LỜI MỞ ĐẦU
Dưới tác động của hội nhập quốc tế trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, các
quy định của pháp luật nước ta nói chung và các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự
nói riêng cũng cần phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn để phù hợp với
với xu thế phát triển hợp tác, hội nhập với cả thế giới. Nắm bắt được xu thế này, Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được Quốc hội
thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2012, trong đó vai trò của Viện kiểm sát nhân dân
trong tố tụng dân sự ngày càng có nhiều sự thay đổi. Trước tình hình thay đổi như vũ
bão thế này, yêu cầu đặt ra là phải làm sao để hiểu rõ sự tham gia tố tụng dân sự của
Viện kiểm sát tại Tòa án các cấp. Sau đây, bằng hiểu biết của mình, tôi xin trình bày
quan điểm cá nhân về đề tài “sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại Tòa án
cấp sơ thẩm, phúc thẩm và kiến nghị”.
I. Khái quát chung về sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát
Chức năng của viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát các
hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong lĩnh vực dân sự,
viện kiểm sát thực hiện chức năng này thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các
vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác
theo quy định của pháp luật (xem các Điều 1, khoản 4 Điều 3, Điều 20 Luật tổ chức
Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).
Không những thế Điều 21 và 22 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân còn có các
quy định rất rõ ràng và chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, cụ thể là:
“Điều 21:
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính,
kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân
dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án; yêu cầu Toà án nhân dân hoặc tự mình
xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án;
2. Khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật;
3. Tham gia các phiên toà và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về
việc giải quyết vụ án;
4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân;
1
5. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng;
6. Kiểm sát các bản án và quyết định của Toà án nhân dân;
7. Yêu cầu Toà án nhân dân áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy
định của pháp luật;
8. Yêu cầu Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án dân
sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy
định của pháp luật để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
Điều 22
Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính,
kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân
dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản
án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Toà
án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc
giải quyết các vụ án; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự”.
Như vậy, theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Viện kiểm sát có
nhiệm vụ và quyền hạn rất rộng trong lĩnh vực dân sự nói chung. Đặc biệt, trong các
hoạt động tố tụng dân sự, Viện kiểm sát đóng một vai trò cực kì lớn, đó là tham gia
giải quyết tất cả các vụ án dân sự (còn có thể tham gia cả một số các hoạt động tố
tụng như: thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, khởi tố vụ án, kháng nghị theo thủ tục phúc
thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy
định của pháp luật…).
Nhưng kể từ khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 có hiệu lực (đây là Bộ luật tố
tụng dân sự hiện hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự
đến 01/01/2012 mới có hiệu lực); phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát
trong tố tụng dân sự đã có những thay đổi nhất định. Cùng với việc phân chia vụ việc
dân sự thành hai loại (Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004): vụ án về tranh chấp
dân sự… có sự tham gia của các đương sự như nguyên đơn, bị đơn, người có quyền
lợi và nghĩa vụ liên quan và việc dân sự bao gồm các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia
đình, kinh doanh thương mại, lao động với các trình tự thủ tục giải quyết các vụ án
dân sự và việc dân sự rất khác nhau thì nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát đã
được phân bổ và cơ cấu lại một cách khoa học hơn; Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân
2
sự năm 2004 (BLTTDS) đã giới hạn phạm vi tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát,
cụ thể theo khoản 2 Điều 21 BLTTDS thì: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên
tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các
việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm
sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án”. Như vậy, Viện kiểm sát không tham
gia 100% các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm dân sự như tinh thần quy định của Luật
tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 nữa. Viện kiểm sát nhân dân không có
thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, lao động trong một số trường hợp như luật quy định
trước năm 2004, Viện kiểm sát không tự đi xác minh thu thập chứng cứ, không yêu
cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không làm văn bản phản đối quyết định hòa
giải thành, không tham gia 100% các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ
án dân sự.
Quy định như vậy theo tôi là đã có tính hợp lý, đối với việc bỏ thẩm quyền khởi tố
vụ án dân sự, lao động của Viện kiểm sát là nhằm đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt, tự
thỏa thuận và bình đẳng của các bên đương sự. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ quyền này
thì chung quy lại đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc nêu trên, vì như vậy có
khác gì Viện kiểm sát lại đứng về một bên đương sự, còn đâu nữa sự khách quan, còn
đâu nữa sự bình đẳng hay thỏa thuận…
Tương tự như vậy, quy định Viện kiểm sát không tự đi xác minh thu thập chứng
cứ, không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không làm văn bản phản đối
quyết định hòa giải thành, không tham gia 100% các phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc
thẩm các vụ án dân sự cũng nhằm mục đích tôn trọng các bên đương sự và đảm bảo
hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát (vì với trình độ tổ chức, cơ cấu tổ chức Viện
kiểm sát và năng lực của các Kiểm sát viên ở nước ta hiện nay, sao có thể ôm đồm hết
bao nhiêu công việc).
Ngoài ra, Viện kiểm sát còn thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của
đương sự, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cá nhân và tổ chức liên quan đến việc
thi hành bản án, quyết định của Tòa án; kháng nghị các quyết định về thi hành án của
cơ quan thi hành án; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của Tòa án, cơ quan thi hành
án và những người có thẩm quyền trong việc giải quyết các khiếu nại phát sinh trong
3
quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự, giải quyết các khiếu nại
thuộc thẩm quyền…
Các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát xuất phát từ quyền giám sát hoạt động
tuân theo pháp luật của cơ quan quyền lực và cũng mang tính quyền lực. Việc thực
hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát có tác dụng bảo đảm cho việc giải
quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được đúng đắn. Tuy không có điều luật
quy định tổng quát nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong BLTTDS nhưng tại
các điều 21, 45, 146, 207, 252, 262, 292, 379 và một số điều luật khác của BLTTDS
đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong từng lĩnh vực cụ thể.
II. Sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát tại Tòa án cấp sơ thẩm, phúc
thẩm
Được xác định là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự (Điều 39 BLTTDS), Viện kiểm
sát tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ
chính của mình là giám sát, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết
các vụ việc dân sự (xem các Điều 21, 39, 44, 45, 48, 51, 85,124, 174, 195, 207, 211,
234, 249, 250, 251, 253, 256, 262, 264, 280, 313, 316, 317, 358, 372, 388, 395, 404).
1. Đối với các việc dân sự: Theo các quy định của BLTTDS, Viện kiểm sát tham
gia vào tất cả các phiên họp sơ thẩm, tại khoản 2 Điều 313 BLTTDS về những người
tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự quy định: “Kiểm sát viên Viện kiểm sát
cùng cấp phải tham dự phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn
phiên họp”. Tại cấp phúc thẩm, nếu có căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm,
Viện kiểm sát cũng tham gia vào các phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự trừ
các trường hợp quy định tại Điều 316 BLTTDS, Viện kiểm sát không có quyền kháng
nghị (do các quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay khi tuyên bố), đó là các quyết
định:
- Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
- Quyết định công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi
ly hôn.
2. Đối với các vụ án dân sự: Như đã phân tích ở trên, sự tham gia tố tụng của
Viện kiểm sát tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm được giới hạn ngay tại khoản 2
Điều 21 BLTTDS: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa đối với những vụ án
4
do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm
quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án,
quyết định của Tòa án”. Như vậy, tại Tòa án cấp sơ thẩm, điều kiện để Viện kiểm sát
có thể tham gia vào phiên tòa là đương sự có khiếu nại đối với hành vi thu thập chứng
cứ của Tòa án (mà cơ sở của hành vi này là việc một bên đương sự không có khả năng
thu thập chứng cứ và có yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ). Quy định này một mặt
đảm bảo quyền tự định đoạt, tự do thỏa thuận của đương sự một mặt đảm bảo cho
Viện kiểm sát hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của mình khi giám sát, kiểm tra
hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án do hoạt động này có thể sai sót, thiếu minh
bạch hoặc vi phạm thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, việc còn quy định thêm là Viện kiểm
sát chỉ có thể tham gia phiên tòa khi đương sự có khiếu nại đối với hành vi thu thập
chứng cứ của Tòa án là thiếu cơ sở, không hiểu nhà làm luật định hướng tới mục tiêu
gì khi đưa ra quy định này, theo tôi không cần đương sự phải khiếu nại hành vi thu
thập chứng cứ của Tòa án, Viện kiểm sát cũng phải tham gia phiên tòa này.
Tại Tòa án cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát tham gia phiên tòa khi có căn cứ kháng
nghị phúc thẩm. Tại khoản 2 Điều 264 BLTTDS quy định: “Kiểm sát viên Viện kiểm
sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát
kháng nghị hoặc đã tham gia phiên tòa sơ thẩm”. Như vậy, ngoài các trường hợp
kháng nghị, Viện kiểm sát còn bắt buộc phải tham gia tất cả các phiên tòa phúc thẩm
đối với các vụ án dân sự mà Viện kiểm sát đã tham gia phiên tòa sơ thẩm (các quy
định này được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư liên tịch 03/2005/TTLT-
VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc
tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của viện kiểm sát nhân dân
trong việc giải quyết các vụ việc dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án
nhân dân tối cao ban hành).
III. Một số nhận xét và kiến nghị
Sau một thời gian thực hiện, BLTTDS đã bộc lộ một số điểm hạn chế, đặc biệt là
vấn đề tham gia tố tụng của Viện kiểm sát tại Tòa án các cấp. Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của BLTTDS có hiệu lực từ 01/01/2012 đã khắc phục được phần lớn các
điểm hạn chế này, cụ thể:
Thứ nhất: “Điều 21. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự
5