Nhóm KT33H2-1
MỞ ĐẦU
Mở rộng thị trường, thu hút nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài, được đối xử
bình đẳng trên trường quốc tế là những mục tiêu hàng đầu của nước ta trong quá
trình hội nhập kinh tế khu vực. Để quá trình hội nhập được nhanh chóng Đảng
và Nhà nước ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng nhiều
hệ thống luật mới trong đó phải kể đến việc cải cách hành chính về thuế. Trong
năm 2004 và những tháng đầu năm 2005 ngành thuế đã có những bước đi đột
phá trong cải cách hành chính thuế và được tổ chức lại bộ máy cơ quan thuế các
cấp, triển khai áp dụng thí điểm cơ chế cơ sở kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế.
Với mục đích muốn tìm hiểu sâu rộng hơn về ngành thuế, với những quy định
của pháp luật, những cải cách của ngành thuế trong việc quản lý thuế, nhóm N1-
H2 xin chọn đề tài: “ Chứng minh pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cần
thiết cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta hiện nay”.
Mặc dù đã cố gắng song bài viết không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong
thầy cô góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn!
NỘI DUNG
I . Lý Luận chung
1. Khái niệm và đặc điểm của cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
1.1 Thế nào là cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế:
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế “là cơ chế quản lý thuế trong đó các
đối tượng nộp thuế tự giác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kì kê
khai của mình và căn cứ vào những quy định của pháp luật tự xác định nghĩa vụ
thuế của mình, kê khai, tính và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước, và chịu trách
nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai”.
Như vậy, theo cơ chế này thì các tổ chức, cá nhân nộp thuế căn cứ vào kết
quả sản xuất kinh doanh trong kỳ kê khai của mình và căn cứ vào các quy định
của pháp luật về nghĩa vụ thuế tự tính ra số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước,
từ đó tự kê khai và tự thực hiện nghĩa vụ nộp số thuế đã kê khai vào Ngân sách
Nhà nước theo đúng thời hạn qui định của pháp luật.
1.2. Đặc điểm
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều
nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trước hết, cơ chế này là một phương
1
Nhóm KT33H2-1
thức quản lý thuế được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tuân thủ tự nguyện của
đối tượng nộp thuế, quản lý thuế dựa trên kỹ thuật quản lý rủi do.
Bên cạnh đó, cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế đòi hỏi các tổ chức, cá
nhân nộp thuế phải nâng cao trách nhiệm vì tờ khai là do tổ chức, cá nhân nộp
thuế tự lập trên cơ sở sản xuất kinh doanh của mình và chính sách chế độ về
thuế mà không cần có sự xác nhận của cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân nộp thuế
phải chịu trách nhiệm về kết quả của việc tính thuế, kê khai thuế của mình trước
pháp luật.
Theo cơ chế này, cơ quan thuế không can thiệp vào quá trình kê khai, tính
và nộp thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng cơ quan thuế sẽ tiến hành
thanh tra, kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo luật định
đối với những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế như không nộp
thuế, trốn thuế, gian lận về thuế,…
Ngoài ra, áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan Thuế phải
tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giải đáp các vướng mắc về chính
sách, chế độ, thủ tục về thuế mà các tổ chức, cá nhân thường gặp trong quá trình
kê khai nộp thuế để đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình đối
với Nhà nước.
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là cơ chế quản lý thuế hiện đại, hiệu
quả, được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, nó cho phép các cơ quan thuế
phân bổ nguồn lực theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu trong quản lý cải
tiến các quy trình quản lý rõ ràng làm tăng sự minh bạch trong quản lý thuế,
đồng thời giảm bớt chi phí quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính thuế.
2. Điều kiện để thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
Việc thực hiện cơ chế tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế đòi hỏi các điều kiện
áp dụng như sau:
Thứ nhất, hệ thống luật thuế phải thực sự minh bạch, người dân có thể dễ
dàng tiếp cận và tìm hiểu chính sách thuế.
Thứ hai, trình độ dân trí cao, sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người
dân tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả thiết thực.
Thứ ba, các cơ quan hành pháp phải có năng lực cao và phối hợp tốt với
cơ quan thuế trong công tác quản lý hành chính.
Thứ tư, các thủ tục như đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế,… phải
đơn giản. Các chương trình thanh tra thuế và cưỡng chế thuế phải có hiệu quả.
Thứ năm, cần có chế tài pháp luật đủ nghiêm để xử lý, răn đe các hành vi
vi phạm.
2
Nhóm KT33H2-1
II, Pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi
cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là phương thức quản lý thu thuế tiên
tiến, hiện đại với rất nhiều ưu điểm nổi bật như: Tiết kiệm được thời gian, công
sức; tiết kiệm chi phí quản lý hành chính về thuế; nâng cao trách nhiệm pháp lý
của đối tượng nộp thuế; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan
Thuế.
Như đã nêu ở mục 2 phần I, một điều kiện quan trọng để thực hiện cơ chế
tự khai, tự tính, tự nộp thuế là điều kiện về hệ thống pháp luật. Cơ chế này đòi
hỏi các tổ chức, cá nhân nộp thuế phải tự lập tờ khai thuế trên cơ sở sản xuất
kinh doanh của mình và chính sách chế độ về thuế mà không cần có sự xác nhận
của cơ quan thuế. Để có thể thực hiện được điều này, các đối tượng nộp thuế
phải nắm chắc được quy định của pháp luật thuế, đảm bảo độ chính xác trong
khai thuế, tính thuế. Muốn vậy, pháp luật quản lý thuế phải được quy định một
cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu nhất, tạo ra một hành lang pháp lý
thông thoáng, thông nhất cho các đối tượng nộp thuế, tránh tình trạng người dân
hiểu theo nghĩa nào cũng được.
Bên cạnh các quy định về nội dung, những thủ tục về thuế cũng phải được
pháp luật quản lý thuế đơn giản hóa để các tổ chức, cá nhân dễ dàng hoàn thành
nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.
Pháp luật quản lý thuế Việt Nam từ khi áp dụng thí điểm cơ chế tự khai,
tự tính, tự nộp thuế là Quyết định 197/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự khai, tự nộp
thuế; và hiện nay là Luật quản lý thuể 2006 – áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự
nộp thuế vào thực tiễn đều đã đưa ra những quy định cụ thể nhằm thực hiện tốt
cơ chế này, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế. Cụ thể
như sau:
1. Về tự khai, tự tính thuế
Luật Quản lý thuế năm 2006 có quy định về vấn đề tự khai, tự tính của cơ
chế tại Điều 30 như sau:
“1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung
trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng
từ, tài liệu trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế;
2. Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế
do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
3
Nhóm KT33H2-1
Ngoài ra, Điều 4 Nghị định số 85/2007/NĐ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật Quản lý thuế năm 2006 tiếp tục quy định cụ thể như sau:
“1. Người nộp thuế có trách nhiệm tính số tiền thuế phải nộp ngân sách
nhà nước do mình kê khai, trừ trường hợp cơ quan quản lý thuế ấn định thuế
hoặc tính thuế theo quy định tại các Điều 37, 38 và 39 của Luật Quản lý thuế.
2. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung
trong tờ khai thuế và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế
với cơ quan quản lý thuế.
3. Trường hợp người nộp thuế tự tính thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế đã
tính và khai với cơ quan quản lý thuế theo thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định
tại Điều 32, Điều 33 của Luật Quản lý thuế.
4. Trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn
nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo nộp thuế hoặc quyết định thu thuế của cơ
quan quản lý thuế.”
Như vậy, pháp luật thuế quy định đối tượng nộp thuế tự mình và chủ động
trong việc khai thuế và tính thuế.
Tại Điều 6 Luật Quản lý thuế năm 2006 có quy định một số quyền và
nghĩa vụ của người nộp thuế tạo điều kiện thuận lợi cho người họ trong việc tự
khai, tự tính thuế, làm nền tảng cho việc thực thi cơ chế này như: được hướng
dẫn thực hiện việc nộp thuế, cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ,
quyền lợi về thuế; yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn
định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, Điều 7 Luật Quản lý thuế quy
định các nghĩa vụ của người nộp thuế như: Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế
theo quy định của pháp luật; phải khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp
hồ sơ thuế đúng thời hạn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính
xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Pháp luật quy định như vậy là nhằm tạo
điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc tính thuế cũng như khai
thuế qua việc hướng dẫn họ cách thức, trình tự, thủ tục để thực hiện nghĩa vụ
thuế của mình.
Không dừng lại ở những quy định chung về cơ chế tự khai, tự tính thuế,
Luật Quản lý thuế năm 2006 đi vào quy định cụ thể tại Chương III về nguyên
tắc khai thuế và tính thuế; hồ sơ khai thuế (Điều 31) và các vấn đề liên qua như
thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (Điều 32), gia hạn nộp hồ sơ khai thuế
(Điều 33), khai bổ sung hồ sơ khai thuế (Điều 34), trách nhiệm của cơ quan
quản lý thuế, công tác quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế (Điều
35).
4
Nhóm KT33H2-1
Hồ sơ khai thuế và thời hạn, địa điểm nộp đều được quy định cụ thể theo
cách phân loại thành hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng, hồ
sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, đối với loại thuế khai và
nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập
khẩu và đối với trường hợp chấm dứt hoạt động doanh nghiệp, chấm dứt hợp
đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp..
Đối với việc tự tính thuế: căn cứ vào những quy định của pháp luật về
từng loại thuế và thu nhập thực tế của mình mà người nộp thuế có thể tự mình
tính toán được số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trên cơ sở các quy định
về giá tính thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, thuế suất,…
Như vậy, mặc dù người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế nhưng vẫn
phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về mặt thủ tục và thời gian. Đồng
thời, quan trọng nhất, người nộp thuế cần phải có ý thức tự giác cao, tính và khai
thuế phải trung thực.
Không chỉ dừng lại ở việc quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp
thuế, Luật Quản lý thuế năm 2006 còn quy định về trách nhiệm của cơ quan
quản lý thuế tại Điều 8, từ đó tạo nền tảng cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự
tính như sau: Tổ chức thu thuế theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, phổ
biến, hướng dẫn pháp luật về thuế ; công khai các thủ tục về thuế; Giải thích,
cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp
thuế; công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa
bàn xã phường, thi trấn; Giữ bí mật thông tin của người nộp thuế ; Xác nhận
việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định
của pháp luật…
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì để người nộp thuế có thể chủ động
và dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình thì cơ quan quản lý thuế, cụ thể là các
cán bộ thuế cần tạo điều kiện, hướng dẫn họ hiểu và thực hiện nghĩa vụ đúng
pháp luật, đồng thời phải có trách nhiệm bảo mật với những thông tin của người
nộp thuế.
2. Về tự nộp thuế
Cùng với việc quy định về cơ chế tự khai, tự tính thì Điều 6 và Điều 7
Luật quản lí thuế cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế. Vì
vậy, song song với các quy định hướng dẫn cho việc thực hiện cơ chế tự khai, tự
tính thuế, pháp luật quản lí thuế còn có các quy định hướng dẫn cho việc thực
hiện cơ chế tự nộp thuế cho các chủ thể nộp thuế. Cụ thể, pháp luật quản lí thuế
đã có các quy định về thời hạn nộp thuế, đồng tiền nộp thuế, địa chỉ nộp thuế,
5