Tải bản đầy đủ (.docx) (19 trang)

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ CÂY CAO SU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (237.18 KB, 19 trang )

Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1 Giới thiệu khái quát về cây cao su
1.1.1 Nguồn gốc, phân loại
Cây cao su (Hevea brasiliensis Muell. Arg.) là một trong 10 loài trong chi Hevea,
họ Euphorbiaceae (họ Thầu Dầu). Trong 10 loài này, chỉ có Hevea brasiliensis là cho mủ
cao su có ý nghĩa về kinh tế và được trồng rộng rãi nhất. Cây cao su có nguồn gốc ở vùng
rừng thuộc lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ, phân bố tự nhiên trên một vùng rộng lớn
nằm giữa vĩ độ 15
o
Nam và 6
o
Bắc và từ 46
o
– 77
o
Tây, bao gồm các nước Brazil, Bolivia,
Peru, Colombia, Ecuador, Venezuela, French Guiana, Surinam và Guyana (Webster và
Paardekooper, 1989). Cây cao su được trồng thành công cho mục đích kinh doanh trên địa
bàn rộng lớn ở Đông Nam Á có cùng vĩ tuyến và điều kiện khí hậu tương tự vùng nguyên
quán. Sau đó diện tích cây cao su đã được mở rộng từ vĩ tuyến 23
o
Nam (Săo Paulo,
Brazil) đến vĩ tuyến 29
o
Bắc (Ấn Độ và Trung Quốc) với cao trình từ thấp lên đến 1.100
m (Pushparajah, 1983; Ortolani và ctv, 1998; Priyadarshan và ctv, 2005).
1.1.2 Đặc điểm sinh vật học
1.1.2.1 Đặc điểm hình thái
Cây cao su (Hevea brasiliensis Muell. Arg.) là loại cây cây trồng lâu năm, có chu
kỳ khai thác 25 - 30 năm. Trong điều kiện hoang dại cây có thể cao đến 50 m, vanh thân


đạt 5 – 7 m. Tuy nhiên trong các đồn điền cây chỉ cao khoảng 25 - 30 m bởi sinh trưởng
giảm do cạo mủ.
Vỏ cây cao su có 3 lớp, lớp ngoài cùng là tầng mộc thiêm, kế đến là lớp trung bì có
nhiều tế bào đá và một ít ống mủ, trong cùng là lớp nội bì cấu tạo bởi tế bào libe và hệ
thống ống mủ.
Lá cao su là lá kép gồm có 3 lá chét với phiến lá nguyên mọc cách. Cây có thời kỳ
rụng lá qua đông, lá rụng hoàn toàn sau đó ra bộ lá mới.
1
1
Hoa cao su nhỏ, hình chuông với năm lá đài màu vàng, đơn tính đồng chu, khó tự
thụ do hoa đực và hoa cái không chín cùng lúc. Cây cao su ra hoa khi được 5 - 6 tuổi và
bắt đầu ra hoa vào tháng 2 - 3 trong điều kiện Việt Nam.
Quả cao su dạng quả nang gồm 3 - 4 ngăn, chứa 3 - 4 hạt, quả tự khai, hạt khá lớn,
kích thước thay đổi từ 2 - 3,5 cm. Vỏ hạt cứng, đầu hạt có lỗ nảy mầm. Hạt có chứa
nhiều dầu, dễ mất sức nảy mầm. Cây cao su rụng quả tháng 8 - 9 hàng năm.
Bộ rễ của cây cao su rất phát triển, rễ cọc có thể dài đến 10 m khi trưởng thành và
gặp đất có cấu trúc tốt, 80 - 85% rễ bàng tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt 0 - 30 cm
(Nguyễn Thị Huệ, 2006).
Mủ cao su là dung dịch thể keo, có màu trắng sữa hoặc hơi vàng tùy giống.
1.1.2.2 Các giai đoạn phát triển
Trong điều kiện canh tác, chu kỳ sống của cây cao su được quy định từ 25 đến 30
năm, chia làm 2 thời kỳ chính:
Thời kỳ kiến thiết cơ bản: từ khi trồng đến khi vườn cây đưa vào cạo từ 5 - 8 năm
tùy giống, môi trường và điều kiện chăm sóc. Hiện nay, với việc chăm sóc quản lý theo
đúng quy trình, giống được cải tiến nên thời gian kiến thiết cơ bản sẽ được rút ngắn còn
khoảng 4 – 6 năm.
Thời kỳ kinh doanh: Đây là khoảng thời gian khai thác mủ của cây kéo dài từ 20 –
25 năm, cây đươc khai thác khi trên vườn có trên 70% tổng số cây có vanh thân đo cách
mặt đất 1 m đạt ≥ 50 cm, giai đoạn khai thác kéo dài từ 20 – 25 năm. Trong giai đoạn này
cây vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn so với giai đoạn kiến thiết cơ bản và

cho đến năm cạo thứ 5 - 6 trở đi cây mới ổn định và cho năng suất kéo dài trong 20 năm.
Do đặc điểm về chế độ khai thác, chia thành 3 nhóm cây:
- Vườn cây nhóm I (vườn cây tơ): năm cạo thứ 1 đến thứ 10.
- Vườn cây nhóm II (vườn cây trung niên): năm cạo thứ 11 đến 17.
- Vườn cây nhóm III (vườn cây già, thanh lý): năm cạo thứ 18 đến 20.
2
2
1.1.3 Đặc điểm sinh thái
Vùng sinh thái tự nhiên của cây sao su thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm, khá đa dạng.
Cây cao su thích hợp với vùng có lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000 mm/năm,
không có mùa khô hoặc mùa khô từ 1 đến 5 tháng, số ngày mưa thích hợp cho cây ca su
là khoảng 100 – 150 ngày/năm và phân bố đều trong năm. Nhiệt độ thích hợp nhất là 25 -
30
o
C. Cây trưởng thành có sức chịu hạn tốt, phát triển trong điều kiện tối thiểu 1.600 –
1.700 giờ nắng/năm và điều kiện gió nhẹ (1 - 3 m/s), nếu tốc độ gió lớn hơn 17 m/s thì
cây sẽ bị gãy đổ. Cây cao su ưa đất hơi chua, độ pH khoảng 4,5 - 5,5 và không chịu ngập.
Đất trồng cao su yêu cầu hóa tính đất không khắt khe nhưng lí tính đòi hỏi phải có tầng
đất mặt dày, không úng, địa hình ít dốc là tốt nhất (Nguyễn Thị Huệ, 2006).
1.1.4 Đặc điểm di truyền
Theo Ong (1979), cây cao su có bộ nhiễm sắc thể 2n = 36, cây cao su có thể là một
dạng tứ bội với số lượng nhiễm sắc thể cơ bản n = 9. Các đặc tính như sinh trưởng, sản
lượng, khả năng kháng bệnh đều do những tính trạng đa gen, di truyền theo phương phức
cộng hợp và khả năng phối hợp chung quan trọng hơn khả năng phối hợp riêng. Cho đến
nay, chưa có bằng chứng về sự tự bất tương hợp ở cây cao su, mặc dù thường khi giao
phấn chéo cho tỉ lệ đậu trái cao hơn tự thụ. Hiện nay, nghiên cứu đặc điểm di truyền ở cây
cao su qua thống kê sinh học (di truyền định lượng) bắt đầu muộn hơn các nghiên cứu
khác, nhưng đã có những đóng góp làm nền tảng cho việc định hướng các chương trình
cải tiến giống cao su.
1.2 Các giai đoạn phát triển cao su thiên nhiên trên thế giới

1.2.1 Giai đoạn khai thác cao su hoang dại (1500 – 1870)
Mủ cao su đã được sử dụng từ rất lâu đời, đặc biệt trong việc làm ra những vật
dụng phục vụ các lễ cúng tôn giáo của thổ dân tại vùng nguyên quán Amazon (de
Livonnière, 1993). Tại vùng rừng Amazon, mủ cao su được khai thác từ các cây cao su
hoang dại mọc rải rác hay mọc tập trung từ 4-10 cây ở mỗi nơi và cách nhau ít nhất
khoảng 400 m với mật độ bình quân là 1 cây cho 5 ha (Nguyễn Thị Huệ, 2006). Năm
3
3
1747, cây cao su lần đầu tiên được mô tả chi tiết bởi một kỹ sư người Pháp, Fresneau.
Khoảng năm 1830 nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên ra đời đã đánh dấu một bước
ngoặt quan trọng trong việc sử dụng sản phẩm mủ cao su vào việc chế tạo giày dép, ống
nhựa, áo mưa và các sản phẩm khác (Thomas và Panikkar, 2000).
1.2.2 Giai đoạn di nhập và nhân trồng cây cao su (1870 – 1914)
Từ đầu thập niên 1870, do nhu cầu cao su thiên nhiên tăng rất mạnh đã dẫn đến
sự cần thiết phải phát triển cây cao su trên thế giới nhằm thay thế cho nguồn cung cao su
từ rừng tự nhiên ở Nam Mỹ vốn không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, đã có nhiều nỗ
lực để di nhập cây cao su sang trồng ở vùng nhiệt đới châu Á, nơi có các điều kiện môi
trường tương tự như vùng nguyên quán Amazon. Tuy nhiên tất cả đều không thành công
cho tới nỗ lực của nhà thực vật học người Anh Henry Wickham vào năm 1876
(Wycherley, 1968). Trong năm này, Wickham đã thu thập 70.000 hạt cao su ở thượng lưu
sông Amazon và chuyển về vườn thực vật Kew (Anh); trong số này, chỉ khoảng 4% số
hạt đã này mầm sau 3 tuần ươm. Từ nguồn sưu tập này, cây cao su đã được đưa đầu tiên
vào Singapore năm 1876 và sau đó lan sang các nước khác ở châu Á cũng như các nước
châu Phi tạo ra sự phát triển của ngành công nghiệp cao su thiên nhiên. Đây là nguồn gen
khởi đầu cho sự thành công của các chương trình tạo tuyển giống cao su ở Đông Nam Á
được gọi là nguồn gen Wickham (W).
Cây cao su lần đầu tiên được di nhập vào Việt Nam vào năm 1878 do Pierre đưa
hạt giống vào trồng ở vườn Bách thảo Sài Gòn nhưng không thành công. Đến năm 1876,
cây cao su tiếp tục được Yersin di nhập vào Việt Nam từ Bogor (Indonesia) và được trồng
thử nghiệm tại Bình Dương và Nha Trang, sau đó đã hình thành các đồn điền cao su đầu

tiên ở Đông Nam Bộ từ 1907 và ở Tây Nguyên từ 1923. Tại miền Bắc, trong giai đoạn
1958 – 1963, cây cao su đã được trồng ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Phú Thọ (Đặng
Văn Vinh, 2000; Trần Thị Thúy Hoa, 2005). Từ 2007, cao su đã phát triển ra một số tỉnh
miền núi phía Bắc Việt Nam.
1.2.3 Giai đoạn phát triển mạnh mẽ ngành cao su (từ 1914 đến nay)
4
4
Hiện nay, có trên 24 quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên với tổng diện tích cây
cao su đến năm 2010 ước khoảng 11,5 triệu ha, phân bố chủ yếu tại châu Á (92,7%), kế
đến là châu Phi (5%) và châu Mỹ la-tinh (2,3%).
1.2.3.1 Giai đoạn 1914 – 2005
Trong giai đoạn này, mức sản xuất cao su thiên nhiên trên thế giới gia tăng rất
nhanh, sản phẩm cao su cung cấp trên thị trường chủ yếu là trồng từ các vườn cây khai
thác, sản lượng cao su thế giới đã tăng từ 125 nghìn tấn vào năm 1914 và đến năm 1941
tăng lên 1,504 triệu tấn. Tuy nhiên do chiến tranh thế giới lần II nên diện tích trồng cao su
cũng như sản lượng mủ đã giảm xuống đáng kể và đến năm 1945 chỉ còn 254 ngàn tấn.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, sản lượng cao su thiên nhiên đã được phục hồi với sản
lượng năm 1946 đạt 867 ngàn tấn và tăng lên 3,845 triệu tấn vào năm 1980. Sản lượng
cao su thiên nhiên vẫn gia tăng đều đặn ở các năm sau đó, từ 4,335 triệu tấn vào năm
1985 đã tăng lên 8,682 triệu tấn vào năm 2005.
1.2.3.2 Giai đoạn 2005 – 2011
Sản lượng và diện tích cây cao su đã gia tăng liên tục theo nhu cầu sử dụng cao su
thiên nhiên trên thế giới. Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới
làm thu hẹp nhu cầu, sản lượng cao su thiên nhiên trong năm này đã thấp hơn năm trước,
tuy nhiên diện tích vẫn tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng về diện tích khoảng 2,7% từ
năm 2005-2010 và về sản lượng khoảng 2,4% hàng năm từ năm 2005 đến 2011.
Trong năm 2011, Thái Lan dẫn đầu về sản lượng cao su thiên nhiên, đạt 3,39 triệu
tấn, chiếm 30,9% tổng sản lượng cao su thế giới, tăng 4,4% so năm trước. Thứ hai là
Indonesia, sản lượng đạt 2,98 triệu tấn, chiếm thị phần 27,1%, tăng trưởng mạnh (9%).
Malaysia xếp thứ ba với sản lượng 996 ngàn tấn, chiếm thị phần 9,1% tăng khá với mức

6,1% so năm 2009. Ấn độ có sản lượng xếp thứ tư, đạt 889,9 ngàn tấn, chiếm 8,1% và
tăng 4,6%. Việt Nam xếp thứ năm với sản lượng đạt 811,6 ngàn tấn, chiếm 7,4% và tăng
trưởng sản lượng đạt khá 8% so với năm trước. Về năng suất, trong năm 2011, Việt Nam
giữ vị trí thứ hai về năng suất trên thế giới với năng suất bình quân đạt 1.720 kg/ha, chỉ
sau Ấn Độ (1.784 kg/ha), vượt hơn các nước sản xuất cao su lớn như Thái Lan (1.705
5
5
kg/ha), Malaysia (1.450 kg/ha) và Indonesia (937 kg/ha) (Bản tin Cao su Việt Nam số 53
ngày 31/01/2012).
Nguồn: IRSG. Rubber Statistical Bulletin. Jan-Mar 2012
Đồ thị 1.1 Diện tích và sản lượng cao su thế giới từ 2005 – 2011 (đơn vị 1000 tấn)
1.3 Tình hình sản xuất cao su ở Việt Nam
Diện tích, sản lượng và năng suất cao su Việt Nam đã liên tục tăng qua các giai
đoạn (Bảng 1.1), từ mức 76,6 – 87,7 ngàn héc-ta với sản lượng 40,2 – 41,1 ngàn tấn và
năng suất trung bình khoảng 700 kg/ha ở giai đoạn 1976 - 1980 đã tăng lên 482,7 – 748,7
ngàn héc-ta với sản lượng 481,6 – 751,7 ngàn tấn và năng suất bình quân đạt 1.611 kg/ha
trong giai đoạn 2005 - 2010,
Bảng 1.1 Diện tích, sản lượng và năng suất cao su của Việt Nam
Năm
Diện tích
(ha)
Diện tích khai thác
(ha)
Sản lượng
(tấn)
1976 76.600 -
40.200
1980 87.700 -
41.100
1985 180.200 -

47.900
6
6
1990 221.700 81.083 57.900
1995 278.400 146.885 124.700
2000 412.000 231.500 290.800
2005 482.700 334.200 481.600
2010 748.700
439.100 751.700
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam (2011)
Trong hơn một thập kỷ qua, mặc dù tình hình sản xuất cao su thiên nhiên ở Việt
Nam có nhiều biến động nhưng diện tích và sản lượng cây cao su không ngừng tăng lên
qua các năm (Bảng 1.2). Trong năm 2011, diện tích và sản lượng cao su đã tăng lên gấp
đôi và năng suất tăng 37% so với năm 2000. Với mức sản lượng của năm 2011, sản xuất
cao su ở Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới (chiếm khoảng 7,4 % sản lượng cao su
thế giới), chỉ sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ . Định hướng phát triển cao su
đến 2015 là tiếp tục quy hoạch và mở rộng diện tích cả nước để đạt được 1 triệu ha. Đến
năm 2020, việc đầu tư phát triển cây cao su chủ yếu tập vào thâm canh tăng năng suất trên
diện tích đã có, thay thế các giống cũ bằng những giống mới có tiềm năng năng suất cao
trên diện tích trồng tái canh (IRSG, 2012). Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cao su cũng
có nhiều thuận lợi. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cao su trên hơn 70 nước và vùng lãnh
thổ trên thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, kế đến là thị trường Đài
Loan, Malaysia, Đức, Mỹ, Nhật Bản.
Bảng 1.2 Diện tích, sản lượng và năng suất cao su Việt Nam từ năm 2000 đến nay
Năm
Diện tích
(ha)
Diện tích khai thác
(ha)
Sản lượng

(tấn)
Năng suất
(tấn)
2000 412.000 231.500 290.800 1.256
2001 415.800 240.600 312.600 1.299
2002 428.800 243.300 298.200 1.226
2003 440.800 266.700 363.500 1.363
2004 454.100 300.800 419.000 1.393
2005 482.700 334.200 481.600 1.441
7
7
2006 522.200 356.400 555.400 1.558
2007 556.300 377.800 605.800 1.603
2008 631.500 399.100 660.000 1.654
2009 677.700 418.600 711.300 1.699
2010 748.700 439.100 751.700 1.712
2011 834.200 471.900 811.600 1.720
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam (2011)
1.4 Các phương pháp lai tạo giống cao su
1.4.1 Chọn lọc cây đầu dòng
Từ nguồn hạt do Wickham thu thập từ Brazil năm 1876 chuyển về trồng ở
Singapore và lan sang Sri Lanka, Malaysia, Indonesia đã được xem là thủy tổ của hầu hết
diện tích cao su ở Châu Á và Châu Phi hiện nay. Trong thời kỳ này cây cao su được trồng
từ hạt thực sinh không chọn lọc, do đó sản lượng đạt được rất thấp, dưới 500 kg/ha.
Cramer (1910) đã nhận thấy trong vườn cao su trồng từ các cây thực sinh có sự biến thiên
rất lớn về sản lượng giữa các cá thể, qua phân tích sự biến thiên Cramer đã kết luận rằng
70% sản lượng của vườn cây là từ khoảng 30% số cây trong vườn cung cấp. Từ đó ông đã
khuyến cáo sử dụng hạt thực sinh từ những cây có năng suất cao (cây đầu dòng) để trồng.
Kết quả thu được từ vườn trồng bằng hạt có chọn lọc đã đưa năng suất bình quân lên 630
– 704 kg/ha/năm so với 496 kg/ha/năm ở các vườn trồng từ hạt thực sinh không chọn lọc

(Dijkman, 1951). Năm 1917, Van Helten đã thành công trong phương pháp nhân giống vô
tính cao su bằng kỹ thuật ghép mầm mủ trên gốc thực sinh, đã đặt nền móng cho các
phương pháp mới trong tạo tuyển giống cao su là tạo ra các dòng vô tính.
1.4.2 Phương pháp lai hữu tính nhân tạo (lai hoa)
Tạo ra những giống cao su mới bằng phương pháp lai hữu tính nhân tạo (lai hoa)
đã và đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trồng cao su trên thế giới như
Malaysia từ năm 1928 (Gilbert và ctv, 1973; Othmen, 2007), Việt Nam năm 1933 (Ehret,
1948), Sri Lanka năm 1939 (?), Ấn độ năm 1954 (?), Trung Quốc trong những năm 1950
8
8
(Xinsheng, 2010). So với các nước châu Á, chương trình lai hữu tính nhân tạo tại châu
Phi được thực hiện muộn hơn: tại Nigeria vào những năm 1960 (Omokhafe và Nasiru,
2005), Bờ Biển Ngà vào năm 1974 (Legnate, 1991).
Nguyên tắc chính của phương pháp lai hữu tính nhân tạo là phối hợp các cha mẹ có
đặc tính mong muốn (Trần Thị Thúy Hoa, 1998) hoặc cụ thể hơn là “lai giữa bố/mẹ tốt
nhất với bố/mẹ tốt nhất” và tránh giao phối cận huyết thống (Lại Văn Lâm, 2011) để tạo
ra các cá thể con lai (dạng thực sinh). Sau đó, quần thể con lai được đưa vào đánh giá,
chọn lọc ở các bước tiếp theo.
Trong thực tiễn, việc lai hữu tính nhân tạo có thể được thực hiện trên cây trưởng
thành hoặc trên các vườn lai hữu tính chuyên biệt cho cây cao su, các vườn lai này đã
được tạo tán thấp và áp dụng kỹ thuật kích thích ra hoa sớm (Lại Văn Lâm và ctv,
2010). Ưu điểm của phương pháp lai hữu tính nhân tạo là chủ động tạo ra con lai có tính
trạng mong muốn, tỷ lệ đậu trái cao hơn, dễ dàng thi công trên vườn lai chuyên biệt (do
được tạo tán thấp). Tuy nhiên, phương pháp này cũng đã bộc lộ một số hạn chế như tỷ lệ
đậu trái thấp (trung bình khoảng 5%) và biến thiên lớn theo giống và điều kiện môi
trường, thời điểm ra hoa không đồng bộ giữa các giống, thời gian ra hoa ngắn và hạt phấn
cao su không thể tồn trữ lâu dài, tay nghề người thực hiện Các hạn chế này đã ảnh
hưởng đến số lượng cây lai thu được trong mỗi tổ hợp lai cũng như việc thiết kế các tổ
hợp bố mẹ mong muốn.
1.4.3 Phương pháp lai tự do

So với lai hữu tính nhân tạo, phương pháp lai tự do được thực hiện sớm hơn. Vườn
hạt lai đầu tiên được Van de Hoop xây dựng tại Java (Indonesia) vào năm 1920, từ vườn
này đã cho ra đời nguồn hạt Tjikadoe (ký hiệu Tijr) nổi tiếng (Ho, 1979). Tại Malaysia,
vườn lai cách ly Prang Besar Isolated Garden cũng đã được công ty Prang Besar thiết lập
vào năm 1928 và đã tạo ra nhiều quần thể đa giao PBIG được khuyến cáo trồng ở điều
kiện môi trường khó khăn.
Tại Việt Nam, bên cạnh phương pháp lai hữu tính nhân tạo, việc thu thập cây lai tự
do cũng rất được chú ý nhằm khai thác nguồn gen tái tổ hợp phong phú từ quần thể đa
9
9
giao. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy: trong thời gian từ 2006 – 2010, đã
có 9.497 con lai từ 126 tổ hợp lai, với mẹ là những giống sinh trưởng khỏe và sản lượng
cao được thu thập. Sau khi chọn lọc bước đầu về sinh trưởng, có 265 con lai xuất sắc đã
được đưa vào tuyển non cùng với 1.227 con lai được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính
nhân tạo (Lại Văn Lâm và ctv, 2010). Một số DVT mới triển vọng ra đời từ phương pháp
lai tự do gần đây như: LTD 98/298, LTD 98/119, LTD 98/630… đang trong giai đoạn sơ
tuyển.
1.4.4 Chọn giống cha mẹ
Công tác lai tạo giống cây trồng luôn luôn được thực hiện trong một hoàn cảnh
kinh tế xã hội nhất định (Simmod, 1985). Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc
chọn giống bố mẹ bao giờ cũng là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất. Theo Phan
Thanh Kiếm (2006), chọn giống bố mẹ có nhiều tính trạng tốt thì các gen trong các bố mẹ
khác nhau có cơ hội tái tổ hợp để tạo thành những kiểu gen tốt. Đối với cây cao su, tạo
những DVT sản lượng cao, kết hợp các đặc tính phụ mong muốn là mục tiêu chủ đạo của
bất kỳ chương trình cải tiến giống nào (Mercykutty và ctv, 2006). Sinh trưởng khỏe trong
thời gian kiến thiết cơ bản là mục tiêu quan trọng kế tiếp và hầu như không tách rời nhằm
rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn cây. Một số nghiên
cứu đã khẳng định năng suất và sinh trưởng của cây cao su là tính trạng di truyền số
lượng (Ligang và ctv, 2004), vì vậy tổ hợp lai giữa cha mẹ có năng suất cao sẽ làm tăng
khả năng cho con lai có năng suất cao. Thật vậy, thực hiện ước lượng tính di truyền và ưu

thế lai dựa trên cây thực sinh non và DVT sau 6 năm khai thác được tạo tuyển trong
chương trình lai hữu tính nhân tạo từ năm 1982 đến 1993 của Viện Nghiên cứu Cao su
Việt Nam, Trần Thị Thúy Hoa và ctv (1997) đã kết luận: sản lượng, sinh trưởng và độ dày
vỏ có tính di truyền cao, hệ số di truyền theo nghĩa rộng biến thiên từ 0,31 - 0,93 về sản
lượng, 0,31 - 0,69 về sinh trưởng và 0,22 - 0,79 về độ dày vỏ; ưu thế lai cao nhất về sản
lượng có thể vượt hơn cha mẹ tốt nhất 252,7%.
1.4.5 Các kiểu tổ hợp lai thường được thực hiện
10
10
Lai hữu tính nhân tạo ở cây cao su được coi là biện pháp cơ bản để chủ động thực
hiện kế hoạch phối hợp các nguồn gen từ các cha mẹ ưu tú. Các kiểu tổ hợp lai thường
được thực hiện là:
- Lai giữa các giống Wickham (W): W x W. Mục đích của các tổ hợp này là tạo ra
con lai có giá trị cao về mặt kinh tế, đặc biệt là về sản lượng.
- Lai giữa giống Wickham (W) với nguồn gen hoang dại Amazon (A): W x A.
Mục đích của các tổ hợp lai này là nhằm kết hợp đặc tính sản lượng mủ cao của nguồn di
truyền Wickham với khả năng sinh trưởng khỏe, kháng bệnh hại và chống chịu môi
trường bất thuận của nguồn di truyền Amazon.
- Hồi giao giữa WA với nguồn gen chọn lọc W, A hoặc WA: WA x W; WA x A;
WA x WA. Mục đích của kiểu tổ hợp này là nhằm du nhập những gen/tính trạng mục tiêu
(đặc biệt là những tính trạng số lương có tương tác với môi trường như tính chống chịu
khô hạn, chống chịu lạnh, chống chịu đất kém dinh dưỡng,…) thông qua con đường lai
tạo truyền thống.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ 2006 – 2010, định hướng các tổ hợp lai theo thứ
tự ưu tiên là W x WA (cơ cấu gen WA < 50%), W x W (kiểm soát tránh cận huyết thống),
W x A và WA x WA theo hướng năng suất mủ cao – sinh trưởng khá và các đặc tính phụ
chấp nhận được (Lại Văn Lâm và ctv, 2010).
Lai tạo giữa nguồn gen Wickham với nguồn gen hoang dại Amazon chọn lọc là xu
hướng chung hiện nay tại các Viện Nghiên cứu Cao su trên thế giới nhằm tạo ra quần thể
con lai đa dạng về mặt di truyền cũng như phục vụ các chương trình phát triển cây cao su

với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm.
1.5 Các bước tuyển chọn giống cao su
Tuyển chọn giống là một quy trình bắt buộc trong nghiên cứu giống cây trồng nói
chung và cây cao su nói riêng. Ở cây cao su, phương pháp chung của quá trình tạo tuyển
giống gồm các bước theo thứ tự như sau: chọn cha mẹ, lai tạo, chọn lọc cây thực sinh lai
ưu tú, chọn lọc DVT xuất sắc, đánh giá khả năng thích nghi của DVT trong các điều kiện
môi trường sinh thái khác nhau (Subramaniam, 1980). Như vậy, quá trình tuyển chọn
11
11
giống cao su được bắt đầu sau khi thu nhận các con lai. Tại các Viện Nghiên cứu Cao su
trên thế giới, quá trình này đều được tiến hành qua 3 bước cơ bản từ qui mô nhỏ đến qui
mô lớn gồm: tuyển non, so sánh giống qui mô nhỏ (sơ tuyển) và so sánh giống qui mô lớn
(chung tuyển, ô quan trắc, sản xuất thử). Sau mỗi bước tuyển chọn, số lượng giống nghiên
cứu giảm dần (do gạn lọc) nhưng áp lực chọn lọc cao dần (Trần Thị Thúy Hoa, 1998).
Tuyển non cây cao su lai được thực hiện khi cây còn nhỏ, trong vòng 36 tháng tuổi
với mục tiêu cơ bản là thải loại các con lai kém (chủ yếu về sản lượng và sinh trưởng)
đồng thời có thể chọn sớm các cá thể xuất sắc để giảm số lượng con lai được chọn đưa
vào các thí nghiệm đánh giá ở giai đoạn trưởng thành góp phần rút ngắn thời gian cũng
như giảm thiểu chi phí trong đánh giá giống cao su. Tuyển non có thể thực hiện trên cây
lai thực sinh hoặc trên dòng vô tính (cây ghép). Tại Việt Nam, tuyển non giống cao su
được thực hiện trên cây lai đã được dòng vô tính hóa với chỉ tiêu chọn lọc chính là năng
suất mủ và sinh trưởng.
Cũng như ở các Viện Nghiên cứu Cao su trên thế giới, lưu đồ tạo tuyển giống cao
su tại Việt Nam (hình 1.2) cho thấy sơ tuyển là bước chọn lọc giống đầu tiên và bắt buộc
ở giai đoạn cây trưởng thành. Từ sơ tuyển, những DVT ưu tú sẽ tiếp tục được đánh giá,
chọn lọc trong các thí nghiệm chung tuyển hoặc có thể được đề xuất vào cơ cấu bộ giống
khuyến cáo qui mô sản xuất thử (giống bảng III). Các thí nghiệm sơ tuyển thường gồm 30
– 40 DVT hoặc nhiều hơn, đối chứng là một số DVT phổ biến trong sản xuất, được thiết
kế 8 – 10 cây/ô cơ sở với 2 – 3 lần lặp lại. Mục tiêu của giai đoạn này là chọn lọc bước
đầu các DVT xuất sắc ở giai đoạn trưởng thành cho một khối lượng khá lớn giống không

thể bố trí ngay ở qui mô lớn và trên nhiều địa điểm. Ở thí nghiệm sơ tuyển, các chỉ tiêu
đánh giá, chọn lọc gồm sản lượng, sinh trưởng, tăng trưởng trong khi cạo, dày vỏ nguyên
sinh, dày vỏ tái sinh, tính kháng một số bệnh hại phổ biến, đặc tính sinh lý mủ, đặc điểm
hình thái… Thông thường, việc chọn lọc sẽ kết thúc sau 3 đến 5 năm cạo mủ, tức khi cây
ở năm tuổi thứ 9 đến 11 (Lại Văn Lâm, 2011).
Vì đặc thù là cây lâu năm, việc tuyển chọn giống ở cao su phải mất từ 25 – 30 năm
nếu thực hiện đầy đủ và tuần tự các bước. Vì vậy, nhằm nhanh chóng đáp ứng nhu cầu
giống mới cho sản xuất, các Viện Nghiên cứu Cao su trên thế giới đã có những nghiên
12
12
cứu sáng tạo nhằm rút ngắn thời gian tuyển chọ giống cao su, và đã rút ngắn được thời
gian đáng kể như: còn 23 năm tại Viện Nghiên cứu Cao su Ấn Độ (Varghese và ctv,
2006), 18 năm tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Trần Thị Thúy Hoa, 1998).
Hình 1.2 Lưu đồ cải tiến giống cao su cơ bản tại Việt Nam
(đường liền: chính; đường đứt khúc: phụ)
Nguồn: Lại Văn Lâm, 2011
1.6 Sử dụng và khuyến cáo giống lai tạo trong nước tại một số quốc gia trên thế giới
và tại Việt Nam
Hầu hết các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Malaysia,
Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc,… đều có chiến lược lai tạo và sử dụng các
giống lai phù hợp với điều kiện đặc thù trong nước. Mục tiêu chung của các chương trình
13
13
lai tạo là cải tiến về năng suất mủ, sinh trưởng khỏe, chống chịu một số bệnh hại chính và
có các đặc tính phụ chấp nhận được.
Tại Ấn độ, chương trình cải tiến giống bằng phương pháp lai hữu tính nhân tạo đã
làm tăng năng suất vườn cây lên gấp mười lần, từ 300 kg/ha/năm đối với vườn cây trồng
từ hạt giống thông thường đã đạt đến 3.000 kg/ha/năm ở các giống lai; năng suất cao của
Ấn độ đạt được là do sự đóng góp của các DVT lai cao sản (Varghese và ctv,2006), Trong
số các DVT lai cao sản của Ấn Độ, RRII 105 là DVT được trồng rất phổ biến, năm 1980

diện tích trồng DVT này chiếm trên 90% tổng diện tích cao su tại Ấn Độ. Đến năm 2006,
Ấn Độ đã tạo ra các DVT lai thuộc seri 400 như RRII 429, RRII 430…., khuyến cáo cho
sản xuất được 15 DVT, hơn 140 DVT ưu tú khác đang được đánh giá ở các giai đoạn
khác nhau ở những vùng truyền thống và phi truyền thống.
Indonesia là quốc gia có diện tích cao su đứng đầu thế giới, cũng là nơi tiên phong
chương trình lai tạo giống cao su. Tại Indonesia, việc sử dụng những DVT lai tiến bộ
được khuyến cáo là một yêu cầu bắt buộc để có vườn cây đạt năng suất cao. Từ năm
1985, Indonesia đã thực hiện lai tạo các cha mẹ có chọn lọc tạo ra những DVT ưu tú với
các đặc điểm như sau: năng suất cao, năng suất cao su khô ở năm cạo đầu tiên đạt 1.000 –
1.500 kg/ha/năm và tăng dần ở những năm sau đó, năng suất cộng dồn đạt 40 tấn/ha trong
chu kỳ 20 năm khai thác; sinh trưởng khỏe, tăng vanh nhanh trong thời kỳ KTCB (đủ tiêu
chuẩn cạo mủ trước 4 năm tuổi) và tăng vanh tốt trong giai đoạn khai thác; kháng bệnh,
đặc biệt các bệnh lá như bệnh héo đen đầu lá, phấn trắng và bệnh rụng lá corynespora;
chất lượng mủ tốt để có thể được chế biến nhằm làm tăng giá trị sản phầm cao su (Daslin
và ctv, 2007). Đến năm 2010, Indonesia đã tạo ra các seri giống mang tên IRR 800 và
IRR 900 đang đánh giá ở giai đoạn tuyển non. Theo bảng cơ cấu giống khuyến cáo qua
các giai đoạn cho thấy có sự gia tăng tỷ lệ giống lai mang ký hiệu IRR: từ 57,1% ở giai
đoạn 2006 - 2010 đã tăng lên 64,3% ở giai đoạn 2010 – 2014. Các giống cao su khuyến
cáo được xếp vào nhóm riêng biệt: các giống hướng mủ, các giống hướng mủ - gỗ và các
giống hướng gỗ.
Tại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Cây trồng Nhiệt đới Vân Nam đã bắt đầu
chương trình cải tiến giống chịu lạnh, năng suất cao từ những năm 1960. Một loạt cây
14
14
thực sinh hoặc DVT như YITC 1, YITC 2, YIT C9, YITC 73-46, YITC 73-477, YITC 74-
462…đã được sản sinh ra từ chương trình này. Đặc biệt, YITC 77-2 (VNg 77-2) và YITC
77-4 (VNg 77-4) (con lai được tạo ra bằng phương pháp lai tự do có cách ly giữa giống
GT 1 và PR 107) được bắt đầu khuyến cáo trồng từ năm 1999, khuyến cáo trồng qui mô
lớn ở phía Tây tỉnh Vân Nam từ năm 2002. Đến năm 2004 đã có trên 10.000 ha cao su đã
được trồng 2 DVT này (Ligang và ctv, 2004).

Tại Việt Nam, sau năm 1975, giống cao su lai tạo trong nước đầu tiên bắt đầu được
khuyến cáo trong cơ cấu bộ giống giai đoạn 1991 – 1993; càng về sau, số lượng và qui
mô khuyến cáo càng tăng dần. Từ năm 1992 – 1994, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam
đã cung cấp cho sản xuất ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên 53.369 mét gỗ ghép
giống lai các loại (mỗi mét gỗ ghép có hệ số nhân khoảng 10 lần), nhiều nhất là các giống
RRIV 4, RRIV 3, RRIV 2. Năm 1997, đã có 408 ha (chiếm 3,6% trên tổng diện tích) của
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được trồng các DVT RRIV 4, RRIV 3 và DVT
lai khác (Trần Thị Thúy Hoa, 1998). Năm 2004, diện tích trồng giống RRIV 4 đạt 45.027
ha, chiếm 12,5% tổng số diện tích điều tra của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn (Trần Thị Thúy Hoa, 2007). Trong năm 2005, các giống chiếm tỷ trọng lớn
trong phục vụ trồng mới tại các Công ty Cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt
Nam (VRG) gồm: RRIV 4, PB 260, RRIV 2, PB 255, VM 515 và GT 1 với cơ cấu về diện
tích tương ứng lần lượt là 51%, 22%, 9%, 7% và 4% (Hà Văn Khương, 2006). Năm 2011,
một số giống lai xuất sắc của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đã được khuyến cáo
phục vụ trồng mới và tái canh tại các Công ty thuộc VRG như: RRIV 124, RRIV 1, RRIV
115, RRIV 114, RRIV 106, RRIV 107, RRIV 5, RRIV 104… với tổng diện tích chiếm
31,1%, trong tổng số 42.740 ha trồng mới và tái canh. Trong số 20 giống cao su khuyến cáo
ở Bảng I và II trong cơ cấu bộ giống giai đoạn 2011 – 2015, đã có 9 DVT lai xuất sắc (có
tiềm năng năng suất đạt và vượt 3 tấn/ha/năm) được khuyến cáo cho sản xuất bao gồm
RRIV 1, RRIV 5 và RRIV 124 (khuyến cáo Bảng I), RRIV 103, RRIV 106, RRIV 107,
RRIV 109, RRIV 111, RRIV 114 (khuyến cáo Bảng II). Bên cạnh đó, một số DVT triển
vọng như RRIV 116, RRIV 120, RRIV 122, RRIV 123, RRIV 201, RRIV 205, RRIV
15
15
206, RRIV 208, RRIV 209… cũng đã được khuyến cáo trồng ở Bảng III trong cơ cấu bộ
giống 2011 – 2015.
1.7 Khuyến cáo giống cao su cho sản xuất tại Việt Nam
Do cây cao su là cây dài ngày, chu kỳ kinh tế cũng như thời gian chọn giống cao
su rất dài để đủ độ tin cậy, vì vậy các quốc gia sản xuất cao su đều khuyến cáo một bộ
giống cao su gồm nhiều giống trong từng thời kỳ cho sản xuất, được phân chia ở các qui

mô sản xuất khác nhau dựa trên mức độ đầy đủ của kết quả đánh giá giống và nhằm tránh
các rủi ro sinh học do trồng độc tôn một giống. Tại các nước trồng cao su, bộ giống cao
su gồm nhiều giống được khuyến cáo riêng biệt cho ba qui mô trồng: qui mô sản xuất
diện rộng, qui mô trung bình và qui mô sản xuất thử. Đồng thời bộ giống cao su cũng bao
gồm các khuyến cáo giống riêng biệt cho các vùng trồng cao su khác nhau.
Tại Việt Nam, việc khuyến cáo giống cao su được thực hiện thận trọng theo các
nguyên tắc sau (Trần Thị Thúy Hoa và ctv, 2002):
- Có những bộ giống khác nhau tùy khả năng thích nghi với từng vùng sinh thái và
đặc tính bổ sung nhau để tối ưu tiềm năng của giống;
- Tránh độc canh giống nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh hoặc thay đổi nhu cầu
của sản xuất;
- Liên tục cập nhật giống tiến bộ 5 năm một, giảm tỷ lệ giống kém, từng bước đưa
giống mới triển vọng vào;
- Cơ cấu bộ giống khuyến cáo gồm 3 bảng:
+ Bảng I: là những giống có đầy đủ thông tin, các đặc tính kinh tế tốt, tính ổn định
cao, ít rủi ro, có thể trồng đến 60% tổng diện tích với mỗi giống nhỏ hơn 20% diện tích.
+ Bảng II: là những giống mới cao sản, tiến bộ được công nhận cho sản xuất diện
rộng nhưng còn vài đặc tính phụ chưa rõ hoặc thông tin về giống còn hạn chế, chỉ nên
trồng ở qui mô vừa, trồng đến 30% tổng diện tích với mỗi giống nhỏ hơn 10% diện tích.
+ Bảng III: là những giống được khu vực hóa, cần tiếp tục khảo nghiệm trong điều
kiện sản xuất ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, có thể trồng đến 10% tổng diện tích với diện
tích 5 – 10 ha cho mỗi giống.
16
16
Với quan điểm như trên, từ năm 1981 đến năm 2011, VCS đã thực hiện xây dựng
và được VRG xem xét, chấp thuận và ban hành 12 cơ cấu bộ giống. Các bảng cơ cấu bộ
giống này không chỉ áp dụng cho sản xuất tại các đơn vị thành viên trong VRG mà cũng
được các thành phần sản xuất cao su khác trong nước tham khảo, thực hiện.
1.8 Một số kết quả nghiên cứu về tương quan giữa một số chỉ tiêu nông học, đặc tính
sinh lý mủ và năng suất mủ của cây cao su

Vanh thân là một chỉ tiêu quan trọng dùng đánh giá khả năng sinh trưởng của một
DVT cao su. Vì vậy trong hầu hết các thí nghiệm nông học về cao su nói chung, so sánh
giống nói riêng không thể thiếu chỉ tiêu này. Tùy từng giai đoạn và thí nghiệm, vị trí đo
vanh thường được thực hiện ở vị trí 100 cm hoặc 150 cm cách mặt đất. Wycherley
(1969) cho rằng lúc mới mở miệng cạo, giữa các DVT và giữa các cây trong cùng một
DVT, sản lượng trung bình/cây và vanh thân bình quân có tương quan thuận, nhưng trong
quá trình cạo mủ, mối tương quan này dần dần biến mất, thậm chí có tương quan nghịch
giữa các DVT với nhau. Cùng quan điểm đánh giá về vai trò của vanh thân với năng suất
mủ ở cây cao su, Ho (1975) nhận định: vanh thân, số vòng ống mủ và chỉ số bít ống mủ
(PI) là những yếu tố chính quyết định năng suất. Ở giai đoạn tuyển non, chúng quyết định
75% sự biến động về sản lượng giữa các DVT, nhưng khi vườn cây vào thời kỳ kinh
doanh, chúng chỉ quyết định 40% mà thôi.
Mủ nước (latex) là sản phẩm chính thu được từ cây cao su, các ống mủ nằm ở phần
vỏ cây được sắp xếp theo vòng đồng tâm. Số lượng vòng ống mủ tăng dần từ ngoài vào
trong, càng gần tượng tầng số lượng ống mủ càng non trẻ, càng hoạt động mạnh và cho
nhiều mủ. Số vòng ống mủ và đường kính của chúng là đặc tính của giống và là một tính
trạng do gene điều khiển. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu về số vòng ống mủ và sản
lượng trên các cây ghép 3 năm tuổi của 79 DVT cao su, Wycherley (1969) nhận định
rằng: sản lượng mủ của cây cao su có tương quan thuận có ý nghĩa thống kê với số lượng
vòng ống mủ ở vỏ cây. Bên cạnh đó, tác giả cũng khẳng định rằng: sản lượng của từng cá
thể trong cùng DVT và vanh thân của chúng trước khi đưa vào cạo mủ có tương quan
thuận rất chặt.
17
17
Trong một nghiên cứu đánh giá tương quan giữa một số chỉ tiêu nông học trên 7
DVT: PB 235, RRIC 110, VM 515, GT 1, RRIM 600, PB 260 và RRIV 4 trồng tại vùng
có cao trình 450 – 700 m ở Tây Nguyên, Phạm Hải Dương (2002) đã kết luận: sản lượng
mủ của các DVT có tương quan thuận và rất có ý nghĩa thống kê với vanh thân, dày vỏ
nguyên sinh và mức tăng vanh trong khi cạo.
Tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Zhuoyong và ctv (2004) đã tiến hành đánh giá

ảnh hưởng của các yếu tố môi trường với sản lượng cao su khô trên DVT RRIM 600.
Theo đó năng suất có tương quan thuận, có ý nghĩa thống kê với sản lượng cao su
khô/cây, số cây/phần cạo và độ dầy vỏ nguyên sinh; tương quan nghịch với các yếu tố
dinh dưỡng trong lá như N, P, Mg, và Ca.
Dựa trên số liệu quan trắc của từng năm trong 3 năm của 18 DVT cao su trên vườn
chung tuyển CTLK93 tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Lai Hưng, Bến Cát, Bình
Dương), Nguyễn Tuấn Anh (2007) phân tích mối quan hệ giữa các chỉ tiêu năng suất, sản
lượng cá thể, vanh thân, số lượng cây cạo và hàm lượng cao su khô (DRC%), kết quả cho
thấy: năng suất có tương quan rất chặt và có ý nghĩa với sản lượng cá thể; có tương quan
tương đối chặt và tin cậy với số cây cạo; có quan hệ độc lập với vanh thân và chưa rõ đối
với hàm lượng DRC%. Khi đánh giá quan hệ kiểu hình và kiểu gen của chỉ tiêu năng suất,
sản lượng cá thể qua từng năm khai thác từ 2000 – 2006, tác giả cũng đã cho thấy chúng
có quan hệ chặt đến rất chặt và đều rất có ý nghĩa thống kê.
Từ số liệu thu thập về vanh thân, sản lượng và một số chỉ tiêu sinh lý mủ khi vườn
cây được 3 năm tuổi (cạo sớm) và lúc đạt tiêu chuẩn mở cạo lúc 6 năm tuổi trên một vườn
sơ tuyển giống gồm 64 DVT tại Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Lê Mậu Túy và ctv
(2010) cho biết: trong mủ (latex) cao su, chỉ tiêu lân vô cơ (Pi) có tương quan thuận,
chặt và có ý nghĩa thống kê với hàm lượng thiols (R-SH); tương quan nghịch, có ý nghĩa
thống kê với hàm lượng chất rắn (TSC%); tương quan thuận nhưng không có ý nghĩa
thống kê với hàm lượng đường (SUC); hàm lượng thiols có tương quan nghịch, có ý
nghĩa thống kê với hàm lượng chất khô, có tương quan thuận nhưng không có ý nghĩa
thống kê với hàm lượng đường; TSC có tương thuận nhưng không có ý nghĩa thống kê
18
18
với hàm lượng đường. Năng suất khi cây trưởng thành (năm tuổi thứ 6) và lúc mở cạo
sớm (năm tuổi thứ 3) có tương quan thuận và có ý nghĩa thống kê với hàm lượng lân vô
cơ; vanh thân lúc mở cạo sớm tương quan nghịch và có ý nghĩa thống kê với hàm lượng
thilos và Pi nhưng khi vườn cây thành thục thì mối tương quan này không có ý nghĩa
thống kê.
Như vậy, tạo tuyển và khuyến cáo sử dụng giống lai trong nước là một yêu cầu tất

yếu ở các nước sản xuất cao su nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, ngoài các
giống lai xuất sắc đã và đang được khuyến cáo trong sản xuất, Viện Nghiên cứu Cao su
Việt Nam hiện đang sở hữu rất nhiều giống lai mới tiến bộ hơn với sự đa dạng về di truyền
và khả năng thích nghi rộng hiện còn đang trong giai đoạn đánh giá ban đầu và khảo
nghiệm ở những vùng sinh thái khác nhau. Đây chính là nguồn giống hậu bị quan trọng
cung cấp cho sản xuất, phục vụ lâu dài mục tiêu phát triển cây cao su quốc gia.
19
19

×