Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ HƯỚNG ĐẾN CHUẨN ĐẦU RA VỀ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ CHO SINH VIÊN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.16 KB, 7 trang )

ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ HƯỚNG ĐẾN CHUẨN ĐẦU RA
VỀ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ CHO SINH VIÊN

TS. Vũ Thị Quỳnh Dung
1. Đặt vấn đề
Chiến lược đổi mới căn bản toàn diện hệ thống giáo dục hiện nay của Bộ
Giáo dục và Đào tạo chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá nhằm thúc đẩy
các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức
hoạt động dạy học, đổi mới quản lý…. Trong đào tạo sinh viên ngoại ngữ, kiểm tra
đánh giá cũng đóng một vai trò then chốt. Thông qua các bài kiểm tra mà giảng viên
xác định được khả năng, mức độ lĩnh hội kiến thức, kĩ năng vận dụng ngôn ngữ của
sinh viên, đánh giá được những vấn đề tồn tại trong kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của
họ để từ đó tự điều chỉnh, cải tiến phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên giải quyết
các khó khăn đó. Kiểm tra đánh giá cũng thúc đẩy động cơ học tập của sinh viên,
giúp họ tự đánh giá mức độ đạt được các kĩ năng tiếp nhận, kĩ năng tương tác, kĩ
năng sản sinh ngôn ngữ của mình, có kế hoạch, phương pháp tự ôn tập, củng cố
kiến thức, tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực hướng đến đạt chuẩn đầu ra của
ngành đào tạo.
Ngày 24/01/2014, tại Thông tư số 01/2014/TT – BGDĐT, Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo đã ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp
dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người
học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trong đó mô tả chi tiết qui định
mức độ đạt được đối với từng kĩ năng nghe, nói, đọc, viết ở mỗi bậc ở các trình độ
sơ cấp, trung cấp, cao cấp làm căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình,
tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá sát với yêu cầu đặt ra (xem Khung năng lực
ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn
2008 –2020” (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) do Chính phủ phê duyệt ngày 30
tháng 9 năm 2008 xác định: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ
thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các
cấp học, trình độ đào tạo”. Đề án cũng qui định cụ thể chuẩn đầu ra cho từng cấp


học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân (xem Đề án Ngoại ngữ 2020).
Mục tiêu đào tạo, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra là ba mắt xích quan trọng
trong xây dựng và thực hiện một chuyên ngành đào tạo. Khi mục tiêu đào tạo,
chuẩn đầu ra thay đổi thì việc đổi mới kiểm tra đánh giá là một tất yếu mang tính
đồng bộ nhằm đảm bảo chất lượng của ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu đặt ra của xã
hội.
2. Một số khái niệm cơ bản
Năng lực (competence) là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm,
kĩ năng, thái độ và hứng thú để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong
các tình huống đa dạng của việc học tập và cuộc sống. Năng lực ngoại ngữ
(language competence) chỉ khả năng vận dụng kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ
pháp, văn hóa…thông qua bốn kĩ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết về một ngôn ngữ
nào đó để hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống cụ thể.
Kiểm tra (Testing): Kiểm tra là quá trình đo lường kết quả thực tế và so sánh
với những tiêu chuẩn, mục tiêu đã đề ra nhằm phát hiện những gì đã đạt được, chưa
đạt được, nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng/chi phối… từ đó đưa ra biện pháp
điều chỉnh khắc phục nhằm đạt được mục tiêu.
Đánh giá (Assessment): Đánh giá là một hoạt động nhằm nhận định, xác nhận
giá trị thực trạng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả công việc,
trình độ sự phát triển những kinh nghiệm được hình thành ở thời điểm hiện tại
đang xét so với mục tiêu hay những chuẩn mực đã được xác lập. Trên cơ sở đó nêu
ra những biện pháp uốn nắn, điều chỉnh và giúp đỡ đối tượng hoàn thành nhiệm vụ.
Chuẩn đầu ra (Outcomes): Là sự khẳng định sinh viên tốt nghiệp làm được những gì và
kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi cần đạt được của sinh viên. Chuẩn đầu ra là cam kết của nhà
trường đối với xã hội về những kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi, qua đó, khẳng định những
năng lực lao động cụ thể mà sinh viên sẽ thực hiện được sau khi được đào tạo tại nhà trường.
Chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên chuyên ngữ được xác định trong Đề
án Ngoại ngữ 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày
30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ là sinh viên hệ cao đẳng chuyên ngữ phải đạt bậc 4/6, sinh
viên hệ đại học chuyên ngữ phải đạt bậc 5/6 Khung năng lực Ngoại ngữ của Việt Nam. Để được

công nhận đạt được năng lực ngoại ngữ ở các bậc này, sinh viên phải thực hiện 5 bài thi kiểm tra
khả năng nghe, nói, đọc, viết, từ vựng và ngữ pháp (xem dạng thức bài thi Khung năng lực ngoại
ngữ dùng cho Việt Nam).
3. Thực trạng kiểm tra đánh giá cho sinh viên chuyên Anh tại Khoa Ngoại Ngữ
Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Hùng Vương được thành lập năm 1996 có
nhiệm vụ đào tạo sinh viên các chuyên ngành Đại học sư phạm Tiếng Anh, Đại học
Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngôn ngữ Tiếng Trung Quốc, Cao đẳng sư phạm Tiếng
Anh và đào tạo Tiếng Anh cơ bản cho sinh viên các ngành đào tạo khác trong
trường.
Công tác kiểm tra đánh giá sinh viên chuyên Anh (bao gồm ngành ĐHSP
Tiếng Anh, Đại học Ngôn ngữ Anh và Cao đẳng sư phạm Tiếng Anh) tại Khoa
Ngoại ngữ trường Đại học Hùng Vương được thực hiện theo qui chế đào tạo đại
học, cao đẳng hệ chính qui theo hệ thống tín chỉ theo Quyết định 377/QĐ-ĐHHV-
ĐT ngày 12 tháng 6 năm 2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương và
Quy định về công tác kiểm tra đánh giá của trường Đại học Hùng Vương (Ban hành
kèm theo Quyết định số 576/QĐ-ĐHHV-TTr, KT&ĐBCL ngày 26 tháng 8 năm
2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương). Hiện tại trong chương trình
đào tạo sinh viên ba ngành này bao gồm 110 học phần do Khoa quản lí trong đó có
8 học phần đánh giá năng lực nghề nghiệp thực tế bao gồm RLNVSP thường xuyên,
Thực tập 1, Thực tập 2. Công tác kiểm tra, đánh giá cho 102 học phần còn lại như
sau:
Về hình thức kiểm tra đánh giá: các hình thức kiểm tra đánh giá các học
phần đều được thể hiện trong đề cương chi tiết học phần và công bố cho sinh viên
biết ngay từ khi bắt đầu học kì. Cụ thể như sau:
Bảng thống kê các hình thức kiểm tra đánh giá các học phần
Tự
luận
Vấn
đáp
Trắc

nghiệm
Trắc
nghiệm +
Tự luận
Thường
xuyên/ chuyên
cần
Tiểu luận/Bài
tập lớn/
Xemina
25/102 20/102 15/102 42/102 25/102 0
24.5% 19.6% 14.7% 41.2% 24.5% 0
Bảng thống kê cho thấy hình thức đánh giá trắc nghiệm kết hợp tự luận là phổ
biến nhất chiếm 42/102 học phần (41.2%), hình thức trắc nghiệm khách quan là
thấp nhất (14,7%). Có một hình thức đánh giá không được sử dụng là cho sinh viên
làm tiểu luận, bài tập lớn hay xemina để kiểm tra đánh giá sinh viên. Hình thức
kiểm tra tự luận và hình thức đánh giá thường xuyên/ chuyên cần có tỉ lệ ngang
bằng nhau chiếm gần 1/4 các học phần trong chương trình đào tạo (24.5%). Một
điểm nổi bật nữa là có đến gần 20% học phần sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp
mang tính đặc thù bộ môn.
Các hình thức đánh giá đang sử dụng tương đối đa dạng. Sinh viên phải kết
hợp được cả kĩ năng sử dụng ngôn ngữ nghe, nói, đọc và viết. Một số học phần
được giảng viên đánh giá thường xuyên nên đã khuyến khích/ bắt buộc sinh viên
phải chăm chỉ học tập trong suốt học kỳ chứ không phải đến lúc thi mới học. Tuy
nhiên hình thức kiểm tra đánh giá bằng bài tập lớn, tiểu luận, Xemina chưa được sử
dụng. Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan chưa nhiều do trang thiết bị công
nghệ thông tin còn hạn chế, cách thức ra đề thi trắc nghiệm cũng là một hạn chế
không nhỏ của giảng viên. Hình thức đánh giá còn nặng về điểm số, kết quả học tập
chứ chưa thực sự đánh giá năng lực ngôn ngữ của sinh viên.
Về nội dung kiểm tra đánh giá, nội dung đánh giá tập trung vào kiểm tra

kiến thức, kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của sinh viên. Đánh giá chủ yếu thông qua bài
kiểm tra giữa kì, bài thi cuối học phần. Tất cả các đề thi học phần đều bám sát nội
dung chương trình môn học, đảm bảo cơ cấu giữa lí thuyết và bài tập/thực hành.
Nội dung các đề thi nhằm đánh giá các khối kiến thức trong chương trình đào tạo
nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Mỗi môn học đều xây dựng được một ngân hàng đề thi
do ít nhất 2 giảng viên có kinh nghiệm chuyên môn xây dựng. Qui trình ra đề thi
được đảm bảo đúng qui chế. Các đề thi đều có đáp án, thang điểm rõ ràng, bao gồm
các câu hỏi đánh giá đo lường khả nhớ, hiểu và vận dụng kiến thức đã học. Hàng
năm ngân hàng đề thi đều được rà soát, điều chỉnh, loại bỏ những câu không phù
hợp, cập nhật kiến thức mới, ra bổ sung đề mới… để ngân hàng đề ngày càng hoàn
thiện hơn. Đặc biệt, các đề thi kĩ năng Nghe nâng cao, Nói nâng cao, Đọc nâng cao,
và Viết nâng cao đã hướng đến các hình thức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo
Chuẩn năng lực Ngoại ngữ của Việt Nam theo Đề án Ngoại ngữ 2020.
Tuy nhiên, nội dung dùng để đánh giá kĩ năng nói chưa phong phú, mới chỉ
dừng lại ở việc đưa ra các chủ đề, các tình huống cho sinh viên trình bày, thảo luận,
tranh luận mà chưa áp dụng các thể loại tả tranh, đóng vai… trong mỗi đề thi vấn
đáp. Nội dung để đánh giá thường xuyên/chuyên cần chủ yếu tập trung vào đánh giá
thái độ học tập, mức độ chăm chỉ chứ chưa thực sự đánh giá về năng lực ngôn ngữ
của sinh viên.
4. Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá hướng đến chuẩn đầu ra về năng lực
ngoại ngữ
Kiểm tra đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của qúa trình dạy học. Đây
cũng là khâu quan trọng tác động lớn đến quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc kiểm tra đánh giá khách quan, nghiêm túc, đúng cách, đúng hướng sẽ đánh giá
sinh viên thực sự đạt được mục tiêu đào tạo ở mức độ nào, sẽ là động lực mạnh mẽ
khích lệ sự vươn lên trong học tập của sinh viên, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo không
ngừng của sinh viên. Kết quả kiểm tra đánh giá sẽ được sử dụng để cải tiến nội
dung và cách thức đào tạo sinh viên.
Để cải tiến công tác kiểm tra đánh giá cho sinh viên chuyên Anh, một số giải
pháp cấp thiết sau cần được thực hiện:

4.1. Xác định cụ thể lộ trình sau mỗi học kì, mỗi năm học sinh viên phải đạt
được bậc mấy trong Khung năng lực làm căn cứ để kiểm tra đánh giá trình độ
sinh viên sau mỗi giai đoạn.
Việc cụ thể hóa bậc năng lực ngôn ngữ sinh viên phải đạt được sau mỗi
khoảng thời gian là rất quan trọng bởi xác định được mục tiêu cụ thể sẽ có tác động
tích cực đến các khâu khác của quá trình đào tạo như xây dựng chương trình, tổ
chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá… Các bậc năng lực ngôn ngữ được đề xuất như
sau: Hết năm thứ nhất trình độ sinh viên phải đạt được là Bậc 2; Hết năm thứ hai là
Bậc 3; Hết năm thứ ba là Bậc 4; và khi tốt nghiệp phải đạt Bậc 5. Cụ thể là:
- Hết năm thứ nhất (Bậc 2): Sinh viên có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử
dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia
đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm).
Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày.
Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc
nhu cầu thiết yếu.
- Hết năm thứ hai (Bậc 3): Sinh viên có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn
hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc,
trường học, giải trí Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến các nước có
sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen
thuộc hoặc cá nhân quan tâm.
Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng, hoài bão
và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.
- Hết năm thứ ba (Bậc 4): Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ
đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn
của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ.
Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và
có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm,
nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
- Khi tốt nghiệp (Bậc 5): Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài
với phạm vi rộng. Có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc

tìm từ ngữ diễn đạt. Có thể sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và hiệu quả phục vụ các
mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Có thể viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về
các chủ đề phức tạp, thể hiện được khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối
câu và các công cụ liên kết.
4.2. Tập huấn kỹ năng cấu trúc đề, hệ thống câu hỏi kiểm tra, đánh giá đặc biệt
đối với các học phần kĩ năng thực hành tiếng Nghe, Nói, Đọc, Viết, Ngữ pháp.
Để hoàn thiện qui trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ
thì việc điều chỉnh cấu trúc đề thi và hệ thống câu hỏi kiểm tra theo định hướng
Chuẩn năng lực Ngoại Ngữ của Việt Nam là vô cùng cần thiết. Bộ môn Tiếng Anh
chuyên chịu trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung tập huấn cho các
giảng viên trong khoa về các kĩ năng ra đề thi trắc nghiệm khách quan, xây dựng hệ
thống câu hỏi đặc biệt là bộ câu hỏi vấn đáp cho từng chủ đề trong kĩ năng Nói. Đối
với kĩ năng Nghe, xây dựng cấu trúc đề thi theo dạng bài thi TOEIC; đối với kĩ
năng Nói và Viết, xây dựng bộ đề và hệ thống câu hỏi theo dạng thức IELTS; đề thi
Đọc và Ngữ pháp theo dạng thi TOEFL. Trên cơ sở đó, xây dựng một ngân hàng đề
thi hoàn chỉnh cho các kĩ năng này. Làm tốt công tác này sẽ đánh giá chính xác hơn
năng lực ngoại ngữ của sinh viên, đồng thời giúp cho sinh viên làm quen với các
dạng thức bài thi của Chuẩn năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
4.3. Tổ chức tập huấn quy trình kiểm tra, đánh giá cho giảng viên đặc biệt là
đối với các học phần Nói và Viết
Quy trình kiểm tra, đánh giá đặc biệt quan trọng đối với 2 kĩ năng Nói và
Viết vì hai kĩ năng này thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan khi đánh giá. Vì
vậy các giảng viên cần phải được tập huấn kĩ lưỡng về các tiêu chí đánh giá, các
thang điểm đánh giá và phải được quan sát trực tiếp việc đánh giá giả định trong các
buổi tập huấn.
4.4. Đa dạng hóa hơn nữa các loại hình kiểm tra đánh giá bằng cách bổ sung
loại hình đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng hồ sơ học tập, bài tập lớn,
hoặc xemina, thuyết trình bằng tiếng Anh….
Các loại hình đánh giá trên có rất nhiều ưu thế trong việc khuyến khích sinh
viên học tập, phát triển tư duy độc lập sáng tạo, phản ánh khả năng vận dụng kiến

thức của người học trong các nhiệm vụ, tình huống cụ thể, rõ ràng, thể hiện năng
lực ngôn ngữ của sinh viên thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Khi tiến
hành làm một hoạt động nghiên cứu, cho dù là báo cáo hay tiểu luận, bài tập, thì
người thực hiện cũng phải vận dụng một cách tối đa nhất những năng lực tư duy và
năng lực thao tác của bản thân như: quan sát, mô tả, tìm tòi, phân tích, so sánh, đối
chiếu, tổng hợp, đánh giá, khái quát và đề xuất giải pháp nhờ đó mà năng lực độc
lập và sáng tạo thể hiện và phát triển. Kết quả của các báo cáo, bài tập lớn hoặc
xemina, thuyết trình…cho phép giảng viên có thể đánh giá được mức độ nhận thức
về kiến thức, về kĩ năng, đặc biệt là đánh giá được khả năng thao tác tư duy độc lập
và khả năng sáng tạo trong học tập và nghiên cứu của sinh viên, đó cũng chính là
mục tiêu cao nhất của giáo dục đại học.
5. Kết luận
Kiểm tra - đánh giá là một khâu quan trọng và gắn liền mật thiết với hoạt
động giảng dạy. Mục tiêu đề ra cho công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là
phải đo được mức độ đạt được so với mục tiêu của học phần. Do đó yêu cầu công
tác đánh giá phải bám sát vào mục tiêu học tập đã được xây dựng trong chương
trình chi tiết học phần và hằng năm phải rà soát để xem xét tính phù hợp so với yêu
cầu đào tạo và thực tiễn. Bên cạnh đó kiểm tra đánh giá còn phải đánh giá được
năng lực của người học, làm cho họ có thể đánh giá được năng lực của mình để họ
biết mức độ đạt được đến đâu và tiến bộ như thế nào. Vì vậy, đánh giá phải đảm bảo
nguyên tắc công khai, công bằng, đúng thực chất và phát huy tính năng lực, tính
tích cực, năng động, sáng tạo của người học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013), Chuyên đề bồi dưỡng giáo viên Trung học phổ
thông về kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt
Nam
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
quốc dân giai đoạn 2008 –2020”
4. Desheng, C. & Varghese, A. (2013), Testing and Evaluation of Language Skills,

IOSR Journal of Research & Method in Education (IOSR-JRME), Volume 1, Issue
2 (Mar. –Apr. 2013), PP 31-33.
5. Nguyễn Công Khanh (2013). Đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng
lực. Kỷ yếu hội thảo Hướng tới một xã hội học tập VVOB.

×