Y ế u t ố k ỳ ả o t r o n g t i ể u t h u y ế t d ư ớ i đ á m
m â y m à u c á n h v ạ c c ủ a T h u B ồ n
Phạm Ngọc Hiền
Tiểu thuyết Việt Nam 1945 – 1975 không đơn điệu về bút pháp như nhiều người vẫn tưởng. Khi mô tả
cuộc kháng chiến thời hiện đại, nhiều nhà văn đã sử dụng bút pháp huyền thoại với tinh thần “Biến hiện
thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực”Có thể nói, Thu Bồn là người sử dụng nhiều
nhất yếu tố kì ảo trong văn xuôi. Tiểu thuyết ”Dưới đám mây màu cánh vạc” của ông đã tạo nên nét độc
đáo riêng biệt và sẽ khẳng định sức hấp dẫn mạnh mẽ trong tương lai giống như loại hình văn học
huyễn tưởng trong văn học thế giới.
Chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, với tư cách là một trào lưu văn học, đã phát triển mạnh mẽ trong văn học thế
giới từ giữa thế kỷ XX trở đi. Loại hình văn học huyễn tưởng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến mức nhiều
người cho rằng nó sẽ giữ vai trò chủ đạo trong nền văn học tương lai. Ở Việt Nam, mặc dù chưa làm
thành một trào lưu nhưng nó vẫn tạo ra một dòng chảy lặng lẽ xuyên suốt văn học cổ trung đại đến hiện
đại. Có thể nói đại diện xuất sắc nhất cho kiểu sáng tác huyền thoại trong văn học hiện đại Việt Nam là
Thu Bồn. Và tác phẩm thể hiện nhiều nhất yếu tố kỳ ảo trong sự nghiệp sáng tác của ông không phải là
“Bài ca chim Chơ-rao” mà là tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” (1975).
Mặc dù có tiếp thu nhiều yếu tố huyền thoại dân gian nhưng Thu Bồn không dẫn dắt bạn đọc vào cái
“quá khứ tuyệt đối” đầy rẫy chuyện hoang đường mà ông đưa bạn đọc tham quan một thế giới kỳ lạ
ngay trong thời hiện tại: Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1969-1972 tại một làng ven biển tên là Mỹ
Thuỷ,thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nhưng khác với các nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực
nghiêm nhặt, Thu Bồn đã tô điểm vào bức tranh hiện đại đó bằng một màu sắc huyền thoại, thậm chí có
đôi chỗ quái dị, có thể gây “sốc“ cho những bạn đọc chưa chuẩn bị sẵn tâm thế tiếp nhận. Có thể chia thế
giới kỳ dị trong tác phẩm thành ba loại: các sự vật hiện tượng thiên nhiên, thế giới loài vật và thế giới con
người.
Dưới ngòi bút của Thu Bồn, các sự vật hiện tượng trong thiên nhiên đều mang linh hồn, chúng hoạt động
và suy nghĩ như con người. Suốt gần 700 trang sách, ta gặp vô số những hình tượng mang tính người
như: bầu trời, mặt trời, nắng, mây, gió, sông, biển, hạt cát, con đường, mái nhà, chiếc tã lót… Sau đây
chỉ là một vài ví dụ minh hoạ cho các đặc điểm của bút pháp huyền thoại mà thôi. Trước hết là việc sử
dụng đậm đặc các biện pháp tu từ. Thu Bồn vốn có sở trường về mặt này bởi lẽ ông là một nhà thơ, mà
thơ ca là vương quốc của các biện pháp tu từ. Ông đã làm “lạ hoá” hình tượng nắng bằng biện pháp
nhân hoá:”Gió ngừng thổi, nắng cô đặc lại đè nguyên cả khối xuống mái tôn (…) Những lưỡi dao nắng
cứ cắm vào phổi người ta một cách nặng nề rồi nằm nguyên trong ấy, kéo thêm cái nắng bên ngoài vào.
Đến khi phổi không co bóp được nữa, người ngã quay ra chết ngất”. Các hành động dị thường của sự
vật thường rất khó lý giải. Nó đe doạ con người và làm cho cả những anh hùng hảo hớn cũng phải khiếp
sợ “giật mình, Tư Quéo co giò chạy. Những chiếc tã bị gió đưa đưa như những chiếc cánh rời dây phơi
đuổi theo mà thắt cổ nó. Nó càng chạy nhanh, những cánh tã rượt theo ù ù rật rật”. Không chỉ miêu tả
những cái hữu hình mà cây cọ vẽ của Thu Bồn còn dựng lên được chân dung của những cái vô hình như
gió. Nó chỉ có tay và chân, đã mù loà lại còn tác oai tác quái trong bóng tối: “Nửa đêm gió chạy vào
những khoảng đất trống của làng (…) cơn gió lồng lên phá cửa, tiền vàng cứ giãy đành đạch dưới những
cái lư hương. Gió sờ soạng cái then cửa, sờ vào tấm mành. Gió ra vườn xé te tàu chuối. Gió như thằng
mù cứ đi quanh quẩn. Tiếng gió chui qua ống thổi lửa vo vo làm tung những tiếng tro cho những than lửa
hấp háy con mắt. Lúc đầu, những than lửa còn ngái ngủ, cứ mở rồi nhắm một lúc nó thức dậy hẳn, liếc
con mắt xanh rồi cứ phóng mình lên đột vào lòng bóng đêm”. Hình ảnh bóng tối xuất hiện với tần số đậm
đặc trong tác phẩm, nó là cái nền để thêu dệt nên bao câu chuyện ly kỳ. Nhưng đằng sau bức màn hư ảo
đó là hiện thực cuộc sống. Bởi vậy, biện pháp nhân hoá thường đi kèm với biện pháp ẩn dụ, tượng
trưng:” Những đám mây trên trời cũng dắt díu nhau bỏ chạy”,”Mặt trăng từ biển nhô ra đỏ rực, ướt nhoè
cả máu”, “con đường không dẫn người ta vào những mái nhà, mà nó đưa người ta đến những cái bẫy có
gài mìn, có những con mắt độc ác dòm ngó”. Rõ ràng là tác giả muốn nói đến hiện thực chiến tranh, nó
khốc liệt đến nỗi làm xáo động cả trời cao. Lòng căm thù ngút trời và muôn dân đang chờ đợi một ngày
mai tươi sáng: “Mặt trời không nhẫn nhục được với mây mù đã chín bầm trên đỉnh núi phía tây (….) mặt
trời bị táng trong đám mây cả ngày, tức giận đốt cháy lung tung. Nó sẽ vác một bó đuốc đi vòng quanh
đêm đen, để ngày mai thắp lên phía đông một ngọn lửa mới”. Đoạn văn này cũng dễ làm cho người đọc
liên tưởng đến hoạt động thường ngày của thần mặt trời trong các truyện thần thoại xa xưa.
Trong tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc”, ta cũng bắt gặp những con vật biết ăn nói giống như
con người. Trong thế giới cổ tích đó , con chó cũng biết nói:”mau mau”để giục người chạy trốn, con mèo
cũng biết hỏi “sao sao ?” và biết đeo túi cá trên cổ để đi làm liên lạc tiếp tế cho du kích. Con trâu biết mỉa
mai châm chọc “ngá ẹ” và biết dạ thưa “Ngá ạ”. Còn những con còng biển giống như quân lính:”Lũ còng
thấy bóng lão tiến đến đâu, chúng rẽ ra đến đấy, đứng hai bên thành hai hàng rào danh dự gương những
cái càng nhọn như súng lắp lê tua tủa”. Trong thế giới loài vật ở đây, đông nhất là quạ, “bầy quạ bay đen
kịt giống như những mảnh đêm đen nát vụng trên bãi cát”. Xung quanh hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra,
dân số loài người ngày càng giảm, dân số loài quạ ngày càng tăng. Chúng là hiện thân cho sự chết chóc,
chúng ăn thịt người nhiều đến mức thành nghiện “lũ quạ lại vào làng kêu vang đòi thịt”. Nhiều con rất
quái dị “đôi mắt đỏ như máu, đầu nó trọc lóc”. Khi cướp được thức ăn, chúng cũng biết “cười khà khà”
nghe rất rùng rợn “và cả một “phân đội” quạ bay theo như để “hộ tống” chiếc lạp xường đó bay vào
hoàng hôn”. Có một con vật xứng đáng để được gọi là “nhân vật” của truyện là con chó Sác. Bởi lẽ , tác
giả miêu tả nó có một lai lịch đầy đủ như con người. Mẹ gốc Phi-líp-pin, cha gốc Mỹ, sinh trưởng ở Ca-li-
phóc-ni-a. Trình độ học vấn: tốt nghiệp trường đào tạo chó của cục tình báo CIA. Nó được đưa sang
Việt Nam với sứ mệnh tiêu diệt cộng sản. Sau “chiến công” phát hiện hai cái hầm giấu vũ khí của du kích
“con Sác được phong hàm thiếu uý”. Về tính cách cá nhân, con Sác thích hút thuốc lá Sa lem loại hảo
hạng và cảm thấy “tự ái” nếu không được mời thuốc. Sau khi táp được điếu rơi từ trên cao xuống một
cách điệu nghệ, “nó để điếu thuốc bên mép trông như một tay nghiện sành sỏi, đểu giả”. Nó biết “phì khói
ra đằng mũi” và phả khói thuốc vào mặt bọn lính. Nhược điểm của con Sác là khinh người :”khi đi nó
vênh mặt lên trời (…) mắt nó nhìn lúc nào cũng vênh váo, kẻ cả (…) nó đưa chân trước cho tụi lính bắt
một cách trịnh trọng”. Nó cũng có lần suýt bị kỷ luật vì đã táp vào tay lão Ó-bốn-hoa trong khi tên này mò
sang rờ rẫm mụ Cửu Xéo mà trong đêm đó con Sác đang ngủ chung với mụ Cửu Xéo trên gường. Rõ
ràng, đây không phải là một con chó bình thường mà là một con quái vật. Nhiều hành vi của nó không
khỏi làm cho người đọc rùng mình.
Ở trên, ta đã gặp những vật mang tính người, dưới đây ta sẽ gặp nhiều người mang tính vật. Trước tiên,
thể hiện ở tên gọi các nhân vật: tên Ó-đen, lão Ó-bốn- hoa, con ác-là, thằng Con Sóc, thượng sĩ Roi cá
đuối, mụ Cua-sáng -trăng, Hoàng-cò-sếu,Tự-trâu-trắng… Đến những cái tên nếu không mang hình ảnh
con vật thì cũng kỳ dị: Tư Quéo, Lưu Vong, mụ Cửu Xéo, mụ Khờ Thứ … Ngôn ngữ cũng lạ, người Việt
này nói mà người Việt kia không hiểu:”Hân-lai, ân-lem, chận-lay nhân-lanh, bấn lao tân-linh chân- lo ân
lanh Phất-lung…”. Hình dạng con người cũng quái dị, trước hết phải kể đến lão gù “ngồi thu lu như con
chàng hiu trên giàn trầu. Mắt lồi ra”. Còn lão thầy thuốc hành nghề mê tín thì giống như một phù thuỷ:
“Hai bàn tay trắng, cổ chân cũng trắng, còn lại thì đen tuyền”. Trong đám ma, “lão Dòn giống như một cây
đuốc đỏ rực từ chân đến ngọn”. Dưới con mắt kỳ thị của sĩ quan Mỹ, lão Ó- bốn- hoa “giống như con
vượn mới chuyển từ lượm hái sang săn bắn”. Nhiều con người cũng không hoàn mỹ: kẻ chột, người đui,
kẻ què, người điếc, không mang cái bướu to tướng ở cổ thì cũng gù còm, không hói trọc thì cũng vàng
tóc như quỷ. Có khi ta gặp “một bà già chỉ còn nửa cái đầu” hoặc một bàn tay người nằm trong miệng
chó. Một cái xác cũng biết cử động:”tay mụ nắm một cái chân. Mụ kéo mạnh, cái xác bật lên khỏi cát. Cái
xác không ngã xuống mà lại dựng đứng lên máu đỏ rực như một cây cột lửa”. Các nhân vật thường hoạt
động trong bóng tối, ta chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy hình, hoặc thấy hình mà không rõ là ai. Như
lúc mụ Cửu Xéo đang ngủ thì “trong bóng tối mọc ra một bàn tay xương xẩu sờ vào ngực mụ”. Nhiều khi
nghe tiếng nói của nhân vật nhưng không rõ nhân vật ấy còn sống hay đã chết như tiếng của Tư Quéo
gọi chỉ chỗ cho du kích bắt tên Đạm. Và hành động của nhân vật cũng lạ thường,khó tin :”máu đông một
cục trên tóc. Nó vất cục máu xuống đất và như một người điên, nó giơ hai bàn tay chùi vào ánh trăng (…)
ánh trăng như vấy máu từ hai bàn tay nó, đỏ choé”. Tác phẩm lặp đi lặp lại rất nhiều các hình tượng ma
quỷ , thánh thần… phản ánh lòng tin của các nhân vật vào sự hiện hữu của các thế lực siêu nhiên. Hễ ai
tin có ma thì ma hiện lên trước mắt họ: “hai bóng đen ngồi xuống ngạch cửa (…)mụ vừa gọi được cái
hồn của con mụ về, ai ngờ quỷ sứ đã kéo đến đầy cửa (…). Hai con quỷ đặt bút cho con mụ ký vào tờ
trát đòi của Diêm vương (…)Hai con quỷ bước ra ngoài sân, ngửa mặt nhìn trời cười, răng trắng loá”
Hình tượng trung tâm của tác phẩm là “con quỷ tóc vàng”. Suốt từ đầu chí cuối tác phẩm, các nhân vật
lẫn bạn đọc đều băn khoăn tự hỏi: con quỷ tóc vàng là ai mà nó làm nên bao chuyện động trời? Trước
hết, người ta tin đó là mụ Khờ Thứ. Lúc còn sống, mụ là một người đàn bà điên, ăn mặc dơ bẩn, thường
ôm bọc giẻ rách và hát những lời ai oán ru đứa con tưởng tượng. Mụ thường đi ăn đêm, “ Cả người mụ
thường chập choạng vào những đêm trăng có quầng. Xung quanh mụ vàng rực một màu. Có người gọi
mụ là con quỷ tóc vàng “. Điều quái lạ nhất là cái chết của mụ đã gây nên bao nhiêu tai hoạ khôn lường .
“Những con quạ rỉa xác mụ, con nào cũng vàng cả lông”. Tiếp theo là “lưng lão Mãn gù xuống. Người ta
nói mụ đã rút mấy đốt xương sườn của lão” . Và “bệnh chấy rận đã lan khắp làng” thành ra “làng trọc”.
Cho rằng hồn ma mụ rất thiêng nên làng phải xây miếu thờ (cái miếu đó là địa danh được nhắc tới nhiều
nhất trong tác phẩm vì là nơi lui tới thường xuyên của du kích). Cả làng phải uống thuốc thánh, nhờ đó
mà họ thoát nạn, “Tóc Tâm xanh lại và trên mộ những người chết cỏ cũng bắt đầu xanh.” Những câu
chuyện ma rùng rợn như thế này ta cũng thường nghe đồn trong dân gian. Và người ta thích nghe những
câu chuyện hoang đường đó bởi lẽ nó mở ra một thế giới bao la và đủ sắc màu để trí tưởng tượng tha
hồ bay bổng tìm điều lạ.” Thật là một nghịch lý! Chính cái điều không đáng để ta chú ý tới chỉ vì là chuyện
huyền hoặc thì lại là mê hoặc được ta” (L.Vax).
Câu chuyện về mụ Khờ Thứ chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng tác giả đã dùng nó để triển khai hàng loạt các
sự kiện chính của tác phẩm. Dường như hồn của” con quỷ tóc vàng” vẫn còn lẩn vất ở cõi dương nên
luôn gây sự xôn xao trong dư luận dân chúng. Đây là một lần nó xuất hiện ở nhà mụ Chín Chè “ Một cái
bóng đen vừa mới lách vào đứng bên giường mụ . Mụ giật thót mình. Một tiếng sét đánh ở góc vườn,
khét lẹt (…) con ma đứng sững tóc rũ rượi, mình mẩy nó choàng một thứ giẻ rách mướp như làm bằng
cánh con dơi. Mụ nghe như trên mái tôn nhà mụ có muôn nghìn con quỷ đương nhảy câng cẫng (…) một
bàn tay ướt lạnh đầy nhớt giơ ra nắm vào cổ tay mụ “. Một lần khác,lão gù cũng nhìn thấy con quỷ tóc
vàng lấy đồ cúng và hiện lên ở bàn thờ nhà lão: “Mụ Khờ Thứ chứ còn ai nữa” . Mọi người đều tin như
vậy . Nhưng điều lạ nhất là con quỷ tóc vàng này cứ thích tham dự vào các sự kiện chính trị, như lời tên
Con Sóc nhận định: “cái con quỷ tóc vàng thường nổ súng trên bãi cát đêm đêm,kêu hú trong giấc ngủ
những người lính chúng ta (…) Việc xe tăng của ngài Lếch bị ăn mìn . Việc các ngài Ó đen đi khui hầm bị
ăn hàng loạt mìn Mo kia không dính díu đến “ con quỷ tóc vàng” kia là gì”. Không chỉ dân chúng địa
phương và các binh sĩ Việt Nam cộng hoà tin rằng có con quỷ tóc vàng mà ngay cả sĩ quan Mỹ cũng tin
điều đó. Trong thư gởi Râu giơ, Lếch kể lại câu chuyện về đội xe tăng của hắn bị phục kích như sau :
“Nghe một tiếng thét rất lạ, tớ nghiêng mặt lại nhìn thì chao ôi : một con quỷ tóc vàng - Lạy chúa, tớ
không tin là mắt tớ bị hoa đâu. Đầu tóc nó vàng rực, quần áo nó rách bươm-một thứ giẻ rách thì đúng
hơn. Nó cầm một cây tiểu liên cũng rách nát như nó, quạt không thương xót vào những tên lính đang bò
lổn ngổn trên mặt cát (…). Trong buổi chiều nhợt nhạt của hoả châu và cát xám lạnh, con quỷ ấy cứ hiện
ra trên các ngọn cây”. Lần cuối cùng “con quỷ tóc vàng” xuất hiện trong tác phẩm với tư cách là “quỷ” là
để chỉ huy “Đảng khăn xô” đấu tranh chính trị. Mụ Cửu Xéo đương hăng hái dẫn đầu đoàn biểu tình thì
“Trước mặt mụ, một con quỷ tóc vàng ở đâu từ dưới cát trồi lên hay trên trời rơi xuống, mụ không biết
(…)”con quỷ tóc vàng” đưa tay chỉ mụ đi về phía nhà thờ Mỹ Thuỷ (….) con quỷ ấy nói được tiếng người,
nó bắt tay lên miệng kêu gào về phía Ngàn Khơi” (để kêu gọi anh em binh sĩ cộng hoà ủng hộ nhân dân)
Thu Bồn luôn đặt bạn đọc vào tâm thế hồi hộp và buộc họ phải đọc kỹ từng câu, thậm chí đọc đi đọc lại
để tìm chứng cớ trả lời cho câu hỏi: con quỷ tóc vàng xuất hiện trên cõi dương đó là mụ Khờ Thứ hay
một cô du kích? “Viết một cách thông minh là không nói hết mà để cho người đọc tự nói với mình “ (Phơ
bách). Trên cơ sở liên hội ngữ nghĩa, bạn đọc có thể đoán ra “con quỷ tóc vàng” là Tâm, người chỉ huy
đội du kích địa phương. Và giả thuyết này được khẳng định chắc chắn hơn khi cuối tác phẩm có đoạn
viết: ” Tâm đưa tay vén lại mái tóc. Mái tóc cộc lốc vàng rực xù ra quanh đầu như bờm một con sư tử
(…). Gió ơi! Sao gió không kéo cho mái tóc Tâm dài ra và óng mượt như những năm xưa”. Do hiện thực
cuộc chiến đấu khắc nghiệt mà mái tóc cô chuyển sang màu vàng. Nhưng cũng nhờ đó mà làm cho kẻ
thù khiếp sợ và đánh lạc hướng dư luận vì mọi người tin đó là hồn bóng của mụ Khờ Thứ. Và cũng bởi
vì hành động phi thường của đội du kích, ban ngày dưới lòng đất, ban đêm hiện lên thoắt ẩn, thoắt hiện,
xuất quỷ nhập thần như ma. Việc cho một nhân vật nữ du kích đội lốt một con quỷ tóc vàng là một biện
pháp nghệ thuật độc đáo, có một không hai. Sở dĩ tác giả được phép tung hoành ngòi bút và khai thác
đến kiệt cùng thế giới kỳ ảo là bởi vì điều này tỏ ra thích hợp với tín ngưỡng của các nhân vật trong tác
phẩm. Chính tín ngưỡng dân gian là hạt giống tốt để làm nảy sinh chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo trong văn
học Mỹ Latinh. Nhưng không phải vì dung nạp những yếu tố hư ảo mà tác phẩm kém đi tính chân thực.
Nhà văn G.G.Máckét, tác giả của “Trăm năm cô đơn” cho rằng: “Cái gọi là văn chương kỳ diệu Mỹ Latinh
- nó có lẽ là văn chương hiện thực nhất thế giới”[4, tr.343]. Bởi vì nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa
hiện thực kỳ ảo là: “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực” [3, tr.53]. .
Và thực vậy, đọc “Dưới đám mây màu cánh vạc” người đọc sẽ nhận ra rằng đây là cuốn tiểu thuyết miêu
tả chân thật nhất hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ so với hàng trăm quyển tiểu thuyết
khác cùng thời.
Tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” thành công trên rất nhiều phương diện: nghệ thuật trào
phúng, ngôn ngữ đa thanh, cách xây dựng nhân vật độc đáo, giá trị hiện thực cao… Nhưng chỉ xét riêng
một phương diện nhỏ là yếu tố kỳ ảo thôi, ta cũng thấy được tầm vóc nghệ thuật của Thu Bồn. Tác phẩm
này đã thực sự tạo ra được một diện mạo riêng độc đáo không thể lẫn lộn với tác phẩm nào khác. Rồi
thời gian sẽ tiếp tục sàng lọc để giữ lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực. Nhưng chúng ta
có cơ sở tin tưởng rằng “Dưới đám mây màu cánh vạc” (cũng như bút pháp hiện thực kỳ ảo) sẽ khẳng
định được sức sống mạnh mẽ trong tương lai và sẽ làm vinh dự cho tiểu thuyết cách mạng Việt Nam.
Chú thích:
Tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” của Thu Bồn, viết trong khoảng thời gian 1972-1973.
In lần 1: NXB Thanh Niên-1975.
In lần 2: NXB Thanh Niên - 1977.
In lần 3: NXB Quân đội nhân dân phối hợp với Công ty Văn hoá Phương Nam xuất bản 2003.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Dân – Nghiên cứu văn học, lý luận và ứng dụng – NXB Giáo dục – 1999
2. Hà Minh Đức (chủ biên) – Lý luận văn học – NXB Giáo dục – 1999
3. Lê Bá Hán (chủ biên) – Từ điển thuật ngữ văn học – NXB Giáo dục – 1992
4. Nhiều tác giả – Số phận của tiểu thuyết – NXB Tác phẩm mới –H – 1983