CÔNG TÁC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ SINH VIÊN CẦN ĐƯỢC ĐỔI MỚI
TÍCH CỰC THEO HƯỚNG GÓP PHẦN THAY ĐỔI CÁCH DẠY, CÁCH
HỌC
I. Xác định mục đích của công tác thi – kiểm tra đánh giá
Quá trình tổ chức đào tạo sinh viên trong nhà trường Đại học bao gồm nhiều
khâu, nhiều lực lượng tham gia nhưng để xác định chất lượng của quá trình ấy thì
việc đánh giá kết quả học tập của người học có vai trò hết sức quan trọng. Dù hình
thức thực hiện, nội dung yêu cầu có thể khác nhau: đánh giá qua sản phẩm học tập,
các bài thực hành thí nghiệm, bài tập, khóa luận, đề tài nghiên cứu khoa học…;
nhưng việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên hiện nay qua kiểm tra thường
xuyên kết hợp với bài thi kết thúc học phần vẫn là hình thức chủ yếu và quan trọng
nhất. Dù hình thức thể hiện có khác nhau nhưng công tác thi – đánh giá kết quả
học tập của sinh viên cần hướng tới những mục đích cơ bản sau đây:
1. Sinh viên có cơ hội vận dụng các kiến thức và kỹ năng đã học vào việc giải quyết
các vấn đề do giảng viên đặt ra
Thông qua nội dung, yêu cầu của đề thi, giảng viên buộc sinh viên phải huy
động những gì đã được học, được trang bị qua lên lớp, qua trao đổi, tìm tòi bằng
con đường tự học… biến “tri thức của thầy” thành “tri thức của mình” mà đỉnh cao
là bản thân sinh viên phải hiểu, nhớ và vận dụng được những gì mình tích lũy được.
Trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học, các nhà giáo dục học nhấn
mạnh yếu tố hiểu và vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Trong điều kiện bùng nổ
thông tin như hiện nay, việc yêu cầu người học phải gắn liền hiểu với nhớ là điều
không phù hợp nếu không nói là không cần thiết. Với điều kiện phát triển của
khoa học –công nghệ như hiện nay, vấn đề người học phải hiểu được bản chất
vấn đề mình quan tâm và quy trình vận dụng nó như thế nào chứ không thể nhớ
hết và nhiều khi cũng không cần phải nhớ. Điều quan trọng then chốt là ở chỗ
người học phải nắm được thông tin liên quan nằm ở đâu, nếu cần sử dụng thì
phải khai thác bằng còn đường nào, phương tiện hỗ trợ cần thiết là gì…
Quan niệm cho rằng người học muốn nắm vững kiến thức để làm được bài thì
phải hiểu và nhớ rồi mới vận dụng được vẫn còn chi phối nhiều trong quá trình ra
đề ở các kỳ thi của trường chúng ta. Tình trạng ra đề mà để làm được bài thì sinh
viên phải học thuộc những nội dung được học. Khi làm bài cấm ngặt việc sinh viên
sử dụng tài liệu đã vô hình chung biến các kỳ thi thành việc kiểm tra trí nhớ và các
buổi thi trở thành nỗi ám ảnh của người học, sự vất vả của những người thực hiện
công tác thi. Tình trạng nhiều thí sinh bị bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng
thi vẫn là nỗi day dứt của các cán bộ quản lý nhà trường.
Kiểu đề thi tự luận như vậy vừa đánh giá không sát yêu cầu tư duy “động” của
người học vừa gây khó khăn cho cả bản thân người dạy. Trí nhớ của con người
không phải là vô hạn . Trong một thời gian nhất định, khi lượng thông tin nạp vào
quá nhiều thì bộ nhớ sẽ bị bão hòa. Trong thực tế một học kỳ sinh viên phải học
khoảng 6 đến 8 học phần, từ 17 đến 20 tín chỉ do vậy chỉ để hiểu được những khái
niệm cơ bản của bài đã là khó chứ đừng nói đến việc nhớ hết những gì ghi ra trên
giấy.
Với cách dạy và học như vậy kết hợp với việc ra đề thi nhằm kiểm tra trí nhớ
của người học đã và sẽ gây ra một số hệ lụy luẩn quẩn:
- Do yêu cầu của đề thi, phương pháp giảng dạy của giảng viên nên buộc sinh
viên phải học để nhớ.
- Do học quá nhiều môn/tuần, quá nhiều tiết/ngày nên người học không thể
nhớ hết bài được; mà không nhớ được thì không làm được bài thi
- Muốn thi đạt yêu cầu, có điểm cao thì phải có thông tin để làm bài.
- Do không thuộc bài nên phải tìm cách mang tài liệu vào, phải trao đổi bài nên
dẫn đến vi phạm quy chế.
Lẽ ra cái cần đánh giá ở đây là mức độ hiểu và vận dụng kiến thức bộ môn thể
hiện qua việc người học được sử dụng các nguồn thông tin mà bản thân khai thác
được để thực hiện các thao tác tư duy tổng hợp, phân tích vấn đề do giảng viên đặt
ra.
Theo đó nhà trường nên tăng cường áp dụng hình thức đánh giá kết quả môn
học bằng hình thức ra đề thi tự luận mở, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan để tích
cực góp phần thay đổi cách dạy, cách học. Ngoài giờ học chính khóa, sinh viên sẽ
phải dành thời gian vào thư viện, vào mạng internet, học nhóm… cũng chính là đáp
ứng yêu cầu này.
2. Tổ chức đánh giá người học thông qua các kỳ thi còn tạo ra các thông tin ngược
giúp giảng viên phân loại được trình độ người học, phát hiện những vấn đề nảy sinh
về kiến thức, phương pháp giảng dạy để xác định nguyên nhân và có thể điều chỉnh
nếu thấy cần thiết.
Trong xã hội phát triển với tốc độ như hiện nay, sinh viên được học ở trường
đại học chỉ là bước khởi đầu của quá trình đào tạo. Sinh viên ra trường được trang
bị có khả năng tinh thông một nghề nhưng phải được trang bị các kỹ năng cần thiết
để sẵn sàng học, tìm hiểu thêm một vài nghề khác nhằm tăng cơ hội thực hiện tốt
nhiệm vụ của mình, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội
nhập. Sinh viên ra trường không chỉ với tâm thế của người đi xin việc mà còn phải
được trang bị những kiến thức, kỹ năng để họ có thể chủ động tạo ra việc làm cho
mình, cho người khác góp phần tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho bản thân, cho
gia đình và cho xã hội.
Thông qua quá trình đào tạo tại trường, giảng viên phải phát hiện, phân loại
được trình độ người học. Việc tổ chức hoạt động nhóm, giao nhiệm vụ học tập, rèn
luyện các kỹ năng muốn đạt hiệu quả cao nhất thiết phải căn cứ vào khả năng sẵn
sàng đáp ứng của người học. Điều đó chỉ có thể có được khi trong quá trình đào tạo,
việc đánh giá người học của giảng viên phải thật sự khách quan, khoa học và thông
tin không bị nhiễu. Việc giảng dạy và ra đề thi của giảng viên phải phối hợp chặt
chẽ với nhau và tạo thành sự thống nhất để có những yêu cầu ngày càng cao đối với
sinh viên. Ngay cả yêu cầu với một sinh viên trong toàn khóa học thì năm sau cũng
phải cao hơn năm trước.
3. Việc đánh giá kết quả học tập của người học nếu được thực hiện khách quan,
chính xác còn tạo cho sinh viên sự phấn khởi, có ý chí vươn lên trong học tập, rèn
luyện
Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác tổ chức đánh giá sinh viên
là khách quan, trung thực để thông tin phản ánh với giảng viên về một đối tượng là
chính xác. Sinh viên khi được đánh giá và kết quả đó được chấp nhận sẽ góp phần
giúp họ có ý chí vươn lên trong học tập. Điều đó đòi hỏi phải có sự cố gắng của cả
giảng viên và sinh viên.
Đối với giảng viên: ngoài việc thực hiện các quy định về làm đề thi cần lưu ý
một số điểm chính sau đây:
- Đề thi có câu chữ rõ ràng gắn liền với nội dung môn học.
- Nội dung, yêu cầu đề thi phải tương xứng với thời gian làm bài của sinh viên.
- Đề thi nên cấu trúc gồm nhiều phần nhỏ; có phần khó, phần dễ; có nội dung
kiểm tra các khái niệm và cần có những yêu cầu phải phân tích, tổng hợp ở mức độ
cao.
- Đề thi phải giúp giảng viên phân loại được sinh viên.
Để ra được một đề thi, tổ chức thi và đánh giá kết quả người học thỏa mãn tất
cả các yếu tố trên là việc không đơn giản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào
tạo, một số giảng viên còn để xảy ra tình trạng nhầm lẫn, sai sót trong việc ra đề,
chấm thi: thiếu dữ liệu trong đề, đáp án, nhầm về câu chữ, nội dung chung chung
nên không phân loại được người học; chấm sót ý, cộng sai điểm bài thi làm cho
kết quả đánh giá đối với một tập thể hoặc cá nhân sinh viên có bị thay đổi. Những
việc đáng tiếc như thế ít nhiều làm giảm sút niềm tin của sinh viên vào công tác tổ
chức đánh giá học tập của nhà trường.
Đối với sinh viên: phải xác định học là để nắm vững tri thức, điểm số có được
và văn bằng được cấp phải tương xứng với những gì mà tự mình tích lũy mà có
được trong quá trình đào tạo. Cái mà xã hội cần, nhà tuyển dụng lao động cần và
chấp nhận đối với sinh viên sau khi ra trường là năng lực giải quyết các vấn đề thực
tiễn, khả năng tự hoàn thiện để vươn lên của chính họ.
II. Xác định hình thức thi, kiểm tra – đánh giá
Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên từ nhiều năm nay được
thực hiện chặt chẽ theo quy định của Bộ GD - ĐT hoặc của các trường qua các kì
thi học phần, thi tốt nghiệp.
- Về hình thức kiểm tra, thi: hiện nay chủ yếu áp dụng các hình thức như: viết,
vấn đáp, trắc nghiệm. Đề thi viết thời gian có thể từ 60 phút đến 180 phút, các vấn đề
nêu ra trong đề nhiều nhất cũng chỉ là 3 câu hỏi. Thi vấn đáp thì số câu hỏi nhiều hơn,
nhưng thời lượng kiến thức và thời gian kiểm tra cho sinh viên càng eo hẹp hơn, mỗi
sinh viên được hỏi một vấn đề nhỏ trong thời gian từ 5 đến 10 phút. Trắc nghiệm có
thể có từ vài chục đến trăm câu hỏi với nhiều cách khác nhau như: lựa chọn, đúng sai,
sóng đôi, tự luận
Tuy nhiên tất cả các hình thức và nội dung đề thi, kiểm tra trên đều nhằm
mục đích kiểm tra mức độ ghi nhớ các sự kiện, thuật ngữ, khái niệm, các nguyên lí
mà sinh viên đã được học. Cao hơn chút nữa là hiểu các tư liệu đã được học, có khả
năng mô tả tóm tắt, diễn giảng, phân tích các thông tin thu nhận được.Việc đánh giá
về kĩ năng cũng chỉ là việc bắt chước lập lại một kĩ năng nào đó, hoặc hoàn thành
một kĩ năng theo chỉ dẫn trong các học phần thực hành mà thôi.
- Về thời lượng và thời gian: mỗi một học phần có từ 2 đến 4 đơn vị học
trình, theo quy định mỗi học trình có một bài kiểm tra và kết thúc học trình có một
bài thi. Kết quả các bài kiểm tra học trình được tính vào kết quả thi. Thực tế việc
kiểm ta đánh giá ở các trường đại học hiện nay đã phản ánh rõ nét việc dạy và học,
điều đó chưa thể nói được chất lượng đào tạo đại học của nước ta đã đạt được mục
tiêu đào tạo và đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời kì mới.
Trong bối cảnh chung, việc đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra đánh
giá trong trường đại học là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên để việc đổi mới kiểm
tra đánh giá có hiệu quả cần phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản như:
- Phải kiểm tra đánh giá theo mục tiêu đào tạo của từng môn học, đồng thời
phải kiểm tra đánh giá theo các bậc nhận thức, các bậc kĩ năng và các bậc của năng
lực tư duy mà môn học dự kiến người học phải đạt được sau khi học xong.
- Cần áp dụng nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau:
Viết, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, đặc biệt ở đại học cần chú trọng và ưu tiên
cho các hình thức: bài tập lớn, tiểu luận, tổng luận môn học. Việc kiểm tra phải
được tiến hành thường xuyên trong quá trình học tập.
- Kết quả kiểm tra đánh giá phải được sử dụng để đánh giá chất lượng giảng
dạy, chất lượng học tập và chất lượng đào tạo (CT, ND, phương tiện và tổ chức đào
tạo)
Trong dạy học đại học hiện nay có nhiều hình thức kiểm tra: Viết, vấn đáp,
trắc nghiệm khách quan, bài tập, niên luận Mỗi hình thức có một thế mạnh và hạn
chế riêng trong kiểm tra các mặt chất lượng học tập của sinh viên. Tuy nhiên một số
hình thức kiểm tra sau đây nên được áp dụng:.
- Kiểm tra trắc nghiệm khách quan: đây là hình thức có nhiều ưu điểm, cho
phép khảo sát một cách toàn diện kiến thức của người học, tránh được học tủ học
lệch. Hình thức này đòi hỏi giáo viên phải thật cẩn trọng trong khâu ra đề sao cho
tránh rơi vào tình trạng học vẹt, ghi nhớ máy móc.
- Các hình thức như tiểu luận, bài tập lớn, cần được coi trọng và đảm bảo
chất lượng báo cáo của sinh viên. Thực chất của các dạng kiểm tra này chính là
kiểm tra khả năng tự nghiên cứu và khả năng thao tác tư duy của sinh viên. Vì mục
tiêu của việc thực hiện các báo cáo, tiểu luận, bài tập lớn, chính là: Tìm hiểu sâu
rộng hơn các kiến thức về kỹ thuật trong đời sống thực tế; phát hiện những tính
chất, tình huống và các xử lý các vấn đề kỹ thuật trong thực tế; vận dụng những
kiến thức đã học thiết kế xây dựng được một khâu hoàn của hệ thống liên quan đến
môn học. Để tạo hiệu quả cho hình thức kiểm tra này cần nỗ lực thay đổi từ phía
giáo viên và cố vấn học tập. Mỗi SV có hồ sơ học tập riêng. Hồ sơ này là nơi SV
thể hiện lại toàn bộ quá trình học tập từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc môn học. Dựa
vào đó, giảng viên có thể chấm điểm không chỉ kiến thức chuyên môn qua các bài
tập mà còn kiểm tra kỹ năng trình bày, văn phong, sự chuyên cần, tính sáng tạo
Với sinh viên các ngành kỹ thuật, việc đánh giá qua từng dự án với các sản phẩm cụ
thể cũng là phương án hay.
III. Kết luận
Việc đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy ở các bậc học nói chung và bậc
đại học nói riêng để sản phẩm ra trường – con người đáp ứng nhu cầu xã hội vừa là
xu thế tất yếu trong quá trình phát triển vừa là vấn đề sống còn của mỗi trường.
Việc đổi mới cách dạy và cách học là cả một quá trình đòi hỏi rất nhiều yếu
tố. Có việc làm trước, việc làm sau. Có những việc phải chuẩn bị, đầu tư lâu dài:
con người, cơ sở vật chất Nhưng cũng có những việc có thể làm được ngay
thuộc về ý chí quyết tâm chủ quan của cá nhân lãnh đạo và sự thay đổi trong nhận
thức của mỗi giảng viên, sinh viên. Một trong những việc như thế, thay đổi cách
nghĩ, cách làm trong việc tổ chức đánh giá kết quả học tập của giảng viên đối với
sinh viên có ý nghĩa thúc đẩy tích cực quá trình đổi mới công tác đào tạo.
Trong quá trình hình thành và phát triển của trường Đại học Hùng Vương, ban
giám hiệu đã thấy được tầm quan trọng và ảnh hưởng chi phối của việc thực hiện
đánh giá kết quả học tập của sinh viên qua thi học phần, thi tốt nghiệp đối với cả
quá trình hoạt động đào tạo nên đã có sự chỉ đạo nhất quán liên tục, đồng bộ bằng
nhiều biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng của các kỳ thi. Việc đổi mới
hình thức thi, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động,
sáng tạo của người học được sự đồng tình và ủng hộ của tập thể giảng viên và sinh
viên.
Để công tác này có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, ban giám hiệu cần có sự
xem xét và tổng kết, tăng cường công tác chỉ đạo lên tầm mức cao hơn để công tác
thi thực sự là một trong những thước đo đánh giá đúng chất lượng đào tạo của
trường Đại học Hùng Vương trước khi bàn giao sản phẩm của mình - sinh viên các
ngành đào tạo cho xã hội.