Đề bài: Phân tích nội dung cơ bản của mỗi quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể
và ý nghĩa của việc quy định các quyền, nghĩa vụ bảo lãnh ngân hàng.
Bài làm:
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Trong điều kiện ngày nay, bảo lãnh ngân hàng đã trở thành một hoạt động phổ
biến của các tổ chức tín dụng, là một trong các hình thức cấp tín dụng đem lại giá trị
kinh tế. Với vai trò như vậy, bảo lãnh đã trở thành loại dịch vụ kinh doanh có nhiều tác
động tích cực trong việc thúc đẩy các giao dịch về vốn, các giao dịch kinh doanh không
chỉ ở trong lĩnh vực tín dụng mà cả trong dự thầu, thực hiện hợp đồng, bảo đảm chất
lượng sản phẩm... Xét về bản chất, bảo lãnh ngân hàng là hình thức bảo đảm thực hiện
nghĩa vụ (giao dịch bảo đảm) mang tính phái sinh. Vấn đề được đặt ra là quan hệ bảo
lãnh có phải là quan hệ hợp đồng hay chỉ là cam kết đơn phương? Hợp đồng bảo lãnh
ngân hàng được ký kết giữa những chủ thể nào? Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể
trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng là gì? Tại sao pháp luật lại quy định các quyền và
nghĩa vụ như vậy?
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
1. Khái quát về hoạt động bảo lãnh ngân hàng:
Khái niệm :
Bảo lãnh ngân hàng theo từ điển Tiếng Việt được hiểu là hành vi của một chủ
thể tự nguyện cam kết bảo đảm bằng uy tín hoặc tài sản của mình cho hành động, tư
cách hoặc nghĩa vụ của người khác.
Pháp luật ngân hàng định nghĩa: Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng,
theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực
hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực
hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ
chức tín dụng theo thỏa thuận (Khoản 18 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010).
Quy định trong khoản 1 điều 2 quy chế bảo lãnh ngân hàng kèm theo Quyết định số
26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 cũng quy định về bảo lãnh ngân hàng là cam kết
bằng văn bản của tổ chức tín dụng (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhân bảo lãnh)
về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách
hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo
lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả
thay.
Đặc điểm: Bảo lãnh ngân hàng có những đặc điểm sau:
Về bản chất pháp lý: Bảo lãnh ngân hàng là loại giao dịch thương mại đặc thù.
Hoạt động này vừa do chính các tổ chức tín dụng (với tư cách là một loại thương nhân)
thực hiện trên thị trường nhằm mục tiêu thu lợi nhuận, vừa có tính chất chuyên môn
như một nghề nghiệp kinh doanh. Cũng do tính chất thương mại của hoạt động này mà
bắt buộc phải làm thủ tục đăng kí kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo
quy định của pháp luật.
Về chủ thể: hoạt động bảo lãnh ngân hàng có loại chủ thể đặc biệt là tổ chức tín
dụng (trong đó chủ yếu là các ngân hàng thực hiện).
Trong bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách là người bảo
lãnh mà còn có thêm tư cách của nhà kinh doanh ngân hàng. Vì vậy mà quyền và nghĩa
vụ của tổ chức bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng không giống hoàn toàn với
quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ dân
sự.
Ngoài ra hoạt động bảo lãnh ngân hàng còn có những đặc điểm: mục đích và hậu
quả của hoạt động là tạo lập 2 hợp đồng là hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo
lãnh/cam kết bảo lãnh. Đây là giao dịch không được đơn phương hủy ngang bởi những
người đại diện có thẩm quyền của tổ chức tín dụng bảo lãnh….
Thứ ba, trong bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách là người
bảo lãnh giống như bất kỳ người bảo lãnh nào trong thực hiện nghĩa vụ dân sự mà còn
thêm tư cách nhà kinh doanh ngân hàng.
Thứ 4, giao dịch bảo lãnh ngân hàng có mục đích và hệ quả là tạo lập hai hợp
đồng, gồm hợp đồng dịch vụ và hợp đồng bảo lãnh/cam kết bảo lãnh. Hai hợp đồng này
tuy có mối quan hệ nhân quả với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn hoàn toàn độc
lập với nhau về cả phương diện chủ thể cũng như quyền, nghĩa vụ pháp lý của các bên.
Thứ 5, giao dịch bảo lãnh ngân hàng không phải là giao dịch dân sự hai hay ba
bên mà là giao dịch “ kép ”.
Thứ 6, theo thông lệ quốc tế, bảo lãnh ngân hàng là giao dịch không thể hủy
ngang bởi những người đại diện có thẩm quyền của tổ chức tín dụng bảo lãnh.
Thứ 7, bảo lãnh ngân hàng là giao dịch được xác lập và thực hiện dựa trên chứng
từ.
Thứ 8, bảo lãnh ngân hàng là loại hình bảo lãnh vô điều kiện.
Các loại chủ thể trong bảo lãnh ngân hàng.
Trước khi đi tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể trong quan hệ bảo lãnh
ngân hàng thì phải hiểu các bên trong quan hệ này gồm những “ai” ? Cụ thể:
Như chúng ta đã nêu ở trên, nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng vốn mang
bản chất là hoạt động thương mại nên có cấu trúc pháp lý khá đặc thù, bao gồm sự gắn
kết giữa hai loại hợp đồng- hợp đồng bảo lãnh được ký kết giữa bên bảo lãnh với bên
nhận bảo lãnh và hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được ký kết giữa bên bảo lãnh và bên được
bảo lãnh. Nếu tách riêng hai hợp đồng trên thì có thể nhận thấy hợp đồng bảo lãnh được
ký kết giữa bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh không phải bao giời cũng mang đầy đủ
giấu hiệu của quan hệ thương mại. Còn hợp đồng dịch vụ bảo lãnh được ký kết giữa bên
bảo lãnh với bên được bảo lãnh lại mang bản chất của giao dịch thương mại. Như vậy,
giao dịch trong bảo lãnh ngân hàng không thể được coi là giao dịch hai hay ba bên mà
là giao dịch “kép”. Trên cơ sở phân tích trên có thể khẳng định rằng các chủ thể tham
gia bảo lãnh ngân hàng bao gồm ba chủ thể: Thứ nhất là bên bảo lãnh, thứ hai là bên
được bảo lãnh và thứ ba là bên nhận bảo lãnh
2. Phân tích nội dung cơ bản của mỗi quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể trong
bảo lãnh ngân hàng:
Bên bảo lãnh:
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành,
bên bảo lãnh trong nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng là các tổ chức tín dụng có đủ những
điều kiện theo luật định. Các tổ chức tín dụng này bao gồm: ngân hàng thương mại nhà
nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài tại Việt Nam, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển, ngân hàng hợp tác và
một số tổ chức tín dụng khác được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ
bảo lãnh đối với khách hàng. Ngoài ra pháp luật còn quy định nếu bên nhận bảo lãnh
trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng là cá nhân, tổ chức nước ngoài thì bên bảo lãnh
chuyên nghiệp chỉ có thể là ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế.Điều
kiện của tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh chuyên nghiệp với khách
hàng:
Theo quy định tại điều 3 quyết định 26/2006/QĐ-NHNN:
“Tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh:
1. Các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
2. Các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động thanh toán quốc tế
được thực hiện các loại bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh là các tổ chức và cá nhân nước
ngoài.”
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bảo lãnh:
Trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng không chỉ có tư cách là
người bảo lãnh giống như trong bất kỳ người bảo lãnh nào trong bảo lãnh thực hiện
nghĩa vụ dân sự mà có thêm tư cách của nhà kinh doanh ngân hàng. Vì thế, việc quy
định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng
cũng không giống hoàn toàn với quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh trong quan hệ
bảo lãnh dân sự.
Quyền của bên bảo lãnh ( Khoản 1 điều 23 QĐ 26/2006):
+ Chấp nhận hoặc từ chối đề nghị cấp bảo lãnh của khách hàng hoặc của bên bảo
lãnh đối ứng: Quyền năng này được pháp luật quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc
quyền tự do kinh doanh của tổ chức tín dụng, đồng thời đề cao tính tự chịu trách nhiệm
của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh trên thị trường. Việc nhận hay không
nhận bảo lãnh là xuất phát từ “ý chí” của tổ chức tín dụng mà không có sự can thiệp từ
các chủ thể khác.
+ Đề nghị bên xác nhận bảo lãnh xác nhận bảo lãnh đối với khoản bảo lãnh của
mình cho khách hàng:
+ Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến việc thẩm
định bảo lãnh và tài sản bảo đảm (nếu có).
Cơ sở khoa học của quy định quyền năng pháp lý này cho tổ chức tín dụng là nhằm
bảo đảm an toàn về phương diện quyền lợi cho tổ chức tín dụng, đồng thời nhằm mục
đích đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nền kinh tế và nâng
cao ý thức trách nhiệm hợp đồng cho bên khách hàng đề nghị bảo lãnh.
+ Yêu cầu khách hàng có các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả lại của
họ đối với mình: Việc quy định quyền năng này cũng không ngoài mục đích chính yếu
là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh.
+ Thu phí bảo lãnh theo thoả thuận: Quy định này có nghĩa là tổ chức tín dụng
khi thực hiện bảo lãnh được quyền yêu cầu khách hàng được bảo lãnh phải thanh toán
tiền phí dịch vụ bảo lãnh cho mình theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh sau
khi đã phát hành thư bảo lãnh và gửi cho bên nhận bảo lãnh. Sở dĩ pháp luật quy định
như vậy là vì theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ bảo lãnh thì tổ chức tín dụng phải
phát hành thư bảo lãnh để gửi cho bên nhận bảo lãnh vì quyền lợi của khách hàng được