Sáng kiến kinh nghiệm
A/ ĐẶT VẤN ĐỀ :
Môn Tiếng Việt chương trình Tiểu học nhằm hình thành và phát triển ở học
sinh các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp
trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Giúp học sinh có cơ sở để tiếp thu kiến
thức ở các lớp trên.Trong đó Tập làm văn là một phân môn có vị trí đặc biệt trong
chương trình Tiếng Việt tiểu học. Nó nối tiếp một cách tự nhiên các bài học khác của
môn Tiếng Việt nhằm giúp học sinh tạo ra một năng lực mới: năng lực sản sinh ngôn
bản. Trong các môn học ở chương trình lớp Bốn, phân môn Tập làm văn là phân môn
mang tính tổng hợp, sáng tạo, vận dụng thực hành từ các phân môn khác của môn
Tiếng Việt. Đồng thời nó còn gắn bó mật thiết với tất cả các môn học khác trong
chương trình Tiểu học và thể hiện được đậm nét dấu ấn cá nhân. Dạy Tập làm văn
theo hướng đổi mới nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng sản sinh văn bản dưới cả
hai hình thức nói, viết về một nội dung nào đó hay một đề tài cụ thể. Điều này đòi hỏi
giáo viên giảng dạy phải vận dụng các phương pháp và cách tổ chức dạy học linh hoạt
như thế nào, để mỗi tiết Tập Làm Văn đều đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ở Tiểu học, các em học các kiểu bài tập làm văn thuộc thể loại kể chuyện, miêu
tả và các văn bản khác. Đây là thể loại văn thuộc phong cách nghệ thuật đòi hỏi bài
nói, bài viết phải giàu cảm xúc. Do vậy, giáo viên phải luôn tạo cho các em có tâm
hồn trong sáng, cái nhìn hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu qua việc chiếm lĩnh kiến thức
về ngôn ngữ, văn học, văn hoá, tự nhiên và xã hội ở các môn học. Trong nội dung
chương trình Tập làm văn lớp Bốn, các em học chủ yếu các kiểu bài Tập làm văn
thuộc thể loại: miêu tả, kể chuyện, viết thư nhưng trong đó thể loại văn kể chuyện có
vị trí khá quan trọng trong chương trình Tập làm văn và phù hợp với đặc điểm tâm
sinh lí tuổi thơ.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 1
Sáng kiến kinh nghiệm
Văn kể chuyện là thể loại văn dùng lời kể có hình ảnh, có lời dẫn và có cảm
xúc làm cho người nghe, người đọc hình dung một cách rõ nét, cụ thể về nhân vật
trong câu chuyện.Chúng ta đều biết, dạy văn Kể chuyện là bồi dưỡng tâm hồn, đem
lại niềm vui, trau dồi đạo đức, vốn sống, vốn văn học, phát triển ngôn ngữ, tư duy và
kĩ năng giao tiếp cho học sinh. Ngoài ra, văn Kể chuyện trong phân môn Tập làm văn
vừa rèn luyện, vừa yêu cầu học sinh sử dụng cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết; trang
bị cho học sinh một số kiến thức cần thiết, cơ bản để làm tốt một bài văn kể chuyện;
rèn kĩ năng kể chuyện, nâng cao cảm xúc thẩm mĩ, góp phần hình thành nhân cách
cho các em.
Vì vậy, nếu người giáo viên dạy tốt thể loại văn kể chuyện, giúp học sinh lớp 4
nắm vững các kiến thức và thực hành tốt văn kể chuyện sẽ góp phần nâng cao năng
lực tư duy, phát triển năng khiếu và khả năng sáng tạo ở các em . Nhưng trong thực tế
những năm học qua, học sinh của trường Tiểu học Số 2 Hoà Châu nói chung, học sinh
lớp Bốn nói riêng việc học Tập làm văn kể chuyện còn nhiều hạn chế như kỹ năng
viết văn chưa trôi chảy, vốn từ ít, không biết cách dùng những từ gợi cảm từ giàu hình
ảnh làm cho bài văn khô khan. Mặt khác, khi viết văn, học sinh chưa vận dụng các
kiểu câu vào làm văn, bố cục bài văn chưa chặt chẽ. Đặc biệt khi viết văn kể chuyện
các em chỉ viết dưới dạng kể lại hoặc mô tả một số hình ảnh, nhân vật dưới hình thức
liệt kê. Xuất phát từ những lí do trên mà tôi đã chọn thể loại văn kể chuyện để làm đề
tài nghiên cứu và đã đưa ra : “Một số biện pháp giúp học sinh lớp Bốn học tốt thể
loại văn kể chuyện trong phân môn Tập làm văn”.
B/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
I/ KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM VỀ THỂ LOẠI VĂN KỂ CHUYỆN:
1.Khái niệm:
Kể chuyện là kể lại một chuỗi sự việc có đầu có cuối, liên quan đến một hay
một số nhân vật. Mỗi câu chuyện cần nói lên một điều có ý nghĩa.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 2
Sáng kiến kinh nghiệm
2. Đặc điểm của văn kể chuyện:
Văn kể chuyện mang tính tổng hợp và mang tính thực hành cao. Bài văn kể
chuyện phải có nhân vật, đi kèm với nhân vật phải có hành động, lời nói suy nghĩ…
của nhân vật để khắc họa được tính cách của nhân vật đó. Khi kể cũng cần phải chọn
những hành động tiêu biểu và sắp xếp hợp lý để kể. Bên cạnh đó trong bài văn kể
chuyện đôi khi chúng ta cũng cần phải miêu tả ngoại hình của nhân vật. Có miêu tả
chúng ta mới biết được tính cách, thân phận của nhân vật và làm cho câu chuyện thêm
sinh động, hấp dẫn.
II/ THỰC TRẠNG TRONG QUÁ TRÌNH DẠY THỂ LOẠI VĂN KỂ CHUYỆN
TRONG PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN CHO HỌC SINH LỚP 4.
Ngay đầu năm học, tôi đã được ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm
lớp và giảng dạy lớp 4/3 với tổng số học sinh là 28 em. Sau hai tuần thực học tôi đã
tiến hành khảo sát chất lượng 2 môn Toán và Tiếng Việt tôi nhận thấy rằng tỉ lệ học
sinh yếu về môn Tiếng việt rất cao có đến 5 em yếu và tập trung vào phân môn tập
làm văn. Từ kết quả này đã làm nảy ra trong tôi suy nghĩ và tìm hiểu nguyên nhân dẫn
đến tỉ lệ học sinh yếu ở phân môn Tập làm văn như sau:
Một số học sinh chưa xác định được yêu cầu đề, năng lực sử dụng ngôn ngữ
chưa tốt, vốn hiểu biết của các em còn yếu trong đó đặc biệt là các em chưa có vốn từ,
cách sử dụng từ và câu chưa đúng, bài văn mắc nhiều lỗi chính tả không có dấu câu…
Bên cạnh đó cũng còn một số em thiếu tập trung trong kiểm tra, chây lười trong học
tập đa phần là những em gia đình khó khăn ,phụ huynh thiếu phần quan tâm giúp đỡ
nên chữ viết và sách vở của các em không đầy đủ.
Một thực trạng không thể không nói đến đó là các em chưa nắm vững những
kiến thức kỹ năng đã được học ở lớp dưới qua thể loại văn kể chuyện ở mức độ đơn
giản.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 3
Sáng kiến kinh nghiệm
III/ NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRINH DẠY THỂ
LOẠI VĂN KỂ CHUYỆN TRONG PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN
Trong các năm học vừa qua nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo công tác thay
sách đạt kết quả tốt, chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn được nâng cao. Giáo
viên giảng dạy đều được trang bị đầy đủ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham
khảo, tạp chí giáo dục và các phương tiện phục vụ cho việc dạy học. Bản thân tôi
cũng đã được tiếp cận học lớp thay sách do Sở GD- ĐT tổ chức nên đã áp dụng dạy
học phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh tương đối linh hoạt, ngày
một hiệu quả và đặc biệt là học sinh đã quen với cách học mới từ các lớp 1,2,3 cho
nên các em biết cách thực hành luyện tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên để tự
chiếm lĩnh tri thức.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên quá trình dạy thể loại văn kể chuyện cũng
gặp không ít những khó khăn:
+Trước hết chúng ta phải thừa nhận phân môn Tập Làm Văn là phân môn khó
dạy so với các môn học khác mà thời lượng dành cho văn kể chuyện ở lớp 4 có đến
19 tiết trong học kỳ I được xây dựng từ khái niệm đến việc kể lại hành động, tả lại
ngoại hình, kể lại lời nói, suy nghĩ, xây dựng cốt truyện, phát triển thành câu
chuyện…
+ Sự thay đổi nội dung chương trình, mục đích yêu cầu của thể loại Kể chuyện
trong phân môn Tập Làm văn lớp 4 so với chương trình cũ tuy có nhiều điểm đổi mới
tích cực nhưng cũng tồn tại một vài bất cập gây không ít lúng túng cho giáo viên Tiểu
học. Ví dụ: Bài “Luyện tập xây dựng cốt truyện”, tiết 8 tuần 4, sgk Tiếng Việt 4, tập
1 có đưa ra đề bài: “Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân
vật: bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và một bà tiên.” Như vậy, đề bài yêu cầu học
sinh xây dựng cốt truyện chỉ dựa trên nhân vật cho trước. Nếu như không có phần gợi
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 4
Sáng kiến kinh nghiệm
ý dưới đề bài, e rằng đề bài này quá rộng và yêu cầu cũng quá khó đối với học sinh
lớp 4, đối tượng chỉ mới làm quen với xây dựng cốt truyện.
+Một số tiết có yêu cầu luyện tập quá dài, không đảm bảo thời gian cho tiết dạy
lại câu chuyện theo cả hai trình tự không gian và thời gian trong 1 tiết học là quá tải.
như Bài “Luyện tập phát triển câu chuyện”, tiết 16, tuần 8, sgk Tiếng Việt 4, tập 1
yêu cầu học sinh dựa vào đoạn kịch “Ở vương quốc Tương Lai” chuyển lời thoại
thành lời kể trực tiếp hoặc gián tiếp và kể. Hoặc như yêu cầu dựa vào trích đoạn kịch
“Yết Kiêu” để chuyển lời thoại trong kịch thành lời kể, lời dẫn gián tiếp và kể lại câu
chuyện đó theo trình tự không gian ở bài “Luyện tập phát triển câu chuyện”, tiết 17,
tuần 9, sgk Tiếng Việt 4, tập 1 là một nội dung yêu cầu luyện tập khá phức tạp. Hiện
nay, một số bài tập khó nêu trên cũng đã được lưu ý giảm tải theo công văn số 5842/
BGD&ĐT của Bộ giáo dục & đào tạo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các
môn học cấp Tiểu học ban hành ngày 01 tháng 9 năm 2011.
+Bên cạnh đó một số giáo viên dạy còn thiếu linh hoạt trong việc vận dụng các
phương pháp và chưa sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh .
Trên thực tế những tiết dạy văn kể chuyện vẫn bị vài giáo viên xem nhẹ, việc cung
cấp các kiến thức lí thuyết về văn kể chuyện còn mờ nhạt; yêu cầu rèn kĩ năng nói và
viết văn kể chuyện chưa được chú ý; việc xâu chuỗi và hệ thống mạch kiến thức về
văn kể chuyện chưa được xử lí tốt, dẫn đến việc dạy văn kể chuyện ở từng tiết học
diễn ra rời rạc. Thỉnh thoảng đâu đó, vẫn còn tồn tại lối dạy đọc chép văn mẫu. Điều
này tạo cho học sinh thói quen kể phỏng theo nguyên tắc là chủ yếu, ít mạnh dạn, tự
tin kể theo cách cảm nhận riêng của mình nên không thể hiện được dấu ấn cá nhân
trong bài viết. Giáo viên chưa biết cách hướng dẫn cho học sinh “hóa thân, nhập vai”
vào các nhân vật khác nhau. Nếu đã nhập vai rồi các em lại không biết liên tưởng,
tưởng tượng đúng vai nhân vật của mình cần hành động, xử lí thế nào. Vì thế, đôi khi
các em nhầm lẫn vai, không nhất quán trong cách dùng từ xưng hô. Mặt khác, do đặc
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 5
Sáng kiến kinh nghiệm
điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh tiểu học ham chơi, khả năng tập trung chú ý nhận
thức các sự vật còn hạn chế, năng lực sử dụng ngôn ngữ chưa thật phát triển nên khi
kể chuyện gặp những khó khăn. Những nguyên nhân này đã phần nào ảnh hưởng đến
kết quả học tập văn kể chuyện của học sinh.
IV/ MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIẢNG DẠY THỂ LOẠI VĂN KỂ CHUYỆN
TRONG PHÂN MÔN TẬP LÀM VĂN LỚP BỐN.
Nhận thức được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, những thuận lợi, khó
khăn và thực trạng đối với việc dạy thể loại văn kể chuyện trong phân môn Tập làm
văn trong những năm qua tôi đã đề ra biện pháp tích hợp trong quá trình giảng dạy thể
loại văn kể chuyện cho học sinh lớp Bốn như sau:
1. Giáo viên phải tìm cách xâu chuỗi, hệ thống toàn bộ nội dung kiến thức
cần cung cấp, các kĩ năng cần rèn luyện cho học sinh về văn kể chuyện:
Bên cạnh việc nắm chắc các kiến thức lí luận văn kể chuyện, chuẩn bị tốt kế
hoạch bài dạy, tư liệu, đồ dùng dạy học cho tiết Tập làm văn Kể chuyện, giáo viên
phải biết xâu chuỗi và hệ thống toàn bộ nội dung kiến thức cần cung cấp, các kĩ năng
cần rèn cho các em khi dạy văn Kể chuyện.
Muốn vậy, cần hiểu được ý đồ biên soạn của sách giáo khoa để bản thân người
dạy phát huy hết khả năng truyền đạt sáng tạo của mình trong tiết dạy. Mỗi tiết dạy
trong kiểu bài văn kể chuyện cung cấp một mảng kiến thức về một yếu tố của câu
chuyện nhằm rèn luyện một kĩ năng bộ phận, làm tiền đề cho việc rèn kĩ năng tiếp
theo.
Ví dụ:
+ Mở đầu chương trình Tập làm văn Kể chuyện lớp 4, học sinh được tìm hiểu
thế nào là văn kể chuyện, nêu định nghĩa về đặc điểm của văn kể chuyện, phân biệt
được văn kể chuyện với những loại văn khác. (Thế nào là văn kể chuyện?)
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 6
Sáng kiến kinh nghiệm
+ Sau khi tìm hiểu khái quát về văn kể chuyện, học sinh lần lượt tìm hiểu về
từng yếu tố tạo nên văn kể chuyện. Đầu tiên là nhân vật trong truyện. Mỗi nhân vật
trong truyện phải có tính cách riêng thể hiện qua ngoại hình, lời nói, ý nghĩ và hành
động của nhân vật đó.
+ Nhân vật phải hoạt động trong những sự việc cụ thể. Toàn bộ diễn biến của
sự việc trong truyện là cốt truyện. Đến tiết học này, học sinh mới chuyển sang học và
rèn luyện yếu tố quan trọng thứ hai của văn kể chuyện. Đó là: cốt truyện.
+ Xác định được chủ đề, xây dựng được nhân vật và cốt truyện, các em phải
biết diễn đạt thành câu chuyện. Mỗi câu chuyện có thể gồm nhiều tình tiết và mỗi tình
tiết sẽ được kể thành một đoạn văn. Những tiết học tiếp theo giúp các em nhận biết
dấu hiệu về hình thức và nội dung của đoạn văn kể chuyện, vận dụng những hiểu biết
ban đầu về đoạn văn để xây dựng một đoạn văn kể chuyện. (Đoạn văn trong bài văn
kể chuyện, Luyện tập xây dựng đoạn văn kể chuyện)
+ Kĩ năng xây dựng đoạn văn được rèn luyện kĩ mới tạo cơ sở vững chắc cho kĩ
năng xây dựng bài văn hoàn chỉnh. Vì vậy, sau khi luyện tập xây dựng đoạn văn, học
sinh mới học cách phát triển câu chuyện, rèn kĩ năng phát triển câu chuyện và kể câu
chuyện đó theo trình tự thời gian, không gian.
+ Một bài văn kể chuyện thường kết cấu 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
Đến tiết học này, học sinh được làm quen với 2 cách mở bài và kết bài khác nhau
nhằm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc ngay từ đầu chuyện và để lại ấn tượng mạnh mẽ
với người đọc khi kết thúc câu chuyện.
*Việc xâu chuỗi và liên kết các kiến thức, kĩ năng về văn kể chuyện trong sgk
Tiếng Việt 4 từ tiết trước sang tiết tiếp theo cũng được chúng tôi thể hiện tốt trong
hoạt động giới thiệu bài mới và hoạt động củng cố, dặn dò của mỗi tiết dạy như sau:
Ví dụ: Dạy bài “Thế nào là kể chuyện?”, tiết 1 tuần 1 sgk/10 TV 4, tập 1.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 7
Sáng kiến kinh nghiệm
Sau khi học sinh kết thúc phần luyện tập (bài tập 2), giáo viên chuyển sang
phần củng cố bằng một số câu hỏi:
-Tiết học này các em đã tìm hiểu những kiến thức nào về văn kể chuyện?
-Vậy, em nào nhắc lại: Thế nào là kể chuyện?
GV: Câu chuyện các em vừa kể ở bài tập có 2 nhân vật chính là em và chị phụ
nữ, 1 nhân vật phụ là em bé. Hành động em giúp chị phụ nữ xách đồ đạc chứng tỏ em
là người biết quan tâm giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Câu chuyện nêu lên một
ý nghĩa rất sâu sắc: quan tâm giúp đỡ người khác là một nếp sống đẹp.
Như vậy, tính cách của nhân vật trong câu chuyện thể hiện qua hành động của
nhân vật đó. Các em sẽ tìm hiểu kĩ hơn về nhân vật trong truyện ở tiết học tiếp theo
nhé.
Hay khi dạy bài: “Nhân vật trong truyện”, tiết 2 tuần 1 sgk/13 TV 4, t1.
Phần vào bài mới của chúng tôi như sau: Tiết học trước, các em đã được biết
Kể chuyện là kể lại một chuỗi sự việc có đầu có cuối, liên quan đến một hay một số
nhân vật nhằm nói lên một điều có ý nghĩa. Vậy nhân vật trong truyện có thể là ai?
Làm thế nào để xây dựng nhân vật trong truyện? Các em cùng tìm hiểu qua bài Tập
làm văn: Nhân vật trong truyện.
Làm tốt hoạt động mở bài và củng cố bài học góp phần giúp tránh được sự rời
rạc, đơn lẻ của mỗi tiết học kể chuyện trong kết cấu chương trình, đồng thời tạo được
sự tập trung chú ý của học sinh vào bài học.
2. Hướng dẫn học sinh cách xây dựng nhân vật trong bài văn kể chuyện:
Nhân vật trong truyện là những con người hay những sự vật mang cốt cách của
con người được xây dựng bằng các phương tiện của nghệ thuật ngôn từ. Để giúp học
sinh xây dựng nhân vật một cách chân thực và phù hợp với nội dung câu chuyện, việc
đầu tiên là giáo viên phải cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết về yếu tố
nhân vật và kĩ năng xây dựng nhân vật như sau:
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 8
Sáng kiến kinh nghiệm
Truyện có thể có 1 hoặc nhiều nhân vật, trong đó có nhân vật chính, nhân vật
phụ. Nhân vật chính là những nhân vật xuất hiện nhiều trong câu chuyện, liên quan
đến các sự việc chính, hành động chính của chuyện (nhân vật em và chị phụ nữ/ Bài
tập 2sgk/11 TV4, tập 1). Nhân vật phụ là những nhân vật xuất hiện ít hơn, đóng vai
trò bổ trợ để làm nổi bật hình tượng nhân vật chính. (nhân vật em bé/ Bài tập 2sgk/11
TV4, tập 1) Mỗi nhân vật trong truyện đều mang một tính cách nhất định. Bà cụ trong
“Nàng tiên Ốc” (sgk TV 4, tập 1) nghèo khổ, nhân hậu. Cáo trong truyện “Gà Trống
và Cáo” (sgk TV 4, tập 1) tinh ranh và xảo trá.
Nhân vật có thể là người: Cậu bé Nguyễn Hiền (Ông Trạng thả diều sgk TV 4,
tập 1), Bạch Thái Bưởi (Vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi sgk TV 4, tập)
Nhân vật là những con vật, đồ vật, cây cối được nhân hoá như:
-Con vật: Dế Mèn, Nhà Trò (Dế Mèn bênh vực kẻ yếu sgk TV4, t1),
-Đồ vật: chú bé gỗ Bu-ra-ti-nô (Trong quán ăn Ba cá bống sgk TV4, t1)
-Cây cối: cây dừa (Mưa sgk TV4, t1).
Nhân vật có khi có tên gọi là danh từ riêng: Chôm (Những hạt thóc giống/sgk
TV4, t1), Dế Mèn, Nhà Trò (Dế Mèn bênh vực kẻ yếu sgk TV4, t1), … Có khi có tên
gọi là danh từ chung: hai mẹ con bà nông dân (Sự tích hồ Ba Bể sgk TV4, t1), ông lão
ăn xin (Người ăn xin sgk TV4, t1). Cũng có khi có tên gọi là đại từ xưng hô: tôi (Chị
em tôi sgk TV4, t1).
Nhân vật có hai loại: Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật
chính diện là nhân vật tích cực, có phẩm chất tốt đẹp, đại diện cho cái tốt đẹp được
xây dựng với thái độ tôn trọng, ngợi ca. (Dế Mèn trong Dế Mèn bênh vực kẻ yếu, sgk
TV4, t1) Nhân vật phản diện thường mang tính cách xấu, đại diện cho cái ác, được tác
giả xây dựng với thái độ phê phán, phủ định. (Bọn nhện trong Dế Mèn bênh vực kẻ
yếu sgk TV4, t1)
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 9
Sáng kiến kinh nghiệm
Nếu một bài văn kể chuyện không hề miêu tả nhân vật từ nội tâm đến ngoại
hình thì hình ảnh chân dung nhân vật sẽ rất nhạt, người đọc chỉ có thể theo dõi diễn
biến của sự việc một cách đơn điệu và nhàm chán. Vì vậy, để tính cách nhân vật trong
truyện được thể hiện rõ nét và câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, cần kết hợp miêu tả
ngoại hình nhân vật, hành động, lời nói và ý nghĩ của nhân vật đó. Trong bài văn kể
chuyện, hành động của nhân vật luôn luôn diễn ra nhưng không phải bao giờ cũng
yêu cầu kể đủ các yếu tố ngoại hình, lời nói, ý nghĩ nhân vật. Phải dựa vào nội dung
cốt truyện hoặc dàn ý câu chuyện hay tình huống mà nhân vật xuất hiện để chọn lựa
cách tả ngoại hình, ý nghĩ lời nói sao cho hợp lí. Nhiều khi một nhân vật chỉ cần khắc
sâu bằng một nét đặc đỉểm ngoại hình hay một cảm xúc nội tâm nào đó cũng có thể
gây được ấn tượng đậm nét cho người đọc. Cũng tuỳ theo các đặc điểm về tuổi tác,
tính cách mà chọn những nét ngoại hình phù hợp. Tính cách nhân vật còn được thể
hiện qua những mâu thuẫn, xung đột của truyện và qua cái nhìn của những nhân vật
khác. Ngoài ra, để tăng hiệu quả kể chuyện, khi tả ngoại hình, nội tâm nhân vật cần
lưu ý học sinh một số điểm sau:
-Nhân vật chính cần tả nhiều hơn nên dành nhiều sự việc cho nhân vật chính
xuất hiện.
-Nhân vật phụ xuất hiện ít hơn nên dành ít sự việc hơn nhưng phải miêu tả cho
sự xuất hiện đó có ý nghĩa mà không lấn át nhân vật chính, ngược lại còn phải góp
phần làm nổi rõ nhân vật chính.
-Nhân vật trong chuyện dân gian: chú ý kể nhiều về hành động, ngoại hình, lời
nói, ít miêu tả nội tâm.
-Nhân vật trong chuyện chứng kiến, tham gia; câu chuyện có yếu tố tưởng
tượng: ngoài hành động, ngoại hình, lời nói, yếu tố về nội tâm được chú trọng.
Sau đây là một số cách hướng dẫn thao tác xây dựng nhân vật cho các em khi
làm bài văn Kể chuyện:
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 10
Sáng kiến kinh nghiệm
2.1*Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc:
*Đưa ra nội dung câu chuyện, yêu cầu học sinh xác định tính cách nhân vật.
Hình thức này được giáo viên hướng dẫn thông qua hệ thống câu hỏi:
-Truyện có mấy nhân vật? Nhân vật nào là chính? Nhân vật nào là phụ? Tính
cách của mỗi nhân vật thế nào?
-Hành động, lời nói, ý nghĩ nào của nhân vật thể hiện những tính cách đó?
-Các hành động của nhân vật được kể theo thứ tự như thế nào?
* Đưa ra một chuỗi sự việc, yêu cầu học sinh sắp xếp các hành động nhân vật
theo thứ tự hợp lí.
Với hình thức này, giáo viên cần yêu cầu học sinh xác định tính cách nhân vật
và cho biết: Với tính cách ấy, nhân vật sẽ có những hành động tương ứng như thế
nào?
+ Bài tập ở phần Luyện tập/sgk TV4, tập 1 trang 21 được hướng dẫn như sau:
GV gợi ý:
-Chim Chích có tính cách thế nào ? Tính cách của Chim Sẻ có gì khác? (Chim
Chích xởi lởi, hay giúp bạn. Còn Chim Sẻ thì bụng dạ hẹp hòi.)
-Ai được bà gửi cho một hộp hạt kê? (Sẻ)
-Vậy ai là người đi nhặt những hạt kê còn sót lại trong rừng? (Chích)
-Người có bụng dạ hẹp hòi như Sẻ sẽ làm gì khi có thức ăn? (Không muốn chia
cho bạn, ở trong tổ ăn một mình)
-Theo em, người xởi lởi, hay giúp bạn như Chích sẽ làm gì nếu tìm được những
hạt kê ngon lành ấy? (chia cho Sẻ)
Với cách hướng dẫn trên, học sinh sẽ tự rút ra được kết luận: Hành động của
nhân vật thể hiện tính cách của nhân vật. Từ đó biết sắp xếp hành động nào của Sẻ,
hành động nào của Chích theo một thứ tự hợp lí.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 11
Sáng kiến kinh nghiệm
* Đưa ra câu chuyện, yêu cầu học sinh viết thêm đặc điểm ngoại hình, hành
động, ý nghĩ hoặc lời nói nhân vật để có một câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn.
Ở dạng này, ngoài các bài tập sgk như Kể câu chuyện « Nàng tiên Ốc », kết
hợp tả ngoại hình nhân vật (tiết 4, sgk TV 4, tập 1), tôi sử dụng Bài tập ở phần Luyện
tâp/sgk TV4, tập 1 trang 21 vừa nêu trên để hướng dẫn các em xây dựng nhân vật có
đầy đủ các yếu tố về hành động, lời nói, ý nghĩ trong tiết tăng cường dành cho học
sinh khá, giỏi như sau :
Đề bài : Em hãy kể lại câu chuyện Bài học quý (sgk/21), kết hợp kể thêm ngoại
hình, lời nói, ý nghĩ của nhân vật để câu chuyện thêm sinh động.
Câu chuyện : Bài học quý
Một hôm, Sẻ được bà gửi cho một hộp hạt kê.
Sẻ không muốn chia cho Chích cùng ăn. Thế là hằng ngày Sẻ ở trong tổ ăn hạt
kê một mình. Khi ăn hết, Sẻ bèn quẳng chiếc hộp đi. Gió đưa những hạt kê còn sót
trong hộp bay xa. Chích đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê ngon lành ấy. Chích bèn
gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của
mình. Chích vui vẻ đưa cho Sẻ một nửa. Sẻ ngượng nghịu nhận quà của Chích và tự
nhủ: «Chích đã cho mình một bài học quý về tình bạn.»
Giáo viên hướng dẫn học sinh đặt mình vào vai nhân vật theo mô hình dẫn dắt
sau đây :
-Nếu em là Sẻ, em sẽ có cảm xúc gì khi nhận được quà của bà gửi cho? Em hãy
ghi lại câu nói thể hiện cảm xúc đó.
-Vì sao Sẻ không muốn chia quà cho Chích ? Sẻ nghĩ gì? Ghi lại ý nghĩ đó của
Sẻ,…
Vận dụng các gợi ý mà giáo viên vừa nêu trên, nhiều em đã thực hiện khá tốt
yêu cầu đề bài. Một số đoạn văn kể chuyện được đánh giá cao, trong đó có xen tả
ngoại hình, ý nghĩ lời nói nhân vật như sau :
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 12
Sáng kiến kinh nghiệm
Trong khu rừng kia, có một chú Sẻ và chú Chích chơi với nhau rất thân. Một
hôm, Sẻ được bà gửi cho một hộp hạt kê.
-Ôi, cả một hộp đầy kê! - Sẻ thốt lên.– Lại có cả một dải ruy băng hồng thật
đẹp nữa chứ. Rồi Sẻ nghĩ : « Lâu lắm rồi mình mới nhận được hộp kê ngon thế này,
mình phải chén cho thoả thích mới được. Nếu chia cho cả Chích nữa thì còn lại chẳng
là bao.» Thế là hằng ngày Sẻ ở trong tổ ăn hạt kê một mình. Khi ăn hết, Sẻ bèn quẳng
chiếc hộp đi. Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa.
Chích đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê Sẻ quẳng đi. Những hạt kê chắc
mẩy, căng tròn trông thật ngon lành. Chích bèn gói chúng thật cẩn thận vào một chiếc
lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình. Vừa thấy Sẻ, Chích reo lên : « Bạn Sẻ ơi !
Mình vừa kiếm được những hạt kê rất ngon. Chúng ta cùng ăn nhé ! » Nói rồi, Chích
vui vẻ đưa cho Sẻ một nửa. Sẻ ngượng nghịu nhận quà của Chích và tự nhủ: «Chích
đã cho mình một bài học quý về tình bạn.»
(Bài làm em Trung Tuấn)
* Đưa ra tình huống câu chuyện, yêu cầu học sinh xây dựng nhân vật thể hiện
tính cách theo tình huống giả định.
Bài tập 2 tiết 2 tuần 1 sgk/14 TV4, tập 1 : Cho tình huống sau : Một bạn nhỏ
mải vui đùa, chạy nhảy, lỡ làm ngã một em bé. Em bé khóc.
Em hãy hình dung sự việc và kể tiếp câu chuyện theo một trong hai hướng sau:
a) Bạn nhỏ nói trên biết quan tâm đến người khác.
b) Bạn nhỏ nói trên không biết quan tâm đến người khác.
Để giúp học sinh xây dựng nhân vật theo yêu cầu trên, giáo viên cần hướng dẫn
học sinh hình dung ra những hành động, cử chỉ, lời nói, suy nghĩ của nhân vật sao cho
phù hợp với tính cách của nhân vật đó. Ví dụ :
-Tình huống cho trước ở bài tập 2 là gì ?
-Nếu bạn nhỏ biết quan tâm đến người khác, bạn ấy sẽ làm gì ?
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 13
Sáng kiến kinh nghiệm
-Nếu bạn nhỏ không biết quan tâm đến người khác, bạn ấy sẽ làm gì ?
Như vậy nếu câu chuyện phát triển theo hướng nhân vật biết quan tâm dến
người khác sẽ nêu lên được ý nghĩa : làm sai phải biết nhận lỗi, ca ngợi việc làm đúng
của bạn nhỏ.
Nếu câu chuyện phát triển theo hướng nhân vật không biết quan tâm đến người
khác thì kết thúc câu chuyện là lời lên án việc làm sai trái của bạn nhỏ.
Sau khi xây dựng được tính cách nhân vật, giáo viên hướng dẫn học sinh sử
dụng ngôn từ diễn đạt thành hành động, lời nói hoặc ý nghĩ nhân vật để hoàn chỉnh
câu chuyện.
2.2*Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện chứng kiến, tham gia hoặc câu chuyện
có yếu tố tưởng tượng:
Thông thường, khi làm bài văn kể chuyện chứng kiến tham gia hay kể chuyện
có yếu tố tưởng tượng, học sinh thường chỉ chú ý tới cốt truyện mà bỏ qua yêu cầu
xây dựng nhân vật. Chẳng hạn, kể về một bạn học sinh nhặt được của rơi trả lại người
mất, các em chỉ quan tâm đến các sự việc của câu chuyện: Bạn đó đã nhặt được chiếc
ví như thế nào? Ở đâu? Vào lúc nào? Diễn biến và kết thúc câu chuyện ra sao? Ít học
sinh để ý ghi nhớ lại lời nói, ngoại hình, nội tâm nhân vật. Vì vậy, câu chuyện kể
không được sinh động, hấp dẫn.
Để khắc phục hạn chế này, giáo viên có thể hướng dẫn như sau :
-Yêu cầu học sinh lập dàn ý cụ thể, dự kiến câu chuyện có mấy sự việc? Đó là
những sự việc nào?
-Có mấy nhân vật? Nhân vật nào chính? Nhân vật nào phụ?
-Nhân vật xuất hiện như thế nào trong mỗi sự việc? Nói gì, làm gì, nghĩ gì?
-Sau đó, chọn lọc từ ngữ, tạo câu và diễn đạt lời kể cho sinh động và hợp lí.
Cần lưu ý nhân vật trong truyện không quá nhiều vì nếu quá nhiều sẽ khó xác
định nhân vật chính, không cần thiết cho cốt truyện, ngược lại nếu thiếu nhân vật sẽ
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 14
Sáng kiến kinh nghiệm
không chuyển tải hết nội dung câu chuyện. Nhân vật xây dựng phải xuất phát từ thực
tế. Dù hư cấu cũng phải hợp lí. Không bịa nhân vật một cách phi lí. Muốn vậy phải
liên tưởng từ nhân vật trong truyện đến những người em gặp ngoài đời.
Việc hướng dẫn học sinh xây dựng nhân vật trong văn kể chuyện ở lớp 4 được
thực hiện ở hai mức độ khác nhau:
Mức độ 1: Xác định nhân vật trong câu chuyện cho sẵn, tả ngoại hình, hành
động, lời nói, ý nghĩ nhân vật đó nhằm khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và ý nghĩa
câu chuyện. (Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc)
Mức độ 2: Học sinh tự tạo dựng nhân vật bằng cách hư cấu, tả các đặc điểm
ngoại hình, hành động, lời nói, nội tâm,… của nhân vật đó nhằm làm nổi bật tính cách
của nhân vật và ý nghĩa của câu chuyện. (Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện chứng
kiến, tham gia; Kể chuyện có yếu tố tưởng tượng)
3. Hướng dẫn học sinh xây dựng cốt truyện của bài văn kể chuyện:
Văn Kể chuyện chú ý gây hứng thú cho người khác bằng cách đan kết các sự
việc thành 1 cốt truyện hợp lí, hấp dẫn với những nhân vật được xây dựng rõ nét và
những chi tiết miêu tả sinh động, từ đó rút ra ý nghĩa câu chuyện.
Văn kể chuyện đòi hỏi phải có cốt truyện. Cốt truyện bao gồm các yếu tố: sự
việc (nội dung, diễn biến, nhân vật, hành động, ngoại hình, nội tâm của nhân vật),
không gian, thời gian và ý nghĩa. Cốt truyện gồm có 3 phần : Mở đầu, diễn biến, kết
thúc. Diễn biến nội dung trong truyện phải có sự hợp lí đến từng chi tiết, từng nhân
vật. Vì vậy, giáo viên nên lưu ý học sinh chịu khó quan sát, tìm hiểu cuộc sống để tạo
ra một cốt truyện hợp logic và hấp dẫn.
Một câu chuyện được đánh giá là hay khi nó mang một thông điệp về ý nghĩa
cuộc sống đến cho người nghe, người đọc. Sự việc chỉ là phương tiện, ý nghĩa mới là
mục đích mà câu chuyện muốn hướng đến. Vì vậy, có cốt truyện rồi, cần hướng dẫn
học sinh xác định được ý nghĩa, thông điệp câu chuyện muốn chuyển đến người nghe.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 15
Sáng kiến kinh nghiệm
Ví dụ : Câu chuyện Người ăn xin/sgk TV 4, tập 1 mang thông điệp về lòng trắc
ẩn, yêu thương con người. Khi bạn cho đi chính là lúc bạn đang được nhận.
Ví dụ: Câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca/ sgk TV 4, tập1, đề cao sự trung
thực với lỗi lầm của bản thân. Rõ ràng sau khi đọc xong câu chuyện, người đọc sẽ suy
nghĩ và rút ra những bài học cho bản thân.
Đối với kiểu bài kể lại câu chuyện được chứng kiến, tham gia; kể chuyện có
yếu tố tưởng tượng: cần hướng dẫn học sinh lựa chọn đề tài, chủ đề phù hợp, xây
dựng cốt truyện hợp lí, hấp dẫn, đúng với đề tài và thể hiện được mục đích của câu
chuyện, xây dựng được nhân vật có những đặc điểm tiêu biểu, chuyển tải được thông
điệp mà câu chuyện muốn gửi gắm.
Để giúp học sinh xây dựng cốt truyện hợp lí, có những tình tiết hấp dẫn, chúng
tôi đã tiến hành theo các bước sau đây:
3.1*Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc:
Đối với kiểu này thường có các dạng bài tập sau :
-Cho câu chuyện, rút ra cốt truyện. (Ví dụ : Bài tập Nhận xét, tiết 7, tuần 4 sgk
TV4, tập 1)
-Cho sự việc, sắp xếp thành cốt truyện rồi phát triển cốt truyện thành câu
chuyện. (Ví dụ : Bài luyện tập, tiết 7, tuần 4 sgk TV4, tập 1)
-Từ câu chuyện bằng thơ, chuyển thành câu chuyện bằng văn xuôi. (Ví dụ : Bài
luyện tập 2, tiết 4, tuần 2 sgk TV4, tập 1)
* Ở dạng bài cho câu chuyện, rút ra cốt truyện, tôi hướng dẫn học sinh theo
các bước :
+ Đọc kĩ câu chuyện, xác định yêu cầu đề bài.
+ Câu chuyện có mấy sự việc? Đó là những sự việc nào?
+ Xác định nội dung, ý chính của mỗi sự việc.
+ Diễn đạt mỗi ý chính và nội dung sự việc thành một vài câu thích hợp.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 16
Sáng kiến kinh nghiệm
= > Chuỗi sự việc của câu chuyện vừa được học sinh xác định và ghi lại chính
là cốt truyện.
* Ở dạng bài cho sự việc, sắp xếp thành cốt truyện rồi phát triển cốt truyện
thành câu chuyện, tôi hướng dẫn học sinh thực hiện từng yêu cầu :
+ Đọc kĩ các sự việc chính.
+ Xác định nhân vật trong truyện.
+ Xác định thứ tự của sự việc dựa trên hành động nhân vật (Bắt đầu thế nào?
Diễn biến ra sao? Nhân vật chính làm gì? Nhân vật phụ làm gì? Hành động nào xảy ra
trước, hành động nào xảy ra sau?)
+ Sắp xếp các sự việc theo thứ tự hợp lí.
+ Triển khai các chi tiết của sự việc kết hợp với hành động, ngoại hình, lời nói,
ý nghĩ nhân vật.
+ Chọn từ, tạo câu và dùng lời kể thích hợp để hoàn chỉnh câu chuyện.
* Ở dạng bài chuyển từ câu chuyện bằng thơ thành câu chuyện bằng văn xuôi,
các em được hướng dẫn như sau:
+ Đọc kĩ nội dung bài thơ.
+ Xác định thứ tự chuỗi sự việc trong bài thơ.
+ Xác định nhân vật, thêm ngoại hình, lời nói, hành động, ý nghĩ nhân vật.
+ Chuyển lời kể bằng thơ sang lời kể bằng văn xuôi.
3.2*Đối với kiểu bài Kể lại câu chuyện chứng kiến tham gia; kể chuyện có yếu
tố tưởng tượng:
Kể lại câu chuyện đã nghe, đã đọc, người kể có nhiều thuận lợi : cốt truyện và ý
nghĩa câu chuyện, nhân vật và chi tiết, dàn ý và lời văn,… đều có sẵn. Người kể chỉ
cần nhớ lại, sắp xếp lại rồi dùng lời của mình để kể.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 17
Sáng kiến kinh nghiệm
So với kiểu bài trên, kể chuyện được chứng kiến tham gia có yêu cầu cao hơn,
người kể phải tự tìm ra cốt truyện, tìm ra chi tiết, nhân vật, lời đối thoại, … từ trong
thực tế đã chứng kiến, tham gia để tạo nên câu chuyện.
Với kể chuyện có yếu tố tưởng tượng thì người kể phải dựa vào vốn hiểu biết
đời sống của mình, kết hợp với yếu tố tưởng tượng để xây dựng cốt truyện, sáng tạo
ra số phận và cuộc sống nhân vật, tưởng tượng ra kết cục của câu chuyện. Đây là kiểu
bài khó nhất nhưng là một bước phát triển tất yếu trong yêu cầu học văn kể chuyện
đối với học sinh lớp 4.
+Phương pháp hướng dẫn học sinh xây dựng cốt truyện ở kiểu bài này được
tôi thực hiện như sau :
Muốn xây dựng cốt truyện ở kiểu bài này, cần hướng dẫn học sinh :
-Xác định rõ nội dung câu chuyện. (Câu chuyện định kể là câu chuyện gì? Câu
chuyện xảy ra lúc đầu như thế nào? Sau đó xảy ra những việc gì? Kết thúc ra sao?)
-Xác định rõ ý nghĩa câu chuyện. (Câu chuyện nhằm ca ngợi điều gì? Nói lên ý
nghĩa giáo dục gì?)
-Xác định rõ nhân vật và tìm các chi tiết cho câu chuyện. (Nhân vật trong
chuyện là ai? Đặt tên và hình dung nhân vật đó về hình dáng, nét mặt, lời nói, cử chỉ,
hành động,… Tìm các chi tiết cho cốt truyện, nên chú ý tạo hình huống cho câu
chuyện một cách khéo léo, linh hoạt.)
-Sắp xếp câu chuyện cho hợp lí, hấp dẫn và dùng lời kể phù hợp.
Sau đây là một số bài hướng dẫn cụ thể :
Ví dụ 1 : Tiết 8, tuần 4 sgk TV 4, tr 45 có đề bài :
Hãy tưởng tượng và kể lại vắn tắt một câu chuyện có ba nhân vật : bà mẹ ốm,
người con bằng tuổi em và một bà tiên.
Gợi ý : Câu chuyện trên có thể là câu chuyện về sự hiếu thảo.
Câu chuyện trên có thể là câu chuyện về tính trung thực.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 18
Sáng kiến kinh nghiệm
Với đề bài này, giáo viên hướng dẫn HS lần lượt theo các bước :
+Bước 1 : Xác định yêu cầu của bài
GV cùng HS phân tích đề, gạch chân các từ ngữ quan trọng : Tưởng tượng, kể
vắn tắt, ba nhân vật : bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em, một bà tiên
+Bước 2 : Lựa chọn chủ đề câu chuyện
Trước hết HS cần lựa chọn và xác định rõ : câu chuyện sẽ kể có nội dung về sự
hiếu thảo hay tính trung thực?
+Bước 3 : Xây dựng cốt truyện có ba nhân vật theo chủ đề đã chọn bằng cách
tưởng tượng và sắp xếp các ý dựa theo những câu hỏi sau:
a) Nếu nói về sự hiếu thảo:
-Gia cảnh người con thế nào? Bà mẹ ốm ra sao? Người con chăm sóc mẹ như
thế nào?
-Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con đã gặp những khó khăn gì? Người con
đã vượt qua những thử thách đó như thế nào? Việc làm nào thể hiện lòng hiếu thảo
của người con?
-Cuối cùng bà tiên đã giúp đỡ hai mẹ con ra sao?
b) Nếu nói về tính trung thực :
-Gia cảnh người con thế nào? Bà mẹ ốm ra sao? Người con chăm sóc mẹ như
thế nào?
-Để chữa khỏi bệnh cho mẹ, người con đã gặp những khó khăn gì?
-Bà tiên đã thử thách người con thế nào để biết người con trung thực?
-Cuối cùng bà tiên đã giúp đỡ người con trung thực như thế nào?
+Bước 4 : Tìm lời kể thích hợp và hoàn chỉnh câu chuyện theo cốt truyện đã
xây dựng.
Vì trong chương trình Tập làm văn kể chuyện 4 không có tiết tìm ý và xây
dựng dàn bài riêng biệt nên khi dạy học sinh xây dựng cốt truyện, chúng tôi thường
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 19
Sáng kiến kinh nghiệm
kết hợp hướng dẫn các em hình thành dàn bài chung của bài văn kể chuyện, tập thói
quen xây dựng dàn bài chi tiết theo chuỗi sự việc sau khi nêu câu hỏi tìm ý. Việc làm
này giúp các em dễ dàng hơn trong thao tác xây dựng cốt truyện đối với kiểu bài Kể
chuyện chứng kiến tham gia và chuyện có yếu tố tưởng tượng.
Dàn bài chung của bài văn kể chuyện :
1. Mở bài : Sự việc mở đầu câu chuyện
2. Thân bài : Diễn biến câu chuyện (các sự việc chính kế tiếp theo nhau nói lên
tính cách nhân vật, ý nghĩa câu chuyện)
3. Kết bài : Kết thúc câu chuyện
Như vậy, bài tập ở ví dụ trên cũng có thể được hướng dẫn xây dựng theo dàn bài cụ
thể như sau :
1. Mở bài : Mở đầu câu chuyện
Ngày xưa có hai mẹ con sống nghèo khổ trong một túp lều tranh nhưng rất yêu
thương nhau.
2. Thân bài : Diễn biến câu chuyện
-Sự việc 1 : Một hôm bà mẹ bị bệnh, một căn bệnh quái ác phải có thuốc quý mới
chữa được.
Sự việc 2 : Người con chăm sóc mẹ ngày đêm nhưng bệnh tình vẫn không giảm.
Sự việc 3 : Người con đi khắp núi đồi, rừng rú, chịu nhiều khó khăn vất vả nhưng
không nản chí, quyết tìm được thuốc tiên cứu mẹ.
Sự việc 4 : Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con, bà tiên hiện ra và cho
cậu bé cây thuốc quý.
3. Kết bài : Kết thúc câu chuyện
Bà mẹ khỏi bệnh. Hai mẹ con sống hạnh phúc bên nhau.
+Khi hướng dẫn xây dựng cốt truyện, tôi cũng lưu ý học sinh : để tạo nên một
câu chuyện hay phải tạo được tình huống linh hoạt, bất ngờ. Đây gọi là sự việc « cao
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 20
Sáng kiến kinh nghiệm
trào », giúp tăng cường kịch tính cho câu chuyện, tạo nên sự cuốn hút đối với người
đọc, người nghe.
Ví dụ : Kể câu chuyện có ba nhân vật : bà mẹ ốm, người con bằng tuổi em và
một bà tiên (theo chủ đề lòng hiếu thảo) giáo viên khuyến khích các em kể rõ những
khó khăn vất vả mà người con đã vượt qua. Càng nêu rõ tình tiết khó khăn thì càng
làm nổi bật lòng hiếu thảo của người con trong câu chuyện.
4. Hướng dẫn học sinh xây dựng đoạn mở bài và kết bài trong bài văn kể
chuyện:
a) Xây dựng đoạn mở bài :
Một bài văn kể chuyện thường có 3 phần : Mở bài, thân bài, kết bài. Để hướng
dẫn học sinh viết tốt phần mở bài, giáo viên cần phải luyện cho học sinh cả 2 cách mở
bài trên và phải giúp các em nắm được ưu thế của từng cách mở bài để vận dụng phù
hợp trong từng bài văn cụ thể. Theo định hướng ở sách giáo viên, tiết Mở bài trong
bài văn kể chuyện hướng dẫn cách dạy như sau :
I./ Phần nhận xét :
-Đưa ra câu chuyện Rùa và Thỏ. Xác định đoạn mở bài.
-Đưa một đoạn mở bài gián tiếp khác, so sánh và nhận xét.
-Rút ra kết luận về 2 kiểu mở bài trong bài văn kể chuyện.
II./ Phần luyện tập :
Bài tập 1 : Sgk đưa ra 4 mở bài và chỉ yêu cầu học sinh cho biết đó là cách mở
bài nào ?
Bài tập 2 : Yều cầu học sinh cho biết câu chuyện Hai bàn tay mở bài theo cách
nào ?
Với cách hướng dẫn như sách giáo viên, các em chỉ dừng lại ở mức nhận biết 2
kiểu mở bài còn khi thực hành viết thì rất lúng túng. Vì vậy tôi đã thay đổi cách
hướng dẫn bài tập 1, phần Luyện tập như sau: Sau khi học sinh xác định được mở bài
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 21
Sáng kiến kinh nghiệm
nào được viết theo kiểu trực tiếp, mở bài nào là gián tiếp, giáo viên yêu cầu học sinh
nhận xét cách dẫn vào câu chuyện của mỗi đoạn mở bài. Từ đó giáo viên cung cấp
cho các em một số cách mở bài gián tiếp. Có như vậy, học sinh mới nắm vững và
thực hành tốt 2 kiểu mở bài này ở các bài kể chuyện tiếp theo.
b) Xây dựng đoạn kết bài :
Kết bài là phần kết thúc bài văn. Có thể hướng dẫn học sinh kết bài tự nhiên
theo diễn biến của câu chuyện được kể. Cách kết bài này thường được gọi là lối kết
bài không mở rộng, tức kết thúc ngay sau khi kể xong. Cách kết bài mở rộng : phần
kết luận nêu lên ý nghĩa của câu chuyện được kể. Cách kết bài này mang tính giáo
dục cao. Do tính giáo dục của câu chuyện, giáo viên cần khuyến khích các em kết
thúc bài kể theo lối mở rộng. Muốn viết tốt đoạn kết bài mở rộng, tôi lưu ý các em
những điểm sau :
-Phải nắm vững ý nghĩa câu chuyện.
-Phải nêu được cảm nghĩ, bài học liên hệ từ câu chuyện.
-Độ dài của đoạn kết phải cân xứng với mở bài và thân bài, tránh lan man, dài dòng.
-Nên viết gọn gàng, nhẹ nhàng, sâu sắc, lưu lại tình cảm tốt đẹp ở người đọc, người
nghe.
Một số cách kết bài mở rộng :
+Nêu ý nghĩa câu chuyện.
+Nêu bài học liên hệ từ câu chuyện.
+Nêu ý kiến, lời bình (đánh giá, nhận định) về nhân vật trong truyện.
+Nêu một câu văn, câu thơ, tục ngữ, có liên quan để khẳng định ý nghĩa câu
chuyện.
+Nêu một câu hỏi mở, một ý nghĩ mới lạ để gợi suy nghĩ cho người đọc.
Để tránh được cách liên hệ gò ép dễ tạo sự phản cảm đối với người đọc, giáo
viên cần hướng dẫn học sinh cách trình bày cảm nghĩ sao cho tự nhiên, chân thực.
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 22
Sáng kiến kinh nghiệm
Muốn vậy cần hướng dẫn các em liên hệ tới những sự việc gần gũi mình đã trải qua
hoặc đã chứng kiến. Một loại lỗi thường gặp trong bài làm của học sinh là trình bày
bố cục thiếu cân đối và không mạch lạc. Nguyên nhân của tình trạng này là do học
sinh thường chọn chuyện kể quá dài, hoặc không biết làm dàn bài và phân bố thời
gian hợp lí cho từng mục. Để khắc phục, tôi giúp các em nắm vững cách xây dựng
dàn bài theo 2 mô thức sau :
Dàn bài 1
(MB trực tiếp và KB không mở rộng)
Dàn bài 2
(MB gián tiếp và KB mở rộng)
1./ Mở bài :
Sự việc mở đầu câu chuyện
1./ Mở bài :
Nói chuyện khác để dẫn vào câu chuyện.
2./ Thân bài : Diễn biến câu chuyện
-Đoạn 1 : Sự việc 1
Đoạn 2 : Sự việc 2
Đoạn : Sự việc
2./ Thân bài :
-Đoạn 1 : Sự việc mở đầu câu chuyện
Đoạn 2 : Sự việc 1
Đoạn 3 : Sự việc 2
Đoạn : Sự việc
Đoạn : Kết thúc câu chuyện
3./ Kết bài :
Kết thúc câu chuyện
3./ Kết bài :
Nêu ý nghĩa hoặc đưa ra lời bình luận về
câu chuyện.
IV./ KẾT QUẢ :
Áp dụng các biện pháp trong sáng kiến : “Một số biện pháp giúp học sinh lớp
Bốn học tốt thể loại văn kể chuyện trong phân môn Tập làm văn”, tôi đã thu được
một số kết quả như sau :
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 23
Sáng kiến kinh nghiệm
-Nhờ nắm được lí thuyết về văn kể chuyện, bài kể của các em có bố cục cân
đối, diễn đạt mạch lạc, cốt truyện hợp lí, nhân vật cũng đậm nét hơn. Nhờ biết miêu tả
ngoại hình, nội tâm nhân vật, câu chuyện kể của các em trở nên sinh động, hấp dẫn.
Chất lượng bài viết của các em tiến bộ thấy rõ.
-Các em đã biết xây dựng cốt truyện đối với kiểu bài khó như Kể lại chuyện
được chứng kiến hoặc tham gia, kể chuyện có yếu tố tưởng tượng. Nhiều em thể hiện
tốt trí tưởng tượng, năng khiếu viết văn qua các bài viết của mình. Niềm say mê và
yêu thích học văn ngày được nâng lên.
-Giờ học văn kể chuyện không còn khô khan và tẻ nhạt như trước mà trở nên
hứng thú hơn. Hiện tượng chép văn mẫu không còn vì các em đã tự tin xây dựng cho
mình những cách viết riêng, không phải dựa dẫm vào người khác.
-Kĩ năng viết văn kể chuyện được rèn luyện, kĩ năng xây dựng dàn bài, viết
đoạn, xây dựng mở bài, kết bài thành thạo đã tạo tiền đề cho các em học tốt các thể
loại văn tiếp theo.
Xin lấy kết quả các bài kiểm tra môn Tiếng Việt của lớp 4/3 qua từng đợt kiểm
tra để minh họa cho sự tiến bộ của các em :
Lớp 4/3 năm học 2013 -2014. TS học sinh : 28 em
Giỏi Khá T. bình Yếu
Đầu năm 4/28 11/28 8/28 5/28
Giữa kì I 6/28 12/28 8/28 2/28
Cuối kì I 10/28 13/28 5/28
V./ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
-Qua quá trình thực hiện, tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau :
-Để làm bài văn kể chuyện, học sinh cần nắm vững cốt truyện, xác định giọng
điệu kể, xác định rõ nhân vật trong truyện, chuẩn bị ngôn từ và phô diễn. Hướng dẫn
cho học sinh nhận ra sự hợp lí, hấp dẫn của cốt truyện, ý nghĩa câu chuyện, hướng
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 24
Sáng kiến kinh nghiệm
dẫn xây dựng cốt truyện có các tình tiết với những diễn biến phong phú. Chọn cốt
truyện xuất phát từ thực tế cuộc sống.
-Tùy theo phong cách và dụng ý mà chọn cách mở bài, kết bài cho hợp lí,
nhằm đạt được kết quả cao nhất. Có nhiều cách mở bài và kết bài thu hút được người
nghe, người đọc ngay từ đầu và khi kết thúc thì đọng lại nơi người nghe, người đọc
những tình cảm, suy nghĩ, bài học sâu sắc, Việc đa dạng hóa cách mở bài và kết bài
nên được thực hiện ở các tiết dạy Tiếng việt tăng cường.
-Một số yêu cầu khó đã được giảm tải theo nội dung điều chỉnh 5842, nếu có
điều kiện nên hướng dẫn các em thực hành ở buổi thứ hai trong các tiết tăng cường để
khắc sâu kiến thức.
-Để giúp học sinh tránh trình bày bài văn kể chuyện theo kiểu học thuộc lòng
hoặc chép lại văn mẫu, giáo viên có thể ra đề theo hình thức thay lời nhân vật. Cần
chú ý khi ra đề không nên sử dụng bất cứ vai nào trong truyện để kể lại vì nhiều vai
trong truyện không thể kể lại câu chuyện một cách sinh động và hấp dẫn được.
-Ở phân môn Kể chuyện, hình thức kể chuyện bằng lời và tranh hỗ trợ học sinh
kể tốt bằng hình thức văn bản viết. Ngược lại, những kiến thức lí thuyết về văn kể
chuyện ở phân môn Tập làm văn là cơ sở giúp học sinh xây dựng cốt truyện hay, tình
tiết hợp lí và nhân vật phù hợp khi kể chuyện bằng lời. Vì vậy, việc dạy phân môn Kể
chuyện và thể loại văn kể chuyện không tách rời nhau mà có sự gắn bó mật thiết
tương hỗ cho nhau. Trong giờ Tập làm văn, cần chú ý rèn kĩ năng nói để tạo cơ sở
vững chắc cho kĩ năng viết bài văn hoàn chỉnh.
-Phải chú trọng thực hiện việc dạy phân hóa đối tượng học sinh trong giờ học.
Đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng đối tượng học sinh sao cho vừa sức, để học sinh yếu có
điều kiện rèn luyện, học sinh khá giỏi có cơ hội phát huy năng lực của chính mình. Ví
dụ : Học sinh trung bình, yếu chỉ yêu cầu nói từng ý, học sinh khá giỏi trình bày cả
đoạn. Học sinh yếu viết mở bài trực tiếp, học sinh khá giỏi viết mở bài gián tiếp,
Người thực hiện : Phùng Thị Tú Trinh Trang 25