A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các
quy định pháp luật hiện hành, quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính
khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) đối với các tổ chức, cá nhân
vi phạm hành chính (theo quan điểm của Giáo trình Luật hành chính Việt Nam của Trường
Đại học Luật Hà Nội 2009). Dựa vào định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng xử
phạt vi phạm hành chính có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của những chủ thể
nhất định. Do đó việc pháp luật có quy định về thẩm quyền cũng như thủ tục xử phạt vi
phạm hành chính cũng nhằm mục đích đảm bảo cho hoạt động Nhà nước tiến hành hợp lý
cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tập thể và Nhà nước. Từ những
lý do trên, đề tài “Đánh giá tính hợp lý của pháp luật về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi
phạm hành chính” đã được chọn nhằm đưa ra những đánh giá cá nhân của tác giả để từ đó
cung cấp cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề này.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.
I. Cơ sở lý luận.
- Vi phạm hành chính có thể hiểu là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý
hoặc vô ý, vi phạm các quy định cảu pháp luật về quản lí nhà nước mà không phải là tội
phạm theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính.
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được giao cho nhiều cơ quan, cán bộ có
thẩm quyền khác nhau.
II. Tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt hành chính được quy định tại Điều 42
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) như sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ Điều
31 đến Điều 40d của Pháp lệnh này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh
vực, ngành mình quản lý.
Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều
người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
2. Thẩm quyền xử phạt của những người được quy định tại các điều từ Điều 28
đến Điều 40d của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành
chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối
đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành
chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc
thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt
quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm
quyền xử phạt;
c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành
khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt
nơi xảy ra vi phạm.”
2. Vai trò của những quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính.
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) và
các văn bản khác về xử phạt vi phạm hành chính như các Nghị định của Chính phủ, Thông
tư của các Bộ trưởng là cơ sở pháp lý để xác định cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền xử
phạt để từ đó góp phần loại trừ tình trạng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức
bị xử phạt bởi người không có thẩm quyền; người có thẩm quyền áp dụng hình thức phạt
nào đó nhưng lại vượt quá mức cho phép, thậm chí áp dụng hình thức xử phạt mà pháp luật
không cho phép. Hơn nữa, những quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn
là cơ sở để ngăn ngừa sự lạm quyền trong quá trình xử phạt, đảm bảo việc xử phạt được
tiến hành nhanh chóng, kịp thời, công minh.
3. Đánh giá những ưu điểm tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi
phạm hành chính.
– Về cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Pháp lệnh năm 2002 (sửa
đổi, bổ sung năm 2007, 2008) đã dành riêng một chương (Từ Điều 28 đến Điều 42) quy
định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Các cơ quan được xác định có thẩm quyền
này bao gồm: UBND các cấp, các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực (Hải quan, kiểm lâm,
cảnh sát, quản lý thị trường), TAND các cấp, cơ quan thi hành án. Như vậy, theo Pháp lệnh
thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu thuộc về các cơ quan hành chính Nhà
nước, trong đó cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền chung ở địa phương (Ủy ban
nhân dân các cấp) có thẩm quyền xử phạt đối với mọi vi phạm hành chính xảy ra trên địa
bàn quản lý của mình, còn các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối
với các vi phạm hành chính xảy ra trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Việc Pháp lệnh
tập trung giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các cơ quan hành chính (người có
thẩm quyền) là hợp lý. Với tư cách là thiết chế hoạt động thường xuyên, liên tục, cơ quan
hành chính đủ điều kiện đảm bảo xử lý nhanh chóng, có hiệu quả các vi phạm hành chính.
Hơn nữa, vi phạm hành chính xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà trên
bất cứ địa bàn nào, dù ở cấp cơ sở cũng đều có sự hiện diện của các cơ quan quản lý. Nhờ
đó mà các cơ quan này có điều kiện phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm hành chính.
– Quy định về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt đã thể hiện rõ việc phân cấp về
xử phạt, cụ thể là mỗi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quyền áp
dụng các hình thức phạt, mức phạt khác nhau. Để đảm bảo việc xử lý không chồng chéo,
hoặc có thể một vi phạm do nhiều người xử lý Pháp lệnh năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm
2007, 2008) đã dành riêng một điều quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt
(Điều 42). Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khác nhau có quyền áp dụng các hình thức và
mức phạt khác nhau. Tương tự, đối với cơ quan thanh tra cũng có sự phân định về mức
phạt, hình thức phạt. Quy định này là hợp lý vì các cơ quan quản lý nhà nước, với vị trí
pháp lý khác nhau, phạm vi thẩm quyền khác nhau thì không thể áp dụng các hình thức
phạt, mức phạt giống nhau.
4. Đánh giá những nhược điểm tính hợp lí của pháp luật về thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính.
Có thể thấy rằng bên cạnh những mặt tích cực như đã nêu ở trên thì vẫn còn
nhiều hạn chế trong những quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính. Những hạn chế này sẽ được thể hiện qua phần trình bày dưới đây:
– Còn có sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật với nhau. Hiện nay, thẩm quyền
xử phạt VPHC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như: Pháp lệnh xử phạt VPHC,
Luật Thanh tra và trong rất nhiều Nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Các
quy định này chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau vì cơ quan nào cũng muốn được quyền xử
phạt trong lĩnh vực mình quản lý:
+ Luật Thanh tra không quy định thẩm quyền của Chánh thanh tra tổng cục, thanh
tra cục, nhưng các Nghị định lại quy định. Ví dụ như Điều 42 Nghị định 117/2009/NĐ-CP
về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định về thẩm quyền
xử phạt VPHC của Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường.
+ Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y quy định thanh tra
thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp Bộ, cấp tỉnh mà chưa
có thanh tra ở cấp huyện, cơ sở nên nhiều vi phạm ở cơ sở đã không bị xử lý.
+ Nghị định 90/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất đã tách thẩm
quyền xử phạt về ngành Công Thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này
từ trước đến nay lại thuộc lực lượng quản lý thị trường (Bộ Tài chính).
– Quy định về thẩm quyền xử phạt trong các văn bản pháp luật chưa phù hợp với
thực tiễn. Trong nhiều trường hợp nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì phần
lớn các trường hợp vi phạm ở xã, phường chỉ được lực lượng chức năng kiểm tra, phát
hiện vi phạm và lập biên bản, rồi báo cáo UBND quận, huyện, khiến cấp quận huyện bị
quá tải. Sở dĩ như vậy vì quy định là sau 10 ngày lập biên bản phải ra quyết định xử phạt
nên các cơ quan quản lý cứ phải gồng mình lên để xử lý. Còn nếu lập biên bản mà không
ra quyết định xử phạt thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương. Nhiều
địa phương đã đề nghị nâng mức phạt thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường vì theo
quy định hiện nay, tuy thẩm quyền xử phạt của cấp xã đã nâng lên 2 triệu nhưng cấp xã vẫn
không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn mức này, nên
lại phải chuyển lên cấp quận, huyện để xử phạt. Hơn nữa, xuất phát từ sự khác biệt về kinh
tế xã hội của địa bàn xã, phường, mức phạt trên đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là
phù hợp. Song, với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, đây là mức phạt quá thấp, không
phù hợp với đặc điểm địa bàn phường là nơi các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương
mại – dịch vụ diễn ra sôi động, tình hình trật tự xã hội phức tạp.
– Một số quy định của pháp luật còn chung chung, chưa rõ ràng, minh bạch. Ví dụ:
Điều 12 và Điều 13 Pháp lệnh năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định về
các hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền, song chưa có sự phân biệt thế nào là vi phạm
hành chính nhỏ để áp dụng hình thức phạt cảnh cáo hay phạt tiền. Hơn nữa, quy định về
mức phạt tiền tối thiểu và tối đa còn có khoảng cách quá xa, điều này sẽ dẫn tới tình trạng
có những vi phạm hành chính với tính chất, mức độ như nhau nhưng các cơ quan có thẩm
quyền XPVPHC lại quyết định các mức phạt khác nhau.
5. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm
quyền xử phạt hành chính
– Trước hết, cần quy định lại hợp lý hệ thống các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC.
Việc quy định về các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC phải dựa trên cơ sở: bất cứ hành vi
vi phạm hành chính ở lĩnh vực nào cũng cần có chủ thể xử lý kịp thời, nhanh chóng, đúng
pháp luật. Người có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực nào thì có thẩm quyền xử lý các
vi phạm hành chính phát sinh trong ngành, lĩnh vực đó. Cần xác định chủ thể ra quyết định
xử phạt là cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm xử lý đúng đắn các vi phạm hành chính đồng
thời quy định rõ trách nhiệm của họ trong việc ra quyết định xử phạt.
– Thẩm quyền xử phạt không chỉ thể hiện ở việc xác định cơ quan nào có quyền
phạt mà trước hết thể hiện ở hình thức và mức phạt. Quy định về hình thức, mức phạt mà
người có thẩm quyền áp dụng phải phù hợp với đặc thù quản lý ngành, lĩnh vực, với tình
hình thực tế. Lĩnh vực quản lý nào càng quan trọng, càng phức tạp, hành vi vi phạm trong
lĩnh vực đó càng nguy hiểm, mức phạt phải càng cao thì mới bảo đảm tác dụng răn đe,
trừng phạt, phòng ngừa.
– Quy định của pháp luật về hình thức phạt tiền cho thấy mức phạt tối thiểu và tối
đa có khoảng cách khá xa. Để việc áp dụng mức phạt tiền được đúng đắn, trong các văn
bản về XPVPHC cần cụ thể hóa hơn nữa các dấu hiệu của vi phạm hành chính. Cụ thể, cần
chia nhỏ khung phạt tiền để tránh tình trạng các vi phạm hành chính có tính chất, mức độ
như nhau nhưng người có thẩm quyền áp dụng các mức phạt rất khác nhau.
III. Tính hợp lí của pháp luật về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
1. Các loại thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
a. Thủ tục đơn giản.
Theo quy định tại Điều 54 Pháp lệnh XLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2008), thủ
tục đơn giản là trường hợp xử phạt mà người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản
mà ra quyết định xử phạt tại chỗ. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục
đơn giản bao gồm:
– Hành vi vi phạm hành chính mà mức phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến
200.000 đồng;
– Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà hình thức và mức
phạt quy định đối với mỗi hành vi đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.