Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Giúp HS học tốt văn miêu tả lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (254.43 KB, 15 trang )

1
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Bậc tiểu học giữ vai trò nền tảng trong giáo dục. Mục tiêu giáo dục tiểu học là
nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mỗi môn học ở tiểu học đều góp phần hình
thành và phát triển nhân cách của trẻ và cung cấp cho trẻ những tri thức cần thiết.
Môn Tiếng Việt có nhiệm vụ hình thành và phát triển cho học sinh các kĩ năng sử
dụng tiếng Việt như nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp, góp phần rèn luyện
các thao tác tư duy. Môn Tiếng Việt còn cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ
giản về tiếng Việt. Học Tiếng Việt, học sinh còn được bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt,
hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân
cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong chương trình Tiểu học mới, môn
Tiếng Việt được chia thành nhiều phân môn, mỗi phân môn có nhiệm vụ rèn cho
học sinh một số kĩ năng nhất định.
Tập làm văn là phân môn mang tính tổng hợp cao nhất, rèn cho học sinh cả bốn
kĩ năng, trong đó chú trọng vào các kĩ năng nói, viết. Đối với phân môn này, học
sinh phải được hình thành và rèn luyện năng lực trình bày văn bản (nói và viết) ở
nhiều thể loại khác nhau. Nhưng học sinh còn lúng túng không biết nói gì, viết gì. Vì
vậy, dạy cho học sinh kĩ năng làm tốt văn miêu tả là một yêu cầu thiết yếu khi dạy
tập làm văn. Muốn học tốt văn miêu tả thì học sinh cần có kĩ năng làm bài: kĩ năng
quan sát, tưởng tượng, kĩ năng viết câu văn sinh động, gợi cảm, kĩ năng viết đoạn
văn đảm bảo tính liên kết chặt chẽ về ý.
Trong thực tế hiện nay, phần lớn học sinh đều chưa nhận thức được hết tầm
quan trọng của các kĩ năng làm văn miêu tả. Khả năng quan sát, tổng hợp của các
em có phần hạn chế. Tình trạng học sinh bị lệ thuộc vào bài văn mẫu ngày càng
nhiều. Bên cạnh đó, giáo viên chưa có những biện pháp phù hợp để hướng dẫn học
sinh rèn luyện các kĩ năng trên nên chất lượng bài văn miêu tả của học sinh còn hạn
chế, từ đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phân môn Tập làm văn.
Với mong muốn đóng góp một phần kinh nghiệm của mình trong việc giáo dục
học sinh, đồng thời nâng cao năng lực sư phạm cho bản thân, tôi quyết định chọn đề
tài nghiên cứu về: “Một số giải pháp giúp học sinh lớp 5A trường Tiểu học Phước


Ninh A học tốt văn miêu tả”.
2. Đối tượng nghiên cứu
- Một số giải pháp giúp học sinh học tốt văn miêu tả.
- Học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Phước Ninh A.
3. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian: Học sinh lớp 5A trường Tiểu học Phước Ninh A.
- Thời gian: Học kỳ I, năm học 2009 - 2010.
4. Phương pháp nghiên cứu
* Phương pháp nghiên cứu tài liệu:
2
Qua đọc và nghiên cứu tài liệu, tôi đã chọn lọc và thu thập được một số nội
dung có liên quan đến đề tài nghiên cứu.
* Phương pháp điều tra (dự giờ, đàm thoại, kiểm tra, đối chiếu…):
- Thông qua các tiết dự giờ và trao đổi với bạn đồng nghiệp cũng như việc theo
dõi học sinh lớp 5A, tôi đã nắm bắt được tình hình học văn miêu tả của học sinh và
hiểu được nguyên nhân các em học chưa tốt văn miêu tả. Từ đó, tôi đã có cơ sở để
nghiên cứu, tìm ra các giải pháp phù hợp giúp các em học tập tốt hơn.
- Sau mỗi lần áp dụng một giải pháp mới trên lớp, tôi thường đối chiếu kết quả
học sinh đạt được ở hiện tại với kết quả lúc trước. Sau đó, tôi tiến hành chọn lọc và
phối hợp những ưu điểm giữa hai biện pháp mới và cũ để rút ra kinh nghiệm tốt
trong dạy học văn miêu tả.
* Phương pháp quan sát:
Trong quá trình dạy học, tôi đã không ngừng quan sát trực tiếp thái độ và
hứng thú học văn miêu tả của các em học sinh. Tôi thường xuyên theo dõi sự chuyển
biến hứng thú học tập của các em. Từ đó, tôi có cơ sở để tiếp tục phát huy những
giải pháp có hiệu quả.
* Phương pháp tổng kết kinh nghiệm:
Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài, tôi luôn tổng kết lại những
kinh nghiệm có hiệu quả trong việc giúp học sinh làm tốt văn miêu tả. Phương pháp
này đã giúp tôi tìm hiểu được bản chất, nguyên nhân và cách giải quyết trong quá

trình nghiên cứu, tổng kết được những kinh nghiệm, nguyên nhân thất bại hay thành
công, từ đó có định hướng cụ thể cho những lần áp dụng tiếp theo.
* Giả thuyết khoa học:
Với những kinh nghiệm nghiên cứu được trong đề tài, tôi hi vọng sẽ đem lại
kết quả tốt, giúp các em nắm chắc các kĩ năng cơ bản khi làm bài. Các em sẽ cảm
thấy tự tin hơn, sáng tạo hơn, thậm chí có thể yêu thích, hứng thú và háo hức chờ
đến giờ làm văn miêu tả để tự mình làm ra được những bài viết đủ nội dung, đúng
yêu cầu và có thể là bài viết hay, sinh động, giàu cảm xúc.
3
B. NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận
- Hiện nay, để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, góp phần
nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, ngành giáo dục đang thực hiện theo tài liệu
Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học do Bộ Giáo
dục và Đào tạo tổ chức biên soạn theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT. Đây là
giải pháp cơ bản trong hệ thống các giải pháp đảm bảo cho việc dạy học môn Tiếng
Việt nói riêng, và các môn học ở tiểu học nói chung đạt mục tiêu đề ra, khắc phục
tình trạng “quá tải” trong giảng dạy. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá kết quả
học tập của học sinh cũng cần được đổi mới. Đánh giá kết quả học tập của học sinh
phải đáp ứng được mục tiêu giáo dục, không phiến diện. Thấy được yêu cầu đó, Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn quyển Đề kiểm tra học kì các môn học
cấp Tiểu học. Đây là tài liệu thiết thực giúp giáo viên có cơ sở để thực hiện tốt yêu
cầu đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cũng như các môn học
khác ở cấp Tiểu học.
- Các vấn đề liên quan đến phân môn Tập làm văn:
+ Vị trí, nhiệm vụ của phân môn Tập làm văn: Phân môn tập làm văn có nhiệm
vụ chủ yếu là dạy học sinh sản sinh ra các ngôn bản nói và viết. Tập làm văn còn là
sản phẩm thể hiện rõ vốn hiểu biết, đời sống, trình độ văn hoá của học sinh. Bài tập
làm văn trở thành sản phẩm tổng hợp, là nơi trình bày kết quả đích thực của việc học
Tiếng Việt. Đây là môn học nền tảng cho các môn học khác của bậc tiểu học hiện

nay cũng như cả các bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông sau này.
+ Dạy học sinh làm văn miêu tả là tổ chức cho học sinh quan sát đối tượng
miêu tả, ghi chép lại những điều quan sát được rồi sắp xếp thành dàn ý chi tiết. Trên
cơ sở có sự thu nhận trực tiếp các nhận xét, ấn tượng, cảm xúc của mình, học sinh
mới bắt tay vào vận dụng vốn kiến thức về câu từ để phát triển thành một bài văn
miêu tả hoàn chỉnh. Khi quan sát, học sinh huy động vốn sống, khả năng tưởng
tượng và cảm xúc giúp cho việc quan sát tốt hơn. Từ đó, hiểu biết và kĩ năng về văn
miêu tả được hình thành một cách tự giác.
+ Cơ sở tâm lý và cơ sở ngôn ngữ: Các em đã có sự phát triển về trí tuệ, tâm
hồn, thích quan sát mọi vật xung quanh. Khả năng tư duy cụ thể nhiều hơn khả năng
khái quát hoá về tình cảm, các em rất nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
Các em dễ xúc động, bắt đầu biết mơ ước và có trí tưởng tượng phong phú. Song
vốn ngôn ngữ chưa nhiều, sắp xếp ý chưa có hệ thống và diễn đạt còn thiếu mạch
lạc.
+ Một số nguyên tắc của việc dạy văn miêu tả:
* Nguyên tắc giáo dục toàn diện: Ngoài việc giáo dục cho học sinh có tri thức
về lí thuyết văn miêu tả, kĩ năng làm văn miêu tả, giáo viên cần quan tâm đến việc
giáo dục thẫm mĩ, giáo dục thể chất, trí tuệ, tình cảm và đạo đức cho học sinh, dần
hình thành cho học sinh nhân cách của con người Việt Nam mới.
4
* Nguyên tắc kết hợp giữa văn miêu tả với các môn học khác: Tất cả các môn
học trong chương trình tiểu học nói chung và lớp 5 nói riêng đều có quan hệ mật
thiết, hỗ trợ cho nhau trong việc giúp học sinh thực hiện tốt mục tiêu phân môn Tập
làm văn. Các phân môn trong môn Tiếng Việt cùng với các môn học khác góp phần
đắc lực vào việc cung cấp vốn từ ngữ, vốn sống cho các em học tốt phân môn Tập
làm văn như: phân môn Luyện từ và câu, phân môn Tập đọc, phân môn Chính tả,
phân môn Kể chuyện cung cấp cho các em vốn hiểu biết về tiếng Việt, biết cảm
nhận cái đẹp trong cuộc sống; môn Khoa học giúp học sinh có vốn hiểu biết về mọi
vật xung quanh… Mặt khác, phân môn Tập làm văn cũng có tác động trở lại rất tích
cực, làm cơ sở cho các em học các môn học khác. Do đó, chúng ta không được coi

nhẹ môn học nào mà phải giúp học sinh học tốt tất cả các môn học.
2. Cơ sở thực tiễn
- Quan điểm của giáo viên và học sinh
+ Giáo viên: Đa số giáo viên đều cho rằng các tiết dạy học sinh làm văn miêu
tả là “khó dạy”. Giáo viên chưa linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp dạy
học theo chương trình đổi mới.
+ Học sinh: Phần đông học sinh khi được hỏi, các em đều cho biết rất thích
nghe phân tích cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học nhưng các em không
thích học văn học vì cảm thấy “khó học”.
Tuy vậy, phân môn Tập làm văn rất quan trọng nên cả giáo viên và học sinh
đều rất coi trọng.
- Thực trạng dạy học văn miêu tả hiện nay:
Trong chương trình tập làm văn miêu tả lớp 5, không kể các tiết ôn tập thì có
14 tiết tả cảnh, 12 tiết tả người. Chương trình chú trọng rèn luyện một số kĩ năng bộ
phận gắn với đặc điểm kiểu bài cụ thể. Ví dụ: Luyện tập về cách tả từng phần của
cảnh theo không gian, tả sự thay đổi của cảnh theo thời gian; tả ngoại hình, tả hoạt
động tính tình của người. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng phân môn Tập làm văn
miêu tả khối lớp 5 của trường chúng tôi vẫn chưa cao. Là giáo viên trực tiếp giảng
dạy phân môn này, bản thân tôi đã ý thức, mong muốn tự rèn luyện cho mình
phương pháp dạy học văn miêu tả, nhằm tránh lối dạy rập khuôn máy móc, góp
phần nâng cao chất lượng dạy học. Tôi đã tiến hành điều tra việc dạy của giáo viên,
việc học của học sinh và nhận thấy:
Giáo viên: Hầu hết, khi dạy văn miêu tả lớp 5, giáo viên chỉ hình thành hiểu
biết về lí thuyết thể văn, các kĩ năng làm bài qua phân tích bài văn mẫu. Thậm chí để
đối phó với việc học sinh làm bài kém, để đảm bảo chất lượng bài kiểm tra, thi cử,
nhiều giáo viên cho học sinh đọc thuộc một số bài mẫu để khi gặp một đề bài tương
tự, các em cứ thế chép ra. Vì vậy, tình trạng học sinh bị lệ thuộc vào “mẫu”, không
thoát khỏi “mẫu”… ngày càng nhiều. Nhìn chung, giáo viên chưa có biện pháp phù
hợp để rèn cho học sinh các kĩ năng làm bài: kĩ năng quan sát, tưởng tượng, kĩ năng
viết câu văn sinh động, gợi cảm, kĩ năng viết đoạn văn đảm bảo tính liên kết chặt

chẽ về ý. Giữa các câu văn có sự liền mạch, có quan hệ về ý với nhau.
5
Học sinh: Khả năng quan sát, tổng hợp của các em có phần hạn chế. Vì thế, khi
học văn miêu tả, các em thường chán, không muốn học, không biết làm bài, không
hình dung được cảnh vật sẽ tả như thế nào, không biết cách dùng từ để diễn tả được
suy nghĩ của bản thân trước cảnh đó. Các em chưa xác định được đối tượng miêu tả,
sắp xếp trình tự miêu tả chưa hợp lí, thể hiện nội dung miêu tả chưa phong phú,
chưa biết sử dụng các biện pháp tu từ khi làm bài (so sánh, nhân hoá, ), trình bày
bài viết cẩu thả, viết sai lỗi chính tả nhiều, viết câu văn chưa đúng ngữ pháp Cũng
vì thế mà kết quả các bài kiểm tra về thể văn miêu tả của các em không cao.
Sau đây là bảng thống kê kết quả bài văn miêu tả của học sinh đầu năm học
2009-2010:
TSHS
Xác định đối
tượng miêu tả
Trình tự miêu
tả
Nội dung miêu
tả
Trình bày bài
viết
Ghi
chú
Đạt
Chưa đạt
Đạt
Chưa đạt
Đạt
Chưa đạt
Đạt

Chưa đạt

32
28
4
23
9
20
12
22
10

Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng giảng dạy môn Tiếng
Việt, không gây hứng thú học tập cho học sinh. Vì thế, giáo viên cần tìm ra giải
pháp mới để việc dạy và học văn miêu tả có hiệu quả hơn.
3. Nội dung vấn đề
3.1. Vấn đề đặt ra
Để học sinh làm được một bài văn miêu tả tốt, chúng ta cần có những phương
pháp dạy học phù hợp theo nội dung, yêu cầu của từng bài, nhằm giúp học sinh rèn
luyện bộ óc, có tính tư duy, suy nghĩ, có kĩ năng quan sát, xác định được đối tượng
miêu tả, chọn lọc, sắp xếp ý theo đúng trình tự miêu tả, biết tư duy, sáng tạo, cuối
cùng là rèn kĩ năng diễn đạt và trình bày bài viết. Bồi dưỡng cho các em kĩ năng làm
bài văn miêu tả tốt, lột tả được vẻ đẹp nội dung mang tính hiện thực, giúp các em tự
tin hơn với khả năng quan sát và nhìn nhận đối tượng. Đó cũng chính là mục tiêu
của mỗi giáo viên trong dạy học văn miêu tả.
3.2. Một số giải pháp cụ thể
Để khắc phục tình trạng trên, tôi đã nghiên cứu tìm ra một số giải pháp, kinh
nghiệm dạy học thiết thực để tiết dạy học tập làm văn miêu tả có chất lượng hơn.
Những phương pháp dạy học đó cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Đảm bảo tính chân thực của bài văn miêu tả: Bài văn miêu tả cần phải được

bắt nguồn từ quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả, kết hợp với kinh nghiệm sống, trí
tưởng tượng của học sinh, phải thể hiện được tình cảm, cảm xúc thực của các em
trước đối tượng miêu tả. Khi học sinh không có điều kiện quan sát, tìm hiểu trực tiếp
đối tượng miêu tả, giáo viên sưu tầm một số tranh ảnh về đối tượng miêu tả cho học
sinh quan sát kết hợp với lời gợi ý quan sát tranh ảnh của giáo viên. Có như thế học
sinh mới viết được bài văn có cảm xúc.
6
Tính chân thực đòi hỏi phải có chi tiết thực, tả đúng bản chất của đối tượng
miêu tả, thể hiện được những nét đẹp, đúng đắn trong tư tưởng, tình cảm của người
học sinh khi bộc lộ thái độ với đối tượng miêu tả. Nhưng nếu đối tượng miêu tả có
những mặt chưa tốt, những mặt tiêu cực thì nên miêu tả như thế nào? Ví dụ: Nếu đề
bài yêu cầu tả một người bạn thân của em. Người bạn đó đã có lúc có những hành vi
chưa tốt như trêu ghẹo bạn hoặc trót lấy đồ của người khác… Vậy khi tả bạn, cần tả
tính tình như thế nào? Trước tiên cần lưu ý là trong bài làm, các em có thể nói hoặc
không nói hiện tượng trên. Điều này phụ thuộc vào sự quan sát và ý định miêu tả
của từng em. Tôi tôn trọng ý định đó, miễn là bài làm tả được chân thực người bạn
của các em. Tuy nhiên, khi hướng dẫn học sinh làm bài giáo viên nên nhắc nhở các
em cần hạn chế tả những mặt chưa tốt của bạn.
+ Đảm bảo yêu cầu thực hành: Lấy thực hành làm hoạt động chính của tiết
học. Lấy sự hình thành kĩ năng viết một bài văn miêu tả (luyện kĩ năng phân tích đề,
lập dàn ý, dựng đoạn, dùng từ đặt câu) làm yêu cầu chính của tiết học. Trên cơ sở
thầy hướng dẫn, trò tiến hành các hoạt động học tập để qua đó rút ra lí thuyết văn
miêu tả. Nói cách khác là có sự liên tục, kế tiếp nhau giữa các tiết học văn miêu tả,
giữa các thể văn miêu tả sao cho việc rèn kĩ năng, nắm vững yêu cầu thể loại ngày
càng tốt hơn.
Muốn thực hiện được những yêu cầu trên, giáo viên dạy phải có hướng cho học
sinh chuẩn bị bài chu đáo, hướng dẫn học sinh tập quan sát (ở nhà), giao việc, gợi ý
cho học sinh sưu tầm tư liệu, tìm hiểu đối tượng miêu tả từ tiết học trước. Các em có
thể trao đổi theo nhóm với nhau để tìm ra những đặc điểm của đối tượng một cách
tốt nhất (Giáo viên không quên chú ý đến từng đối tượng học sinh - đặc biệt là học

sinh yếu). Giáo viên phải tôn trọng ý kiến của các em, không phê phán vội vàng, chủ
quan, phải giúp học sinh tự tin trong học tập.
Một vài giải pháp hướng dẫn học sinh thực hiện những yêu cầu quan trọng để
làm bài tập làm văn miêu tả có kết quả tốt:
* Nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung từng tiết dạy trong quá trình dạy
học văn miêu tả
Dạy học văn miêu tả thường theo một quy trình như sau: Dạy quan sát - sắp
xếp ý, lập dàn ý - dạy làm phần mở bài, kết bài - làm bài viết - trả bài (trong chương
trình và sách giáo khoa mới không có tiết dạy riêng về quan sát, lập dàn ý, làm
miệng, mà nội dung này được lồng vào trong tiết luyện tập). Đây là quy trình đầy
đủ. Mỗi tiết học cần được tiến hành tới mức tốt nhất việc thực hiện các yêu cầu và
nội dung đã đề ra. Toàn bộ các tiết học trong một quy trình sẽ góp phần giúp các em
hiểu lí thuyết, xác định đúng đối tượng miêu tả ở từng đề bài, hình thành các kĩ năng
làm văn miêu tả.
* Biết cách quan sát đối tượng miêu tả
Nếu tả cảnh: cần quan sát tỉ mỉ từng phần (bộ phận) của cảnh theo trình tự hợp
lí (Từ ngoài vào trong, từ bộ phận chủ yếu đến các bộ phận thứ yếu), hoặc sự thay
đổi của cảnh theo thời gian (sáng, trưa, chiều, tối).
7
Nếu tả người: cần quan sát kĩ về ngoại hình (tầm vóc, cách ăn mặc, khuôn mặt,
mái tóc, cặp mắt, hàm răng,…), về tính tình, hoạt động (lời nói, cử chỉ, thói quen,
cách cư xử với người khác,…).
Học sinh cần được quan sát nhiều lần và bằng nhiều giác quan khác nhau như
mắt nhìn, tai nghe,…
Chú ý phát hiện những đặc điểm riêng, phân biệt đối tượng được tả với đối
tượng khác cùng loại. Tuy vậy, trong quá trình hướng dẫn các em quan sát, giáo viên
phải kết hợp khéo léo gợi mở để các em huy động vốn sống, khả năng tưởng tượng
và cảm xúc giúp cho việc quan sát được tốt hơn.
* Xây dựng nội dung bài (lựa chọn và sắp xếp ý để miêu tả)
Nội dung bài đầy đủ, phong phú là yêu cầu không thể thiếu được của một bài

tập làm văn tốt. Với yêu cầu này, ta cần tiến hành qua các bước: tìm ý, lập dàn ý chi
tiết theo bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài). Với mỗi bài văn miêu tả, tôi yêu
cầu học sinh làm được những việc sau:
- Đọc kĩ đề, nắm được yêu cầu đề
- Xác định thể loại, kiểu bài.
- Xác định nội dung (tả gì ?)
- Xác định tư tưởng, tình cảm cần thể hiện trong bài.
Sau đó, học sinh bám sát yêu cầu của đề bài, huy động vốn hiểu biết thực tế mà
các em đã được hướng dẫn quan sát qua khâu chuẩn bị để lựa chọn được những nét
nổi bật của đối tượng, dẫn đến việc miêu tả một cách rõ ràng, đầy đủ. Từ đó, các em
tiến hành sắp xếp ý một cách hợp lí :
a. Phần mở bài: Giới thiệu đối tượng miêu tả (tả cảnh vật, người) bằng cách
trực tiếp hay gián tiếp.
Trong bài tập làm văn, phần mở bài là phần gây ấn tượng đầu tiên cho người
đọc. Các em có thể vào bài bằng một câu hay một đoạn nhưng cần phải bám sát vào
nội dung yêu cầu đã được xác định. Dựa vào mở bài của mỗi em mà giáo viên góp ý,
không gò bó, không áp đặt.
Ví dụ: Khi tả người thân (bà), các em có thể vào bài: “Ở gia đình em, bà nội là
người gần gũi và yêu thương em nhất” - chỉ là một câu nhưng đủ ý. Cũng có em vào
bài tự nhiên hơn, dí dỏm hơn: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm,…”
Từ đó tôi giúp các em hiểu rằng: vào bài trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách
nhắc lại một câu nói, một tiếng khóc, hay một tiếng cười,… cũng vẫn phải bám sát
yêu cầu của đề bài để viết được bài văn tốt mang tính nghệ thuật cao.
b. Phần thân bài: Ở phần này, tôi cho học sinh phát triển theo nhiều ý khác
nhau.
- Tả cảnh: Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian.
8
- Tả người: Tả ngoại hình rồi đến tính tình, hoạt động của người hoặc xen kẽ
ngoại hình khi thể hiện tính tình, hoạt động.
Ví dụ: Đề bài: “Tả ngôi trường của em”. Tôi cho các em làm rõ các ý trong bài

bằng một số câu hỏi như:
+ Em quan sát cảnh trường vào lúc nào?
+ Em tả những phần nào của cảnh trường?
Sân trường.
Lớp học.
Vườn trường .
Phòng thư viện – thiết bị.
Hoạt động của thầy và trò…
Sau đó, học sinh phát triển ý trong mỗi cảnh. Ý học sinh thật đa dạng, tôi để
học sinh phát triển thật tự nhiên. Như vậy, mỗi em có một ý, một vẻ khác nhau và
đều đảm bảo đủ ý chính. Tuy nhiên, giáo viên cần hướng cho học sinh phát triển
phong phú về nội dung, làm nổi bật yêu cầu của đề bài.
Khi xây dựng phần thân bài, tôi lưu ý học sinh: Tả cảnh có thể tả nhiều bộ phận
có liên quan như đồ vật, con vật, cây cối,… nhưng không coi đó là chủ yếu mà cần
làm nổi bật cảnh cần tả do đề bài yêu cầu. Tả người cần chọn những nét tiêu biểu,
tránh liệt kê đầy đủ theo kiểu kể lể khô khan.
c. Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ, ấn tượng về đối tượng miêu tả theo
kiểu mở rộng hoặc không mở rộng.
Có nhiều cách kết bài khác nhau cho một bài văn miêu tả nhưng đều phải xuất
phát từ nội dung chính mà các em vừa khai thác được ở phần thân bài. Để thực hiện
tốt điều này chúng ta có thể gợi mở bằng một số câu hỏi cụ thể.
Chẳng hạn, với đề bài: “Tả ngôi trường thân yêu của em”, ta có thể hỏi: Em
hãy nêu tình cảm của em với mái trường mà em đang học. Giáo viên gợi mở cho học
sinh nói theo ý và cảm nghĩ mà các em đã chuẩn bị. Sau đó, giáo viên chắt lọc, sửa
sai (nếu cần).
* Rèn cho học sinh kĩ năng viết những câu văn đúng, có hình ảnh và sử
dụng các biện pháp tu từ đã học
Điều quan trọng nhất là mỗi học sinh phải viết được câu văn đúng ngữ pháp.
Đây là yêu cầu cơ bản vì câu là đơn vị của lời nói. Đối với học sinh giỏi, giáo viên
yêu cầu học sinh đặt câu đúng ngữ pháp, giàu hình ảnh, lột tả được sắc thái riêng của

đối tượng miêu tả. Còn đối với học sinh trung bình, yếu, giáo viên hướng dẫn học
sinh đặt được câu có đủ chủ ngữ và vị ngữ, thể hiện được ý cần nói. Ví dụ:
Với học sinh yếu: Tóc bạn A hơi vàng.
Với học sinh trung bình: Bạn A có mái tóc dài, đen, phủ kín vai. Bạn hay kẹp
tóc bằng cái kẹp có hình con bướm màu xanh.
Với học sinh khá giỏi: Bạn A có mái tóc xoăn tự nhiên không lẫn với bất cứ
bạn nào trong lớp được. Bạn hay để đầu trần khi đi ra ngoài nên mái tóc của bạn
không đen như tóc em mà hoe vàng và khen khét mùi nắng.
9
Biết dùng dấu câu đúng, nhất là dấu chấm và dấu phẩy sẽ diễn đạt rõ ràng giúp
người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin. Việc dạy cho học sinh sử dụng dấu câu đã
được tiến hành từ các lớp dưới và phải được thường xuyên ôn luyện. Giáo viên đưa
ra các trường hợp sử dụng dấu câu chưa đúng để cả lớp nhận xét:
Trong lớp em ai cũng mến bạn Hoa.
Cột cờ cao chót vót, trên đỉnh cột cờ lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay
Sân trường mát rượi bởi bóng của những cây bàng cây phượng
Học sinh trao đổi sửa chữa:
Trong lớp em, ai cũng mến bạn Hoa.
Cột cờ cao chót vót. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay.
Sân trường mát rượi bởi bóng của những cây bàng, cây phượng.
Vấn đề không thể thiếu trong làm văn miêu tả là học sinh phải viết câu văn có
hình ảnh, có sử dụng các biện pháp nghệ thuật đã học. Để học sinh dễ tiến hành,
trong tiết có thực hành miệng, tôi gợi cho các em bằng những câu hỏi dễ nhớ, hướng
dẫn các em biết chọn lựa chi tiết, diễn đạt bằng câu văn ngắn gọn, có hình ảnh, sử
dụng biện pháp tu từ đã học như so sánh, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ… làm cho
cách diễn đạt chi tiết, sinh động hơn. Những câu hỏi gợi ý thường được xen vào
trong bài làm văn miệng. Nếu học sinh chưa sử dụng được biện pháp nghệ thuật thì
giáo viên gợi ý thêm.
Ngoài ra, việc rèn cho học sinh viết bài văn có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, có lời
văn phù hợp với nội dung, yêu cầu của bài và thể loại miêu tả là rất quan trọng. Nếu

bố cục không rõ ràng, không đúng yêu cầu thì bài văn sẽ không gây hứng thú cho
người đọc, người nghe. Điều đó cũng có nghĩa là bài văn chưa đạt yêu cầu.
Tóm lại, để giúp học sinh viết được bài văn, đoạn văn có hình ảnh, sinh động,
khi luyện tập, tôi lưu ý nhắc nhở các em nắm được đặc điểm về thể loại miêu tả,
kiểu bài tả. Nhắc các em cần dùng những từ ngữ gợi hình ảnh, gợi cảm xúc, dùng
động từ sát hợp, dùng biện pháp nhân hoá, liên tưởng, hình ảnh so sánh, ví von sinh
động để vừa gợi tả cụ thể, vừa bộc lộ thái độ, tình cảm của mình với đối tượng được
tả. Sử dụng đúng và hay từ láy, từ ghép, từ tượng hình, từ tượng thanh… nhằm gợi
tả không khí cảnh đang tả.
* Làm giàu vốn từ, góp phần bộc lộ cảm xúc trong bài văn
Bài văn hay không thể thiếu được cảm xúc của người viết. Cảm xúc không chỉ
bộc lộ ở phần kết bài mà còn bộc lộ ở từng câu, từng đoạn của bài. Ở mỗi tiết học,
trước khi hướng dẫn học sinh làm bài văn, tôi lấy ví dụ cụ thể và đi đến khái niệm về
cảm xúc của mình trước sự vật, hiện tượng để các em hiểu và vận dụng vào bài viết.
Kết hợp hài hoà các yếu tố xây dựng nội dung, diễn đạt có nghệ thuật và bộc lộ cảm
xúc đã làm cho bài văn của các em có hình ảnh, sinh động, giàu cảm xúc và kết quả
bài làm văn cao hơn.
Để làm được điều đó, vấn đề làm giàu vốn từ cho học sinh là hết sức cần thiết.
Nếu như học kiểu bài kể chuyện, học sinh chỉ tái hiện lại nội dung câu chuyện đã
nghe, đã đọc là có thể đạt được yêu cầu cơ bản của đề bài thì văn miêu tả đòi hỏi
phải có vốn từ phong phú mới có thể làm bài được. Thế giới quanh ta rất phong phú,
10
đa dạng và không ngừng biến đổi. Người viết văn không thể “vẽ” được một cảnh,
một người, nếu bản thân người ấy thiếu vốn từ, vốn sống.
Làm giàu vốn từ cho học sinh có nghĩa là giúp cho các em nắm một số từ gợi tả
để có thể dùng trong miêu tả.
Ví dụ: Giáo viên yêu cầu học sinh tìm các từ ngữ gợi tả mái tóc (vàng hoe, đen
nhánh, bạc phơ, hoe vàng, cháy nắng, óng ả, rễ tre, xoăn tít…), khuôn mặt (bầu
bĩnh, vuông chữ điền, trái xoan, khắc khổ…), nước da (trắng trẻo, trắng hồng, ngăm
ngăm, bánh mật, đen sạm…), dáng người (nhỏ nhắn, gầy gò, đẫy đà, to khỏe, cao

cao…), nụ cười (khành khạch, mủm mỉm, ha hả, toe toét…).
Cho học sinh tìm từ bằng các hình thức như: quan sát thực tế (quan sát bạn),
quan sát tranh ảnh, xem phim, đọc sách truyện, nhất là qua các phân môn của Tiếng
Việt hoặc các môn học khác.
Ví dụ: Dạy Luyện từ và câu, bài Từ đồng nghĩa, giáo viên gợi ý cho học sinh
tìm các từ gợi tả đồng nghĩa như bao la, mênh mông, bát ngát.
Hoặc qua hình thức trò chơi như: tìm từ láy âm gợi tả hình ảnh. Học sinh chia
làm các nhóm nhỏ, từng nhóm lần lượt nêu một từ láy âm gợi tả hình ảnh rồi chỉ
nhóm khác:
Mênh mông - nho nhỏ - đủng đỉnh – lung linh – mượt mà - đẫy đà - cứng cáp –
thướt tha - mơn mởn – cuồn cuộn – nhanh nhẹn – nũng nịu…
Trên cơ sở những từ láy tìm được, giáo viên tiếp tục cho học sinh xác định
những từ láy chỉ dùng để tả người: nho nhỏ - đủng đỉnh – mượt mà - đẫy đà - cứng
cáp – thướt tha - nhanh nhẹn - nũng nịu…
Giáo viên lưu ý học sinh phải biết gìn giữ, thường xuyên sử dụng để vốn từ
không bị mai một đi.
Tuy nhiên, giáo viên cần tránh trường hợp cho học sinh học thuộc lòng những
câu văn hay, câu văn mẫu để khi làm bài cứ thế chép ra một cách rập khuôn máy
móc.
* Chấm bài, chữa bài và trả bài viết
Tiết trả bài viết là tiết sau cùng của một đề bài văn nhưng lại là tiết thiết thực
nhất, cụ thể nhất để các em thấy được ưu, khuyết điểm trong bài viết của mình, của
bạn để học hỏi, trao đổi lẫn nhau, tìm và biết cách sửa sai để cùng nhau tiến bộ. Mặt
khác, đây cũng là sự tự kiểm tra lại quá trình dạy học văn miêu tả của giáo viên.
Muốn thực hiện tốt khâu chữa bài, trả bài viết, tôi quan tâm thực hiện các bước sau:
Chấm bài: Giáo viên chấm bài kiểm tra thật kĩ càng, thận trọng nhằm phát hiện
được những ưu điểm của bài văn: bài hay, câu hay, ý hay, dùng từ sáng tạo, bố cục
chặt chẽ… Nắm chắc các lỗi phổ biến mà các em mắc phải: Dùng từ chưa chính xác,
câu văn chưa hoàn chỉnh, thiếu hoặc thừa thành phần chính của câu, chưa rõ nghĩa,
lặp từ, lặp ý,… Tất cả những ưu, khuyết điểm đó đều được giáo viên ghi nhận cụ thể

về lỗi sai, đối tượng học sinh để làm cơ sở cho việc chữa bài. Trong quá trình chấm
bài, giáo viên cần chọn ra bài tiêu biểu của lớp, chọn thêm bài hay của những năm
trước cho các em tham khảo. Giáo viên chuẩn bị câu hỏi gợi mở, sử dụng phương
11
pháp dạy học nêu vấn đề kết hợp giảng giải để hướng dẫn học sinh tìm ra cái hay
của một bài văn.
Chữa bài: Ở khâu này, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chữa lỗi từ đơn giản
đến phức tạp:
+ Chữa lỗi về chính tả: Giáo viên đưa những từ học sinh viết sai chính tả về
âm, vần (ghi ở bảng phụ), gợi ý cho học sinh phát hiện và chữa lại cho đúng, kết hợp
giúp học sinh phân biệt những âm vần hoặc dấu thanh đã lẫn trong từng từ.
+ Chữa lỗi về dùng từ: Giáo viên đưa câu văn mà học sinh dùng từ thiếu chính
xác (ghi ở bảng phụ) cho học sinh đọc và phát hiện.
Ví dụ: Với đề bài “Tả một em bé ở tuổi tập đi, tập nói” có học sinh viết: “Bé có
thân hình vạm vỡ”. Xét về góc độ cú pháp thì câu hoàn toàn đúng. Song về góc độ
ngữ nghĩa thì dùng từ “vạm vỡ” trong trường hợp này không phù hợp. Giáo viên gợi
mở để học sinh tìm từ thay thế, như từ “bụ bẫm” chẳng hạn. Với từ thay thế này, câu
văn mới diễn tả được hình ảnh một em bé chắc khoẻ, đáng yêu.
+ Chữa lỗi về câu: Lỗi về câu có nhiều dạng như: câu thiếu chủ ngữ hoặc vị
ngữ, câu thiếu bổ ngữ, Giáo viên cần lựa chọn từng loại sai để sửa.
Ví dụ: Khi viết bài văn tả bạn, có học sinh viết: “Nga có cuộc sống gia đình rất
tốt. Bạn Nga thương yêu. Mọi người cũng vậy.” Tôi dùng câu hỏi để học sinh phát
hiện lỗi sai của câu là chưa đủ thông tin, chưa rõ nghĩa: Bạn Nga thương yêu ai?
Câu thiếu bổ ngữ. Sau đó, tôi cho học sinh bổ sung. Chẳng hạn: Bạn Nga yêu
thương mọi người trong gia đình.
Như vậy, trong bước phân tích, chữa lỗi, giáo viên cần chọn từ sai, câu sai để
chữa. Giáo viên dùng câu hỏi gợi mở, học sinh tự phát hiện lỗi và sửa lỗi (học sinh
có thể trao đổi với bạn bên cạnh hoặc cá nhân). Quan trọng là hệ thống câu hỏi dẫn
dắt của giáo viên phải sát với đối tượng học sinh (chú trọng học sinh yếu và trung
bình). Dựa vào việc sửa lỗi chung cả lớp và lời nhận xét của giáo viên, học sinh tự

đọc bài làm của mình, sửa lại những lỗi trong bài viết mà mình đã mắc phải, từ đó
rút kinh nghiệm cho những bài viết sau này được tốt hơn.
Giáo viên đọc câu văn hay, sáng tạo ở phần củng cố cho học sinh phát hiện
một số điểm hay, nổi bật của bài, cần động viên những học sinh điểm chưa cao có
thể viết lại một đoạn hoặc cả bài để có kết quả cao hơn. Đối với học sinh chưa đạt,
giáo viên cần động viên, khuyến khích và hướng dẫn cho các em về nhà làm lại bài
để giáo viên chấm, chữa vào tiết sau hoặc trong giờ ôn tập.
Tóm lại, cốt lõi của tiết trả bài tập làm văn miêu tả là để học sinh tự nhận xét
được cái hay, cái chưa được về bài viết của mình, của bạn qua một đề bài cụ thể để
rồi cùng nhau học tập cái hay, sửa chữa lỗi mắc phải. Như vậy, với vai trò chủ đạo,
giáo viên động viên, tạo niềm tin, hưng phấn và ý thức độc lập suy nghĩ trong quá
trình học tập của học sinh. Đó là yếu tố quan trọng quyết định thành công của tiết
trả bài văn miêu tả nói riêng và của quá trình dạy học văn miêu tả nói chung.

12
3.3. Tự đánh giá kết quả thực hiện
Áp dụng những giải pháp mà tôi đã tìm tòi vào giảng dạy thể loại văn miêu tả
lớp 5A, tôi thấy kết quả thể hiện khá rõ nét, hiện tượng học sinh sợ làm văn nói
chung và sợ văn miêu tả nói riêng không còn nữa. Điểm khá, giỏi các bài kiểm tra
thường xuyên và kiểm tra định kỳ tăng dần. Học sinh hứng thú học tập hơn. Trong
giờ học các em tập trung hơn, say sưa cùng bạn bè quan sát đối tượng cần miêu tả.
Có thể nói rằng học sinh đã không còn ngại khi học văn miêu tả. Các em làm bài
một cách chủ động, ý văn, lời văn, giọng văn phù hợp, đầy đủ và giàu cảm xúc hơn.
Tôi đã ghi nhận lại kết quả đạt được trong từng giai đoạn theo bảng thống kê
như sau:
TSHS
Thời
điểm
Xác định đối
tượng miêu tả

Trình tự miêu
tả
Nội dung miêu
tả
Trình bày bài
viết
Đạt
Chưa đạt
Đạt
Chưa đạt
Đạt
Chưa đạt
Đạt
Chưa đạt
32
Đầu năm
28
4
23
9
20
12
22
10
32
GHKI
31
1
26
6

23
9
25
7
32
CHKI
32
0
30
2
27
5
30
2
Kết quả ở bảng thống kê cho thấy đề tài tôi nghiên cứu đã có được kết quả
tương đối khả quan. Tôi tin rằng nếu mình kiên trì áp dụng thì chất lượng bài văn
miêu tả của học sinh lớp 5A ở cuối học kì II sẽ cao hơn nữa.
13
C. KẾT LUẬN
1. Bài học kinh nghiệm
Để việc dạy và học tập làm văn miêu tả lớp 5 có hiệu quả, trong dạy học cần
lưu ý một số điểm sau:
- Cần nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung từng tiết dạy trong quá trình dạy
học một thể văn miêu tả. Trên cơ sở đó để có kế hoạch thiết kế nội dung bài dạy cho
phù hợp với học sinh và đạt được mục tiêu đã đề ra.
- Phải đảm bảo yêu cầu quan sát đúng đối tượng miêu tả (Các em được quan
sát thực sự, quan sát nhiều lần đối tượng miêu tả bằng nhiều giác quan khác nhau.
Giáo viên khéo kéo gợi mở để học sinh huy động vốn sống, khả năng tưởng tượng
và cảm xúc để kết quả quan sát được tốt hơn).
- Xây dựng nội dung bài đầy đủ và phong phú, khuyến khích học sinh tìm ý,

phát triển ý đa dạng, làm nổi bật yêu cầu của đề bài; luyện viết câu văn đúng, hay,
dùng từ có hình ảnh, sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp; bộc lộ cảm xúc trong bài
văn (ở phần kết bài và cả trong từng câu văn, đoạn văn).
- Chấm, chữa bài có hiệu quả thông qua tiết trả bài để giúp học sinh nhìn nhận
được mặt ưu, khuyết của mình, của bạn, các em trao đổi, học hỏi lẫn nhau, đúc rút
kinh nghiệm cho bản thân. Thường xuyên theo dõi, động viên, đánh giá sự tiến bộ
của học sinh để có hướng giúp đỡ kịp thời. Chú trọng khâu kiểm tra sau khi trả bài
viết.
Ngoài ra, chúng ta cần khuyến khích học sinh đọc sách báo thiếu nhi, sách bài
văn chọn lọc dành cho tiểu học, hướng các em học tập thêm được nghệ thuật dùng
từ, diễn đạt,… trong mỗi kiểu bài. Tuy nhiên, tránh tình trạng học thuộc rồi sao chép
một cách rập khuôn máy móc.
2. Hướng phổ biến, áp dụng đề tài
Tôi đã áp dụng bước đầu có hiệu quả đối với lớp 5A. Từ những kết quả đó, tôi
sẽ giới thiệu đến những đồng nghiệp trong khối cùng áp dụng và nghiên cứu để có
hướng điều chỉnh dần nhằm làm cho đề tài được hoàn hảo hơn, phù hợp hơn với tình
hình của từng lớp trong năm học 2009-2010, cũng như những năm học tiếp theo.
3. Hướng nghiên cứu tiếp đề tài
Từ những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong đề tài này, tôi sẽ tiếp tục
nghiên cứu chuyên sâu cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian tới.

14
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phương pháp dạy các môn học ở lớp 5 (Tập 2) – Vụ Giáo dục Tiểu học - Nhà xuất
bản Giáo dục.
2. Văn miêu tả và phương pháp dạy văn miêu tả ở tiểu học - Nguyễn Trí - Nhà xuất
bản Giáo dục.
3. Sách giáo viên Tiếng Việt 5 – Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) – Nhà xuất bản
Giáo dục.

4. Hướng dẫn dạy tập làm văn lớp 5 – Trần Mạnh Hưởng – Nhà xuất bản Trẻ.
15
MỤC LỤC
Trang
A. MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Đối tượng nghiên cứu 1
3. Phạm vi nghiên cứu 1
4. Phương pháp nghiên cứu 1
B. NỘI DUNG 3
1. Cơ sở lí luận 3
2. Cơ sở thực tiễn 4
3. Nội dung vấn đề 5
3.1. Vấn đề đặt ra 5
3.2. Một số giải pháp cụ thể 5
3.3. Tự đánh giá kết quả thực hiện 12
C. KẾT LUẬN 13
1. Bài học kinh nghiệm 13
2. Hướng phổ biến, áp dụng đề tài 13
3. Hướng nghiên cứu tiếp đề tài 13
TÀI LIỆU THAM KHẢO 14
MỤC LỤC 15


×