Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Báo cáo khoa học Một số vấn đề về giới và tình dục trên báo chí ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI (Qua nghiên cứu một số báo in, báo điện tử)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (186.73 KB, 12 trang )

MỘT SỐ VẤN ĐỀ GIỚI VÀ TÌNH DỤC TRÊN BÁO CHÍ
Ở VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI
(QUA NGHIÊN CỨU MỘT SỐ BÁO IN, BÁO ĐIỆN TỬ
)


PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh

∗∗



Dẫn nhập
Vấn đề tình dục vốn được xem là chủ đề “hot” không chỉ trong cuộc sống, trong các tác phẩm văn
học mà cả trên báo chí. Các chủ đề liên quan đến tình dục được đề cập khá đa dạng, như: nghệ thuật tình
dục, kinh nghiệm tình dục, kiến thức tình dục, sức khoẻ tình dục, giáo dục tình dục v.v. Điều này cho
thấy, so với khoảng mười năm về trước, đang có sự thay đổi khá nhanh quan niệm về tình dục trong đời
sống xã hội nói chung và trên các phương tiện truyền thông đại chúng của nước ta nói riêng. Đến mức, báo
chí nước ngoài đã đề cập đến “đang có cuộc cách mạng tình dục diễn ra âm thầm” ở Việt Nam.
Bài viết này, bằng phương pháp phân tích tài liệu, không đề cập đến các chủ đề tình dục đa dạng trên
các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay ở nước ta. Mà chỉ bàn về một vấn đề liên quan đến tình
dục, đó là giới và tình dục, qua khảo sát những bài viết, quảng cáo trên một số báo in và báo điện tử trong
vài năm gần đây.
1. Vài nét về báo chí và chủ đề tình dục
1.1. Truyền thông nước ngoài: Phụ nữ là đối tượng tình dục?
Trên thế giới, các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ đề cập đến phụ nữ với vai trò giới
truyền thống (làm vợ, làm mẹ, là người nội trợ), mà phụ nữ còn được xem như đối tượng tình dục, phụ nữ
quan tâm tới vẻ đẹp hình thể, và phụ nữ sống phụ thuộc vào nam giới. Phụ nữ quan tâm tới vẻ ngoài và
cuộc sống gia đình hơn là việc phải ra các quyết định phức tạp trong đời sống gia đình và xã hội.
Một trong số những nghiên cứu đầu tiên về khuôn mẫu giới trên các quảng cáo được thực hiện dựa
trên việc phân tích các tạp chí về mặt số lượng và giới tính, nghề nghiệp và các hoạt động của người lớn


tham gia quảng cáo và loại sản phẩm (Courtney và Lockeretz, 1971). Số liệu cho thấy, phụ nữ chỉ lưu tâm


Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN
tới việc mua đồ mỹ phẩm, nơi dành cho phụ nữ là mái nhà, họ không có những quyết định quan trọng, và
họ phụ thuộc và nam giới, những người coi phụ nữ là đối tượng tình dục.
Chủ đề nói về tình dục và thể hiện liên quan đến các khía cạnh tình dục ngày càng tăng và công khai
trong thế giới truyền thông. Một phân tích cho thấy nội dung tình dục từ tán tỉnh đến quan hệ tình dục đã
tăng từ gần một nửa chương trình truyền hình trong những năm 1997 -1998 đến hơn hai phần ba của các
chương trình trong những năm 1999-2000. Cứ 10 chương trình thì có 1 chương trình có quan hệ tình
dục.(Kunkel, Cope-Farrar, Biely, Farinola, & Donnerstein, 2001).
Nghiên cứu cho thấy, các quảng cáo của những năm 1980 và 1990 không chỉ duy trì những hình ảnh
rập khuôn này mà còn mô tả khuôn mẫu chân dung người phụ nữ là các đối tượng tình dục (Lazier-Smith,
1989). Những hình ảnh khoả thân và gần như khoả thân xuất hiện trên các tạp chí thành lập từ rất sớm,
người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ trẻ không mảnh vải che thân, hoặc ăn mặc hở hang trong
vai trò người bán các sản phẩm khác nhau. Điển hình là các quảng cáo ô tô, thuyền buồm - các sản phẩm
chủ yếu bán cho nam giới - xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong các bộ đồ tắm rất khêu gợi. Trong
chiến dịch quảng cáo cho nhãn hiệu quần jean, dễ dàng bắt gặp hình ảnh một phụ nữ khoả thân không hề
mặc quần jeans! Một ví dụ khác, đó là chiến dịch quảng cáo bia với một nhóm phụ nữ trẻ tóc vàng ngực nở
đùa giỡn vui nhộn trên bãi biển trong khi đàn ông uống bia. Mặc dù chiến dịch này bị công chúng phản đối
kịch liệt nhưng nhà sản xuất bia vẫn chạy các quảng cáo này trên các trang tạp chí và trên ti vi kéo dài tới 5
- 7 tháng trước khi chúng bị tẩy chay. Các công ty quảng cáo phớt lờ nghiên cứu có đầy đủ tài liệu chứng
minh một thực tế rằng người tiêu dùng phản ứng tiêu cực của công chúng về các quảng cáo gợi tình và họ
mong muốn có các chiến dịch quảng cáo miêu tả cả nam giới và nữ giới bằng rất nhiều hình thức khác
nhau (Whipple và Courtney, 1985). .
Các quảng cáo trên truyền hình nhấn mạnh rằng phụ nữ trước hết phải hấp dẫn để có thể chấp nhận
được. Trong một nghiên cứu 4294 quảng cáo, Downs và Harrison (1985) thấy rằng cứ 3,8 quảng cáo thì có
1 quảng cáo xuất hiện một lời phát biểu về sự hấp dẫn, sự quyến rũ đặc biệt nhằm vào phụ nữ.
Với sự nhấn mạnh về sắc đẹp, kiểu tóc, chế độ ăn uống, và thời trang, các bài viết về những câu
chuyện có thật dạy phụ nữ cách thay đổi chính họ từ những cô lọ lem trở thành công chúa (Kidd, 1975).

Vẻ ngoài hình thể được xem là rất cần thiết để hấp dẫn và mục đích là để giăng bẫy đàn ông. Các tạp chí
dành cho phụ nữ rất kiên trì với những thông điệp như vậy.
Những nhận định trên đây cũng phù hợp với các quảng cáo in (quảng cáo trên báo chí), Trẻ em gái
học cách giúp đỡ mẹ, giúp đỡ công việc gia đình, phục vụ con trai và đàn ông - đặc biệt nơi nào cần đến
thực phẩm – và học cách để trở nên xinh đẹp hoặc duyên dáng hơn. Các quảng cáo tập trung vào cách thể
hiện sự mềm mại, hấp dẫn và quyến rũ của phái đẹp. Vì lý do này, các nhà nữ quyền lên tiếng phản đối các
phương tiện truyền thông đã quá lạm dụng thân xác của phụ nữ, coi phụ nữ là đối tượng tình dục của nam
giới.
1.2. Vài nét về Giới và tình dục trên báo chí ở Việt Nam hiện nay
Giới là một khái niệm trong khoa học xã hội, không chỉ đề cập đến nam và nữ mà cả mối quan hệ
giữa nam và nữ. Trong mối quan hệ ấy có sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi hoặc sự mong đợi
mà xã hội đã quy định cho nam giới và phụ nữ. Những mong đợi/quy định này phù hợp với các đặc điểm
văn hoá, chính trị, kinh tế, tôn giáo…Vì thế, nó luôn biến đổi theo các giai đoạn lịch sử và có sự khác biệt
giữa các cộng đồng, xã hội. (Hoàng Bá Thịnh, 2008)
Tìm hiểu vấn đề giới và tình dục trên báo chí, là xem xét các chiều cạnh liên quan đến mối quan hệ,
sự khác biệt giới trong lĩnh vực tình dục được thể hiện như thế nào trên báo chí ở nước ta, với mức độ xuất
hiện, hình ảnh, ngôn ngữ, cử chỉ… thể hiện rõ hay hàm ý, hoặc khiến cho độc giả có sự liên tưởng đến tình
dục.
Chủ đề và mật độ xuất hiện
Về chủ đề và nhân vật
Mấy năm gần đây, những tít tựa và bài báo mang đậm mùi “nhục dục”, “thân xác”, giật gân câu
khách giống như những “cơn lốc” xoay tít mù trên các trang báo, đặc biệt là trên các trang báo điện tử ở
nước ta. Các chủ đề được đề cập liên quan đến khía cạnh giới và tình dục khá đa dạng. Từ những vấn đề
trang phục được khai thác triệt để dưới góc độ sexy, những lời nói của các nhân vật, người của công
chúng, các “sao” và sắp trở thành…sao, cho đến những câu chuyện đau lòng về bạo lực gia đình, cũng
được nhấn mạnh từ chiều cạnh tình dục của nam hay nữ.
Nhân vật chính mà các bài báo này đề cập không phân biệt già trẻ, trai gái, kể cả em bé ở độ tuổi mẫu
giáo. Các báo thường săn tìm các câu chuyện đời tư của những người của công chúng, nhất là giới ca sĩ,
diễn viên, người mẫu. So với nam giới thì số lượng nhân vật nữ chiếm một tỷ lệ áp đảo, cả về chủ đề, đặc
biệt là là những hình ảnh gợi cảm, quyến rũ.

1.1.2.2. Mật độ xuất hiện
Tìm kiếm trên Google, với từ “lộ hàng” chỉ trong vòng hai giây đã có khoảng 12.300.000 kết quả, từ
“Hở mông, hở ngực” có 2.130.000 kết quả. Còn từ “sexy” thì có khoảng 2.530.000.000 kết quả, với từ
“tình dục” cho khoảng 18.700.000 kết quả; từ “ngực khủng” cho khoảng 9.810.000 kết quả.v.v.
Đó chỉ là một vài ví dụ. Mặc dù, công nghệ thông tin có xu hướng nhân bản “vô tính” nhưng mấy số
liệu trên đây cũng là một chỉ báo tham khảo cho thấy các chủ đề liên quan đến tình dục, xem ra khá phổ
biến trên các báo chí nước nhà. Mức độ xuất hiện của chủ đề liên quan đến tình dục nhiều đến mức, một
thành viên trên cộng đồng mạng viết rằng “Đọc báo mạng bây giờ, ngày nào mà không có "lộ hàng" thì
ngày đó chắc là mạng Internet ở Việt Nam gặp sự cố, các báo không đẩy tin bài lên
được”.(www.webtretho.com)
Hay như một bạn đọc phản ánh trên báo Tuổi trẻ “báo b com.vn, là trang báo tôi xem hàng ngày cứ
khoảng 1 tiếng đồng hồ lại có tin, ảnh, clip về xe ô tô, xế hộp này xế hộp nọ và thường xuyên nhất là mấy
cô người mẫu, diễn viên, Wags của đội bóng này nọ hay của quốc gia này nọ lên mà toàn là vòng 1 khủng,
vòng 1 hững hờ Tôi thấy nó chẳng kiên quan gì đến bóng đá cả” (tuoitre.vn).
Với tần suất của các chủ đề liên quan đến tình dục như nấm mọc sau mưa, đáng lưu ý rằng các chủ đề
này không chỉ xuất hiện trên các trang điện tử lá cải, thuộc loại “vô danh tiểu tốt” mà còn thường xuyên
hiện diện trên một số báo điện tử vốn được xem là có uy tín, thuộc cỡ “Vua biết mặt, Chúa biết tên” có
lượng độc giả truy cập vào hàng top ten của nước ta.

1.3. Ngôn ngữ và hình ảnh
1.3.1. Hình ảnh phụ nữ như là biểu tượng tình dục
Năm 2008, chúng tôi thực hiện khảo sát chủ đề giới và quảng cáo trên tuần san Thế giới Phụ nữ.
Bằng cách chọn ngẫu nhiên 2 năm báo, năm 2004 và 2006. Trên cơ sở số lượng báo hiện có tại Thư viện,
lựa chọn ngẫu nhiên 2 số đầu năm, 2 số giữa và hai số cuối năm, với tổng số 12 số báo. Mỗi một quảng
cáo được xem là một đơn vị phân tích, tổng số quảng cáo phân tích trong 12 số báo là 301 (không lựa chọn
các quảng cáo về thuốc, thẩm mỹ viện). Trong đó lượng quảng cáo ở mỗi số báo như sau:
Năm 2004, 6 số với 167 quảng cáo, gồm số 3 (13 quảng cáo); số 6 (21 quảng cáo); số 22 (19 quảng
cáo); Số 24 (41 quảng cáo); Số 50 (40 quảng cáo) và số 51 (33 quảng cáo). Năm 2006, 6 số với 134 quảng
cáo, gồm số 4 (14 quảng cáo); số 5 (8 quảng cáo); số 22 (24 quảng cáo); số 23 (34 quảng cáo); số 50 (32
quảng cáo) và số 51 (22 quảng cáo).

Kết quả cho thấy, bên cạnh việc đề cập đến phụ nữ với những khuôn mẫu vai trò giới, các quảng cáo
trên Thế giới Phụ nữ còn thể hiện phụ nữ như là biểu tượng tình dục.
Để thu hút được công chúng, quảng cáo thường sử dụng người thật hơn là hình ảnh sản phẩm và đồ
họa vi tính. Với sự xuất hiện của các nhân vật là phụ nữ chiếm tỷ lệ đa số (65%), đặc biệt là hình ảnh phụ
nữ trẻ và đẹp. Thậm chí, có quảng cáo hình ảnh sản phẩm rất mờ nhạt so với nhân vật nữ trong quảng cáo,
như ở quảng cáo xe máy Attila. Trang báo dành một diện tích lớn cho hình ảnh cô gái vuốt tóc, trong khi
hình ảnh chiếc xe Attila chỉ rất nhỏ ở phía cuối trang.
Biểu tượng tình dục của nữ giới trong quảng cáo thể hiện ở những hình ảnh quyến rũ, mà biểu hiện
trước hết ở cách ăn mặc của nhân vật nữ trong quảng cáo. Tần suất xuất hiện của phụ nữ với những hình
ảnh khêu gợi (vai trần, chân trần, cổ áo rộng và sâu) chiếm tới 64,2% trong số những quảng cáo có xuất
hiện hình ảnh, nhiều nhất là hình ảnh nữ vai trần (chiếm 65% các hình ảnh phụ nữ khêu gợi và 20,6% tổng
số quảng cáo), hình ảnh hở ngực chiếm tới 37% các hình ảnh khêu gợi.
Thống kê cho thấy, tần suất các nhân vật nữ khêu gợi trong quảng cáo mỹ phẩm là nhiều nhất. Điều
này có thể được giải thích là hãng sản xuất muốn tác động đến tâm lý của phụ nữ qua thông điệp nếu dùng
sản phẩm đó, trông mình sẽ đẹp và quyến rũ như nhân vật nữ trong quảng cáo. Ngay cả ở những nhóm
sản phẩm như đồ điện tử, thực phẩm, các nhà quảng cáo vẫn sử dụng hình ảnh phụ nữ khêu gợi mặc dù
điều này là không cần thiết, ví như trong quảng cáo sữa chua Vinamilk.
Sự lạm dụng hình ảnh phụ nữ như là đối tượng tình dục còn thể hiện ở việc để lộ một vài bộ phận
“nhạy cảm” trên cơ thể nữ giới. Phần lớn quảng cáo mỹ phẩm sử dụng hình ảnh đồ họa là một gương mặt
xinh đẹp của người phụ nữ nhưng kèm theo đó thường là đôi vai trần hoặc không có sự xuất hiện của trang
phục (cổ áo, dây áo, ) phía dưới. Những hình ảnh quảng cáo đã sử dụng hình ảnh người phụ nữ ở những
điểm rất “nhạy cảm” khiến người đọc, nhất là nam giới dễ liên tưởng tới sự hấp dẫn về mặt tình dục của
cơ thể người phụ nữ. Một số quảng cáo còn đi xa hơn khi không ngần ngại đề cập đến bộ phận “kín đáo”
của người phụ nữ, như quảng cáo dung dịch vệ sinh phụ nữ với thông điệp gắn liền với đời sống tình dục
và sinh con “chỗ khó nói nhất là chỗ cần được chăm sóc nhiều nhất, đơn giản vì chỗ “ấy” rất quan trọng,
là nơi cho bạn cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, cũng là nơi đứa con tương lai của bạn ra đời” (số 22/04).
Khi so sánh hình ảnh nữ giới và nam giới trong quảng cáo, chúng tôi nhận thấy trang phục của nam
giới thường kín đáo, trong tổng số 301 quảng cáo chỉ có 1 quảng cáo có nam giới để ngực trần, trong khi
phần lớn những hình ảnh phụ nữ đều hở hang, khêu gợi. Ví dụ cùng trong quảng cáo đồ lót, trong khi nhân
vật nam ăn mặc kín đáo, chỉ để lộ một phần nhỏ đồ lót ở cạp quần đủ để thấy tên thương hiệu của sản

phẩm thì vật nữ lại mặc đồ lót hai mảnh. Một điều đáng chú ý là trong quảng cáo trang phục lót Triumph,
bên cạnh nhân nữ có nhân vật nam. Sự xuất hiện của nhân vật nam bên cạnh nhân vật nữ “gợi tình” dễ
khiến người xem liên tưởng đến quan hệ tình dục khác giới. Một số quảng cáo khác cũng có sự xuất hiện
của nhân vật nam bên cạnh nhân vật nữ, dường như phụ nữ dùng mỹ phẩm hoặc ăn mặc đẹp là để thu hút
nam giới?. Hay nói theo cách của các nhà nữ quyền, phụ nữ được xem là đối tượng tình dục dành cho nam
giới.
Một khía cạnh khác của việc đề cập đến phụ nữ như là biểu tượng tình dục còn thể hiện ở tư thế của
người phụ nữ trong quảng cáo. Trong những quảng cáo chúng tôi phân tích, đa số quảng cáo chỉ có phần
mặt của nhân vật và không cho biết tư thế của nhân vật. Ở một số quảng cáo thì nhân vật nữ thường ở tư
thế ngồi hoặc nằm trên giường, nhưng với các quảng cáo nhân vật là nam giới không có tư thế này. Các tư
thế của phụ nữ được thể hiện trong quảng cáo đều rất “gợi tình”, thêm vào đó là trang phục “khêu gợi” của
nhân vật nữ hoặc thậm chí còn không có trang phục. Quảng cáo sữa tắm của 3 hãng Eversof, Rossery,
Hazeline đều sử dụng đồ họa là hình ảnh phụ nữ đang tắm.
1

Những từ trong thông điệp quảng cáo như “quyến rũ”, “gợi cảm” được lặp lại nhiều lần, dường như
nhấn mạnh đó là giá trị mà người phụ nữ cần hướng tới. Những cụm từ này xuất hiện lặp lại nhiều nhất
trong các quảng cáo mỹ phẩm. Ví dụ “Không một trang sức nào quyến rũ như làn da ngây ngất thơm”
(Quảng cáo sữa tắm Lux, số 06/04), “Hãy để hương thơm quyến rũ lan tỏa các giác quan của bạn, giảm
căng thẳng và cân bằng cảm xúc” (Quảng cáo sữa tắm EntreNous, số 23/04), hoặc “Bóng hơn, căng mịn,
đầy quyến rũ” (Quảng cáo son môi Liponlop, số 50/04). Hay thông điệp trong quảng cáo dầu gội Double
Rich “cho bạn vẻ đẹp thật quyến rũ”, với hình một cô gái bước đi và một chàng trai đang ngoái nhìn
“Mình biết có ánh mắt đang dõi theo”(số 23/04). Khi tiếp xúc với những thông điệp quảng cáo như vậy,

1
Nhân ngày báo chí Việt Nam năm 2008, trên một tờ báo đăng quảng cáo, có hình ảnh hoa hậu M.P.T ăn mặc gợi cảm và nằm trên đệm,
rất quyến rũ và….
người phụ nữ - nhất là các em gái - sẽ nhận thức rằng mình cần phải biết làm đẹp để cuốn hút người khác
giới.
2


Mặt khác, nhà sản xuất sử dụng hình ảnh phái đẹp như là cầu nối đến với khách hàng nam giới. Điểm
nổi bật là những sản phẩm này lại vẫn khai thác sự quyến rũ, mềm mại và vẻ đẹp hình thể của người phụ
nữ. Ví dụ như của quảng cáo điện thoại Motorola với “Dáng chuẩn” và được minh họa bằng hình ảnh một
người phụ nữ có dáng hình thon thả (số 05/06). Trong quảng cáo Tivi của hãng Samsung, thông điệp là
“Bỗng nhiên có biết bao nhiêu điều để chiêm ngưỡng”. Những thông điệp này tuy không trực tiếp đề cập
đến người phụ nữ nhưng đi cùng với hình ảnh người phụ nữ, nó có sức gợi mở và liên tưởng về sự quyến
rũ, vẻ đẹp của nữ giới. Đối với những quảng cáo có sự tham gia của cả nam và nữ thì hình ảnh của nam
giới vẫn nổi bật về sự thành đạt, sự thông minh; còn nữ giới được thể hiện với vẻ mềm mại, quyến rũ, dịu
dàng.
Những phân tích của chúng tôi trên đây cũng tương đồng với các nghiên cứu khác ở nước ngoài,
rằng: hình ảnh phụ nữ xuất hiện nhiều trong quảng cáo với hình ảnh “vai trần”, “ngực hở”, “chân trần” và
tư thế khêu gợi như nằm hoặc ngồi trên giường. Đáng chú ý là những hình ảnh như vậy xuất hiện trong
hầu hết các loại sản phẩm được quảng cáo.
3

Không chỉ quảng cáo trên các tạp chí thấm đẫm sự liên tưởng tình dục mà quảng cáo trên truyền hình
hoặc Radio cũng không chịu “thua chị kém em” trong lĩnh vực này. Khi xem quảng cáo trên Truyền hình
với dòng chữ “Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực” với hình ảnh một người phụ nữ đang vuốt ve
người đàn ông đang cởi trần, thì hình ảnh và thông điệp của quảng cáo khiến người xem thường liên tưởng
đến “chuyện ấy”. Một quảng cáo với những lời thoại "Anh ơi, mạnh nữa vào", giọng người phụ nữ lanh
lảnh. Người đàn ông vừa thở dốc vừa thều thào: "Anh đang cố đây". Câu chuyện đang đến cao trào thì có
tiếng lạch cạch, một giọng khác lên tiếng: "Bố mẹ đang làm gì thế?". Đây là đoạn đối thoại trên phát ra từ
kênh thời sự tổng hợp đài tiếng nói Việt Nam. Mới nghe đến đây, ai cũng nghĩ cặp vợ chồng nọ đang “yêu
nhau” thì bị cậu con trai bắt gặp. Thế nhưng, nút thắt nhanh chóng được mở, khi cặp vợ chồng nọ đáp lại
lời cậu con trai: "Bố mẹ đang cạo cái tem chống hàng giả". Tương tự, các quảng cáo với thông điệp “Một

2
Gần đây, xu hướng “sexy hoá” hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thể hiện rất rõ trên các tạp chí ở Việt Nam, như: Người đẹp, Phong
cách; Thế giới thanh nữ (Her World), Mode, .vv.

3
Công bằng mà nói, những hình ảnh quyến rũ của nữ giới trên Thế giới Phụ nữ còn nhẹ nhàng và “hiền lành” hơn rất nhiều nếu so với
những “bức ảnh nóng” (hot girls) trên một số báo điện tử gần đây.
người khoẻ, hai người vui”; "Cho vào đi ạ!", hay "Nhanh lên anh, em không chờ được nữa" là những
kiểu quảng gợi sự liên tưởng đến tình dục.
Như vậy, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng không chỉ xã hội hóa và củng cố
những khuôn mẫu về hành vi, ứng xử, suy nghĩ, thái độ và tình cảm của độc giả, mà còn “tích cực” khai
thác khía cạnh tình dục trong các bài viết, quảng cáo và hình ảnh. Trong trường hợp này độc giả nữ chiếm
số đông, khiến cho không chỉ nam giới mà cả phụ nữ cũng tự xem mình như đối tượng tình dục của nam
giới. Cũng xin lưu ý rằng, tuần san Thế giới Phụ nữ không chỉ có độc giả là nữ giới. Hơn nữa, ở các báo
khác, chúng ta có thể dễ tìm thấy những hình ảnh nam giới thể hiện theo hướng gợi dục, quyến rũ. Trên thế
giới có các tạp chí chuyên về nam giới, mà không ít phụ nữ là độc giả trung thành của các tạp chí này, một
trong những lý do hấp dẫn người khác giới, là bởi có những hình ảnh nam giới đẹp trai, ga lăng và hấp dẫn
phái đẹp.
Ở nước ta, vài năm gần đây thấp thoáng xu hướng này, cũng đã có một vài tạp chí dành riêng cho đàn
ông. Nhưng trên một số báo in và điện tử, chủ đề tình dục của nam giới - được thể hiện ở các cấp độ khác
nhau – không hiếm. Và chẳng riêng gì nữ giới, thời gian gần đây các “sao” nam giới cũng chẳng chịu đứng
ngoài khi thay phiên nhau cho xuất hiện những bức ảnh chẳng hề kém chị và thua em về độ sexy. Hiện
tượng một bộ phận nam giới phô diễn cơ thể trên các phương tiện truyền thông đại chúng thấm đẫm chất
gợi tình với người khác giới, có thể khiến cho các nhà nữ quyền cấp tiến và cực đoan nghĩ lại? Bởi lẽ,
không chỉ phụ nữ mới là đối tượng tình dục của nam giới. Mà nam giới đã và đang là đối tượng tình dục
của phụ nữ và của nam giới (nếu xem xét cả từ góc độ tình dục đồng giới).
1.3.2. Tên bài giật gân, câu khách và phản cảm
Giật gân, câu khách và rẻ tiền. Đó là bản chất của báo chí lá cải. Một thời, chúng ta phê phán loại báo
chí này ở các nước phương Tây, nhưng giờ đây trong làng báo chí nước ta, không hiếm những tờ báo gần
trở thành lá cải, hoặc có một phần nội dung lá cải. Sự nhân bản vô tính các tít bài liên quan đến mông,
ngực, đồ lót, vòng một, vòng ba v.v như đại dịch virut tấn công vào thị trường thông tin, có “công lao to
lớn” của một số tờ báo điện tử. Oái oăm thay, lại có sự đóng góp tích cực của những tờ báo điện tử uy tín,
có thứ hạng cao trong làng báo điện tử nước nhà. Chỉ cần vào web, chúng ta dễ dàng tìm thấy những tên
bài, giật tít đầy tính gợi dục và phản cảm. Ví dụ: Siêu mẫu hở mông, rừng người đẹp khoe ngực, Thủy

Tiên khoe chân rồi lại hở ngực; Thanh Lam khoe ngực trong đêm "Yêu"; Thanh Hằng thả rông ngực, Kim
Tuyến hở mông (Vietnamnet) “Thanh Hằng đã khiến nhiều người có mặt tại buổi lễ không thể làm ngơ
trước vòng một “nửa hở nửa che” cực kì gợi cảm của cô.” Lý Nhã Kỳ cố tình khoe ngực khủng
(tintuc.me); “9X thích quần hở tận bẹn và áo tụt tận ngực”; “Có một Thuỷ Tiên không bơm mông, không
hở vú”; “Sao Việt tuần qua: Lộ vòng một, khoe ngưc, hở vòng ba”; “Khắc Tiệp đang làm gì “nữ hoàng đồ
lót” Ngọc Trinh?”; “Toàn cảnh vụ "hở ngực" và "thả rông" của ca sỹ Thủy Tiên” ; “Minh Tuyết, Bảo Yến
'đọ' vẻ sexy” (thethaovanhoa.vn); “Thu Minh, Thủy Tiên – Ai sẽ là “quả bom sexy”? (maskonline.vn);
“Diệp Lâm Anh sexy đến từng centimet” (www.ngoisao); “Ca sĩ Đoan Trang ưỡn ngực nằm xõa khoe nội
y và thân thể sexy trên ; Vũ Hoàng Điệp khiêu khích ngực khủng với bikini khiêm tốn, "Tình nhân" Lam
Trường cởi áo khoe thân thể gợi cảm, Thủy Tiên lộ ngực khủng dưới nội y ướt át, Ngọc Quyên dùng cặp
tuyết lê "nâng niu" thần tượng Park Ji Sung; Mừng kết thúc học kỳ, Thủy Top khoe ngực khủng, Trang
Trần sẽ mặc váy để không bị nói là "khiêu dâm”, Ngọc Trinh cởi phăng áo diễn thời trang; Thủy Top đầu
bù tóc rối khoe 2/3 ngực khủng; Hết quần khiêu dâm, Trang Trần lại diện quần khiêu khích,. “Diễm
Hương khoe đường cong nóng bỏng” (phapluatxahoi.vn); “Rạo rực vì "Sát thủ đồ lót"
(www.xaluan.com) v v.
Không chỉ phái đẹp, mà cả nam giới cũng được đề cập đến với góc độ tình dục, như: Ưng Hoàng
Phúc xé áo khoe cơ bụng 6 múi (VnExpress); Nam ca Việt cũng khoe "gò bồng đảo"…không kém nữ
(2sao.vn); Nam ca sĩ khoe ngực trần “nóng bỏng (Net24h.com.vn); Nam vương khoe thân nóng bỏng
cùng bikini (VTC News). Không hiếm nhưng tên bài đầy phản cảm, kiểu như: Chị em rộn ràng đi xông
hơi vùng kín (nói về dịch vụ "xông ghế" chữa bệnh phụ khoa bằng thuốc Bắc ở Tp. Hồ Chí Minh, với lời
quảng cáo là “phần kín của người phụ nữ giống như cánh cửa của cơ thể, nên việc chăm sóc vùng này là
cần thiết.” (theo Bee.net.vn); “Sau cuộc tình đẹp, chồng nã đạn vào mặt vợ” (Thoisu.com.vn); “Top
Model: Trao giải để "tát vào mặt" giới chân dài? “Trang Trần tự tát vào mặt mình vì phát ngôn ngông
cuồng” “Hễ cứ sướng lên là phát ngôn, không bằng lòng là gầm lên như sư tử” (Phunutoday).
Những hình ảnh sexy tràn ngập trên các trang điện tử, kèm theo lời bình cũng đầy sự kích thích dục
tính, ví dụ: “Nóng bỏng, sexy và vô cùng gợi tình, Hoa hậu Anh - Danielle quả là 'sát thủ đồ lót' thượng
hảo hạng” và “Hãy cùng chiêm ngưỡng nhan sắc và những đường cong uốn lượn mê hồn của Hoa hậu Anh
trong các mẫu đồ lót gợi cảm”(www.xaluan.com). Hay “ cô ngơ ngác không biết chụp ảnh ngực hay mông,
cô bảo cô phát ngấy khi nhìn đàn em khoe ngực mông trên báo chí” “Trang Trần cũng "nảy lửa" với bikini
chẳng kém gì đàn em khi cô mới chập chững vào nghề: cũng ngực cũng mông… Trang Trần ưỡn ẹo,

hoang dại với các ảnh bikini không thua chị kém em. Trang Trần làm trò với dư luận: cô thả rông ngực đi
dự event”(Phunutoday).
Hình như, gần đây yếu tố tình dục được các phương tiện truyền thông nước ta khai thác tối đa? Bằng
chứng là, trên các báo điện tử tràn ngập các hình ảnh sexy, nhẹ thì lộ vòng một với size ngoại cỡ có sự tác
động của dao kéo; khoe các bộ phận nhạy cảm, nặng thì nude bán thân đến toàn phần. Sự khai thác này
còn đẩy đến tận cùng của sự phi nhân tính khi một bé gái 3 tuổi cũng không thoát khỏi ống kính của những
tay săn ảnh Việt Nam (paparazzi). Đứa bé ngây thơ nào có tội tình gì mà trở thành miếng mồi của các
phóng viên thiếu văn hoá? Theo chúng tôi, không chỉ có các tay săn ảnh, mà đã và đang có một bộ phận
“phóng viên” “nhà báo” cũng làm nhiệm vụ săn mồi như các tay săn ảnh.
Đã đến lúc báo động trước thực trạng trong đội ngũ làm báo nước ta có những nhà báo vô cảm, thiếu
văn hoá, không có trách nhiệm với xã hội.
2. Tác động của các thông điệp tình dục trên báo chí đối với xã hội
Tác động tích cực
Các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và báo chí nói riêng, với ưu thế và quyền lực của
mình đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức cho đông đảo công chúng. Với chủ đề tình
dục, con người ngày càng có cơ hội tiếp cận để xem và học hỏi các hành vi tình dục trên các phương tiện
truyền thông đại chúng. Những thông tin khoa học và đúng mực, hợp đạo lý và có văn hoá đã cung cấp
cho công chúng kiến thức về tình dục lành mạnh và an toàn. Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện
nay đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của công chúng theo chiều hướng tích cực, nâng
cao tính nhân văn và tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong quan hệ tình dục. Giảm thiểu những rủi ro
liên quan đến tình dục do thiếu hiểu biết gây nên (như: mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua
đường tình dục, HIV/AIDS).
Tác động tiêu cực
Theo chúng tội, không thể chỉ dựa vào số lượng đông đảo người truy cập vào báo mạng mà coi đó là
thước đo sự thành công của một tờ báo. Nếu xét về tác động xã hội, thì điều đó lại càng khó kết luận về sự
thành công của tờ báo. Chẳng ai có thể biết được, trong hàng ngàn, hàng vạn người đọc những tin, bài lá
cải đó, bao nhiêu phần trăm có bản lĩnh, có hiểu biết để phân biệt đúng, sai. Còn bao nhiêu phần trăm sẽ
“nghiện” xem những tin, bài có hình ảnh dung tục, để rồi bắt chước và trượt dài trong cuộc sống? Nói cách
khác, với những tác động tiêu cực do thông điệp từ báo chí gây nên, sẽ khiến cho cá nhân, gia đình và xã
hội chịu những mất mát, tổn thất khôn lường.

Nghiên cứu cho thấy, các em gái ở độ tuổi thanh thiếu niên là dễ bị cuốn theo cách thức bắt chiếc và
hầu như thường được mô tả như nỗi ám ảnh về sắc đẹp, trang phục, mua sắm và mốt. Với các em trai thì
thường có xu hướng bắt chước những hành vi tình dục - dễ kích thích tính tò mò – khi các em thấy phô
diễn trên các trang điện tử.
Điều đáng quan ngại, có cả những tờ báo mà đối tượng là lứa tuổi học trò, cũng đăng những bài viết
với hình ảnh sexy. Điều gì sẽ xảy ra với lứa tuổi áo trắng, là độ tuổi đang có những biến đổi về tâm sinh lý,
các em có nhu cầu tình bạn khác giới, lại được quảng bá tin, bài đậm chất tình dục như thế?
Xem các tranh ảnh khêu gợi, đọc các bài viết, lời bình luận mang màu sắc tình dục, độc giả bị đầu
độc bởi những quan niệm dễ dãi, sai lầm về tình dục. Những hình ảnh đầy gợi cảm với các thân hình lý
tưởng của các diễn viên điện ảnh, ca sĩ, người mẫu hay sự mô tả hấp dẫn của người viết về những pha yêu
đương mùi mẫn lại gieo rắc tâm trạng tuyệt vọng cho người xem do những mặc cảm tự ti về thân hình của
mình hay của bạn tình, về hoạt động sinh lý thực tế của bản thân. Đối chiếu với thực tế đời sống, chúng vô
tình chôn vùi mọi ham muốn chính đáng, làm tê liệt mọi đam mê tình dục. Thêm nữa, khai thác yếu tố tình
dục câu khách cũng có thể dẫn đến nghiện tình dục trực tuyến, bao gồm việc xem, tải mua bán dâm trực
tuyến hay tán gẫu khiêu dâm, dù đang còn là một vấn đề mới trong xã hội hiện đại, nhưng tiềm ẩn những
nguy cơ đe doạ một bộ phận trong giới trẻ.
3. Bàn luận
Thiên niên kỷ 21 đã bước sang năm thứ 12. Tình dục không còn là điều cấm kỵ như trong xã hội
truyền thống, cho dù với nhiều người đó vẫn đang là “chuyện dễ đùa, khó nói”. Chúng ta không khắt khe
với các chủ đề tình dục trên báo chí, song điều quan trọng là đề cập đến tình dục như thế nào? Mức độ thể
hiện hình ảnh và ngôn ngữ đến đâu? Khả năng giáo dục và định hướng giá trị cho độc giả như thế nào?
Tác hại ngoài mong đợi ra sao?.vv. là những câu hỏi mà người làm báo khi đề cập đến lĩnh vực tình dục
cần phải cân nhắc và thận trọng.
Có thể nói, ở một chừng mực nào đó truyền thông đã, đang biến mình thành phương tiện và nạn nhân
của hội chứng đám đông. Vì chạy theo số lượng độc giả, không ít nhà báo đã góp phần đưa báo in và báo
điện tử trở thành báo lá cải.
Với chủ đề giới và tình dục trên một số báo in và báo điện tử, nhìn từ góc độ văn hoá báo chỉ - chỉ là
một câu chuyện nhỏ - nhưng cũng gợi lên suy nghĩ về đạo đức và trách nhiệm xã hội của một bộ phận
phóng viên và biên tập, trách nhiệm của một số người đứng đầu cơ quan báo chí. Nếu nhà báo có đạo đức
nghề nghiệp và có trách nhiệm với những tin, ảnh và bài viết của mình. Nếu biên tập viên và lãnh đạo cơ

quan báo chí không chạy theo thị hiếu “tình, tiền”, “tình dục và bạo lực”, thì chắc chắn môi trường báo chí
nước nhà sẽ trong sạch hơn, ít bị ô nhiễm như hiện nay. Truyền thông trong quá trình hội nhập và phát
triển vẫn rất cần giữ gìn bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Bá Thịnh. 2009. Vai trò giới trong quảng cáo (Nghiên cứu trường hợp tuần báo Thế giới Phụ
nữ); trong: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Tuyên truyền bình đẳng giới – phòng, chống bạo lực giới
trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản - Tổng cục Dân số -
Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Tr.37-51.
2. Hoàng Bá Thịnh. 2008. Giáo trình Xã hội học về Giới; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
3. Playboy hóa" báo chí: Những hậu quả khó lường;
4. Belknap, Penny and Wilbert M. Leonard. 1991. “A Conceptual repliation of Ering Goffman’s study
of gender advertisements”, Sex Roles 25(3/4):103-18
5. Courtney, Alice E., and Sarah Wernick Lockeretz. 1971. “A woman’s place: An analysis of the role
portrayed by women in advertisements”. Journal of Makerting Research, 8:92
6. Downs, A.C., and S.K. Harrison.1985. “Embarrassing age spots or just plain ugly? Physical
attractiveness stereotyping as an instrument of sexiam on American television commercials”, Sex
Roles 13(1/2):9-19
7. Kidd, Virginia.1975. “Happily ever affter and other relationship styles: Advice on interpersonal
relationships in popular magazines, 1951-1973”. Quarterly Journal of Speech 61:31-39
8. Lazier Smith, L.1989. “A new genderation of images of women”. In P.J. Creedon (ed), Women in
Mass Communication, Newbury Park, CA: Sage.
9. Whipple.T.W, and A.E.Courtney.1985.”Female role portravals in advertising and communication
effectiveness: A review”. Journal of Advertising 14:17

×