Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I
Trường Đại học Thăng Long 221
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THĂNG
LONG
GS. TS. Đặng Cảnh Khanh
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học đang trở thành một xu hướng chung
của các trường Đại học trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại đang bước dần vào nền
kinh tế tri thức. Ở nước ta, xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Nó khiến cho một số
trường Đại học còn đặt các hoạt động nghiên cứu khoa học ngang hàng với những với các
hoạt động giáo dục đào tạo và gọi trường mình với cái tên là “Học viện”. Hệ quả của việc
chuyển đổi này như thế nào thì còn cần phải có thời gian để kiểm chứng, nhưng nó cho thấy,
việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường Đại học đã và đang trở
thành một xu hướng tất yếu.
Đại học Thăng Long trong thời gian gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả
về nội dung, phương thức và chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Trong các bước phát
triển mạnh mẽ này, các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng ngày càng trở nên quan trọng và
cần thiết. Dưới đây chúng tôi xin phép được nêu lên một số ý kiến xung quanh việc đẩy mạnh
các hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường ta.
1. Cần có những định hướng rõ ràng về mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu khoa học mặc dù là hết sức cần thiết đối với các trường Đại học, nhưng
cũng là một công việc nghiêm túc, phức tạp và trên thực tế đòi hỏi nhiều công sức và cả
những chi phí không nhỏ. Nếu không xác định rõ được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
chúng ta dễ bị rơi vào căn bệnh hình thức, nghiên cứu không có địa chỉ ứng dụng, nghiên cứu
tốn kém mà hiệu quả thực tế không cao.
Theo chúng tôi, việc nghiên cứu khoa học của các trường Đại học thường hướng vào
mục tiêu cao nhất là phuc vụ tốt hơn cho công tác giáo dục đào tạo. Trên thực tế, một số cơ sở
đào tạo Đại học như Học viện thanh thiếu niên, Học viện phụ nữ… ngoài các khóa đào tạo
Đại học, còn có nhiệm vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học, đề xuất các chính sách và
cơ chế cho các cơ quan chủ quản (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ…) trong công tác
quản lý. Trong trường hợp này, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo những định hướng
của các cơ quan chủ quản, được cấp kinh phí, nghiên cứu khoa học không chỉ vì mục tiêu giáo
dục, đào tạo của trường mà còn vì các mục tiêu khác.
Tuy nhiên, đối với phần lớn các trường Đại học, rõ ràng là các mục tiêu nghiên cứu,
thường chỉ hướng vào việc phục vụ và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo,
tương ứng với chức năng và nhiệm vụ của nhà trường. Nó góp phần bổ trợ các tri thức lý luận
và thực tiễn cho công tác giáo dục đào tạo. Không có các hoạt động nghiên cứu, bài giảng của
chúng ta sẽ bị lặp lại, ít được đổi mới, bảo thủ, cũ kỹ, sáo mòn…Nghiên cứu khoa học là
phương thức tốt nhất để nâng cao chất lượng nôi dung học tập, đưa bài giảng của chúng ta gắn
với thực tiễn khoa học và thực tiễn cuộc sống. Bởi vậy thực tế cho thấy, những thầy giáo mẫu
mực, nổi tiếng trên thế giới thường cũng là những nhà khoa học lớn.
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I
Trường Đại học Thăng Long 222
Với tinh thần trên, chúng tôi nghĩ rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa
học của trường Đại học Thăng Long cũng cần có được một định hướng nghiên cứu rõ ràng
dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của công tác giáo dục đào tạo, góp phần tích cực nâng cao
chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Cũng trên cơ sở định hướng nghiên cứu này, với
việc phát huy thế mạnh của nhà trường, với đội ngũ các nhà giáo có tri thức và kinh nghiệm
phong phú, đội ngũ sinh viên nhiệt tình, ham học hỏi, kết hợp tốt giữa nghiên cứu dạy, chắc
chắn chúng ta sẽ có thể có được những công trình nghiên cứu có giá trị vượt ra khỏi tầm cỡ
nhà trường.
2. Cần có sự chuyên nghiệp hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù. Nó đòi hỏi tính chuyên
nghiệp rất cao trong tất cả các công đoạn của việc thực hành nghiên cứu. Tính chuyên nghiệp
này thể hiện rất rõ từ khâu xác định các chủ đề nghiên cứu, xây dựng nội dung và phương
thức thực hiện nghiên cứu, trau dồi kỹ năng hoạt động nghiên cứu …cho đến các khâu tìm
kiếm các nguồn lực nghiên cứu, tổ chức, điều hành, tổng kết đánh giá kết quả nghiên cứu…
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các thầy cô giáo, mặc dù tri thức khoa học phong phú
nhưng đối diện với những đòi hỏi nghiên cứu chuyên nghiệp, với những nhà nghiên cứu
chuyên sâu tại các cơ sở khoa học, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học… thường vẫn
có những biểu lộ khá nghiệp dư. Họ đa phần bị thua thiệt trong các cuộc đấu thầu đề tài, dự án
khoa học. Điều này khó có thể trách họ. Đối với họ chuyên nghiệp trong giảng dạy và nghiệp
dư trong nghiên cứu cũng là lẽ thường tình. Điều đó cũng giống như nhiều nhà khoa học của
các viện và trung tâm nghiên cứu. Họ rất chuyên nghiệp trong nghiên cứu nhưng lại khá
nghiệp dư trong giảng dạy vậy.
Để tránh được tính nghiệp dư trong hoạt động nghiên cứu khoa học, rõ ràng là các cán
bộ giảng dạy đại học cần có những sự hiểu biết chuyên sâu hơn về nghề nghiệp nghiên cứu.
Cụ thể là: trước hết họ cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản cần thiết cho nghiên cứu, các văn
bản , quy định, quy chuẩn trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, trong hoạt động
khoa học ở nước ta, điều này là không hề đơn giản. Trong nhiều trường hợp không ít các nhà
nghiên cứu khoa học đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các thủ tục, luật lệ khoa
học, thậm chí có người đã công khai cho rằng việc tuân thủ các thủ tục nghiên cứu còn khiến
họ mệt mỏi hơn cả sự sáng tạo khoa học. Tuy nhiên, ở nước ta nếu không thực hiện được điều
đó, nhà nghiên cứu sẽ gặp rất nhiều phiền phức, rắc rối trong quá trình nghiên cứu khoa học,
từ khâu đăng ký, tuyển chọn đề tài đến các khâu triển khai nghiên cứu, thanh quyết toán tài
chính, cho đến tận khâu cuối cùng là đánh giá và nghiệm thu đề tài.
Thứ hai, để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu tùy thuộc
vào mỗi loại chủ đề nghiên cứu cũng cần phải sử dụng thuần thục các kỹ năng cơ bản của việc
nghiên cứu, làm chủ các phương pháp cần thiết giống như những cán bộ nghiên cứu chuyên
nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi việc học tập các kiến thức nghiên cứu chuyên sâu, việc đúc rút
các kinh nghiệm thực tiễn và các phương pháp ứng xử trong nghiên cứu một cách chuyên
nghiệp
Thứ ba, Tính chuyên nghiệp trong quá trình nghiên cứu cũng đòi hỏi chúng ta phải có
phong cách tư duy và làm việc nghiên cứu chuyên nghiệp, đẩy mạnh tính trách nhiệm trong
nghiên cứu, sự nhẫn nại và kiên trì trong tư duy sáng tạo trước sức ép đôi khi là rất nặng nề từ
Kỷ yếu công trình khoa học 2014 – Phần I
Trường Đại học Thăng Long 223
môi trường nghiên cứu và nhất là từ các quan hệ bên trong và bên ngoài nghiên cứu. Sống và
tồn tại được trong môi trường nghiên cứu khắt khe, trong nhiều trường hợp là biểu hiện của
những đặc trưng khoa học chỉ có ở Việt Nam này, chúng ta mới thực sự trở thành những nhà
nghiên cứu khoa học có tính chuyên nghiệp cao.
3. Vấn đề hội nhập vào môi trường nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế
hiện nay của trường Đại học Thăng Long
Việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Thăng Long
chỉ có thể thành công trong bối cảnh chúng ta sẽ tham gia ngày càng mạnh mẽ và thiết thực
hơn vào môi trường nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh của một
trường Đại học tư thục, kinh phí dành cho nghiên cứu còn hết sực hạn chế, việc hội nhập vào
hệ thống nghiên cứu khoa học chung là việc làm hết sức cần thiết và có tính thực tiễn cao.
Ở trong nước, chúng ta phải có sự theo dõi, chặt chẽ và tham gia tích cực hơn vào các
hoạt động nghiên cứu khoa học từ hệ thống các đề tài nghiên cứu thuộc Bộ khoa học và công
nghệ quản lý, bao gồm các chương trình khoa học cấp nhà nước, hệ thống các đề tài khoa học
độc lập cấp nhà nước, đề xuất các đề tài theo các hướng ưu tiên nghiên cứu. Chúng ta cũng
phải chú ý tới các quỹ hoạt động khoa học, đặcbiệt là quỹ NAFOSTED hàng năm đều có tài
trợ cho các đề tài nghiên cứu. Chúng ta cũng cần chú ý tới hệ thống các dự án khoa học, các
đề tài nghiên cứu triển khai ứng dụng thuộc quản lý của Bộ kế hoạch và đầu tư và hệ thống
các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, đặc biệt là bộ giáo dục và đào tạo.
Mặt khác, hiện nay, nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức xã hội quốc tế cũng
tham gia vào việc nghiên cứu ở Việt Nam khá mạnh mẽ. Liên kết nghiên cứu khoa học với
các tổ chức này là một hướng nghiên cứu khoa học cần thiết và không nên bỏ qua.
Kinh nghiệm của trường Thăng Long trong đó có bộ môn Công tác xã hội trong việc
tổ chức Hội thảo quốc tế lớn về “Công tác xã hội” trong năm 2013 cho thấy khả năng hợp tác
khoa học quốc tế của nhà trường là khá triển vọng. Cuộc Hội thảo khoa học thành công đã
không chỉ nâng cao uy tín cho nhà trường mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới cho
các năm sắp tới. Hiện nay các hướng nghiên cứu, hợp tác khoa học giữa bộ môn công tác xã
hội của Đại học Thăng Long với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo của Thụy Điển, Hàn Quốc,
Philippines, TháiLand đã mở ra nhiều khả năng hợp tác nghiên cứu khoa học tốt.
Tuy nhiên mỗi khu vực nghiên cứu trong nước và quốc tế lại đòi hỏi những sự nghiên
cứu, tuân thủ các nguyên tắc khoa học đặc thù. Chúng có nhiều mặt giống nhau nhưng cũng
có những biểu hiện khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nếu chúng ta không có sự hiểu biết
sâu sắc, không đáp ứng được những đòi hỏi đặc thù này thì cũng khó có thể triển khai nghiên
cứu một cách có hiệu quả.
Với quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giáo viên và các nhà khoa học của nhà trường
chúng ta có thể tin tưởng rằng, chỉ trong một thời gian không xa, Đại học Thăng Long hoàn
toàn có thể hội nhập và có vị trí xứng đáng trong các hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học
trong nước và quốc tế.