Tải bản đầy đủ (.pdf) (70 trang)

Góp phần nghiên cứu đặc điểm thực vật và thành phần hóa học thân rễ mía dò (costus specisus smith)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.04 MB, 70 trang )





BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI


TRẦN THỊ DIỆU LINH


GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM
THỰC VẬT VÀ THÀNH PHẦN HÓA
HỌC CỦA THÂN RỄ MÍA DÒ
(Costus speciosus Smith)

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ




Hà Nội - 2013




BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI


TRẦN THỊ DIỆU LINH




GÓP PHẦN NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM
THỰC VẬT VÀ THÀNH PHẦN HÓA
HỌC CỦA THÂN RỄ MÍA DÒ
(Costus speciosus Smith)
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ


Người hướng dẫn:
TS. Hà Vân Oanh
Nơi thực hiện:
Bộ môn Dược học cổ truyền



Hà Nội - 2013




LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình thực hiện khóa luận tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ
tận tình của thầy cô, bạn bè và gia đình.
Với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành gửi lời cám ơn tới
PGS.TS. Vũ Văn Điền, TS. Hà Vân Oanh, người đã luôn quan tâm, tận tình chỉ
bảo, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho tôi được học hỏi và giúp đỡ tôi trong suốt
thời gian thực hiện và hoàn thành khóa luận.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến TS. Nguyễn Hoàng Tuấn, giảng viên bộ môn
Dược liệu, người đã góp ý, chia sẻ kinh nghiệm giúp tôi thực hiện phần phân tích

diosgenin.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô, các anh chị kỹ thuật viên trong bộ
môn Dược học cổ truyền, Bộ môn Dược liệu và các phòng ban trong nhà trường
đã giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho tôi thực hiện khóa luận này.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn thân thương tới gia đình, bạn bè, những người
đã luôn ở bên, động viên, khích lệ rất nhiều để tôi có thêm sự nhiệt tình và say
mê trong nghiên cứu khoa học.

Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2013
Sinh viên


Trần Thị Diệu Linh







MỤC LỤC


ĐẶT VẤN ĐỀ 8

Chương 1. TỔNG QUAN 2

1.1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT 2

1.1.1. Vị trí phân loại: 2


1.1.2. Đặc điểm thực vật: 2

1.1.3. Phân bố, sinh thái, bộ phận dùng 3

1.2. THÀNH PHẦN HÓA HỌC: 5

1.3. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ: 7

1.3.1. Tác dụng chống viêm: 7

1.3.2. Tác dụng gây thu teo tuyến ức: 8

1.3.3. Tác dụng giảm đau: 8

1.3.4. Ảnh hưởng của cao mía dò đối với sự sinh sản: 8

1.3.5. Về độc tính: 9

1.3.6. Một số tác dụng của hoạt chất Diosgenin: 9

1.4. CÔNG DỤNG, TÍNH VỊ VÀ CÔNG NĂNG: 10

1.4.1. Tính vị, công năng : 10

1.4.2. Công dụng và 1 số bài thuốc: 10

Chương 2. NGUYÊN LIỆU, PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN
CỨU 12


2.1. NGUYÊN LIỆU, PHƯƠNG TIỆN NGHIÊN CỨU: 12

2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: 13

2.2.1. Nghiên cứu về đặc điểm thực vật: 13

2.2.2. Nghiên cứu về hóa học: 14





Chương 3. THỰC NGHIỆM, KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 15

3.1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT: 15

3.1.1. Đặc điểm thân rễ mía dò: 15

3.1.2. Đặc điểm vi phẫu: 15

3.1.3. Đặc điểm bột dược liệu: 17

3.2. NGHIÊN CỨU VỀ HÓA HỌC: 19

3.2.1. Định tính bằng phản ứng hóa học: 19

3.2.2.Định tính Flavonoid toàn phần bằng SKLM: 28

3.2.3.Nghiên cứu về Diosgenin 30


3.3. BÀN LUẬN 38

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ: 40

1. Kết luận: 40

2. Kiến nghị: 41





DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
CHỮ VIẾT TẮT TÊN ĐẦY ĐỦ
dd Dung dịch
DĐVN IV Dược điển Việt Nam IV
ĐH Đại học
h Giờ
LD Liều dùng
NXB Nhà xuất bản
p. Trang
SK Sắc ký
SKLM Sắc ký lớp mỏng
TT Thuốc thử
UV Ánh sáng tử ngoại
YHCT Y học cổ truyền












DANH MỤC CÁC BẢNG

STT
Bảng Tên bảng Trang
1 3.1 Kết quả định tính các nhóm chất hữu cơ trong thân rễ mía dò

26, 27

2 3.2 Kết quả định lượng 4 phương pháp chiết Diosgenin 34























DANH MỤC CÁC HÌNH
STT

Hình

Tên hình Trang
1 1.1
Diosgenin
5
2 1.2 (I) 31 norcycloartanon 6
3 1.3 Cycloartenol 6
4 1.4 Curcumin 7
5 1.5 Bis (2 ethyl hexyl) phtalat 7
6 3.1 Thân rễ mía dò (tươi) 15
7 3.2 Lát cắt thân rễ mía dò (khô) 15
8 3.3 Vi phẫu thân rễ mía dò 16
9 3.4 Bó libe - gỗ 17
10 3.5
Bột thân rễ Mía dò 18
11 3.6 Đặc điểm bột thân rễ mía dò 18
12 3.7 Sắc kí đồ dịch chiết cắn Flavonoid 29
13 3.8 Sắc ký đồ dịch chiết 4 phương pháp với diosgenin chuẩn. 33

14 3.9
Sắc ký đồ dịch chiết mẫu M1, M2 với diosgenin chuẩn. 37





1



ĐẶT VẤN ĐỀ
Mía dò là một cây rất sẵn có ở nước ta, có ở khắp mọi nơi trong cả nước. Cây
sinh trưởng phát triển nhanh, khả năng tái tinh vô cùng khỏe vì vậy nguồn trữ
lượng Mía dò ở nước ta rất lớn, dồi dào, ước tính đến hàng tấn. Trong YHCT,
cây có nhiều tác dụng như: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm,
để chữa thấp khớp, viêm gan, thận, xơ gan cổ trướng, viêm bàng quang, niệu đạo
tiểu buốt, tiểu rắt, sốt. Ngoài ra trong nhiều công trình nghiên cứu và các tài liệu
chuyên môn [6], [16], [17], hàm lượng Diosgenin trong thân rễ mía dò khá cao
khoảng 1,3-5,0%, có thể là một nguồn khai thác Diosgenin, nguyên liệu bán tổng
hợp các thuốc có nguồn gốc steroid và một số hormon tuyến thượng thận. Tuy
nhiên hiện nay ở Việt Nam, việc nghiên cứu về vị thuốc này vẫn còn ít, chưa có
hệ thống đầy đủ. Để khai thác, bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc này một cách
bền vững, hướng dẫn sử dụng an toàn, hợp lí và hiệu quả, chúng tôi đã tiến hành
nghiên cứu đề tài: “Góp phần nghiên cứu đặc điểm thực vật và thành phần
hóa học của thân rễ mía dò (Costus speciosus Smith)” với mục tiêu sau:
- Nhận dạng đặc điểm hình thái, vi phẫu và bột thân rễ mía dò.
- Định tính thành phần hóa học thân rễ mía dò.
- Khảo sát một số phương pháp chiết Diosgenin và phân tích cặn bằng SKLM.







2



Chương 1. TỔNG QUAN
1.1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT
1.1.1. Vị trí phân loại:
Mía dò có tên khoa học là Costus speciosus (Koenig) Smith. Cây còn có các
tên gọi khác như: tậu chó (Lạng Sơn), đọt/ đót đắng, đọt hoàng, cát lồi, củ chóc,
sẹ vàng, nó ưởng, ỏi pha (Tày), co ướng bôn (Thái), mía voi, là 1 loài thuộc chi
Costus L. [7], [9], [17], [1], [18], [12], [15].
Theo hệ thống phân loại của Takhtajan (1997) [29], các tài liệu [7], [9], [17],
[1], [18], vị trí của chi Costus L. trong hệ thống phân loại thực vật được tóm tắt
như sau:
Ngành Ngọc lan - Magnoliophyta
Lớp Hành - Liliopsida
Phân lớp Loa kèn - Liliidae
Liên bộ Gừng - Zingiberanae
Bộ Gừng - Zingiberales
Họ Mía dò - Costaceae
Chi Costus L.
Trong 1 số tài liệu, chi Costus L. được xếp chung vào họ Gừng -
Zingiberaceae [12], [15], [19].
1.1.2. Đặc điểm thực vật:
Theo các tài liệu [7], [9], [17], [18], [12], [10], đặc điểm thực vật của loài

Costus speciosus (Koenig) Smith được mô tả chung như sau:
Cây thảo, sống lâu năm, cao 1-2m, có khi đến 3m. Thân rễ to, nạc, phân
nhánh, mọc bò ngang, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân khí
sinh, chia đốt, xốp, ít phân nhánh. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn có
3



bẹ, đầu nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn, dài 15–20cm,
rộng 6–7cm, gân chính nổi rõ. Lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt.
Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt, sau chuyển trắng ngà hoặc đỏ
sẫm; lưỡi bẹ phẳng hoặc hơi vát.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông chùy, dài 8–15cm, rộng 5–9cm; hoa to,
đẹp, màu trắng; lá bắc dày, xếp lợp, màu đỏ, có mũi nhọn, lá bắc con kề bên,
cùng màu; đài hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng màu đỏ sẫm; tràng hình phễu,
có ống ngắn và cong màu trắng, họng vàng, nhẵn hoặc có lông; nhị dạng cánh
mang 1 bao phấn, chỉ nhị kết hợp với trung đới kéo dài thành một phần phụ hình
trứng đảo hẹp, đầu tròn cong lòng máng ôm lấy vòi nhụy; cánh môi to, màu
hồng, trắng hoặc vàng, khía răng ở đầu; bầu nhẵn hoặc có lông. Quả nang hình
trứng hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, màu đỏ sẫm, có đài tồn tại; hạt nhiều, có
cạnh không đều, màu đen. Mùa hoa quả: tháng 7–11.
Loài này còn có 1 thứ là Costus speciosus (Koenig) Smith var. argyrophyllus
Wall. với đặc điểm là mặt dưới lá màu lục nhạt phủ lông dài và dày hơn. Lá bắc,
đài hoa, bầu và quả có lông cứng, nhỏ màu hung xám [17].
Ngoài ra còn có cây khác cũng mang tên mía dò, còn gọi là Mía dò hoa gốc
(Costus tonkinensis Gagnep.) hay Mía dò lá nhẵn, Chóc Bắc bộ, Cát lồi Bắc bộ,
cùng chi với Costus speciosus (Koenig) Smith. Cây này có đặc điểm gần giống
cây mía dò Costus speciosus (Koenig) Smith, điểm khác cơ bản là hoa mọc ở
gốc, kích thước nhỏ hơn, hoa màu vàng, lá 2 mặt đều nhẵn, có nhiều chấm trắng
rải rác. Công dụng dùng tương tự như cây Costus speciosus (Koenig) Smith [7],

[9], [17], [12].
1.1.3. Phân bố, sinh thái, bộ phận dùng
a. Phân bố:
4



Chi Costus L. có khoảng 175 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới và
cận nhiệt đới, rộng rãi từ Ấn Độ sang Trung Quốc và xuống các quốc gia vùng
Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 1 chi 2 loài và 1 thứ [8], [17], [18].
Mía dò chỉ thấy phân bố ở vùng nhiệt đới Châu Á, bao gồm Ấn Độ, Xrilanca,
Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Việt Nam, Tân Ghinê, các tỉnh Nam
Trung Quốc và đảo Hải Nam. Ở Việt Nam, cây phân bố rộng rãi ở tất cả các tỉnh
thuộc vùng núi, trung du và cả đồng bằng. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu
bóng (khi nhỏ), thường mọc thành khóm lớn trên đất ẩm, xen với các cây cỏ
khác ở ven rừng, ven bờ sông suối, bờ nương rẫy. Ở vùng đồng bằng ít gặp hơn,
trong các lùm bụi quanh làng hay vườn đã bị bỏ hoang lâu ngày. Các tỉnh có
nhiều mía dò là: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái
Nguyên, Tuyên Quang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Ở miền Nam cây mọc
trên các bờ kênh rạch. Độ cao phân bố của cây rất rộng, từ vài chục mét đến gần
1500m [9], [17].
b. Sinh thái:
Mía dò là cây sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa xuân-hè. Từ thân rễ,
hàng năm mọc ra nhiều chồi theo hướng nằm ngang. Loại chồi này mọc thành
cây và có thể ra hoa quả ngay trong năm đầu tiên. Sau khi quả già, phần trên mặt
đất thường lụi đi. Cá biệt có trường hợp cây không lụi, nhưng lại mọc chồi ở
nách lá [17]. Quả Mía dò khi già tách thành 3 mảnh để hạt thoát ra ngoài, nảy
mầm đạt tới 80% [18]. Cây con mọc từ hạt thường thấy vào tháng 3-4 hàng
năm.
Mía dò có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Các đoạn thân khí sinh cũng như

các đoạn thân rễ đều có thể tạo thành cây mới [17], [18].
Nguồn trữ lượng Mía dò ở Việt Nam rất dồi dào, ước tính đến hàng tấn [17].
5



c. Bộ phận dùng, thu hái và chế biến:
Bộ phận dùng: thân rễ, búp non, cành non [9], [17].
Thân rễ, thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái phiến phơi hay
sấy nhẹ cho khô [9], [17], [18]. Nếu thân rễ khô phải ủ cho mềm rồi thái phiến.
Dùng lửa nhỏ sao đến khi bề mặt phiến có màu vàng. Búp và cành dùng tươi
[17] hay thái lát phơi khô [18].
1.2. THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
Theo 1 số tài liệu, thân rễ Mía dò có chứa:
+Diosgenin và 1 số Saponin khác:
Năm 1970, Phandey V.B và Dasgupta đã chiết từ rễ khô Mía dò được 2,12%
diosgenin tinh khiết, tigogenin và 1 số saponin khác [9], [15], [17]. Năm 2002,
diosgenin, prosapogenin B của dioscin cũng đã được phân lập từ thân rễ của
Costus speciosus tỉnh Vân Nam, Trung Quốc [25].

Hình 1.1. Diosgenin
Hàm lượng Diosgenin trong Mía dò khác nhau ở các vùng phân bố địa lý khác
nhau [18]. Ở Việt Nam, năm 1985, Phạm Kim Mãn và cộng sự (Viện Dược
Liệu) đã chứng minh các saponin steroid trong mía dò (di thực từ Ấn Độ sang
Việt Nam dưới dạng furostan (vòng F mở) lên men trong môi trường nước sẽ
biến thành dạng spirostan (vòng F đóng). Khi thủy phân, dạng spirostan sẽ nâng
6




cao hiệu suất diosgenin lên nhiều lần. Năm 1997, Inoue Kentaro, Ebizuka,
Yutaka đã tinh chế và xác định β glucosidase để chuyển hóa các furostanol
glycoside trong mía dò thành spirostanol glycoside [17].
Shah, Bhavsar và Seth (Curr.Sci.1978 N°8, 270-71) đã áp dụng phương pháp
ủ thân rễ Mía dò Costus speciosus Smith thu hoạch ở những cây 60 ngày tuổi
thấy hàm lượng Diosgenin được tăng lên hết sức cao. Tác giả đã thái phiến thân
rễ tươi cây mía dò rồi đem ủ ở 37°C với nước, có thêm những dung dịch điều
hòa tăng trưởng trong 24h rồi sau đó định lượng bằng phương pháp đo màu. Kết
quả cho thấy hàm lượng diosgenin là 1,3% trong mẫu đối chứng tăng lên đến
3,5% khi ủ với nước, 5,0% khi ủ có 2,4-D. Mức tăng tối đa tính theo hiệu suất là
270%. Có thể nói đây là 1 phương pháp làm tăng hoạt chất rất đáng chú ý. Ngoài
ra còn có một số chất kích thích sinh trưởng khác có thể kể đến như: indol-3
acetic acid, acid gibberellic [6], [16].
+Các chất Triterpen:
Năm 1988, Gupta.M.M. Sing S.P Shukla Y.N đã xác định một số triterpen
trong thân rễ mía dò là 31 norcycloartanon (I) cycloartanol, cycloartenol và
cycloandenol [17]. Năm 2002, Qiao CF, Li QW, Dong H, Xu LS, Wang ZT cũng
đã phân lập được cycloartanol và 25-en-cycloartenol từ thân rễ Mía dò [25].

Hình 1.2. (I) 31 norcycloartanon Hình 1.3. Cycloartenol
7



+Curcumin:
Năm 1990, Gaitonde R.V Sapre S.P đã chiết và phân lập được chất curcumin,
từ thân rễ tươi cây Mía dò [17].

Hình 1.4. Curcumin
+Bis (2 ethyl hexyl) phtalat :

Năm 1988, một chất có hoạt tính sinh học là este của acid phtalic là bis (2
ethyl hexyl) phtalat đã được Farooqui A.H; Shukla Y.N phân lập từ thân rễ mía
dò. Chất này ức chế sự phát triển của lúa mỳ ở nồng độ 200-400 μg/l [17].

Hình 1.5. Bis (2 ethyl hexyl) phtalat
Ngoài ra còn một số thành phần khác như: Thân rễ Mía dò tươi chứa 77-87%
nước, khi khô là 5,5% nước, 0,75% chất tan trong ether, 6,75% chất albuminoid ,
66,65% carbohydrate, 10,65% xơ và 9,70% tro ,… [9], [15], [18], [17].
1.3. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ:
1.3.1. Tác dụng chống viêm:
Ở cả hai giai đoạn viêm cấp tính và mạn tính, cao Mía dò đều có tác dụng
chống viêm rõ rệt [18]. Trên các mô hình viêm cấp như gây phù bàn chân chuột
cống trắng bằng carragenin (0,8%), cao mía dò với các liều 0,15g/kg và 0,25g/kg
8



ức chế phù đạt 32% và 58,5%. Trên mô hình gây phù bằng kaolin với những liều
dùng trên mức độ ức chế phù đạt 49,7% và 52%; còn trên mô hình gây viêm
khớp thực nghiệm trên chuột cống trắng, cao mía dò với liều 0,25g/kg ức chế
hiện tượng sưng khớp đạt 55,6%. Ở giai đoạn viêm mạn tính với mô hình gây u
hạt thực nghiệm trên chuột trắng; cao mía dò với các liều 0,75g/kg và 1,25g/kg
làm giảm trọng lượng u hạt 29,5% và 47,2% [17]. Trong 1 thí nghiệm khác thực
nghiệm trên chuột cống trắng cũng cho thấy, cao Methanol của cây Mía dò ở liều
400 và 800 mg/kg có tác dụng ức chế phù nề chân đạt 75,50% và 68,33% [27].
1.3.2. Tác dụng gây thu teo tuyến ức:
Thí nghiệm trên chuột cống trắng đực còn non, cao mía dò tiêm dưới da với
liều 0,3g/kg và 0,5g/kg làm giảm trọng lượng tuyến ức 34,5% và 49,7% so với lô
đối chứng [17], [18].
1.3.3. Tác dụng giảm đau:

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, gây đau nội tạng bằng cách tiêm xoang bụng
dung dịch acid acetic, cao mía dò với các liều 0,17g/kg và 0,25g/kg có tác dụng
làm giảm số lần quặn đau 48,8% và 60% so với lô đối chứng [17], [18].
1.3.4. Ảnh hưởng của cao mía dò đối với sự sinh sản:
Thí nghiệm được tiến hành trên chuột cống trắng cả đực cả cái, cao mía dò
dùng liều hàng ngày 0,7g/kg trong 10 ngày liên tục. Khi bắt đầu dùng thuốc cho
chuột giao phối, theo dõi tỉ lệ chuột có chửa, tình hình sinh đẻ, số lượng và quá
trình phát triển của chuột con. Kết quả cho thấy so với lô đối chứng, cao mía dò
không ảnh hưởng đến sự sinh sản của chuột [17]. Thí nghiệm trên chuột cống cái
đã cắt buồng trứng, hỗn hợp này làm tăng trọng lượng tử cung một cách có ý
nghĩa [17]. Saponin toàn phần trong rễ cát lồi (Mía dò) có tác dụng kiểu estrogen
trên cơ địa chuột bình thường và chuột gây suy giảm chức năng sinh dục [13].
9



1.3.5. Về độc tính:
Đã tiến hành xác định độc tính cấp và mạn của cao mía dò. Thí nghiệm trên
chuột nhắt trắng, bằng đường uống, cao mía dò có LD
50
= 7,28g/kg (5,38-
9,82g/kg). Về độc tính mạn, liều dùng hàng ngày 0,3g/kg trong 30 ngày liên tiếp,
được tiến hành trên thỏ không gây ảnh hưởng đến cân nặng, các chỉ số huyết học
và công năng gan, thận [17].
1.3.6. Một số tác dụng của hoạt chất Diosgenin:
a. Tác dụng chống ung thư:
Trong 1 nghiên cứu mới đây tại Ấn Độ cho thấy Diosgenin đã thể hiện được
tác dụng chống ung thư vú thông qua tác dụng làm giảm peroxy lipid, tăng
cường hệ thống phòng thủ chống oxy hóa. Thí nghiệm được thực hiện trên chuột
cái Sprague Dawley. Tiến hành gây ung thư vú trên chuột bằng cách tiêm vào

phúc mạc chuột 1 liều duy nhất N–methyl–N–nitrosourea (NMU – 1 chất gây
ung thư vú giống hệt như bệnh ung thư vú ở người) với nồng độ 50mg/kg trọng
lượng cơ thể, pha loãng trong nước muối 0,9%. Sau đó những con chuột được
cho uống Diosgenin liều 20mg/kg trong 45 ngày. Kết quả thật thú vị, điều trị
bằng Diosgenin đã làm giảm đáng kể các phản ứng peroxy và hệ thống phòng
thủ chống oxy hóa trong cơ thể đột xuất được tăng cường. Nghiên cứu mô bệnh
học của vú và các mô gan đã xác nhận sự thay đổi sinh hóa [23].
b. Tác dụng kích thích tăng trưởng tuyến vú:
Tác dụng của Diosgenin trên biểu mô vú của chuột đã được báo cáo.
Diosgenin được theo dõi ở mức liều 20 và 40mg/kg trong thời gian 15 ngày, kích
thích sự phát triển của biểu mô vú. Điều này đã được chỉ ra bởi sự gia tăng đáng
kể trong những điểm phát triển vú, tăng số lượng các ống dẫn khi sử dụng
10



Diosgenin. Dùng đồng thời estrogen và Diosgenin cho thấy làm tăng tác dụng
của estrogen, đặc biệt là ở liều cao (40mg/kg) [21].
c. Tác dụng trên chuyển hóa cholesterol, muối mật:
Diosgenin có tác dụng trong việc làm giảm hấp thu cholesterol, đồng thời làm
tăng quá trình bài tiết cholesterol mật [20], ức chế enzyme HMG–CoA reductase
[24], [26], [28] làm cho nồng độ cholesterol trong huyết thanh giảm xuống và
quá trình bài tiết muối mật cũng giảm theo [20]. Người ta đã chỉ ra rằng: có mối
liên quan mật thiết giữa số lượng muối mật và số lượng cholesterol được bài tiết
ở gan khi sử dụng diosgenin, quá trình bài tiết cholesterol mật tăng thì lượng
muối giảm [20].
1.4. CÔNG DỤNG, TÍNH VỊ VÀ CÔNG NĂNG:
1.4.1. Tính vị, công năng :
Mía dò có vị chua [17], [10], đắng, cay [9], tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt,
giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm [9], [17], [19], [10].

1.4.2. Công dụng và 1 số bài thuốc:
+ Công dụng:
Chữa ho, sốt, đái buốt, viêm bàng quang, Trung quốc dùng chữa viêm thận,
phù thũng, xơ gan cổ trướng, tiểu không thông, mề đay, Ấn Độ dùng chữa sốt,
bệnh ngoài da, rắn cắn, Indonesia dùng chữa các bệnh về mắt [17], [18]. Ngoài
ra, thân rễ Mía dò còn được dùng làm thuốc thanh lương, bổ, lọc máu, trị suyễn,
chữa ho, chống nấm, tác dụng xổ, trừ giun [9], [12], [15]. Trong công nghiệp,
Mía dò được sử dụng làm nguyên liệu chiết diosgenin để bán tổng hợp thuốc
corticoid, thuốc tránh thụ thai [18], [15], [10].
+ Một số bài thuốc:
11



- Chữa xơ gan cổ trướng: Thân, rễ cây Mía dò 30g, rễ cỏ tranh 20g, chó đẻ răng
cưa 20g, rau má 20g, đậu đen 20g, sắc uống ngày 1 thang [19]
- Chữa đau mắt, đau tai: Ngọn hay cành non mía dò đem nướng, rồi vắt lấy
nước nhỏ chữa đau mắt, đau tai [9], [17], [18], [15], [19], [10].
- Chữa đái buốt, đái dắt, đái nước tiểu vàng, viêm bàng quang, viêm thận: Thân,
rễ mía dò ngày dùng 5-10g dưới dạng nước sắc, cao lỏng hoặc cao mềm. Dùng
riêng hoặc phối hợp với lá lành ngạnh chữa bí tiểu tiện; với mộc tặc chữa đái đục
[17], [18], [10]. Thân, rễ mía dò 20g, sắc uống ngày 1 thang [19]. Thân, rễ cây
mía dò 10g, mã đề 20g, râu ngô 20g, cam thảo dây 10g, sắc ngày uống 1 thang
[19]
- Viêm thận, phù thũng cấp: Thân, rễ Mía dò 15g Mía dò, sắc uống ngày 1 thang
[9]. Thân, rễ mía dò 20g, củ khúc khắc 20g, dây đau xương 20g sao vàng, rễ cỏ
xước 20g, sắc uống ngày 1 thang [19]
- Chữa rắn cắn, sưng tấy, mẩn ngứa và các bệnh ngoài da: Thân cây mía dò giã
nát, băng đắp vào vết rắn cắn hoặc chỗ sưng tấy [9], [17], [19]. Eczema, mày
đay, mẩn ngứa: nấu nước Mía dò với lượng vừa đủ để xoa, rửa, tắm [9].

- Chữa cảm sốt, ra mồ hôi: Thân rễ cây mía dò 10-20g, sắc uống ngày 1 thang
[15], [19]. Dịch hãm hoặc nước sắc của lá mía dò làm thuốc ra mồ hôi hoặc dùng
làm nước tắm cho bệnh nhân sốt cao (Lào, Malaysia) [17].


12



Chương 2. NGUYÊN LIỆU, PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
2.1. NGUYÊN LIỆU, PHƯƠNG TIỆN NGHIÊN CỨU:
a. Nguyên liệu: Nguyên liệu là thân rễ cây Mía dò được thu hái tại Xã Đại
Phạm, Huyện Đoan Hùng, Tỉnh Phú Thọ tháng 02/2013. Thân rễ rửa sạch, thái
lát mỏng, sấy ở nhiệt độ 60°C trong tủ sấy có quạt thông gió đến khô và bảo
quản trong túi polyme kín, nơi khô mát tránh ẩm; mẫu tiêu bản cây được PGS.TS
Vũ Xuân Phương, Viện tài nguyên sinh thái, viện hàn lâm khoa học Việt Nam
xác định tên khoa học là Costus speciosus (Koenig) Smith, họ Mía dò
(Costaceae).
b. Hóa chất, thiết bị:
+ Hóa chất:
Hóa chất sử dụng trong nghiên cứu đạt tiêu chuẩn phân tích đã ghi trong DĐVN
IV, bao gồm:
˗ Ethanol, Javen, xanh methylen, đỏ son phèn, glycerin,…
˗ Các dung môi: Methanol, ethanol, chloroform, n-hexan, cyclohexan, nước cất,
ethylacetat, toluene, aceton, acid formic,…
˗ Thuốc thử: FeCl
3
5%, Diazoni, Lugol, H
2

SO
4
10%, Dragendorff, Mayer,
Bourchadat, Gelatin 1% ,…
˗ Chất chuẩn Diosgenin: Do TS. Nguyễn Hoàng Tuấn, Bộ môn Dược liệu,
trường ĐH Dược Hà Nội cung cấp.
+ Thiết bị dụng cụ:
˗ Kính hiển vi LABOMED, máy ảnh Canon PowerShot A2200, kính lúp soi nổi
Leica; dao lam, phiến kính, lamen, đĩa petri, bình chạy sắc ký,
˗ Tủ sấy SHELLAB, MEMMERT.
13



˗ Cân phân tích PRECISA.
˗ Cân kỹ thuật SARTORIUS.
˗ Tủ hốt Uni-Lab
˗ Máy siêu âm WiseClean
˗ Máy soi đèn tử ngoại CAMAG
˗ Máy cất quay BUCHI Rotavapor R-200.
˗ Bản mỏng sắc ký tráng Silicagel 60 F
254
(MERCK-Đức).
˗ Máy ly tâm cao tốc K universal centrifuge
˗ Máy chụp sắc ký TLC VISUALIZER CAMAG, máy chấm CAMAG-Limonat
5, được điều khiển bởi phần mềm winCATS; phần mềm phân tích pic trên sắc ký
đồ VideoScan.
2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
2.2.1. Nghiên cứu về đặc điểm thực vật:
Các nghiên cứu đặc điểm thực vật, vi học theo các tài liệu hướng dẫn của bộ

môn thực vật, dược liệu của bộ môn dược liệu [3], [4].
a. Mô tả đặc điểm thân rễ mía dò:
Quan sát cây trực tiếp bằng mắt thường và kính lúp dưới ánh sáng thường để
mô tả đặc điểm bên ngoài, thể chất và mặt cắt ngang của dược liệu.
b. Nghiên cứu đặc điểm vi học:
˗ Vi phẫu thân rễ Mía dò: sử dụng mẫu thân rễ tươi, cắt vi phẫu bằng lưỡi dao
lam. Tẩy và nhuộm theo phương pháp nhuộm kép. Lên tiêu bản bằng phương
pháp giọt ép, quan sát trên kính hiển vi, chụp ảnh và mô tả theo phương pháp mô
tả phân tích [3], [4].
14



˗ Soi bột dược liệu: Dược liệu được nghiền mịn, rây. Nhận xét cảm quan về màu
sắc, mùi, vị, tính chất của bột. Lên tiêu bản bằng nước, quan sát và mô tả dưới
kính hiển vi, chụp ảnh đặc điểm bột [3].
2.2.2. Nghiên cứu về hóa học:
+ Định tính các nhóm chất hữu cơ trong thân rễ mía dò theo các phương pháp
hóa thực vật thường quy được ghi trong các tài liệu hóa thực vật [2], [6].
+ Định tính Flavonoid bằng SKLM [6].
+ Nghiên cứu về Diosgenin:
˗ Chiết xuất Diosgenin theo 4 phương pháp tham khảo trong các tài liệu [6], [16],
[11], [14].
˗ Định tính Diosgenin của các phương pháp chiết bằng SKLM.
˗ Định lượng Diosgenin của các phương pháp chiết bằng phương pháp cân [11]
˗ Kiểm tra Diosgenin sau khi chạy qua cột nhôm oxyd trung tính [5], [22].











15



Chương 3. THỰC NGHIỆM, KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT:
3.1.1. Đặc điểm thân rễ mía dò:
Thân rễ Mía dò không có hình dạng nhất định, cong queo, to, nạc, thường
phân nhánh, dài 7-10cm, đường kính 1-5cm. Mặt ngoài màu vàng đến vàng nâu,
mang nhiều lông nhỏ, có nhiều đốt ngang, ở các đốt có vảy màu vàng nâu. Từ
thân rễ mọc ra nhiều rễ con. Mặt cắt ngang thấy bên trong có màu vàng nhạt, có
vân tròn rõ và có nhiều sợi. Thể chất mềm (Hình 3.1).
Dược liệu khô có hình gần tròn, cong queo, dày 2–3cm, đường kính 1–5cm.
Mặt ngoài màu vàng nâu, có vảy, bên trong màu vàng nâu nhạt, có vân tròn và
nhiều sợi cứng. Thể chất khô, giòn (Hình 3.2).

Hình 3.1. Thân rễ mía dò (tươi) Hình 3.2. Lát cắt thân rễ mía dò (khô)
3.1.2. Đặc điểm vi phẫu:
Mặt cắt thân rễ hình gần tròn. Từ ngoài vào trong có: Ngoại bì cấu tạo từ 5-8
lớp tế bào bắt màu xanh, hóa bần ít nhiều. Mô mềm vỏ là những tế bào thành
mỏng hình đa giác gần tròn, xếp sít nhau. Phía trong là lớp nội bì cấu tạo bởi một
lớp tế bào hình chữ nhật khá đều đặn, xếp nối tiếp thành vòng, có vách hóa bần
tạo thành đai Caspari. Trụ bì gồm các tế bào thành mỏng xếp sát nội bì. Mô mềm
16




ruột cấu tạo từ những tế bào hình đa giác gần tròn, xếp sít nhau. Các bó libe-gỗ
tạo thành vòng sát trụ bì và xếp lộn xộn trong mô mềm vỏ và mô mềm ruột. Mỗi
bó libe-gỗ hình tròn hay hình trứng có các mạch gỗ xếp kế nhau tạo thành vòng
bao bên ngoài và libe ở phía trong, ở giữa có 1-4 mạch gỗ (Hình 3.3; 3.4).

Ngoại bì
Mô mềm vỏ
Bó libe-gỗ
Nội bì
Trụ bì
Mô mềm ruột
Hình 3.3. Vi phẫu thân rễ mía dò
17




Hình 3.4. Bó libe-gỗ
3.1.3. Đặc điểm bột dược liệu:
Bột màu vàng, mùi thơm mát, vị chua. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần
là những tế bào hình đa giác, thành dày, có màu vàng nâu (1); mảnh mô mềm là
những tế bào hình gần tròn, thành mỏng, chứa nhiều tinh bột (2); hạt tinh bột rất
nhiều, chủ yếu có hình thuôn dài rất đặc trưng, số ít có hình tròn, có rốn hoặc
không, vân không rõ, thường đứng đơn lẻ (3); tinh thể calci oxalate hình đa giác
(4); sợi kết thành từng bó (5); mảnh mạch xoắn và mảnh mạch vạch (6); mảnh
mang màu có màu vàng đỏ và màu đỏ nâu (7); lông che chở đa bào (8) (Hình
3.5; 3.6).

Như vậy điểm đặc trưng nhất của bột thân rễ Mía dò đó là: có rất nhiều hạt
tinh bột hình thuôn dài, có rốn hoặc không, vân không rõ và thường đứng riêng
lẻ.
Gỗ cấp I
Libe cấp I
Mạch gỗ

×