Tải bản đầy đủ (.pdf) (129 trang)

Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.02 MB, 129 trang )


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ





NGUYỄN HỒNG HẢI







KẾ THỪA GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG
CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG
VĂN HÓA CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY







LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC









HÀ NỘI - 2012

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ





NGUYỄN HỒNG HẢI





KẾ THỪA GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG
CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG
VĂN HÓA CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY





LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC



Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 80



Người hướng dẫn khoa học: TS. TRỊNH QUANG CẢNH






HÀ NỘI - 2012



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của
TS. Trịnh Quang Cảnh.
Các số liệu, tài liệu tham khảo trong luận văn
đều trung thực và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2012
Tác giả luận văn



Nguyễn Hồng Hải













MỤC LỤC

MỞ ĐẦU
1
Chương 1.
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ
TÍNH TẤT YẾU CỦA VIỆC KẾ THỪA CHÚNG TRONG XÂY DỰNG
LỐI SỐNG VĂN HÓA CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
9
1.1. Một số khái niệm cơ bản 9
1.1.1. Quan niệm về giá trị, giá trị đạo đức và giá trị đạo đức truyền thống 9
1.1.2. Quan niệm về lối sống, lối sống văn hóa 16
1.2. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và tầm quan trọng của
việc xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta 25
1.2.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam 25
1.2.2. Tầm quan trọng và những yêu cầu cơ bản trong xây dựng lối sống
văn hóa cho phụ nữ 30
1.3. Tính tất yếu của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ
Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ 43

1.3.1. Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam là quy luật
khách quan trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ 43
1.3.2. Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây
dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ hiện nay là đòi hỏi cấp thiết của
thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa 42
Chương 2.
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC KẾ THỪA
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM NHẰM
XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN HÓA CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN
NAY
49
2.1. Thực trạng việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
nhằm xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ 49
2.1.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc kế thừa giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho
phụ nữ 49
2.1.2. Thực trạng của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ
nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ 58

2.2. Những hạn chế và yêu cầu đặt ra đối với việc kế thừa giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho
phụ nữ 74
2.2.1. Những hạn chế 74
2.2.2. Yêu cầu đặt ra đối với việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của
người phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ 81
Chương 3.
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM KẾ THỪA GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC
TRUYỀN THỐNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÂY DỰNG LỐI
SỐNG VĂN HÓA CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

89
3.1. Định hướng 89
3.1.1. Xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ trên cơ sở kế thừa những giá
trị truyền thống đạo đức của phụ nữ là một bộ phận thống nhất trong
sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước trên các mặt chính trị,
kinh tế, văn hóa, xã hội 89
3.1.2. Bảo đảm sự thống nhất giữa kế thừa và phát huy giá trị đạo đức
truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa
cho phụ nữ nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước 90
3.2. Những giải pháp chủ yếu 92
3.2.1. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và tăng cường giáo dục ý
thức pháp luật nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho
phụ nữ 92
3.2.2. Phát huy vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp và Ủy ban Quốc
gia vì sự tiến bộ phụ nữ trong việc thực hiện chiến lược quốc gia “Vì
sự tiến bộ và phụ nữ” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước 99
3.2.3. Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam gắn với
việc tiếp thu những tinh hoa giá trị đạo đức của nhân loại nhằm xây
dựng lối sống cho phụ nữ theo hướng văn minh, hiện đại 101
3.2.4. Nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc tự giáo dục nhằm nâng
cao hiểu biết về các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ trong
xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ hiện nay 103

3.2.5. Đổi mới cơ chế chính sách đối với phụ nữ, tạo điều kiện để họ hoàn
thành tốt vai trò, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội 107
3.2.6. Xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy
mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với việc
nâng cao trình độ về mọi mặt cho người phụ nữ trong xã hội 111

KẾT LUẬN
114
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
116

DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 2.1: Xu hướng nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm 51
Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ Khóa I - XIII 69
Bảng 2.1: Nguyện vọng phải có con trai - theo trình độ học vấn 58
Bảng 2.2: Phương án lựa chọn sau kết hôn 65
Bảng 2.3: Tỷ lệ phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp 69
Bảng 2.4: Người đóng góp nhiều công sức nhất cho gia đình theo vùng
điều tra 72


BẢNG QUY ƯỚC CHỮ VIẾT TẮT


CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
CNTB : Chủ nghĩa tư bản
CNXH : Chủ nghĩa xã hội
KHCN : Khoa học công nghệ
KHXH : Khoa học xã hội
KTTT : Kinh tế thị trường
LHPN : Liên Hiệp phụ nữ
XHCN : Xã hội chủ nghĩa

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn
thể hiện rõ nhiều phẩm chất truyền thống tốt đẹp. Với thiên chức làm vợ, làm
mẹ, đồng thời thực hiện vai trò “kép” trong gia đình và xã hội, phụ nữ Việt Nam
đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức
tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng đó đã
dần kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ nước ta, đó
là: lòng yêu nước, anh hùng, bất khuất, đảm đang, trung hậu, yêu thương chồng
con, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc. Tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất,
trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta trao tặng phụ nữ Việt
Nam chính là sự đúc kết một cách sâu sắc truyền thống vẻ vang và phẩm giá cao
đẹp đó.
Qua hơn hai mươi năm đổi mới, đặc biệt sự nghiệp CNH, HĐH đã tạo
điều kiện thuận lợi và cơ hội để phụ nữ nước ta phát huy khả năng và những
phẩm chất tốt đẹp được xây đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những tác động
của mặt trái nền KTTT cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ mở cửa,
hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã, đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ
nữ. Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện
nay, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Về công tác
phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã chỉ rõ: “Phụ nữ gặp nhiều khó
khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con
người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất
đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực
dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ” 5.
Thực tế hiện nay cho thấy, một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức
của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một, quan niệm của một bộ phận phụ nữ về
các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối
sống. Nhận thức của một bộ phận người dân cũng như ở phụ nữ về vai trò, chức

năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây

dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ, một số chị em chạy theo lối
sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, thiếu tính nhân ái, sự thủy chung. Trước tình hình
trên, Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI
đã nghiêm túc đánh giá: “Trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa
các vùng miền, mặt trái của KTTT và hội nhập kinh tế quốc tế; diễn biến phức
tạp của các tệ nạn xã hội, tội phạm, bạo lực gia đình… đã tác động trực tiếp đến
đời sống, lối sống của một bộ phận phụ nữ…” 38.
Những tồn tại nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do
nhận thức của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, thiếu thông tin; chưa chú trọng
việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức; chưa có ý thức giữ gìn, phát huy
các phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp của phụ nữ, của dân tộc. Bên cạnh đó, tình
trạng thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn, các vấn đề xã hội nảy sinh
chậm được giải quyết, sự bùng nổ thông tin với nhiều loại thông tin ngoài luồng
khó kiểm soát, sự du nhập văn hóa nước ngoài với lối sống đề cao sự hưởng thụ
đang tác động vào các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ.
Thực tiễn đã chứng minh khi xã hội ngày càng phát triển thì con người
càng cần thiết phải am hiểu sâu sắc và khai thác triệt để các giá trị truyền thống
dân tộc mình. Bởi lẽ, sức sống của mỗi dân tộc bao giờ cũng bắt nguồn từ những
yếu tố nội lực. Điều đó đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn vấn đề kế thừa và phát
huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói chung và của người phụ nữ
Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho việc xây dựng chuẩn mực về lối sống phù
hợp yêu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng chính là một nội dung quan trọng
trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc
dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng. Vì vậy, việc làm rõ vấn
đề “Kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng
lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta hiện nay” là việc làm cần thiết, cấp bách,
có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nói


chung, giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ nói riêng và việc xây dựng lối
sống là vấn đề được nhiều tác giả, nhiều nhà khoa học ở trong và ngoài nước
quan tâm, nghiên cứu ở những mức độ khác nhau.
Xung quanh vấn đề giá trị đạo đức truyền thống dân tộc và việc kế thừa
chúng có thể kể đến các công trình sau: "Giá trị tinh thần truyền thống của dân
tộc Việt Nam" của GS. Trần Văn Giàu, Nxb Khoa học xã hội, 1980; "Đến hiện đại
từ truyền thống" của GS. Trần Đình Hượu, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996;“Các giá
trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay” do GS. Phan Huy Lê - Vũ Minh
Giang làm chủ nhiệm (Chương trình KHCN cấp Nhà nước đề tài KX.07-02, gồm
2 tập xuất bản năm 1994 và 1996); "Vấn đề khai thác các giá trị truyền thống vì
mục tiêu phát triển" của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Tạp chí Triết học, số
2/1998… Các công trình trên tập trung vào những nội dung chủ yếu là truyền
thống và đạo đức truyền thống của dân tộc, về vai trò của chúng trong lịch sử vẻ
vang của dân tộc ta và nhấn mạnh vai trò của truyền thống hiện nay, khi đất nước
ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Năm 2001, Viện Triết học của Việt Nam và Hội đồng nghiên cứu triết học
và giá trị của Mỹ phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giá trị truyền thống và
những thách thức của toàn cầu hóa” tại Việt Nam. Các bài tham luận của các
nhà khoa học trong và ngoài nước xoay quanh vấn đề quan trọng đó là: Làm thế
nào để vừa giữ được giá trị dân tộc, vừa loại bỏ được những truyền thống đã trở
nên lỗi thời, lạc hậu và tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm
phát huy giá trị dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Luận án Tiến sĩ Triết
học của NCS. Nguyễn Văn Lý với đề tài: “Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo
đức truyền thống trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
hiện nay” cũng đi theo hướng đó.
Giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ là một bộ phận của giá trị đạo đức
truyền thống dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu về truyền thống đạo đức của phụ nữ,
GS. Trần Quốc Vượng đã có công trình nghiên cứu “Truyền thống phụ nữ Việt
Nam” do Nxb. Văn hóa dân tộc phát hành năm 2000. Ngoài ra còn có nhiều bài
báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu, một số đề tài, luận án tiến sĩ và luận văn


thạc sĩ đã nghiên cứu vấn đề kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của
dân tộc nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng, trong đó phải kể đến: "Phụ
nữ Việt Nam qua các thời đại" của Lê Thị Nhâm Tuyết - Ủy ban Khoa học Xã
hội Việt Nam - Viện Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973; "Ba cuộc
cách mạng với vấn đề giải phóng phụ nữ" của Dương Thoa, Nxb Phụ nữ, Hà
Nội, 1976; "Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam" của Dương Thoa, Nxb
Phụ nữ, 1982; "Việc làm và đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt
Nam" của GS. Lê Thi, Nxb Khoa học Xã hội; "Phụ nữ tham gia lãnh đạo quản
lý", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997; "Làm thế nào để phụ nữ trở thành
chủ thể của quá trình đổi mới đất nước hiện nay" của GS. Lê Thi, Tạp chí Khoa
học về Phụ nữ, số 4/1996; "Về chuẩn mực người phụ nữ mới thời hiện đại" của
GS. Lê Thi, Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, số 3/2004; "Kế thừa và phát huy giá
trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong tình hình hiện nay" của Lê
Thị Minh Hiệp, Luận văn thạc sĩ Triết học, Hà Nội, 2000; "Phát huy giá trị đạo
đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho người phụ nữ
Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Thị Lan, Luận văn thạc sĩ Triết học, Hà Nội,
2001…
Các công trình này đi sâu nghiên cứu vai trò, những giá trị truyền thống
của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, đồng thời nhấn mạnh vị trí, vai
trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và các lĩnh vực hoạt động xã hội
khác nhau.
Ngoài những công trình trên đây, vấn đề lối sống và xây dựng lối sống là
một yêu cầu quan trọng mà thực tiễn nước ta đặt ra. Vì vậy, việc nghiên cứu
chúng được đặt ra khá phong phú, đa dạng. Dưới đây, xin nêu một số tác giả và
công trình nghiên cứu tiêu biểu:
Trong cuốn “Lối sống xã hội chủ nghĩa” của tập thể tác giả Viện Hàn
Lâm khoa học Liên Xô (cũ) đã xem xét những vấn đề cơ bản của lối sống
XHCN, những đặc trưng cơ bản của nó để từ đó xác định các phương hướng chủ
yếu để tiếp tục hoàn thiện lối sống XHCN.

TS. Nguyễn Viết Chức (chủ biên) với cuốn “Xây dựng tư tưởng, đạo đức,

lối sống và đời sống văn hóa ở Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,
HĐH đất nước” do Viện Văn hóa và Nxb. Văn hóa - Thông tin xuất bản, Hà
Nội, 2001 đã đề cập đến tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng tư tưởng,
đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội.
Đề tài nghiên cứu KHXH-04.03: “Xây dựng lối sống, đạo đức và chuẩn
mực giá trị xã hội mới trong điều kiện CNH, HĐH phát triển KTTT theo định
hướng XHCN” do Huỳnh Khái Vinh làm chủ nhiệm (thuộc chương trình khoa
học - công nghệ cấp Nhà nước KHXH-04, Hà Nội, 2000) là đề tài nghiên cứu
khá toàn diện có tính hệ thống những vấn đề lý luận về lối sống, đạo đức và
chuẩn giá trị xã hội, phân tích sự tác động của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã
hội và xu hướng chuyển đổi lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội; từ đó nêu
phương hướng, quan điểm chỉ đạo và giải pháp xây dựng lối sống, đạo đức và
chuẩn mực giá trị xã hội mới trong điều kiện CNH, HĐH, phát triển KTTT theo
định hướng XHCN.
Đề tài nghiên cứu KX.03.07/06-10: “Đặc điểm tư duy và lối sống của con
người Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội
nhập quốc tế” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà làm chủ nhiệm (thuộc chương trình
khoa học công nghệ cấp Nhà nước KH.03/06-10, Hà Nội, 2010), đã tiếp cận và
đi sâu nghiên cứu về đặc điểm tư duy và lối sống truyền thống của con người
Việt Nam cũng như sự biến đổi của các đặc điểm ấy trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, chỉ ra những bất cập của tư duy và lối sống ấy trước yêu cầu đổi mới
của đất nước.
Ngoài ra, còn có các công trình khoa học, luận án, luận văn, bài viết đăng
tải trên các báo, tạp chí khác đề cập đến lối sống, xây dựng lối sống. Một số tác
phẩm tiêu biểu về lối sống của các nhà nghiên cứu Liên Xô (cũ) được dịch ra
tiếng Việt như: Bàn về khái niệm lối sống của tác giả N.I.Be-lô-va, Viện Xã hội
học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội xuất bản, Hà Nội, 1997; Lối sống xã hội chủ
nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982; Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng có nhiều

công trình nghiên cứu về lối sống. Đó là: “Lối sống trong đời sống đô thị hiện
nay” do PGS.TS Lê Như Hoa (Chủ biên), Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội,

1993; “ Vấn đề xây dựng lối sống dân tộc hiện đại ở nước ta hiện nay” của GS.
Đỗ Huy, Tạp chí Triết học, số 6, 1999; “Xây dựng lối sống mới trong điều kiện
hiện nay” của Phan Huy Kỳ, Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, số 7, 1999; “Lối sống
người Việt Nam hiện nay dưới tác động của toàn cầu hóa hiện nay”, Nguyễn
Văn Huyên, Tạp chí Triết học, Số 12, 2003; “Nhận diện một số tác nhân làm
chuyển biến lối sống của người Hà Nội trong nửa thế kỷ qua” của Đỗ Huy, Tạp
chí Xã hội học, số 1, 2005; “Xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay (từ góc độ
văn hóa truyền thống dân tộc)” của Võ Văn Thắng, Nxb. Văn hóa - Thông tin và
Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006; Luận án tiến sĩ triết học của Đặng Quang Thành,
2005 “Xây dựng lối sống có văn hóa của thanh niên thành phố Hồ Chí Minh
trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN”…
Như vậy, trong thời gian qua đã có nhiều các công trình khoa học, bài viết
bàn về vấn đề kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc;
truyền thống phụ nữ; lối sống, xây dựng lối sống… ở những khía cạnh khác
nhau. Tuy nhiên, việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ nước ta giai đoạn hiện nay là hết
sức cần thiết, cấp bách. Vì vậy, cần phải nghiên cứu một cách chuyên sâu và có
hệ thống hơn nữa trong lĩnh vực này.
3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài
* Mục đích của đề tài:
Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn các giá trị đạo đức truyền thống của phụ
nữ Việt Nam. Đồng thời, trên cơ sở phân tích thực trạng của việc kế thừa các giá
trị đạo đức truyền thống phụ nữ trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở
nước ta hiện nay, đưa ra định hướng và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm
phát huy hiệu quả các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam trong xây dựng lối
sống văn hóa cho phụ nữ giai đoạn hiện nay.
* Nhiệm vụ của đề tài:

Để thực hiện mục đích trên luận văn thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, làm rõ các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và
tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của việc phát huy chúng trong xây dựng lối

sống văn hóa cho phụ nữ nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất
nước.
Hai là, phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc kế thừa
các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống
văn hóa cho phụ nữ hiện nay. Qua đó, phân tích, đánh giá nguyên nhân của thực
trạng để rút ra những vấn đề cần giải quyết nhằm thực hiện kế thừa và phát huy
những giá trị đạo đức truyền thống ở phụ nữ trong xây dựng lối sống văn hóa
cho phụ nữ.
Ba là, đưa ra định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm kế thừa và
phát huy hiệu quả các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong
xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận văn
* Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống
của phụ nữ nói chung. Trên cơ sở đó, kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống
của người phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa của người phụ nữ
hiện nay.
* Phạm vi nghiên cứu:
Do điều kiện hình thành của nó, đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam
có những yếu tố tích cực và tiêu cực. Song, luận văn tập trung phân tích những giá
trị đạo đức truyền thống tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam cần được kế thừa.
Luận văn chỉ đi sâu nghiên cứu vấn đề xây dựng lối sống văn hóa cho đối
tượng cụ thể đó là phụ nữ ở nước ta hiện nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm của
Đảng, Nhà nước về con người, đạo đức nhất là về những giá trị đạo đức truyền

thống dân tộc ở phụ nữ cùng việc kế thừa, phát huy nó trong xây dựng lối sống
văn hóa cho phụ nữ ở nước ta hiện nay là cơ sở lý luận trực tiếp của luận văn.
Luận văn sử dụng những phương pháp: lôgíc và lịch sử, đồng thời sử
dụng phương pháp phân tích, tổng hợp; trong đó, những quan điểm cơ bản của

chủ nghĩa Mác-Lênin về kế thừa, phát huy đạo đức là tư tưởng quán xuyến toàn
bộ luận văn này. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng những phương pháp điều tra xã
hội học, những số liệu của Đảng và Nhà nước đã được công bố. Đồng thời, có
tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học, các báo cáo, tổng kết của Trung
ương Hội LHPN Việt Nam… có liên quan đến vấn đề này.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn góp phần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc kế thừa
và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và vai trò của
việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ trong sự nghiệp xây
dựng, phát triển đất nước hiện nay nói chung và quá trình xây dựng lối sống lối
sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta nói riêng.
Luận văn đề xuất một số định hướng, giải pháp cơ bản nhằm kế thừa và
phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng
lối sống văn hóa cho phụ nữ hiện nay.
Luận văn cũng có thể làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng
dạy và học tập về đạo đức truyền thống dân tộc của phụ nữ và việc định hướng
xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước ta.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 3 chương, 7 tiết:
Chương 1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và tính tất
yếu của việc kế thừa chúng trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước
ta hiện nay.
Chương 2. Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc kế thừa giá trị
đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam nhằm xây dựng lối sống văn hóa cho

phụ nữ ở nước ta hiện nay.
Chương 3. Định hướng và giải pháp nhằm kế thừa giá trị đạo đức truyền
thống của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng lối sống văn hóa cho phụ nữ ở nước
ta hiện nay.


Chương 1
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG
CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ TÍNH TẤT YẾU CỦA VIỆC KẾ THỪA
CHÚNG TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN HÓA
CHO PHỤ NỮ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Quan niệm về giá trị, giá trị đạo đức và giá trị đạo đức truyền thống
1.1.1.1. Quan niệm về giá trị và giá trị đạo đức
Giá trị là khái niệm được bàn đến và sử dụng từ rất sớm trong lịch sử tư
tưởng bắt đầu bằng quan niệm lợi ích của các nhà triết học cổ đại như Xôcrat,
Platôn và tiếp tục được phát triển ở thời kỳ Trung cổ và Cận đại. Tuy nhiên, phải
đến đầu thế kỷ XX, giá trị học mới bắt đầu hình thành như một khoa học riêng
và giá trị trở thành một khái niệm trung tâm của giá trị học được sử dụng nhiều
trong các ngành khác nhau như: kinh tế học, xã hội học, tâm lý học… với nhiều
nghĩa rộng, hẹp khác nhau tùy theo mục đích nghiên cứu của từng ngành.
Xung quanh khái niệm giá trị, có nhiều cách tiếp cận, nhiều cách định
nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung các ý kiến đều cho rằng:
- Giá trị là ý nghĩa của những hiện tượng vật chất hay tinh thần có khả
năng thỏa mãn nhu cầu tích cực của con người, là những thành tựu góp phần vào
sự phát triển xã hội, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của con người.
- Giá trị vừa mang tính khách quan vừa mang tính lịch sử - xã hội. Sự xuất
hiện hay mất đi của giá trị không phụ thuộc vào ý thức của con người (chủ thể) mà
nó do yêu cầu của thực tiễn, của từng thời đại lịch sử trong đó con người sống và

hoạt động. Có thể nói, giá trị là một phạm trù mang bản chất người, nó được xác
định trong mối quan hệ thực tiễn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được
thực tiễn kiểm nghiệm. Chỉ có trong xã hội loài người, sự vật mới có giá trị.
- Giá trị đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó là cơ sở,
chuẩn mực để con người dựa vào lựa chọn cách thức suy nghĩ, xác định mục đích
và phương hướng cho hoạt động của mình phù hợp với cái chung của xã hội.

Vì vậy, chúng tôi đồng tình với định nghĩa sau: hiểu một cách chung nhất
“nói đến giá trị là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là bao
hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói
đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới" [6, tr.16].
Trong việc nghiên cứu giá trị, tùy theo nhận thức, nguyên tắc và mục đích
tiếp cận khác nhau, người ta có thể có nhiều cách phân loại giá trị. Ở cấp độ
chung nhất, giá trị được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị vật
chất được thể hiện rõ trong đời sống kinh tế, còn giá trị tinh thần được biểu hiện
trên các lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, phong tục, tập quán…
Giá trị tinh thần được phân chia thành các loại giá trị cơ bản như: giá trị khoa
học, giá trị đạo đức, giá trị chính trị, giá trị thẩm mỹ…
Với tư cách là một yếu tố cấu thành hệ thống các giá trị tinh thần của đời
sống xã hội, giá trị đạo đức gắn với nhu cầu điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và
xã hội theo hướng tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích
xã hội. Trong cuốn Lao động - nguồn vô tận của mọi giá trị, GS. Vũ Khiêu đã
nhấn mạnh: “Giá trị đạo đức là những thái độ và hành vi được con người lựa
chọn, được đánh giá là có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương
tâm đồng tình và dư luận biểu dương. Giá trị đạo đức vì thế có ý nghĩa thiết yếu
đối với đời sống xã hội” [43, tr.51].
Bản thân giá trị đạo đức, xét về mặt thời gian (lịch đại) có thể chia thành
giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức hiện đại. Mỗi dân tộc đều có
truyền thống của mình do lịch sử tạo nên. Truyền thống là sản phẩm của quá
trình phát triển của mỗi dân tộc. Nó là điều kiện để duy trì và phát triển cuộc

sống. Đó là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời
kỳ lịch sử, có nhiều tác dụng, có thể tích cực cũng có thể tiêu cực.
Giá trị đạo đức là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài, phức tạp của
lịch sử dân tộc và nó phải được hiểu đây là những giá trị đạo đức tốt đẹp thể
hiện trong những chuẩn mực đạo đức phổ biến, có tác động tích cực tới cộng
đồng, điều chỉnh hành vi cá nhân cũng như mọi mối quan hệ trong xã hội, được
đông đảo thừa nhận, mang tính ổn định tương đối và ăn sâu vào tâm lý, tập quán

xã hội từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác của dân tộc. Tóm lại, giá trị đạo đức của
một dân tộc là những phẩm chất đạo đức đặc thù nhất, bản chất nhất, đặc trưng
cho cốt lõi văn hóa, tinh thần của dân tộc, góp phần cơ bản làm nên cốt cách, lối
sống của những con người trong cộng đồng dân tộc đó.
1.1.1.2. Quan niệm về giá trị đạo đức truyền thống
Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận trong hệ giá trị tinh thần của
dân tộc Việt Nam, nó là một dòng chảy liên tục nảy sinh, phát triển trong suốt tiến
trình dựng nước, giữ nước của cha ông ta và được tích lũy, lưu truyền, chắt lọc,
chuyển giao, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác. Các
giá trị đạo đức truyền thống là kết quả của các mối quan hệ giữa người với người,
của những điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định. Mỗi giá trị đều góp phần vào
việc tạo nên nét riêng biệt của con người Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Trong suốt
mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thử
thách, hy sinh để đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đất nước Việt
Nam không chỉ là nơi ở, nơi sinh sống mà còn là thành quả kết tinh từ mồ hôi
nước mắt, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Nó thăng hoa trong
tâm thức người Việt Nam thành Tổ quốc thiêng liêng, thành quê hương yêu dấu.
Những điều kiện lịch sử - xã hội ấy là cơ sở cho sự hình thành và phát triển các
giá trị đạo đức truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Lòng yêu quê hương, đất
nước của con người Việt Nam được bắt nguồn từ đó; tinh thần cố kết cộng đồng,
lối sống tình nghĩa của dân tộc Việt Nam cũng bắt xuất phát từ đây. Đó là những
giá trị đạo đức truyền thống bền vững, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nó luôn

luôn được bồi đắp thêm bởi những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhất là khi có
sự du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Giá trị đạo đức truyền thống là cái tồn tại mãi mãi và song hành cùng với
dân tộc sau tất cả những gì đã mất đi trong quá trình vận động.
Với ý nghĩa đó, việc nghiên cứu để xác định các giá trị đạo đức truyền
thống dân tộc đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài
nước. Theo GS. Trần Văn Giàu, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt
Nam bao gồm: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người,

vì nghĩa” [25, tr.108]. Giáo sư Vũ Khiêu thì cho rằng, giá trị đạo đức truyền
thống cao đẹp của dân tộc ta bao gồm: “lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết,
lao động cần cù và sáng tạo; tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng
con người, trong đó yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo
đức của dân tộc” 42, tr.74. GS. Nguyễn Hồng Phong lại đưa ra quan niệm
“tính cách dân tộc gần như là tất cả nội dung của giá trị đạo đức truyền thống,
bao gồm: tính tập thể - cộng đồng; trọng đạo đức; cần kiệm, giản dị, thực tiễn;
tinh thần yêu nước bất khuất và lòng yêu chuộng hòa bình, nhân đạo; lạc quan”
[68, tr.453-454].
Kết quả nghiên cứu của Chương trình Khoa học công nghệ cấp Nhà nước:
"Con người Việt Nam - và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội" (KX-07)
cũng khẳng định: cốt lõi của các giá trị truyền thống là đạo đức, phẩm chất, nhân
cách con người Việt Nam bao gồm: tinh thần yêu nước, vì nghĩa, lòng thương
người [67, tr.32-34].
Ngoài ra, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng được đề cập đến trong
một số văn kiện của Đảng. Nghị quyết 09 ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị “Về
một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” đã khẳng định:
"Những giá trị văn hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu
nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương
thân", đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động" [15, tr.19]. Nghị quyết
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII Về xây dựng

và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, một lần
nữa nhấn mạnh: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh
hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng
ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý
chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia
đình- làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức
tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong
lối sống…” [18, tr.56].
Từ quan điểm của các nhà khoa học cũng như của Đảng ta, có thể khẳng

định: giá trị đạo đức truyền thống là toàn bộ những tư tưởng, tình cảm, những
chuẩn mực, quy tắc, phong tục, tập quán đạo đức được truyền từ đời này sang đời
khác và được mọi người hay một cộng đồng người nhất định tự nguyện noi theo.
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo
nên một di sản giá trị đạo đức truyền thống vô cùng phong phú, trong đó bao gồm
các giá trị điển hình sau: Tinh thần yêu nước; Lòng thương người sâu sắc; Tinh
thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc; Tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm.
Tinh thần yêu nước: đó là giá trị đạo đức cao quý nhất của dân tộc Việt
Nam, là chuẩn mực đạo đức cao nhất, đứng đầu trong thang bậc giá trị truyền
thống, "là tiêu điểm của mọi tiêu điểm". Yêu nước là đặt lợi ích của Tổ quốc, của
nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, luôn chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước, có
ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc, luôn tự hào về dân tộc. Chính vì
vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu
nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc
bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh
mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán
nước và lũ cướp nước” [63, tr.171].
Sự hình thành và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gắn liền với
lịch sử dựng nước và giữ nước. Vì vậy, yêu nước đối với nhân dân ta trước hết là
chăm lo xây dựng đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để tạo

sức mạnh bên trong bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
Một trong những biểu hiện của tinh thần yêu nước là tinh thần bất khuất,
không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Chính tinh thần yêu nước nồng nàn
đã giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực xâm lược,
người dân Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, mất
định không chịu làm nô lệ, nó đã trở thành đạo lý và lẽ sống của mỗi người được
sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam.
Truyền thống yêu nước của người Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với
lòng thương yêu và quý trọng con người, nhất là những người dân lao động.
Lòng thương người đó xuất phát từ tình cảm yêu quý con người “người ta là hoa

của đất”. Chính trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc,
cha ông ta đã rút ra triết lý: con người là vốn quý hơn cả, không có gì có thể so
sánh được.
Lòng thương người của dân tộc ta thấm đượm trong các mối quan hệ giữa
các thành viên trong gia đình, trong làng xóm và trong cả cộng đồng dân tộc.
Người Việt coi trọng tình nghĩa hơn lễ nghĩa. Tình ở đây là tình cảm sâu sắc
"máu chảy ruột mềm", thương nhau giữa những người trong một nước. Nghĩa ở
đây là trách nhiệm của mỗi người trước sự sống còn của đất nước, tình nghĩa ở
đây cũng là thái độ thủy chung trong tình yêu, tình bạn. Vì vậy, mà trong lịch sử
dân tộc, những tấm gương vì nghĩa được ngợi ca, còn những hiện tượng "vô
nhân đạo", "phụ tình bạc nghĩa" thường bị dư luận xã hội lên án phản đối. Cũng
với tình nghĩa ấy, dân tộc ta còn có thái độ nhân đạo khoan dung đối với cả quân
thù, khi chúng đã hạ súng, bại trận thì "cấp ngựa cấp thuyền" cho lui về nước.
Do đó, có thể khẳng định, tình thương yêu con người là giá trị đạo đức đặc
trưng, rất đáng tự hào của dân tộc ta. Nó gắn liền với tình yêu thương đồng loại
và là cái gốc của đạo đức, bởi lẽ nếu không có lòng nhân ái thì không thể có lòng
yêu nước, thương nhân dân được.
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc là một giá trị được tạo nên
từ trong sâu thẳm văn hóa dân tộc. Trong lịch sử dựng xây đất nước, người dân

Việt Nam đã phải chung lưng đấu cật, tương trợ hợp tác, giúp đỡ nhau tạo ra sức
mạnh vật chất phi thường chiến thắng thiên tai. Chính từ thực tế các cuộc đấu
tranh với thiên tai và chống giặc ngoại xâm, cha ông ta đã rút ra chân lý đúng
đắn: "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết", và "một cây làm chẳng nên non, ba cây
chụm lại nên hòn núi cao". Do vậy, có thể khẳng định, tinh thần đoàn kết là
nguồn sức mạnh lớn lao giúp nhân dân ta vượt qua những thử thách khắc nghiệt
của thiên nhiên và đánh thắng mọi thế lực xâm lược. Tinh thần đoàn kết, ý thức
cộng đồng bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước và là biểu hiện của chủ nghĩa yêu
nước, là động lực mạnh mẽ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tinh
thần đoàn kết cộng đồng là nét quan trọng trong ý thức và tâm hồn của người
Việt Nam. Những lễ hội truyền thống với niềm hân hoan và sự đồng cảm được tổ

chức hàng năm lại thắt chặt thêm mối quan hệ cộng đồng. Cộng đồng là điểm
tựa của người Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày, trong hòa bình và trong
chiến tranh.
Vì vậy, nhờ có truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc mà chúng
ta mới có được một dân tộc độc lập như ngày nay. Nó trở thành sức mạnh tinh
thần và đặc trưng cơ bản hình thành nên lối sống của con người Việt Nam nói
chung và là nền tảng xây dựng nên lối sống văn hóa của phụ nữ nước ta trong
giai đoạn hiện nay.
Tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm
Cần cù và tiết kiệm là một giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta, nó
được hình thành do điều kiện sản xuất và đấu tranh xã hội trong lịch sử dân tộc.
Nó thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống, trong sự nghiệp
phát triển đất nước. Cần cù gắn liền với tiết kiệm, cần mà không kiệm thì cuộc
sống trở nên "ăn xổi", bấp bênh. Kiệm mà không cần thì không có gì để kiệm.
Do đó, trong cuộc sống phải biết khéo léo lo toan, sắp xếp hợp lý, tránh những
lãng phí không cần thiết. Chính với truyền thống cần cù và tiết kiệm ấy, cha ông
ta đã phát huy được sức mạnh của mình trong những cuộc chiến tranh nhân dân
vĩ đại và đã đạt được những thành quả to lớn để lại cho chúng ta ngày nay.

Bên cạnh đó, dân tộc Việt Nam còn có nhiều giá trị đạo đức khác tạo nên
cốt cách con người Việt Nam, như đức tính khiêm tốn, lòng thuỷ chung, tính
trung thực, khát vọng hòa bình và yêu chuộng hòa bình Những đức tính này
không tồn tại riêng rẽ mà liên quan đến nhau, đức tính này là điều kiện, là biểu
hiện của đức tính kia. Người ta không thể nói yêu Tổ quốc mà không yêu thương
con người, không có lòng nhân ái, bao dung. Thương người cũng là ý thức về
tính cộng đồng, về lý tưởng phục vụ cộng đồng, về việc biết đặt cái chung lên
trên cái riêng. Cũng chỉ có yêu nước, con người ta mới lao động cần cù, sáng tạo
để kiến tạo cuộc sống của mình cũng như cuộc sống của con cháu mình. Để thực
hiện được những ước vọng đó, con người cần phải đoàn kết lại để xây dựng, bảo
vệ những thành quả do mình làm ra.
Chính những giá trị đạo đức truyền thống này đã tạo nên lịch sử vẻ vang

của dân tộc Việt Nam. Chúng là nhân tố quan trọng định hướng tư tưởng, tình
cảm, hành động của con người Việt Nam trong suốt quá trình phát triển của
mình.
1.1.2. Quan niệm về lối sống, lối sống văn hóa
1.1.2.1. Khái niệm lối sống
Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình của các nhà khoa học trong và
ngoài nước nghiên cứu về lối sống, tiếp cận đối tượng nghiên cứu dưới nhiều
góc độ khác nhau. Vì vậy, cũng có nhiều cách định nghĩa các nhau về phạm trù
“lối sống”. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác đã chỉ rõ mối quan hệ giữa
con người và hoàn cảnh, điều kiện sống của nó, như sau: “Không nên nghiên cứu
phương thức sản xuất ấy đơn thuần theo khía cạnh nó là sự tái sản xuất “ra sự
tồn tại thể xác của cá nhân. Mà hơn thế, nó đã là một hình thức hoạt động nhất
định của những cá nhân ấy, một hình thức nhất định của sự biểu hiện đời sống
của họ, một lối sống nhất định của họ” 56, tr.30.
Qua đó, phương thức sản xuất theo C.Mác là cơ sở đầu tiên để nghiên
cứu, tìm hiểu về lối sống. Luận điểm trên thường được các nhà mác-xít dùng làm
điểm xuất phát để nghiên cứu khái niệm lối sống. Định nghĩa tiêu biểu và phổ

biến nhất ở Liên Xô (cũ) định nghĩa lối sống gắn với hoạt động của con người.
Trong Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, đã nêu “lối sống xã hội chủ nghĩa”
là “những hình thức hoạt động sống của con người vốn có của CNXH, được quy
định bởi điều kiện sống của họ trong phạm vi giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng
sản”. Công trình “Lối sống xã hội chủ nghĩa” do G.E.Gle-dơ-man chủ biên định
nghĩa: “Lối sống là một tổng thể, một hệ thống những đặc điểm chủ yếu nói lên
hoạt động của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong
những điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định” 53, tr.45. Bên
cạnh đó, tác giả V.Đôbơrianốp đưa ra quan niệm: “Lối sống là sinh hoạt cá nhân,
chủ quan hóa của hệ thống những quan hệ xã hội, của toàn bộ tổng thể những
những điều kiện sống, thể hiện trong hoạt động của con người” 24, tr.213.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ở các nước XHCN trước đây khi bàn về
khái niệm “lối sống”, thường nhấn mạnh vào tính chất XHCN và xác định các

tiêu chí của nó từ sự đối lập với lối sống tư sản. Có thể quy các định nghĩa này
về ba nhóm:
Thứ nhất, xem xét lối sống như một khái niệm bao quát nhiều yếu tố liên
quan đến cuộc sống của con người và của toàn xã hội (điều kiện sống, các hình
thức hoạt động, các quan hệ xã hội, các hình thức thỏa mãn nhu cầu…)
Thứ hai, xác định lối sống thông qua các yếu tố bên trong, vốn có của chủ
thể hoặc xem lối sống là sự phản ánh nhu cầu của con người, cách thức thỏa mãn
những nhu cầu đó, nghĩa là chất lượng của sự phồn vinh của con người; hoặc coi
lối sống là nếp nghĩ, hành vi, nếp sống nội tâm của con người.
Thứ ba, quan niệm lối sống như một phạm trù của xã hội học, chỉ sự
thống nhất hữu cơ giữa các hoạt động sống và những điều kiện sống quan trọng
nhất của cá nhân hay nhóm xã hội.
Ba nhóm định nghĩa trên thực sự chưa có nhóm nào có thể xác định đầy đủ
về nội dung của phạm trù “lối sống”. Nhóm đầu tiên bị phê phán là mở rộng quá
mức khái niệm “lối sống” và do đó đã làm mất đi những đặc trưng của nó. Ngược
lại, nhóm thứ hai thu hẹp lối sống vào những yếu tố bên trong của cá nhân, loại trừ

khỏi khái niệm “lối sống” những mặt khách quan, những hoạt động quan trọng
của con người như hoạt động lao động, hoạt động chính trị… Còn nhóm thứ ba thì
lại không chú ý đến vai trò của yếu tố chủ quan trong lối sống.
Ở Việt Nam, khái niệm “lối sống” được xem xét với một góc độ tổng hợp,
trong đó có nói đến mối quan hệ giữa mặt chủ quan và khách quan, giữa hoạt
động sống và điều kiện sống của con người, giữa hoạt động sản xuất và những
hoạt động phi sản xuất. Khi tiếp cận lối sống thông qua hoạt động sống của con
người, nhóm tác giả của Tập bài giảng “Văn hoá xã hội chủ nghĩa” của Học viện
Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, định nghĩa: “Lối sống là một
phạm trù xã hội học khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai
cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh
tế-xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và
hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người trong sinh hoạt tinh thần và văn
hoá” 33, tr.217-218.

×