Tải bản đầy đủ (.pdf) (26 trang)

Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp Đà Nẵng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (274.11 KB, 26 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG



ĐINH THỊ THANH HÀ


HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO
ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN
ĐỊA BÀN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG


Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 60.31.05



TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ






Đà Nẵng - Năm 2015

Công trình được hoàn thành tại
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG




Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. BÙI QUANG BÌNH



Phản biện 1: TS. LÊ BẢO



Phản biện 2: GS.TS. ĐỖ KIM CHUNG



Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận văn tốt nghiệp
Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Đà Nẵng vào ngày 10 tháng 01 năm
2015.





Có thể tìm hiểu luận văn tại:
- Trung tâm Thông tin - Học liệu, Đại học Đà Nẵng.
- Thư viện Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cùng với việc cải thiện môi trường sống, chất lượng cuộc
sống cho các đô thị, các cơ sở, nhà máy sản xuất đã được quy hoạch

tập trung vào những khu công nghiệp. Sản xuất tập trung có nhiều ưu
điểm và phù hợp với xu thế phát triển, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất
cập, nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là khi việc xây
dựng hành lang pháp lý, hệ thống chính sách còn chưa theo kịp với
tốc độ phát triển của thực tế.
Trong các khu công nghiệp, hàng ngày, hàng giờ luôn có hàng
trăm ngàn người lao động tiến hành quá trình lao động sản xuất với
hàng chục ngàn máy móc thiết bị từ đơn giản đến những máy móc có
yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn. Trong khi đó, không phải
tất cả người lao động hay tất cả người sử dụng lao động đều ý thức
và chấp hành nghiêm những quy định về kỹ thuật an toàn, xây dựng
môi trường làm việc an toàn. Những vụ tai nạn lao động vẫn diễn ra,
có thể giảm về số lượng nhưng thiệt hại về người và tài sản lại có
nguy cơ tăng cao.
Vì tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với hoạt động
sản xuất và sức khỏe, tính mạng con người như vậy, và đây cũng là
nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn nên tôi mong muốn
được nghiên cứu, phân tích kỹ hơn vai trò của quản lý Nhà nước
đối với công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp; từ đó đưa ra các
giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ
trong doanh nghiệp, với nội dung là: “Hoàn thiện công tác quản lý
Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp trên
địa bàn các Khu công nghiệp Đà Nẵng” làm đề tài nghiên cứu luận
2
văn thạc sĩ.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
- Làm rõ lý luận về quản lý Nhà nước về An toàn vệ sinh lao
động trong các doanh nghiệp.
- Đánh giá được thực trạng quản lý nhà nước về ATVSLĐ
trong các doanh nghiệp trên địa bàn các Khu công nghiệp Đà Nẵng.

- Kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý
Nhà nước về ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
a. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật; công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ của Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội, của Ban quản lý các Khu công nghiệp Đà
Nẵng, của Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Đà Nẵng và vai trò
của tổ chức công đoàn đối với công tác ATVSLĐ.
Đối tượng khảo sát là người sử dụng lao động, người lao động
và Công đoàn cơ sở ở một số doanh nghiệp trên địa bàn các Khu
công nghiệp Đà Nẵng.
Đề tài tiếp cận vấn đề từ nhiều 4 phía, gồm: các cơ quan quản
lý nhà nước của Thành phố Đà Nẵng, của địa bàn các Khu công
nghiệp, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và người lao
động.
b. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ
sinh lao động tại các doanh nghiệp.
- Phạm vi không gian: trong các doanh nghiệp trên địa bàn các
Khu Công nghiệp Đà Nẵng với ngành nghề, quy mô lao động và chủ sở
3
hữu khác nhau.
- Phạm vi thời gian: trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2013.
Định hướng đến năm 2020.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp quan sát: quan sát trực tiếp điều kiện làm việc,
môi trường làm việc trong một số doanh nghiệp.
- Phương pháp phân tích thống kê: phân tích các tài liệu, văn
bản về công tác ATVSLĐ của hệ thống văn bản pháp quy, tham

khảo thông tin trên mạng internet, các báo cáo chuyên ngành, các
công trình nghiên cứu và những tài liệu có liên quan.
- Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến của các chuyên
gia, các ban, ngành chuyên sâu về công tác an toàn vệ sinh lao động.
5. Bố cục của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo,
các phụ lục, đã kết cấu thành 3 chương
Chương 1. Cơ sở lý luận của công tác quản lý Nhà nước về an
toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp
Chương 2. Thực trạng công tác quản lý Nhà nước về an toàn
vệ sinh lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn các khu công
nghiệp Đà Nẵng.
Chương 3. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý Nhà
nước về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn
các khu công nghiệp Đà Nẵng.
6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

4
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÔNG TÁC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
TRONG DOANH NGHIỆP

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH
NGHIỆP
1.1.1. Một số khái niệm
a. An toàn, vệ sinh lao động: là tổng thể các hoạt động đồng
bộ trên các mặt pháp luật, tổ chức quản lý, kinh tế xã hội, khoa học -
công nghệ nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều

kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
cho con người trong lao động
b. Điều kiện lao động: là tổng thể các yếu tố về tự nhiên, xã
hội, kinh tế, kỹ thuật được biểu hiện thông qua các công cụ và
phương tiện lao động, đối tượng lao động, quá trình công nghệ, môi
trường lao động và sự sắp xếp, bố trí chúng trong không gian và thời
gian, sự tác động qua lại của chúng trong mối quan hệ với người lao
động tại chỗ làm việc, tạo nên một điều kiện nhất định cho con người
trong quá trình lao động. Tình trạng tâm sinh lý của con người trong
khi lao động tại nơi làm việc được coi như một yếu tố gắn liền với
điều kiện lao động.
c. Môi trường lao động: là phạm vi không gian gắn với quá
trình lao động trong đó thể hiện đối tượng lao động, phương tiện, tổ
chức lao động và các yếu tố kinh tế, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến
quá trình lao động.
5
d. Nguy cơ: là khả năng tiềm ẩn gây nên sự cố nguy hiểm
cho quá trình sản xuất, tác hại sức khỏe tính mạng của NLĐ trong
quá trình lao động.
e. Rủi ro: Tai nạn, bệnh tật, sự cố không mong đợi, ngoài ý
muốn đã xảy ra.
f. Yếu tố nguy hiểm là những yếu tố có nguy cơ làm chấn
thương hoặc chết người, gây tai nạn lao động.
g. Yếu tố có hại là những yếu tố có nguy cơ làm giảm sức
khỏe người lao động, gây bệnh nghề nghiệp.
h. Kỹ thuật an toàn là một hệ thống các biện pháp và phương
tiện về tổ chức và kỹ thuật nhằm bảo vệ người lao động khỏi tác
động của các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động.
i. Kỹ thuật vệ sinh: là hệ thống các biện pháp và phương tiện
về tổ chức, vệ sinh và kĩ thuật vệ sinh nhằm phòng ngừa sự tác động

của các yếu tố có hại trong lao động, sản xuất đối với người lao
động.
j. Tai nạn lao động: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn
thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao
động, hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với
việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ lao động.
k. Bệnh nghề nghiệp: là bệnh phát sinh do tác động của điều
kiện lao động có hại, bất lợi (tiếng ồn, rung…) đối với người lao
động. Bệnh nghề nghiệp làm suy yếu dần sức khỏe hay làm ảnh
hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt của người lao động.
l. Quản lý An toàn vệ sinh lao động: là sự tác động chỉ huy,
điều khiển, hướng dẫn các quá trình lao động sản xuất và hành vi lao
động của người lao động nhằm đạt được mục tiêu môi trường lao
6
động tốt, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động, tạo cho
quá trình lao động sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
1.1.2. Nguyên tắc quản lý An toàn vệ sinh lao động
Đối với công tác quản lý ATVSLĐ có 5 nguyên tắc cơ bản
như sau:
a. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là trách nhiệm của mọi
tổ chức, cá nhân liên quan đến lao động, sản xuất
b. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về an
toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình sản xuất
kinh doanh:
c. Quản lý an toàn, vệ sinh lao động phải trên cơ sở quy
chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân công
bố áp dụng:
d. Quản lý an toàn, vệ sinh lao động phải được thực hiện
trong suốt quá trình lao động, sản xuất trên cơ sở phân tích, quản

lý nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
e. Quản lý an toàn, vệ sinh lao động phải bảo đảm phân
công, phân cấp rõ ràng và có sự phối hợp liên ngành:
1.1.3. Ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội của quản lý
ATVSLĐ
Đây là một chính sách lớn của Đảng với Nhà nước, mang lại
những lợi ích về kinh tế, chính trị và xã hội.
1.1.4. Tính chất của quản lý an toàn vệ sinh lao động
Có 3 tính chất chủ yếu là: Pháp lý, Khoa học kỹ thuật và tính
quần chúng. Chúng có liên quan mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau.
1.2. NỘI DUNG VÀ TIÊU CHÍ QUẢN LÝ AN TOÀN, VỆ SINH
7
LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
1.2.1. Ban hành và quản lý thống nhất các quy định của
pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ban
hành, các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ địa phương sẽ cụ
thể hóa các quy phạm đó và xây dựng các quy trình an toàn lao động
phù hợp với điều kiện sản xuất tại các doanh nghiệp.
Tiêu chí phản ánh
- Số văn bản hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về
ATVSLĐ
- Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận và triển khai thực hiện các quy
định pháp luật về ATVSLĐ
1.2.2. Tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Cũng như mọi chính sách khác, muốn đi vào cuộc sống thì
công tác tuyên truyền là việc làm đầu tiên phải triển khai. Việc tiếp
thu, thực thi đến đâu tùy thuộc mức độ nhận thức và tính tự giác
chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động.

Tiêu chí:
- Số lượng các đợt tuyên truyền về ATVSLĐ
- Tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện tuyên truyền về ATVSLĐ
- Tỷ lệ lao động đã được tuyên truyền về ATVSLĐ.
1.2.3. Tổ chức đào tạo và tập huấn về quản lý an toàn, vệ
sinh lao động trong các doanh nghiệp
Tổ chức đào tạo tập huấn về quản lý ATVSLĐ có 2 nội dung
chính:
- Các quy định của pháp luật về ATVSLĐ
8
- Tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Tiêu chí:
- Số lượng các đợt tập huấn về ATVSLĐ cho các đối tượng
trên
- Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia đào tạo về quản lý
ATVSLĐ
1.2.4. Tổ chức thanh, kiểm tra về thực hiện an toàn, vệ
sinh lao động tại các doanh nghiệp
Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo hộ lao động ở nước ta
được thực hiện dưới các hình thức: Thanh tra Nhà nước, kiểm tra của
cấp trên với cấp dưới; tự kiểm tra của cơ sở và việc kiểm tra, giám
sát của tổ chức Công đoàn các cấp.
Tiêu chí:
Hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm rõ số lượng
doanh nghiệp được thanh tra thường xuyên, đột xuất. Từ kết quả
thanh, kiểm tra phải đánh giá được tỷ lệ doanh nghiệp đủ điều kiện
và chấp hành tốt công tác ATVSLĐ/tổng số doanh nghiệp được
thanh kiểm tra; tỷ lệ doanh nghiệp không đủ điều kiện và không chấp
hành tốt công tác ATVSLĐ/tổng số doanh nghiệp được thanh kiểm
tra.

d. Vai trò của tổ chức công đoàn
Ngoài 3 chủ thể trên, pháp luật còn quy định vai trò của tổ
chức Công đoàn trong việc kiểm tra công tác ATVSLĐ, khoản 2
điều 22 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT (ngày
10/1/2011) nêu rõ: “Tổ chức đoàn kiểm tra độc lập của Công đoàn
hoặc tham gia các đoàn tự kiểm tra do các cơ sở lao động tổ chức”.
1.2.5. Điều tra, thống kê tai nạn lao động và bệnh nghề
9
nghiệp
Công tác điều tra, thống kê là hết sức quan trọng, nhằm mục
đích phân tích, xác định được các nguyên nhân tai nạn lao động,
nguyên nhân mắc bệnh nghề nghiệp, trên cơ sở đó để ra các biện
pháp phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp tai nạn tương tự tái
diễn, điều chỉnh tiêu chuẩn quy trình về ATVSLĐ, đồng thời để
phân rõ trách nhiệm đối với những người liên quan đến tai nạn.
Tiêu chí
- Số lượng doanh nghiệp thực hiện báo cáo thống kê theo quy
định
- Số liệu thống kê liên tục, phản ảnh rõ các tiêu chí ảnh hưởng
đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để tìm ra nguyên nhân.
- Tỷ lệ tăng/giảm các vụ tai nạn lao động, tỷ lệ lao động mắc
bệnh nghề trong các doanh nghiệp
1.2.6. Xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động
Hoạt động này là công việc cần thiết để bảo đảm tính hiệu lực
và hiệu quả của các quy phạm về ATVSLĐ. Chỉ có xử lý nghiêm
mới có tác dụng với cả doanh nghiệp và người lao động.
Tiêu chí:
- Số lượng và tỷ lệ xử lý số vụ vi phạm về ATLĐ của các DN
- Số lượng và tỷ lệ xử lý số vụ vi phạm về VSLĐ của các DN
1.3. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUẢN LÝ AN TOÀN,

VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP
1.3.1. Điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế xã
hội
1.3.2. Nhân tố người sử dụng lao động
1.3.3. Nhân tố người lao động tại doanh nghiệp
10
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG

2.1. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUẢN LÝ AN TOÀN,
VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA
BÀN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG
2.1.1. Điều kiện tự nhiên và tình hình KTXH của TP. Đà
Nẵng
a. Điều kiện tự nhiên
Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình,
nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo
dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Nhiệt
độ trung bình hàng năm khoảng 25,9 °C; Độ ẩm không khí trung
bình là 83,4%.
b. Tình hình kinh tế xã hội
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GDP, giá cố định 2010)
giai đoạn 2003-2013 ước tăng 11,5%/năm; GDP bình quân đầu
người năm 2013 ước đạt 55,98 triệu đồng (2.650 USD), gấp 5,4
lần năm 2003 và bằng 1,6 lần cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng từ “Công
nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp” sang “Dịch vụ - Công nghiệp -
Nông nghiệp” vào năm 2008, trước 2 năm so với mục tiêu Nghị

quyết số 33-NQ/TW, với tỷ trọng GDP dịch vụ (giá hiện hành) tăng
từ 48% năm 2003 lên 53,5% năm 2013, công nghiệp - xây dựng
giảm từ 45,6% xuống 43,8% và nông nghiệp giảm từ 6,4% xuống
11
2,7%.
c. Các khu công nghiệp Đà Nẵng
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, được bố trí quanh Thành
phố, có 3 KCN lớn nhất là KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở
rộng và KCN Liên Chiểu thuộc địa bàn quận Liên Chiểu; KCN Hòa
Cầm thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ và KCN Đà Nẵng (thường gọi là
KCN An Đồn) với KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng thuộc địa bàn
quận Sơn Trà. Các khu công nghiệp cách trung tâm thành phố không
quá 15 km, đều nằm trên những trục đường giao thông chính, thuận
lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy và
đường hàng không.
2.1.2. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động
Thực tế trong 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong các
KCN Đà Nẵng đã cố gắng hoàn thiện môi trường làm việc, trang bị
các máy móc thiết bị đảm bảo ATVSLĐ theo quy định pháp luật
nhưng vẫn còn nhiều trường hợp sản xuất khó khăn, nguồn vốn ít,
quy mô nhỏ nên không thể cải thiện được.
Hầu hết các doanh nghiệp có bố trí người phụ trách nhưng số
cán bộ làm công tác ATVSLĐ được đào tạo chuyên sâu BHLĐ rất ít,
chủ yếu chọn người ở bộ phận cơ điện, kỹ thuật để kiêm nhiệm
thêm.
2.1.3. Người lao động tại các doanh nghiệp
Hiện nay, tổng số lao động của 06 KCN là 72.074 lao động,
trong đó nữ: 50.451 lao động (chiếm 70%); số lao động làm việc
trong doanh nghiệp FDI là 38.024 (chiếm 52,75%). Có thể nhìn vào
tuổi đời, tuổi nghề, trình độ chuyên môn, đặc điểm vùng miền để

đánh giá chất lượng nguồn lao động cũng như đánh giá sự tác động
12
đến công tác quản lý ATVSLĐ như thế nào. Thực trạng hiện nay là
hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng dưới 35 tuổi để khai thác sức
lao động nên tuổi đời bình quân lao động chỉ từ 28 – 30 tuổi. Tỷ lệ
lao động xuất thân từ nông thôn chiếm hơn 40% (lao động nông thôn
của các tỉnh lân cận là chủ yếu) nên thói quen tự do, tự phát trong lao
động, tư tưởng chủ quan lơ là với các quy trình an toàn đã ảnh hưởng
nhiều đến hiệu quả công tác ATVSLĐ.
2.2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG
2.2.1. Việc ban hành các quy định của pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Từ những văn bản, chủ trương của Đảng, của Chính phủ,
thành phố Đà Nẵng đã ban hành những chương trình, kế hoạch cụ
thể về công tác ATVSLĐ trên địa bàn, như Kế hoạch số 30-KH/TU
ngày 11/2/2014 của Thành ủy về “Triển khai thực hiện Chỉ thị 29-
CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy
mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Kế hoạch số
4939/KH-UBND ngày 10/6/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố
về “Đẩy mạnh công tác an toàn – vệ sinh lao động trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn
thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”; Quyết định số 10900/QĐ-
UBND ngày 21/12/2011 của UBND Thành phố “Phê duyệt chương
trình quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2015”; sở LĐTBXH đã có kế hoạch số
53/KH-SLĐTBXH ngày 4/10/2011 “Triển khai chương trình quốc
13

gia về an toàn – vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
giai đoạn 2011-2015”.
2.2.2. Tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Trên địa bàn Thành phố, 3 năm gần đây, Thành phố đã chọn
khu công nghiệp Hòa Khánh là địa điểm tổ chức mittinh nhân Tuần
lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN Ngoài chương trình thời sự, trong
các chuyên mục “Hộp thư truyền hình”, “Tìm hiểu pháp luật”,
“Tiếp chuyện bạn nghe Đài”, chuyên trang “Vấn đề hôm nay” đều
tập trung vào chủ đề an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Sở Văn
hoá - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo phòng Văn hoá – Thể thao các
quận, huyện treo hàng ngàn băng rôn, khẩu hiệu, panô và phướn
tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN trên các đường phố chính, trong
các khu công nghiệp và các khu đông dân cư. Sở LĐTBXH, Sở Y tế,
Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với các đơn vị, doanh
nghiệp phát hành 5.500 – 6.000 tờ rơi, áp phích, tài liệu mỗi năm
cung cấp đến người sử dụng lao động và người lao động tại các
doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở Y tế đã chủ trì phối
hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tổ chức tọa đàm
“Chăm sóc sức khoẻ cho người lao động”. Phòng Cảnh sát PCCC
Thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động hàng chục lượt mỗi năm
tại các địa bàn dân cư và trong khu công nghiệp.
2.2.3. Thực trạng tổ chức đào tạo và tập huấn về an toàn
vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Tất cả lao động mới được tuyển dụng vào đều tham gia lớp tập
huấn cơ bản những nội dung cơ bản của công tác ATVSLĐ do doanh
nghiệp tổ chức. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp đóng trên
14
địa bàn thành phố, mỗi năm có khoảng gần 40.000 người lao động
được huấn luyện về bảo hộ lao động, có khoảng 15.000 người được

huấn luyện lại, trong đó tỷ lệ người lao động trong các khu công
nghiệp chiếm hơn 60%.
Sở Cảnh sát PCCC cũng có kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ
cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức hàng chục cuộc thao diễn kỹ
thuật an toàn và phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn tại các đơn vị,
doanh nghiệp dễ xảy ra sự cố cháy, nổ trên toàn địa bàn thành phố
với hàng ngàn người tham gia.
Với trách nhiệm của mình, định kỳ hàng năm, những doanh
nghiệp lớn – với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước - đều bố
trí những cán bộ quản lý của doanh nghiệp (nhóm 1), cán bộ phụ
trách ATVSLĐ (nhóm 2), NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm
ngặt về ATLĐ (nhóm 3) tham gia khóa huấn luyện định kỳ dài ngày
hơn, chuyên sâu hơn. Đối với những doanh nghiệp nhỏ không đủ
điều kiện tổ chức lớp thì cử người tham dự các khóa đào tạo tập
trung do Sở LĐTBXH tổ chức.
Công đoàn cũng tham gia vào công tác huấn luyện ATVSLĐ
bằng việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn và mạng
lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở, với bình quân mỗi lớp có 35 – 40
người tham dự.
2.2.4. Tổ chức thanh kiểm tra về thực hiện an toàn, vệ sinh
lao động trong các doanh nghiệp
Hàng năm, Sở LĐTBXH có kế hoạch thanh kiểm tra liên
ngành hoặc chuyên ngành ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, nhưng
nhân lực mỏng nên chỉ tập trung ở những doanh nghiệp đông lao
động và thường kết hợp thanh kiểm tra nhiều nội dung cùng lúc. Từ
15
năm 2011 đến nay, không chỉ các cuộc thanh kiểm tra định kỳ của sở
LĐTBXH được tăng thêm mà đã có sự tăng cường kiểm tra đối với
các doanh nghiệp trong các KCN, điều này cho thấy sự quan tâm và
cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước đối với khu vực phức tạp và

thiếu ổn định này.
Qua kiểm tra cũng nhận thấy một hạn chế là việc thực hiện tự
kiểm tra định kỳ của doanh nghiệp chủ yếu khoán cho cán bộ
ATVSLĐ và không lưu hồ sơ bài bản; rất ít đơn vị tổ chức được việc
phối hợp giữa chính quyền và Công đoàn cơ sở để kiểm tra theo
chuyên đề như: Hệ thống điện, máy thiết bị và môi trường lao
động… từ đó góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động, sự cố cháy nổ và
cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Ngoài ra nội dung thanh kiểm tra chủ yếu là kiểm tra trên hồ
sơ sổ sách và một số trang thiết bị thông thường, chưa có điều kiện
kiểm tra kỹ tính năng sử dụng hoặc khó kiểm tra được quy trình thực
hiện có đúng với quy định hay không, nên nhiều doanh nghiệp tìm
cách đối phó với ngành chức năng bằng hệ thống hồ sơ sổ sách bài
bản, logic.
2.2.5. Thực trạng công tác điều tra, thống kê tai nạn lao
động và bệnh nghề nghiệp
Công tác điều tra và thống kê tai nạn lao động đã được thực
hiện thường xuyên và được doanh nghiệp chấp hành và tham gia. Tuy
nhiên, công tác thống kê báo cáo vẫn còn phụ thuộc doanh nghiệp chứ
không có sự kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước; Những
doanh nghiệp quy mô nhỏ ít quan tâm thực hiện chế độ báo cáo theo
định kỳ so với những doanh nghiệp lớn.
2.2.6. Tình hình xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao
16
động
Những vụ việc vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động
đều bị xử phạt hành chính, nhưng mức phạt thấp, chỉ 50 – 60 triệu
đồng, nhỏ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra nên doanh nghiệp chấp
nhận phạt. Số vụ tai nạn lao động chết người vẫn xảy ra nhưng chưa
có vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đa số gia đình nạn

nhân và doanh nghiệp tự thương lượng bồi thường để nhanh chóng
khép lại vụ việc.
Do mức phạt còn quá nhẹ so với chi phí đầu tư thì mới chỉ đủ
để cảnh cáo những doanh nghiệp nhỏ; còn với các doanh nghiệp lớn
lại quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Vì vậy, nhiều chủ doanh nghiệp dù biết
mình đã vi phạm các quy định về an toàn lao động nhưng vẫn chấp
nhận đi nộp phạt chứ không chịu đầu tư kinh phí để đổi mới trang
thiết bị, máy móc và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao
động theo đúng quy định pháp luật.
Quan điểm của cơ quan Nhà nước là việc thanh kiểm tra chủ
yếu để hướng dẫn, nhắc nhở doanh nghiệp là chính, chỉ áp dụng xử
phạt nếu doanh nghiệp không có hướng khắc phục và tái diễn nhiều
lần. Nhưng với doanh nghiệp, “thông lệ” này dễ gây cảm giác “nhờn
luật” và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG DOANH
NGHIỆP TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG
2.3.1. Kết quả đạt được của quản lý Nhà nước về ATVSLĐ
trong doanh nghiệp trên địa bàn các KCN Đà Nẵng
Nổi bật là công tác tuyên truyền với việc tổ chức có hiệu quả
Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ – PCCN, thu hút sự tham gia của
17
đông đảo doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo
chí trung ương và địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của tổ chức công
đoàn trong việc đưa thông tin tuyên truyền đến người lao động. Công
tác thanh kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên kịp thời hơn.
Số lượng doanh nghiệp có xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động
hàng năm, tổ chức huấn luyện đào tạo cho lao động mới tuyển dụng
đầy đủ, tổ chức diễn tập PCCN, diễn tập sơ cấp cứu, thoát hiểm định
kỳ tăng đều qua các năm như phân tích ở trên cho thấy ý thức chấp

hành của NSDLĐ đã có chuyển biến tích cực. Số vụ tai nạn lao động
trong các KCN tuy chiếm đa số tổng số vụ tai nạn của toàn thành
phố nhưng chủ yếu là tai nạn gây thương vong nhẹ.
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân hạn chế của quản lý
Nhà nước về ATVSLĐ trong doanh nghiệp trên địa bàn các
KCN Đà Nẵng
- An toàn, vệ sinh lao động là một lĩnh vực rộng lớn, phức tạp,
nhưng được giao cho phòng Việc làm – ATLĐ của Sở LĐTBXH với
biên chế chỉ 2 -3 người, vì thế chỉ có thể triển khai đến doanh nghiệp
thông qua hệ thống văn bản hướng dẫn.
- Công tác huấn luyện của doanh nghiệp hoàn toàn do doanh
nghiệp chủ động, cơ quan chức năng không kiểm soát được.
- Doanh nghiệp vẫn chú trọng đến lợi nhuận hơn những mục
tiêu khác, vì thế đòi hỏi quản lý Nhà nước phải kiểm soát được
doanh nghiệp thực hiện đến đâu.
- Trên địa bàn các KCN, với số lượng lao động chiếm gần
50% tổng số lao động toàn thành phố, Ban quản lý các KCN được
xem là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, là nơi cấp phép đầu
tư, cấp phép cho lao động nước ngoài, kiểm soát tác động môi
18
trường của các dự án đầu tư, theo dõi tình hình sử dụng lao động
nhưng lại không được phân cấp quản lý Nhà nước về công tác
ATVSLĐ, không có chức năng thanh tra lao động. Trong khi đó sở
LĐTBXH có thẩm quyền lại không thể kiểm soát hết địa bàn toàn
thành phố, chỉ khi nào xảy ra sự cố thì cơ quan chức năng mới tìm
đến; vì thế có thể nói công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ trong
các KCN vẫn còn bị bỏ ngỏ và gần như khoán cho doanh nghiệp.
- Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về ATVSLĐ còn
quá thấp so với chi phí phải bỏ ra, chưa có biện pháp mạnh hơn như
thu hồi giấy phép đầu tư hoặc khởi tố khi để xảy ra chết người, nên

chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp.

19
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
TRONG CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG

3.1. CƠ SỞ TIỀN ĐỀ CHO VIỆC ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP
3.1.1. Căn cứ pháp lý
3.1.2. Định hướng để hoàn thiện công tác quản lý Nhà
nước về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp
3.1.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác an
toàn vệ sinh lao động
3.2. CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG
DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
ĐÀ NẴNG
3.2.1. Cải tiến việc ban hành và quản lý thống nhất các quy
định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh
nghiệp
Cần hết sức coi trọng công tác quản lý và tổ chức thực hiện
công tác ATVSLĐ ở doanh nghiệp. Cần xây dựng bộ máy tổ chức,
quản lý công tác ATVSLĐ ở các đơn vị cơ sở theo nguyên tắc nêu
cao trách nhiệm, nghĩa vụ của NSDLĐ, người quản lý, vừa có sự
phân công, phân cấp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ để huy động
sự tham gia của các đoàn thể, các đơn vị chức năng và của NLĐ
trong cơ sở vào hoạt động ATVSLĐ, bảo đảm thực hiện đồng bộ các
hoạt động trong chu trình quản lý ATVSLĐ ở cơ sở.

20
Cần có cơ chế để bảo đảm sự tham gia của các ngành, địa
phương, cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội vào hoạt
động ATVSLĐ. Cần xây dựng và ban hành qui định cụ thể về quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm, các phương thức hoạt động trong ATVSLĐ
của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong quá trình thực
hiện xã hội hóa ATVSLĐ.
Xã hội hóa công tác ATVSLĐ là giải pháp cần nghiên cứu vì
xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ, chuyển giao bớt trách nhiệm
của Nhà nước về ATVSLĐ cho xã hội, mà trái lại càng phải đề cao,
tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý của Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn lao
động, vệ sinh lao động. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn lao
động, vệ sinh lao động phù hợp với các quy định, công ước quốc tế
mà Việt Nam tham gia. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý theo
hướng thống nhất, tập trung, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc
phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao
động phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham
gia, trong đó chú ý đến quyền lao động, đến điều kiện lao động.
3.2.2. Tổ chức tốt việc tuyên truyền quy định của pháp luật
về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Nên áp dụng nhiều hình thức, phương pháp và phương tiện
phong phú, có hiệu quả để tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền,
huấn luyện, phổ biến kiến thức. Cơ quan quản lý Nhà nước cần tập
trung vào việc ban hành các qui định, các yêu cầu và xây dựng
chương trình khung về huấn luyện, còn việc biên soạn tài liệu, tổ
chức các lớp huấn luyện nên giao cho các cơ quan chuyên môn, các
21
tổ chức xã hội.

Cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia giỏi, các thầy giáo có
trình độ để làm nhiệm vụ giảng dạy, huấn luyện ATVSLĐ.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác
bảo hộ lao động với nhiều hình thức, nội dung phong phú cho cán bộ
quản lý, công nhân lao động.
Công đoàn cơ sở tuyên truyền hướng dẫn luật pháp và các
chính sách chế độ BHLĐ cho NLĐ. Các hình thức: cung cấp tài liệu,
tờ rơi, tranh , tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ , xây dựng góc tuyên
truyền về BHLĐ.
3.2.3. Tổ chức tốt việc đào tạo và tập huấn về quản lý an
toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Có chính sách thu hút, ưu đãi trong tuyển sinh và đào tạo
nguồn nhân lực làm công tác ATVSLĐ ngay từ bậc cao đẳng, đại
học.
Trong doanh nghiệp, bên cạnh công tác huấn luyện về
ATVSLĐ cho những đội, nhóm nòng cốt, cần chú ý đào tạo, tập
huấn cho tất cả người lao động theo 3 hình thức: tập huấn ban đầu,
tập huấn định kỳ và tập huấn lại khi chuyển công việc.
Tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò chủ động tham mưu
đầu tư cải tạo môi trường làm việc, giám sát việc thực hiện các
quy định, chế độ về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật.
Công đoàn phải đào tạo những giảng viên kiêm chức chuyên
về công tác ATVSLĐ để đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cho
cán bộ công đoàn.
3.2.4. Tổ chức tốt thanh kiểm tra về thực hiện an toàn, vệ
sinh lao động tại các doanh nghiệp
22
Với các doanh nghiệp, cần thường xuyên tự kiểm tra đánh giá
chất lượng môi trường lao động, kết quả đo đạc chất lượng môi
trường.

Các sở, ban ngành, ban quản lý khu công nghiệp và các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất kiểm tra và tái đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao
động, cải thiện điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.
Trong khi việc kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng còn
hạn chế, sự quyết tâm của chủ doanh nghiệp trong công tác đảm bảo
an toàn - vệ sinh lao động ở nhiều doanh nghiệp còn kém hiệu quả,
thì chính những người lao động cần phải biết tự bảo vệ mình khỏi
những nguy cơ tai nạn.
Cần thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ,
không nên gộp chung vào thanh tra lao động như hiện nay.
3.2.5. Xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động
Tham gia điều tra xử lý các vụ tai nạn lao động
Khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động phải tổ chức điều
tra điều tra lập biên bản, có sự tham gia của đại diện Ban Chấp hành
công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời.
Phải lưu giữ hồ sơ TNLĐ tới lúc người lao động về hưu; nếu
là TNLĐ chết người thì hồ sơ phải lưu giữ tới 15 năm.
Xây dựng quỹ dự phòng tai nạn lao động
Tăng mức xử phạt và có thời hạn nhất định cho việc khắc phục
các sai phạm trong an toàn lao động, tái kiểm tra và đề nghị cho
ngưng sản xuất tạm thời nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm các quy
định về an toàn lao động.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tình hình an toàn
lao động, vệ sinh lao động.
23
3.2.6. Xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động
Tăng mức xử phạt và có thời hạn nhất định cho việc khắc phục
các sai phạm trong an toàn lao động, tái kiểm tra và đề nghị Uỷ ban
nhân dân tỉnh cho ngưng sản xuất tạm thời nếu doanh nghiệp tiếp tục
vi phạm các quy định về an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động

làm chết người.
Có cơ chế khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt;
có chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn lao động,
vệ sinh lao động. Xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, hình thành
hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tình hình an toàn lao động, vệ
sinh lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động, sự phối hợp giữa các
bộ, ngành, địa phương, tổ chức công đoàn, các chủ doanh nghiệp,
người quản lý trong việc thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao
động; công tác giám định và thực hiện các chính sách khắc phục hậu
quả tai nạn lao động. Phát động phong trào công nhân xây dựng văn
hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

×