Lời mở đầu
Cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận hợp thành của bộ máy nhà nước, trực
thuộc cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, được thành lập để thực hiện chức
năng quản lí hành chính nhà nước.
Quy phạm pháp luật hành chính là các quy tắc xử sự chung do cơ quan nhà
nước, các cán bộ nhà nước có thẩm quyền ban hành, chủ yếu điều chỉnh những
quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước (còn gọi là
hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước).
Trong quản lí hành chính nhà nước, các chủ thể quản lí hành chính nhà nước
cần đến quy phạm pháp luật để định ra các khuôn mẫu xử sự chung cho các đối
tượng quản lí. Phần lớn quy phạm pháp luật hành chính là do cơ quan hành
chính nhà nước ban hành. Vậy vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong
việc xây dựng quy phạm pháp luật hành chính là như thế nào? Các cơ quan này
có vai trò gì đối với việc thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính mà phần
lớn do chính mình ban hành ra không? Để trả lời câu hỏi đó cũng như nâng cao
hiểu biết về hoạt động lập quy của các cơ quan hành chính nhà nước, trong bài
tập cuối kì này, em xin trình bày vấn đề:
“Vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong việc
xây dựng và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính”.
I/ Vai trò của cơ quan HCNN trong việc xây dựng QPPL hành chính
1. Xây dựng QPPL hành chính là quyền và nhiệm vụ của cơ quan HCNN
Một trong các hình thức quản lí HCNN là ban hành văn bản QPPL. Số lượng
văn bản QPPL do các cơ quan HCNN ban hành là rất lớn, tương ứng với đó là
số lượng lớn QPPL hành chính do các cơ quan HCNN xây dựng. Điều đó dường
như không phù hợp với chức năng cơ bản của bộ máy HCNN. Sở dĩ như vậy là
chủ yếu bởi các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp không hoạt động thường
xuyên và việc mở rộng phạm vi các vấn đề chỉ cơ quan quyền lực nhà nước mới
được phép quyết định không phải vô tận.
Mặt khác, pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lí khẳng định khả năng lập quy
độc lập của các cơ quan HCNN. Những quy tắc xử sự nói chung trong luật và
các văn bản khác cũng như QPPL hành chính nói riêng của cơ quan quyền lực
nhà nước không bao hàm hết mọi vấn đề của đời sống xã hội. Chúng chỉ là
những quy định chung cần được cụ thể hoá trong từng lĩnh vực quản lí HCNN.
Nhiệm vụ cụ thể hoá đó được pháp luật trao cho các cơ quan HCNN tương ứng.
Xây dựng pháp luật là hoạt động quan trọng của nhà nước. Trong đó, xây dựng
QPPL hành chính lại càng có ý nghĩa quan trọng vì đây là phương tiện chủ yếu
và là cơ sở của quản lí HCNN. Các QPPL hành chính chủ yếu do các cơ quan
HCNN ban hành trên cơ sở cụ thể hoá, chi tiết hoá các quy định của hiến pháp,
luật và pháp lệnh trong lĩnh vực quản lí HCNN.
Điều 112 Hiến pháp 1992 đã quy định cho Chính phủ trình dự án luật, pháp lệnh
và các dự án khác trước Quốc hội và UBTVQH. Luật ban hành văn bản QPPL
cũng quy định cho các cơ quan HCNN được ban hành văn bản QPPL như: Nghị
định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định, Chỉ thị của UBND… Số
lượng QPPL hành chính trong các văn bản này là rất lớn.
Tóm lại, cơ quan HCNN tham gia xây dựng và ban hành văn bản QPPL nói
chung. Cơ quan HCNN là cơ quan có chức năng quản lí HCNN. Do vậy, để
thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan HCNN cần thiết phải
xây dựng và ban hành các QPPL hành chính.
2. Vai trò của cơ quan HCNN trong việc xây dựng QPPL hành chính
2.1 Cơ quan HCNN đưa ra kiến nghị xây dựng QPPL hành chính
Chính phủ tham gia vào việc xây dựng QPPL hành chính ngay từ những khâu
đầu tiên, trong hoạt động xây dựng chương trình xây dựng pháp luật. Chính phủ
đứng đầu hệ thống cơ quan HCNN, là cơ quan HCNN có thẩm quyền chung ở
trung ương. Do đó, Chính phủ tham gia xây dựng QPPL hành chính ngay từ
đầu, đưa ra kiến nghị xây dựng QPPL hành chính nói riêng là tất yếu.
Chính phủ có trách nhiệm lập đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
trình UBTVQH và phát biểu ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các
cơ quan khác. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ lập đề nghị về chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh. Ta biết rằng, nguồn của luật hành chính là những văn bản
QPPL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và dưới những
hình thức nhất định, có nội dung là các QPPL hành chính. Nguồn của luật hành
chính đa dạng, gồm cả luật, pháp lệnh, nghị quyết… những văn bản cơ quan
HCNN không có thẩm quyền ban hành nhưng vai trò của cơ quan HCNN đối
với việc xây dựng QPPL hành chính trong các văn bản đó không phải là nhỏ.
Ví dụ: Trước khi Quốc hội ban hành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từng
năm, Chính phủ đều có đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Năm
2010, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua 48 dự án
luật, pháp lệnh. Trong đó, chương trình chính thức gồm 32 dự án luật, 2 dự án
pháp lệnh và chương trình chuẩn bị gồm 14 dự án luật. Tại kỳ họp thứ bảy Quốc
hội Khoá XII sắp tới, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua 11
dự án luật; cho ý kiến vào 11 dự án luật.
Đối với các QPPL hành chính do HĐND ban hành, UBND cũng tham gia vào
quá trình lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND.
Trên đây, ta đề cập nhiều đến vai trò của cơ quan HCNN trong xây dựng
chương trình xây dựng pháp luật nói chung. Tuy nhiên, QPPL hành chính muốn
được xây dựng và ban hành cũng phải bắt đầu từ những chương trình xây dựng
pháp luật nói chung ấy. Từ đó, ta cũng đã thấy được vai trò của cơ quan HCNN
trong việc xây dựng QPPL hành chính ngay từ những bước đầu tiên.
2.2 Cơ quan HCNN trực tiếp tham gia xây dựng QPPL hành chính
• Cơ quan HCNN tham gia soạn thảo dự án,dự thảo văn bản QPPL hành chính
Trường hợp dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình và
nghị định của Chính phủ thì Chính phủ giao cho một bộ hoặc cơ quan ngang bộ
chủ trì soạn thảo; cơ quan được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thành lập
Ban soạn thảo. Thành phần Ban soạn thảo còn có các thành viên là đại diện lãnh
đạo Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.
Trường hợp dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì chậm nhất là bốn mươi
ngày, trước ngày khai mạc phiên họp của UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu
Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Chính phủ để
Chính phủ tham gia ý kiến.
Với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không do Chính phủ trình, Chính
phủ có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản đối với dự án luật, pháp lệnh,
dự thảo nghị quyết do cơ quan khác, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình trong thời
hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, dự thảo. Bộ, cơ quan ngang bộ
được Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị ý kiến chủ trì, phối hợp với Bộ
Tư pháp dự kiến những nội dung cần tham gia ý kiến để trình Chính phủ xem
xét, quyết định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định của Thủ
tướng Chính phủ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân công một đơn vị thuộc bộ, cơ
quan ngang bộ chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư và xây dựng tờ trình.
Như vậy, quá trình soạn thảo QPPL hành chính có sự tham gia của nhiều cơ
quan HCNN khác nhau. Tuy nhiên, nhìn nhận cả quá trình ta vẫn thấy được tính
hài hoà, thống nhất và tầm vĩ mô, chiến lược của các văn bản pháp luật thuộc
các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau; đảm bảo cho việc thể hiện đúng các
quan điểm, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối
với dự án, dự thảo; đảm bảo thông tin tổng hợp thuộc các ngành, lĩnh vực khác
nhau đối với hoạt động xây dựng văn bản QPPL hành chính. Sự kết hợp giữa
các cơ quan HCNN trong quá trình soạn thảo mỗi văn bản QPPL hành chính đã
giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, giải quyết, xử lý những vấn
đề có ý kiến khác nhau ngay trong quá trình soạn thảo; xác định các vấn đề cần
ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (thông tư) thuộc thẩm
quyền của các bộ, cơ quan ngang bộ, các nguyên tắc, phạm vi hướng dẫn để
việc hướng dẫn thể hiện đúng các cơ chế, chính sách đã được thể hiện ở các văn
bản có giá trị pháp lý cao hơn.
Trong việc soạn thảo những QPPL hành chính của UBND các cấp thì tuỳ theo
tính chất và nội dung của quyết định, chỉ thị, UBND tổ chức việc soạn thảo
hoặc phân công cơ quan soạn thảo.
• Cơ quan HCNN tham gia thẩm định dự án,dự thảo văn bản QPPL hành chính
Đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Hội đồng dân tộc và các
Uỷ bạn của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy
định trách nhiệm thẩm định của cơ quan HCNN.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết
trước khi trình Chính phủ. Đối với dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, liên
quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Bộ
trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các cơ
quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo khoản 3 Điều 36 Luật ban hành văn bản QPPL 2008, cơ quan thẩm định
tiến hành thẩm định tập trung vào những vấn đề sau đây:
- Sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;
- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng;
- Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống
pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự
thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo
đảm để thực hiện;
- Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.