LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn: Nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết
Chu Lai là nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trung thực và không trùng lặp
với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực
hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đã
được chỉ rõ nguồn gốc.
Học viên
Nguyễn Thị Huyền Trang
LỜI CẢM ƠN
Em xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS Đoàn Đức Phương,
người đã hết lòng dẫn dắt, chỉ bảo tận tình ngay từ những bước đi đầu tiên và
tạo mọi điều kiện thuận lợi để em hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp này.
Nhân dịp này em xin cảm ơn các Thầy Cô trong trường đặc biệt là các
Thầy Cô trong tổ Lý luận văn học khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà
Nội 2 đã cung cấp cho em những kiến thức, hiểu biết mới để em có thể hoàn
thành luận văn và truyền cho em lòng nhiệt tình trong công tác giảng dạy cho
thế hệ sau.
Cuối cùng em xin được nói lời cảm ơn tới những thành viên trong gia
đình, các đồng nghiệp tại trường THPT Cổ Loa, bạn bè đã luôn động viên,
giúp đỡ em trong suốt quá trình làm luận văn.
Em xin chân thành cảm ơn !
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011
Học viên
Nguyễn Thị Huyền Trang
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1.Lý do chọn đề tài 4
2. Lịch sử vấn đề 6
2.1 Những nghiên cứu mang tính khái quát có liên quan đến đề tài 7
2.2 Những nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến đề tài 10
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu 14
4. Phương pháp nghiên cứu 15
5. Dự kiến đóng góp khoa học 15
NỘI DUNG Error! Bookmark not defined.
CHƯƠNG 1: HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
CỦA CHU LAI 16
1.1 Hành trình sáng tác của Chu Lai 16
1.2 Quan niệm nghệ thuật của Chu Lai 19
1.2.1. Quan niệm của nhà văn về hiện thực 19
1.2.2 Quan niệm của nhà văn về con người 34
CHƯƠNG 2: NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT CHU LAI 53
2.1 Nhân vật trong tiểu thuyết 53
2.2 Người lính – Nhân vật chủ đạo trong tiểu thuyết Chu Lai 56
2.3 Các loại nhân vật khác 68
2.3.1 Nhân vật phụ nữ 68
2.3.2 Nhân vật trí thức: 74
2.3.3 Nhân vật kẻ thù 83
Chương 3: CỐT TRUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT CHU LAI 92
3.1 Cốt truyện trong tiểu thuyết 92
3.2 Loại hình cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai 95
3.2.1 Cốt truyện sự kiện-tâm lý 95
3.2.2 Cốt truyện lồng trong truyện 104
3.2.3 Cốt truyện lắp ghép 111
KẾT LUẬN 115
TÀI LIỆU THAM KHẢO 120
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ sau chiến thắng 1975, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI,
nền văn học Việt Nam bước vào thời kì đổi mới ngày càng sâu sắc, toàn diện.
Sự đổi mới văn học được diễn ra trên nhiều phương diện và thể loại trong đó
phải kể đến những thay đổi lớn lao của thể tài tiểu thuyết.
Chiến tranh là một đề tài lớn trong văn học Việt Nam từ trước tới nay.
Sự hiện diện của mảng đề tài này trong văn học chính là sự phản ánh sinh
động nhất bức tranh hiện thực cuộc sống trong những giai đoạn lịch sử đặc
biệt của dân tộc ta. Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam cũng từng bước
trưởng thành qua mỗi chặng đường phát triển của văn học dân tộc. Ở mỗi
chặng đường, đề tài chiến tranh lại được tiếp cận và phản ánh từ những góc
độ khác nhau, theo những cảm hứng khác nhau. Tiếp nối truyền thống văn
học cách mạng, sau khi hòa bình và thống nhất đất nước, văn học vẫn tiếp tục
viết về chiến tranh và phản ánh hiện thực đời sống thời hậu chiến. Thực chất
văn học hậu chiến là một khái niệm ước lệ chỉ một giai đoạn văn học ngay sau
chiến tranh mà cảm hứng chính của nó vẫn là sự suy ngẫm về cuộc chiến đã
qua dưới góc nhìn mới, trong hoàn cảnh mới. Từ rất sớm, trong bài Viết về
chiến tranh(1978), Nguyễn Minh Châu đã đặt ra câu hỏi cho hướng đi của
tiểu thuyết chiến tranh sau thời chiến: "tiểu thuyết viết về chiến tranh sẽ tìm
trong lĩnh vực nào để mình có một chỗ đứng không trùng lặp với chỗ đứng
của hồi kí chiến tranh?". Sự lựa chọn duy nhất là "phải viết về con người". Độ
lùi về mặt thời gian đã khiến cách nhìn nhận về con người của các nhà văn có
sự thay đổi so với giai đoạn trước. Văn học trước 1975 mang đậm quan niệm
con người sử thi, con người chủ yếu được đặt trong mối quan hệ với cộng
đồng, con người làm nền cho các sự kiện, "chỉ đóng vai trò làm đường dây
để xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau". Văn xuôi từ sau 1975 lại nhìn nhận
con người xuất phát từ quan niệm con người cá nhân, từ góc độ đời tư thế sự.
Trong xu hướng phản ánh chung của văn học đổi mới, người lính được phản
ánh từ nhiều bình diện, trong nhiều mối quan hệ của đời sống. Người lính
không chỉ được nhìn nhận bằng nhãn quan lịch sử mà còn được các nhà văn
khai thác ở khía cạnh bi kịch cá nhân. Đây chính là tiền đề cho sự xuất hiện
của một loại nhân vật mang diện mạo tinh thần hoàn toàn mới trong tiểu
thuyết chiến tranh sau 1975. Nhà văn Xuân Thiều, một người lính từng đi qua
hai cuộc chiến tranh của dân tộc đã rút ra những suy ngẫm thấm thía: "Âm
vang của chiến tranh không chỉ là nỗi nhớ về quá khứ chưa xa, mà chủ yếu sự
tác động của chiến tranh hằn sâu vào đời sống và số phận từng con người
cho mãi đến bây giờ, và chưa biết bao giờ mới có thể ví bằng những con sóng
lăn tăn trên mặt hồ sau cơn bão…". Viết về đề tài chiến tranh và người lính
trong cuộc sống ngày hôm nay phải kể đến các sáng tác của Nguyễn Minh
Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Bảo Ninh…Các sáng tác của họ đã cho ta thấy cái
nhìn đau đáu, tạo cho người đọc nhiều ám ảnh về hình tượng người lính phía
sau cuộc chiến.
Nằm trong cuộc vận động đổi mới của văn học, nhà văn Chu Lai cũng
đã có những cách tân, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật để thích ứng trước
những biến động của thời đại. Thông qua các sáng tác của mình, nhà văn đã
góp phần tạo nên sự thay đổi diện mạo mới cho văn học.
Nằm trong dòng thác chung viết về đề tài chiến tranh cách mạng của
văn học thời kì đổi mới, đồng thời đã từng là người lính nên hầu hết các sáng
tác của Chu Lai đều nằm trong "cái vòng cương tỏa của cảm xúc chiến trận".
Chính vì vậy, chiến tranh và người lính là hai mảng đề tài chủ đạo trong sáng
tác của Chu Lai. Đối với nhà văn, đề tài chiến tranh lâu nay vẫn được coi là
"siêu đề tài, nhân vật người lính là siêu nhân vật, càng khám phá càng thấy
những độ rung không mòn nhẵn". Đọc các sáng tác của Chu Lai ta cũng bắt
gặp quan niệm về con người phức tạp, con người là một khối mâu thuẫn lớn.
Mặc dù sáng tác từ rất sớm, thử nghiệm ngòi bút qua nhiều thể loại nhưng
phải đến khi Nắng đồng bằng (1977) xuất hiện thì cái tên Chu Lai mới được
bạn đọc chú ý và tạo được sự quan tâm từ giới phê bình, nghiên cứu. Như
vậy, với thể loại tiểu thuyết, tài năng của nhà văn mới thực sự khoe sắc. Một
loạt các tiểu thuyết như: Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài
lắm…đã tạo nên một Chu Lai với phong cách viết văn rất riêng, để lại dấu ấn
trong lòng độc giả.
Khảo sát tiểu thuyết Chu Lai thời kì đổi mới, chúng tôi nhận thấy có
một sự thay đổi rất cơ bản trong quan niệm nghệ thuật về con người, quan
niệm về hiện thực, đổi mới về thi pháp thể loại… Mỗi tác phẩm trở thành một
khám phá cho những số phận, những bí ẩn trong chiều sâu tính cách và thế
giới tâm hồn của con người. Chính những sự cách tân, đổi mới kể trên đã tạo
nên những đổi mới đáng kể trong tiểu thuyết Chu Lai, đặc biệt ở khía cạnh
nhân vật và cốt truyện.
Việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc các phương diện nói
trên sẽ giúp chúng ta nhận diện một cách chính xác, hợp lý hơn về phong cách
nhà văn cũng như phần nào thấy được xu hướng phát triển chung của văn học
Việt Nam thời kì đổi mới. Đó là lý do để chúng tôi chọn đề tài Nhân vật và
cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai. Các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh
và người lính của nhà văn Chu Lai giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều, sâu
hơn, khách quan và toàn diện hơn về người lính sau cuộc chiến. Từ việc
nghiên cứu Nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai chúng tôi hi
vọng có thể nhận diện được sự đổi mới trong cách xây dựng cốt truyện và
khắc họa chân dung nhân vật của tiểu thuyết đương đại nói riêng và văn học
đổi mới nói chung. Đồng thời qua đó thấy được những chuyển biến cơ bản
của văn xuôi đương đại Việt Nam nói chung, của tiểu thuyết Chu Lai nói
riêng. Chọn đề tài này, chúng tôi mong muốn góp phần khẳng định tài năng,
cá tính sáng tạo và sự đổi mới trong tiểu thuyết Chu Lai cũng như ghi nhận
những đóng góp của nhà văn với nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
2. Lịch sử vấn đề
Sau năm 1975, văn học Việt Nam nói chung, tiểu thuyết nói riêng đã
bước sang một chặng đường mới của tiến trình hiện đại hóa. Tiểu thuyết về đề
tài chiến tranh và người lính không nằm ngoài sự vận động chung của văn
học. Nhìn lại quá khứ đã qua, độ lùi thời gian đã đem lại cho người cầm bút
những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc về số phận người lính. Viết về thời
hậu chiến, thể hiện thành công số phận người lính sau chiến tranh phải kể đến
các sáng tác của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh. Là những nhà văn quân đội,
trưởng thành trong kháng chiến, bằng tài năng và tâm huyết của mình, cả ba
tác giả đã tạo cho người đọc rất nhiều ám ảnh về hình tượng người lính sau
cuộc chiến. Đặc biệt, thông qua một loạt các sáng tác của mình từ sau ngày
đất nước giải phóng, tên tuổi của nhà văn Chu Lai đã được khẳng định và có
vị trí quan trọng trên văn đàn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, văn chương của Chu Lai không
những đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc mà còn gây men cho những
cuộc tranh luận đầy hứng thú kéo dài cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi tạm
chia các ý kiến phê bình, đánh giá đấy thành hai loại: Những ý kiến bàn
chung đến sự đổi mới hiện thực của văn xuôi trong đó có sáng tác của Chu
Lai và những ý kiến bàn riêng về tiểu thuyết Chu Lai.
2.1. Những nghiên cứu mang tính khái quát có liên quan đến đề tài
Đánh giá quá trình vận động của văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu
Trần Đình Sử đã tổng kết trong Mấy ghi nhận về sự đổi mới của tư duy nghệ
thuật và hình tượng con người trong văn học ta thấp kỉ qua: "Nhìn chung có
thể khẳng định được nền văn học nước ta sau năm 1975 đánh dấu sự biến đổi
đáng kể của tư duy văn học và đang ở vào thời kì mới, thời kì hứa hẹn một sự
khám phá và tái hiện hình tượng con người nhiều mặt trong tất cả chiều sâu
phong phú của nó…".
Nhìn chung các bài nghiên cứu đều tập trung phân tích văn xuôi trên
những phương diện cơ bản, thể hiện quy luật phát triển của văn học và hầu hết
các ý kiến nghiên cứu, phê bình đều gặp nhau ở sự khẳng định thành tựu cách
tân của văn xuôi thời kì này. Nhà văn Nguyễn Quang Thân cho rằng "chưa
bao giờ văn xuôi phát triển mạnh như bây giờ" và "chưa bao giờ nhà văn
được thành thật như bây giờ". Chính sự đổi thay của hoàn cảnh đất nước đã
tác động đến quan niệm nghệ thuật của nhà văn có sự chuyển biến. Có thể
nhận thấy rằng, từ sự đổi mới và khuynh hướng dân chủ của văn học, văn học
đã trở về phản ánh chân thực hiện thực đời sống thường nhật. Với chiến tranh
qua những tác phẩm văn xuôi được giải[24], Tiến sỹ Tôn Phương Lan đánh
giá: "Càng lùi về cuối thập kỷ 80 sự thật trong văn chương viết về chiến tranh
càng được biểu hiện theo một hướng khác. Một mặt ở chủ đề sáng tạo, quan
niệm về hiện thực không có nghĩa là sự sao chép hiện thực ngoài đời. Mặt
khác, bản thân người đọc cũng muốn đi vào tìm hiểu thế giới tinh thần của
con người trong những diễn biến phức tạp…". Cho nên "Sắc thái của nhân vật
trong văn xuôi chiến tranh có phong phú hơn, phức tạp hơn và tính phản
quang của đời sống thông qua hệ thống nhân vật đã làm cho văn xuôi trở nên
sinh động".
Cùng nhận định như trên, Nguyễn Văn Long trong bài viết Văn xuôi
sau 1975 viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ [31] chỉ rõ: "văn học gần đây đi
vào những số phận, diễn biến tâm lý, tình cảm của con người. Nhà văn đã xây
dựng những tình huống quyết liệt, những xung đột phức tạp, để trình bày
những diễn biến và số phận không đơn giản của con người. Ở nhiều tác phẩm,
nhà văn đã đặt nhân vật vào những chiều không gian, thời gian khác nhau
hoặc đan cài giữa quá khứ và hiện tại".
Nghiên cứu tác phẩm dưới góc độ thể loại, trong bài Phản ánh chân
thực một hiện thực cách mạng[37], tác giả Bùi Việt Thắng đã có những nhận
định riêng: "Từ năm 1986 trở lại đây, tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết nói
về chiến tranh nói riêng trở nên khởi sắc. Ở đây vốn sống không còn là vấn đề
quyết định nữa, mà là vấn đề "cách nhìn"…Tái hiện chiến tranh theo "chiều
sâu", theo cách phân tích thực tại và con người là một hướng đi hữu hiệu về
nghệ thuật của tiểu thuyết chiến tranh hôm nay".
Nguyễn Bích Thu khi nhận định về ý thức cách tân trong tiểu thuyết
Việt Nam sau 1975 đã quan tâm đến sự thể hiện số phận nhân vật với những
bi kịch của nó. "Nhiều cuốn tiểu thuyết đã hướng tới miêu tả số phận những
con người bình thường với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng
và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và
phi nhân bản".
Các nhà nghiên cứu khi đi sâu tìm hiểu hệ thống nhân vật của văn xuôi
sau 1975 đều nhất trí trong việc khẳng định các sáng tác giai đoạn này đều
chú ý khai thác con người ở khía cạnh cá nhân. Đây được xem là đặc điểm
riêng biệt để phân biệt với cách thể hiện nhân vật ở giai đoạn trước. Nhân vật
được nhìn nhận trong chiều sâu nhân bản. Trong bài Những tìm tòi không mệt
mỏi[36], nhà văn Hồ Phương nhận xét: "Gắn liền với việc viết sâu về tính
cách và số phận con người trong chiến tranh, mặt bi kịch của chiến tranh cũng
được miêu tả sâu sắc, chân thực hơn trước. Qua những bi kịch ấy chúng ta
mới thấy hết được cái giá của chiến tranh".
Cùng đề cập đến số phận người lính, tác giả Tôn Phương Lan trong bài
viết Người lính trong văn xuôi viết về chiến tranh của những nhà văn cầm
súng[25] nhận xét: "Sau chiến tranh nhất là những năm gần đây, văn xuôi viết về
chiến tranh không đơn thuần chỉ lấy người lính làm nhân vật trung tâm. Người
lính trong văn học thời kì này được thể hiện nhiều trong hình ảnh người trở về và
bước vào cuộc chiến đấu mới, tương đối đơn thương độc mã trong việc duy trì
cuộc sống bình thường cho cá nhân, cho gia đình, cho xã hội".
Nghiên cứu các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh và người lính sau
năm 1975, bằng việc khảo sát một số tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, Lê
Lựu, bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Minh Châu…, tác giả Đinh Xuân Dũng đã
đưa ra những đánh giá khá cụ thể khi nhìn nhận "sự xuất hiện tính đa dạng
của phương thức khái quát hiện thực chiến tranh và tính đa thanh của việc
đánh giá hiện thực".
Như vậy, nhìn chung khi đánh giá sự vận động của quá trình hiện đại
hóa nền văn học sau năm 1975, các nhà phê bình, nghiên cứu văn học đều tập
trung đi sâu, nghiên cứu sự thay đổi trong tư duy nghệ thuật, phương diện
nghệ thuật. Nhân vật văn học được đặt trong những mối quan hệ đa chiều và
khá phức tạp của hiện thực đời sống.
2.2. Những nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến đề tài
Nhà văn Chu Lai đặc biệt thành công với những tác phẩm tiểu thuyết
viết về hình tượng người lính trong và sau chiến tranh. Thông qua các sáng
tác của mình, nhà văn đã giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống
Mỹ của dân tộc với những khía cạnh, góc nhìn khá toàn diện và đầy đủ. Cùng
với sự thay đổi trong quan niệm về con người, cốt truyện trong sáng tác Chu
Lai cũng đã có sự vận động thay đổi trong sự phát triển chung của thể loại.
Nghiên cứu sự vận động của cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai sẽ góp phần
lí giải sự chuyển biến, bước ngoặt của trạng thái tâm linh, những xung đột cá
nhân trong chiều hướng con đường đời của nhân vật.
Trong gần ba mươi năm cầm bút, Chu Lai đã để lại một khối lượng tác
phẩm khá lớn với nhiều thể loại khác nhau, thu hút sự quan tâm chú ý của
đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu phê bình văn học. Nhìn chung các ý
kiến đánh giá đều thống nhất cho rằng nhân vật trong sáng tác Chu Lai đều
không phải là nhân vật đầy đặn, trọn vẹn mà các nhân vật là những mảnh
ghép, những mảnh đời đầy dang dở, chắp vá. Cho đến nay đã có khá nhiều bài
viết về sáng tác của Chu Lai nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Báo Văn nghệ
đã tổ chức thảo luận về tiểu thuyết của nhà văn ( bài Trao đổi về tiểu thuyết
Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai_báo Văn nghệ số 29-1992). Tác giả Bùi Việt
Thắng có bài Cái bi kịch trong tiểu thuyết Xô Viết và Việt Nam viết về chiến
tranh sau chiến tranh ( So sánh Sống mà nhớ lấy của V.Raxpuchin và Ăn
mày dĩ vãng của Chu Lai)_Tham luận đọc tại Hội nghị văn học so sánh_
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 6-2004.
Bàn về tiểu thuyết Chu Lai trong một bài viết khác, Bùi Việt Thắng chỉ
ra: "Viết về chiến tranh còn có nghĩa là phải viết về hậu quả của nó…Vòng tròn
bội bạc của Chu Lai…xoáy vào những vết thương của chiến tranh trong lòng
người và cách thức con người chữa trị những vết thương đó". Trần Quốc Huấn
trong bài viết Người chiến sĩ viết văn hôm nay - đội ngũ kế tục những nhà văn
chiến sĩ đi vào khẳng định phẩm chất người lính: "Trong truyện Chu Lai, cái vốn
trí thức văn hóa, trí tuệ sáng suốt của người lính trẻ đã thấm nhuyễn một cách tự
nhiên vào từng chi tiết nhỏ của truyện, trong từng phán đoán nhạy bén, quả
quyết, để dẫn tới chiến thắng cuối cùng ở nhân vật".
Là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ nên hầu hết các
sáng tác của Chu Lai đều bị cuốn vào "cái vòng cương tỏa kì lạ của cảm xúc
chiến trận". Tuy nhiên, bên cạnh mảng đề tài viết về chiến tranh, nhà văn Chu
Lai còn thử sức ngòi bút mình khi viết về bi kịch thời mở cửa của người lính.
Cuộc đời dài lắm đã đánh dấu sự ổn định và nhất quán trong phong cách tiểu
thuyết Chu Lai, song với tiểu thuyết này anh trở nên trầm và sâu sắc hơn.
Đánh giá về cuốn tiểu thuyết này, tác giả Nguyễn Thanh Tú trong bài viết
Cuộc đời dài lắm – một tiểu thuyết có sức hấp dẫn[42] nhận xét: "Chu Lai đã
rất dũng cảm khi chọn đề tài rất hóc là vấn đề đổi mới cơ chế trong thời kỳ
chuyển đổi sang kinh tế thị trường mà bối cảnh cụ thể là chuyện quản lý, sản
xuất, kinh doanh". Nói như Ma Văn Kháng, tiểu thuyết Chu Lai là sự "đối
mặt trực tiếp những vấn đề bức bối của đời sống xã hội hôm nay". Nhìn
chung khi xem xét hệ thống nhân vật của tiểu thuyết Chu Lai, các nhà nghiên
cứu, phê bình đều nhận thấy nhà văn đặc biệt quan tâm, khai thác số phận con
người trong và sau cuộc chiến. Trong bài viết phê bình tiểu thuyết Vòng tròn
bội bạc, nhà phê bình Hồng Diệu[6] nhận xét: "Tiểu thuyết Chu Lai đề cập
đến nhiều vấn đề. Nhưng bao trùm lên tất cả là những người lính sau chiến
tranh, rời chiến trường trở về, người thì tha hóa, người thì bước vào cuộc
chiến đấu mới. Cuộc chiến đấu của những người lương thiện chống kẻ bất
lương, mà thật tớ trêu: Có những người trước kia là đồng đội của nhau bây
giờ đứng trên hai mặt đối lập nhau". Tác giả Nguyễn Hương Giang cũng chỉ
ra rằng: "Phố của Chu Lai là một cuốn tiểu thuyết trong tiểu thuyết: Một cuốn
về gia đình Thảo – Nam với sự phá vỡ và làm tan nát những giá trị truyền
thống, một cuốn khác về cuộc đời Lãm, một người lính từ hai bàn tay trắng đi
lên, bảo vệ và tha thiết giữ gìn những giá trị ấy. Cái chết thương tâm của
Thảo, Lãm ở cuối tác phẩm đẩy suy nghĩ của người đọc về hai hướng khác
nhau nhưng đều thấm một nỗi buồn cao cả".
Chính vì vậy, trong các sáng tác của mình, nhà văn Chu Lai luôn có
quan niệm: "Chiến tranh đối với bất cứ dân tộc nào, dù chính nghĩa hay phi
nghĩa, cũng không sao tránh khỏi màu sắc bi kịch"[27].
Tiểu thuyết của Chu Lai đã khai thác hiện thực ở cả bề khuất lấp,
những số phận nhân vật với những bi kịch cá nhân. Đề cập đến vấn đề này,
nhà phê bình Lê Thanh Nghị Qua những cuốn sách gần đây viết về chiến
tranh cho rằng: "Chu Lai đã không ngần ngại đưa ra ánh sáng những điều lâu
nay còn bị giấu kín"[33]. Đi sâu phân tích một số tiểu thuyết của nhà văn,
chúng ta dễ dàng nhận thấy những góc khuất, bề chìm của tính cách con
người được Chu Lai mạnh dạn chỉ ra. Tôn Phương Lan trong Tiểu thuyết về
chiến tranh viết sau 1975[27] đưa ra nhận xét: "Ở chiến trường đó là sự hèn
nhát…cao hơn là một sự gắng gỏi leo lên bậc thang địa vị bằng giá máu của
đồng đội, hoặc một sự phản bội đáng để xử bắn như Kiên trong Nắng đồng
bằng".
Bên cạnh các ý kiến đi sâu khai thác, khẳng định năng lực sáng tạo của
Chu Lai trong khả năng tiếp cận, nắm bắt hiện thực của người lính sau chiến
tranh, một số ý kiến đã quan tâm hơn đến những dấu hiệu đổi mới về phương
diện nghệ thuật của Chu Lai. Với Tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thời kì
đổi mới[9], nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đánh giá tiểu thuyết của Chu Lai
"không chỉ đa dạng trong các biện pháp nghệ thuật, kết hợp độc thoại nội tâm,
"dòng ý thức", nghệ thuật đồng hiện và có những thành công nhất định".
Một số tiểu thuyết của Chu Lai đã tạo nên được tiếng vang, gây hứng
thú cho bạn đọc, tạo nên một đời sống văn học đầy sôi động như cuốn Ăn
mày dĩ vãng. Ở cuộc trao đổi về tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng in trên báo Văn
nghệ số 39.1992 xuất hiện những luồng đánh giá khác nhau, song tựu chung
lại vẫn là khen ngợi: "Chu Lai đã nhử được người đọc bởi một cốt truyện ly
kỳ" ( Cao Tiến Lê ); "Trên từng trang viết lộ rõ tâm huyết của tác giả tuy có
khi tư tưởng mới chỉ dừng lại ở những câu triết lý"( Thiếu Mai ).
Khi bàn về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ
vãng, tác giả Đỗ Văn Khang trong bài viết Cuộc tìm tòi về tiểu thuyết đã có
những ghi nhận về sự cách tân trong việc khắc họa chân dung nhân vật của
nhà văn Chu Lai: "Lối chạm khắc nhân vật trong Ăn mày dĩ vãng cũng có
nhiều đóng góp mới. Ngày trước nhân vật thường mang một ý nghĩa phổ quát,
tức là có cái gì đó chung cho cả lớp người…, còn Hai Hùng của Chu Lai có số
phận được miêu tả như một yếu tố cá biệt độc nhất nhưng vẫn mang tính điển
hình. Nhân vật Hai Hùng của Chu Lai tàn tạ về thân xác, nhưng vạm vỡ về
tâm hồn".
Bàn về cách tạo dựng thời gian nghệ thuật, Nguyễn Thanh Tú cho rằng:
"Cuộc đời dài lắm cùng chung một mô hình với Ăn mày dĩ vãng, cũng được
xây dựng trên hai trục thời gian. Quá khứ và hiện tại. Hai tuyến thời gian
không tách rời nhau mà xen kẽ, lồng vào nhau rất chặt…Đồng thời nhà văn đã
sử dụng luân phiên các điểm nhìn: khi thì điểm nhìn nhân vật, khi lại là điểm
nhìn người kể chuyện tạo ra sự đa dạng trên các bình diện miêu tả".
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công về mặt nghệ thuật, những điều
nhà văn đã làm được thì vẫn còn một vài ý kiến chỉ ra những mặt tồn tại trong
tiểu thuyết Chu Lai. Trong Cuộc trao đổi về tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của
Chu Lai, các tác giả Hồng Diệu, Lê Thanh Nghị, Thiếu Mai đều có đánh giá
chung: văn hơi nhiều lời, ngôn ngữ chưa thật chọn lọc công phu, một số chi tiết có
vẻ thô…Ngay trong cách xây dựng chân dung nhân vật ở tiểu thuyết Cuộc đời dài
lắm nhà phê bình Trần Ngọc Vượng cho rằng: "Nhà văn chưa truy bức nhân vật
của mình đến cùng, chưa nhập cuộc với các khả năng mà nhân vật có thể bộc lộ, cả
cái xấu với cái tốt, cả người xấu lẫn người tốt, Vũ Nguyên đẹp…nhưng có chỗ còn
ngây thơ, quan hệ tay ba Vũ Nguyên, Hà Thương và vợ Vũ Nguyên kéo dài…mà
không có lối thoát…Hà Thương đẹp nhưng hơi cổ, lãng đãng, xa xăm. Tuấn tử thần
trở thành người tốt còn quá đơn giản"[46].
Như vậy khi đi sâu tìm hiểu, đánh giá tiểu thuyết của Chu Lai, giới
nghiên cứu phê bình và dư luận bạn đọc đã có những luồng ý kiến khen, chê
khác nhau, song nhìn chung tất cả đều thống nhất quan điểm ghi nhận đóng
góp của ngòi bút Chu Lai trong quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam.
Bằng một loạt các sáng tác của mình, tên tuổi của nhà văn Chu Lai đã được
khẳng định và có vị trí quan trọng trên văn đàn.
Ngoài những bài tiểu luận, phê bình của các nhà nghiên cứu văn học,
sáng tác của nhà văn Chu Lai còn được khai thác, tìm hiểu thông qua những
đề tài nghiên cứu về tiểu thuyết Chu Lai:
- Hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của Chu
Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh – Nguyễn Ngọc Hưng – ĐHKHXH& NV, 2010.
- Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Chu Lai – Phạm Thị Hằng –
ĐHSPHN, 2003.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, đa số các bài nghiên cứu, phê bình,
tiểu luận trên là những đánh giá ban đầu có tính chất nhận xét tổng quát chứ
chưa đi sâu nghiên cứu một cách toàn diện hay đề cập đến những vấn đề cụ
thể của một số tiểu thuyết tiêu biểu cho phong cách Chu Lai. Những bài báo,
phê bình này đều có dung lượng ngắn, đa phần là những bài phỏng vấn trực
tiếp nhà văn về vấn đề nhân vật, hoàn cảnh ra đời cũng như thông điệp mà tác
giả gửi gắm thông qua tác phẩm. Đặc biệt là chưa có công trình nào nghiên
cứu một cách toàn diện, đầu tư theo chiều sâu tập trung về nhân vật và cốt
truyện trong tiểu thuyết Chu Lai. Song có thể nhận thấy, những bài viết,
những công trình nghiên cứu kể trên là cơ sở quan trọng, những tài liệu quý
giúp tôi trong quá trình thực hiện đề tài này.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu, tìm hiểu một cách toàn diện đặc điểm
nghệ thuật tiểu thuyết qua đó đi sâu khám phá giá trị nghệ thuật độc đáo trong
tiểu thuyết của Chu Lai ở hai mặt: nhân vật và cốt truyện.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là đặc điểm nhân vật và cốt truyện
trong tiểu thuyết Chu Lai, từ đó khái quát về cách nhìn nhận, khai thác hiện
thực chiến tranh, sự thể hiện hình tượng người lính gắn với những dấu hiệu
đổi mới về sự phản ánh hiện thực và sự thể hiện nhân vật.
Luận văn tập trung đi sâu vào ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho phong
cách Chu Lai thời kì đổi mới: Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Cuộc đời
dài lắm. Ngoài ra, chúng tôi có sử dụng thêm một số tác phẩm khác của chính
nhà văn và một số tác giả khác để làm dẫn chứng minh họa.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành đề tài luận văn, chúng tôi sử dụng một số phương pháp cơ
bản sau:
- Phương pháp thống kê: phương pháp này cho phép chúng tôi khảo
sát tiểu thuyết Chu Lai theo hai phương diện: nhân vật và cốt truyện.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học
- Phương pháp lịch sử-xã hội
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp cơ bản,
xuyên suốt của luận văn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao giá trị
thuyết phục của đề tài. Vận dụng phương pháp này giúp chúng tôi thuận lợi
hơn trong việc phân tích, lí giải những sáng tạo của nhà văn Chu Lai trên các
phương diện nghiên cứu. Sau đó tiến hành tổng hợp lại để đi đến những kết
luận cần thiết theo yêu cầu của luận văn.
5. Đóng góp khoa học
Nghiên cứu nhân vật và cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai góp phần
khẳng định phong cách riêng, những cách tân mới lạ trong nghệ thuật xây
dựng nhân vật và cốt truyện của Chu Lai. Ngoài ra, cũng nêu ra những hạn
chế còn tồn tại trong cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, cấu trúc luận văn bao gồm ba
chương chính:
Chương 1: Hành trình sáng tác và quan niệm nghệ thuật của Chu Lai.
Chương 2: Nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai.
Chương 3: Cốt truyện trong tiểu thuyết Chu Lai.
CHƯƠNG 1
HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC VÀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT
CỦA CHU LAI
1.1. Hành trình sáng tác của Chu Lai
Đại tá, nhà văn Chu Lai sinh năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Phù
Yên, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong gia đình có truyền thống văn học, cha là
nhà viết kịch Học Phi. Chính truyền thống gia đình đã tạo nền tảng cho năng
khiếu nghệ thuật của ông sớm được bộc lộ. Ngay từ nhỏ, Chu Lai đã sớm bén
duyên với văn học thông qua những câu chuyện đàm đạo văn chương giữa
cha mình với các cụ Đào Mộng Long, Thế Lữ…Học hết phổ thông, Chu Lai
thi đỗ đại học. Khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, cậu học sinh Chu
Lai đã sớm gác lại chuyện học hành tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong
kháng chiến chống Mỹ, ông công tác trong đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị
rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn suốt mười năm.
Sau khi tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khóa 1, ông biên tập và sáng
tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Như vậy, ta bắt gặp ở Chu Lai sự gắn kết
tự nhiên giữa con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ.
Là người lính trực tiếp cầm súng trước khi trở thành nhà văn nên những
năm tháng vào sinh ra tử ở vùng ven đô Sài Gòn đã để lại những dấu ấn sâu
sắc trong tâm hồn nhà văn. Quãng đời lính ấy đã trở thành vùng kí ức đẹp nên
Chu Lai từng tự nhận " Tôi là người của trận mạc, sống trong thời bình
nhưng vẫn mang nặng cuộc chiến". Bởi vậy mặc dù sáng tác từ rất sớm nhưng
phải đến năm 1975 với truyện ngắn Kỉ niệm vùng ven được đăng trên báo văn
nghệ, cái tên Chu Lai mới chính thức" Gõ cửa" làng văn. Hành trình sáng tác
của Chu Lai gồm hai giai đoạn: giai đoạn tiền đổi mới( 1975-1986) và giai
đoạn đổi mới( 1986- nay).
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, văn
học đang trong chặng đường chuyển tiếp từ nền văn học cách mạng trong
chiến tranh sang nền văn học thời kì hậu chiến. Các tác phẩm của Chu Lai
giai đoạn này cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Giai đoạn 1975-1986: Giai đoạn bước đầu đã có sự đổi mới nhưng ngòi
bút Chu Lai về cơ bản vẫn dựa trên quan điểm sử thi để đánh giá, miêu tả.
Các nhân vật thường xuất hiện với tư cách là đại diện của cộng đồng với
những khung tính cách định sẵn, nhất quán. Giai đoạn này, Chu Lai đã cho ra
mắt bạn đọc các tác phẩm: Người im lặng (tập truyện -1976), Nắng đồng
bằng ( tiểu thuyết -1977), Đôi ngả thời gian (tập truyện -1975), Đêm tháng
hai (tiểu thuyết -1982), Vùng đất xa xăm (tập truyện -1983), Út Teng (tiểu
thuyết -1983), Gió không thổi từ biển (tiểu thuyết -1985). Sự ra đời của các
tác phẩm kể trên đã đánh dấu bước đầu sự đổi mới trong ngòi bút Chu Lai.
Nhà văn đã đặt ra hướng tiếp cận mới đối với hiện thực cuộc sống vốn đa
chiều, phức tạp. Các nhân vật mặc dù đã được nhà văn miêu tả, tìm tòi, khám
phá ở những khía cạnh đời thường nhưng khuynh hướng sử thi vẫn nổi trội
khiến tính cách các nhân vật được phân định rõ ràng. Mặc dù ở giai đoạn này
mới chỉ đánh dấu những bước đầu đổi mới trong tư duy nghệ thuật của nhà
văn nhưng đã góp phần định hướng, tạo tiền đề tích cực cho những chuyển
biến mạnh mẽ của nhà văn sau này.
Giai đoạn từ 1986 đến nay: Ngòi bút Chu Lai đã có sự đổi mới một
cách mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện. Giai đoạn này được đánh dấu bằng một
loạt các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và người lính như: Sông xa (tiểu
thuyết 1986), Bãi bờ hoang lạnh (tiểu thuyết 1990), Vòng tròn bội bạc (tiểu
thuyết 1996), Ăn mày dĩ vãng (tiểu thuyết 1994), Phố (tiểu thuyết 1993), Ba
lần và một lần (tiểu thuyết 2000), Cuộc đời dài lắm (tiểu thuyết 2002). Mặc
dù không phải đến giai đoạn này đề tài về chiến tranh và người lính mới xuất
hiện trong các trang văn của Chu Lai. Tuy nhiên từ 1986 trở đi ngòi bút của nhà
văn dần thoát khỏi cảm hứng sử thi mà thay vào đó là cảm hứng thế sự. Trong tư
duy sáng tạo của mình, nhà văn cũng tập trung đi sâu, khai thác, khám phá chiến
tranh qua số phận con người, những số phận bi kịch ẩn đằng sau sự lấp lánh của
những tấm huân chương. Con người không chỉ hiện lên ở tính cách anh hùng
trận mạc mà còn ẩn chứa những nét tính cách của đời thường.
Viết về thời hậu chiến hôm nay, bên cạnh những cây bút trẻ nổi bật lên
là những nhà văn trưởng thành trong chiến trận. Đó là Nguyễn Minh Châu,
Nguyễn Khải, Bảo Ninh, Chu Lai…. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới văn
học cái tên Chu Lai nổi bật lên với sức sáng tạo mạnh mẽ với số lượng tác
phẩm đáng kinh ngạc. Ông sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như: truyện
ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và kịch bản phim cùng nhiều thể loại
khác. Là một người chiến sĩ, một người nghệ sĩ đa tài đi nhiều và viết nhiều
nhưng có lẽ Hà Nội và người lính luôn là nguồn cảm hứng bất tận nơi con tim
nhà văn. Quãng đời hơn mười năm lăn lộn trên chiến trường cùng một trái tim
đa cảm đã tạo lên chất Chu Lai rất riêng qua từng trang viết. Nhưng thể loại
thành công nhất của ông có lẽ là tiểu thuyết. Bằng sức sáng tạo không ngừng
nghỉ, nhà văn đã cho ra mắt bạn đọc một loạt tiểu thuyết tạo thành "dòng tiểu
thuyết chiến tranh và người lính" mang đậm dấu ấn Chu Lai.
Đối với Chu Lai viết văn không chỉ đơn thuần là một nghề mà đã trở
thành cái nghiệp văn chương. Bởi vì như ông tự nhận "Viết Lại có nghĩ là
Sống Lại, sống lại cái cuộc sống nửa sống nửa chết ấy thì coi như chết hai
lần!". Những trang văn ấy như những trang đời, là sự trải nghiệm của chính
nhà văn về cuộc đời, là lời đối thoại của ông với quá khứ, hiện tại và tương
lai. Là nhà văn trưởng thành trong cách mạng nên khi viết về một thời áo lính
các sáng tác của Chu Lai trở nên chân thực, sống động, có hồn và mang đậm
phong cách Chu Lai. Với tài năng cùng vốn sống của mình "ông trở thành
một người lao động cặm cụi khổ đau trên cánh đồng chữ nghĩa". Nhà văn
luôn có nhu cầu đi đến tận cùng mọi suy nghĩ, khát vọng. Dù đã khiêm tốn tự
nhận mình như "con tôm nuôi trong hồ nước lợ" nhưng các sáng tác của ông
thật sự đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều tác phẩm ngay từ khi
ra đời đã tạo những luồng tranh luận gay gắt trong giới nghiên cứu phê bình
và bạn đoc. Tuy nhiên như lửa thử vàng cùng với thời gian các sáng tác tự nó
đã tìm được vị trí xứng đáng trong đời sống văn học đương đại. Bốn tác phẩm
đoạt giải Ăn mày dĩ vãng (giải A của Hội đồng Văn học về đề tài chiến tranh
cách mạng và lực lượng vũ trang. Hội nhà văn năm 1993, giải thưởng văn học
Bộ Quốc Phòng năm 1994), Phố (giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà
Nội 1993), Ba lần và một lần (Tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết do Hội nhà
văn tổ chức năm 1998- 2000), Cuộc đời dài lắm (Giải thưởng của Hội nhà
văn Việt Nam 2000). Một số tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim
truyện truyền hình như Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần. Trong đó
cuốn Ăn mày dĩ vãng được nhà văn dành nhiều tâm huyết hơn cả, vì nó được
sinh ra trong một giai đoạn đời nhọc nhằn nhất. Với những sáng tác của mình,
Chu Lai đã góp phần đáng kể trong việc tạo ra dấu mốc quan trọng trong tiến
trình đổi mới của nền văn xuôi đương đại Việt Nam.
1.2. Quan niệm nghệ thuật của Chu Lai
1.2.1. Quan niệm của nhà văn về hiện thực
Mỗi nhà văn thường có những quan niệm nhất định về văn chương. Vì
vậy tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà văn được xem như kim chỉ nam
định hướng cho ta trên con đường khám phá các tác phẩm văn chương của
nhà văn đó. Bởi vậy, cùng viết về đề tài chiến tranh song mỗi thời kì, mỗi nhà
văn thậm chí cùng một nhà văn nhưng ở các giai đoạn khác nhau lại có những
cách tái hiện chiến tranh theo những cách riêng. Là đối tượng phản ánh của
văn học nên hiện thực trong tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ.
Mọi diễn biến thay đổi của hiện thực cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp được
tái hiện chân thực trong các tác phẩm văn chương. Nằm trong dòng chảy của
lịch sử dân tộc_hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, dòng văn học trước 1975
chủ yếu mang âm hưởng anh hùng cách mạng. Suốt ba mươi năm ấy do yêu
cầu của cuộc sống chiến đấu, văn học dường như chỉ độc một giọng ngợi ca,
một niềm tin tất thắng của dân tộc. Nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận định
trước năm 1975 "những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh…được mang
dáng dấp gần với thể loại anh hùng ca"[12]. Hiện thực trong tác phẩm là hiện
thực chủ quan nhằm làm sáng tỏ tư tưởng nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi
gắm thông qua tác phẩm. Bức tranh hiện thực trong các sáng tác trước 1975
dường như được soi chiếu bởi chủ nghĩa yêu nước, khát vọng tự do và niềm
tự hào dân tộc. Đúng như Hoài Thanh nhận xét: "Thực đẹp đẽ vô cùng cái
quang cảnh của một dân tộc vươn mình đến ánh sáng, cảnh tưng bừng của
cả dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy. Tôi cảm thấy khắp nơi ở quanh tôi và
trong lòng tôi một cuộc tái sinh màu nhiệm". Đấy có lẽ là cảm nhận chung
của thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Điều đó khiến cho hiện thực chiến tranh
trong các sáng tác giai đoạn này như được "tráng một lớp men trữ tình hơi
dày" như sau này Nguyễn Minh Châu nhận định. Cảnh ra trận trong nhiều
trang viết thấm đẫm chất thơ, chất lãng mạn.
Đó là nhân vật Thiêm (Mẫn và tôi - Phan Tứ ) đã tìm ra cho mình
"niềm vui được đánh giặc". Đó chính là hạnh phúc được sống, được cống
hiến, được hi sinh vì lý tưởng cách mạng. Với họ đường ra trận là "Đường vui
"( Nguyễn Tuân), "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù",
"Đánh Tây sướng bằng tiên chứ cực gì".
Như vậy, cảm hứng ngợi ca, âm hưởng sử thi hào hùng sảng khoái đã
trở thành đặc điểm chủ đạo trong văn xuôi viết về chiến tranh trước năm
1975. Đó là cơ sở để cho nền văn học chúng ta "xứng đáng đứng vào hàng
ngũ tiên phong của những nền văn nghệ chống đế quốc". Tuy nhiên về mặt
nào đó văn xuôi của giai đoạn này cũng bộc lộ những hạn chế của nó. Những
bất hạnh, vui buồn của một đời người, thậm chí sự ác liệt của cuộc chiến
thường ít được đi sâu; vấn đề số phận con người nhường chỗ cho mối quan
tâm về số phận đất nước. Những mặt hạn chế này một phần do hoàn cảnh đất
nước có chiến tranh. Vì vậy, hiện thực được lựa chọn là hiện thực phục vụ
cho mục đích chính trị, hiện thực được nhìn nhận một cách đơn giản, môt
chiều.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ
VI, đất nước ta bước sang một thời kì mới: thời kì hòa bình, độc lập dân tộc.
Trong hoàn cảnh mới của đất nước, cái nhìn về hiện thực chiến tranh cũng có
dấu hiệu thay đổi. Phạm vi hiện thực đời sống được mở rộng, hiện thực được
phản ánh trong văn học một cách chân thực "Đời sống được phản ánh một
cách gân guốc, sống đống, thậm chí không hề né tránh cả những mảng tối
nhất. Người đọc sửng sốt và kinh ngạc, hả hê và phẫn nộ. Thì ra văn chương
không phải là một thứ trang sức"(Hoàng Minh Tường). Hiện thực cuộc sống
được nhìn trong sự phát triển đa chiều và biện chứng của nó thể hiện trong
các tiểu thuyết gần đây là một khuynh hướng mới. Một loạt các tác phẩm thời
kì này đã thể hiện chân thực sự ác liệt của cuộc chiến, cái ngổn ngang, trần
trụi của chiến trường…Những năm giữa thập kỷ tám mươi trở đi, đã xuất hiện
nhiều tác phẩm viết theo khuynh hướng đổi mới như: Ký sự miền đất lửa của
Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh, Cửa gió của Xuân Đức, Đất trắng của Nguyễn
Trọng Oánh, Thời xa vắng của Lê Lựu, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Ông
cố vấn của Hữu Mai, Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng
của Chu Lai…Các tác phẩm này đều miêu tả một cách trực diện tính chất ác
liệt của chiến tranh với những hy sinh mất mát. Tiểu thuyết chiến tranh sau
năm 1975 đã tiến thêm một bước trong yêu cầu "thể hiện một cách chân thật"
về một giai đoạn lịch sử đã qua. Xu hướng phản ánh, miêu tả cuộc chiến tranh
như nó xảy ra trở thành phổ biến.
Mặc dù chiến tranh trôi qua đã lâu nhưng hậu quả và dư âm của nó vẫn
luôn có sức ám ảnh đối với các nhà văn. Việc ghi lại những gì đã trôi qua như
là một cách nhà văn đối thoại với hôm nay và mai sau. Trong độ lùi của thời
gian, chiến tranh được nhìn dường như trong một không gian ba chiều. Cho
nên, nó vừa có nét giống văn xuôi của thời kỳ trước lại vừa có nét khác.
Mặc dù văn xuôi sau 1975 có xu hướng nghiêng nhiều về xu hướng
khai thác, khám phá mặt trái đời sống con người, nói như Vũ Quần Phương
"trước mải mê với cái cao cả, nay say sưa với cái thấp hèn…", thì đằng sau sự
xô bồ, bất cập của hiện thực vẫn ánh lên cái nhìn đầy bao dung độ lượng, vẫn
ánh lên niềm tin bất diệt vào bản tính tốt đẹp nơi con người.
Nằm trong dòng vận động chung ấy, tiểu thuyết Chu Lai cũng tập trung
miêu tả, khai thác hiện thực từ cái nhìn đa chiều và được rọi chiếu từ kinh
nghiệm cộng đồng lẫn kinh nghiệm cá nhân. Là nhà văn trưởng thành trong
chiến tranh nên dù viết về nhiều đề tài khác nhau nhưng đề tài về chiến tranh
và cách mạng vẫn luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Chu
Lai. Tuy nhiên, khi viết về mảng đề tài quen thuộc này nhà văn đã tái hiện
hiện thực và con người trên những bình diện mới. Chiến tranh được tái hiện
bằng vốn sống và sự tri ân của nhà văn - chiến sĩ đối với mảnh đất quê hương.
Nhà văn đã phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua cái nhìn về số phận của
những cá nhân con người, soi ngắm hiện thực mang tính khám phá trên
phương diện tư tưởng đến phương diện nghệ thuật. Từ điểm nhìn mang cảm
hứng hiện thực nên ranh giới giữa cái cao cả và thấp hèn, dũng cảm và hèn
nhát, trung thành và phản bội vô cùng mong manh. Viết về cuộc chiến từ
điểm nhìn của người trong cuộc nên hiện thực chiến tranh được Chu Lai tái
hiện với tất cả hình thù của nó. Mười năm tuổi xuân trên chiến trường đã giúp
nhà văn hiểu hơn ai hết cái giá của sự sống. Chiến tranh không phải là "ngày
hội lớn của dân tộc" mà là "một luật chơi tàn bạo".
Sự đổi mới văn học trên thực tế là một nhân tố quan trọng cho sự phát
triển cá tính sáng tạo của người nghệ sỹ. Qua việc tìm hiểu các tiểu thuyết của
Chu Lai chúng ta cũng hình dung ra được nét khác biệt chủ yếu của văn xuôi
ở hai giai đoạn kể trên. Đó là cách quan niệm hiện thực, cách tiếp cận hiện
thực và cách miêu tả hiện thực. Nhà văn luôn có ý thức về sự thật thay thế cho
sự mô tả hiện thực. Trong các trang tiểu thuyết của cuộc đời mình không ít
lần ông nói lên suy nghĩ của mình: "Chiến tranh là ngày nào cũng thấy người
chết nhưng lại chưa đến phiên mình", đó là một cách định nghĩa hết sức ngắn
gọn về chiến tranh nhưng mang đầy bi kịch. Chiến trường không phải là
"mảnh đất bằng phẳng trồng toàn hoa" mà là nơi "xác người xấp ngửa, xác
muôn thú cháy thui". Chu Lai hướng ngòi bút vào những vùng hiện thực mà
trước đó thường được xem là vùng cấm. Đào sâu vào những vùng tối, nhà văn
đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn trọn vẹn hơn về cuộc chiến đã qua.
Tiểu thuyết Chu Lai gây ấn tượng dữ dội với người đọc bởi những trang viết
"đầy rẫy tử thi" và "ngập ngụa máu". Nhà văn không hề né tránh sự tàn khốc
của chiến tranh. Bằng cảm xúc của người trong cuộc, những trang viết miêu tả
hiện thực trong tiểu thuyết Chu Lai hiện lên thật dữ dội, ám ảnh. Đó là sự đổ
nát và mất mát "hầu như không một căn hầm nào không bị chà nát, không một
thân cây nào không bị xích sắt nghiến gục. Rừng đã biến thành bãi trống…
Lần trong cái tan hoang, tơi tả, ngập ngụa khói xanh, khói vàng…là những
thân người cả bên này lẫn bên kia nằm ngồi hỗn độn chồng đè lên nhau…".
Không hề né tránh sự thực, nhà văn luôn miêu tả tận cùng của sự mất mát.
Đằng sau những chiến công là biết bao máu và nước mắt đã chảy, là biết bao
con người ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Qua các trang viết của Chu Lai
người đọc cảm nhận được sự mong manh của kiếp người. "Mười chín bồng
gạo đổi lấy một mạng người mười chín tuổi! Đau quá! Vô nghĩa quá!"
Nhà văn không ngại ngần khi miêu tả số phận của con người khi phải
đối mặt với thần chết. Đó là cái chết đau đớn, tức tưởi của Bảo trong Ăn mày
dĩ vãng" cái miệng vẫn há ra ngáp ngáp, để lộ cả hàm răng nhuộm máu. Máu
đang phì bọt ở đằng mũi, máu ướt đẫm hai vạt áo, máu chảy loang xuống đùi.
Máu…". Cái sắc đỏ đầy ám ảnh đó ta bắt gặp rất nhiều trong các trang văn
của Chu Lai. Là nỗi đau của người lính khi "anh bất thần bị một miểng cối từ
đâu đó bay đến găm thẳng vào mặt" (Ba lần và một lần). Nhà văn như lặn
sâu vào nỗi đau của người lính mà cảm thông, chia sẻ. Hình ảnh "máu và đất
trào qua kẽ ngón tay rỏ tong tả xuống cỏ…một cái hốc đỏ lòm…mấy sợi gân
nhớt nhầy, con mắt bị khoét thủng đang thõng xuống…". Đoạn văn chẳng
khác nào một cuốn phim quay cận cảnh. Qua ngòi bút của Chu Lai, gương
mặt của chiến tranh thật đáng sợ, sinh mệnh con người thật mong manh. Họ
phải chết đau đớn trong cơn hoảng loạn tột cùng. Đối với những người chưa
một lần đi qua chiến tranh thì những hình ảnh về cái chết thật đáng sợ. Tuy
nhiên khi đọc các cuốn tiểu thuyết của Chu Lai ta mới thấy có những điều còn
đáng sợ hơn cả cái chết. Đó là nỗi sợ, là cái chết từ từ trong đau đớn. Nhưng
nhà văn không miêu tả một cách lạnh lùng, vô cảm. Đằng sau những hình
ảnh, từ ngữ miêu tả chân thực về hiện thực tàn khốc là trái tim đầy yêu
thương. Sự nhạy cảm khiến cho nhà văn cảm nhận được cái chết ở những
hoàn cảnh khác nhau. Sự chết chóc hình như luôn ẩn hiện đón chờ những
người lính. Mỗi người đi đến cõi chết theo một cách riêng. Có người tìm đến
cái chết như một sự giải thoát khỏi vết thương quá nặng không muốn trở
thành gánh nặng của đồng đội như Toàn (Nắng đồng bằng). Có người bị chết
oan uổng do chính tay đồng đội mình gây nên như cái chết của Bảo (Ăn mày
dĩ vãng). Cái chết ngớ ngẩn của Khiển là do bất cẩn khi đút trái tạc đạn đã rút
chốt vào túi áo( Ăn mày dĩ vãng). Cái chết đến đầy bất ngờ không báo trước
"cho đến tận khoảnh khắc cuối cùng ấy, Khiển vẫn không hiểu cái gì đang
xảy ra với mình…Cặp mắt mở to ngỡ ngàng…". Thông qua những dòng miêu
tả trực tiếp sự hi sinh mất mát, Chu Lai đã góp phần giúp chúng ta có cái nhìn
đa chiều hơn về một thời bom đạn. Quan điểm hiện thực đã giúp nhà văn dám
thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của bộ đội ta. Đó là sự vô trách nhiệm,
tính hiếu thắng, sự vị kỉ của người chỉ huy như Năm Thành (Ba lần và một
lần) đã dẫn tới sự hi sinh vô ích cho đồng đội mình. Chỉ vì nóng vội, và vì
một chút kiêu hãnh, tự phụ cá nhân đã quyết định tung cả đại đội vào một trận
đánh mà chưa có sơ đồ chắc chắn, đánh mà chưa trải qua động tác trinh sát
hoàn chỉnh khiến cho ba chục con người "chỉ sau một đêm ngủ dậy, bỗng
dưng chẳng còn ai nữa". Thảm kịch tàn khốc khiến ngay cả những con người
hàng ngày phải đối mặt với hi sinh, mất mát nhưng khi nó đến thật sự qua hai
cái hình hài đẫm máu này vẫn làm cho mọi người bàng hoàng, ngơ
ngẩn…Bởi vì "gần ba chục chàng trai mạnh khỏe, ưu tú, niềm tự hào của cả
cánh rừng" trong thoáng chốc đã vĩnh viễn nằm lại chỉ vì một quyết định sai
lầm của một cá nhân. Chỉ vì mệnh lệnh cứng nhắc của bộ chỉ huy cùng tính
bất cần và kiêu hãnh đột nhiên trỗi dậy của Hai Hùng mà phải trả giá bằng cái
chết của hai người lính trong trận đột kích qua rào thép gai vào hang ổ kẻ thù
giữa đêm rằm, khi chỉ còn nửa sức lực. Chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh
không ngừng của các nhân vật khi mà "Chiến tranh là cái mất này nối liền cái
mất khác, sự thành bại không ngớt đuổi theo nhau". Hiện thực đó còn là sự
kéo dài của những chuỗi ngày dài bất tận "Cứ mùa khô tới, mùa đốt rừng tận
diệt của bọn nó, chúng tôi lại một lần trắng tay. Mảnh đất thật khắc nghiệt và
cũng thật thân yêu đã nhận vào lòng nó biết bao chiến sĩ vô danh". Để tăng
tính thuyết phục cho những trang tiểu thuyết của mình, Chu Lai đã đưa những
trải nghiệm sống một thời áo lính của mình vào trong tác phẩm. Hình ảnh
"những thây người ngã xuống, rách toác, óc vỡ, ruột đùn ra như ruột lợn,
những ống xương thòi thụt nham nhở, trắng hếu…", "một đống tạp nham gồm
cả đất, cả lá cây, hơi khói, cả xương thịt con người ngào trộn vào nhau…Và
vắt hờ trên chạc cây đang ứa nhựa trên đầu…một mảng ngực con gái vẫn còn
phập phồng hơi thở…", những hình ảnh đó ta bắt gặp rất nhiều trong các
trang văn của Chu Lai. Một hiện thực đầy nghiệt ngã nhưng không thể không
nói. Biết bao người đã anh dũng ngã xuống ở lứa tuổi "mãi mãi tuổi hai
mươi". Cả một thời bom đạn đã lấy đi tuổi trẻ của bao người như Hai Hùng
cảm nhận "Cả tuổi trẻ của tôi, cả khát vọng và lý tưởng một thời của tôi đã
ngập ngụa trong máu". Tiếp cận chiến tranh ở những góc khuất, những mảng
tối, Chu Lai đã đem đến quan niệm mới về điểm nhìn hiện thực chiến tranh.
Đứng trên quan điểm này ta sẽ thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc
ta hào hùng và vĩ đại nhưng cũng thấm đẫm bi kịch khi nhìn từ số phận con
người.
Điểm nhìn mới về chiến tranh đã đem lại cho tiểu thuyết Chu Lai một
cách thể hiện khác so với các sáng tác cùng đề tài giai đoạn trước 1975. Chiến