Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI TƯ DUY - TIỀM NĂNG TO LỚN GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (79.33 KB, 5 trang )

ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI TƯ DUY - TIỀM NĂNG TO LỚN GÓP PHẦN NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG
Tác giả: ThS. Lê Quang Hoạt - Trường CĐSP Quảng Ngãi
Trong thời đại “Kinh tế tri thức” đòi hỏi các trường Đại học phải luôn tìm kiếm
những giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của
“Thị trường lao động”. Các trường Đại học địa phương hầu hết là những trường
mới thành lập nên càng phải năng động hơn trong lĩnh vực này nhằm khẳng định vị
thế của trường trong đời sống xã hội. Trong vô số các giải pháp nhằm nâng cao
chất lượng đào tạo, trước hết các trường Đại học địa phương cần tập trung khai
thác tiềm lực yếu tố con người. Đặc biệt, mỗi trường tùy theo điều kiện của mình
tìm ra những biện pháp thích hợp để đẩy mạnh đổi mới tư duy trong đội ngũ…
Nội dung:
Ở Việt Nam suốt thời kì bao cấp, mọi hàng hóa sản xuất ra được xã hội bao
tiêu hết. Trong xã hội, do cung không đủ cầu, hàng hóa lúc nào cũng khan hiếm, nên
các nhà sản xuất thời kì này không cần phải tốn công sức vào lĩnh vực cải thiện sản
xuất nhằm nâng chất lượng hàng hóa nên vẫn ung dung không sợ bị phá sản. Trong
bối cảnh đó, tình trạng giáo dục nói chung và giáo dục Đại học nói riêng cũng diễn
ra tương tự như trong sản xuất hàng hóa. Mọi trường Đại học luôn được coi là đỉnh
cao của hệ thống giáo dục. Người tốt nghiệp Đại học nhìn chung được coi là “sản
phẩm” có giá trị cao cấp trong đời sống xã hội. Như vậy, trong môi trường bao cấp,
mọi hoạt động Kinh tế-Xã hội đều thiếu một động lực cạnh tranh mạnh mẽ để bứt
phá nhằm tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc trưng riêng. Nền giáo dục Việt
Nam suốt một thời kì dài gần như tồn tại ở trạng thái “ngủ đông”, nguồn năng lượng
”bao cấp” đủ cho cả hệ thống đó duy trì hoạt động cần thiết, tối thiểu.
Xu thế toàn cầu hóa và sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam đã tác động sâu
sắc và toàn diện tới các quá trình phát triển. Hàng loạt khái niệm như: “Thị
trường”, “Hàng hóa”, ”Chất lượng”, ”Thương hiệu”… một thời xa lạ trong đời
sống xã hội, nay đã trở thành phương tiện quan trọng trong tư duy của cá nhân, tổ
chức và cộng đồng. Giáo dục là quá trình xã hội không thể đứng ngoài qui luật của
hệ thống. Khi sức lao động được coi là hàng hóa thì giáo dục nói chung và giáo
dục Đại học nói riêng buộc phải tuân theo tính cạnh tranh của qui luật “Kinh tế thị


trường hàng hóa”. Thực tiễn đã và đang chứng minh: Hệ thống giáo dục Việt Nam
đang ở vị thế tự lột xác và chuyển hóa để phù hợp với các qui luật nội tại và đáp
ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội.
Nền giáo dục Đại học ở các địa phương bên cạnh những thời cơ và thách thức
chung của bậc giáo dục Đại học trong cả nước, còn phải đương đầu với vô số khó
khăn do sự “sinh sau, đẻ muộn” so với Đại học vùng và Đại học quốc gia. Xét theo
quá trình sản xuất, các đại ở địa phương vừa thiếu, vừa yếu ở tất cả các yếu tố của
chu trình sản xuất: Đầu vào, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ người lao động, nhà
quản lí, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Tất cả những yếu tố đó đều là những thành
phần có ý nghĩa quyết định trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra
“thương hiệu đào tạo” cho nhà trường.
Các chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, của hệ
thống giáo dục rất phong phú, nhưng bao giờ cũng phải gắn với đặc trưng và sự vận
hành của từng yếu tố trong hệ thống. Tuy vậy, yếu tố con người trong nền sản xuất
hiện đại, luôn được coi là yếu tố trung tâm và là yếu tố quyết định đối với mọi quá
trình phát triển. Với quan điểm xuất phát này, các trường Đại học địa phương muốn
nhanh chóng trưởng thành, khẳng định vị thế của trường thì phải nỗ lực, phấn đấu
nhiều mặt, trong đó then chốt vẫn là yếu tố con người. Nâng cao tiềm lực đội ngũ,
đẩy mạnh khả năng tư duy sáng tạo của các thành viên trong trường chính là chiến
lược phát triển bền vững, lâu dài của các trường Đại học địa phương.
Có thể nói yếu tố cơ sở vật chất và số lượng đội ngũ cán bộ đạt trình độ chuẩn
qui định là trong số tiền đề cần thiết để khai sinh một trường Đại học địa phương.
Tuy vậy, trong thực tế, tiềm lực đội ngũ Cán bộ-Giảng viên trong giai đoạn mới
thành lập trường (cả cơ hữu lẫn thỉnh giảng) nói chung còn thấp so với yêu cầu của
giáo dục trình độ đại học. Mặt khác, ngoài đội ngũ giảng viên, chủ thể tham gia
đào tạo ở trường Đại học còn gồm nhiều lực lượng, nhiều bộ phận khác nhau.
Trong quá trình phấn đấu xây dựng trường Đại học, không phải tất cả các chủ thể
đào tạo đều đã được chuẩn bị tiềm lực cần thiết để đáp ứng nhiệm vụ mới. Trong
bối cảnh này đòi hỏi các chủ thể đào tạo ở trường Đại học địa phương cần tích cực
tự nâng cao trình độ, đổi mới tư duy mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu đào tạo ở trình

độ đại học.
Vấn đề cốt lõi đặt ra là: Định hướng đổi mới tư duy của các chủ thể tham gia
đào tạo ở các trường đại học địa phương trong thời kì này là gì? Mỗi trường có
điểm xuất phát riêng, điều kiện đặc thù, có những tiềm lực khác nhau… Do đó, có
những giải pháp khác nhau để phát triển, khai thác chất xám của đội ngũ. Nét
giống nhau giữa các trường Đại học địa phương là: Quá trình đào tạo ở trình độ đại
học hoàn toàn mới, chưa nằm trong kinh nghiệm của hầu hết chủ thể đào tạo.
Về phương diện lí thuyết, định hướng đổi mới tư duy của chủ thể đào tạo cần
gắn kết với đặc trưng và những khía cạnh cụ thể xuất hiện trong các yếu tố của cấu
trúc hệ thống của quá trình giáo dục Đại học. Trong đó cần chú ý một số yếu tố cơ
bản là:
- Mục tiêu đào tạo: Giáo dục Đại học đòi hỏi phải hướng tới mô hình nhân
cách chuyên gia trong bối cảnh hiện nay là am hiểu lí thuyết khoa học, thành thạo tay
nghề thuộc một lĩnh vực nào đó của các quá trình Kinh tế-xã hội. Ngoài yêu cầu
chung về mô hình người lao động mới, mục tiêu giáo dục trình độ Đại học nhấn mạnh
khả năng tư duy khoa học cao, tính sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong khoa học
và thực tiễn đặt ra. Sự đa dạng, đa tuyến và trình độ cao của mục tiêu giáo dục Đại
học là cái chi phối cả hệ thống.
- Nội dung đào tạo: Yếu tố này thể hiện lôgic khoa học cao hơn các trình độ
giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nội dung được lựa chọn, thiết kế
bám sát mục tiêu chuyên ngành, mang tính thực tiễn cao. Mặt khác, nội dung đào
tạo ở Đại học mang tính linh hoạt, thường xuyên được cập nhật thông tin mới, hiện
đại, bám sát thực tế…Do đó, nó phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực khai thác thông
tin, nghiên cứu khoa học của các chủ thể đào tạo.
- Phương pháp đào tạo: Cốt lõi của yếu tố này ít có sự thay đổi đột biến,
chúng có sự kế thừa và phát triển hệ phương pháp giáo dục-đào tạo nói chung. Vấn
đề nhạy cảm và khó khăn là sự phá vỡ thói quen hành động theo nguyên tắc “phù
hợp với đối tượng”, yếu tố này có thể từng tạo ra thành công ở các mô hình đào tạo
trước đó; tức là thực sự phải có phương thức hành động mới phù hợp mô hình đào
tạo trình độ đại học.

- Đối tượng đào tạo: Sinh viên, ở góc độ đại trà và chính qui để xem xét,
không thể đơn giản qui đó là một tập hợp những cá thể vừa tốt nghiệp phổ thông
trung học hoặc tương đương chuyển đến. Để đạt kì vọng vào học ở đại học, hầu hết
các sinh viên đều có tiềm lực trí tuệ khá cao, đủ đáp ứng yêu cầu học tập ở đại học.
Đặc điểm này đòi hỏi các chủ thể đào tạo phải có sự ứng xử và phương pháp tổ chức
phù hợp khác với đào tạo ở các trình độ khác.
- Chủ thể đào tạo: Yếu tố này bao gồm nhiều cá nhân, nhiều bộ phận với
những vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp và chủ
đạo đối với chất lượng đào tạo trong nhà trường. Khi trường Đại học mới thành
lập, năng lực tham gia quá trình đào tạo của các chủ thể còn ở mức khiêm tốn. Để
nhanh chóng đảm đương nhiệm vụ mới, hơn bao giờ hết các chủ thể phải tích cực,
nỗ lực tự bồi dưỡng và đổi mới tư duy.
- Yếu tố môi trường: Các trường Đại học điạ phương có mối quan hệ mật
thiết với mọi mặt đời sống của một cộng đồng nhất định (trước hết là một tỉnh và
các vùng phụ cận). Mối tương tác giữa hoạt động đào tạo của nhà trường và nhu
cầu, khả năng sử dụng nguồn lực của điạ phương có ảnh hưởng to lớn tới sự phát
triển của nhà trường. Trong mối quan hệ này cần có sự thay đổi cơ bản trong nhận
thức và hành động lãnh đạo, quản lí của địa phương. Hơn nữa, cộng đồng cũng cần
thay đổi hệ giá trị trong ứng xử với các trường Đại học địa phương.
Nhận thức đúng về quá trình đào tạo ở trình độ Đại học của đội ngũ cán bộ-
giảng viên thực chất là sự tự bồi dưỡng để nâng tầm bản thân. Đây là tiền đề quan
trọng tạo ra sức đột phá trong đổi mới tư duy quá trình giáo dục Đại học.
Về góc độ thực tiễn, khi quá trình đào tạo bắt đầu vận hành, các trường Đại học
địa phương cần có sự đổi mới tư duy về sự điều hành, phối hợp hoạt động giữa các
lực lượng, các bộ phận tham gia đào tạo (cả trực tiếp lẫn gián tiếp). Trong đó cần
quan tâm tới đặc trưng hoạt động và mối quan hệ giữa ba bộ phận cơ bản: Trực tiếp
đào tạo-Hỗ trợ đào tạo-Phục vụ đào tạo. Ở lĩnh vực này cần chú ý một số vấn đề sau:
- Bộ phận trực tiếp tham gia đào tạo: Lực lượng này chủ yếu là đội ngũ
Giảng viên của nhà trường. Trong quá trình hình thành trường đại học, nhìn chung
bộ phận này tích cực vận động nhất để tạo cơ sở thành lập trường. Trong giai đoạn

đầu của quá trình đào tạo, đội ngũ này có thể mau chóng thích ứng nhất với yêu
cầu mới. Nhưng trong lâu dài, đội ngũ này cần phải được tạo điều kiện để phát
triển chuyên môn sâu; được tạo điều kiện thường xuyên chia xẻ, khai thác thông tin
để đáp ứng yêu cầu đào tạo chuyên ngành bậc Đại học.
- Bộ phận hỗ trợ đào tạo: Bộ phận này bao gồm nhiều bộ phận nhỏ như:
Thư viện, thí nghiệm, thực hành… Trong trường đại học, vai trò của các bộ phận
này rất quan trọng, thậm chí quyết định đặc trưng hoạt động đào tạo của nhà
trường nói chung, một ngành nói riêng. Trong quá trình vận động hình thành
trường Đại học địa phương, công tác chuẩn bị các mặt cần thiết cho bộ phận này
nhìn chung còn yếu và chậm so với yêu cầu chung. Khi quá trình đào tạo vận hành,
sự chậm đổi mới cách hoạt động của các bộ phận này sẽ gây hạn chế chung cho cả
quá trình đào tạo nói chung và quá trình giảng dạy-học tập trên giảng đường nói
riêng. Như vậy, ở các trường Đại học địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa năng lực
hoạt động của bộ phận này và phải xác lập cơ chế liên thông chặt chẽ giữa bộ phận
đào tạo với bộ phận hỗ trợ đào tạo.
- Bộ phận vụ đào tạo: Theo nghĩa rộng nhất là toàn thể các cá nhân, bộ phận
trong nhà trường có chức năng tạo ra các điều kiện cần thiết để hoạt động giáo dục-
đào tạo của nhà trường diễn ra thuận lợi nhất. Bộ phận này có những yêu cầu chuyên
môn đặc thù và nhiệm vụ độc lập tương đối trong nhà trường. Nhưng nhà trường
luôn là “cơ thể sống”, trong đó các bộ phận là một thể thống nhất. Do đó, các bộ
phận phục vụ đào tạo cũng phải tự vận động mạnh tìm ra các phương thức”dịch vụ”,
“cung ứng” và “đòi hỏi” mới phù hợp với xu thế đổi mới chung của nhà trường.
Cần nhấn mạnh rằng, hoạt động giáo dục trong trường Đại học mang tính mở
cao, các quan hệ mang tính mềm dẻo, linh hoạt. Vì vậy, thiếu sự phối hợp đồng bộ,
chặt chẽ giữa các bộ phận thì hiệu quả đào tạo của nhà trường sẽ giảm sút.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay các trường Đại học địa phương như những
nhà doanh nghiệp lần đầu tham gia nền “Kinh tế thị trường” nên phải đương đầu
với muôn vàn thử thách. Yếu tố nào cũng cần thiết và quan trọng để giúp nhà
trường tìm chỗ đứng trong sân “thị trường lao động”cao cấp. Trong các yếu tố đó,
yếu tố con người trong nhà trường giữ vai trò trung tâm, chủ đạo của các hoạt động

giáo dục-đào tạo. Do vậy, để nhanh chóng đuổi kịp nền giáo dục Đại học trong cả
nước, hơn bao giờ hết, các trường Đại học địa phương cần ưu tiên hàng đầu vào
công tác bồi dưỡng, sử dụng và khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ-giảng
viên của trường trong mọi lĩnh vực hoạt động.

×