Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Báo cáo Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán hòa nhập cộng đồng.PDF

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (208.32 KB, 10 trang )

1

VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG VIỆC HỖ TRỢ
NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
Ngô Thị Thanh Mai
Nguyễn Thu Hà
Khoa Công tác xã hội – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
DĐ: 0983.552.425 – Email:
1. MỞ ĐẦU
Nằm ngay ở trung tâm của tiểu vùng sông Mekong (bao gồm các quốc gia Việt
Nam, Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan cùng hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây
Trung Quốc), từ đầu những năm 1990, Việt Nam đã trở thành nguồn cung cấp, là
trung tâm trung chuyển và ở một mức độ nào đó, là điểm đến của các hoạt động
buôn bán người xuyên quốc gia. Mặc dù rất khó để nắm bắt được chính xác quy mô
của tình trạng buôn bán người do bản chất phi pháp cũng như những khó khăn trong
việc xác định các hoạt động cấu thành của nó nhưng các cơ quan nhà nước và quốc
tế vẫn khẳng định rằng, nạn buôn người ở Việt Nam (chủ yếu là buôn bán phụ nữ ở
trẻ em) rất trầm trọng và ngày một gia tăng [1; tr.208].
Một phần trong số hàng ngàn nạn nhân bị buôn bán đã may mắn được giải
cứu và trở về quê hương; song phía trước họ là muôn vàn khó khăn cần đến sự hỗ
trợ để có thể có được một cuộc sống ổn định. Mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ
trợ nạn nhân dưới nhiều hình thức được triển khai, song hiệu quả và tính bền vững
vẫn còn những hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, một lý do quan trọng là
thiếu vắng vai trò của nhân viên CTXH chuyên nghiệp trong việc lập kế hoạch và
điều phối các dịch vụ nhằm đảm bảo tính toàn diện và bền vững của hoạt động trợ
giúp.
Trong khuôn khổ bài tham luận, chúng tôi sẽ trình bày hai nội dung chính. Thứ
nhất là tổng quan thực trạng buôn bán người ở Việt Nam, những khó khăn và nhu
cầu của những nạn nhân bị buôn bán khi trở về cộng đồng. Phần này được tổng hợp
từ những báo cáo, kết quả điều tra nghiên cứu về vấn đề này và thông tin thu thập
được của tác giả trong chuyến đi điều tra thực tại tỉnh Hải Dương, Yên Bái. Phần


thứ hai của tham luận sẽ trình bày cụ thể những hoạt động trợ giúp để làm rõ một
loạt vai trò của nhân viên công tác xã hội (NV CTXH) như hỗ trợ tâm lý, kết nối
nguồn lực, biện hộ, giáo dục, vận động chính sách,…. Nội dung này được xây dựng
dựa trên những quan sát và đánh giá hoạt động hỗ trợ của nhân viên CTXH tại Ngôi
2

nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
1
.
2. NỘI DUNG
2.1. Đôi nét về thực trạng buôn bán người ở Việt Nam hiện nay
Theo điều 3, Nghị Định thư của Liên Hợp Quốc về phòng, chống và trừng
phạt việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bổ sung cho Công ước LHQ
về chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thì việc buôn bán người bao gồm:
"các hình thức tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận người
thông qua các biện pháp đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức khác như ép
buộc, bắt cóc, lừa đảo, hoặc gian lận, lạm dụng quyền lực hoặc vị trí của nhóm dễ
bị tổn thương hoặc thông qua việc nhận hoặc trả tiền… cho người đang nắm quyền
kiểm soát người khác, vì mục đích bóc lột."
Tại Việt Nam, theo Báo cáo tổng kết Chương trình hành động phòng chống
tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em của Chính phủ (viết tắt là chương trình 130 CP)
giai đoạn 2004-2009, trong 05 năm thực hiện Chương trình, cả nước đã xảy ra 1.586
vụ buôn bán người trong đó có 2.888 đối tượng, lừa bán 4.008 nạn nhân và con số
này đã tăng so với 5 năm trước là 1.090 vụ, 2.117 đối tượng và 2.935 nạn nhân.
Trong đó, trên 60% tổng số vụ mua bán sang Trung Quốc, 11% tổng số vụ bán sang
Campuchia, số còn lại mua bán sang Lào, qua tuyến hàng không, tuyến biển để bán
ra một số nước khác. Địa phương xảy ra tình trạng này nhiều nhất là: Hà Giang; Lào
Cai; Lạng Sơn; Quảng Ninh, Hà Nội; Nghệ An; Lai Châu; Bắc Giang [7; tr.1]
Những con số trên cho thấy rằng, tệ nạn buôn bán người đang diễn ra ngày
càng tăng, tuy nhiên, đây mới chỉ là số nạn nhân được phát hiện, giải cứu nên vẫn

chưa phản ánh chính xác số nạn nhân thực tế của tệ nạn này. Và theo nhận định của
Ban chỉ đạo chương trình 130/CP của Chính phủ, tình hình hoạt động tội phạm mua
bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp, đa dạng, tính chất quy mô và thủ đoạn hoạt
động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia
[7; tr.1]
Buôn bán người luôn được hiểu như là một hệ quả của nghèo đói do những nạn
nhân bị buôn bán thường xuất thân từ các vùng nông thôn và từ các gia đình nông

1
Ngôi nhà bình yên là một nhà tạm lánh do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quản lý dành cho phụ nữ và trẻ bị
buôn bán và bạo lực gia đình. Ngôi nhà bình yên chính thức vận hành từ tháng 3/2007 và đã tiếp nhận, hỗ trợ
cho hàng trăm nạn nhân với các dịch vụ hỗ trợ như ăn ở, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ nghề
nghiệp, giáo dục, nâng cao nhận thức, hỗ trợ trẻ đến trường.
3

dân nghèo, cha mẹ thường có trình độ học vấn rất thấp, giáo dục gia đình kém, hay
có những vấn đề xã hội như rượu, chè, bạo lực gia đình, khuyết tật, cha mẹ đơn thân,
ly dị hoặc có cuộc sống không hạnh phúc… Tuy vậy, nạn nhân của buôn bán người
vì thế không đơn thuần chỉ là những phụ nữ trẻ mà nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng
trường hợp bị bán thường là những phụ nữ ở trong độ tuổi từ 15 cho đến 35 tuổi [1;
tr.209], và bất kỳ ai cũng có thể bị buôn bán. Trẻ em đang ngày càng trở thành một
nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn, độ tuổi trung bình của trẻ em bị buôn bán là
10 tuổi [1; 209]. Chủ yếu trẻ em bị buôn bán là các bé gái nhưng trong một số
trường hợp lại là bé trai. Bên cạnh nhóm nạn nhân thuộc dân tộc đa số (dân tộc
Kinh) ở Việt Nam thì cũng có một số lượng lớn các đồng bào dân tộc thiểu số ở các
vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là nhóm có nguy cơ bị buôn bán cao nhất vì
họ ở những nơi hẻo lánh, biệt lập về địa lý, trình độ kinh tế, xã hội thấp kém. Nam
giới cũng là một đối tượng bị mua bán dù chưa có nhiều công trình nghiên cứu cụ
thể về đối tượng này. Họ thường bị bán dưới hình thức tuyển dụng lao động xuất
khẩu ra nước ngoài.

Các thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng rất đa dạng, thường là lợi dụng những
phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp … bằng những lời hứa
hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán. Bên cạnh
đó còn có những thủ đoạn tinh vi như lừa bán phụ nữ núp bóng hình thức kết hôn
với người nước ngoài (ở Bình Dương, Hải Phòng, Hồ Chí Minh…); lợi dụng công
nghệ thông tin để giả kết thân với học sinh, sinh viên nữ rồi lừa đem qua nước ngoài
bán. Với trẻ em, một số thủ đoạn đáng chú ý như đột nhập nhà dân, chiếm đoạt, bắt
cóc trẻ em (ở Hà Giang); lừa gạt, thu gom, buôn bán trẻ sơ sinh (ở Quảng Ninh,
Lạng Sơn, Sóc Trăng…); chuyển bán trẻ em qua nước ngoài dưới hình thức nhận
con nuôi (ở Ninh Bình, Hòa Bình,…) [7; tr.2].
Về đối tượng phạm tội, chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án,
tiền sự. Ngoài ra, một số người nước ngoài, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập
vào Việt Nam cấu kết với một số cò mồi, môi giới hình thành những đường dây
buôn bán xuyên quốc gia hoặc một số phụ nữ, trẻ em từng là nạn nhân bị buôn bán
ra nước ngoài làm mại dâm hoặc lấy chồng khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm
dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em kể cả người thân trong gia đình; Hoặc một số đối
tượng tuy chưa có tiền án, tiền sự song lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên
giới hoặc kinh doanh các dịch vụ cắt tóc, massage, gội đầu, nhà hàng, quán trọ ở dọc
biên giới, thông thuộc địa bàn nên đã lừa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.
4

2.2. Những khó khăn gặp phải và nhu cầu cần hỗ trợ của những nạn nhân
bị buôn bán khi trở về tái hòa nhập cộng đồng
Các nạn nhân của nạn buôn bán người thường đã từng phải trải qua tình trạng
bị cưỡng bức; bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý; nợ nần; bị giam cầm bất
hợp pháp; bạn bè và gia đình bị đe dọa; Hậu quả là, nạn nhân phải hứng chịu
những tổn thương về sức khỏe và tâm lý nặng nề, có những trường hợp dẫn đến cái
chết.
Đối với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hòa nhập
của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Action

Aid Việt Nam tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hải Phòng và Vĩnh Long, chỉ có
20,4% số nạn nhân trở về đã ổn định và hòa nhập với cộng đồng. Cũng theo kết quả
phỏng vấn sâu với những nạn nhân bị buôn bán đã trở về, người thân của họ tại Hải
Dương, Yên Bái và những người hiện đang nhận được sự hỗ trợ tại Ngôi nhà bình
yên; khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, họ thường gặp rất nhiều vấn đề như:
(1) Tổn thương về mặt tâm lý, bị kì thị, xa lánh từ cộng đồng;
(2) Khó khăn về mặt kinh tế do thiếu việc làm vì không tìm được công việc
phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức khỏe không tốt hoặc thiếu kĩ năng
nghề nghiệp, thiếu vốn để lập nghiệp;
(3) Những vấn đề về mặt pháp lý như không được đăng kí hộ khẩu khi trở về,
mất giấy tờ tùy thân, không đăng kí khai sinh được cho con cái, từ đó khó tiếp cận
được các dịch vụ xã hội; Bị mất, thiếu đất đai để sản xuất, thậm chí thiếu chỗ ở ổn
định. Bên cạnh đó, có những nạn nhân có nguyện vọng tố giác kẻ buôn người song
gặp khó khăn trong thủ tục tố tục;
(4) Sức khỏe suy giảm, bị bệnh tật, mắc những bệnh lây nhiễm qua đường tình
dục (đặc biệt với những nạn nhân bị buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục).
Đối mặt với những khó khăn trên, để đảm bảo duy trì một cuộc sống ổn định,
tránh khả năng bị buôn bán một lần nữa, những nạn nhân này mong muốn được hỗ
trợ những nhu cầu sau:
(1) Hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội;
(2) Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bao gồm thăm khám và điều trị;
(3) Hỗ trợ về mặt pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân
dân, giấy khai sinh, hỗ trợ trong quá trình tố tụng…);
(4) Hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn đầu tư ban đầu để lập nghiệp;
5

(5) Hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường kĩ năng tổ chức cuộc sống và những kĩ năng
cần thiết khác;
(6) Với những nạn nhân đang trong độ tuổi đến trường, các em rất cần sự hỗ trợ để có thể
tái hòa nhập trường học.

2.3. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ cho nạn nhân bị
buôn bán tái hòa nhập cộng đồng
Với tư cách là người hỗ trợ chuyên nghiệp các đối tượng yếu thế trong xã hội,
NV CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những nạn nhân buôn bán có
thể tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới bền vững và ổn định. Những
hoạt động trợ giúp của NV CTXH có thể được khái quát qua những vai trò như sau:

(1) Vai trò là người biện hộ: Đây là một vai trò quan trọng của NV CTXH
với tư cách là một người đại diện cho tiếng nói của nạn nhân để bảo vệ cho lợi ích
hợp pháp của họ.
Đối với những người là nạn nhân bị buôn bán đã bị xâm phạm nhiều quyền và
lợi ích thì trong quá trình hỗ trợ, NV CTXH trực tiếp làm việc với các cơ quan chức
năng như công an, Hội phụ nữ, tòa án… để biện hộ, bênh vực, bảo vệ quyền lợi
chính đáng của họ.
(2) Vai trò người hỗ trợ/ tạo điều kiện: NV CTXH là người tạo điều kiện, môi
trường cho nạn nhân phát huy tiềm năng và tham gia vào quá trình tự giải quyết vấn
đề của chính họ. Vai trò này được thể hiện ngay từ giai đoạn hỗ trợ ban đầu khi NV
CTXH và nạn nhân lập kế hoạch trợ giúp và được phát huy trong suốt quá trình hỗ
trợ. Trên cơ sở đánh giá khả năng của nạn nhân và tuân thủ nguyên tắc tôn trọng
quyền tham gia và tự quyết của thân chủ, bản kế hoạch riêng biệt cho từng nạn nhân
sẽ được thực hiện trên tinh thần NV CTXH và nạn nhân cùng trao đổi và thống nhất.
Ví dụ: Với nạn nhân bị buôn bán, để tái hòa nhập bền vững, một trong những
yếu tố quan trọng là đảm bảo nghề nghiệp ổn định để họ có thể độc lập về mặt kinh
tế. Để xây dựng kế hoạch hỗ trợ nghề nghiệp, NV CTXH sẽ tìm hiểu nguyện vọng,
khả năng của nạn nhân cũng như điều kiện kinh tế, thị trường lao động tại cộng
đồng của nạn nhân đó để có thể tham vấn cho họ lựa chọn nghề nghiệp một cách
phù hợp nhất.
(3) Vai trò người hỗ trợ tâm lý: Nạn nhân bị buôn bán thường đã trải qua
những biến cố, sự kiện gây những tổn hại về mặt thể chất và tâm lý. Do vậy, họ là
6


những người dễ bị tổn thương, nhạy cảm, luôn lo lắng và tâm thần bất an, không xác
định rõ tương lai của mình. Nhân viên CTXH lúc này đóng vai trò là người hỗ trợ
chính về mặt tâm lý cho họ thông qua những buổi trò chuyện, chia sẻ. Sự an ủi,
động viên của NV CTXH sẽ giúp họ an tâm, bớt lo lắng hơn để bắt đầu tiếp nhận
những hỗ trợ tiếp theo.
Những nạn nhân bị buôn bán đã phải trải nghiệm những mối quan hệ tiêu cực
trong quá khứ và mất niềm tin vào người khác. Bởi vậy, nhân viên CTXH cần kiên
nhẫn trong việc thiết lập mối quan hệ tin tưởng và duy trì mối quan hệ này trong
suốt quá trình hỗ trợ. Mối quan hệ này chỉ có thể được tạo dựng thông qua việc nhân
viên CTXH thể hiện thái độ chân thành, nhiệt tình và những kĩ năng như lắng nghe
và thấu cảm ở mức độ cao.
Trong những trường hợp nạn nhân gặp những vấn đề về tâm lý nghiêm trọng,
nhân viên CTXH có thể giới thiệu nạn nhân tới gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ
tâm thần để tham gia các buổi trị liệu về tâm lý.
(4) Vai trò người kết nối nguồn lực: Đây là một vai trò quan trọng của NV
CTXH với tư cách là một người trung gian kết nối nạn nhân với các nguồn lực cần
thiết. Nguồn lực này có thể là các cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể có liên quan
đến vấn đề cần giải quyết của nạn nhân; hoặc cũng có thể là các dịch vụ sẵn có trong
cộng đồng. Một nạn nhân bị buôn bán có thể có nhiều nhu cầu cần trợ giúp khác
nhau như hỗ trợ về mặt tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề,… Bởi
vậy, để đảm bảo được vai trò này, NV CTXH cần hiểu rõ các dịch vụ, lựa chọn dịch
vụ phù hợp với thân chủ của mình và trực tiếp giúp họ tiếp cận với các dịch vụ.
Khi hỗ trợ nạn nhân sử dụng các dịch vụ, nhân viên CTXH có thể phải trao
đổi với những người cung cấp dịch vụ về hoàn cảnh của nạn nhân để họ có cách tiếp
cận phù hợp, tránh làm tổn thương nạn nhân.
Xin lấy một ví dụ để để làm rõ vai trò kết nối nguồn lực của NV CTXH::
H là một nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc đã được giải cứu trở về. Trong
thời gian ở Ngôi nhà bình yên, H đã được NV CTXH hỗ trợ để nhận được các dịch
vụ sau:





7













(5) Vai trò là tác nhân tạo sự thay đổi:
NV CTXH được coi như là người tạo ra sự thay đổi cho nạn nhân bị buôn bán,
giúp họ thay đổi bản thân mình để hướng tới những suy nghĩ, thái độ và hành vi tích
cực hơn. Bên cạnh đó, NV CTXH cũng sẽ tác động làm thay đổi môi trường sống
của nạn nhân để họ có thể tự tin hòa nhập hơn.
Ví dụ: Trong trường hợp nạn nhân bị buôn bán là trẻ em và đang trong độ tuổi
đi học, nhân viên CTXH cần trợ giúp để các em có thể trở lại trường học. Tuy nhiên,
các em có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với những kiến thức sau một thời
gian gián đoạn học tập vì bị lưu lạc do buôn bán. Mặt khác, các em cũng có thể phải
đối mặt với sự kì thị của các thày cô giáo và những học sinh trong trường. Vì vậy, để
các em có thể trở lại học tập và giao tiếp xã hội bình thường, nhân viên CTXH cần
nỗ lực để giúp các em lấy lại sự tự tin, củng cố kiến thức; đồng thời có những hành

động cụ thể để tiếp cận với những cán bộ trong trường học cũng như tạo được hiểu
biết và cảm thông của những học sinh khác trong trường
(6) Vai trò là người giáo dục, nâng cao nhận thức
Một trong những mục tiêu hỗ trợ là giúp cho nạn nhân bị buôn bán có thêm
kiến thức, kĩ năng và hình thành những thái độ, hành vi mới để họ có thể tự tin hơn
trong cuộc sống. Tùy thuộc vào những tình huống cụ thể của nạn nhân mà nhân viên
CTXH có những hoạt động hay cung cấp thông tin phù hợp như các kiến thức về

NV CTXH

H

Trường dạy nghề Hoa Sữa
Học may
Bệnh viện Đống Đa
Khám sức khỏe tổng thể
Nhà tham vấn
Hỗ trợ tâm lý

Chính quyền, công an địa
phương
Tìm gia đình, người thân
Chú gi
ải
:
Hỗ trợ

Tiếp cận dịch vụ
8


pháp luật, các quyền cơ bản của người phụ nữ, cách chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa
bệnh tật hay giáo dục các kĩ năng sống, giá trị sống cơ bản, cách thức tổ chức sinh
hoạt gia đình…. Các hình thức giáo dục cũng được nhân viên CTXH triển khai một
cách đa dạng như tham vấn cá nhân, tổ chức sinh hoạt, tọa đàm nhóm hay cung cấp
tài liệu…
Vai trò giáo dục của NV CTXH còn được thể hiện đối với cộng đồng trong
việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tình trạng buôn bán người và nạn nhân bị
buôn bán; giúp cho cộng đồng có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này và có những hành
động thiết thực nhằm giúp cho những công dân của cộng đồng mình ổn định cuộc
sống, phòng tránh được tệ nạn buôn bán người.
3. KẾT LUẬN
Khi mà tình trạng buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp và những nạn
nhân bị buôn bán trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, sự thể hiện
vai trò của NV CTXH thông qua các hoạt động hỗ trợ khác nhau là vô cùng cần
thiết. Các vai trò này không tách rời nhau mà được thực hiện đồng thời, đan xen và
hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho quá trình hỗ trợ được toàn diện, liền mạch và hiệu quả. Hi
vọng rằng, từ các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống buôn bán người
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cùng với sự quan tâm của các cơ quan,
ban ngành và sự phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ NV CTXH chuyên nghiệp;
sẽ có thêm nhiều nạn nhân không may bị buôn bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết để
tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững và có một tương lai tốt đẹp hơn.












9

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bạch Dương, Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Di dân và
Bảo trợ xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường (2008),
NXB Thế giới.
2. Cục lãnh sự - Bộ ngoại giao, IOM, Eropean Union, Báo cáo tổng quan về tình
hình di cư của người Việt Nam ra nước ngoài, 2011.
3. United Nation Vietnam, Di cư trong nước, cơ hội và thách thức đối với sự phát
triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, 2010.
4. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổ chức di cư Thế giới (IOM). Sổ tay tuyên
truyền viên phòng chống buôn bán người và trợ giúp phụ nữ và trẻ em trở về.
5. Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em thành phố Hồ Chí Minh. Sổ tay công tác phòng
chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. 2007 (Lưu hành nội bộ)
6. Nguyễn Phong Niên. Đâu phải bởi số phận - Từng người và cả cộng đồng hãy
ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. CEFEW, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa
Kỳ, Quỹ Châu Á, 2004.
7. Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ, Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương
trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2004 – 2009,
2009.
8. Bộ Tư pháp, Báo cáo Kết quả khảo sát liên ngành v
ề thực trạng công tác
phòng, chống buôn bán người tại một số địa phương, 2010.
9. Action Aid Việt Nam, Báo cáo kết quả tình hình buôn bán phụ nữ - trẻ em nhằm
đề xuất các hoạt động can thiệp phù hợp tại một số vùng dự án, 2008.
10. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Kỉ yếu Hội thảo tổng kết dự án Ngôi nhà bình
yên, 2011
11. Trung tâm phụ nữ và phát triển, 4 năm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình

(2007 – 2010), Báo cáo và bài học kinh nghiệm, 2010.
12. Dự án Ngôi nhà bình yên, Công tác xã hội dành cho nhân viên làm việc tại Ngôi
nhà bình yên.
Các trang web tham khảo:
13.
14.
10
15.
16. Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
17. Thông cáo báo chí về Dự án Ngôi nhà bình yên.


×