MỞ ĐẦU
Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất của Việt Nam. Chính vì thế mà quyền hạn và vai trò của Quốc hội là
rất lớn đối với các hoạt động của bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng của nhà
nước. Quốc hội thực hiện vai trò lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng nhất
của đất nước. Trong đó, lĩnh vực ngân sách nhà nước là một lĩnh vực quan trọng.
Quốc hội cùng các cơ quan chuyên trách của mình tham gia vào lĩnh vực ngân sách
nhà nước ngay từ khâu ban hành và bãi bỏ các sắc thuế, quyết định dự toán ngân
sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chiến lược và chính sách
tài chính quốc gia…
Và thực tế cho thấy, Quốc hội đã đạt được những kết quả rất lớn và tác động
tích cực trong việc thực hiện chức năng quyết định ngân sách Nhà nước, các chương
trình, dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số hạn chế về quy
trình ngân sách, tổ chức bộ máy cơ quan lập pháp và công cụ hỗ trợ đã là những tồn
tại và hạn chế trong việc nâng cao vai trò của Quốc hội.
Vậy, việc thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước
trong thực tế hiện nay ở nước ta như thế nào? Đây là một vấn đề cần được sự quan
tâm, tìm hiểu của tất cả chúng ta. Do đó, trong bài tập nhóm tháng 1 lần này, nhóm
chúng em đã lựa chọn đề bài số 3: “Thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực
ngân sách nhà nước - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.
Do khả năng còn hạn chế nên bài tiểu luận của chúng em không tránh khỏi
những thiếu sót. Vì vậy, chúng em rất mong nhận được sự chỉ bảo, đóng góp ý kiến
của các thầy, cô giáo để chúng em hoàn thiện được kiến thức của mình. Chúng em
xin chân thành cảm ơn!
1
NỘI DUNG
1. Cơ sở pháp lý.
Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội khóa X sửa đổi, bổ sung năm 2001.
Tại khoản 4 Điều 84 của Hiến pháp này đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của Quốc
hội trong lĩnh vực tài chính ngân sách như sau: “Quyết định chính sách tài chính,
tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà
nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các
thứ thuế”. Quy định trên còn được thể hiện ở khoản 4 Điều 2 Luật tổ chức Quốc hội
Thực hiện quyền quyết định của mình năm 1996, Quốc hội khóa IX đã thông
qua Luật ngân sách nhà nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/ 1/ 1997. Đây là văn
bản pháp lý có giá trị cao nhất đối với công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà
nước góp phần hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, phục vụ quá trình đổi mới kinh tế
xã hội. Vai trò của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội trong việc quyết định những
vấn đề quan trọng của đất nước như lĩnh vực kinh tế - ngân sách là một bước khẳng
định vai trò của cơ quan dân cử trong đời sống chính trị đất nước.
Cụ thể hóa quy định của hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi, bổ sung năm 2001) về
chức năng của Quốc hội, năm 2002 Quốc hội khóa XI tiếp tục sửa đổi bổ sung Luật
ngân sách nhà nước năm 1996, Luật ngân sách nhà nước sửa đổi bổ sung năm 2002
có hiệu lực từ năm ngân sách 2004 đã cụ thể hóa thẩm quyền của Quốc hội trong
việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực ngân sách nhà
nước. Điều 15, Luật NSNN năm 2002 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc
hội như sau:
“1. Làm luật và sửa đổi luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách;
2. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, bảo
đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước;
3. Quyết định dự toán ngân sách nhà nước:
2
a) Tổng số thu ngân sách nhà nước, bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu
và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại;
b) Tổng số chi ngân sách nhà nước, bao gồm chi ngân sách trung ương và chi ngân
sách địa phương, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên,
chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong
chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục
và đào tạo, khoa học và công nghệ;
c) Mức bội chi ngân sách nhà nước và nguồn bù đắp;
4. Quyết định phân bổ ngân sách trung ương:
a) Tổng số và mức chi từng lĩnh vực;
b) Dự toán chi của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan
khác ở trung ương theo từng lĩnh vực;
c) Mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương, bao gồm
bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu;
5. Quyết định các dự án, các công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn
ngân sách nhà nước;
6. Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết;
7. Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia,
nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng
quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án và công trình xây
dựng cơ bản quan trọng khác;
8. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
9. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lĩnh
vực tài chính - ngân sách trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.”
3
2. Thực thi quyền hạn của Quốc hội và vai trò của Quốc hội trong lĩnh vực ngân
sách nhà nước.
2.1 Thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Một là, quyết định dự toán ngân sách nhà nước. Với thẩm quyền này trước tiên
Quốc hội thảo luận và quyết định tổng quát về dự toán ngân sách nhà nước gồm
tổng số thu ngân sách nhà nước và tổng số chi ngân sách nhà nước, mức bội chi
ngân sách nhà nước và nguồn bù đắp. Sau đó, Quốc hội quyết định chi tiết một số
nội dung quan trọng trong dự toán ngân sách nhà nước. Những nội dung chủ yếu của
thẩm tra dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước: thẩm tra việc bảo đảm yêu cầu
mục tiêu, nhiệm vụ của ngân sách theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước; thẩm tra các căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ dự toán; thẩm tra tính
công bằng hợp lý, việc bảo đảm các mục tiêu ưu tiên; đối với năm đầu của thời kỳ
ổn định ngân sách còn phải thẩm tra các nội dung về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ
chi cho từng địa phương; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước
(đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách); tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản
thu và mức bổ sung cân đối ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương (đối
với năm tiếp theo của thời kỳ ổn định ngân sách)...
Khi thẩm tra dự toán thu ngân sách, các cơ quan của Quốc hội tập trung dự báo
các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng của các
khu vực, các ngành, một số loại sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách; các
chính sách thu của Nhà nước ảnh hưởng đến thu ngân sách năm kế hoạch; dự kiến
các nguồn thu mới tăng thêm; dự kiến các nguồn thu giảm đi; kết quả các nguồn thu
giảm đi; kết quả thực hiện thu một số năm trước...
Hai là, quyết định phân bổ ngân sách trung ương gồm tổng số và mức chi từng
lĩnh vực, dự toán chi của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và
cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực, mức bổ sung ngân sách từ trung
ương cho ngân sách từng địa phương bao gồm bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung
có mục tiêu.
4
Ba là, quyết định các dự án, các công trình quan trọng của quốc gia được đầu
tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bốn là, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong trường hợp
cần thiết.
Năm là, quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển kinh tế -
xã hội, bảo đảm cân đối thu và chi trong ngân sách nhà nước..
Ngoài ra, trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước với tư cách là chủ thể
quyết định phân bổ ngân sách nhà nước, chủ thể có quyền giám sát hoặc điều hành
cao nhất với các hoạt động chấp hành ngân sách nhà nước, tham gia trực tiếp vào
tất cả các giai đoạn chấp hành ngân sách nhà nước. Quốc hội tham gia vào hoạt
động chấp hành ngân sách nhà nước thông qua các nội dung như điều chỉnh các chi
tiêu ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết. Quốc hội thực hiện chức năng
giám sát về NSNN trên các nội dung sau: Giám sát về dự toán NSNN hàng năm;
Giám sát phân bổ NSTW và số bổ sung từ NSTW cho NSĐP; giám sát việc giao
nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các Bộ, ngành trung ương, tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương; Giám sát quá trình chấp hành NSNN; Giám sát việc phê chuẩn
quyết toán NSNN.
Quốc hội là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong hoạt động ngân sách nhà
nước, có quyền phể chuẩn, quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán các dự án,
công trình đầu tư quốc gia quan trọng đã được Quốc hội phê chuẩn.
2.2 Vai trò của Quốc hội trong trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Quốc hội là người quyết định cuối cùng để đảm bảo cho dự toán ngân sách nhà
nước có hiệu lực pháp lý thi hành. Pháp luật trao quyền quyết định tối cao cho
Quốc hội chính là để cho bản dự toán được thể hiện đầy đủ nhất nguyện vọng và lợi
ích chính đáng của nhân dân vì bản chất của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất
của nhân dân.
Sự tham gia trực tiếp của Quốc hội trong việc quyết định phân bổ chi tiết ngân
sách Trung ương và số bổ sung cho ngân sách địa phương, quyết định những công
5