Bài làm
Mặc dầu, với những tác phẩm của mình, được coi là nhà văn lớn, Chủ
tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là nhà văn. Đối với Người, văn
chương là một phương tiện, một cách thức để hoạt động Cách mạng. Những
gì Người viết ra suốt mấy mươi năm đều để phục vụ đấu tranh Cách mạng,
ngay cả những truyện ngắn mà Người viết vào những năm 20, như truyện
ngắn “Vi hành”.
“Vi hành” được viết trực tiếp bằng tiếng Pháp và đăng trên một tờ báo ở
Paris năm 1923. Năm ấy, để tô son trát phấn cho chủ nghĩa thực dân Pháp,
chính phủ Pháp cho tên vua bù nhìn Khải Định làm một chuyến đi sang
Pháp. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tên Nguyễn Ái Quốc, viết
truyện ngắn này nhằm mục đích vừa vạch trần chân tướng Khải Định vừa
vạch trần sự lừa bịp của thực dân Pháp trước nhân dân Pháp.
Mặc dầu được viết với mục đích chính trị rõ ràng, “Vi hành” vẫn là một
truyện ngắn với nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật châm biếm. Đây
là cách châm biếm nhẹ mà cay, một cách cười mỉm mà có ý nghĩa sâu xa,
đúng theo cách cười của người Pháp. Cách cười ấy nằm ngay nhan đề
truyện ngắn. “Vi hành”, theo cách hiểu của mọi người, Đông như Tây, ngày
xưa và ngày nay, là một từ chỉ việc một ông vua cải trang thành dân thường,
trà trộn vào dân chúng để có thể tự mình biết được thực chất đời sống của
dân chúng cũng như thực chất ý nghĩa của dân chúng về đất nước, về triều
đình, về chính sách của nhà vua. Nhiều ông vua nhờ vi hành mà có những
đổi thay trong cách trị nước, tạo ra nhiều điều tốt lành, được đương thời và
cả đời sau ca ngợi. Ông vua trong truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc cũng vi
hành nhưng với mục đích hoàn toàn ngược lại. Trong cách nhìn nhận của
người Pháp mà tiêu biểu là đôi bạn trẻ người Pháp trong truyện ngắn này,
ông vua Nam An vi hành chỉ để dễ bề ăn chơi, ăn chơi mà không ai biết.
Trước một thứ vi hành như vậy, người đọc chỉ còn biết mỉm cười, nhưng
sau cái cười ấy là một sự khinh bỉ. Vua mà vi hành theo kiểu đó, ông vua ấy
là thứ vua gì, không nói cũng biết rồi.
Nguyên nhân taọ ra tình huống hài hước trong “Vi hành” vốn bắt đầu từ
sự hiểu lầm. Một ông khách người An Nam bị đôi bạn trẻ người Pháp lầm
tưởng là vua An Nam. Sự hiểu lầm có vẻ kì quặc nhưng lại rất có lí. Bởi trên
đất Pháp đang có một ông vua An Nam. Người khách An Nam trên chuyến
xe điện cũng da vàng, mũi tẹt, mắt xếch nên cũng có thể là một ông vua An
Nam lắm chứ, nhất là ông vua đang vi hành. Sự tưởng lầm ấy khiến cho họ
có ý nghĩ về vua An Nam. Rồi bởi nghĩ rằng ông vua An Nam không thể
nghe được tiếng Pháp, đôi bạn trẻ tha hồ nói với nhau trước mặt ông ta mọi
ý nghĩ, mọi nhận xét về vua An Nam.
Câu chuyện mà đôi bạn trẻ người Pháp, một trai một gái, nói với nhau,
thật là ngây thơ, thật là chân thành. Hẳn tác giả đã có ngụ ý rằng, những
điều họ nói là những ý nghĩ chân thật nhất của người Pháp bình thường, trái
hẳn với những lời khoa trương, lừa bịp của chính phủ Pháp, của bọn thực
dân Pháp. Trong cách nhìn nhận của đôi bạn trẻ này, ông vua An Nam thật
là thú vị đối với họ. Được xem một ông vua, lại là một ông vua An Nam còn
thú vị hơn nhiều so với những trò vui mà họ đã được xem trong rạp xiếc,
những chú hề, những con thú làm trò. Ở phần nào đó, một ông vua An Nam
còn đáng kể xem hơn hề Sác-lô. Thích hơn cả là họ còn được xem không
tốn tiền! Thật là đầy mai mỉa. Cho đến khi chuyến tàu điện đến ga, đôi trai
gái bước ra khỏi toa nhìn lại ông vua “vi hành” mà họ may mắn được gặp,
tác giả (hay là nhân vật “tôi” trong truyện ngắn này) nói rằng, điều ấy khiến
cho ông cảm thấy vinh dự, thấy mình thật hạnh phúc có được một ông vua.
Vinh dự, hạnh phúc ư? Đó chỉ là một cách nói ngược lại. Người đọc nào mà
chẳng nhận ra ý nghĩa ngược lại trong những từ ấy. Một cách châm biếm
thật nhẹ nhàng mà ý vị đọng lại thì rất lâu bền.
Theo lời chú thích ghi ngay bên dưới nhan đề, truyện ngắn “Vi hành”
được trích ra từ bức thư gửi cho cô em họ. Như vậy, đây không phải là một
truyện được sáng tác của một nhà văn. Đây là một lời kể chuyện của người
anh họ cho cô em họ. Đây là một chuyện thật. Ý nghĩa của truyện vì thế
được tiếp nhận một cách tự nhiên, người đọc cảm thấy thoải mái như nghe
kể lại một câu chuyện bình thường, để rồi từ đó tự mình ngẫm nghĩ.
Sau này, từ những năm 30 trở đi, chủ tịch Hồ Chí Minh không còn viết
truyện nào nữa. Những truyện như “Vi hành” được viết trong một khoảng
thời gian nhất định của hoạt động Cách mạng. Đến nay, đọc lại “Vi hành”
người đọc rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng vào những năm mà truyện ngắn
hầu như chỉ mới bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ trong Văn học Việt Nam, thì chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết được những truyện ngắn sắc sảo, đầy tính nghệ
thuật như thế.