A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Phụ nữ nông thôn là những người phụ nữ sinh sống và làm việc ở nông thôn.
Trong cơ cấu dân số, gần 80% phụ nữ Việt Nam sống ở nông thôn. Phụ nữ nông
thôn là một cộng đồng người phong phú, đa dạng gồm những dân tộc, tôn giáo,
lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau và sinh sống ở những vùng nông thôn khác
nhau. Họ hoạt động ở mọi ngành nghề – kể cả những ngành nghề nặng nhọc và
độc hại. Theo thống kê, lao động nữ nông thôn chiếm 58,02% lực lượng lao
động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (riêng nông nghiệp, lao động nữ
chiếm 56,29%) và họ, hiện đang sản xuất ra hơn 60% sản phẩm nông nghiệp.
Phụ nữ nông thôn Việt Nam là một trong hai chủ thể kinh tế quan trọng nhất
mang lại thu nhập cho các hộ gia đình. Có thể nhận thấy vai trò hết sức quan
trọng của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ nông thôn nói riêng, với lý
do đó em xin lựa chọn và đi sâu phân tích đề tài: “Quyền của người phụ nữ
nông thôn dưới góc độ bình đẳng giới trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay”.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Khái niệm về Bình đẳng giới
Khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ
có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của
mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về
thành quả của sự phát triển đó”.
Bình đẳng giới là mục tiêu và thước đo tiến độ phát triển của một xã hội. Sự bình
đẳng giới được thể hiện ở nhiều phương diện, cụ thể như: nữ và nam có điều
kiện ngang nhau để phát huy hết khả năng và thực hiện các mong muốn của
mình; nữ và nam có cơ hội ngang nhau để tham gia, đóng góp và thụ hưởng các
nguồn lực của xã hội trong quá trình phát triển; nữ và nam có các quyền lợi
ngang nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
1
Như vậy, bình đẳng giới không chỉ đơn giản là số lượng của phụ nữ và nam
giới, hay trẻ em trai và trẻ em gái tham gia trong tất cả các hoạt động là như
nhau, cũng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ giống nhau, mà bình đẳng
giới có nghĩa là nam giới và phụ nữ được công nhận và hưởng các vị thế
ngang nhau trong xã hội. Đồng thời, sự tương đồng và khác biệt giữa nam và
nữ được công nhận. Từ đó nam và nữ có thể trải nghiệm những điều kiện bình
đẳng để phát huy đầy đủ các tiềm năng của họ, có cơ hội để tham gia, đóng
góp và hưởng lợi bình đẳng từ công cuộc phát triển của quốc gia trong các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội.
2. Quyền của người phụ nữ nông thôn dưới góc độ bình đẳng giới trong điều
kiện kinh tế xã hội hiện nay và thực trạng
Trong điều kinh tế phát triển như hiện nay, cùng với sự tiến bộ của nhân loại,
Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong quá trình hướng tới bình đẳng giới
thực chất, khi đã công nhận rất nhiều quyền cho người phụ nữ nông thôn, thông
qua việc lồng ghép bình đẳng giới vào các văn bản pháp luật của các ngành luật
khác. Qua đó, thấy được các quyền của người phụ nữ nông thôn trong các lĩnh
vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế, lao động và trong
lĩnh vực đời sống gia đình.
2.1 Trong lĩnh vực kinh tế, lao động
* Cơ sở pháp lý:
Công ước CEDAW (Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức
phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” (Convention on the Elimination of all forms
of Discrimination against Women) mà Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước.
Về lĩnh vực kinh tế, lao động: Công ước CEWDAW quy định Quyền được
hưởng các cơ hội làm việc như nhau cũng như những phúc lợi xã hội và Quyền
được thù lao như nhau trên cơ sở thành quả làm việc (Điều 11, 14): trên cơ sở
bình đẳng, phụ nữ và nam giới có quyền hưởng các cơ hội có việc làm như nhau,
2
bao gồm cả việc áp dụng những tiêu chuẩn như nhau khi tuyển dụng lao động;
quyền được hưởng thù lao như nhau, gồm cả phúc lợi, được đối xử như nhau khi
làm những việc có giá trị ngang nhau cũng như được đối xử như nhau trong việc
đánh giá chất lượng công việc.
Quyền được vay tiền ngân hàng và tham gia các hình thức tín dụng khác (Điều
13, 14): được tiếp cận các loại hình tín dụng và vốn vay dành cho nông nghiệp,
các cơ hội thị trường, công nghệ phù hợp.
Quyền của người phụ nữ nông thôn về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc
pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận
quyền sở hữu đất đai, nhà ở, và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các
quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi
hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)
Nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ nói chung và phụ nữ nông
thôn nói riêng và nội luật hoá các cam kết đã được ghi nhận trong Công ước
CEDAW. Nhà nước ta đã thể chế hoá những quy định cụ thể trong Hiến pháp
1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 (Điều 62, Điều 63), văn bản pháp luật có hiệu
lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bộ luật Lao
động năm 1994 sửa đổi bổ sung bằng Luật sửa đổi bổ sung năm 2006, văn bản
pháp luật quan trọng nhất điều chỉnh toàn diện các vấn đề lao động và việc làm
nói chung, trong đó dành riêng một chương (Chương X) quy định các vấn đề
việc làm đối với lao động nữ nói chung, lao động nữ nông thôn nói riêng. Luật
Bình đẳng giới 2006 cũng có những quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong việc
thành lập doanh nghiệp, tiến hành sản xuất, kinh doanh…”(Điều 12 Khoản 1).
Hay như: “Nam, bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử
bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng. bảo hiểm xã hội,
điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác” (Khoản 1 Điều 13). “Lao
3
động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm,
khuyến ngư theo quy định của pháp luật.” (Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật BĐG).
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm là sự ngang nhau giữa lao động
nam và lao động nữ về lĩnh vực lao động, về nghĩa vụ và quyền lợi hay cống hiến
và hưởng thụ. Như vậy, không có nghĩa là phải bảo đảm bình đẳng giới theo nghĩa
tuyệt đối mà phải giải quyết mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi theo nguyên
tắc thực hiện nghĩa vụ (cống hiến) ngang nhau thì có quyền lợi (được hưởng thụ)
ngang nhau từ kết quả lao động, việc làm; đồng thời tạo cơ hội như nhau giữa nam
và nữ trong phát triển nghề nghiệp, tạo và tìm kiếm việc làm, tiền lương và thu
nhập, bảo hiểm xã hội và các điều kiện việc làm khác.
Thực tế: Trên cơ sở quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế,
lao động như vậy, có thể thấy người phụ nữ có rất nhiều quyền khi tham gia vào
lĩnh vực này. So với trước đây, quyền lợi của người phụ nữ đã được đảm bảo
hơn rất nhiều thông qua việc ưu tiên trong việc tuyển dụng nhân viên đối với nữ
ở một số ngành nghề nhất định, hoặc các ưu đãi cho phụ nữ khi sinh đẻ trong quá
trình làm việc tại bất kỳ một doanh nghiệp nào. Người phụ nữ nông thôn cũng
được hưởng các quyền như vậy, nhưng phần lớn phụ nữ nông thôn gắn liền các
hoạt động nông nghiệp ở nông thôn – nơi mà người phụ nữ nông thôn còn chưa
nắm bắt được quyền lợi của mình là rất nhiều. Chính vì thế, quyền và lợi ích của
họ trong tìm kiếm, tạo việc làm vẫn chưa được đảm bảo một cách tuyệt đối.
Trên thực tế, khả năng lao động của phụ nữ nông thôn không hề thua kém nam
giới, năng suất lao động để kiếm thu nhập của họ còn cao hơn nam giới. Bởi lẽ, ở
nông thôn phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nam giới, đồng
thời phụ nữ còn phải gánh vác các công việc đồng áng, gia đình, con cái dẫn đến
thiếu thời gian ngủ, hưởng thụ thành quả. Vì tính chất của công việc là theo mùa
vụ, nên trong thời gian nông nhàn, nhiều người phụ nữ đã lên thành phố để kiếm
việc làm và có nguy cơ phải đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội trong khi họ chưa có
4
kiến thức để phòng tránh. Từ những thực trạng đó, không ít quyền của người phụ
nữ nông thôn đã bị ảnh hưởng, không được đảm bảo trên thực tế.
2.2 Trong đời sống gia đình
* Cơ sở pháp lý:
Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định:
“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên
quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình
đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn
lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử
dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc
con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện nhu nhau
để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia
đình”.
Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 kế thừa các quy định về bình đẳng giới của các
bản Hiến pháp 1946, 1959, 1992 đã đề ra những nguyên tác pháp lý cơ bản nhất
nhằm củng cố và xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình mới, thực hiện nam nữ
bình đẳng. Điều 52 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 quy định: “Mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật”. Thuật ngữ “công dân” ở đây phải được hiểu là
cả nam và nữ. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Điều 64 Hiến pháp quy
định: “Gia đình là tế bào của xã hội, Nhà nước bảo hộ hô nhân và gia đình. Hôn
nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”.
Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về vấn đề này, Nhà nước đã ban hành
nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
5