Tải bản đầy đủ (.pdf) (74 trang)

Tình hình phát triển của nghệ thuật hát then ở hai xã vĩnh yên và nghĩa đô, huyện bảo yên, tỉnh lào cai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (944.29 KB, 74 trang )


TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA LỊCH SỬ




NGUYỄN THỊ LUÂN




TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN
CỦA NGHỆ THUẬT HÁT THEN
Ở HAI XÃ VĨNH YÊN VÀ NGHĨA ĐÔ,
HUYỆN BẢO YÊN, TỈNH LÀO CAI

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Lịch sử văn hóa


Ngƣời hƣớng dẫn khoa học
ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH





HÀ NỘI - 2014
LỜI CẢM ƠN


Để hoàn thành Khóa luận của mình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành
tới Ban Giám hiệu, Khoa Lịch sử, các Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà
Nội 2 đã nhiệt tình truyền đạt những kiến thức quý báu cho tôi trong suốt quá
trình học tập và tạo điều kiện giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu và hoàn
thành Khóa luận này.
Với lòng biết ơn chân thành, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Thạc sĩ
Nguyễn Thị Bích đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình
nghiên cứu và hoàn thành Khóa luận.
Xin chân thành cảm ơn các vị già làng cùng đồng bào Tày tại hai xã
Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã cung cấp cho tôi
những tư liệu quý báu trong quá trình đi thực tế tại địa phương để hoàn thành
Khóa luận.
Trong quá trình viết, do còn thiếu điều kiện và kiến thức còn hạn chế,
bản Khóa luận sẽ không tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết. Vì vậy,
em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý thầy cô và
các bạn để Khóa luận hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 05 thán 5 năm 2014
Sinh viên

Nguyễn Thị Luân




LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đề tài khóa luận này được hoàn thành do sự cố gắng nỗ
lực tìm hiểu, nghiên cứu của bản thân, cùng với sự giúp đỡ tận tình của Thạc
sỹ Nguyễn Thị Bích.

Đề tài khóa luận này không trùng với kết quả nghiên cứu của các tác giả
khác. Nếu trùng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2014
Tác giả

Nguyễn Thị Luân















MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu 3
4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 4
5. Đóng góp của đề tài 5
6. Bố cục của khóa luận 5

NỘI DUNG 6
Chƣơng 1. KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT HÁT THEN 6
1.1. KHÁI NIỆM VÀ NGUỒN GỐC CỦA HÁT THEN 6
1.1.1. Khái niệm 6
1.1.2. Nguồn gốc của hát Then 6
1.2. THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN DIỄN RA HOẠT ĐỘNG THEN 8
1.2.1. Thời gian 8
1.2.2. Không gian diễn ra hoạt động Then 8
1.3. MỤC ĐÍCH CỦA HOẠT ĐỘNG THEN 10
1.3.1. Then cầu mong, giải hạn 10
1.3.2. Then chữa bệnh 11
1.3.3. Then tống tiễn 11
1.3.4. Then trung lễ, đại lễ cấp sắc 11
1.3.5. Then văn nghệ 17
1.4. NHẠC CỤ SỬ DỤNG TRONG HÁT THEN 18
1.4.1. Đàn tính 18
1.4.2. Chùm xóc nhạc 20
1.4.3. Chuông 22
1.5. NGÔN NGỮ VÀ TRANG PHỤC SỬ DỤNG TRONG HÁT THEN 22
1.5.1. Ngôn ngữ sử dụng trong hát Then 22
1.5.2. Trang phục trong hát Then 26
1.6. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA THEN TÀY 26
1.6.1. Giá trị vật chất 26
1.6.2. Giá trị tinh thần 27
CHƢƠNG 2. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỀN NGHỆ THUẬT HÁT THEN 32
CỦA NGƢỜI TÀY Ở HAI XÃ VĨNH YÊN VÀ NGHĨA ĐÔ - HUYỆN
BẢO YÊN - TỈNH LÀO CAI 32
2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGƯỜI TÀY Ở HAI XÃ VĨNH YÊN VÀ
NGHĨA ĐÔ - HUYỆN BẢO YÊN - TỈNH LÀO CAI 32
2.1.1. Tên gọi, dân số và nguồn gốc lịch sử 32

2.1.2. Đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội 33
2.2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ THUẬT HÁT THEN TRONG HAI XÃ
VĨNH YÊN VÀ NGHĨA ĐÔ, HUYỆN BẢO YÊN, TỈNH LÀO CAI. 35
2.2.1. Các nghệ nhân tham gia vào hoạt động Then 35
2.2.2. Hát Then được đưa vào trường học 37
2.2.3. Sự ra đời của câu lạc bộ hát Then 41
2.2.4. Hội diễn văn nghệ về Then 43
2.3. ĐẶC ĐIỂM CỦA NGHỆ THUẬT HÁT THEN Ở HAI XÃ VĨNH YÊN
VÀ NGHĨA ĐÔ, HUYỆN BẢO YÊN, TỈNH LÀO CAI 44
2.3.1. Tính quần chúng 44
2.3.2. Phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi 45
2.3.3. Thể hiện mong ước của người dân trong cộng đồng 48
2.3.4. Yếu tố tôn giáo tronng Then 49
2.4. HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT HÁT THEN
TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI TÀY Ở HAI XÃ VĨNH
YÊN VÀ NGHĨA ĐÔ, HUYỆN BẢO YÊN, TỈNH LÀO CAI. 52
2.4.1. Chủ trương của nhà nước 53
2.4.2. Chính sách của địa phương 55
KẾT LUẬN 57
TÀI LIỆU THAM KHẢO 59
PHỤ LỤC


1

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Nói đến Then là nói đến loại hình sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian
của người Tày, là hình thức diễn xướng dân gian dân tộc có từ ngàn xưa.Then

có ở nhiều nơi trên đất nước ta, bởi ở đâu có cộng đồng người Tày sinh sống
thì ở đó có Then. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vùng Then tập trung đông nhất
phải kể đến các huyện như Văn Bàn,Bảo Yên, Sapa, Cam Đường…
Vĩnh Yên và Nghĩa Đô là hai xã của huyện Bảo Yên có nhiều dân tộc
anh em sinh sống, trong đó người Tày chiếm hơn 90%, là tộc người có quá
trình cộng cư lâu đời ở đây. Đến nay họ vẫn bảo lưu được những nét văn hóa
đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Việc nghiên cứu các yếu tố văn hóa của dân tộc là việc làm cần thiết, phù hợp
với tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 khóa IX
của Đảng ta: “Phải nghiên cứu để bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa
truyền thống của các dân tộc ít người ở Việt Nam”. Đây cũng chính là những
cơ sở đầu tiên giúp ta có thể thực hiện mục tiêu mà Đại hội VIII của Đảng
năm 1996 đề ra “Khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hóa, nghệ
thuật của các dân tộc trên đất nước ta, tạo ra sự thống nhất trong tính đa
dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam” [9, 13].
Có thể nói việc tìm hiểu đề tài “Tình hình phát triển của nghệ thuật hát
Then ở hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai” có ý
nghĩa to lớn về mặt lý luận khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn.
Về mặt lý luận, đề tài sẽ góp phần làm rõ sự phát triển của hát Then ở
hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và ảnh hưởng
của nó tới đời sống tinh thần của cộng đồng người Tày tại hai xã Vĩnh Yên và
Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
2

Về mặt thực tiễn, hát Then là thể loại dân ca có từ lâu đời và giữ một
phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Tày. Do đó việc nghiên
cứu văn hóa người Tày nói chung và nghiên cứu Then Tày nói riêng, sẽ góp
phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người Tày. Qua đó có thể tìm
ra những biện pháp nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy loại hình dân ca này
trong cuộc sống hiện đại.

Là một người con của dân tộc Tày, tôi nhận thức rõ điều đó. Bằng niềm
tự hào và trân trọng những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, tôi đã chọn
“Tình hình phát triển của nghệ thuật hát Then ở hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa
Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai” là đề tài khóa luận tốt nghiệp.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Trước năm 1945, hầu như không có các công trình sưu tầm, nghiên cứu
trực tiếp về Then.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Then đã thu hút được sự quan tâm
của các nhà sưu tầm, nghiên cứu và đã được giới thiệu trên các phương tiện
thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức: Cải biên sáng tác, dịch và giới thiệu
văn bản, sưu tầm nghiên cứu, in sách, tạp chí,…
Từ năm 1945 đến năm 1970 là thời gian Then được sưu tầm để khai thác
chủ yếu ở góc độ nghệ thuật đàn hát và múa. Tiêu biểu là việc giới thiệu và
xuất bản các trích đoạn Then Khảm hải (vượt biển), một bản của Hoàng Hạc
(trong “Truyện thơ Tày Nùng”, Nhà xuất bản văn học ấn hành) và một bản
của Nông Minh Châu. “Khảm hải” thực ra chỉ là một đoạn trong hành trình
Then lên Mường Trời, thường được tiến hành trong các đại lễ của Then.
Sau năm 1970, việc sưu tầm và nghiên cứu Then được đẩy mạnh. Tác giả
Dương Kim Bội cho ra mắt cuốn “Lời hát Then”, Nxb Việt Bắc, 1975, đây là
cuốn sách đầu tiên giới thiệu với độc giả về nội dung chính của hát then dưới
dạng nguyên bản tiếng Tày. Ngoài ra còn có bài viết “Quá trình chuyển hóa
3

của Then và yếu tố hiện thực trong Then” đăng trên Tạp chí văn học, số 3,
1977 của tác giả Nông Quốc Thắng, bài viết tập trung phân tích vị trí của
Then trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Tày.
Từ năm 1980 đến năm 1990, việc sưu tầm, nghiên cứu Then có phần bị
chững lại. Từ năm 1990 trở về đây, việc sưu tầm và nghiên cứu Then có phần
khởi sắc với những thành tựu trong việc sưu tầm và giới thiệu các văn bản Then.
Nhiều công trình Then đượcgiới thiệu dưới hai dạng: dạng in ấn xuất bản và

dạng bản thảo gửi dự xét thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hàng năm.
Các văn bản Then được xuất bản như: “Khảm hải - vượt biển”, Nxb Văn hóa
dân tộc, 1994, của tác giả Vi Hồng, “Then bách điểu” của nhóm tác giả Hoàng
Tuấn Cư, Vi Quốc Đình, Nông Văn Tư, Hoàng Hạc, “Bộ Then tứ bách” Lục
Văn Pảo, “Then và những khúc hát”, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000 và “Lễ hội
Dàng Then”, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011 của tác giả Triều Ân.
Gần đây nhất, GS.Ts. Ngô Đức Thịnh với bài “Then - một hình thức
shaman của người Tày ở Việt Nam”, đăng trên Tạp chí văn hóa dân gian,đây
là một bài tổng luận vừa cô đọng vừa mang tính khái về vấn đề liên quan đến
Then. Ở đây các vấn đề cơ bản được trình bày một cách có hệ thống như:
Then trong hệ thống tín ngưỡng của người Tày; Nguồn gốc và bản chất của
Then; Tín ngưỡng Then - sự sản sinh và tích hợp các giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, những tài liệu kể trên chưa có tài liệu nào nghiên cứu chuyên
sâu về nghệ thuật hát Then ở hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên,
tỉnh Lào Cai. Vì vậy, trên cơ sở những tài liệu trên, nhất là dựa theo những tài
liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên, cũng như thu thập được
trong thực tế tôi đã nghiên cứu và tổng hợp để hoàn thành khóa luận này.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích
Khóa luận nghiên cứu về nghi lễ Then của người Tày nhằm tìm hiểu
giá trị của những tập tục, tín ngưỡng dân gian của một bộ phận đóng vai trò
4

quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc đó là tầng lớp Then. Từ đó
làm căn cứ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong cộng cuộc
xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ
Khảo sát một số nghi lễ Then cụ thể để góp phần cung cấp một tư liệu
thực tế cho việc nghiên cứu thực tế cho việc nghiên cứu Then nói chung và
nghi lễ Then ở hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

nói riêng.
Tìm hiểu các yếu tố văn hóa tín ngưỡng và đánh giá một cách khách
quan vị trí của Then trong đời sống tâm linh của người Tày ở hai xã Vĩnh Yên
và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Rút ra những giá trị cũng như hạn chế của Then để từ đó đưa ra những
đề xuất cho việc bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện nay.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: Khóa luận chỉ đi sâu vào nghi lễ Then cùa người Tày ở
hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai nhằm góp phần
cung cấp tư liệu và làm rõ những đặc điểm của loại hình nghệ thuật này trong
đời sống của cộng đồng.
Về không gian: Tìm hiểu nghi lễ Then của người Tày ở hai xã Vĩnh
Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Thời gian: Những biểu hiện của Then Tày ở hai xã trên từ năm 2000
đến 2013 với những giá trị tuyền thống và giao thoa văn hóa.
4. Nguồn tƣ liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tƣ liệu
Nguồn tư liệu chủ yếu được sử dụng trong đề tài này là các sách báo,
luận văn và tạp chí. Đặc biệt, người viết còn sử dụng tài liệu thu thập được từ
phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và các nghệ nhân
qua công tác điền dã.
5

4.2. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để thực hiện khóa luận này, tôi đã vận dụng phương pháp nghiên cứu sau:
Sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic, trong đó
phương pháp lịch sử là chủ yếu.
Sử dụng phương pháp khảo sát điền dã dân tộc học tại địa bàn nghiên
cứu để thu thập thông tin, số liệu.
Sử dụng phương pháp giám định tư liệu, xử lý các tài liệu điền dã đã

thu thập được trên cơ sở tiếp cận địa lý lịch sử để đảm bảo tính chính xác.
Sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu để trình
bày kết quả nghiên cứu của khóa luận.
5. Đóng góp của đề tài
Đây là công trình nghiên cứu một cách hệ thống về nghệ thuật hát Then
của một bộ phận tầng lớp đóng vai trò quan trọng trong đời sống và tín
ngưỡng tôn giáo của người Tày ở hai xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, huyện Bảo
Yên, tỉnh Lào Cai mà ít khi và khó tiếp cận, từ đó thấy được nét đặc sắc trong
văn hoá của dân tộc Tày ở Vĩnh Yên và Nghĩa Đô nói riêng và đồng bào Tày
ở Bảo Yên nói chung.
Thông qua đề tài này, tôi đã sưu tầm một số bài hát Then cổ, phỏng
vấn một số nghệ nhân tâm đắc với hát Then, góp một phần công sức nhỏ bé
trong công tác tìm hiểu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền
thống của người Tày ở Lào Cai.
6. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, khóa luận
được chia thành 2 chương như sau:
Chương 1: Khái quát về nghệ thuật hát Then
Chương 2: Tình hình phát triển nghệ thuật hát Then của người Tày ở hai xã
Vĩnh Yên và Nghĩa Đô - Huyện Bảo Yên - Tỉnh Lào Cai.
6

NỘI DUNG
Chƣơng 1
KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT HÁT THEN

1.1 . KHÁI NIỆM VÀ NGUỒN GỐC CỦA HÁT THEN
1.1.1. Khái niệm
Then là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của dân tộc Tày, cũng như
các loại hình dân ca khác nó mang tính chất quần chúng. Do vậy có rất nhiều

quan niệm khác nhau về Then, nhưng hầu hết các quan niệm đều đi đến một
khái niệm chung gần thống nhất như sau:
Một là, Then là tên gọi một hình thức nghi lễ có sử dụng nhạc cụ (đàn
tính, chùm nhạc xóc bằng đồng) và những khúc hát thờ cúng. Then còn là tên
gọi chỉ các hình thức dân ca của người Tày gọi là hát Then thường diễn ra
trong các dịp lễ trọng đại của làng xã (hội lồng tồng - lễ xuống đồng, lễ hội
Nàng Hai - lễ hội Nàng Trăng…) hay trong gia đình (lễ cầu bình an, giải hạn,
làm nhà mới, đám cưới, cầu hoa…) [5, 21 - 22]
Hai là, Then là “tiên” (tiếng Tày gọi là sliên). Tiên là do biến âm của
chữ Thiên tức là trời. Như vậy, người làm Then thuộc “dòng dõi” thần tiên là
người của nhà trời. Họ là người giữu mối liên hệ giữa trần gian với Ngọc
Hoàng và Long Vương. Nhiều tài liệu nói họ là người biết nghi lễ cúng bái,
khi làm Then họ đại diện cho người trần gian gặp người của mường trời cầu
xin thần linh cho trần gian được mọi sự tốt lành, tai qua nạn khỏi, sinh con đẻ
cái đầy nhà [5, 22].
1.1.2. Nguồn gốc của hát Then
Nghi lễ Then xuất hiện từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của
người Tày. Người ta khó có thể xác định một cách chính xác về nguồn gốc
của Then. Tuy nhiên, “Trong Hội nghị sơ kết công tác sưu tầm , nghiên cứu
7

về Then tháng 12 -1975 được tổ chức tại Sở Văn hóa Thông tin khu Tự trị
Việt Bắc, phần lớn các nhà nghiên cứu, sưu tầm có mặt trong Hội nghị đều
thống nhất với ý kiến của hai ông Bế Văn Phủng (1567 -1637) và ông Nông
Quỳnh Văn (1565 - 1640) cho rằng Then có từ thời Lê, Mạc (cuối thế kỷ XVI
đầu thế kỷ XVII). Ý kiến này dựa vào truyền thuyết dân gian và một bản văn
bản vần chép tay chữ Nôm sưu tầm được ở Đức Long - Hòa An - Cao Bằng
tên là Phá tề tể ôn có nói tới nguồn gốc của Then. Nhà nghiên cứu văn hóa
dân gian Hoàng Triều Ân trong cuốn Then Tày những khúc hát, sau khi phân
tích một số bài Then cổ của người Tày và chứng minh rằng người Tày có

truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa (Chín chúa tranh vua) đã đi đến kết luận:
Cây đàn tính và lời hát Then lúc đầu là của dân gian, về sau được chuyển
vào cung đình với sự tham gia của giới tri thức mà trở nên hoàn thiện và bài
bản hơn. Khi triều đình nhà Mạc tan rã, Then theo các nghệ nhân trở về với
dân gian và tồn tại cho đến ngày nay” [2; tr 26, 27].
Theo lời kể của nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ - xã Vĩnh Yên, huyện
Bảo yên: “Nghi lễ làm Then và hát Then có từ thời cha ông cách bà 9 đời rồi.
Nghi lễ làm then là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm chất tâm
linh và huyền bí, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian từ nghệ thuật đến
ngôn từ, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật âm
nhạc,… nên gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người Tày tỉnh Lào Cai
nói riêng và của dân tộc Tày ở Việt Nam nói chung” [Tư liệu điền dã].
Hiện nay nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai vẫn được duy trì và tồn
tại, song có một số nghi lễ then đặc biệt như Lễ Pang Luông (Then cấp sắc)
của người Tày Lào Cai đã bị mất đi, chỉ còn các Nghi lễ Then nhỏ như: Then
giải hạn, then gọi vía, then cầu an,….tồn tại ở các huyện như Văn bàn, Bảo
Yên, Bảo Thắng, Sa Pa, thành phố Lào Cai. Sở dĩ Then Tày tồn tại đến ngày
nay bởi sự tin tưởng của người Tày về sức mạnh của các thầy Then và sự linh
8

thiêng của thần linh, đồng thời Then và nghi lễ Then còn phản ánh được nhiều
bản chất đặc trưng trong văn hóa Tày.
1.2. THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN DIỄN RA HOẠT ĐỘNG THEN
1.2.1. Thời gian
Tùy vào mục đích của mỗi cuộc Then mà thời gian diễn ra có sự khác
nhau.
Then cầu mong, Then giải hạn thì diễn ra sau ngày 15 tháng giêng cho
đến hết tháng tư âm lịch, với quan niệm đầu năm giải hạn và cầu mong cho cả
năm được yên ổn. Ngược lại, Then tống tiễn lại thường được tổ chức vào cuối
năm, đó như một sự dọn dẹp nhà cửa, xua đuổi hết vận xui, tà ma đi để đón

những điều tốt lành vào năm mới.
Còn các loại Then chữa bệnh, Then văn nghệ có thể diễn ra vào thời
gian bất kì trong năm. Đối với Then chữa bệnh cứ khi nào gia đình có người
ốm, chữa mãi mà không khỏi thì gia chủ sẽ mời thầy về làm Then chỉ cần
tránh những ngày tuyệt họ, ngày khắc với gia chủ là được. Then văn nghệ
thường diễn ra vào các dịp đầu xuân năm mới, ngày hội của làng bản, trong
các buổi giao lưu, hội diễn…
Trước đây, người Tày thường tổ chức các nghi lễ Then vào buổi tối, vì họ
quan niệm ban ngày của con người là ban đêm của ma và ngược lại ban đêm
của con người là ban ngày của ma. Tổ chức Then vào buổi tối để thầy Then
có thể dễ dàng gặp và nói chuyện với ma hơn ban ngày. Nhưng ngày nay do
ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại họ không còn quá tin vào chuyện ma quỷ
nên họ thường tổ chức vào ban ngày vừa để việc chuẩn bị đồ lễ, vật cúng diễn
ra dễ dàng hơn.
1.2.2. Không gian diễn ra hoạt động Then
Không gian biểu diễn nghi lễ Then chủ yếu trong không gian nhỏ hẹp
(trong nhà và trước bàn thờ là chủ yếu). Đây là không gian chính để trình bày
9

các bài hát Then, các trò diễn và các trò chơi dân gian. Ngoài ra thanh niên
nam nữ và thầy Then, thầy Tào cùng tham gia ném còn, đánh én ở ngoài
đồng. Nghi lễ Then mô tả lại cuộc hành trình của thầy Then xuất hồn đi đến
các nơi lên Thiên đình, xuống Thủy cung, lên núi Khau khắc, xuống cõi
âm…trong không gian này hầu hết người xem không thể hiểu được những
hành động của thầy Then, mà chỉ có nàng Hương và những người hành nghề
Then mới có thể hiểu và biết được con đường đi của các thầy.
Ngoài ra, nghi lễ Then còn được tổ chức trên sàn và dưới gầm sàn nhà
của người Tày hay ở một khu ruộng bằng phẳng nằm giữa làng. Phần nghi lễ
Then chủ yếu thực hiện trên nhà là chính, gia chủ phải trang trí từ của tịch
trong nhà cho đến cửa hoa và chỗ ngồi của thầy Then. Phần hội như đánh yến

(én), tung còn được thực hiện ở bãi đất bằng, phần này được thực hiện sau khi
nghi lễ kết thúc. Đây chính là không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong nghi
lễ Then của người Tày, bởi lẽ trong nghi lễ Then Tày tổ chức có quy mô, có
bài bản và có sự đan xen giữa nhiều loại hình nghệ thuật với các trò chơi dân
gian truyền thống. Đặc biệt, môi trường diễn xướng của hát Then có sự kết
hợp hài hòa giữa các trò chơi, trò diễn (múa dậm thuông, múa rước công
chúa, múa xòe) các trò chơi như: trò chọi trâu bằng thân cây chuối, đuổi rùa
cày nương, trẻ em chơi các trò gõ ống nứa,…
Không gian của nghi lễ Then là một không gian chứa đựng nhiều giá trị
văn hóa truyền thống khác nhau, là môi trường giữ gìn, bảo tồn và phát huy
các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nó như một thước phim
diễn tả lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của người Tày, quá trình
thích nghi, thích ứng với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt để duy trì sự
sống. Bên cạnh đó các hoạt động diễn ra trong nghi lễ Then cũng cho thấy đời
sống tinh thần hết sức phong phú của đồng bào Tày ở Lào Cai.
10

Có thể nói nghi lễ Then Tày là không gian sinh hoạt văn hóa, không gian
thực hành các nghi lễ truyền thống diễn ra một cách bài bản, khoa học với các
nghi lễ khác nhau thể hiện nhu cầu tâm linh của người dân.
1.3. MỤC ĐÍCH CỦA HOẠT ĐỘNG THEN
1.3.1. Then cầu mong, giải hạn
Người Tày thường tổ chức lễ này vào tháng giêng cho đến hết tháng tư
âm lịch hàng năm. Người ta đón ông, bà Then về nhà để làm lễ cầu bình an,
cầu cho làm ăn suôn sẻ, cầu lộc con cái, xua đuổi vận xui hay năm đó trùng
tuổi với một thành viên trong gia đình thì thầy Then sẽ cầu cho thành viên đó
được tai qua nạn khỏi…
Lễ cầu an
Lễ cầu an còn là ngày để xóm làng hội tụ, vui xuân. Đây là loại Then
vui, hát về tình ca, sử ca. Thường thì người ta mời các ông bà Then có giọng

hát hay, biết nhiều làn điệu đàn giỏ về làm lễ trong ngày này để mọi người
cùng thưởng thức.
Lễ cầu tự
Người Tày ví con cái là bông hoa. Do vậy, những đôi vợ chồng mới
cưới hay không có con đều mời Then về làm lễ cầu tự hay còn gọi là cầu
va…Họ hy vọng Then sẽ hát xin với Hoa Vương Thánh Mẫu - Nữ thần trông
coi về tình yêu, hạnh phúc, con cái của thiên hạ. Người Tày cho rằng bà là bà
mụ của những đứa trẻ, do vậy bà có thể ban phát hoa vàng, hoa bạc cho ai là
tùy. Mặt khác, bà có thể ban phát sức khỏe cho bọn trẻ…
Lễ cầu mùa
Đây là lễ mang tính chất cộng đồng, làng bản. Thường được tổ chức
vào ngày đầu xuân tại nơi thờ thổ công, miếu thần hoặc trên thửa ruộng của
làng. Người ta mời ông Then, bà Then có nơi mời thầy Mo, thầy Tào về làm
lễ với mục đích cầu mùa. Lễ này ngoài những đoạn hát mang tính nghi lễ, ông
11

bà Then còn hát về những đoạn năm tháng, lịch, kinh nghiệm làm ăn của từng
tháng trong năm. Ngày này còn là ngày tụ hội làng bản vui xuân, chúc mừng
năm mới vui vẻ sau một năm làm việc mệt nhọc.
1.3.2. Then chữa bệnh
Trước đây, dân tộc Tày cũng như các dân tộc thiểu số khác đều cho
rằng người ốm, chết do nhiều nguyên nhân. Nhiều người ốm do không hiểu
nguyên nhân sinh bệnh nên họ cho rằng do ma quỷ làm hại. Có thể do hồn bị
xúc phạm bỏ đi hay do quá sợ hãi cũng hốt hoảng bỏ đi. Khi đó muốn biết
người ốm bị làm sao, người ta phải nhờ đến thầy Then giải quyết. Thầy Then
có khả năng thương lượng với thần linh, dùng sức mạnh trấn áp quỷ thần, có
khả năng sai khiến âm binh đi tìm hồn về nhập vào xác. Then chữa bệnh bằng
sức truyền cảm âm nhạc, thơ ca, phần nào làm trọn chức năng an ủi, dỗ dành
nỗi đau của người bệnh, làm cho người bệnh cảm thấy tâm hồn thanh thản
hơn sau buổi làm Then. Đây là phương pháp chữa bệnh bằng tinh thần của

người Tày từ xa xưa, đến nay vẫn còn tồn tại.
1.3.3. Then tống tiễn
Những gia đình có người chết hay đứa trẻ xấu số, sau khi chôn cất
xong, chọn được ngày lành, người Tày thường đón Then về làm lễ tiễn hồn
người chết đi ra khỏi nhà để không quấy rối những người đang sống. Hay có
người ăn xin, người bị tai nạn chết ở cổng nhà…người Tày quan niệm đó là
những linh hồn xấu, là ma đói nếu không tống tiễn đi sẽ vào nhà quấy rối, sẽ
khiến gia đình gặp nhiều tai họa.
1.3.4. Then trung lễ, đại lễ cấp sắc
Những người làm Then thường 3 - 5 năm phải làm lễ cấp sắc (tiếng tày
gọi là Pang) gọi là đại lễ. Nhưng cũng có Then vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn,
không có khả năng làm lễ đúng kỳ hạn thì phải làm trung lễ để khất. Người
Tày gọi trung lễ là “khất pang”, chỉ mời một người làm Then đến giúp và chỉ
12

cần chút hương, hoa quả thiết đãi binh mã và tổ sư đồng thời xin khất với
Ngọc Hoàng đến kỳ sau sẽ làm đại lễ.
Đại lễ của nhà Then là lễ đem lễ vật gồm hương, hoa, trà rượu vàng
bạc, châu báu, gạo thịt, bánh trái, tiến dâng lên Ngọc Hoàng, Thượng Đế để
thỉnh cầu nhà vua ban cấp cho Then. Mỗi lần làm lễ cấp sắc là mỗi lần Then
lên chức, Then nào lo làm cấp sắc nhiều lần thì chức tước càng được lên cao,
tăng thêm uy tín với quần chúng, có quyền hạn oai phong giải quyết nhiều
việc cứu nhân độ thế.
Trong Then có chức tước quyền hạn được phân chia theo từng cấp độ
khác nhau và rõ ràng. Cấp sắc là một lễ quan trọng, chức tước của Then được
đánh dấu bằng tua trên mũ của các ông bà Then. Số tua cao nhất có thể lên tới
15. Khi không làm Then nữa, một số nơi vẫn tổ chức lễ này nhưng với mục
đích tạ ơn.
Việc chuẩn bị cho nghi lễ Pang Luông khá cầu kĩ lưỡng và cầu kỳ:
người được làm lễ cấp sắc phải tu sửa nhà cửa, tân trang lại nhà cho đẹp và

sạch sẽ, sáng sủa, lựa lại một số bức vách, lắp lại nơi thờ tổ tiên, làm tịch để
thờ tổ thủ nhà Then. Chuẩn bị các bát nhang trong thờ tịch, các bàn treo trong
tịch như vòm các hang động để khi thực thờ trang trí vào trông vừa linh
thiêng vừa huyền ảo.
Lễ vật chuẩn bị bao gồm: Lễ vật thể hiện cho hoạt động săn bắt các loại
động vật hoang dã ở sông, núi, rừng, sông suối như hươu nai, lợn rừng, chuột,
sóc, dúi, chim, gà rừng, cá suối,…với ý nghĩa là nghề cúng bái có từ thời
nguyên thủy, lúc người ta chưa biết chăn nuôi, thuần hóa được các loài súc
vật để trả lễ cho ma quỷ, thần thánh phải săn bắt các loại thú hoang. Nếu
không có vật thật thì lấy củ nâu, củ chuối làm giả như thật để khi cúng thầy
xướng tên có con vật như thật là được.
13

Lễ vật thể hiện cho hái lượm là các loại rau, lá rừng ăn được như: lá mạ
non, rau bấc, rau dớn, ngọn lau, chuối rừng… hái về cho vào ống nứa non lam
chín. Lễ vật thể hiện cho chăn nuôi là trâu bò, lợn, dê, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá
chép, cá diếc…Các lễ vật này vừa là món đồ lễ chủ đạo, vừa dùng vào bữa ăn
của ngày đại Pang. Các lễ vật thể hiện cấy trồng là cum lúa, rau cải, rau bí, đu
đủ, khoai sọ…các loại bánh như bánh dày, bánh khô, bánh chưng, các loại
rượu, cơm xôi 7 màu…Ngoài ra còn có các lễ vật phụ khác như: trầu, cau,vôi,
thuốc lào, nước chè, ống điếu…
Những nhân vật thực hiện lễ Pang Luông gồm có: Chủ nhân thầy Then,
là người trực tiếp hành nghề cúng bái, thầy các đám ma, tên theo gọi của nhà
Then là “Cướng Then, Cướng thầy, Cướng Một”, khi ma nhập vào họ tự
xưng là “ Thằng Cường”. Nhiệm vụ của Thằng Cường là chủ động đề xuất tổ
chức lễ Pang Luông.
Nhân vật thứ hai đó là “Quan láng” là một người rất giỏi nghề cúng bái
và biết nhiều kiểu cúng, chuyên làm việc là cúng lễ Pang cho nhà thầy Then,
tổ thư thờ cái ống nhang lên vách, không lập “ táng tịch”.
Nhân vật thứ ba là “Nàng Then” là vợ của thầy Then (nếu thầy Then là

nữ, người chồng gọi là chàng Then). Nàng Then lo tất cả các vật phẩm, điều
hành người giúp việc, mời bảo, thầy, khách theo quy mô của lễ Pang, làm chủ
tài khoản, quản lý lễ hội, mời các thành viên khác đến giúp lễ Pang.Thứ tư là
“Nàng Hương” là người ngoài nhà thầy Then ở trong họ hay ngoài họ đều
được. Nhiệm vụ của Nàng Hương là luôn bên cạnh thầy Then và Quan láng để
thay nhau thắp hương, đèn, nến trong suốt lễ Pang. Ngoài ra còn có các nhân
vật như Nàng Khiển, Nàng Thuông, Báo Chay, những người trong họ tộc.
Diễn biến chính của nghi lễ Pang Luông, lễ này do Quan láng điều
hành, diễn ca bằng lời khắp Then, bằng thơ xen giữa lời Tày, có một số đoạn
cần bằng lời tiếng Kinh. Thứ tự các bước như sau:
14

Bước 1: Nhờ hương đi mời tổ thư, phấp thư, tướng quân binh để tiến
hành lễ: Quan láng Khắp bài “Sự tích cây hương” nhờ hương đi mời tướng,
quan, quân binh trên phố núi thanh lâm, phố đầu các tuyến đường gọi là
Thanh Lý, đến tại nhà diễn ra lễ hội hưởng cỗ và hành lễ dâng Pang. Dưới đây
là bài hát “ Sự tích cây hương” hay còn gọi là hát Then “ Sôi hương” do
nghệ nhân Ma Thanh Sợi, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên và Nghệ nhân Hoàng
Thị Cứ xã Vĩnh Yên, Bảo Yên hát và dịch:
Gốc hương ở đất Việt
Rễ hương ở đất Ngô
Chuột tha tổ rơi hạt
Chim tha tổ gieo giống
Rơi núi đá cùng ve
Gieo rừng sâu cùng ngoẵng
Ba ngày hạt nảy mầm
Bốn ngày mọc lá non
Đêm ngày đầm mưa nắng
Cây cư mọc tự nhiên
Năm tháng bị gió quật

Cành lá vẫn xanh tươi
Ba mươi năm mới có nhựa giả
Năm mươi tuổi mới có nhựa thơm
Hạ giới lấy dao sắc vào băm
Thế gian lấy dao mỏng vào chặt
Nước vỏ trám tứa ra
Nhựa tram thơm đặc quánh
Que hương cây nứa khô
Vỏ hương sơn nhựa trám
15

Làm nên đôi hương đẹp động quan
Làm nên đôi hương thơm động tướng
Mọi người làm hương cho việc cúng
Mọi lễ tìm khói hương đưa đường
Cúng bái lấy khói hương mời quan.
Bài Sôi Hương do nghệ nhân Hoàng Thị Cứ hát có lời và dịch như sau:
Hương này lấy đâu về?
Gốc hương ở đất Hác, đất Ngô ( Trung Quốc)
Con chim nó cặp quả về rơi
Con chuột nó cạp giống quả về rơi ở rừng xanh
Mọc lên người thế gian lấy làm cho người Then
Để nó đi cúng đến đâu cũng không có trục trặc
Người thế gian lấy dao bóc vỏ
Phơi khô mới cho vào lỏong (cối) giã thành bột
Lấy thanh cây nứa lăn vào thành cây hương
Thắp cho ông (bà ) Then đi cúng [Tư liệu điền dã].
Bước 2: Chuẩn bị cho hành lễ dâng Pang: Bao gồm lễ đón nước sạch,
tìm cây lá thanh thảo, tìm cây mía, lễ chạt mát (tắm rửa cho tất cả các thế lực
thực hiện đám Pang) bằng nước ngâm lá thanh thảo, lễ cấm tà cho nhà dâng

Pang, dâng lễ.
Bước 3: Điệu lễ dâng Pang lên các vị ở trên Mường Trời: Thư biện
biên nhận tất cả các lễ vật dâng Pang, các loại lễ vật dâng lên từng loại ma
được hưởng để rồi đến khi đến nơi, phần nào giao cho vị nào, không pha tạp,
ôm đồm lẫn lộn gây phiền nhiễu cho đoàn dâng Pang. Cuộc hành trình dâng lễ
đi theo đường lên trời như đường lên phố Thanh Lý, nhưng khi đến gần phố
Thanh Lý không rẽ vào đó mà rẽ theo đường lên Mường Thiên.
16

Bước 4: Đoàn rước, dâng lễ đi qua ba tầng không gian: Chặng thứ
nhất là quãng đường đi qua các miền của mặt đất còn gọi là hạ giới thế gian.
Chặng thứ hai là bay lên không gian bao la, trên đó có những đường lối đi lại,
có cánh đồng, rừng núi, sông suối, cỏ cây như mặt đất nhưng không phải mặt
phẳng mà xếp từng tầng lên cao dần cho tới tận Mường trời. Chặng thứ ba,
bắt đầu trao lễ vật cho các thần canh giữ vào Mường Trời. Đoạn này là rắc rối
nhất, phải vượt sông, vượt biển để đi vào Mường Thiên. Chặng thứ tư, bắt đầu
đến Mường Trời lúc này Quan láng mới hướng dẫn đoàn dâng lễ đến từng nơi
phải nộp lễ theo thứ tự: Ngọc Hoàng Thượng Đế, các đức Vua ông, Vua cha,
các đức Hảo hình, Hảo quang, thần dưới nước ở Mường Trời, thần Hổ lang ở
Mường Thiên, đức ông Tạo Xả vui đùa nhảy thuông, nhảy múa với đức ông,
vị này vui nhộn nhất. Khi đã giao hết các lễ vật, đoàn bắt đầu đi du xuân trên
Mường Thiên. Đến chỗ này nhiều trò diễn được tạo dựng, các khoang bày lễ
vật được cất đi, các nàng Hương, nàng Khiển, Báo Chay nhảy thuông, múa
thuông rầm rập hết các gian nhà. Khi đã được các thần các tướng trợ sức,
Thằng Cường bắt đầu trổ tài phép thuật, ảo thuật như lăn gai, nhảy qua vòng
lửa, trèo thang dao sắc lên ngồi vào bàn chông ở trên gác cao bày mấy cái ghế
cắm chông nhọn hoắt ở trên đấy. Xong Thằng Cường mới cảm ơn tất cả các
tướng, bước xuống sàn nhà cùng nhảy múa với bách tính muôn dân thể hiện
sự hòa nhập đi giữa lòng nhân dân. Sau một thời gian diễn đủ các trò, xòe,
múa trên Mường Thiên, Quan láng bắt đầu thu quân trở về quê hương bản

quán khao tướng quan, quân dân. Rồi mời các vị ấy quay trở về thành phố
Thanh Lâm, Thanh Lý.
Bước 5: Lễ hội bước vào cuộc ăn uống để liên hoan, chúc tụng,
thăm hỏi nhau. Không khí tại bước này thật sự vui vẻ hòa nhập, cuộc vui
đến hết ngày khi các khách xong bữa, quan láng mới tiến hành lễ hạ nhập,
nhập hết nhạc cụ, đạo cụ vào trong tịch hòm, đến lúc này mới xong lễ
Pang luông.
17

1.3.5. Then văn nghệ
Loại Then này thường phục vụ cho sinh hoạt, hội hè, với mục đích giải
trí là chính. Nếu như bốn loại Then trên những thầy Then phải là những người
có căn số hay nối nghiệp của gia đình thì Then văn nghệ lại không bị khống
chế vì điều đó cho nên thu hút được đông đảo các tầng lớp tham gia. Lời Then
là những lời ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ. Ví dụ
như bài hát Then “Bảo Yên điệu Then em hát” sau:
Ngân nga thiết tha tiếng đàn
Vang xa mãi một bài ca
Điệu Then quê mình, lời Then quê mình
Mùa xuân em hát Bảo Yên
Bên nhau lắng trong tiếng đàn
Yêu nhau hát một lời thương
Điệu Then ân tình, ngàn năm chung tình
Mùa xuân hương sắc Bảo Yên
Lời Then xưa em hát đấy
Lời Then xưa em khôn lớn đấy
Có ngàn xanh Mã Yên Sơn
Có dòng sông mang yêu thương
Với ruộng nương ngọt lành rừng núi
Bảo Yên, bài ca hôm nay em hát

Có tiếng hát, hát rằng nơi đây
Có cuộc sống đổi thay từng ngày
Theo tiếng đàn của cha
Trong bước xòe của mẹ
Điệu đàn Then, nhịp xòe Then xao xuyến)
Em hát để yêu mãi (ơ) quê hương [Tư liệu điền dã].
18

1.4. NHẠC CỤ SỬ DỤNG TRONG HÁT THEN
Nhạc cụ trong Then chủ yếu là đàn tính và nhạc xóc, nhưng chuông
cũng có lúc được sử dụng nhiều tuy nhiên rất ít. Tuy chỉ có hai nhạc cụ chính
nhưng các cuộc Then có thể đảm nhiệm được phần nhạc đệm cho hát, cho
múa và cả những bài nhạc không lời, nhạc lưu không. Một số đoạn mang nội
dung cầu cúng, bẩm báo hay trình diện Then còn sử dụng chuông như một sự
báo hiệu với tính chất nghiêm trang kính cẩn. Qua khảo sát nhạc cụ trong
Then ở địa phương, thấy phổ biến và chủ yếu những loại nhạc cụ sau.
1.4.1. Đàn tính
Đàn tính trong Then người Tày gọi là “ăn tính”. Là nhạc cụ quan trọng
nhất trong hát Then của người Tày, xuất xứ cây đàn tính của người Tày được
kể lại như sau:
Truyền thuyết kể lại rằng: Ở một đoạn suối nọ của bản người Tày có
hòn đá cuội to bằng ba nhà sàn của người Tày, trên lưng hòn đá có một vết
sẹo to. Trong bản có một thanh niên mồ côi không cha không mẹ làm lều ngủ
trên lưng đá, hàng ngày đi mò cua, bắt ốc nuôi thân. Rồi một ngày bất ngờ
cơn gió đã đưa quả bầu khô trôi theo dòng nước về nằm trên hòn đá cuội nơi
chàng thanh niên ở. Thấy lạ, chàng trai đem về tra cán làm gáo múc nước
hàng ngày.Trong một đêm thanh vắng, lúc côn trùng bay vo ve rồi đâm vào
chiếc dây chài vắt dọc theo cây gáo múc nước hàng ngày, phát ra âm thanh
ấm áp và lôi cuốn. Thấy vậy, chàng lấy ba dây chài kéo qua chiếc gáo rồi gẩy
thì âm thanh càng ấm và trong hơn. Từ đó cây đàn trở thành người bạn tâm

tình của chàng trai cô đơn. Thầm thương trộm nhớ một cô gái trong bản,
hàng đêm chàng mang đàn đến gẩy cho người yêu nghe nhưng nàng không
dậy khiến chàng rất buồn. Không bỏ cuộc, chàng đến hỏi những người cao
tuổi trong bản và được lời khuyên chỉ nên để lại hai dây đàn, chọn gỗ tốt làm
thân đàn. Từ đó tiếng đàn ấm và trở nên có hồn hơn, chàng mang đàn đến
19

nhà cô gái gẩy đã làm cô xao lòng, nghe xong liền xuống tâm sự với chàng
thanh niên mồ côi rồi họ nên vợ nên chồng kể từ đó [Theo lời kể của nghệ
nhân Ma Thanh Sợi].
Tính Then giống tính tẩu của người Thái là nhạc cụ họ dây chi gẩy. Là
nhạc cụ họ dây vì có nguồn rung là dây rung, phương pháp kích âm là dùng
ngón trỏ phải tác động vào dây theo hai chiều nên thuộc chi gẩy. Tính có nhiều
cỡ to nhỏ khác nhau tùy theo từng vùng. Loại to có âm thanh to, khỏe, phù hợp
với giọng trầm ấm, loại nhỏ có âm thanh cao, tươi sáng phù hợp với giọng nữ
trẻ. Loại cỡ trung bình có thể phù hợp với nhiều loại giọng khác nhau. Tính Then
là nhạc cụ dân gian được làm từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương.
Để làm được một cây đàn hoàn chỉnh, công đoạn đầu tiên là chọn vật
liệu. Những vật liệu này sẵn có ở địa phương, bầu đàn còn gọi là “ bầu vang”
làm bằng nửa quả bầu khô, cắt bầu đàn vừa phải, cạo sạch bên trong rồi phơi
khô trong vài ngày. Đàn bầu khoét 4 lỗ để âm hưởng sao cho đều nhau, mặt
đàn được khoét hai lỗ nhỏ để thoát âm hưởng làm bằng gỗ cây vông. Cần đàn
được làm bằng các loại gỗ dẻo, hoặc là cây dâu được đẽo công phu, đánh ráp
cho bóng. Chọn cần đànphải phẳng và nhẹ, chiều dài bằng chín nắm tay của
người chơi. Theo kinh nghiệm dân gian, số đo cỡ nào thì hợp với giọng hát
của người có cỡ đo ấy. Cần đàn trơn không có phím bấm, dây đàn bằng tơ xe
với sáp ong. Khâu quan trọng nhất trong việc chọn nguyên liệu đó là chọn bầu
đàn. Phải chọn được quả bầu không quá to, không quá nhỏ, phải già, hình
dáng bên ngoài phải tròn, đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu thật đanh như thế đàn
mới có âm sắc chuẩn.

×