MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN ĐỘC QUYỀN TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN
THƯƠNG MẠI SO SÁNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM, PHÁP VÀ LIÊN MINH CHÂU
ÂU
Một số điều khoản độc quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương
mại
So sánh pháp luật Việt Nam, Pháp và Liên minh châu Âu
Ngô Quốc Chiến*
KTĐN số 67/2014
Nhượng quyền thương mại (NQTM) là một hình thức kinh doanh trong đó
bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền quyền khai thác nhãn hiệu và bí
quyết kinh doanh. Bên nhận quyền, là các thương nhân độc lập, có nghĩa vụ
khai thác mô hình kinh doanh theo đúng các quy định và quy trình do bên
nhượng quyền đặt ra. Mục đích của NQTM là nhân rộng mô hình kinh doanh
đã được bên nhượng quyền thực hiện thành công trên một phạm vi địa lý
nhất định. Vì vậy việc tạo ra và duy trì tính độc đáo và đồng nhất của mô hình
kinh doanh đóng vai trò then chốt. Các yếu tố liên quan trực tiếp đến mô hình
kinh doanh là chất lượng hàng hoá, dịch vụ (gọi chung là sản phẩm); nhãn
hiệu hàng hoá, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại của bên nhượng
quyền; hoạt động quảng cáo, khuyến mại; phương thức phục vụ; cách thức
bài trí cơ sở kinh doanh…Tính đồng nhất trong các mắt xích của chuỗi NQTM
chỉ có thể được bảo đảm khi các bên nhận quyền tuân thủ trung thành mô
hình kinh doanh, khai thác bí quyết kinh doanh một cách nhất quán trong
toàn mạng lưới NQTM. Để đạt được mục đích này, bên nhượng quyền thường
đưa vào hợp đồng các điều khoản độc quyền về lãnh thổ, độc quyền cung cấp
sản phẩm, và trong một số trường hợp còn ấn định giá bán lại sản phẩm. Nếu
như các thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh này là cần thiết để duy trì
sự ổn định của hệ thống, bảo vệ bí quyết kinh doanh, uy tín của thương hiệu,
thì mặt khác chúng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của bên nhận quyền, người
tiêu dùng và các doanh nghiệp khác trên thị trường sản phẩm liên quan.
Trong một số trường hợp, bên nhận quyền - về nguyên tắc là thương nhân
độc lập - trở thành người làm thuê cho bên nhượng quyền, hoặc trở thành
bàn đạp để nhà cung cấp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Vậy
phải điều hòa như thế nào lợi ích riêng của các bên trong hợp đồng và lợi ích
chung của thị trường? Tác giả sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này thông qua
việc so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật Pháp và pháp luật của Liên
minh châu Âu. Tác giả sẽ tập trung so sánh các quy định pháp luật và thực
tiễn xét xử liên quan đến các thỏa thuận độc quyền lãnh thổ (I), thỏa thuận
độc quyền phân phối sản phẩm (II) và thỏa thuận ấn định giá bán lại (III).
Từ khóa: độc quyền lãnh thổ, độc quyền cung cấp sản phẩm, điều hòa lợi ích.
I. Thỏa thuận độc quyền lãnh thổ
Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho cả hệ thống, bên nhượng quyền thường
quyết định số lượng cửa hàng nhượng quyền trên một khu vực địa lý nhất
định bằng việc phân chia khu vực kinh doanh cụ thể cho mỗi bên nhận quyền.
Quy định này giúp tránh được sự cạnh tranh giữa các bên nhận quyền với
nhau và giữa các bên nhận quyền với chính bên nhượng quyền. Khi đó, mỗi
đơn vị nhận quyền sẽ có thể có hiệu suất khai thác cao nhất để từ đó cạnh
tranh tốt hơn với các hệ thống khác
[1]
.
Độc quyền lãnh thổ có thể bao gồm độc quyền khai thác mô hình nhượng
quyền, độc quyền nhãn hiệu (độc quyền tương đối) và độc quyền phân phối
(độc quyền tuyệt đối) trong một phạm vi địa lý nhất định.
Độc quyền khai thác mô hình kinh doanh là thỏa thuận theo đó bên nhượng
quyền cam kết sẽ không mở thêm bất kỳ cửa hàng nhượng quyền nào tại khu
vực địa lý đã trao cho bên nhận quyền. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là
bên nhận quyền cũng không được mở thêm các cửa hàng bên ngoài phạm vi
đã được trao. Loại độc quyền này được coi là tương đối nếu hợp đồng NQTM
không có quy định buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của bên nhượng
quyền, và như vậy bên nhận quyền được tự do bán các sản phẩm của các nhà
cung cấp khác.
Độc quyền nhãn hiệu và các dấu hiệu thu hút khách hàng là thỏa thuận theo
đó bên nhận quyền cam kết không cho phép bất kỳ đối tác khác nào của bên
nhượng quyền treo biển hiệu và bán sản phẩm mang nhãn của bên nhượng
quyền trong phạm vi địa lý đã trao cho bên nhận quyền. Đây cũng là một loại
độc quyền tương đối, vì bên nhận quyền vẫn được phép bán sản phẩm của
các nhà cung cấp khác.
Độc quyền phân phối là thỏa thuận theo đó bên nhận quyền là người duy
nhất được phép (và cũng là buộc phải) phân phối các sản phẩm mang nhãn
hiệu của bên nhượng quyền trong phạm vi địa lý độc quyền. Đây là loại độc
quyền tuyệt đối vì nó bao hàm cả độc quyền khai thác mô hình kinh doanh,
độc quyền nhãn hiệu và độc quyền cung cấp sản phẩm trong một phạm vi địa
lý nhất định.
Điều khoản độc quyền lãnh thổ, dù tương đối hay tuyệt đối, đều có hậu quả
hạn chế quyền tự do kinh doanh và khả năng phát triển của bên nhận quyền
cũng như của các doanh nghiệp khác. Các thỏa thuận này cũng làm hạn chế
khả năng lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm của người tiêu dùng trong một
khu vực địa lý nhất định.
Pháp luật của đa số các nước đều coi thỏa thuận phân chia khu vực địa lý
giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền là một loại thỏa thuận hạn
chế cạnh tranh theo chiều dọc, bởi bên nhượng quyền và các bên nhận quyền
hoạt động trên hai giai đoạn khác nhau của một chu trình kinh doanh.
Tại Việt Nam, luật cạnh tranh năm 2004 không chia các thỏa thuận cạnh
tranh ra thành chiều ngang hay chiều dọc, mà quy định mang tính chất liệt
kê.Theo tinh thần của điều 8 Luật này,thỏa thuận độc quyền lãnh thổ thuộc
nhóm thỏa thuận “phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa,
cung ứng dịch vụ”.
Tuy nhiên, thỏa thuận phân chia khu vực địa lý không mặc nhiên bị coi là vi
phạm pháp luật cạnh tranh. Nó chỉ bị cấm khi “các bên tham gia thoả thuận
có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”
[2]
. Trên thực tế,
các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức NQTM thường là các doanh
nghiệp vừa và nhỏ, nên rất khó chiếm từ 30% trở lên thị trường liên quan, và
như vậy không chịu sự điều chỉnh của quy định này. Hơn nữa, ngay cả khi thị
trường kết hợp của các bên trong hợp đồng NQTM đạt trên 30%, thì thỏa
thuận độc quyền lãnh thổ vẫn có thể được miễn trừ theo các quy định của
khoản 1, điều 10 luật cạnh tranh 2004. Trên thực tế, bên nhượng quyền sẽ dễ
dàng chứng minh rằng thỏa thuận độc quyền lãnh thổ trong hợp đồng NQTM
là nhằm “hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả
kinh doanh”, hoặc “thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất
lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm”.
Như vậy, tại Việt Nam, dường như bên nhượng quyền có thể cấm tuyệt đối
bên nhận quyền bán hàng ra ngoài phạm vi lãnh thổ địa lý đã thỏa thuận
trong hợp đồng.
Tại Pháp
[3]
, điều khoản độc quyền lãnh thổ được xếp vào nhóm thỏa thuận
hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc và không mặc nhiên bị coi là vi phạm các
nguyên tắc tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, bên nhượng quyền không được phép
cấm tuyệt đối bên nhận quyền bán hàng bên ngoài phạm vi lãnh thổ địa lý
quy định trong hợp đồng. Pháp luật của Pháp, cũng như của Liên minh châu
Âu, chia việc bán hàng (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) thành hai nhóm là
bán hàng chủ động
[4]
và bán hàng không chủ động
[5]
. Mặc dù bị ràng buộc bởi
điều khoản độc quyền lãnh thổ, nhưng bên nhượng quyền cũng như bên nhận
quyền vẫn được bán hàng cho các khách hàng đơn lẻ bên ngoài lãnh thổ độc
quyền và được mở trang web để giới thiệu và bán hàng cho các đối tượng
khách hàng thuộc mọi khu vực địa lý. Vụ việc được phân tích dưới đây cho
thấy điều này.
Năm 1998 công ty Flora Partner (bên nhượng quyền) đã ký hợp đồng trao
cho công ty Laurent X Rouvelet-LPR (bên nhận quyền) quyền độc quyền
phân phối hoa tươi nhãn hiệu “Le Jardin des fleurs” trong một cửa hàng cùng
tên đặt tại quận 6, thành phố Marseille. Điều khoản độc quyền lãnh thổ của
hợp đồng này quy định: “độc quyền lãnh thổ bao hàm việc bên nhượng quyền
cam kết, trong thời hạn của hợp đồng này, không cho phép mở các cửa hàng
mang biển hiệu “Le Jardin des fleurs” trong phạm vi địa lý độc quyền đã nêu ở
trên”. Tuy nhiên, 1 năm sau, bên nhượng quyền đã mở một trang web giới
thiệu và bán các loại hoa tươi nhãn hiệu “Le Jardin des fleurs” và trên thực tế
đã chấp nhận các đơn đặt hàng trên toàn lãnh thổ Pháp. Cho rằng bên
nhượng quyền vi phạm điều khoản độc quyền lãnh thổ, bên nhận quyền đã
đơn phương chấm dứt hợp đồng và kiện bên nhượng quyền ra tòa đòi bồi
thường thiệt hại. Tòa sơ thẩm Bordeaux cho rằng “nghĩa vụ độc quyền lãnh
thổ là một nội dung cơ bản của hợp đồng giúp cho bên nhận quyền bảo vệ
đầu tư của mình và đảm bảo sự thành công thương mại”, và, mặt khác “ngay
cả khi cho rằng đó là một cách bán hàng thụ động, nhưng khách hàng hoàn
toàn có thể tra cứu thông tin và đặt hàng qua mạng của bên nhượng quyền,
nên việc bán hàng qua mạng này ảnh hưởng đến vị trí độc quyền của bên
nhận quyền”
[6]
. Tuy nhiên, bản án đã bị Tòa tối cao Pháp hủy vì lý do “một
gian hàng trên web không được coi là một điểm bán hàng trong phạm vi địa
lý độc quyền”
[7]
.
Tại EU, những điều khoản độc quyền lãnh thổ cấm tuyệt đối các bên nhận
quyền bán hàng ra ngoài phạm vi lãnh thổ thỏa thuận sẽ bị coi là vi phạm
pháp luật cạnh tranh. Thật vậy, trong vụ tranh chấp Pronuptia, Tòa án Tư
pháp châu Âu
[8]
đã đưa ra nhận định chung rằng “các điều khoản phân chia
thị trường giữa bên nhượng quyền với các bên nhận quyền hoặc giữa các bên
nhận quyền với nhau là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo tinh thần
của điều 85, đoạn 1”.
II. Độc quyền cung cấp sản phẩm
Mặc dù pháp luật của VN cũng như pháp luật của Pháp đều không cho rằng
độc quyền phân phối không phải là một điều khoản chủ yếu của hợp đồng
NQTM, nhưng trong rất nhiều trường hợp bên nhượng quyền buộc bên nhận
quyền phải mua sản phẩm của mình hoặc của một nhà cung cấp do mình chỉ
định. Điều khoản độc quyền cung cấp có thể mang lại lợi ích cho cả bên nhận
quyền lẫn bên nhượng quyền. Bên nhận quyền được đảm bảo rằng sẽ được
cung cấp sản phẩm một cách thường xuyên, ổn định để phục vụ khách hàng.
Còn bên nhượng quyền thì có thể bán cho tất cả các bên nhận quyền trong hệ
thống các sản phẩm do mình hoặc do đối tác của mình sản xuất ra. Nhờ đó,
anh ta có thể bảo vệ được thương hiệu cũng như sự đồng nhất của chất
lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, điều khoản độc quyền cung cấp mang lại nhiều lợi ích hơn cho bên
nhượng quyền, và gây nhiều bất lợi cho bên nhận quyền, cũng như có thể bóp
méo tự do cạnh tranh. Trên thực tế, bên nhận quyền phải chịu hai bất lợi lớn.
Thứ nhất, bên nhận quyền không được phép mua các sản phẩm tương tự của
các nhà cung cấp khác. Thứ hai, bên nhận quyền rất khó đàm phán giá mua
các sản phẩm này với bên nhượng quyền, và trong một số trường hợp, còn
phải bán lại sản phẩm theo các mức giá mà bên nhượng quyền ấn định, hoặc
khuyến nghị, trong khi mình là một thương nhân độc lập. Ngoài ra, điều
khoản độc quyền cung cấp sản phẩm còn có thể có ảnh hưởng đến tự do cạnh
tranh trên thị trường nói chung.
Sau khi tìm hiểu các nội dung của điều khoản độc quyền cung cấp trang thiết
bị (1) và độc quyền cung cấp sản phẩm (2), chúng tôi sẽ phân tích các biện
pháp dung hòa lợi ích riêng của các bên trong hợp đồng và lợi ích chung của
thị trường (3).
1. Độc quyền cung cấp trang thiết bị
Ở Việt Nam, việc bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua
hoặc thuê các thiết bị của mình hoặc của người thứ ba do mình chỉ định
không mặc nhiên bị coi là hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm. Thật vậy, thông
tư số 09 ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM quy định rằng
bên nhượng quyền phải nêu rõ trong bản giới thiệu về NQTM những trang
thiết bị mà bên nhận quyền phải thuê hoặc mua. Điều này có nghĩa là bên
nhượng quyền được phép yêu cầu bên nhận quyền mua các thiết bị của mình
hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Trong trường hợp như vậy, bên
nhượng quyền phải ghi rõ vào trong bản giới thiệu về hệ thống NQTM.
Ở Pháp, so với pháp luật VN, pháp luật Pháp đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt
hơn. Thật vậy, điều khoản độc quyền cung cấp trang thiết bị chỉ hợp pháp nếu
nó nhằm duy trì sự đồng nhất của hệ thống và uy tín của thương hiệu, và bên
nhận quyền không thể tìm được các sản phẩm tương tự trên thị trường.
Trong thực tế, nhiều hợp đồng NQTM đã bị hủy hoặc bị xác định lại bản chất
bởi vì các điều khoản độc quyền cung cấp liên quan đến các sản phẩm không
nhằm mục đích duy trì sự đồng nhất của hệ thống và bên nhận quyền có thể
tìm được các sản phẩm tương tự trên thị trường
[9]
.
2. Độc quyền cung cấp sản phẩm
Theo khảo sát của chúng tôi
[10]
, trong hầu như tất cả các hợp đồng NQTM ở
VN cũng như ở Pháp đều có điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, dịch
vụ, theo đó bên nhượng quyền buộc bên nhận quyền phải mua sản phẩm của
mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Điều khoản độc quyền có thể
được tăng cường khi bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải đạt
được một doanh thu tối thiểu. Trong trường hợp đó, bên nhận quyền không
những chỉ được mua sản phẩm của bên nhượng quyền, mà còn phải thực
hiện chỉ tiêu mà bên nhượng quyền áp đặt, nếu không sẽ có nguy cơ bị chấm
dứt hợp đồng.
Trong thực tế, để tránh các quy định của pháp luật cạnh tranh, bên nhượng
quyền thường không đặt tên cho các điều khoản của mình là “độc quyền cung
cấp”, mà thường sử dụng các tên như “điều khoản quota”, “điều khoản khối
lượng mua tối thiểu”, hoặc “điều khoản chỉ tiêu”. Thông qua các điều khoản
này, bên nhượng quyền áp đặt cho bên nhận quyền phải mua một lượng hàng
nhất định của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Các điều khoản
này thường đi kèm với các điều khoản độc quyền, nhưng chúng cũng có thể
tồn tại mà không có các điều khoản độc quyền. Bên nhận quyền tự do mua và
bán lại các sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, sự tự do này trên thực tế chỉ là
hình thức. Số lượng hàng hóa bị áp đặt càng nhiều thì tự do của bên nhận
quyền càng ít.
3. Các biện pháp kiểm soát thỏa thuận độc quyền cung cấp sản phẩm
Để bảo vệ bên yếu thế (bên nhận quyền) và điều hòa lợi ích chung của thị
trường, các quy định chung của pháp luật về hợp đồng và pháp luật cạnh
tranh cùng có thể được áp dụng để trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp các
hành vi áp đặt cung cấp sản phẩm. Trên thực tế, điều khoản độc quyền là một
thỏa thuận hợp đồng nên nó phải tuân thủ tất cả các điều kiện do Bộ luật dân
sự quy định (A). Bên cạnh đó, điều khoản này cũng chứa những nội dung có
thể cản trở tự do cạnh tranh, nên cũng phải tuân theo các điều kiện do pháp
luật cạnh tranh quy định (B).
A. Kiểm soát các thỏa thuận độc quyền cung cấp thông qua các quy
định của pháp luật hợp đồng
Cũng như mọi loại thỏa thuận khác, điều khoản độc quyền cung cấp sản
phẩm phải có nội dung và mục đích hợp pháp. Đây là các điều kiện được quy
định tại điều 1108 BLDS Pháp và điều 122 BLDS 2005 Việt Nam.
Tại Việt Nam, thông tư số 09 ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động
NQTM quy định bên nhượng quyền phải nêu rõ các trang thiết bị mà bên
nhận quyền phải mua hoặc thuê để “phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên
nhượng quyền quy định”. Tuy nhiên, thông tư này lại không có quy định nào
về độc quyền cung cấp sản phẩm. Vậy, phải chăng bên nhượng quyền có thể
áp đặt cho bên nhận quyền mua bất kỳ sản phẩm nào và với bất kỳ số lượng
nào? Pháp luật dân sự không cho chúng ta câu trả lời. Trên thực tế, chúng tôi
đã thấy có những hợp đồng NQTM quy định tất cả các bên nhận quyền chỉ
bán các sản phẩm của bên nhượng quyền, mặc dù trên thị trường có những
sản phẩm tương tự với giá cạnh tranh hơn. Mặc dù điều khoản độc quyền này
không có hậu quả là một sự phân chia lớn các nguồn cung cấp hàng hóa trên
thị trường (vì trong nhiều trường hợp bên nhượng quyền chiếm thị phần
nhỏ), và như vậy không chịu sự trừng phạt của pháp luật cạnh tranh, nhưng
nó lại ảnh hưởng đến lợi ích của bên nhận quyền và của khách hàng. Pháp
luật thực định của Việt Nam chưa có những quy định điều chỉnh hiệu quả các
loại thỏa thuận này.
Chúng tôi cho rằng trong NQTM, điều khoản độc quyền không nên được coi
như là một điều khoản nhằm mục đích bán hàng thông thường. Đúng là bên
nhượng quyền (bên bán) mong muốn thu được một khoản tiền từ việc bán
sản phẩm, còn bên nhận quyền (bên mua) muốn sở hữu hàng của bên
nhượng quyền để bán lại. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của điều khoản độc
quyền cung cấp trong NQTM không phải là mua để bán lại, mà là nhằm đảm
bảo tính đồng nhất của hệ thống. Nếu vượt ra ngoài mục đích này, điều
khoản phải bị coi là vô hiệu vì không có mục đích chính đáng. Đây cũng là
những lập luận thường xuyên được Tòa án Pháp áp dụng.
Tại Pháp, để có hiệu lực, điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm phải tuân
thủ hai điều kiện cơ bản. Thứ nhất, bên nhượng quyền phải chứng minh độc
quyền sản phẩm là cần thiết để bên nhận quyền có thể khai thác được mô
hình kinh doanh theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, và để duy trì sự đồng
nhất cũng như uy tín của hệ thống. Thứ hai, không thể tìm thấy trên thị
trường những sản phẩm thay thế đảm bảo chất lượng theo các quy định của
bên nhượng quyền. Điều này có nghĩa là nếu trên thị trường có những sản
phẩm tương tự sản phẩm của bên nhượng quyền, thì bên nhượng quyền
không được buộc bên nhận quyền chỉ mua và bán lại sản phẩm của mình.
Phán quyết ngày 2/7/2002 của Tòa tối cao Pháp cho thấy điều này. Cụ thể,
công ty Intercaves đã ký ba hợp đồng trao cho bên nhận quyền quyền phân
phối độc quyền các sản phẩm tại thành phố Lorient khu vực phía Lanester và
Languidic Hennebont. Lấy lý do bên nhận quyền chưa thanh toán đủ tiền
hàng, bên nhượng quyền thông báo sẽ tạm dừng giao hàng. Về phần mình,
bên nhận quyền đã kiện bên nhượng quyền ra tòa án đòi hủy hợp đồng. Sau
rất nhiều tranh cãi, vụ việc được đưa lên xét xử tại Tòa tối cao Pháp. Tòa Tối
cao đã đồng tình với bản án của cấp phúc thẩm tuyên hủy hợp đồng vì điều
khoản độc quyền cung cấp sản phẩm “không cần thiết để duy trì sự đồng nhất
và uy tín của hệ thống” và “xét bản chất của các sản phẩm đối tượng của hợp
đồng, hoàn toàn có thể tìm thấy các sản phẩm cùng loại cùng chất lượng trên
thị trường”
[11]
.
Như vậy, theo nguyên tắc tự do giao kết, các bên trong hợp đồng NQTM được
tự do ấn định các nội dung trong thỏa thuận của mình. Tại Việt Nam, pháp
luật dân sự và pháp luật TM không có quy định nào cấm các thỏa thuận độc
quyền sản phẩm. Ở Pháp, quyền tự do này phải được thực hiện trong các giới
hạn nhất định. Bên nhượng quyền, được coi là bên mạnh thế trong hợp đồng,
không được lạm dụng thế mạnh của mình để buộc bên nhận quyền phải mua
sản phẩm của mình hoặc của nhà cung cấp do mình chỉ định. Thực tiễn xét xử
tại Pháp đã cho thấy trong nhiều trường hợp, thẩm phán áp dụng các quy
định chung của pháp luật dân sự để trừng phạt các thỏa thuận hạn chế cạnh
tranh. Giải pháp này có ưu điểm là thẩm phán sẽ không phải xem xét xem liệu
thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng NQTM có phải là thỏa thuận hạn chế
cạnh tranh hay không, và nếu đó là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì thỏa
thuận đó có thuộc trường hợp được miễn trừ hay không (một công việc
không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian). Việc áp dụng các quy định của
pháp luật hợp đồng này cũng phát huy hiệu quả đối với các thỏa thuận nhỏ,
thuộc phạm vi miễn trừ của pháp luật cạnh tranh. Như vậy, pháp luật hợp
đồng, thông qua việc bảo vệ bên yếu thế, đã gián tiếp bảo vệ thị trường khỏi
các hành vi bóp méo tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp
bên nhượng quyền chứng minh được rằng điều khoản độc quyền sản phẩm là
cần thiết để đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống và không có các sản phẩm
thay thế trên thị trường. Lúc này, các quy định của pháp luật cạnh tranh sẽ
được áp dụng và có thể sẽ gián tiếp giúp giải phóng một bên trong hợp đồng
khỏi sự phụ thuộc vào bên kia.
B. Kiểm soát các thỏa thuận độc quyền sản phẩm thông qua các quy
định của pháp luật cạnh tranh
Bảo vệ các bên trong hợp đồng không phải là mục đích chính của pháp luật
cạnh tranh, bởi nhiệm vụ hàng đầu của nó là bảo vệ thị trường
[12]
. Nhưng
thông qua các chế tài đối với các hành vi cản trở tự do cạnh tranh, pháp luật
canh tranh có tác dụng gián tiếp điều hòa hợp đồng
[13]
.
Tại Pháp, các điều L. 410-1 và tiếp theo của Bộ luật thương mại cấm mọi
cam kết, thỏa thuận hoặc điều khoản hợp đồng có nội dung hoặc có hậu quả
“hạn chế việc tiếp cận thị trường hoặc tự do cạnh tranh của các doanh
nghiệp khác”
[14]
và “phân chia các thị trường và các nguồn cung cấp”
[15]
.
Tại EU, điều 81-1 của Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu, nay là điều 101
của Hiệp ước Rome
[16]
, cấm các thỏa thuận nhằm: “hạn chế hoặc kiểm soát
sản xuất, các đầu ra của sản phẩm, phát triển kỹ thuật, đầu tư; c) phân chia
các thị trường hoặc các nguồn cung cấp”. Tuy nhiên, các thỏa thuận hạn chế
cạnh tranh có thể được hưởng miễn trừ theo các quy định của Nghị định số
330/2010 của Ủy ban châu Âu ngày 20/04/2010 về áp dụng điều 101, đoạn 3
Hiệp ước Rome
[17]
. Các hợp đồng NQTM cũng chịu sự điều chỉnh của các văn
bản này nếu chúng chứa các điều khoản độc quyền.
Tại Việt Nam, luật cạnh tranh năm 2004 cũng có những quy định tương tự.
Thỏa thuận cung cấp sản phẩm thuộc nhóm các thỏa thuận “phân chia thị
trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ”
[18]
và “hạn chế
hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch
vụ”
[19]
. Các thỏa thuận này sẽ bị cấm nếu “các bên tham gia thoả thuận có thị
phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”
[20]
. Tuy nhiên, ngay cả
khi thị phần kết hợp trên thị trường liên quan đạt trên 30% thì các thỏa
thuận này vẫn có thể được hưởng miễn trừ theo quy định tại điều 10, nếu, với
mục đích nhằm hạ giá thành có lợi cho người tiêu dùng, chúng “hợp lý hoá
cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, hoặc
“thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch
vụ”. Miễn trừ cũng được áp dụng nếu điều khoản độc quyền nhằm “thúc đẩy
việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của
chủng loại sản phẩm”, hoặc “tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp
nhỏ và vừa”.
Như vậy, không có khác biệt căn bản giữa các hệ thống pháp luật của Việt
Nam, của Pháp và của Liên minh châu Âu, ngoại trừ việc trong luật của Liên
minh châu Âu, ngưỡng thị trường được ấn định ở mức 10% của thị trường
có liên quan đối với các thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh hiện đang tồn
tại hoặc tiềm năng. Ngưỡng này là 15% khi các doanh nghiệp không phải là
các đối thủ cạnh tranh hiện đang tồn tại cũng không phải là các đối thủ cạnh
tranh tiềm năng (hay còn gọi là các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp không
cạnh tranh với nhau). Thông thường các hợp đồng phân phối và hợp đồng
NQTM chứa các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp không cạnh tranh với
nhau. Hiện nay, tại VN, chúng tôi chưa thấy có tranh chấp nào được giải
quyết tại tòa án liên quan đến các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong các
hợp đồng NQTM. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung phân tích một số vụ tranh
chấp ở Pháp và châu Âu để thấy rõ hơn các quy định của pháp luật cạnh
tranh đã được áp dụng như thế nào trong thực tế. Tranh chấp thứ nhất được
giải quyết năm 1986 bởi Tòa án Tư pháp châu Âu và tranh chấp thứ hai được
giải quyết năm 1987 bởi Hội đồng cạnh tranh Pháp.
Vụ thứ nhất liên quan đến tranh chấp giữa công ty Pronuptia de Paris de
Francfort-sur-le-Main, một chi nhánh của công ty Pháp cùng tên và bên nhận
quyền tại Đức. Theo các quy định của ba hợp đồng ký năm 1980, bên nhận
quyền phải cam kết chỉ bán các sản phẩm gắn với tên thương mại và nhãn
hiệu Pronuptia de Paris trong các cửa hàng do bên nhượng quyền chỉ định;
mua của bên nhượng quyền 80% số váy cưới, váy dạ hội cũng như các phụ
kiện và các đồ dùng phục vụ lễ cưới, phần còn lại phải mua của các nhà cung
cấp do bên nhượng quyền chỉ định. Bên nhận quyền cũng cam kết phải bán
sản phẩm theo giá mà bên nhượng quyền đề xuất. Không hài lòng với kết quả
kinh doanh, bên nhận quyền đã không trả phí kỳ vụ cho bên nhượng quyền,
và kiện bên nhượng quyền đòi Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu vì chứa các
điều khoản vi phạm các nguyên tắc tự do cạnh tranh. Sau rất nhiều tranh cãi
ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, vụ việc được đưa lên xét xử tại Tòa án tối cao
Liên bang Đức (Bundesgerichtshof). Do đây là tranh chấp liên quan đến việc
thực hiện các hợp đồng chứa các nội dung có tác động đến thương mại nội
khối, nên Tòa án tối cao Đức đã thỉnh thị Tòa án Tư pháp châu Âu. Đối với
điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm, Tòa án Tư pháp châu Âu có nhận
định rằng “các điều khoản phân chia thị trường giữa bên nhượng quyền và
các bên nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau là các thỏa
thuận hạn chế cạnh tranh theo điều 85, đoạn 1”. Tuy nhiên, Tòa cũng lưu ý
rằng điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm có thể được hưởng miễn trừ
nếu “cần thiết để bảo vệ uy tín của hệ thống”.
Vụ thứ hai liên quan đến một hợp đồng NQTM bán quần áo trẻ em mang
nhãn hiệu Z, theo đó bên nhượng quyền áp đặt bên nhận quyền nhiều nghĩa
vụ, trong đó có độc quyền lãnh thổ và độc quyền cung cấp sản phẩm. Các điều
khoản này đã bị Hội đồng cạnh tranh Pháp
[21]
coi là vi phạm pháp luật cạnh
tranh. Theo Hội đồng, đúng là bên nhượng quyền đã buộc các bên nhận
quyền phải tuân thủ các quy định về đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống (và
như vậy buộc phải mua sản phẩm của bên nhượng quyền), về hình ảnh của
nhãn hiệu (và như vậy phải bài trí cửa hàng theo yêu cầu của bên nhượng
quyền), nhưng “bên nhượng quyền không chứng minh được rằng sản phẩm
của mình là duy nhất và không thể tìm thấy các sản phẩm tương tự trên thị
trường và mình là doanh nghiệp duy nhất có thể thực hiện các dịch vụ bài trí
cửa hàng kiểu này”. Vụ việc sau đó được Tòa phúc thẩm Paris xử chung thẩm.
Tòa phúc thẩm cũng đồng tình với Hội đồng cạnh tranh và quyết định rằng
“ngay cả khi bị hạn chế ở cách bài trí cửa hàng cho phù hợp với hình ảnh của
nhãn hiệu của bên nhượng quyền thì điều khoản này cũng đã có thể có hậu
quả hạn chế tự do cạnh tranh”
[22]
.
Như vậy, pháp luật Pháp dường như đã có những quy định chặt chẽ hơn
pháp luật VN và pháp luật của EU. Điều khoản độc quyền cung cấp sản phẩm
chỉ hợp pháp nếu nó cần thiết để bảo vệ bí quyết kinh doanh, sự đồng nhất
của hệ thống và không thể tìm thấy trên thị trường các sản phẩm đồng loại
thay thế.
III. Thỏa thuận giá bán lại
Bên nhận quyền mua sản phẩm với mục đích là để bán lại chứ không phải để
tiêu dùng. Là một thương nhân độc lập, về nguyên tắc bên nhận quyền phải
được tự do ấn định giá bán lại các sản phẩm mà mình đã mua của bên
nhượng quyền. Tuy nhiên, quan điểm của bên nhượng quyền lại có thể khác.
Mục đích của điều khoản độc quyền sản phẩm không phải chỉ là để bên nhận
quyền bán lại sản phẩm, mà là để đảm bảo sự đồng nhất của hệ thống. Do
NQTM có điểm đặc biệt là các đơn vị nhận quyền cung cấp sản phẩm đồng
nhất tại tất cả các cửa hàng được trang trí giống nhau, với cách phục vụ như
nhau nên người tiêu dùng sẽ rất ngạc nhiên nếu với cùng một sản phẩm
nhưng giá ở các cửa hàng đồng nhất lại khác nhau. Vì vậy, bên nhượng
quyền không thể thờ ơ với chính sách giá mà các bên nhận quyền áp dụng,
đặc biệt khi thương hiệu nhượng quyền có uy tín cao và được đông đảo mọi
người biết đến. Trên thực tế, bên nhượng quyền thường có xu hướng đồng
nhất các giá bán lại để tránh trường hợp mỗi bên nhận quyền áp dụng một
chính sách giá riêng lẻ, và như vậy gây khó khăn cho người tiêu dùng. Nếu
các mức giá mà các bên nhận quyền đưa ra quá cao, thì hiệu quả thương mại
có thể sẽ thấp, hàng sẽ bán được ít và phí kỳ vụ mà bên nhận quyền (thường
dựa trên doanh thu, chứ không trên lợi nhuận) thu được cũng sẽ thấp. Tuy
nhiên, nếu giá bán lại quá thấp thì uy tín của thương hiệu có nguy cơ bị ảnh
hưởng. Vì thế bên nhượng quyền có xu hướng thực hiện chính sách giá đồng
nhất (hoặc chênh lệch không quá lớn) trong toàn hệ thống. Nội dung của
chính sách giá này có thể là khuyến nghị hoặc áp đặt giá bán lại tối thiểu, giá
bán lại tối đa hoặc quy định một khoảng giá mà bên nhận quyền phải tuân
theo
[23]
. Các thỏa thuận này về bản chất đi ngược lại với tự do cạnh tranh,
ảnh hưởng tới các bên nhận quyền, và có thể gây thiệt hại cho người tiêu
dùng. Nếu như pháp luật của Pháp (2) khá hiệu quả trong phòng ngừa và
trừng phạt các hành vi này, thì pháp luật VN (1) lại tỏ ra còn chung chung và
thiếu hiệu quả trong thực tế.
1. Kiểm soát giá bán lại tại Việt Nam
Luật cạnh tranh 2004 của Việt Nam thiết lập hai cơ chế phòng ngừa và trừng
phạt các hành vi áp đặt giá bán lại. Cơ chế thứ nhất là kiểm soát các thỏa
thuận hạn chế cạnh tranh (A), và cơ chế thứ hai là kiểm soát hành vi lạm
dụng vị trí thống lĩnh thị trường (B). Nhưng cả hai cách này dường như
không hiệu quả trong lĩnh vực NQTM.
A. Kiểm soát thỏa thuận giá bán lại thông qua quy định về các thỏa thuận hạn
chế cạnh tranh
Khoản 1, điều 8 luật cạnh tranh coi “thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ
một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” là một hành vi hạn chế cạnh tranh. Tuy
nhiên, không phải mọi thỏa thuận ấn định giá đều bị cấm. Việc áp đặt giá bán
lại chỉ bị coi là bất hợp pháp khi “các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết
hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”
[24]
. Tuy nhiên, như chúng tôi đã
phân tích ở trên, các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức NQTM thường
là các doanh nghiêp vừa và nhỏ, nên rất khó chiếm 30% thị phần. Hơn nữa,
khoản 6, điều 3 của luật này quy định rằng “thị phần” của một doanh nghiệp
phải được xác định dựa trên “tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của
doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh
doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần
trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua
vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị
trường liên quan theo tháng, quý, năm”. Như vậy, không thể xác định được
thị phần kết hợp trong NQTM sản xuất vì bên nhượng quyền và bên nhận
quyền không nằm trong cùng một chuỗi sản xuất. Trên thực tế, bên nhượng
quyền là nhà sản xuất còn bên nhận quyền là nhà phân phối. Và như vậy, thỏa
thuận của họ là thỏa thuận theo chiều dọc, trong khi cơ chế này chỉ cấm các
thỏa thuận theo chiều ngang
[25]
.
B. Kiểm soát thỏa thuận giá bán lại thông qua quy định về lạm dụng vị trí
thống lĩnh thị trường
Khoản 2, điều 13 luật cạnh tranh cấm các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh
nghiệp chiếm một vị trí thống lĩnh “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ
bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng”.
Quy định này chỉ được áp dụng nếu hành vi ấn định giá bán lại của bên
nhượng quyền gây ra các thiệt hại cho người tiêu dùng. Điều này có thể xảy
ra đối với việc áp đặt giá bán lại tối đa. Tuy nhiên, việc chứng minh hành vi
đó “gây thiệt hại cho khách hàng” không hề đơn giản. Ngược lại, đối với hành
vi ấn định giá bán lại tối thiểu, ngay cả khi giá áp đặt quá thấp
[26]
, thì hành vi
này cũng không bị cấm, vì giá thấp có lợi cho người tiêu dùng.
Tóm lại, trong lĩnh vực ấn định giá bán lại, pháp luật VN không cung cấp các
giải pháp hiệu quả để bảo vệ bên nhận quyền khỏi sự lạm dụng của bên
nhượng quyền. Bên nhượng quyền dễ dàng áp đặt cho bên nhận quyền phải
tuân theo một chính sách giá do mình ấn định. Ngược lại, pháp luật Pháp và
châu Âu tỏ ra hiệu quả hơn trong việc phòng ngừa và trừng phạt các hành vi
ấn định giá bán lại, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
2. Kiểm soát thỏa thuận giá bán lại tại Pháp và EU
Tại EU, điều 101 Hiệp ước Rome quy định rằng sẽ bị coi là không phù hợp với
thị trường chung các thỏa thuận “ấn định trực tiếp hoặc gián tiếp giá mua
hoặc giá bán”. Ngoài ra, các thỏa thuận này còn có thể bị coi là hành vi lạm
dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại điều 102. Trở lại vụ
Pronuptia, liên quan đến thỏa thuận giá bán lại, Tòa án tư pháp châu Âu cho
rằng “các điều khoản ngăn cản bên nhận quyền tự do xác định giá bị coi là
thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”. Tuy nhiên, Tòa cũng lưu ý rằng bên nhượng
quyền không vi phạm pháp luật cạnh tranh nếu chỉ “thông báo cho các bên
nhận quyền các mức giá khuyến nghị”, và “giữa bên nhượng quyền và bên
nhận quyền hoặc giữa các bên nhận quyền với nhau không có hành vi thỏa
thuận nhằm thực hiện các mức giá này trên thực tế”.
Tại Pháp, các điều L. 410-2 quy định giá của hàng hóa và dịch vụ “phải được
xác định theo các nguyên tắc của tự do cạnh tranh” và điều L. 420-1 cấm
"mọi hành vi, mọi thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp có nội dung hoặc hậu
quả cản trở, hạn chế hoặc làm sai lệch tự do cạnh tranh trên một thị trường
nhất định”. Tác giả của hành vi áp đặt trực tiếp hoặc gián tiếp giá bán lại tối
thiểu sản phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định của
điều L. 420-6.
Trong thực tiễn xét xử, pháp luật hợp đồng và pháp luật cạnh tranh của Pháp
cùng có thể được áp dụng để trừng phạt các hành vi ấn định giá gây thiệt hại
cho khách hàng. Tòa án Pháp đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bên nhận quyền
là một thương gia độc lập và như vậy phải được tự do đàm phán với bên
nhượng quyền về giá mua sản phẩm và tự mình ấn định giá bán lại các sản
phẩm này cho người tiêu dùng. Mọi thỏa thuận áp đặt bên nhận quyền bán
lại sản phẩm theo một giá cố định đều bị coi là vô hiệu
[27]
.
Trên thực tế, bên nhượng quyền có thể thực hiện hành vi in giá trước trên hệ
thống máy tính tiền của các siêu thị hoặc in giá trước lên các sản phẩm, hoặc
cũng có thể thực hiện các chiến dịch quảng cáo trong đó nêu rõ giá sản phẩm.
Cơ quan giải quyết tranh chấp rất chú ý đến các hành vi này và kiểm tra rất
kỹ xem bên nhận quyền có khả năng không áp dụng các mức giá mà bên
nhượng quyền đã chỉ ra hay không. Pháp luật Pháp không định nghĩa thế nào
là hành vi ấn định giá bán lại trực tiếp và ấn định giá bán lại gián tiếp (hay
còn gọi là trá hình). Trong thực tiễn xét xử, thẩm phán Pháp có những xem
xét rất tỉ mỉ đối với từng vụ việc cụ thể.
Trong một vụ việc liên quan đến vấn đề ấn định giá bán lại, bên nhận quyền
đã yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu vì cho rằng bên nhượng quyền đã “buộc phải”
bán lại sản phẩm theo giá của bên nhượng quyền. Tuy nhiên, bên nhượng
quyền lại cho rằng mình chỉ “khuyên” bên nhận quyền bán theo các giá nhất
định (giá khuyến nghị). Cụ thể, bên nhượng quyền đã ký với bên nhận quyền
hai hợp đồng NQTM và trong mỗi hợp đồng đều có điều khoản độc quyền sản
phẩm và một điều khoản giá bán lại. Không hài lòng với kết quả kinh doanh,
bên nhận quyền đã kiện bên nhượng quyền ra Tòa án đòi tuyên hợp đồng
NQTM vô hiệu vì đã không được tự do ấn định giá bán lại. Cả tòa sơ thẩm và
tòa phúc thẩm Pau đều tuyên hợp đồng vô hiệu. Bên nhượng quyền đã đưa vụ
việc lên Tòa tối cao đòi hủy án phúc thẩm với hai lý do. Thứ nhất, “việc ấn
định, bởi một trong các bên trong hợp đồng, giá của các sản phẩm mà bên
nhượng quyền bán cho bên nhận quyền nhằm mục đích thực hiện hợp đồng
NQTM, không ảnh hưởng đến hiệu lực của toàn bộ hợp đồng NQTM”. Thứ hai,
“các hợp đồng quy định rằng bên nhận quyền được tự do không tuân theo
giá, vốn chỉ là giá khuyến nghị được ghi trong các tài liệu quảng cáo”. Tuy
nhiên, Tòa Tối cao đã bác yêu cầu của bên nhượng quyền vì trong thực tế, bên
nhận quyền không được tự do thỏa thuận giá mua sản phẩm của bên nhượng
quyền và “buộc phải bán lại sản phẩm theo giá đã được bên nhượng quyền in
sẵn lên nhãn sản phẩm và thông báo cho khách hàng ”. Từ các nhận định
trên, Tòa Tối cao Pháp đã quyết định “giá mua và bán lại sản phẩm đã được
ấn định trong các điều kiện trái với các quy định của điều 34, sắc luật ngày
1/12/1986”
[28]
.
Trong một vụ việc gần đây liên quan đến nhà cung cấp Punto Fa và các bên
nhận quyền, Hội đồng cạnh tranh Pháp đã quyết định rằng “nhà phân phối
bán lẻ, mặc dù có một tự do nhất định trong việc giảm “giá thỏa thuận”
nhưng không thể loại bỏ giá thỏa thuận này, và như vậy “giá thỏa thuận”
thực chất là “chính sách giá” do Punto Fa quyết định. Việc giảm giá đơn lẻ cho
một số khách hàng quen hoặc nhân viên của chính cửa hàng không cho phép
kết luận rằng nhà phân phối đã được tự do thực hiện chính sách giá độc lập
của riêng mình”
[29]
.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc ấn định giá bán lại tối thiểu vẫn có thể
được chấp nhận khi giá là một bộ phận cơ bản của bí quyết kinh doanh. Đây
là quan điểm của tòa Phúc thẩm Paris trong một bản án được tuyên ngày
4/10/ 2006. Cụ thể, Công ty SA Nasoca (bên nhượng quyền) và công ty ITM
Entreprises (bên nhận quyền) đã ký một hợp đồng NQTM nhằm khai thác một
siêu thị bán các loại thực phẩm dựa trên một chính sách giá rẻ. Bên nhận
quyền đã không tuân theo chiến dịch giảm giá do bên nhượng quyền áp dụng
cho toàn bộ chuỗi siêu thị, với lý do là nếu giảm giá thì siêu thị của mình sẽ
gặp rủi ro về pháp lý và tài chính. Bên nhận quyền đã yêu cầu Tòa thương
mại Evry áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc bên nhượng quyền
dừng ngay lập tức các hành vi thương mại phong tỏa giá trên các một số sản
phẩm, in giá bán lại lên các sản phẩm này và dừng ngay chiến dịch quảng cáo
mang tên “đoàn kết chống lại cuộc sống đắt đỏ”. Ngày 5/4/2006, Tòa thương
mại Evry đã ra phán quyết không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp cẩn
cấp tạm thời của bên nhận quyền. Bên nhận quyền đã kiện ra Tòa phúc thẩm
Paris để yêu cầu tòa buộc bên nhượng quyền dừng các hành vi có bản chất
bóp méo tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, tòa Phúc thẩm Paris cũng đã bác yêu
cầu vì “các lập luận và bằng chứng mà bên nhận quyền cung cấp không đủ
thuyết phục về hậu quả gây rối loạn thương mại mà bên nhận quyền phải
chịu từ các hành vi do bên nhượng quyền thực hiện”
[30]
.
Việc xác định giá bị áp đặt gián tiếp khó khăn hơn khi bên nhượng quyền lợi
dụng vị trí mạnh thế của mình để ấn định nội dung của các quảng cáo mà các
bên nhận quyền phải thực hiện. Trên thực tế, nhiều hợp đồng NQTM quy định
rằng bên nhượng quyền có quyền điều chỉnh chính sách giá trong các chiến
dịch quảng cáo và khuyến mãi. Bên nhận quyền nếu muốn không tham gia
các chiến dịch này thì phải nhận được sự đồng ý của bên nhượng quyền. Và
như vậy sự tự do của anh bên nhận quyền đã bị phụ thuộc vào ý chí của bên
nhượng quyền.
Các điều khoản có tên là “giá bán lại khuyến nghị” không tự động được miễn
trừ theo cách hiểu của Tòa Tư pháp châu Âu. Tòa án Pháp xem xét rất kỹ
lưỡng các tình tiết của từng vụ việc để xem điều khoản đó có thực sự là “giá
khuyến nghị” hay thực chất là giá bị áp đặt. Thật vậy, trong một bản án tuyên
ngày 10/03/1989, Tòa phúc thẩm Paris đã quyết định rằng hành vi của bên
nhượng quyền đưa các mức giá bán lại vào trong mục “các chuẩn mực bắt
buộc phải tuân theo” là đủ cấu thành sự tồn tại của một chính sách giá áp
đặt
[31]
. Tòa cũng đã trừng phạt một nhà cung cấp đưa ra các mức giá bán lại
khuyến nghị cho các nhà phân phối bán lẻ của mình nhưng lại ghi chú rằng
“chúng tôi lưu ý quý công ty về sự cần thiết tuân thủ các khuyến nghị về vấn
đề này. Nếu quý công ty không tuân thủ, chúng tôi sẽ buộc phải xem xét lại sự
tham gia về tài chính vào các đầu tư của quý công ty…”
[32]
. Tương tự, khi tồn
tại trong hợp đồng các câu như: “bên nhận quyền cam kết tuân thủ khoảng
giá…”, hay “mọi khuyến mại về giá đều phải tuân thủ….”, tòa án Pháp cho
rằng đã có hành vi ấn định giá bán lại ngay cả khi trong thực tế một số thành
viên của hệ thống NQTM không tuân thủ các quy định hợp đồng này
[33]
.
Như vậy, chúng ta có thể thấy việc thực hiện áp đặt giá bán lại có thể tồn tại
trên thực tế mặc dù hợp đồng không có điều khoản áp đặt giá bán lại. Để
nhận diện được các hành vi này, thẩm phán Pháp thực hiện việc đánh giá cụ
thể cho từng trường hợp. Các cơ quan giải quyết tranh chấp của VN có lẽ
cũng nên theo giải pháp này bởi nó có tác dụng phòng ngừa cao, làm nản
lòng các ý định áp đặt giá bán lại, dù là trực tiếp hay gián tiếp (trá hình)
thông qua điều khoản giá-catalog.
Kết luận
NQTM có đặc thù là tất cả các thành viên trong hệ thống phải cung cấp hàng
hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn đồng nhất do bên nhượng quyền thiết lập. Vì thế
hợp đồng NQTM thường có các thỏa thuận độc quyền làm hạn chế tự do cạnh
tranh của bên nhận quyền nói riêng và của các doanh nghiệp khác trên thị
trường nói chung. Các thỏa thuận có bản chất bóp méo tự do cạnh tranh
thường thấy trong hợp đồng NQTM là điều khoản độc quyền lãnh thổ, độc
quyền cung cấp sản phẩm và ấn định giá bán lại. Thông thường, các thỏa
thuận này được coi là cần thiết để bảo vệ tính đồng nhất của hệ thống và
hình ảnh của thương hiệu và như vậy được miễn trừ mặc dù có thể làm sai
lệch tự do cạnh tranh.
Trong thực tế, không hiếm trường hợp bên nhượng quyền lợi dụng các quy
định về miễn trừ của pháp luật cạnh tranh để thực hiện các hành vi có lợi cho
mình, đồng thời gây phương hại cho các bên nhận quyền, cũng như cản trở
tự do cạnh tranh của các chủ thể khác trên thị trường. Vì thế pháp luật của
các nước đều có những quy định để giới hạn các hành vi này.
So sánh pháp luật của Việt Nam với pháp luật của Pháp và pháp luật của Liên
minh châu Âu đã cho chúng ta thấy rằng pháp luật hợp đồng và pháp luật
cạnh tranh mặc dù hướng tới các mục đích khác nhau nhưng cùng có chung
tác dụng là phòng ngừa và trừng phạt các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Tại Pháp, thẩm phán thường xuyên áp dụng kết hợp các quy định của pháp
luật cạnh tranh và các quy định chung của pháp luật hợp đồng để trừng phạt
các hành vi cản trở tự do cạnh tranh. Phân tích án lệ ở Pháp cho chúng ta
thấy sự cân bằng hợp đồng thiết lập bởi pháp luật dân sự và lôgíc cạnh tranh
thiết lập bởi pháp luật cạnh tranh hòa nhập chặt chẽ với nhau trong một mục
đích cụ thể là phòng ngừa và trừng phạt bên nhượng quyền lạm dụng thế
mạnh của mình để ngăn cản bên nhận quyền tự do cạnh tranh. Đây có thể
cũng là một hướng áp dụng khả dĩ cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của
Việt Nam, vì nó đặc biệt hiệu quả để giải quyết các tranh chấp liên quan đến
các thỏa thuận cạnh tranh nhỏ (và như vậy được miễn trừ theo các quy định
của pháp luật cạnh tranh).
Phân tích án lệ ở Pháp và ở châu Âu cũng cho chúng ta thấy việc xác định các
thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên thực tế không hề đơn giản, đặc biệt là
các thỏa thuận ấn định giá trá hình. Thẩm phán phải xem xét rất tỉ mỉ đối với
từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực làm rõ hơn các quy định
của pháp luật thì nâng cao trình độ của đội ngũ giải quyết tranh chấp liên
quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng cần được đặc biệt chú ý.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu bằng tiếng Việt
1. Nguyễn Thanh Tú, “Hành vi ấn định giá bán lại theo pháp luật cạnh tranh”,
tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 12/2008.
2. Nguyễn Thị Hồng Vân, “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng
nhượng quyền thương mại”, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 03/2011.
II. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài
1. A. BRUNET và A. GHOZI, “La fonction du prix en droit de la concurrence”
(Chức năng của giá theo pháp luật cạnh tranh), Mél. C. MOULY, Nxb Litec,
1998, tr. 27.
2. A. PIROVANO, “Logique concurrentielle et logique contractuelle” (Lô-gíc
cạnh tranh và lô-gíc hợp đồng), trong “Les transformations de la régulation
juridique”, Nxb LGDJ, 1998.
3. M. MALAURIE-VIGNAL, “Droit de la concurrence et droit des contrats”
(Pháp luật cạnh tranh và pháp luật hợp đồng), tạp chí Recueil Dalloz 1995,
tr. 54.
4. G. PERLEANI, “Les clauses d’exclusivité” (các điều khoản độc quyền),
trong “Les principales clauses des contrats conclus entre les professionnels”,
Nxb PUAM, 1990, tr. 55.
5. Tòa án Tư pháp châu Âu, vụ án 161/84 Pronuptia de Paris GmbH c/
Irmgard Schigallis,Rec. CJCE, 28/1/1986.
6. Tòa án tối cao Pháp, bản án số 03-14639 ngày 14/3/2006, tạp chí
JCP E 2006, 1902, bình luận: P M. REVERDY.
7. Tòa án tối cao Pháp, bản án số 00-14939 ngày 2/7/2002.
8. Tòa án tối cao Pháp, bản án số 00-14939 ngày 2/7/2002.
9. Tòa án tối cao Pháp, bản án số 95-19518 ngày 7/10/1997, tạp chí
JCP E 1998, tr. 1645, bình luận: D. MAINGUY.
10. Tòa phúc thẩm Paris, bản án ngày 4/10/2006.
11. Tòa phúc thẩm Bordeaux, bản án ngày 26/2/2003, S.A Flora Parners
c/SARL Eco Flor, JurisData n°2003-217863.
12. Tòa phúc thẩm Paris, bản án ngày 18/3/1997, Contrats, conc. cons., số
5/1997, bình luận: L. VOGEL.
13. Tòa phúc thẩm Paris, bản án ngày 19/11/1997.
14. Tòa phúc thẩm Paris, bản án ngày 10/3/1989, tạp chí Gaz.
Pal. 13/7/1989, bình luận: C. JAMIN, tr. 547.
15. Tòa phúc thẩm Paris, bản án ngày 10/3/1989, Lypobar c/LSP & LSG et
autres, tạp chíGaz. Pal. 13/7/1989, tr. 549.
16. Hội đồng cạnh tranh Pháp, quyết định số 09-D-23 ngày 30/6/2009.
17. Hội đồng cạnh tranh Pháp, quyết định số 96-D-36 ngày 28/05/1996,
BOCC 20/08/1996, tr. 408, bình luận: L. VOGEL.
18. Hội đồng cạnh tranh Pháp, quyết định số 106 ngày 19/03/1996, BOCC
24/05/1996, tr. 263, bình luận: L. VOGEL.
19. Hội đồng cạnh tranh Pháp, quyết định số 94-D-27 ngày 26/4/1994.
20. Hội đồng cạnh tranh Pháp, quyết định số 96-D-36 ngày 28/5/1996.
TS, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương.
G. PERLEANI, “Les clauses d’exclusivité”, in “Les principales clauses des
contrats conclus entre les professionnels”, Nxb PUAM, 1990, tr. 55.
Khoản 2, điều 9 Luật cạnh tranh 2004.
CH Pháp không có luật riêng về cạnh tranh. Các quy định về cạnh tranh nằm
rải rác trong Bộ Luật dân sự và Bộ luật Thương mại. Ngoài ra, các quy định
về cạnh tranh của Liên minh châu Âu cũng trở thành một bộ phận quan trọng
của pháp luật cạnh tranh Pháp.
Được coi là bán hàng chủ động việc “thăm dò, khai thác các khách hàng cá
nhân, chẳng hạn thông qua việc quảng cáo, kể cả thông qua hình thức gửi
thư chào mua đến người tiêu dùng” và việc “thăm dò, khai thác một đối
tượng khách hàng nhất định bên trong một lãnh thổ nhất định thông qua các
biển hiệu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, kể cả internet hoặc
các hoạt động khuyến mại nhằm vào đối tượng khách hàng tiềm năng hoặc
các khách hàng cụ thể trong khu vực địa lý này” (Điều 3 – 51) Thông tư
hướng dẫn áp dụng các quy định liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh
tranh theo chiều dọc số 2010/C 130/01 ngày 19/05/2010 của Ủy ban châu
Âu. Về nguyên tắc các quy định này chỉ mang tính bắt buộc ở Pháp nếu các
hợp đồng NQTM có liên quan đến EU. Tuy nhiên trên thực tế, thẩm phán Pháp
vẫn áp dụng các quy định của EU cho cả các hợp đồng quốc nội.
Được coi là bán hàng không chủ động các hành vi “thực hiện các đơn đặt
hàng không phải do mình chào, đến từ các khách hàng đơn lẻ […]. Mọi loại
quảng cáo hoặc các hành động khuyến mại chung nhằm vào các khách hàng
trong các khu vực địa lý (độc quyền) của các nhà phân phối khác […] nhưng
là một phương tiện hợp lý để nhắm tới các khách hàng nằm ngoài các khu
vực này”.
CA Bordeaux, 26/2/2003, S.A Flora Parner c/SARL Eco Flor,
JurisData n°2003-217863.
Cass.com, 14 mars 2006, pourvoi n° 03-14639, tạp chí JCP E 2006, 1902, bình
luận: P M. REVERDY.
Aff. 161/84, Rec. CJCE, 28/1/1986, Pronuptia de Paris GmbH c/ Irmgard
Schigallis. Nội dung tranh chấp và quyết định của Tòa sẽ được phân tích kỹ
hơn trong phần liên quan đến các thỏa thuận độc quyền phân phối (II) và áp
đặt giá bán lại (III).
Xem chẳng hạn các quyết định của Hội đồng cạnh tranh Pháp số 96-D-36
ngày 28/05/1996 liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh trong hệ
thống NQTM quần áo trẻ em mang nhãn hiệu Z, đăng trên BOCC 20/08/1996,
tr. 408, bình luận: L. VOGEL; và số 106 ngày 19/03/1996 liên quan đến các
hành vi hạn chế cạnh tranh trong hệ thống nhượng quyền chăm sóc sức khỏe
và làm đẹp GYMNASIUM, đăng trên BOCC ngày 24/05/1996, tr. 263, bình
luận: L. VOGEL.
Trong khuôn khổ luận án tiến sỹ về Hợp đồng nhượng quyền thương mại, so
sánh pháp luật Pháp và Việt Nam, tác giả đã khảo sát hơn 100 hợp đồng tại
Pháp và tại VN thông qua phỏng vấn chuyên gia (Bộ công thương và các
thương nhân nhận quyền).
Cass. com., 2 juill. 2002, pourvoi n° 00-14939.
A. BRUNET và A. GHOZI, “La fonction du prix en droit de la concurrence”, Mél.
C. MOULY, Nxb Litec, 1998, tr. 27.
M. MALAURIE-VIGNAL, “Droit de la concurrence et droit des contrats”, tạp chí
Recueil Dalloz, chron. tr. 54. Xem thêm: A. PIROVANO, “Logique
concurrentielle et logique contractuelle” in “Les transformations de la
régulation juridique”, Nxb LGDJ, 1998.
Khoản 1.