Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Chương 2. Môn Địa lí trong nhà trường phổ thông.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (97.29 KB, 6 trang )

Chương II
MÔN ĐỊA LÍ TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
I. KHOA HỌC ĐỊA LÍ VÀ MÔN ĐỊA LÍ TRONG NHÀ TRƯỜNG
Trong hệ thống các ngành khoa học. Địa lí là một trong những ngành có lịch sử phát triển khá lâu đời,
nó được hình thành ngay từ thời Cổ đại. Vai trò của nó đã được khẳng định nhờ những đóng góp lớn lao
trong việc tìm hiểu, nhận thức thế giới qua nhiều thời đại, nhất là trong những thập niên gần đây trong
việc sử dụng, cải tạo và bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy luật của tự nhiên và xã hội.
Cũng như một số ngành khoa học khác, quá trình phát triển của nó đã trải qua nhiều bước thăng trầm.
Cho đến nay, đối tượng, nhiệm vụ của Khoa học Địa lí tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng những tài liệu
do nó tích luỹ được vẫn luôn luôn là vũ khí lợi hại để chống thiên tai, cải thiện, bảo vệ thiên nhiên và góp
phần vào việc đẩy mạnh nền sản xuất của xã hội.
Khoa học Địa lí ngày nay đã trở thành một hệ thống gồm nhiều ngành khoa học có đối tượng và nhiệm
vụ khác nhau, trong đó có hai ngành chủ yếu là: Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế - xã hội (cũng có một số
tài liệu địa lí tách Địa lí kinh tế - xã hội ra hai ngành: Địa lí nhân văn và Địa lí kinh tế- chính trị). Hai
ngành này tuy có mục đích, đối tượng và phương pháp nghiên cứu không hoàn toàn giống nhau nhưng
chúng không thể tách rời nhau, vì cùng có đối tượng nghiên cứu chung về mặt không gian là “sự tổ chức
lãnh thổ các cấp” (I’ organization de I’ escape terrestre à toutes les échelles; theo trường phái địa lí Pháp)
hoặc chính bản than các cấp lãnh thổ có quy mô to, nhỏ khác nhau (theo trường phái địa lí các nước
XHCN trước đây).
Tương ứng với Khoa học ĐIạ lí, môn Địa lí trong nhà trường phổ thong hiện nay được coi là một trong
những môn văn hoá cơ bản trong chương trình học ở tất cả các nước trên thế giới và việc giảng dạy Địa lí
trong nhà trường phổ thong cũng không nhằm mục đích đào tạo các chuyên gia mà chỉ giúp cho học sinh
hiểu được htế giới xung quanh để làm những người công dân tốt trong xã hội.
Ở nước ta, ngay từ thời Pháp thuộc, môn Địa lí cũng đã được dạy ở bậc tiểu và bậc Trung học. Từ đó
đến nay, Địa lí vẫn được coi là một môn học có chương trình, có sách giáo khoa riêng từ cấp Trung học
trở lên.
Trong những năm gần đây, với khuynh hướng giảm bớt môn học ở các lớp dưới, môn Địa lí trong
chương trình cấp Tiểu học của nước ta lúc đầu được kết hợp vào môn Tập đọc dưới hình thức các bài
Tập đọc về Lịch sử và Địa lí. Sau đó, khi thực hiện chương trình Cải cách giáo dục (năm 1981), phần
kiến thức địa lí lại được tích hợp với các kiến thức về lịch sử và khoa học thành môn Tự nhiên và Xã hội.
Ở các lớp 4 – 5, các kiến thức địa lí, lịch sử và khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội lại được tách ra


thành ba phần có sách giáo khoa riêng. Ở cấp trung học, các môn ĐIạ lí và Lịch sử vẫn là những môn
riêng, nhưng chúng được ghép chung với nhau thành một phân môn Sử - Địa.
Hiện nay, trên thế giới đang phổ biến khuynh hướng tách môn Địa lí truyền thống thành hai bộ phận:
bộ phận Địa lí khu vực (Địa lí các nước, trong đó có Địa lí Tổ quốc) được giữ lại trong môn Địa lí thuộc
nhóm các khoa học xã hội, Địa lí tự nhiên đại cương được bổ sung them các kiến thức về thiên văn, địa
chất, địa vật lí, địa hoá học v.v…trở thành môn Địa học hay Khoa học Trái Đất thuộc nhóm các Khoa
học tự nhiên.
Trong chương trình phổ thông ở nhiều nước phương Tây, những kiến thức về Địa lí ở cả hai bậc Tiểu
học và Sơ trung (tương đương Trung học cơ sở) đều được tích hợp với các kiến thức về Lịch sử, Giáo
dục công dân và Xã hội học trong một môn chung là Khoa học xã hội, các kiến thức về Địa học thì được
tích hợp với các kiến thức về Lí, Hoá, Sinh trong môn Khoa học tự nhiên. Chỉ đến Cao trung (tương
đương trung học phổ thong), môn Địa lí và Địa học mới trở thành các môn học riêng trong chương trình
phân ban.
Ở nước ta, môn Địa lí theo truyên thống đến nay vẫn gồm cả ba mảng: Địa lí đại cương, Địa lí thế giới
và Địa lí Việt Nam, bao gồm tự nhiên và kinh tế - xã hội.
Do tính chất của môn Địa lí vừa có những kiến thức về tự nhiên, vừa có những kiến thức về xã hội, cho
nên từ trước đến nay nó đã gây nhiều khó khăn, phức tạp trong việc sắp xếp, phân loại các môn học. Có
lúc, có chỗ nó được xếp vào các nghành Khoa học tự nhiên nhưng cũng có lúc, có chỗ, nó lại được xếp
sang các ngành Khoa học xã hội. Tính chất không rõ rang đó đã gây nhiều phiến phức cho việc đào tạo
giáo viên cũng như công tác quản lí, chỉ đạo ở các trường, các Sở Giáo dục và Đào tạo.
II. ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA KHOA HỌC ĐỊA LÍ VỚI MÔN ĐỊA LÍ TRONG
NHÀ TRƯỜNG
Giữa Khoa học Địa lí và môn Địa lí trong nhà trường tuy có mối quan hệ rất chặt chẽ, nhưng vẫn có
những sự khác biệt.
1. Hệ thống Khoa học Địa lí trong nhà trường
Hiện nay Khoa học Địa lí vẫn được coi là một hệ thống gồm có hai ngành khoa học: Địa lí tự nhiên và
Địa lí kinh tế - xã hội. Hai ngành đó đã được phản ánh trong chương trình môn Địa lí học ở nhà trường.
Chương trình này gồm cả hai phần: Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế - xã hội. Trong Địa lí tự nhiên, học
sinh được học những tri thức cơ sở về cả Địa lí tự nhiên đại cương lẫn Địa lí tự nhiên các khu vực. Trong
Địa lí kinh tế - xã hội, học sinh được học những tri thức về Địa lí kinh tế - xã hội đại cương và Địa lí kinh

tế - xã hội khu vực.
Toàn bộ những tri thức được chọn lọc, dạy trong nhà trường phổ thông nói chung đều được sắp xếp
theo tính chất khoa học của địa lí: Địa lí tự nhiên học trước, địa lí kinh tế - xã hội, các yếu tố đại cương
được cung cấp làm cơ sở cho Địa lí khu vực.
Những quan điểm, những học thuyết đúng đắn trong Khoa học Địa lí, đương nhiên sẽ được thể hiện
trong nội dung chương trình, trong sách giáo khoa cũng như trong phương pháp dạy học ở nhà trường.
Một số phương pháp nghiên cứu của Khoa học Địa lí luôn được sử dụng trong quá trình day học. Chẳng
hạn như: phương pháp bản đồ, phương pháp phân tích các số liệu thống kê, phương pháp so sánh,
phương pháp thực địa v.v…Những phương pháp này thể hiện rõ rệt tính chất của bộ môn nên chúng
được coi là những phương pháp đặc trưng của bộ môn.
2. Điểm khác biệt giữa Khoa học Địa lí và môn Địa lí trong nhà trường
Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Khoa học Địa lí và môn Địa lí trong nhà trường là về mặt mục tiêu
và nhiệm vụ mà chúng nhằm đạt tới. Một bên nhằm tới chân lí khoa học, một bên thì nhằm tới việc giáo
dục thế hệ trẻ. Nếu Khoa học Địa lí có nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, tìm ra những chân lí mới, phát
hiện ra những quy luật địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế - xã hội, giải thích sự phân hoá lãnh thổ ở các cấp
quy mô khác nhau thì môn Địa lí trong nhà trường lại có nhiệm vụ chọn lọc và giảng dạy những tri thức,
chân lí đã được tìm ra và được thừa nhận. Đồng thời, môn Địa lí trong nhà trường còn có nhiệm vụ phải
rèn luyện cho học sinh một loạt các kĩ năng, kĩ xảo giúp cho học sinh có khả năng vận dụng tri thức địa lí
một cách có hiệu quả vào thức tiễn cuộc sống.
Môn Địa lí trong nhà trường còn khác với Khoa học Địa lí về phạm vi và khối lượng tri thức. Khoa học
Địa lí có một phạm vi tri thức vô cùng rộng lớn và phong phú. Khối lượng tài liệu đó không ngừng được
mở rộng và tăng lên rất nhanh. Đương nhiên, không thể đưa toàn bộ khối lượng tri thức đó vào nhà
trường để giảng dạy cho học sinh mà chỉ cần lựa chọn những kiến thức và kĩ năng cơ bản nhất, phù hợp
với mục tiêu đào tạo của nhà trường nói chung, của từng cấp học nói riêng và phù hợp với trình độ nhận
thức của từng lứa tuổi học sinh. Trong khi xác định phạm vi, khối lượng, chiều sâu và mức độ chính xác
của tri thức, phải chú ý đến tính chất phổ thông của nhà trường và thời gian giành cho môn học trong kế
hoạch giảng dạy.
Về mặt này có sự phân biệt rõ rang ranh giới việc đào tạo ở các trường phổ thông và các trường chuyên
nghiệp.
Những tri thức dạy ở các trường phổ thông, chủ yếu nhằm giúp cho học sinh học tập có kết quả và khi

trường thành, họ làm tốt nhiệm vụ của người công dân, người lao động có văn hoá trong xã hội. Còn
những kiến thức và kĩ năng dạy ở trường chuyên nghiệp chủ yếu là giúp cho học sinh có được một trình
độ hiểu biết chuyên môn nhất định về ngành nghề được đào tạo.
Môn Địa lí trong nhà trường còn có trình tự sắp xếp các tài liệu trước sau, ngang dọc khác với Khoa học
Địa lí. Trình tự đó trong khoa học được xác định thuần tuý bởi logic của bản than khoa học, còn trình tự
sắp xếp tài liệu trong môn học ở trường phổ thông thì chủ yếu lại dolôgic nhận thức và đặc điểm tâm lí,
sinh lí học sinh quyết định. Ví dụ: trong Khoa học Địa lí, hai ngành khoa học Địa lí tự nhiên và Địa lí
kinh tế - xã hội được phân biệt rất rõ rang, nhưng trong nhà trường phổ thông, có khi sự phân biệt quá
rành rẽ đó lại không cần thiết đối với các học sinh nhỏ tuổi.
III. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA MÔN ĐỊA LÍ TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ
THÔNG
Trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng (dự thảo cương lĩnh xây dựng CNXH trong thời kì
quá độ) đề ra năm 1991 có ghi rõ: “Giáo dục là sự nghiệp đào tạo và xây dựng con người vừa phục vụ
nhiệm vụ kinh tế - xã hội trước mắt, vừa chuẩn bị cho đất nước bước vào những giai đoạn phát triển lâu
dài” và :nhiệm vụ trung tâm của giáo dục là đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động có ý thức làm
chủ, có tri thức, thành thạo nghề nghiệp và có thái độ lao động tích cực, sáng tạo…”
Đó là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, đòi hỏi mỗi môn học trong nhà trường phổ thông phải dựa vào đặc
trưng bộ môn để xác định rõ vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình trong nhiệm vụ chung. Cũng như tất
cả các môn học khác, môn Địa lí phải góp phần giáo dục và đào tạo những người công dân tương lai, phù
hợp với yêu cầu xã hội.
1. Môn Địa lí, có khả năng cung cấp cho học sinh một khối lượng tri thức phong phú về tự nhiên,
về kinh tế - xã hội và những kĩ năng, kĩ xảo
- Môn Địa lí cung cấp cho học sinh những kiến thức khoa học về tự nhiên, về dân cư, về chế độ xã hội
và về các hoạt động kinh tế của con người ở khắp nơi trên Trái Đất.
- Qua bức tranh toàn cảnh về tự nhiên và kinh tế - xã hội của các lãnh thổ khác nhau, học sinh sẽ nắm
được và biết cách giải thích các hiện tượng, các mối quan hệ đã tạo nên những sự thay đổi và phát triển
trong môi trường tự nhiên cũng như trong nền kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển hướng
kinh tế của đất nước ta hiện nay.
- Môn Địa lí cũng trang bị cho học sinh một số kĩ năng, kĩ xảo để học sinh vận dụng các kiến thức của
khoa học địa lí vào thực tiễn, làm quen với các phương pháp nghiên cứu, quan sát, điều tra, làm việc với

bản đồ, với các số liệu thống kê kinh tế v.v…để sau này các em không bỡ ngỡ trước những hoạt động
phức tạp và đa dạng của cuộc sống.
2. Môn Địa lí bồi dưỡng cho học sinh một thế giới quan khoa học và những quan điểm nhận thức
đúng đắn
Như chúng ta đã biết, Địa lí là một môn học có tính tổng hợp. Nó nghiên cứu những vấn đề rất phức tạp
về mặt không gian lãnh thổ, trong đó các yếu tố thành phần gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau.
Trong quá trình học tập Địa lí, học sinh luôn luôn phải tìm hiểu các mối liên hệ giữa những sự vật, hiện
tượng trong quá trình phát triển và biến đổi không ngừng của chúng. Những kiến thức đó góp phần đắc
lực vào việc hình thành cho học sinh thế giới quan duy vật biện chứng.
Việc học tập Địa lí cũng dần dần làm cho học sinh nhận thức được vai trò của tự nhiên, con người trong
các hoạt động kinh tế- xã hội trên lãnh thổ. Tự nhiên chỉ chứa đựng những khả năng tiềm tàng còn việc
khai thác chúng được nhiều hay ít, hợp lí hay không là do con người, do trình độ công nghệ, kĩ thuật và
do phương thức sản xuất quyết định. Môn Địa lí như vậy là đã góp phần bồi dưỡng cho học sinh quan
điểm duy vật lịch sử, duy vật kinh tế, tư duy sinh thái v.v…
3. Môn Địa lí hình thành cho học sinh nhân các con người mới trong xã hội
Môn Địa lí, nhất là Địa lí Việt Nam, có nhiều khả năng làm cho học sinh hiểu rằng: đất nước ta trước
đây đã bị bóc lột, kìm hãm và tàn phá trong chiến tranh như thế nào, đời sống của nhân dân ta vì đâu mà
nghèo khó v.v…Hiểu được như vậy, các em sẽ càng có quyết tâm lao động, xây dựng đất nước, càng
thêm cảnh giác để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những thành quả lao động của mình. Như vậy, môn Địa lí
không chỉ giáo dục cho học sinh long yêu nuớc, thái độ lao động nhiệt tình nói chung mà còn bồi dưỡng
cho các em ý thức làm chủ, long mong muốn góp phần làm cho đất nước, quê hương giàu đẹp.
Tuy nhiên, khi học Địa lí Việt Nam, không phải chúng ta chỉ nói đến những thuận lợi, những viễn cảnh
tươi đẹp mà còn phải nói đến những khó khăn về tự nhiên cũng như về kinh tế - xã hội đang cản trở bước
tiến của chúng ta. Các khó khăn đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: một xã hội cũ với nền kinh tế lạc
hậu, trình độ khoa học kĩ thuật chưa phát triển, nền nông nghiệp còn lệ thuộc vào tự nhiên, việc khai thác
sử dụng tài nguyên còn yếu, gây nhiều lãng phí, năng suất lao động còn thấp, trình độ quản lí kinh tế - xã
hội còn yếu, kém…
Những vấn đề đó sẽ làm cho học sinh nhận thức được trách nhiệm của mình, một mặt có quyết tâm ra
sức học tập nghiên cứu khoa học, kĩ thuật để chuẩn bị cho ngày mai, mặt khác có thái độ không khoan
nhượng đối với các hành động tiêu cực, đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của xã hội v.v…

Qua môn Địa lí, học sinh cũng sẽ nhận thức được rằng: ngày nay nhân dân lao động ở nhiều nước trên
thế giới còn nhiều khó khăn. Họ đều muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không bị cường quyền
áp bức, bóc lột…Thông cảm với những nguyện vọng đó, các em sẽ đồng tình với cuộc đấu tranh gian
khổ của nhân dân lao động trên thế giới để giành độc lập, giành các quyền dân chủ, tiến bộ và tự do. Đó
chính là tình cảm đoàn kết giữa nhân dân lao động quốc tế không phân biệt dân tộc, màu da v.v…Tất cả
các nhận thức, tình cảm nói trên là những yếu tố cơ bản góp phần hình thành nhân cách con người mới
XHCN.
Câu hỏi thảo luận
1. Nêu vị trí và vai trò của môn Địa lí trong nhà trường phổ thông. Môn Địa lí trong nhà trường và Khoa
học Địa lí có những gì khác nhau và giống nhau về mục đích, nội dung?
2. Vì sao Địa lí lại là một môn học cần thiết không thể thiếu trong chương trình học ở trường phổ
thông? Nó có khả năng giáo dục những năng lực và phẩm chất gì cho thế hệ trẻ?
3. Theo ý kiến anh (chị) thì môn Địa lí xếp vào hệ thống các khoa học tự nhiên hay xã hội? Lí do?
4. Nêu mối liên hệ giữa môn Địa lí và các môn học khác được giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

×