Vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trung
học phổ thông ở Hà Nội hiện nay
Đào Thị Ngọc Ánh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Quốc gia Hà Nội
Luận văn ThS. Triết học: 60 22 80
Người hướng dẫn : GS.TS. Trần Phúc Thăng
Năm bảo vệ: 2013
87 tr .
Abstract. Luận văn góp phần làm sang tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề giáo
dục đạo đức cho học sinh ở các trường Trung học phổ thông ở Hà Nội hiện nay.Đề
xuất một số giải pháp cơ bản để nhằm nâng cao chất và hiệu quả công tác giáo dục đạo
đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông ở Hà Nội hiện nay.
Keywords.Triết học; Giáo dục đạo đức; Triết học đạo đức
Content.
1. Lí do chọn đề tài.
Giáo dục và đào tạo là một hoạt động có tổ chức của xã hội nhằm bồi dưỡng và
phát triển các phẩm chất và năng lực con người cho mỗi công dân cả về tư tưởng, đạo
đức, khoa học, sức khỏe và nghề nghiệp.
Mục đích cơ bản của giáo dục ở mọi thời đại là hình thành và phát triển nhân
cách con người. Trong đó, vấn đề giáo dục đạo đức là vấn đề hết sức quan trọng. Đạo
đức là tổng hợp các quy tắc, tiêu chuẩn chỉ đạo mối quan hệ giữa con người với nhau
trong một cộng đồng, một xã hội nói chung. Cho dù ở giai đoạn nào của lịch sử thì nét
chung của đạo đức vẫn là hướng thiện, chống lại cái ác, hướng tới quan hệ đẹp đẽ giữa
con người với con người, với tự nhiên và với xã hội. Hội nghị lần thứ hai Ban chấp
hành TW Đảng khóa VIII chỉ rõ: “ Thực hiện giáo dục toàn diện đức dục, trí tuệ, thể
dục, mỹ dục ở tất cả các bậc học, hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân
cách, khả năng tư duy sáng tạo, năng lực thực hành” [11, tr .33]. Điều 2, Luật giáo dục
nước CHXHCN Việt Nam năm 2005 cũng quy định “ Mục tiêu giáo dục là đào tạo
người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức, tri thức, sức khỏe thẩm mỹ và nghề
nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi
dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ Quốc” [28, tr.3]. Điều lệ trường trung học ban hành theo quyết định
số 07/2007/QĐ - Bộ GD &ĐT ngày 2/4/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ghi rõ “
Học sinh được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo Quy chế đánh giá và
xếp loại học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo” [5, tr.7]. Trong Chương V Điều 38 của
điều lệ quy định “ Nhiệm vụ của học sinh phải rèn luyện về đạo đức nhằm cụ thể hóa
đường lối giáo dục của Đảng ” [5, tr.14].
Do vậy, quá trình giáo dục trong nhà trường thì nhiệm vụ giáo dục tri thức luôn
luôn phải gắn liền với nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thông qua “dạy chữ” để “dạy
người”, giáo dục đạo đức là một khâu then chốt để giáo dục nhân cách con người.
Một con người có nhân cách là con người vừa có “ tài ” lại vừa có “ đức ”, đức
là nền tảng, là gốc của mọi việc. Đúng như Bác Hồ đã từng nói: “ Có tài mà không có
đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Bởi vậy, từ
xưa đến nay, ông cha ta đã khẳng định mục đích của việc học là“ có dăm ba chữ để
làm người ”. Làm người với ý nghĩa đầy đủ của nó là những con người có đạo đức
trong sáng, có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, phù hợp với đạo lí, truyền thống dân
tộc. Cũng do đó, phương châm giáo dục của ông cha ta là “ Tiên học lễ, hậu học văn”.
Trước khi học chữ, học kiến thức con người phải học phép tắc, lễ nghĩa, học cách làm
người.
Trải qua nhiều thế kỷ, qua nhiều thời đại khác nhau, mục đích ấy vẫn không
thay đổi và ngày càng được khẳng định vững chắc trong các văn bản, Nghị quyết của
Đảng, nhà nước về giáo dục, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ “Muốn tiến
hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục và đào
tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững,
để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Phát
triển nguồn nhân lực con người là phát triển đức và tài” [14,tr 19].
Hiện nay, đạo đức của học sinh bậc THPT đang là vấn đề nóng bỏng, là mối
quan tâm lo lắng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các
phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều đến sự gia tăng tội phạm, việc mang
thai ở tuổi vị thành niên và các vấn đề khác ở thế hệ trẻ như: tự tử, ma túy, bạo lực học
đường… Sự giao lưu về văn hóa thời mở cửa giữa các quốc gia, bên cạnh cái tốt, còn
làm tăng thêm sự xuống cấp về đạo đức ở lứa tuổi học trò. Việc sử dụng internet, kết
nối thông tin để phục vụ việc học tập chưa thấy kết quả là bao đã thấy rõ tác động tiêu
cực của nó đối với bộ phận lớn học sinh. Các em sử dụng máy tính chủ yếu là để chát
với nhau, truy cập vào các trang Website có nội dung không lành mạnh từ đó bê trễ
việc học hành, dẫn đến các thói hư, tật xấu và nhiều tệ nạn xã hội khác. Đó là chưa kể
đến lối sống tự do phóng túng, buông thả, thích ăn diện đua đòi, sống không lý tưởng,
không mục đích, không niềm tin, ngại khó khăn, ngại cống hiến Cũng chưa bao giờ
truyền thống “ tôn sư trọng đạo ” lại bị xúc phạm và xoi mói đến thế. Nhiều thầy cô
giáo không chịu nổi trước những hành vi bất kính, thô tục, vô lễ của học sinh. Xưa
hiếm có chuyện trò đánh chửi lại thầy nhưng nay cũng chưa thể thống kê được số vụ
học trò hành hung đánh chửi, gây thương tích cho thầy cô giáo của mình, lại càng
không thể thống kê được số vụ học trò vô lễ, bất kính với thầy là bao nhiêu.
Nhận định về tình hình trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương VII, khóa 10
(năm 2008) chỉ rõ “ Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít
quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa
rời truyến thống văn hóa dân tộc ” [13,tr 27].
Cũng nói về thực trạng này, báo cáo của Bộ Giáo dục trình Chính phủ tháng
10/2004 nêu rõ: “ Điều đáng lo ngại nhất ở một bộ phận học sinh, đặc biệt bậc trung
học là những biểu hiện của lối sống thực dụng, từ đó dẫn đến tình trạng đối phó, gian
lận, thiếu trung thực, trước hết là trong học tập, mức độ phổ biến của hiện tượng này
cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Một tỉ lệ nhỏ học sinh bậc trung học có
những thiếu hụt khá rõ rệt về nhận thức, thái độ và hành vi về đạo đức, trong đó có một
số rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như nghiện ma túy, gây rối trật tự công
cộng, đặc biệt nghiêm trọng và đáng báo động là những trường hợp cá biệt trở thành
tội phạm hình sự với các tội danh hiếp dâm, giết người, cướp của, hành hung thầy cô
giáo” [4].
Như vậy, có thể nói tình trạng đạo đức của học sinh đang ở trong tình trạng
đáng báo động. Những hiện tượng tiêu cực trên cho thấy công tác giáo dục đạo đức, lối
sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh bậc trung học chưa thực sự được coi trọng và
cần có sự đổi mới cho phù hợp với tình hình xã hội mỗi ngày một biến động.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi tập trung dân cư đông đúc, là một địa bàn
phức tạp. Các trường THPT, ngoài một số trường điểm, thì hầu hết các trường điểm
chuẩn tuyển sinh đầu vào đều thấp, có trường học mà hàng nước hai bên dẫn vào cổng
trường lại là nơi tập trung của tụ điểm buôn bán hêroin, quán karaoke, quán internet….
Đa phần những học sinh học yếu, bản lĩnh không cao, tiếp thu cái mới không có chọn
lọc và dễ bị cái xấu lôi kéo, nói dối bố mẹ là đi học thêm, học nhóm nhưng thực chất là
ra quán nét, kết bạn trên internet, bê trễ việc học hành, gây gổ, xích mích dẫn đến đánh
nhau, vô lễ với giáo viên là một thực tế, thậm chí có những trường hợp học sinh lớp 12
không kịp thi tốt nghiệp vì phải đi lấy chồng sớm. Uy tín của nhà trường giảm sút.
Trước tình trạng trên, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã rất quan tâm đến việc
giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy vậy, trước những thách thức của thời mở cửa, hội
nhập, việc giáo dục đạo đức cho học sinh đứng trước nhiều khó khăn hơn, đòi hỏi sự
nỗ lực cao của mọi thành viên trong hội đồng giáo dục, gia đình và xã hội.
Xuất phát từ những lí do trên, học viên chọn đề tài “ Vấn đề giáo dục đạo đức
cho học sinh ở các trường trung học phổ thông ở Hà Nội hiện nay” làm đề tài
luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Ở nước ta, trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, các
chuẩn mực, giá trị đạo đức tốt đẹp trong quan hệ gia đình, cộng đồng đã hình thành và
truyền lại cho thế hệ sau bằng nhiều con đường. Cho đến nay, là người Việt Nam,
không ai không biết đến lời nhắc nhở: “ Tiên học lễ, hậu học văn ” hay “ Tôn sư trọng
đạo ”… Lại càng không thể không biết đến tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tư
tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Với mỗi người, Hồ Chí Minh ví đạo đức là
nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông
suối. Người viết: “ Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì
sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng thì phải có đạo
đức, không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”
[40,tr5]. Theo Người, đạo đức cách mạng giúp con người vững vàng trong mọi thử
thách, không lùi bước khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, mới giữ vững tinh thần để
lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ… Người còn dạy: “ Ngọc càng mài càng sáng,
vàng càng luyện càng trong ” và trên tất cả là cuộc đời vì nước, vì dân của Người, đó
là tấm gương đạo đức cao cả nhất, sáng nhất để mọi thế hệ sau noi theo.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận thức sâu sắc về vai trò, động lực to lớn của
đạo đức cách mạng đối với sự tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, năm 1979, khi Bộ Chính trị
ra nghị quyết về đổi mới cải cách giáo dục, Ủy ban cải cách giáo dục đã có quyết định
số 01 mở cuộc vận động “ Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường
học ”. Trong lời khai mạc Hội nghi khoa học về giáo dục đạo đức cách mạng trong
trường học (Tổ chức tại Nha Trang từ 17/4 đến 18/4/1980) cho các tỉnh phía Nam và
từ (28/4 đến 5/5/1980 ) cho các tỉnh phía Bắc tại Hà Nội, Thứ trưởng Võ Thuần Nho
đã cung cấp một số lý luận và tư tưởng về giáo dục đạo đức cách mạng trong trường
học, kinh nghiệm giáo dục đạo đức của những trường làm tốt.
Trong nền kinh tế thị trường, nền kinh tế mở đầy năng động hiện nay đã tạo ra
những định hướng xã hội mới, bên cạnh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp,
những giá trị của con người mới cũng hình thành. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích
cực cũng xuất hiện một số nét tiêu cực có ảnh hưởng đến công tác giáo dục đạo đức
cho học sinh. Đã có nhiều bài viết, bài nghiên cứu về vấn đề này.
Tác giả Nguyễn Khắc Minh nghiên cứu về “ Biện pháp tăng cường công tác chủ
nhiệm lớp trong các trường THPT tỉnh Hưng Yên ” (Luận văn thạc sỹ Triết học - Năm
2007 - Học viện báo chí và tuyên truyền), khẳng định tầm quan trọng và tác động của
giáo viên chủ nhiệm đến quá trình hình thành và phát triển đạo đức của các em học
sinh.
Có những đề tài đi sâu nghiên cứu các nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh
như: “ Biện pháp nhằm tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên…”
của Đỗ Thị Châm; “ Một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản vị
thành niên”… của Nghiêm Thị Nguyệt Anh; “ Một số biện pháp giáo dục bảo vệ môi
trường cho học sinh… của Nguyễn Văn Tâm; “ Một số biện pháp nhằm ngăn chặn các
tệ nạn xã hội cho học sinh ở các trường THPT… của Đàm Văn Long.
Có một số đề tài đi vào nghiên cứu về việc phối hợp các lực lượng tham gia
giáo dục đạo đức cho học sinh, tiêu biểu như đề tài: “ Một số biện pháp tổ chức phối
hợp các lực lượng giáo dục trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trường THPT
Tây Hồ” của Phạm Thị Minh Tâm đã đưa ra được hai nhóm biện pháp tổ chức phối
hợp các lực lượng giáo dục trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trường
THPT. Đề tài này góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng chăm lo
giáo dục học sinh, tạo đà cho sự phát triển nhà trường trong giai đoạn đầu hình thành
uy tín, thương hiệu cho nhà trường.
Đáng chú ý là có những đề tài nghiên cứu một cách khái quát về hoạt động giáo
dục đạo đức cho học sinh như: “Các biện pháp giáo dục đạo đức truyền thống cho học
sinh trung học phổ thông ” do Hà Hữu Vinh viết. Tác giả đã đề xuất bảy biện pháp
nhằm giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh, trong đó đề xuất biện pháp là nhằm
nâng cao vị trí, cải tiến phương pháp giảng dạy môn giáo dục công dân, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; hoặc như đề tài: “ Một số
biện pháp tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh các trường trung học phổ thông
ngoài công lập của tỉnh Hải Dương” của tác giả Đỗ Văn Thược, trên cơ sở nghiên cứu
lý luận, xuất phát từ thực trạng tỉnh Hải Dương, tác giả đã đề xuất những biện pháp
hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh như: Kế hoạch hóa
công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng kịp
thời…
Ngoài các đề tài nghiên cứu về các biện pháp giáo dục đạo đức học sinh các
trường từ bậc tiểu học đến THPT, một số đề tài còn nghiên cứu biện pháp giáo dục đạo
đức học sinh các trung tâm giáo dục thường xuyên, sinh viên các trường cao đẳng, đại
học.
Đặc biệt gần đây nhất, trước tình trạng báo động về sự suy thoái đạo đức của
học sinh, sinh viên, hội khoa học Tâm lý - Giáo dục đã tổ chức một hội thảo về khoa
học về “ Giáo dục đạo đức học sinh - sinh viên ở nước ta - Thực trạng và giải pháp ”.
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục tham gia với hàng trăm báo cáo.
Tất cả đều xoay quanh vấn đề làm thế nào để giáo dục đạo đức cho học sinh - sinh viên
có hiệu quả.
Có thể nói, giáo dục đạo đức cho học sinh trong các trường THPT đang là vấn
đề hết sức gian nan, là mối quan tâm hàng đầu của những người làm công tác giáo dục
hiện nay. Việc đi tìm những biện pháp hữu hiệu mang tính khả thi đang là những bước
thử nghiệm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Những đề tài nghiên cứu trên tuy giải
quyết các khía cạnh khác nhau về giáo dục đạo đức cho học sinh, song đã đặt nền tảng,
tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích nghiên cứu:
Từ đặc điểm và thực trạng của việc giáo dục đạo đức cho học sinh các trường
THPT trên địa bàn Hà Nội trong thời kì đổi mới, luận văn đề xuất một số giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh các trường
THPT ở Hà Nội hiện nay.
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Khái quát một số đặc điểm cơ bản của việc giáo dục đạo đức cho học sinh các
trường THPT ở Hà Nội hiện nay.
+ Khảo sát, đánh giá thực trạng việc giáo dục đạo đức học sinh THPT trên địa
bàn Hà Nội hiện nay.
+ Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong
các nhà trường THPT ở Hà Nội hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Đối tượng nghiên cứu: Vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường
THPT Hầ nội hiện nay.
- Phạm vi nghiên cứu: Thực trạng vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh các
trường THPT ở Hà Nội từ khi đổi mới đến nay ( Trong phạm vi 6 trường THPT ở Hà
Nội).
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp luận chung nhất của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đồng thời còn sử dụng các phương pháp điều tra
xã hội học (điều tra bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, phương pháp toán thống kê,
phương pháp chuyên gia, trưng cầu ý kiến về các giải pháp giáo dục đạo đức học sinh
THPT ở Hà Nội hiện nay.
6. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở phân tích thực trạng đạo đức học sinh THPT ở Hà Nội hiện nay, luận
văn đề xuất một số giải pháp giáo dục đạo đức cho học sinh THPT mang tính đồng bộ
và khả thi nhằm khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức của học sinh THPT ở Hà Nội
hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 3 chương:
Chương 1: Giáo dục đạo đức và những nhân tố đặc thù ảnh hưởng đến việc giáo dục
đạo đức cho học sinh các trường trung học phổ thông ở Hà Nội hiện nay.
Chương 2: Thực trạng việc giáo dục đạo đức cho học sinh các trường trung học phổ
thông ở Hà Nội hiện nay và nguyên nhân của những hạn chế.
Chương 3: Một số giải pháp giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường THPT ở Hà
Nội hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Thị Kim Anh ( 9/2007) Văn hóa học đường- một góc nhìn từ thực tiễn, Kỷ yếu hội
thảo khoa học viện nghiên cứu sư phạm ĐHSP Hà Nội
2. Phan Thi Kim Anh (2007), “ Đạo Thày trò xưa và nay ”, Tạp chí dạy và học ngày nay.
3. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2003), Tài liệu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh,
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002), Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, NXB. Giáo
dục, Hà Nội.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2000), Điều lệ trường THPT, NXB. Giáo dục, Hà Nội.
6. Phạm Khắc Chương (1997), commenxki ông tổ của nền sư phạm cận đại, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
7. Phạm Khắc Chương (1997), Một số vấn đề giáo dục đạo đức và giáo dục đạo đức ở
trường phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.
8. Phạm Khắc Chương (1997), 142 tình huống gia đình, NXB Giáo dục, Hà Nội.
9. Phạm Khắc Chương - Hà Nhật Thăng, Đạo đức học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
10. Chỉ thị 14/2001/CT/TTG ngày 1/6/2001 về đổi mới giáo dục phổ thông.
11. Đảng cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Trung
ương khóa VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
12. Đảng cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Đảng cộng sản Việt Nam (2008), Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết hội nghị Trung ương
VII, khóa X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
14. Đảng cộng sản Việt Nam ( 2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới ( Đại hội VI, VII,
VIII, IX) , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
15. Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11, Nxb.
Giáo dục. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. Đỗ Mười (1995): Tri thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb.
Giáo dục, Hà Nội.
18. Hồ Ngọc Đại (1991), Giải pháp giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội.
19. Dương Tự Đam (1999), Những phương pháp tiếp cận thanh niên hiện nay, NXB Thanh
Niên, Hà Nội.
20. Đặng Vũ Hoạt - Hà Thế Ngữ (1995), Những bài giảng về quản lý trường học, NXB Giáo
dục, Hà Nội.Giáo trình giáo dục học, tập 2, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
21. Giáo trình giáo dục học, tập 2, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
22. Phạm Minh Hạc (1999), Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI, NXB Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
23. Phạm Minh Hạc (2000), Về phát triển con người toàn diện thời kỳ công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
24. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2000) Giáo trình đạo đức học, NXB Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
25. Hồ Chí Minh về đạo đức học (1993), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
26. Trần Kiểm (2002) Khoa học quản lý nhà trường phổ thông, NXB Đại học Quốc gia, Hà
Nội.
27. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên ở nước ta, thực trạng và
giải pháp” (ngày 18-19/7/2008).
28. Luật Giáo dục (2005), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
29. Makarenko A.C. (1976), Giáo dục trong thực tiễn, NXB Thanh niên, Hà Nội.
30. Makarenko A.C. (1984), Tuyển tập các tác phẩm sư phạm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
31. Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng (1987), Từ điển Triết học giản yếu, NXB Đại
học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
32. Nguyễn Thị Nga - Hồ Trọng Hoài (2003) Quan niệm của Nho giáo về giáo dục con
người, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
33. Hà Thế Ngữ (2001), Giáo dục học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện khoa học
giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
34. Nguyễn Ngọc Quang (1989), Những khái niệm cơ bản, Trường CBQLGDTW
35. Hà Nhật Thăng (1989), Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức nhân văn, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
36. Hà Nhật Thăng (1998): Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức nhân văn, Nxb Bộ GD Và ĐT,
HN.
37. Hà Nhật Thăng (2002): Thực trạng đạo đức, tư tưởng chính trị lối sống của thanh niên
sinh viên, Tạp chí giáo dục.
38. Hà Nội Mới (2011): Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên.
39. Hồ Chí Minh (1976), Về đạo đức cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội.
40. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
41. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
42. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
43. Hoàng Trung : Tình cảm đạo đức và giáo dục tình cảm trong điều kiện hiện nay, Tạp chí
Triết học, 6.2000.
44. Nhiều tác giả (1998), Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
45. Quốc hội khóa 10 (2000), Đổi mới giáo dục phổ thông, NQ 40/2000/QH10.
46. Tạp chí giáo dục (2008), (1).
47. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (2003), Mấy vấn đề đạo đức trong
điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Viện Triết học.
48. Từ điển Tiếng việt, 1994, NXB Giáo dục, Hà Nội.
49. Phạm Viết Vượng (2006), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Đại học Quốc
gia, Hà Nội.
50. Huỳnh Khái Vinh (2001), Một số vấn đề về lối sống , đạo đức, chuẩn mực giá trị xã hội,
NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
51. Trần Xuân Vinh (1994), Sự biến đổi một số giá trị cơ bản của thanh niên hiện nay, Tạp
chí lý luận chính trị , số 7
52. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1992): Từ điển Tiếng Việt