ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ PHÁT
TRIỂN TƯ DUY ĐỘC LẬP SÁNG TẠO CỦA SINH VIÊN NGÀNH NÔNG LÂM
NGHIỆP
Hà Thị Thanh Đoàn
Đổi mới phương pháp dạy học không thể tách rời đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Bởi vì mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá là những
thành tố quan trọng của quá trình dạy học ở trường đại học, chúng có quan hệ mật
thiết và biện chứng với nhau. Kiểm tra đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của qúa
trình dạy học. Đây cũng là khâu quan trọng tác động lớn đến quá trình nâng cao
chất lượng đào tạo. Việc kiểm tra đánh giá khách quan, nghiêm túc, đúng cách,
đúng hướng sẽ là động lực mạnh mẽ khích lệ sự vươn lên trong học tập của sinh
viên, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của sinh viên. Đồng thời thông qua
kiểm tra đánh giá giảng viên có thể rút kinh nghiệm quá trình dạy học của mình để
từ đó có những điều chỉnh biện pháp sư phạm hợp lý hơn.
1. Quan niệm về kiểm tra, đánh giá
Hiện nay có rất nhiều quan niệm, ý kiến khác nhau về kiểm tra, đánh giá tuy
nhiên các nhà lý luận dạy học đều nhất trí rằng hai quá trình này có mối quan hệ gắn
bó khăng khít, chặt chẽ, thống nhất với nhau.
Kiểm tra là quá trình thu thập thông tin để có được nhận xét, để xác định mức
độ đạt được cả số lượng và chất lượng về kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, hình thành
thái độ của người học . Kiểm tra là để có dữ liệu thông tin làm cơ sở cho việc đánh
giá, là phương tiện, hình thức quan trọng để thực hiện việc đánh giá kết quả học tập
của học sinh.
Đánh giá “là quá trình hình thành những nhận định phán đoán về kết quả
của công việc, dựa vào sự phân tích những thông tin thu được, đối chiếu với những
mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải
thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiện quả công việc”
Trong lĩnh vực giáo dục “đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập xử lý
thông tin về trình độ khả năng mà người học thực hiện các mục tiêu học tập đã xác
định, nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên, cho nhà trường
và cho bản thân để giúp họ học tập tiến bộ hơn”.
Kiểm tra, đánh giá là những hoạt động khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết
với nhau, kiểm tra là hoạt động khởi đầu, là phương tiện cho quá trình đánh giá.
Trong giáo dục khái niệm kiểm tra là thu thập những dữ liệu, những thông tin làm
cơ sở cho việc đánh giá. Quá trình kiểm tra cho phép làm rõ các đặc trưng về số
lượng và chất lượng của thực trạng giáo dục, “kiểm tra và đánh giá là hai hoạt
động đan xen nhằm miêu tả và tập hợp những bằng chứng về kết quả của quá trình
giáo dục nhằm đối chiếu với mục tiêu. Kiểm tra luôn gắn với đánh giá ”. Trong thực
tế có thể tiến hành kiểm tra nhưng không đánh giá. Tuy nhiên để có thể đánh giá
nhất thiết phải tiến hành kiểm tra, tức thu thập thông tin.
Từ những quan niệm chung về kiểm tra, đánh giá trên ta có thể thấy: kiểm
tra, đánh giá trong dạy khối ngành Nông Lâm Nghiệp là quá trình thu thập và xử lý
thông tin chuyên ngành, hình thành kỹ năng, tay nghề so với mục tiêu học tập cho
sinh viên.
2. Ý nghĩa của việc kiểm tra đánh giá
Kiểm tra, đánh giá là hai công việc khác nhau nhưng có mối quan hệ mật
thiết và hữu cơ với nhau. Kiểm tra nghiêm túc thì sẽ dẫn đến việc đánh giá chính
xác. Đánh giá chính xác sẽ là nguồn động lực thúc đẩy quá trình học tập của sinh
viên. Do vậy quá trình kiểm tra, đánh giá không phải chỉ quan trọng và có ý nghĩa
quyết định tới sinh viên và với giáo viên mà còn có ý nghĩa rất lớn với người làm
công tác quản lý.
* Đối với giảng viên
Việc kiểm tra, đánh giá cung cấp cho giảng viên những thông giúp giảng viên
tự điều chỉnh quá trình giảng dạy của mình.
Kiểm tra, đánh giá kết hợp với theo dõi thường xuyên, tạo điều kiện giúp cho
giảng viên nắm bắt năng lực học tập sinh viên trong lớp. Trên cơ sở đó giúp cho
giảng viên có thể điều chỉnh mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy của
mình cho phù hợp với khả năng tiếp thu của người học đồng thời giảng viên cũng tự
đánhg giá tính hiệu quả công tác giảng dạy của mình từ đó có những biện pháp, kế
hoạch điều chỉnh cả về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động sư
phạm.
* Đối với sinh viên
Việc kiểm tra đánh giá có hệ thống và thường xuyên cung cấp kịp thời thông
tin về kết quả học tập của sinh viên. Giúp sinh viên tự điều chỉnh, tự hoàn thiện quá
trình học tập của mình cho phù hợp.
Với sinh viên khối ngành Nông Lâm nghiệp, rèn luyện tay nghề thường
xuyên là khâu hết sức quan trọng, vì vậy việc kiểm tra đánh giá cần thực hiện một
cách đồng bộ, giúp sinh viên nhận thức đúng vai trò của rèn tay nghề trong môi
trường giáo dục.
* Đối với cán bộ quản lý
Thông qua kiểm tra đã cung cấp được những thông tin cơ bản về thực trạng
việc dạy và học trong nhà trường, qua đó có những biện pháp chỉ đạo kịp thời,
nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra của quá trình dạy và học trong toàn
trường.
3. Thực trạng kiểm tra, đánh giá của trường Đại học Hùng Vương nói chung
và ngành Nông Lâm Nghiệp nói riêng
Kết quả học tập của học phần được đánh giá theo thang điểm 10 với
các điểm bộ phận như sau:
30% đánh giá kết quả điểm thành phần (Gồm điểm giữa kỳ, điểm đánh giá
phần thực hành, điểm tiểu luận và đánh giá tính chuyên cần của sinh viên)
70% đánh giá kết quả thi cuối kì
* Đánh giá tính chuyên cần của sinh viên dựa vào:
- Số buổi tham gia lớp học của sinh viên
- Tinh thần tham gia của sinh viên trong các tiết học và các giờ thảo luận
* Đánh giá kết quả kiểm tra giữa kì
Hình thức kiểm tra giữa kì của giảng viên rất phong phú
Giảng viên có thể kiểm tra nhiều lần trong quá trình học với thời gian và hình
thức thích hợp. Thời lượng cho bài kiểm tra giữa kì có thể cả tiết học hoặc ngắn
hơn. Việc kiểm tra như vậy sẽ giúp giảng viên hiểu được trình độ học tập của sinh
viên và giúp sinh viên tích cực hơn trong học tập.
* Đánh giá kết quả thi cuối kì
Hiện nay các học phần do khoa quản lý có nhiều hình thức kiểm tra như:
Viết, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, bài tập lớn, thực hành Mỗi hình thức có
một thế mạnh và hạn chế riêng trong kiểm tra các mặt chất lượng học tập của sinh
viên.
Kiểm tra viết (tự luận), đây là hình thức được sử dụng phổ biến nhất hiện
nay, nó dễ sử dụng, thuận tiện trong cả ra đề, coi thi và chấm bài. Hạn chế của hình
thức này được nhiều người nói đến là nếu đề thi và đáp án không tốt thì rất khó có
thể đánh giá được khả năng giải quyết vấn đề của người học, hình thức này cũng rất
dễ làm cho sinh viên học tủ, học lệch.
Kiểm tra trắc nghiệm khách quan: đây là hình thức có nhiều ưu điểm, cho
phép khảo sát một cách toàn diện kiến thức của người học, tránh được học tủ học
lệch. Nhưng nếu bộ câu hỏi không đúng chất lượng, không có độ phân hóa thì cũng
chỉ đơn thuần là kiểm tra trí nhớ, bắt sinh viên học vẹt mà thôi.
Các hình thức như tiểu luận, bài tập lớn, còn ít được coi trọng và đôi khi
được sử dụng khá tùy tiện, nhiều giáo viên thiếu cẩn trọng dẫn tới sinh viên chủ yếu
là sao chép tài liệu.
Mặc dù phương pháp đánh giá đã có nhiều cải tiến tích cực nhưng vẫn còn
mốt vấn đề tồn tại như:
- Hình thức thi và kiểm tra: chưa phong phú, chủ yếu vẫn là hình thức thi tự
luận.
- Nội dung thi và kiểm tra: Một số học phần câu hỏi đánh giá còn nặng về lý
thuyết. Nhiều câu hỏi chủ yếu là tái hiện kiến thức lý thuyết, chưa đánh giá hết năng
lực của sinh viên
- Phương pháp đánh giá sinh viên chưa thực sự động viên sinh viên phấn đấu
vươn lên trong học tập. Việc đánh giá sinh viên của mỗi giảng viên chưa thực sự
đồng nhất, còn nhiều sai biệt khác nhau, có môn thì quá chặt, có môn thì quá lỏng.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập khối
ngành Nông Lâm Nghiệp
4.1 Tập huấn, nâng cao nhận thức năng lực kiểm tra, đánh giá cho cán bộ quản
lý, giảng viên và sinh viên
Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá cho cán bộ quản
lý nên được tổ chức định kỳ và thường xuyên hơn. Những khóa tập huấn này cũng
sẽ giúp cho các nhà quản lý có kế hoạch theo dõi và điều chỉnh kịp thời cho công
tác kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh đó chỉ đạo giáo viên các khoa tăng cường công tác kiểm tra đánh
giá hơn nữa bằng việc kết hợp linh hoạt các phương pháp đánh giá trong từng học
phần căn cứ vào đặc thù ngành học, mục tiêu, nội dung chương trình để thúc đẩy
việc tự học và nghiên cứu của sinh viên.
Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nghiên cứu sâu về lí thuyết đánh giá nói
chúng, lí thuyết khảo thí hiện đại nói riêng qua đó hình thành đội ngũ giảng viên có
trình độ kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm để đảm nhận lĩnh vực khoa học mới này.
Họ sẽ là nguồn lực phục vụ tốt cho các kì thi kết thúc học phần, kì thi tốt nghiệp và
tuyển sinh. Bên cạnh đó cũng cần bồi dưỡng giáo viên về tin học, ngoại ngữ và việc
sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc xử lí và phân tích kết quả thi để
kết quả đánh giá có tác dụng với việc dạy - học tập nhằm nâng cao chất lượng đào
tạo của trường.
4.2. Tổ chức xây dựng kế hoạch và quy trình kiểm tra, đánh giá cho bộ môn và
quản lý các quá trình kiểm tra, đánh giá
Việc lập kế hoạch và quy trình kiểm tra, đánh giá cũng như quản lý công tác
kiểm tra, đánh giá hợp lý, khoa học cho từng bộ môn sẽ giúp cho các giảng viên và
các nhà quản lý tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, có thể theo
dõi việc kiểm tra, đánh giá của nhiều bộ môn cùng một lúc một cách hiệu quả mà
không bị chồng chéo giữa môn này và môn khác.
4.3. Sử dụng các hình thức thi kiểm tra phù hợp
Áp dụng nhiều hình thức thi kiểm tra một cách linh hoạt phù hợp, như : thi
viết, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm……Mỗi hình thức có những ưu nhược điểm
riêng.Tuỳ vào đặc trưng môn học, khối lượng kiến thức, đặc trưng nghề nghiệp
tương lai của sinh viên, mà chúng ta có sự lựa chọn, phối hợp vận dụng linh hoạt
các hình thức phù hợp nhằm đạt được hiệu qủa cao và công bằng.
Nội dung thi phải đảm bảo toàn diện, gắn lý luận với thực tiễn, tránh tình
trạng tái hiện đơn thuần lý thuyết và thiếu tính vận dụng sáng tạo, nhằm hướng đến
mục đích vừa kiểm tra được trên diện rộng những kiến thức cơ bản mà sinh viên cần
nắm, vừa tạo điều kiện cho người học được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và được
bộc lộ các khả năng tư duy phong phú của mình.
Tuỳ từng môn học, có thể áp dụng kết cấu đánh giá: dành bao nhiêu % cho
đánh giá giữa kì, dành bao nhiêu % cho đánh giá kết thúc môn học… cho phù hợp
nhằm đảm bảo tính chính xác, tính toàn diện.
4. Kết luận
Việc kiểm tra, đánh giá người học là một công việc hết sức cần thiết và quan
trọng giáo dục Đại học hiện nay. Nó chẳng những giúp cho giảng viên nắm bắt được
tình hình học tập của sinh viên mà còn giúp cho giảng viên thấy được những thiếu sót
trong phương pháp dạy học của mình để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với
tiến trình dạy học. Trên cơ sở những kết quả kiểm tra giảng viên có thể đánh giá được
trình độ, khả năng nhận thức của sinh viên.
Xuất phát từ quan niệm đúng về kiểm tra, đánh giá, khi tiến hành cần phải
đảm bảo việc ra đề thể hiện tính toàn diện về nội dung trên cơ sở chuẩn kiến thức,
kỹ năng và thái độ. Đó là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá cả về kiến thức, kỹ năng
và kết quả giáo dục. Trong kiểm tra, đánh giá cần kết hợp các hình thức, phương
pháp kiểm tra, đánh giá một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn sáng tạo đặc biệt là việc
thực hiện quy trình ra đề theo hướng đổi mới. Đổi mới khâu ra đề là điều kiện đảm
bảo cho quá trình kiểm tra, đánh giá một cách chính xác và khách quan nhất.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá hiện nay cần được thực hiện một cách đồng bộ và
toàn diện, như vậy mới có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Các biện
pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện từ quan niệm đến nội dung,
hình thức, phương pháp tổ chức. Các biện pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá cần phải
phù hợp với tình hình thực tiễn của từng trường. Để chất lượng giáo dục ngày càng
đi lên, bản thân mỗi giảng viên phải tự tìm ra cho mình một phương pháp đánh giá
tích cực và phù hợp với thực tiễn, từ đó đưa ra được kết quả chính xác, giúp sinh
viên tự tin trong học tập. Để có được điều đó trước hết người giáo viên phải nắm
vững lý luận về kiểm tra, đánh giá nói riêng và lý luận về dạy học nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Chính (2002), Kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học,
Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (1996), Lý luận dạy học đại học, Nhà xuất bản
Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Phương Nga ( 2005), Giáo dục đại học- chất lượng và đánh giá, Nhà
xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
4. Trần Thị Tuyết Oanh (2007), Đánh giá và đo lường kết quả học tập, Nhà
xuất bản Đại học sư phạm.