Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Báo cáo văn học Tiếp nhận văn học mạng trong bối cảnh văn hóa, văn học hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.51 KB, 10 trang )

TIẾP NHẬN VĂN HỌC MẠNG
TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ, VĂN HỌC HIỆN NAY


Hà Văn Hoàng
Khoa Ngữ văn-Truyền thông, Đại học Phan Châu Trinh


1. Đặt vấn đề
Trong xu thế toàn hoá hiện nay, nhất là khi truyền thông số bùng nổ, dường như mọi
vấn đề đời sống xã hội đều theo vòng xoáy của cuộc sống mạng. Mạng Internet trở thành
một công cụ hữu hiệu và nhu cầu không thể thiếu đối với hầu hết với mỗi người trong việc
cập nhật thông tin. Trong số những thông tin, lĩnh vực mà mạng Internet cung cấp thì văn
học nghệ thuật trở thành một “thị hiếu” đối với công chúng và cư dân mạng. Và cái gọi là
văn học mạng đã ra đời, trở thành một hoạt động và là một bộ phận của văn học.
Theo các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và quan sát văn học, văn học mạng được
hiểu là những tác phẩm được sáng tác (từng phần), cho ra mắt, đón đọc, sửa chữa và “xuất
bản” trên mạng. Điểm đặc biệt là văn học mạng phải được độc giả tham gia vào quá trình
sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu và nội dung, cả lối hành văn của tác phẩm. Ở đó,
những “nhà văn” mạng xây dựng được nhóm công chúng riêng, đón nhận những phản hồi từ
độc giả để thay đổi tác phẩm của mình, thậm chí có thể nói, việc chỉnh sửa tác phẩm sẽ diễn
ra cho tới ngay cả sau khi tác giả không còn nữa.
Tất cả những điều trên thể hiện đặc trưng, tính chất của văn học mạng. Tuy nhiên, điều
đáng bàn ở đây là trong bối cảnh văn hoá, văn học hiện nay, việc định hướng tiếp nhận
những giá trị của văn học mạng cần được quan tâm đúng mức nhằm bồi dưỡng ý thức thẩm
mỹ, tinh thần nhân văn cho bạn đọc. Trong khuôn khổ của bài tham luận này, người viết
muốn đề cập đến thực trạng về tác phẩm văn học mạng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra một
số định hướng tiếp nhận văn học mạng Việt Nam trong bối cảnh văn hoá nói chung và văn
hoá đọc nói riêng hiện nay.
2. Cái nhìn tổng quan về văn học mạng
2.1. Đi tìm khái niệm “văn học mạng”


Cho đến nay, ở nước ta, việc bàn luận tồn tại hay không kiểu hình văn học mạng dường
như chưa có phần ngã ngũ. Nhưng tác giả (ở đây chúng tôi không goi danh xưng “nhà văn”
bởi khái niệm này chưa được định hình đối với những người sáng tác văn học theo hình thức
này), kiểu sáng tác, tác phẩm văn học, công chúng thưởng thức thì tồn tại và phát triển ngày
càng ồ ạt, đa dạng, dường như khó có thể kiểm soát nổi và cuốn người đọc vào một khối
lượng khổng lồ các tác phẩm trên mạng. Việc có văn học mạng Việt Nam hay không, theo
chúng tôi ở nước ta vẫn tồn tại kiểu hình sáng tác này song chưa được thừa nhận như ở
Trung Quốc hay một số nước phương Tây. Bởi các yếu tố của quá trình sáng tác (hiện thực,
tác giả, tác phẩm, công chúng) của cái gọi là văn học mạng ở Việt Nam đều diễn ra và phát
triển không có gì khác văn học mạng của thế giới về bản chất và đặc trưng. Do đó, không có
lý do gì có thể gạt bỏ văn học mang Việt Nam. Vấn đề mà chúng tôi bàn luận ở đây không
nói đến sự “có” hay “không”, “tồn tại” hay “không tồn tại” dòng văn học này mà đi tìm một
khái niệm giản dị, dễ hiểu nhất về văn học mạng, để từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về kiểu
loại văn học khá mới mẻ này.
Văn chương mạng thế giới đã có cách đây hơn mười năm nhưng ở Việt nam thì trong vài
năm gần đây, phương thức sáng tác và sự thưởng thức các tác phẩm văn học mạng trở nên
thịnh hành. Bàn tròn hội thảo với chủ đề: “Văn chương mạng và website
vannghesongcuulong.org” được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh (ngày
21-4-2010) đã bàn luận nhiều vấn đề về văn chương trên mạng Internet và sự tác động của
nó đối với văn chương đương thời. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm cái gọi là văn học
mạng vẫn chưa được hiểu đúng mức, nhất là ở nước ta hiện nay.
Điều trước nhất cần phải phân biệt bản chất hai thuật ngữ văn học mạng và mạng văn
học. Về khái niệm mạng văn học đã được định hình từ lâu và được hiểu là những tác phẩm
văn học (bao gồm sáng tác, lý luận - phê bình) của các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê
bình đưa lên website thông qua công nghệ kỹ thuật Internet. Nhìn chung, các tác phẩm được
đăng tải trên mặng văn học là những sáng tác đã được thẩm định, đánh giá một cách chặt chẽ
và khoa học, được độc giả thừa nhận. Điểm nhấn mạnh ở đây, mạng văn học là nơi “chứa
đựng” những những sáng tác hoàn chỉnh, sau khi tác giả đã hoàn thành bản thảo cũng như
được thẩm định mới đưa lên mạng. Mặt khác, những tác phẩm này có thể được in thành sách
bởi các Nhà xuất bản.

Tính chất ổn định về mặt quá trình sáng tác là điều dễ nhận thấy ở các tác phẩm trên
mạng văn học. Mạng văn học là nơi lưu giữ, truyền tải và chia sẻ thông tin giữa tác phẩm
văn học với công chúng. Tuy nhiển, tính chất “đóng” là điểm khác biệt giữa mạng văn học
với các tác phẩm văn học mạng. Văn học mạng có tính tương tác cao giữa người sáng tác và
công chúng thì những tác phẩm ở mạng văn học dường như không xảy ra điều này. Ở đây,
mạng Internet chỉ là phương tiện truyền dẫn đơn thuần mà thôi.
Về khái niệm văn học mạng, cho đến nay vẫn chưa được hiểu một cách đúng mức và
chưa có nhà lý luận, phê bình nào đưa ra một khái niệm đầy đủ. Rải rác trong một số bài
phỏng vấn một số nhà văn, nhà báo có đưa ra một số cách hiểu, song chúng tôi nhận thấy
vẫn chưa thoả đáng. Nhìn chung các cách hiểu này mới chỉ đi vào một mặt, một khía cạnh
của văn học mạng, có thể là từ phía tác phẩm, tác giả, quá trình sáng tác hay phương tiện
chuyển tải. Điều này không bao quát và không thể hiện được bản chất của vấn đề.
Ở Trung Quốc, khái niệm văn học mạng (network literature) được đặt trong mối tương
quan với văn học truyền thống (traditional literature). Theo đó, văn học mạng được hiểu là
những tác phẩm được sản xuất trên mạng mà không được “bày ra” trên giấy. Cách hiểu này
có tính phổ biến và còn đơn giản hoá. Ở Việt Nam, cách hiểu này cũng thông dụng và gần
gũi, dễ được chấp nhận. Tuy nhiên, nội hàm khái niệm văn học mạng không chỉ có vậy, chưa
bao quát hết được một “chu trình” của đời sống văn học.
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, văn học mạng ở nước ta mới thai nghén, còn non trẻ và
đang còn có nhiều ý kiến tranh luận, bàn cãi về đặc trưng của văn học mạng, việc đưa ra một
khái niệm thật khó và đều chưa thảo mãn. Tuy nhiên, xét về bản chất của quá trình sáng tác
văn học bao gồm các yếu tố: thế giới hiện thực - tác phẩm - tác giả - bạn đọc, chúng tôi đưa
ra một cách hiểu về văn học mạng như sau:
Văn học mạng là một hình thức sáng tác văn học, ở đó các tác phẩm được hình thành,
công bố trên mạng; được chỉnh sửa, biên tập, thay đổi liên tục theo sự tiếp nhận của công
chúng và được “xuất bản” dưới dạng chuyển tải, đăng lại hoặc ở ebook.
Như vậy, với khái niệm này có thể hiểu như sau: Thứ nhất, văn học mạng là những tác
phẩm văn học được thai nghén, sản sinh ngay trên mạng Internet và mạng trở thành phương
thức tồn tại “sống còn” của những tác phẩm này và theo đó, bản thảo đồng thời cũng đươc
đưa lên mạng. Thứ hai, các tác phẩm này mang tính “mở”, tính “dở dang” theo kiểu “chương

hồi” cho đến khi tác giả hoàn thành dưới sự tương tác của độc giả, công chúng và việc đổi
thay tác phẩm này còn diễn ra khi tác giả không còn nữa, thảng được in thành sách thì những
tác phẩm này mới “đóng”. Thứ ba, việc xuất bản các tác phẩm này mang tính đăc thù riêng;
nếu các tác phẩm của các nghệ sĩ khác (truyền thống) chủ yếu được xuất bản thành sách sau
đó đưa lên mạng thì quá trình này ngược lại với văn học mạng.
Khái niệm văn học mạng còn nhiều ý kiến tranh luận và cần phải có sự thảo luận để đi
đến một kết luận thống nhất. Tuy nhiên, xuất phát từ những đặc trưng cơ bản và trên cơ sở
tổng hợp một số ý kiến của các học giả về văn học mạng, chúng tôi đưa ra một cách hiểu
thông thường nhất có thể làm căn cứ, định hướng cho những vấn đề nghiên cứu tiếp theo của
mình.

2.2. Tác giả và tác phẩm “văn học mạng”
Tác giả và tác phẩm là hai phạm trù quan trọng, trở thành những vấn đề trung tâm trong
quá trình sáng tác văn học. Đặc biệt, đối với văn học mạng - một kiểu loại sáng tác mới thì
những yếu tố thuộc hai phạm trù này còn nhiều vấn đề “ngổn ngang” song cũng có thể hình
dung vấn đề này như sau:
a. Về vấn đề tác giả văn học mạng bên cạnh một số bình diện đã được định hình thì vẫn
đang còn nhiều ý liến tranh luận, trong đó vấn đề cơ bản là gọi tên đội ngũ sáng tác văn học
mạng là “nhà văn” hay bằng những tên gọi khác.
Theo dõi diễn trình văn học mạng trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc cũng như trong
nước, chúng tôi nhận thấy, đội ngũ sáng tác theo hình thức này ngày càng đông đảo. Phần
lớn họ là những người còn trẻ với những ước vọng muốn thể hiện mình. Ta có thể bắt gặp
một số cây bút trong và ngoài nước như: Hà Kin, Di Li, Keng, Đặng Thiều Quang, Tào
Đình, Dương Thụy, Trần Thị Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Hoàng Diệu… Nhìn
chung, những cây bút này, xét từ góc độ chủ thể sáng tạo, là những người lao động nghệ
thuật nghiêm túc, số lượng tác phẩm khá nhiều và những tác phẩm có chất lượng không phải
là ít. Đặc biệt, một số tác phẩm của những tác giả này đã được xuất bản thành sách như:
Chuyện tình NewYork của Hà Kin, Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Tào Đình, Nhật kí tình yêu
TIO của Trần Thị Thu Trang, Khi nào anh thuộc về em của Cấn Vân Khánh, Bóng đè của Đỗ
Hoàng Diệu,… Nhìn chung, các tác phẩm này khi được xuất bản được công chúng đón nhận

một cách nhiệt thành nhất là giới trẻ. Do đó, số lượng sách xuất bản khá lớn, chưa kể, cư dân
mạng trực tuyến với nwhnxg lần truy cập lên đến hàng triệu lượt. Điều này kéo theo một
thực tế, tác gả văn học mạng trở thành một đối tượng được chú ý của các Nhà xuất bản, bởi
những tác phẩm của họ rất “ăn khách”. Tuy nhiên, chất lượng tác phẩm và “tần số thẩm mỹ”
của tác phẩm là một vấn đề đáng quan tâm.
Mặt khác, các tác giả văn học mạng đang cố gắng “khẳng định” mình bằng những cách
khác nhau. Một mặt, nhiều lúc họ phải “uốn mình” theo thị hiếu của độc giả hay những nhà
xuất bản vì họ có một số lượng đông đảo các “độc giả ruột” và cũng cả vì “miếng cơm manh
áo”. Điều này lien quan đến yếu tố đạo đức của người nghệ sĩ và dù ít hay nhiều khó hình
thành được cái gọi là phong cách, mặc nhiên để làm nên phong cách của người nghệ sĩ phải
hội tụ nhiều yếu tố và đòi hỏi sự sàng lọc của thời gian. Đồng thời, không ít những cây bút
trẻ của văn học mạng đã không ngừng khẳng định mình, nhằm tìm một cách đi riêng, một cá
tính riêng, hướng đến những mục tiêu lâu dài và sự thừa nhận họ cùng các tác phẩm bình
đẳng như các hình thức sáng tác văn học khác.
Xoay quanh vấn đề gọi tên những người sáng tác văn học mạng, nhìn chung có hai luồng
quan điểm: quan điểm không thừa nhận những tác giả văn học mạng là nhà văn và quan
điểm ngược lại.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, những người sáng tác các tác phẩm văn học mạng không
được gọi là nhà văn. Theo quan điểm này, nhà văn phải là những người sáng tác chuyên
nghiệp, phải là hội viên của Hội Nhà văn hoặc là hội viên của Liên hiệp các Hội văn học và
nghệ thuật của một địa phương nào đó như ở nước ta hiện nay. Đồng thời, những “yếu tố”
hội tụ để làm nên danh xưng “nhà văn” không chỉ có vậy mà bao gồm các yếu tố về mặt định
tính như: bút pháp, phong cách,… và đặc biệt được độc giả, công chúng thừa nhận những
giá trị thẩm mỹ, nhân văn của tác phẩm, đồng thời, tác phẩm có sức sống lâu bền trong dòng
chảy của lịch sử văn học. Mặt khác, những tác phẩm của các “nhà văn chuyên nghiệp” thông
thường được xuất bản trên văn bản giấy. Như vậy theo quan điểm này, những người sáng tác
văn học trên mạng đều không là hội viên của bất kỳ Hội văn học hay nghệ thuật nào; phần
lớn những người này đều là những cây bút trẻ, chưa được định hình về mặt phong cách. Do
đó, nếu căn cứ và những tiêu chí trên thì họ - những tác giả văn học mạng không được gọi là
nhà văn.

Quan điểm thứ hai cho rằng, những người sáng tác văn học trên mạng được thừa nhận là
nhà văn. Theo quan điểm này thì những người sáng tác văn học với sự đón nhận của độc giả
một cách nhiệt tình và tích cực đều được gọi là nhà văn, bất luận người sáng tác đó có là
thành viên của Hội nào hay không. Như vậy, quan điểm này lấy hai tiêu chí làm thước đo để
“phong” danh hiệu nhà văn là tác phẩm và sự đón nhận của công chúng, trong đó tính tác
động và dư chấn của tác phẩm trong công chúng là tiêu chí quan trọng nhất để hình thành
nên nhà văn. Điều này cũng không phải là không có lý bởi một trong những yếu tố làm nên
“thương hiệu” nhà văn là độc giả và công chúng nghệ thuật.
Từ hai quan điểm trên, xét một cách toàn diện, có thể nhận thấy rằng, không phải bất kỳ
người nào sáng tác, viết văn đều được gọi là nhà văn, mà để được gọi là nhà văn phải hội tụ
những điều kiện nhất định. Một mặt, những sáng tác này phải là những tác phẩm được công
chúng đón nhận một cách nồng nhiệt, tác động tích cực vào ý thức thẩm mỹ, đậm đà tính
nhân văn và có sức dư ba trong đời sống văn học. Thứ hai, những người sáng tác phải có
“phẩm chất của một nghệ sĩ” như không ngừng trau dồi bút lực, thể hiện cá tính sáng tạo để
từ đó hình thành nên phong cách nghệ thuật. Thứ ba, dù muốn hay không thì họ phải được
một tổ chức thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật thừa nhận là hội viên. Những yếu tố này, thiết
nghĩ là những yếu tố cần và đủ để có thể gọi tên những người sáng tác văn học bằng danh
xưng rất đỗi cao quý là nhà văn.
Như vậy, nếu quy chiếu những tiêu chí này đối với đội ngũ những người sáng tác văn học
mạng thì họ chưa đủ để có thể gọi là nhà văn. Mặc dù những tác phẩm của họ khi ra mắt
công chúng đã được đón nhận một cách cuồng nhiệt, có những tác phẩm giàu giá trị nhân
văn nhưng nhìn chung, cho đến nay, cả trong và ngoài nước, những cây bút trẻ vẫn chưa
định hình được một cá tính sáng tạo riêng bởi tác phẩm của họ, nhiều lúc phải xoay theo
chiều của độc giả. Đây là cũng chính là đặc trưng đồng thời cũng là điểm hạn chế của văn
học mạng. Mặt khác, hầu như những người sáng tác văn học trên mạng đều không thuộc hội
viên của một hội văn học nghệ thuật nào. Do đó, cùng với tiêu chí trên và trong tình hình
phê bình, lý luận về văn học mạng chưa đi sâu phân tích một cách bài bản, chúng tôi tạm gọi
đội ngũ sáng tác văn học mạng là tác giả mà không gọi bằng tên nhà văn.
b. Vấn đề tác phẩm văn học mạng cũng có nhiều nội dung được bàn luận thêm, song
trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ phác họa mấy điểm chính như: loại thể, chủ đề,

nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện.
Nhìn khái quát, văn học mạng trong cũng như ngoài nước, chúng tôi nhận thấy, hầu như
các tác giả đều sáng tác với một phương thức là phương thức tự sự, đặc biệt tiểu thuyết
chiếm một số lượng lớn. Trong khi các phương thức trữ tình như thơ (với một số tác giả như:
Tam Lệ, Lê Văn Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh,…) chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn, còn đối với thể
loại kịch dường như vắng bóng. Đặc biệt, ở thể loại phê bình văn học cũng lẻ tẻ và chưa
mạng mẽ. Nhìn chung, phương thức sáng tác và thể loại của văn học mạng còn đơn điệu,
chưa phong phú đa dạng. Sở dĩ thể loại tiểu thuyết phát triển mạnh với số lượng lớn hơn các
thể loại khác theo chúng tôi là bởi: thể loại tiểu thuyết có dung lượng dài với nhiều tình tiết
đan xen hấp dẫn, hiện thực được nói tới trong tác phẩm mới mẻ, thức thời nên dễ cuốn hút
đối với công chúng. Đồng thời, thể loại này cũng tạo ra sự tương tác lớn giữa công chúng và
tác giả, tạo nên một không khí tranh luận khá sôi nổi trong bạn đọc. Mặt khác, đối với tác giả
văn học mạng thì tiểu thuyết có thể kéo dài nhiều chương nên “thỏa sức” tung bút và không
thể không nói đến một khoản lợi nhuận không nhỏ. Trong khi các thể loại khác thảng hoặc ít
có được những đặc tính này. Tuy nhiên, suy cho cùng, từ trước đến nay, tiểu thuyết vẫn luôn
có một lợi thế và có sức hấp dẫn của nó bởi những đặc trưng riêng về thể loại.
Về chủ đề, đề tài của các tác phẩm văn học mạng hiện nay cũng hết sức đa dạng. Điểm
chung nhất dễ nhận thấy là các sáng tác đều tập trung thể hiện những đề tài của cuộc sống
đương thời, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống hiện đại đặc biệt là giới trẻ. Hầu như rất ít các
tác phẩm văn học mạng đi vào khai thác các đề tài về lịch sử hay những chủ đề về cuộc sống
nông thôn, ngoại trừ rất ít các tác giả ở Trung Quốc như: WangChen, Trương Mục Dã,…
Ngoài những những đề tài phản ánh về hiện thực cuộc sống đương thời, đề tài được quan
tâm nhiều nhất vẫn là đề tài về đời sống tình yêu và tình dục trong giới trẻ. Các tác phẩm
như: Chuyện tình NewYork, Nhât ký tình yêu TIO, Bóng đè,… đều tập trung xoay quanh vấn
đề này. Thể loại thơ cũng không nằm ngoài những đề tài quen thuộc này và khá hấp dẫn đối
với công chúng.
Về nững giá trị nội dung, tư tưởng: Dường như mỗi tác phẩm văn học mạng (đa số là tự
sự như: tiểu thuyết, truyện ngắn) là nơi thể hiện những khát vọng về giải phóng cái tôi cá
nhân tuổi trẻ trong một xã hội đầy rẫy bao sự toan lo, tính toán cùng chằng chịt những mối
quan hệ xã hội phức tạp. Đặc biệt, có những tác phẩm văn học được sáng tác theo phương

thức này rất đậm đà tính nhân và tính nhân bản (khát vọng được sống hết mình với con
người thật của mình, được sống đúng như cái bản ngã vốn có của con người, quyền làm
người… trong các tác phẩm nêu trên). Cũng chính lý do này mà các tác phẩm văn học mạng
sau khi in thành sách được công chúng đón nhận nồng nhiệt và được xuất bản với số lượng
khổng lồ mà những nhà văn chuyên nghiệp nào cũng phải ghen tị, nhất là ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn, tiến bộ cũng có không ít các tác phẩm văn
học mạng mang những nội dung còn hạn chế. Những yếu tố sex ở một số tác phẩm ngồn
ngộn, người đọc “bội thực” khi phải “nuốt” những trang văn như vậy và người viết xem sex
như là mục đíc chứ không cò là phương tiện; có những tác phẩm sa vào phản ánh lối sống
thấp hèn mà không nói lên được tiếng nói của cộng đồng, nhân loại,…. Song những sáng tác
ấy nhanh hay chóng đi vào quên lãng và bị người đọc, cư dân mạng chân chính “khai tử” khi
còn “trứng nước”. Điều này cho thấy, ý thức và trình độ thẩm mỹ của người tiếp nhận văn
học ngày càng được nâng cao.
Về phương diện nghệ thuật thể hiện: Nhìn chung bên cạnh những tác giả không ngừng
chăm chút ngòi bút của mình để phục vụ độc giả vì mục đích nghệ thuật và để khảng định
mình trong công chúng cũng như trên văn đàn. Tuy nhiên, cũng không ít các tác giả văn học
mạng vì những mục đích mưu lợi hay muốn “nổi tiếng” hoặc nhằm đáp ứng thị hiếu thấp
hèn của một bộ phận độc giả đã không chú ý “mài ngón tay” của mình để chuốt những trang
văn của mình mà có sự dễ dãi về mặt nghê thuật như: kết cấu lỏng lẻo, tình tiết rời rạc, sa
quá đà vào những tình tiết gây tính tò mò, kích thích,…
Điểm khác biệt của nhiều tác phẩm văn học mạng và văn học truyền thống là hầu như các
sáng tác về thể loại thơ, ngoài phần văn bản đơn thuần bằng chữ thì còn có những bài thơ
bằng hình ảnh, vừa tác động vào thị giác vừa kích thích trí tưởng tượng công chúng. Đây là
kết quả của kỹ thuật công nghệ thông tin dem lại và là một đặc trưng của tác phẩm văn học
mạng.
Tóm lại, về phương diện tác giả và tác phẩm văn học mạng đang là những vấn đề còn bỏ
ngỏ chưa được bàn bạc sâu sắc và chưa đi đến thống nhất. Đặc biệt, tác phẩm văn học mạng
với một số lượng khổng lồ, ngày một ồ ạt song những tác phẩm thực sự có chất lượng vẫn
còn khiêm nhường. Điều này đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của các tác giả nhằm đáp
ứng nhu cầu ngày càng lớn của công chúng và bạn đọc.

3. Tiếp nhận văn học mạng trong bối cảnh văn hoá, văn học hiện nay
Quá trình sáng tạo nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tiếp nhận đóng một
vai trò không kém phần quan trọng và tạo nên chỉnh thể của quá trình này. Tiếp nhận văn
học không đơn giản chỉ là sự đón nhận bằng thị giác mà còn đòi hỏi sự huy động của nhân
cách con người (cảm giác, tri giác, tưởng tượng, thị hiếu,…). Chính vì vậy, tác phẩm văn
học có được thừa nhận là một tác phẩm văn học hay không điều đó phụ thuộc nhiều vào
chính bạn đọc - công chúng.
Đối với bộ phận văn học mạng, nhìn chung về đối tượng tiếp nhận chủ yếu là giới trẻ, đặc
biệt là tầng lớp trẻ tuổi sống ở thành thị, nơi mà mạng Internet mang tính phổ biến hơn. Như
vậy, về phạm vi không gian thực tế của đối tượng tiếp nhận các sáng tác này không rộng như
những tác phẩm văn học được in thành sách truyền thống. Tuy nhiên, khi xuất bản các thành
sách các tác phẩm văn học mạng lại được công chúng đón nhận một cách nhiệt thành và số
lượng sách xuất bản khá lớn.
Từ góc nhìn động cơ tiếp nhận văn học mạng có thể nhận thấy rằng: Có những tầng lớp
công chúng, cư dân mạng khi tiếp cận các tác phẩm văn học mạng chỉ với mục đích giả trí
hay tò mò là chính yếu song cũng không ít những người tìm hiểu các tác phẩm này như là sự
tiếp thu những giá trị thẩm mĩ đích thực trên cơ sở sàng lọc những gì tinh túy nhất. Bên cạnh
những công chúng dễ dãi và dễ dàng chấp nhận một số tác phẩm văn học mạng nhằm thỏa
mãn thị hiếu và sở thích cá nhân của mình thì cũng có những độc giả rất “khó tính” bởi
những tác phẩm chỉ có “phần nổi” mà không có “phần chìm”, nông cạn thì nhanh chóng bị
tẩy chay. Chính điều này dẫn đến sự phân chia thành hai loại hình độc giả trên cơ sở về thị
hiếu và tính mục đích là nhóm độc giả có trình độ thẩm mỹ cao và ngược lại. Đây cũng là
hai loại hình công chúng từ xưa đến nay khi tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Có một thực tế là công chúng văn học mạng nói chung, nhất là ở nước ta hiện nay chưa
có sự sàng lọc khi tiếp nhận các tác phẩm. Với họ, mục đích trước hết là nhằm thỏa mãn nhu
cầu “thiếu thốn” tình cảm, sự sẻ chia, bởi ở văn học mạng diễn là sự tương tác lớn giữa công
chúng và tác giả, giữa những người đọc với nhau. Như vậy, giải trí là mục đích trước nhất và
có thể nói là chức năng đầu tiên đối với cư dân mạng khi tiếp nhận các tác phẩm văn học
này.
Xuất phát từ thực trạng tiếp nhận văn học mạng, nhất là trong bối cảnh văn hóa, văn học

hiện nay, trên quan điểm của lý luận về tiếp nhận văn học, chúng tôi đưa ra một số định
hướng để công chúng, cư dân mạng có một “tâm thế thẩm mĩ” khi tiếp nhận các tác phẩm
văn học mạng như sau:
3.1. Tính khách quan trong khi tiếp nhận
Tiếp nhận văn học là một hoạt động mang tính khách quan bởi văn học phản ánh hiện
thực xã hội vốn dĩ đã mang tính khách quan. Những tác phẩm văn học mạng cũng mang
trong mình những màu sắc đa diện của hiện thực cuộc sống dù cuộc sống thực hay ảo nhưng
vẫn là cuộc sống được nối kết bởi cuộc sống này. Chính điều này đã đặt ra yêu cầu về tính
dân chủ, khách quan của quá trình tiếp nhận các tác phẩm văn học mạng.
Đặc trưng của văn học mạng là tác giả sáng tác có một tầng lớp công chúng, bạn đọc
“ruột” của mình do đó những tầng lớp này khi tham gia vào diễn đàn để bình luận vì tác giả
“ruột” của mình nên có thể công kích, khích bác thậm chí có những lời lẽ “chì chiết” rất
“văn học” (thực sự không mang tính “chợ búa” như ở một số diễn đàn) đối với các tác giả và
tác phẩm văn học mạng khác. Điều này cho thấy, vì những thị hiếu mang tính cá nhân và vì
mục đích bảo vệ “thần tượng” tác giả của mình mà họ - những cư dân mạng đã có cách tiếp
nhận không đúng đắn. Do đó, đứng trước ngổn ngang những tác phẩm văn học, công chúng
thực sự phải “công tâm” và khách quan hơn, không nhất thiết hễ là “thần tượng” của mình
mới cho là toàn bích, là hay, là đúng đắn mà “bài xích” những tác giả và tác phẩm khác. Số
phận của tác phẩm văn học nói chung và văn học mạng nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào
người đọc, vì vậy, với tư cách tiếp nhận, công chúng nghệ thuật cần phải có một thái độ
khách quan, để lựa chọn, tinh lọc những tác giả và tác phẩm thực sự là tác phẩm văn học.
Mặt khác, cùng một tác giả với nhiều sáng tác khác nhau, có thể tác phẩm ra đời trước
hay hơn tác phẩm sau và ngược lại nhưng không vì lý do cá nhân mà đều khen hay chê các
tác phẩm đó mà phải có cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Không phải tác phẩm nào của cùng một
tác giả đều mang lại những giá trị nghệ thuật ngang nhau mà có những điều hay lẽ dở khác
nhau. Vì vậy, người đọc cần “tỉnh táo” và sắc sảo trong khi tiếp nhận hay phê bình.
Tính khách quan là một trong những yêu cầu thứ nhất của quá trình tiếp nhận văn học.
Khi tiếp cận một tác phẩm văn học mạng nào, công chúng đều phải vượt qua sở thích và
hứng thú cá nhân, tuyệt nhiên phải lấy cái khách quan làm chuẩn mực cho sự tiếp nhận.


3.2. Tiếp nhận văn học mang bản chất xã hội
Lưu Hiệp từng nhận thấy rằng: “Người khảng khái nghe điệu hiên ngang liền gõ nhịp,
người kín đáo thấy văn hàm súc liền đi theo, kẻ sáng ý thấy văn đẹp thì động long, kẻ
chuộng lạ thấy chuyện khác thì mê đắm” [Dẫn theo 8, tr.226]. Nếu theo ý kiến này thì tiếp
nhận văn học nghệ thuật mang tính cá nhân. Tuy nhiên, về bản chất, tiếp nhận văn học mang
bản chất xã hội và gắn chặt với cuộc sống thực tế.
Khi tiếp nhận tác phẩm văn học mạng, có những công chúng đón nhận bằng những cảm
quan cá nhân, nhận thấy trong tác phẩm bóng dáng của bản thân mình nên có thể đem lòng
ái mộ và từ đó “tung hê” tác phẩm. Hoặc ngược lại, trong tác phẩm có những tình tiết gây
“sock” nhưng xem xét chưa toàn diện đã vội vàng quy kết; tất cả những điều này sẽ ảnh
hưởng rất lớn đến những đứa con tinh thần của tác giả. Do vậy, người tiếp nhận văn học phải
đứng từ góc độ của những chuẩn mực đạo đức xã hội cùng những quan điểm thẩm mĩ tiến
bộ, mà ở nước ta quan điểm mĩ học Mác-xít là cội rễ để đánh giá, nhìn nhận những điểm tích
cực và hạn chế mà không quy chụp vội vã những nội dung của tác phẩm.
Sức vang vọng của tác phẩm văn học mạng không chỉ do chính bản thân người thai
nghén ra nó mà còn phụ thuộc rất lớn vào độ tinh nhạy mĩ cảm của người tiếp nhận, trong đó
đứng trên quan điểm xã hội động - lịch sử đóng vai trò là khai sinh hay khai tử cho tác phẩm.
3.3. Vấn đề “đồng sáng tạo” và “tầm đón nhận” của công chúng
Cần phải khẳng định rằng, không có một kiểu hình sáng tạo nghệ thuật nào như văn học
mạng tính tương tác diễn ra đồng thời và mạnh mẽ, ngay cả khi tác phẩm chưa hoàn chỉnh.
Chính vì vậy, yếu tố “đồng sáng tạo” của người tiếp nhận ở kiểu hình sáng tác văn học này
rất dễ nhận thấy.
Khi tác phẩm chưa hoàn chỉnh, mới cho ra mắt công chúng từng phần (nhất là thể loại
tiếu thuyết) trên mạng đã diễn ra sự tương tác lớn. Ở đó, bạn đọc có quyền khen - chê với
những lý lẽ của mình, đồng thời đưa ra những định hướng cho phần tiếp theo của tác phẩm
như: số phận của các nhân vật; cách xử lý các tình huống, sự việc; cách kết thúc tác phẩm,…
Và trên cơ sở đó tác giả có thể “chiều lòng” hay không chấp nhận những định hướng mà
người đọc đề xuất để viết tiếp những trang còn lại của tác phẩm. Ở điểm này đòi hỏi bản
lĩnh, cá tính sáng tạo cũng như trình độ thẩm mỹ của tác giả bởi những định hướng này bao
gồm nhiều ý kiến trái chiều: có những định hướng tiến bộ, tích cực vì mục đích nghệ thuật

song cũng không ít những định hướng hạn chế tiêu cực nhằm thỏa mãn nhu cầu thấp kém,
tầm thường của một bộ phận công chúng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng so với văn học
truyền thống thì yếu tố “đồng sáng tạo” của văn học mạng là rất lớn và nhanh chóng nhờ sự
phụ trợ của công nghệ truyền thông.
Điểm quan trọng trong tiếp nhận văn học là vấn đề “tầm đón nhận” của công chúng. Tầm
đón nhận được hiểu là: “một tập hợp các quy chuẩn thẩm mĩ có thể tái lập được của một
công chúng văn học xác định, nó có thể và cần phải điều chỉnh được về mặt xã hội học tùy
theo những khuynh hướng đặc thù của các tập đoàn, tầng lớp hoặc giai cấp khác nhau và có
thể đối chiếu được với những quyền lợi và nhu cầu của tình trạng lịch sử và kinh tế chi phối
chúng” [Dẫn theo 2, tr.145]. Theo đó, tầm đón nhận được hình thành trong quá trình giao tế
các giá trị nghệ thuật đồng thời với sự trưởng thành về mặt văn hóa. Sự khác nhau và chênh
lệch về tầm đón nhận với những chuẩn mực nghệ thuật ở một trình độ cao hơn do những tác
phẩm văn học mới đưa lại, nhất là những tác phẩm văn học mạng đã tạo ra một hệ quả là
“khoảng cách thẩm mĩ”.
Trong bối cảnh văn hóa, văn học hiện nay, khi tầm đón nhận, tầm văn hóa của công
chúng ngày càng được nâng cao, dường như đi song song, đòng thời thậm chí đi trước so với
tác giả đòi hỏi sự phấn đấu, học tập không mệt mỏi của người sáng tác. Mặt khác, xã hội
đương đại đang diễn ra sự cọ xát của những giá trị chuẩn mực thẩm mĩ truyền thống với
những giá trị nghệ thuật mới khiến không ngừng giáo dục để nâng cao tầm đón nhận của độc
giả. Việc nâng cao thị hiếu thẩm mĩ của công chúng chính là phương thức hữu hiệu để nâng
cao trình độ sáng tạo của văn học nói riêng và văn học mạng nói chung để từ đó họ có thể
hấp thu những giá trị nghệ thuật chân chính và biết “miễn dịch”, loại trừ những thứ rác rưởi
trong biển trời thông tin số.
Khi nhiều nội dung của văn học mạng chưa được định hình, thống nhất, còn nhiều tranh
luận nhưng với sự phát triển và cho ra đời ngày càng nhiều tác phẩm thuộc kiểu sáng tác
này, thì những vấn đề mà chúng tôi đưa ra có tính chất định hướng cho công chúng, cư dân
mạng khi tiếp nhận mà thôi. Còn vấn đề quan trọng và chủ yếu nhất vẫn là ở trình độ và ý
thức thẩm mỹ của người đọc.
4. Kết luận
Nếu văn học mạng Trung Quốc manh nha từ thập niên 90 với tiểu thuyết Lần đầu tiếp

xúc thân mật của Thái Trí Hằng (Đài Loan) và văn học mạng trở thành một bộ phận của văn
học Trung Quốc, được thừa nhận như những sáng tác văn học truyền thống thì ở Việt Nam,
văn học mạng mới chỉ xuất hiện đầu những năm 2000 và nhanh chóng phát triển. Có ý kiến
cho rằng: “Văn học mạng Việt nam chưa có gì để ầm ĩ”. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng, đã
đến lúc phải có cái nhìn một cách thấu đáo về mảng sáng tác này ở nước ta. Văn học mạng
thực sự đã tạo nên một “không khí” trong đời sống văn hóa tinh thần của công chúng nhất là
trong bối cảnh hiện nay.
Với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế kéo theo sự “nhộn nhịp” của đời sống văn hóa tinh
thần, đứng trước không biết bao sự lựa chọn những giá trị đó đòi hỏi công chúng phải thực
sự “tỉnh táo” có một thái độ và ý thức thẩm mĩ phù hợp với những chuẩn trị của mĩ học để
tiếp nhận những giá trị văn hóa có sự sàng lọc. Đối với văn học mạng cũng không nằm ngoài
quy luật thưởng thức đó.
Trong bối cảnh văn hóa, văn học hiện nay khi công nghệ số ồ ạt đã tạo ra một không
gian văn hóa đặc biệt cùng với sự hỗn dung của nhiều yếu tố tích cực - tiêu cực, trắng - đen,
vàng - thau thì việc tiếp nhận những giá trị của các tác phẩm văn học mạng trong cũng như
ngoài nước đối với công chúng, bạn đọc Việt Nam sẽ là một sự thách thức giữa thị hiếu thẩm
mĩ (gồm cả sở thích cá nhân) và những chuẩn mực, giá trị thẩm mĩ phù hợp với tính nhân
văn, thuần phong mĩ tục của dân tộc. Do đó, công chúng, cư dân mạng phải thực sự là những
người “đồng sáng tạo” và không ngừng trau dồi thái độ, ý thức thẩm mĩ trong việc tiếp nhận
các tác phẩm văn học mạng.
Những gì mà chúng tôi đã trình bày chỉ mới là cái nhìn khái quát, có tính chất chung,
còn những vấn đề của bộ phận văn học này còn nhiều điều được mở rộng bàn bạc thêm và
đòi hỏi phải có những hội thảo khoa học thực sự. Văn học mạng Việt Nam có được thừa
nhận là một bộ phận của văn học như ở Trung Quốc và một số nước khác hay không ?
Những giá trị của loại hình sáng tác này được đánh giá như thế nào ? Tất cả đều phải được
bàn bạc và đi đến kết luận thống nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đời sống tinh
thần của nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Xuân Dũng (2004), Văn học, văn hoá-tiếp nhận và suy nghĩ, Nxb Từ điển Bách khoa.

2. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học, vấn và suy nghĩ, Nxb Giáo dục.
3. Đỗ Đức Hiểu (1994), Đổi mới phê bình văn học, Nxb KHXH, Hà Nội.
4. Khrapchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb KHXH.
5. Khrapchenko (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, Nxb KHXH, Hà Nội.
6. K. Marx, F. Engels, V. Lênin (1977), Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật.
7. Phong Lê (1990), Văn học và hiện thực, Nxb KHXH, Hà Nội.
8. Phương Lựu (2004), Lý luận phê bình văn học, Nxb Đà Nẵng.
9. Lênin (1977), Bàn về văn hoá văn học, Nxb Văn học.
10. M. Arnaudov (1978), Tâm lý học sáng tạo văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Nhiều tác giả (1990), Các vấn đề của Khoa học Văn học, Nxb KHXH, Hà Nội.
12. Trần Đình Sử (2001), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội.
13. Trung tâm KHXH và NV Quốc gia, Viện KHXH tại TP HCM (1999), Những vấn đề văn hoá,
văn học và ngôn ngữ học, Nxb KHXH.
14. Nhã Thuyên (2008), “Văn học mạng Việt Nam”, những từ khoá lá mặt lá trái”, Tạp chí Văn hoá
nghệ thuật, số 287.
15. Hoàng Trinh (1978), Văn học, cuộc sống, nhà văn, Nxb KHXH, Hà Nội.

×