Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Không gian nghệ thuật trong tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.01 KB, 13 trang )

MỞ ĐẦU
Tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử được sáng tác năm 1938 khi nhà thơ mang
trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Ban đầu có tựa là Thơ điên nhưng sau được đổi tên
thành Đau thương. “Đau thương” chính là ngọn nguồn mang lại cảm xúc sáng tác trong
thơ Hàn Mặc Tử. Xuất phát từ ngọn nguồn ấy mà trong “Đau thương” ta bắt gặp một thế
giới thơ đầy mộng ảo của thiên nhiên và cuộc sống. Qua đó cũng bộc lộ cái cô đơn cùng
nỗi đau nỗi tuyệt vọng đến tột cùng của Hàn Mặc Tử. Và càng đi sâu người đọc như lạc
vào cái huyền ảo của trăng, sương, cùng hồn, máu với những âm thanh tự nhiên kỳ dị lạ
thường “càng đi sâu càng ớn lạnh”.
Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới hình tượng nghệ thuật,
mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ mới có một không gian nghệ thuật
riêng để chủ thể trữ tình bộc lộ cái tôi cá nhân và quan niệm về cuộc sống. Không gian
nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử có những đặc điểm riêng biệt thể hiện quan niệm của
nhà thơ về cuộc đời. Qua tập thơ Đau thương người đọc sẽ thấy một không gian nghệ
thuật độc đáo chỉ có trong thơ Hàn Mặc Tử. Từ trước đến nay có rất nhiều bài nghiên cứu
phê bình về thơ Hàn Mặc Tử nhưng tìm hiểu không gian nghệ thuật trong một tập thơ thì
chưa nhiều ,vì thế bài tiểu luận sau đây sẽ tập trung nghiên cứu về không gian nghệ thuật
trong tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử dưới góc độ thi pháp.KHÔNG GIAN
NGHỆ THUẬT TRONG TẬP THƠ “ĐAU THƯƠNG” CỦA HÀN MẶC TỬ
1. Hàn Mặc Tử và tập thơ “Đau thương”
Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/09/1912 tại làng Lệ Mỹ,
tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình), trong một gia đình
Công giáo lâu đời. Thuở nhỏ Nguyễn Trọng Trí học tiểu học ở Quảng Ngãi, đến tháng 7-
1926, cha ông mất, cả gia đình chuyển vào Quy Nhơn. Nguyễn Trọng Trí học trung học
tại trường dòng Pellerin - Huế. Ông làm thơ từ rất sớm, năm 1931 đã có thơ đăng báo, kí
tên Phong Trần. Năm 1932, Trí làm ở sở đạc điền Quy Nhơn và yêu Hoàng Thị Kim Cúc.
Năm 1934, Nguyễn Trọng Trí vào Sài Gòn làm báo, đổi bút danh Phong Trần sang Lệ
Thanh, Hàn Mạc Tử, cuối cùng là Hàn Mặc Tử. Từ năm 1935 – 1936, Hàn gặp Mộng
Cầm. Cùng thời gian này Hàn Mặc Tử in xong tập Gái quê. Ông trở về Quy Nhơn chữa
bệnh. Năm sau, khi biết bệnh trạng của mình, ông chủ động cắt đứt liên lạc với bạn bè.
Năm 1938, ông hoàn thành xong tập Đau Thương (thơ Điên). Năm 1939, Hàn Mặc Tử


cho ra đời hai tập thơ Xuân Như Ý và Thượng Thanh Khí. Qua lời giới thiệu của Trần
Thanh Địch, Hàn quen với Thương Thương và say sưa viết Cẩm châu duyên, Duyên kì
ngộ, Quần tiên hội (bị bỏ dở, do yêu cầu của gia đình Thương Thương). Ngày
20/09/1940, Hàn Mặc Tử vào bệnh viện Quy Hòa với số hiệu bệnh nhân 1134. Và 5h45
ngày 11 tháng 11 năm 1940, Hàn Mặc Tử tạ thế tại nhà thương Quy Hòa và sau đó được
an táng tại nghĩa địa Quy Hòa.
Các sáng tác của Hàn Mặc Tử, gồm có: Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài
thơ Đường luật), Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua
đời), Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ gồm ba tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu
cuồng và hồn điên_1938, Xuân như ý, Thượng Thanh Khí (thơ), Cẩm Châu Duyên,
Duyên kỳ ngộ , Quần tiên hội (kịch), Chơi Giữa Mùa Trăng (tập thơ-văn xuôi).
2. Khái niệm không gian nghệ thuật
Mác nói: “không có gì tồn tại ngoài không gian và thời gian”. Mọi sự vật trên thế
giới không tồn tại đâu khác ngoài không gian và thời gian. Tác phẩm văn học cũng có
không gian của nó, đó là không gian của kích thước, đường nét, màu sắc, số lượng…tuy
nhiên không gian ấy chỉ là không gian bên ngoài- không gian vật lý. “Không gian nghệ
thuật trong tác phẩm văn học là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình
tượng nghệ thuật nào không có một nền cảnh nào đó. Không gian nghệ thuật là sản
phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người vè thể hiện một quan niệm nhất
định về cuộc sống” , “Không gian nghệ thuật không phải là (không gian vật chất chủ
yếu) chính là cái mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm
thấy vị trí và số phận mình trong đó. Và chính nó bao giờ cũng đi kèm với cảm xúc và ý
nghĩa sinh” – Đào Thái Sơn.
Không gian nghệ thuật chính là không gian khách quan được người nghệ sĩ tái tạo
lại trong tác phẩm văn học và nó giúp định dạng thế giới hình tượng nghệ thuật. Cũng
giống như không gian vật lý không gian nghệ thuật cũng có chiều kích, âm thanh, màu
sắc, mùi vị. Và không gian nghệ thuật cũng có ba chiều: chiều rộng, chiều cao và chiều
sâu. Khác với không gian bên ngoài không gian nghệ thuật còn có một chiều, đó là không
gian tâm tưởng, (không gian lữ thứ)- không gian tâm tưởng thường xuật hiện trong cảm
xúc và hoài niệm.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học là khách thể tinh thần do con người
sáng tạo ra. Nó mang những đặc điểm của tự nhiên nhưng không đồng nhất với hiện thực.
Vì vậy không gian ấy mang những đặc điểm chủ quan của người nghệ sĩ, ta không thể
tìm thấy ở đâu ngoài thế giới khách quan mà chỉ có thể tìm thấy ở trong văn chương. Đọc
bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính là thấy hiện không gian của cảnh quê: mưa xuân, hoa
xoan, hội chèo làng Đặng, thôn Đoài… nhưng ta không thể tìm đâu ngoài đời sống, mà
đó là không gian nghệ thuật do nhà thơ sáng tạo nên nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật của
mình. Hay không gian đêm trăng vười chuối trong Chí Phèo- đó là hình ảnh của thôn quê
Bắc bộ nhưng không thể đi tìm đâu ngoài cuộc đời thực bởi vì nó là sản phẩm của sự
sáng tạo. Sẽ là dung tục nếu ai đó muốn đi kiếm cho được cái đêm trăng vườn chuối mà
“hai con người ấy” gặp nhau. Cũng giống như đọc bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu
đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” mà có người đã cất công đi tìm cho ra đươc
cành sen có thể vắt áo được. Đó chỉ là cái cớ để chàng trai bộc lộ tình cảm của mình. Cho
nên không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương mang những đặc điểm của thế giới
khách quan nhưng không nên đồng nhất với hiện thực cuộc sống.
Không gian nghệ thuật có tính lịch sử, mỗi giai đoạn văn học không gian nghệ
thuật cũng khác nhau. Trong văn học dân gian không gian nghệ thuật không được miêu tả
kỹ lưỡng, không gian thường gắn với hành động nhân vật, là không gian vĩnh hằng,
không thể thay đổi cũng không thể tác động. Đến văn học trung đại không gian vũ trụ
không gian trên cao chiếm ưu thế, không gian của quá khứ hoài niệm. Đến văn học hiện
đại không gian nghệ thuật gần gủi hơn. Con người cá nhân được quan tâm, không gian
nghệ thuật gắn với đời tư, được cá nhân hóa. Đặc biệt trong Thơ mới không gian mang
đậm dấu ấn của từng nhà thơ. Khám phá không gian nghệ thuật một cách có hệ thống sẽ
giúp người đọc tiếp nhận được nội dung tác phẩm từ hình thức nghệ thuật. Từ đó có cái
nhìn đúng đắn hơn. Giúp độc giả nhìn nhận một hiện tượng văn học sâu sắc toàn diện và
có cơ sở.
Tóm lại không gian nghệ thuật là do nhà văn sáng tạo ra giúp định dạng thế giới
hình tượng nghệ thuật, và mỗi nhà văn là mỗi không gian nghệ thuật khác nhau, không
gian ấy mang những đặc điểm chủ quan của người nghệ sĩ, giúp nhà văn bày tỏ tư tưởng
quan điểm của mình. Không gian nghệ thuật mang những đặc điểm của thế giới khách

quan nhưng là khách thể tinh thần vì thế con người không thể tác động vào được và
không thể đồng nhất với hiện thực.
3. Không gian nghệ thuật trong tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử
3.1 Một không gian hòa quyện giữa thực và mộng
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ khát khao yêu đời yêu cuộc sống. Đặc biệt là khát
khao tình yêu rất mãnh liệt. Tuy nhiên cuộc sống không như mong đợi, khát khao tình
yêu không được đền đáp, yêu cuộc sống mãnh liệt lại không thể tận hưởng. Trong khoảnh
khắc tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân “chàng” thi sĩ mắc phải chứng bệnh nan y phải xa
lánh cuộc đời. Có lẽ vì thế mà nhà thơ đem tất cả tinh khí, sức lực của mình phả vào
trong thơ. Người đem tất cả “hơi thở, hồn, và máu” trút vào ngòi bút của mình. Vì thế thơ
Người chứa chan mãnh liệt. Tâp thơ “Đau thương” sáng tác lúc Hàn Mặc Tử lâm bệnh đã
chứa dựng tất cả những điều ấy.
Nếu đọc thơ Xuân Diệu ta thấy cả một không gian trần thế xinh đẹp đầy sức sống
thì trong thơ Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một không gian mờ ảo hòa quyện giữa thực và
mộng, một không gian vũ trụ với những cái siêu thực. Trong “Đau thương” xuất hiện
nhiều hình ảnh hư ảo, chập chờn giữa thực và ảo, và đôi lúc hai yếu tố này hòa quyện vào
nhau không thể phân biệt được. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ nói đến cảnh và tình của con
người xứ Huế, qua đó ta thiên nhiên và con người Vĩ Dạ hiện lên rất chân thực nhưng
cũng rất thơ mộng. Ta tìm thấy cảnh sắc tuyệt đẹp với nắng ban mai trên những hàng cau
buổi sớm, với những khu vườn “xanh như ngọc” mơn mởn, non tơ. Con người Huế với
vẻ đẹp dịu dàng,thanh thoát, đôn hậu. Nhưng đâu đó trong cái thực của cảnh ta cũng say
sưa đắm mình trong không gian mờ ảo của đêm trăng, và trong cái tình của thi sĩ:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Không gian bỗng trở nên lung linh huyền ảo bởi màu huyền diệu của ánh trăng, của
sương khói. Đọc thơ Hàn ta cứ có cảm giác như đang ở đâu đó ngoài xứ mộng, như đang
đắm chìm trong giấc mơ mờ ảo mà chính ta cũng không phân biệt được đâu là thực đâu là

mơ. Hình ảnh “trăng” lúc nào cũng tràn ngập trong mỗi tác phẩm, trăng luôn hiện diện
làm cho không gian “dày đặc” toàn ánh trăng. Màu của trăng hòa lẫn với màu sương khói
tạo nên một không gian vừa thực vừa mơ trong thơ Hàn Mặc Tử. Cái đẹp ấy khi thật khi
giả khiến cho thi nhân bối rối không biết đâu là bến mộng đâu là bến tình. Nhà thơ dường
như trở nên hoài nghi:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biêt tình ai có đậm đà?
Trước cái mờ nhạt của cảnh vật nhà thơ bâng khuâng nghĩ về mối tình tuyệt vọng, không
biết tình người có đậm đà hay cũng mờ nhạt nhòa như sương khói, lúc ẩn lúc hiện có đó
mà cũng như không. Thi sĩ đau khổ trong tình yêu gặp gỡ đó nhưng cũng vội chia lìa nên
không gian trong thơ Hàn lúc nào cũng thấy sự rời rạc, chia ly, bất định của dòng hồi
tưởng không liên kết mà cứ dứt đoạn. Thi nhân cảm thấy cô đơn sầu thảm trong tình yêu,
trong những mối tình đơn phương tuyệt vọng:
Dẫu đau đớn vì lời phụ rẫy
Như mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi.
(Muôn năm sầu thảm)
Trong cái giây phút tuyệt diệu nhất của tối tân hôn thi sĩ cũng cảm thấy tiếc nuối, buồn
bã, chưa tận hưởng cảm giác hạnh phúc đã thấy sự mất mát. Nhà thơ không muốn những
giây phút ấy trôi qua, bởi khi qua đi thì sẽ mất cái niềm vui được chờ đợi, và tình cũng
không còn đậm đà:
Nhưng cái gì thơm đã tới kề
Tôi e tình tứ bớt say mê
Không còn ý nhị ban đầu nữa
Sẽ chán chường và sẽ chán chê.
Cho nên tôi tưởng tối tân hôn
Chưa tới còn xa để được buồn
Để sống trong niềm thương nhớ đã

Để còn mượng tượng đến giai nhân.
( Tối tân hôn)
Đối với Hàn Mặc Tử “vườn trăng” chính là “vườn mơ”, ánh trăng như bao phủ, xâm
chiếm tất cả, giây phút thiêng liêng nhất, đẹp nhất là lúc có trăng, sương hiển hiện:
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
(Đà Lạt trăng mờ)
Cảnh đêm Đà Lạt bỗng trở nên lung linh huyền ảo hơn nhờ có trăng , khi sương đêm
buông xuống ánh trăng chìm lẫn vào sương tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy thi vị. Về
khuya, hơi nước từ hồ bốc lên tạo thành những làn sương mỏng như màu khói làm cho
mặt hồ càng trở nên mờ ảo, thơ mộng hơn. Trước cảnh vật tuyệt diệu ấy tâm hồn thi sĩ
rung động chỉ có thể nín thở mà nghe cái đẹp của thiên nhiên cảnh vật. Vẻ đẹp ấy đẹp hư
hư thực thực tựa như cảnh đẹp ngoài vũ trụ:
Hàng thông thấp thoáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông ngân hà nổi giữa màn đêm
Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới đầy thơ mộng. Đó là vẻ đẹp
của thiên nhiên con người đầy trữ tình lãng mạn, “trăng, sương khói” lúc nào cũng ẩn
hiện, bàng bạc trong mỗi vần thơ khiến “vườn thơ” thêm lung linh huyền ảo.
2.2 Không gian siêu thực, không gian của những âm thanh, màu sắc kỳ dị khác
thường
Sống trong thời đại mất nước, các nhà Thơ mới luôn cảm thấy cô đơn lạc lõng
giữa cuộc đời. Hầu hết họ lẫn tránh thực tại. Nếu như Nguyễn Bính tìm về với không
gian của thôn quê cảnh quê, Vũ Đình Liên tìm về không gian văn hóa xưa với những giá
truyền thống, hay Xuân Diệu say đắm trong tình yêu thì Hàn Mặc Tử lại muốn hòa mình
vào không gian vũ trụ, không gian siêu thực.
Sáng tác thơ Điên khi đang mang trong mình trọng bệnh, lại cách ly với thế giới

Hàn Mặc Tử luôn ánh ảnh cảm giác “bị vây hãm, bủa vây trong cái không gian trời sâu
giếng thẳm” lúc nào nhà thơ cũng cảm thấy bị vây bủa như rơi vào vực sâu tối om bịt
bùng và hình ảnh cái chết tràn ngập trong những tác phẩm. Đọc “Đau thương” ta thấy cái
không gian “rướm máu” với những cái ghê rợn, kỳ dị của “hồn, máu, xương, xác chết”
xuất hiện đầy rẫy trong tác phẩm. Nói đến thơ là nói đến cái đẹp nhưng đến Hàn Mặc Tử
cái đẹp vượt lên trên những chuẩn mực của nó. Những cái tưởng chừng như ghê rợn và
khác thường trong Thơ Điên lại được miêu tả kỹ lưỡng say sưa với vẻ đẹp tinh khiết của
nó. Đọc bài thơ Người ngọc, Cô gái đồng trinh ta sẽ thấy điều đó:
Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi
Chết rồi xiêm áo trắng như tinh
(Cô gái đồng trinh)
Ít có ai miêu tả cái chết mà đẹp như Hàn Mặc Tử, nhà thơ nghe được hương thơm của
xác ngọc, thấy được cái vẻ trong sáng thuần khiết của người chết – là một cô gái đồng
trinh. Và đối với thi sĩ người chết cũng đẹp cũng thơm.
Đọc những bài thơ trong “Máu cuồng và hồn điên” ta cảm thấy rùng rợn hơn với hình
ảnh “trăng”. Trăng hiện lên muôn màu muôn vẻ. Nếu trong “Hương thơm” hình ảnh ánh
trăng lãng mạn, gợi cảm thì càng về sau trăng hiện lên kỳ dị lạ thường. Trong những bài
thơ như Say trăng, Ngủ với trăng, Hồn là ai? Cô liêu, Một miệng trăng “những bóng
dáng linh loạn rùng rợn, vừa âm u vừa sáng láng, vừa quạnh hiu vừa vô cùng linh động,
của trăng. Trăng xuất hiện phiêu du và ngự trị trong những bài thơ này của Hàn Mặc Tử
y như một thứ yêu tinh vừa thoát khỏi những sợi chỉ ngũ sắc để từ nay tha hồ vùng vẫy
trong thế giới u minh”. Trăng kỳ dị và lạ thường như một thứ ám ảnh nhà thơ với cõi chết
“trăng như một thứ ma quái chỉ muốn cướp lấy hồn ông khỏi thể xác và đẩy ông vào cõi
chết”.
Không gian không chỉ nhuốm màu sương khói mà còn có những âm thanh, hình ảnh kỳ
dị khác thường của thiên nhiên, vũ trụ. Đọc Thơ điên là cả một thế giới thần tiên, ma quỷ
lẫn lộn với tiếng thét, tiếng rú càng đọc càng thấy rùng rợn. Không chỉ có thế âm thanh
của thiên nhiên thấm đẫm trong thơ Hàn, đó là lời rên rỉ của gió, “lời hổn hển của nước

mây”, lời thều thào của hoa gió…có lúc nhà thơ tưởng tượng cái âm thanh trong đêm của
gió, trăng, lá đổ là tiếng cười của đêm, tạo thành một “chuỗi cười” như tiếng rên rỉ của
yêu tinh, tiếng gào thét của trần gian địa ngục. Ám ảnh về cõi chết luôn hiện diện trong
thơ của Hàn Mặc Tử: Hồn máu được miêu tả say sưa nhiều khi đạt tới mức ghê rợn.
Trong Đau thương người đọc như lạc từ thế giới này qua thế giới khác càng đi vào không
gian thì càng cảm thấy ớn lạnh và rung rinh không bến bờ. Có khi ta nghe tiếng hát du
dương của con người nhưng cũng có lúc là tiếng rú, tiếng gào thiết của tự nhiên đáng sợ.
Không gian bỗng tĩnh mịch lặng im đến mức có thể nghe được âm thanh của “tiếng sao
rơi, tiếng gió thở, lời rên rỉ của hư vô, tiếng đáy hồ reo, hoa lá thì thào, mây nước nôn
nao”.
Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta thấy những cái kỳ dị khác thường, những hình ảnh trong
thơ nhiều khi làm người đọc khó hiểu, khi đi vào thế giới ấy người đọc cảm thấy bỡ ngỡ
lạc lõng. Những hình ảnh thác loạn đã được thi sĩ thăng hoa, tạo ra những thi phẩm tân
kỳ, đưa ta tới những cảnh giới lạ lùng, khó hiểu, đòi hỏi người đọc phải quên cách thưởng
thức thông thường của lý trí, đón nhận những vần thơ kỳ lạ trước khi tìm hiểu ý nghĩa của
nó. Tuy nhiên đằng sau cái dị thường khác lạ ấy ta đồng cảm với thi sĩ, mỗi bài thơ là sự
thăng hoa của cảm xúc, của những nỗi đau mà Hàn Mặc Tử phải chịu đựng. Cho nên thơ
ông diễn tả tất cả những trạng thái của đời sống tinh thần. Hàn Mặc Tử giao cảm với
thiên nhiên hòa vào nỗi đau của mình rồi đem trút lên ngoại cảnh cho nên thiên nhiên kỳ
dị nhưng chứa đựng cái tình của người.
KẾT LUẬN
Không gian nghệ thuật trong tập thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử là một không
gian hòa quyện giữa cái thực và cái mộng, một không gian siêu thực với những âm thanh
hình ảnh kỳ dị khác thường. Không gian của trăng và cái huyền ảo của sương khói . Càng
đi sâu vào thế giới nghệ thuật ấy ta càng thấy lạnh người, ta thoát ra khỏi thế giới thực để
đắm mình vào thế giới mộng ảo. Hàn Mặc Tử đã đem đến cho thơ ca một quan niệm mới
mẻ về cái đẹp. Cái đẹp không chỉ là cái cao cả, cái có ích mà cái đẹp còn là cái cô đơn
buồn đau và thậm chí là cái ghê rợn. Đây là quan niệm mới mẻ trong thơ lãng mạn. Hàn
Mặc Tử đã ra đi lúc tuổi thanh xuân nhưng đã để lại cho đời một những án văn chương
đặc sắc. Một con người có số phận bất hạnh nhưng khát khao yêu đời, yêu nghề mãnh

liệt. Để hôm nay khi đọc thơ Hàn Mặc Tử ta đồng cảm trước những nỗi đau của nhà
thơ ,mến phục trước niềm khát khao yêu đời, yêu người đến cháy bỏng và tuyệt vọng của
thi sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Cự Đệ (tuyển chọn và giới thiệu), Hàn Mặc Tử, Nxb Giáo dục, 2007.
2. Bích Hà (tuyển chọn và giới thiệu), Hàn Mặc Tử- một cái tính sáng tạo độc đáo,
Nxb Hội nhà văn, 2006.
3. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn), Hàn Mặc Tử- Tác phẩm và dư luận, NXb Văn học,
2002.
4. Chu Văn Sơn (biên soạn), Hàn Mặc Tử - Một hành trình sáng tạo, Nxb Trẻ Hội
nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
5. Trần Đình Sử, Giáo trình dẫn luận Thi pháp học, Nxb Giáo dục, 1998.
6. Nguyễn Toàn Thắng, Hàn Mặc Tử và nhóm thơ Bình Định, Nxb Giáo dục, 2007.



×