pháp, bảo hộ hợp lý sẽ là một lý do quan trọng hơn nhiều để
cung cấp vốn FDI so với những lợi ích từ việc tiếp cận ưu đãi.
Tiếp theo, sự cân nhắc có lợi cho đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU là vấn đề chính
sách ưu đãi đơn phương hiện tại vào thị trường EU qua Quy chế thuế quan ưu đãi phổ cập
(GSP) phụ thuộc vào sự hạn chế có thể có trong tương lai. Trên thực tế, có thể sự điều
chỉnh các bên hưởng lợi của chương trình GSP đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay.
Quá trình sửa đổi này có thể đem đến tổn thất cho Việt Nam về một số, hoặc thậm chí tất
cả, quyền tiếp cận ưu đãi hiện đang áp dụng, với việc tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách
thuế quan giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh từ các nước kém phát triển (LDCs),
ACP hoặc các bên ký kết FTA. Ngược lại, một FTA có mức độ ràng buộc pháp lý nhiều
hơn, bởi vì nó sẽ được đàm phán theo các quy định hiện hành của WTO.
Tuy nhiên, đối với việc ký kết FTA giữa Việt Nam và EU, cần lưu ý rằng sau khi tất cả
thuế quan của EU về hàng hóa xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã được thiết lập ở
mức “bằng không” (trừ gạo) và thậm chí ngay cả việc sửa đổi chương trình GSP có thể có
trong tương lai cũng sẽ không thay đổi đáng kể mức thuế quan này. Hơn nữa, các hàng rào
phi thuế quan thường là một trở ngại lớn đối với thương mại hơn là thuế quan. Điều này
đặc biệt đúng đối với trái cây tươi và rau quả tươi của Việt Nam, các mặt hàng mà hầu như
không xuất khẩu sang EU (và trái với xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, mặc dù điều
này có thể thay đổi qua thời gian), và đối với thịt và sữa.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến mà Việt Nam quan tâm, chẳng hạn như
mì ăn liền, các loại bánh, và rau được bảo quản, sẽ đối diện với các hàng rào phi thuế quan
10
thấp hơn, và một Hiệp định thương mại tự do có thể có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam
khi xuất khẩu các sản phẩm này sang EU. Các nhà sản xuất các sản phẩm thực phẩm này
của Việt Nam do đó quan tâm đến việc sớm kết thúc thành công các cuộc đàm phán FTA
với EU, từ đó thúc đẩy việc xuất khẩu và tăng phúc lợi của họ.
Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc giảm giá các sản
phẩm thực phẩm nông nghiệp từ sự tự do hóa thương mại do hiệp định thương mại tự do
áp dụng cắt giảm thuế quan đối với hàng thực phẩm nhập khẩu.
11
II. GIỚI THIỆU
Báo cáo sẽ đánh giá mức độ bảo hộ và hỗ trợ mậu dịch mà EU áp dụng đối với một số sản
phẩm thực phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra so sánh về mức độ ưu đãi mà
EU áp dụng cho các nhà cung cấp khác của mình về các sản phẩm này; chế độ khác nhau
được áp dụng bởi các đối tác thương mại chủ chốt về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
cũng được phân tích; và các vấn đề về vốn FDI và các hàng rào phi thuế quan đối với các
sản phẩm thực phẩm cũng được bàn bạc. Việc đánh giá cuối cùng là đánh giá những lợi
thế và bất lợi khi ký kết một Hiệp định thương mại tự do đối với một số sản phẩm.
1. CÁC MÔ HÌNH THƯƠNG MẠI
1.1 Trao đổi mậu dịch hàng hóa nông sản của Việt Nam
Việt nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu chiếm
khoảng 2/3 GDP. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 14,5 tỷ USD năm 2010,
chiếm 20,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các đối tác thương mại chủ yếu là:
Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch là 15,9 tỷ USD; ASEAN với 8,5 tỷ
USD; Nhật với 8,2 tỷ USD; Trung Quốc với 7 tỷ USD; và Hàn Quốc với 3,3 tỷ USD.
Việt Nam có truyền thống là một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm thực phẩm nông
nghiệp (theo định nghĩa của WTO tức là không bao gồm các sản phẩm thủy sản), nhưng
đã trở thành một nước nhập khẩu ròng trong năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,9 tỷ
USD năm 2010 (tuy nhiên, năm 2009 là 7,9 tỷ USD và năm 2008 là 8,2 tỷ USD) trong khi
kim gạch nhập khẩu là 7,1 tỷ USD, với mức thâm hụt thương mại là 220 triệu USD hay
2% tổng thương mại. Hàng thực phẩm nông nghiệp nhập khẩu đã tăng lên đều đặn từ năm
2006, và con số thặng dư thương mại gần 3 tỷ USD trong năm 2008 giờ đây đã không còn.
12
Nguồn: UN ComTrade
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo (chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu
thực phẩm nông nghiệp), cà phê (26%), hạt điều (13%), và hạt tiêu (5%). Các đối tác
thương mại chính gồm: ASEAN, EU, Mỹ và Trung Quốc, mà cộng tất cả lại chiếm 80%
giá trị các nông phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010.
Nguồn: UN ComTrade
Xuất khẩu
Nhập khẩu
CCTM
Thương mại hàng nông sản của Việt Nam
Xuất khẩu thực phẩm nông nghiệp của
Việt Nam sang các đối tác chính, 2010
Hoa Kỳ
14%
Trung Quốc
10%
Hàn Quốc
2%
Nhật Bản
4%
Các nước
khác15%
ASEAN
33%
EU 22%
13
1.2 Trao đổi mậu dịch hàng hóa nông sản của EU
Trái ngược với những gì diễn ra với Việt Nam, năm 2010 EU đã trở thành nhà xuất khẩu
ròng các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp, với mức thặng dư là 3,8 tỷ USD, hay 0,4%
tổng mậu dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu các thực phẩm nông nghiệp đạt 435 tỷ USD
năm 2010 (tăng 6% so với năm 2009), trong khi kim ngạch nhập khẩu là 432 tỷ USD (chỉ
tăng 3% so với năm 2009). Việc trao đổi các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp với Việt
Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng ngoại thương của EU cho cả nhập khẩu (0,35%),
và xuất khẩu (0,15%).
Nguồn: UN ComTrade
Về chiến lược chính sách thực phẩm - nông nghiệp, EU đang ngày càng nhắm đến việc gia
tăng nhập khẩu các nguyên liệu nông nghiệp thô cơ bản, giá rẻ, rồi sau đó đưa vào phục vụ
cho ngành công nghiệp thực phẩm/đồ uống “định hướng toàn cầu, lấy chất lượng làm
trọng tâm và giá trị cao” của EU. Chính vì thế, EU đang gia tăng nhập khẩu các nguyên
liệu thô nông nghiệp trong khi xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng nhiều
hơn. Thật vậy, thị phần hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu số lượng lớn của EU đang giảm,
trong khi xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng của EU đang gia tăng.
Các sản phẩm thực phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu hiện chiếm hai phần ba tổng kim ngạch
xuất khẩu sản phẩm thực phẩm và nông nghiệp của EU. Về nhập khẩu, EU vẫn là nhà
nhập khẩu lớn nhất thế giới về hàng nông sản, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu thực
phẩm nông nghiệp thế giới.
Hơn nữa, như một phần trong tiến trình cải cách Chính sách nông nghiệp chung (CAP),
EU đã và đang tìm cách thúc đẩy sự dịch chuyển căn bản trong mô hình sản xuất nông
nghiệp, thực phẩm của châu Âu từ "số lượng" sang “chất lượng", từ phục vụ các thị trường
“mua sắm - thiết yếu” sang các thị trường “mua sắm - xa xỉ”. Đây được xem như một nội
dung căn bản của cải cách CAP. Với việc nổi lên những người chơi mới lớn mạnh trong
các thị trường nông nghiệp thế giới, việc cạnh tranh về chất lượng sản phẩm được xem là
cốt yếu đối với chiến lược CAP tương lai. Do đó, sự quan tâm đến chất lượng hiện đang
được coi là trọng tâm của CAP.
Xuất khẩu
Nhập khẩu
CCTM
Thương mại hàng nông sản của 27 nước EU
14
Khía cạnh chất lượng trong chính sách EU đang được đánh giá và phát triển có hệ thống.
Chính sách chất lượng sản phẩm nông nghiệp bao trùm ba lĩnh vực chính, gồm:
Các yêu cầu sản xuất cơ sở và các tiêu chuẩn thị trường;
Các chương trình chất lượng EU cụ thể, như Chỉ dẫn địa lý (GIs), các loại đặc sản
truyền thống và canh tác hữu cơ;
Các chương trình chứng nhận chất lượng thực phẩm.
Cả ba khía cạnh này đều quan trọng đối với Việt Nam trong các cuộc đàm phán sắp tới về
một Hiệp định thương mại tự do có thể có với EU.
1.3 Thương mại song phương các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam
và EU
Thương mại song phương các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp giữa Việt Nam-EU
(không bao gồm các sản phẩm thủy sản) phần lớn vẫn có lợi cho Việt Nam; tuy nhiên,
mức thâm hụt mậu dịch của EU đã giảm đi gần một phần tư trong những năm gần đây,
xuống còn khoảng 880 triệu USD trong năm 2010 (năm 2007 là 1,2 tỉ USD). Trong khi
xuất khẩu của Việt Nam ít nhiều vẫn ổn định trong giai đoạn 2007-2010 (năm 2010 là 1,5
tỉ USD), và hàng nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, lên 646 triệu USD.
Nguồn: UN ComTrade
Ba loại hàng hóa thực phẩm nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam xuất sang thị trường EU
chiếm hơn 4/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cà phê (59%), hạt điều (16%) và hạt
tiêu (10%). Các loại hàng hóa xuất khẩu khác bao gồm mì sợi chiếm 2,3%, nước trái cây
(1,4%), chè (0,9%), gạo (0,8%).
Nhập khẩu
Xuất khẩu
CCTM
Thương mại hàng nông sản của
Việt Nam với 27 nước EU
15
Nguồn: UN ComTrade
Thực phẩm nông nghiệp của EU xuất sang Việt Nam đa dạng hơn, với bốn loại sản phẩm
hàng đầu chỉ chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, bao gồm các chế phẩm thực phẩm
(15%), rượu (8%), các sản phẩm sữa (7%) và thức ăn chăn nuôi (5%).
Nguồn: UN ComTrade
2. CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ CÁC CÔNG CỤ THƯƠNG MẠI CỦA EU
Cơ cấu biểu thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) phổ cập của EU, hầu như không thay đổi
trong một vài năm qua, vẫn còn khá phức tạp. Nó bao gồm thuế nhập khẩu tuyệt đối và
thuế nhập khẩu tương đối. Thuế nhập khẩu tương đối (10,1 % của tất cả các dòng thuế)
bao gồm thuế nhập khẩu tuyệt đối (6,5%), thuế nhập khẩu kép (2,9%) và thuế nhập khẩu
hỗn hợp hay biến đổi theo phạm vi giá (0,8%).
Đồ uống có cồn
8%
Xuất khẩu thực phẩm nông nghiệp của EU sang
Việt Nam năm 2010
Các loại khác
65%
Thực phẩm chế biến
15%
Sản phẩm sữa
7%
Thức ăn gia súc
5%
Gạo
1%
Chè 1%
Hạt tiêu 10%
Nước ép
hoa quả 1%
Hạt điều
16%
Mì 2%
Cà phê
tươi 59%
Các loại khác
10%
Xuất khẩu thực phẩm nông nghiệp của Việt Nam
sang EU năm 2010
16
Thuế nhập khẩu tương đối chủ yếu áp dụng đối với hàng hóa nông nghiệp (theo định nghĩa
WTO, tức là không bao gồm các sản phẩm thủy sản), mà rất nhiều trong số đó còn phải
chịu hạn ngạch. Biểu thuế quan MFN áp dụng bình quân đã giảm nhẹ, từ 6,9% xuống còn
6,7% (năm 2006), với các mức thuế suất trong phạm vi từ 0% đến 604,3% - một mức
tương đương theo giá trị (AVE) đối với đường iso-glucose (mã HS 1702.40.10). Các hàng
hóa nông sản vẫn thu hút các mức thuế cao nhất.
Mạng lưới gồm các cơ chế thương mại ưu đãi của EU, cùng với hệ thống ưu đãi đơn
phương của nó đang làm tăng thêm mức độ phức tạp của chế độ thuế quan EU. Thuế giá
trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu và hàng hoá sản xuất
trong nước có cùng mức thuế (VAT còn áp dụng cho cả dịch vụ); các mức thuế này được
các quốc gia thành viên thiết lập, tuy nhiên vẫn chưa được hài hoà hóa trong EU.
Việc cấm nhập và giám sát hàng nhập khẩu được duy trì trên cơ sở an ninh, kỹ thuật, vệ
sinh dịch tễ, môi trường, và theo các hiệp định và công ước quốc tế. Cần phải có giấy phép
nhập khẩu khi các sản phẩm thuộc diện bị hạn chế về số lượng, về hạn ngạch nhập khẩu,
và về các biện pháp bảo vệ, hoặc phục vụ cho công tác theo dõi, giám sát hàng nhập khẩu.
EU sử dụng nhiều các biện pháp khắc phục hậu quả thương mại dự phòng, mặc dù số
lượng các biện pháp dự phòng mà EC thông báo lên tổ chức WTO đã giảm kể từ năm
2005. Việc hài hòa hóa các yêu cầu kỹ thuật (bao gồm các quy định, chuẩn mực, tiêu
chuẩn kỹ thuật, và các biện pháp vệ sinh dịch tễ) giữa các nước thành viên EU vẫn đang
diễn ra. Phải có giấy phép xuất khẩu để xuất khẩu một số mặt hàng nông sản nhất định, và
để phục vụ kiểm soát việc xuất khẩu các hạng mục và công nghệ sử dụng kép.
EU vẫn còn trợ cấp xuất khẩu cho một số mặt hàng nông sản. Các chương trình hỗ trợ và
trợ cấp (cả ở cấp toàn khối và cấp các nước thành viên) được thông báo lên WTO có thể
được nhóm lại thành bốn nhóm chính: (i) Các hành động mang tính cấu trúc (Structural
Actions); (ii) Chính sách nông nghiệp chung (CAP); (iii) Các chương trình công nghiệp;
và (iv) các chương trình khác, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các liên
doanh, và cho nghề cá và nuôi trồng thủy sản.
2.1 Trợ cấp của EU đối với lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp
Kể từ năm 1992 (và đặc biệt là từ 2005), Chính sách Nông nghiệp chung của EU (CAP) đã
có sự thay đổi đáng kể do việc trợ cấp đã hầu như được tách ra khỏi sản xuất. Trợ cấp lớn
nhất hiện nay đó là chương trình Trợ cấp theo diện tích đất canh tác (Single Farm
Payment) thuộc loại trợ cấp trong “Hộp xanh lá cây" được WTO cho phép cung cấp.
Nội dung của CAP bao gồm:
a) Khoản thanh toán trợ cấp trực tiếp cho các loại cây trồng và đất đai có thể được
canh tác
b) Cơ chế hỗ trợ giá, bao gồm giá tối thiểu được bảo đảm, thuế nhập khẩu và hạn
ngạch nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.
Hoạt động cải cách hệ thống hiện đang được tiến hành (theo từng giai đoạn từ 2004 đến
2012) để giảm bớt kiểm soát hàng nhập khẩu và chuyển đổi trợ cấp cho việc quản lý đất đai
hơn là cho việc sản xuất cây trồng cụ thể. Cho đến năm 1992, chi ngân sách cho nông
nghiệp của EU chiếm gần 48% ngân sách EU. Đến 2013, tỷ trọng chi tiêu CAP truyền thống
17
dự kiến sẽ giảm đi đáng kể xuống còn 32%, tiếp theo sự giảm trên thực tế trong giai đoạn tài
chính hiện hành. Ngược lại, lượng chi cho chính sách khu vực của EU (năm 1998 chiếm 7%
ngân sách EU) dự kiến sẽ đạt gần 36% của ngân sách năm tài khóa 2013.
Cải cách CAP vào tháng 6 năm 2003 đã thực sự chuyển đổi khoảng 90% hỗ trợ trực tiếp
từ các hộp hổ phách và xanh lam sang hộp màu xanh lá cây - chủ yếu được thể hiện qua
việc "chi trả nông nghiệp duy nhất". Năm 2010, EU đã chi khoảng 57 tỷ Euro cho phát
triển nông nghiệp, trong đó 39 tỷ Euro đã được chi trả cho các khoản trợ cấp trực tiếp. Trợ
cấp nông nghiệp và thủy sản chiếm hơn 40% ngân sách của EU.
Nguồn: EC
Chương trình trợ cấp theo diện tích đất canh tác: Mục đích chính của việc thanh toán
duy nhất là để giúp người nông dân có thu nhập ổn định hơn. Nông dân có thể tự quyết
định sản xuất cái gì với nhận thức rằng mình sẽ nhận được cùng một số tiền trợ cấp, cho
phép họ có thể điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với nhu cầu. Để có đủ điều kiện được
hưởng khoản trợ cấp duy nhất, một nông dân sẽ yêu cầu quyền lợi được trợ cấp. Khoản
tiền này được tính toán trên cơ sở những khoản thanh toán mà người nông dân đã nhận
được trong một giai đoạn tham chiếu (dựa trên dữ liệu trong quá khứ) hoặc trên số héc ta
có đủ điều kiện đã được đưa vào sản xuất trong năm đầu tiên triển khai chương trình (mô
hình vùng).
Các chương trình hỗ trợ khác: Ngoài chương trình trợ cấp theo diện tích đất canh tác,
người nông dân có thể nhận được hỗ trợ từ các đề án hỗ trợ cụ thể khác liên quan đến diện
tích cây trồng hoặc sản xuất, phụ thuộc vào quyết định của quốc gia thành viên liên quan
có triển khai các chương trình này hay không. Một số đề án cụ thể đã được triển khai và/
hoặc duy trì cho các sản phẩm sau: các vụ mùa cung cấp protein, gạo, các loại hạt, khoai
tây tinh bột, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt giống, bông, cây ô lưu, trái cây và
rau quả, các loại trái cây mềm, thịt bò và thịt bê, và có một khoản chi trả riêng cho đường
(chỉ dành cho các thành viên mới đang áp dụng chương trình thanh toán khu duy nhất).
Các chương trình hỗ trợ khác này chiếm một phần nhỏ chi ngân sách cho nông nghiệp, và
muộn nhất sẽ chấm dứt vào cuối 2012.
18
Theo báo cáo mới nhất của EU gửi WTO về trợ cấp trong nước cho hàng nông sản (tham
chiếu theo năm thị trường 2007-2008) thì AMS
1
cụ thể tổng cộng là 13,5 tỷ Euro hay
chiếm 5,5% của giá trị sản xuất nông nghiệp; ngoài ra, đã chi trả 5,2 tỷ Euro cho các
khoản trợ cấp thuộc “Hộp màu xanh lam” và 62,6 tỷ Euro cho các khoản trợ cấp thuộc
“Hộp màu xanh lá cây”. Trợ cấp thuộc hộp màu xanh lá cây được WTO cho phép bao gồm
31,3 tỷ Euro qua Chương trình trợ cấp theo diện tích đất canh tác, và 3,2 tỷ Euro qua
chương trình Hỗ trợ diện tích duy nhất. Thực tế, trong năm 2008, các khoản thanh toán hỗ
trợ trực tiếp chiếm 76,3% của tổng chi thuộc Trụ cột 1 (hỗ trợ trực tiếp và các biện pháp
thị trường) của CAP, tuy nhiên, đến năm 2010 con số này đã tăng lên 90%.
Chương trình trợ cấp theo diện tích đất canh tác nhằm mục đích thay đổi cách mà EU đã
hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp bằng cách loại bỏ mối liên hệ giữa trợ cấp và việc sản
xuất các loại cây trồng cụ thể. Cải cách này tập trung vào người tiêu dùng (đối với hầu hết
các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp, giá cả đã giảm xuống bằng mức thế giới) và người
nộp thuế (qua một mức trần chi phí), đồng thời giúp người nông dân tự do sản xuất những
gì mà thị trường muốn. Các nước thành viên có thể lựa chọn duy trì một mối liên hệ hạn
chế giữa trợ cấp và việc sản xuất nhằm tránh xảy ra hiện tượng từ bỏ việc sản xuất cụ thể
nào đó. Việc thanh toán hiện tại cho nông dân tiếp tục phản ánh các mô hình sản xuất lịch
sử đối với các loại cây trồng khác nhau ở các nước mà chương trình này vẫn chưa được
thực hiện, hoặc như một phần của tổng số tiền hỗ trợ ở những nơi chương trình này đang
được thực hiện qua một số năm. Chương trình hỗ trợ nông nghiệp duy nhất được gắn với
việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, cộng đồng, sức khỏe động thực vật và phúc lợi
động vật, và với nhu cầu giữ đất trong điều kiện nông nghiệp, môi trường tốt.
Chương trình trợ cấp theo diện tích đất canh tác đã thay thế mười một chương trình trợ cấp
trước đây, dựa trên việc sản xuất các loại cây trồng và/hoặc vật nuôi, chẳng hạn như
chương trình hỗ trợ phí bảo hiểm bò sữa và diện tích đất canh tác. Ban đầu việc thanh toán
thiên về chi trả cho các nhà sản xuất mà trước đó đã nhận được hỗ trợ cao nhất. Xu hướng
thanh toán dựa trên thang đối chiếu đã dịch chuyển từ việc chi trả dựa trên lịch sử thanh
toán (những thanh toán trước đó) sang dựa trên đất đai với việc chi trả năm 2012 không
còn tính đến yếu tố tiền lệ nữa.
Tổng số tiền có thể được thanh toán cho các đề án hỗ trợ duy nhất được đặt ở mức quốc
gia thành viên EU, và được gọi là “trần quốc gia”. Một tỷ lệ phần trăm của trần quốc gia
đã được dỡ bỏ để đưa vào dự trữ quốc gia. Sau đó, tất cả các khoản thanh toán tiếp tục
được trừ đi một khoản (điều chỉnh theo EU và theo mỗi quốc gia) tương ứng với khoản
được xác lập theo cấp toàn khối EU và cấp quốc gia. Về khoản điều chỉnh toàn khối EU,
tỷ lệ này là 3% vào năm 2005, 4% vào năm 2006, và 5% vào năm 2007 và cứ như vậy. Tất
cả các nông dân đều được hưởng một khoản thanh toán đầu tiên là 5.000 Euro được miễn
khoản điều chỉnh toàn khối EU. Việc tính toán chi trả thực tế cho từng người nộp đơn là
phức tạp bởi thực tế tổng giá trị quỹ đã được thiết lập và phải được chia trên tổng số
những người nộp đơn. Vì vậy không thể tính toán được số tiền thanh toán cho đến khi xác
minh xong được tất cả các đơn.
Để đưa ra chỉ dấu về mức độ hỗ trợ, chúng tôi đã tính toán dựa trên đề án đã được triển
khai ban đầu đối với một quốc gia
2
EU điển hình
Khu vực canh tác đến 180 Euro/ha (khoảng 4-5 Euro/tấn lúa mì)
1
AMS – Aggregated Measures of Support - là Tổng gộp các Biện pháp hỗ trợ theo định nghĩa của Hiệp định
Nông nghiệp của WTO.
2
Đáng chú ý là, các con số tạm tính này đã giảm dần qua các năm đối với hầu hết các trang trại.
19
Gia súc giống bò (bovine) đến 210 Euro/đầu con (cộng với phí bảo hiểm bê
con/giết mổ đến 80%/đầu con)
Cừu và dê đến 15 Euro/đầu con
Hỗ trợ diện tích đối với chương trình cây có hạt đến 120 Euro/ha (liên quan đến
diện tích trồng hợp lệ).
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ này, EU còn có kế hoạch hoàn thuế xuất khẩu. Theo
Chính sách nông nghiệp chung (CAP), EU đặt ra các mức giá tối thiểu cho một số mặt
hàng nông sản nhất định để khuyến khích người nông dân tiếp tục sản xuất lương thực.
Trong một số trường hợp, các mức giá tối thiểu này cao hơn mức giá thế giới áp dụng cho
cùng loại sản phẩm. Khi các sản phẩm nuôi trồng được xuất khẩu ra ngoài EU, khoản tiền
hoàn thuế này cho phép thu hẹp khoảng cách giá giữa mức giá EU và mức giá thị trường
thế giới, và để hỗ trợ cho mức giá thu mua nguyên liệu đầu vào cao trong EU. Chương
trình này cho phép các nhà xuất khẩu EU có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới.
Việc bắc cầu về giá này được tiến hành bằng cách thanh toán tiền hoàn thuế xuất khẩu cho
các nhà xuất khẩu. Mức tiền hoàn thuế khác nhau, phụ thuộc vào thời gian, ngành hàng và
các sản phẩm cụ thể.
Việc hoàn thuế xuất khẩu có thể khác nhau ở các nước đến (hoàn thuế chênh lệch). Để
nhận được khoản hoàn thuế chênh lệch thì nhà xuất khẩu cần chứng minh được nước thứ
ba mà sản phẩm của mình đã được xuất sang. Việc chứng minh bằng cách gửi các bản sao
chứng từ nhập khẩu có dấu của cơ quan Hải quan nước thứ ba đó.
Tiền hoàn thuế xuất khẩu chính là trợ cấp, có thể được chi trả cho các sản phẩm như thịt
bò, gia súc hơi, sữa và các sản phẩm từ sữa, đường, ngũ cốc, thịt lợn, gia cầm và các sản
phẩm trứng, và một số sản phẩm chế biến nhất định – những sản phẩm được xuất khẩu ra
bên ngoài EU. Chính sách hoàn thuế xuất khẩu cũng áp dụng đối với các cơ sở chế
xuất/sản xuất xuất khẩu, cụ thể cho hàng nông sản chế biến, như là sô cô la, bánh kẹo, đồ
uống ngọt, bánh quy, v.v
Theo nghĩa vụ thương mại thế giới (tức là các quy định và cam kết WTO), có một cận trên
về hoàn thuế xuất khẩu. Theo kết quả của Vòng đàm phán Uruguay, EU có quyền chi trả
tiền hoàn thuế xuất khẩu cho một số hàng nông sản theo lộ trình. EU được phép chi một
khoản tiền là 7,4 tỷ Euro cho trợ cấp xuất khẩu hàng năm, bao gồm 415 triệu Euro trợ cấp
xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp kết hợp (tức là thực phẩm chế biến), chiếm
khoảng 5,6% của tổng chi trợ cấp xuất khẩu chung của EU.
2.2 Việc tiếp cận thị trường EU đối với các nước đang phát triển
EU đã áp dụng các chính sách ưu đãi thương mại cho các nước đang phát triển kể từ đầu
những năm 1960. Mức độ ưu tiên mà EU đưa ra là khác nhau phụ thuộc vào việc liệu một
nước đang phát triển thuộc diện hưởng ưu đãi theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập
(GSP) (mà theo đó tất cả các nước đang phát triển đều có đủ điều kiện) hay thuộc diện các
chế độ thương mại tự chủ khác.
Về cơ bản có ba chế độ thương mại ưu đãi để vào thị trường EU đối với hàng hóa nông
nghiệp có xuất xứ từ các nước đang phát triển:
Hệ thống về Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), áp dụng cho tất cả các nước
đang phát triển trong danh sách hợp lệ, bao gồm: