Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động
thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động
tư pháp của viện kiểm sát nhân dân thành phố hà
nội
1. Tính cấp thiết của đề tài
Pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một trong những nguyên tắc cơ bản làm nền
tảng cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước XHCN. Nguyên
tắc pháp chế đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trước hết phải dựa
trên cơ sở pháp luật và được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; mọi cán bộ, công
chức nhà nước phải nghiêm chỉnh tôn trọng pháp luật trong khi thực hiện quyền hạn và nhiệm
vụ của mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm
pháp luật cũng là một nội dung quan trọng của nguyên tắc pháp chế XHCN.
Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là một trong bốn hệ thống cơ quan cấu thành
nên bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chế định về VKSND là một
đặc điểm riêng có của kiểu Nhà nước XHCN theo sáng kiến vĩ đại của V.I. Lênin. Cùng
với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, thời gian qua ngành Kiểm sát nhân dân
(KSND) đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ năm 2001 trở về trước, VKSND là
cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp
luật và thực hành quyền công tố. Từ khi ra đời (ngày 26/7/1960) cho đến nay, hệ thống
VKSND đã phát huy được vị trí, vai trò và thực hiện tốt chức năng của mình, góp phần
đáng kể vào công cuộc bảo vệ nền pháp chế XHCN nhằm mục đích bảo vệ và xây dựng thành
công Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đang chủ trương đổi mới toàn diện
đất nước theo hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Thực hiện chủ trương đó,
Đảng ta xác định phải đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà
nước sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đổi mới của đất nước. Một trong những
trọng tâm của quá trình đổi mới đó là việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan
tư pháp, trong đó có hệ thống VKSND các cấp.
Quan điểm về cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được đề
cập trong các văn kiện của Đảng trong các nhiệm kỳ từ Đại hội lần thứ VII của Đảng đến
nay như: Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, Đại hội VIII
và Đại hội IX của Đảng.
Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa VII tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ của cải cách tổ chức và
hoạt động tư pháp trong giai đoạn hiện nay là:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật làm cơ sở cho tổ
chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều
bị xử lý, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Củng cố kiện toàn bộ máy các cơ quan tư pháp, phân định lại thẩm quyền xét xử
của Tòa án nhân dân, từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án nhân dân
huyện. Đổi mới tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan điều tra, cơ
quan thi hành án và các cơ quan tổ chức bổ trợ tư pháp.
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng cũng xác định:
Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp,
nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác bắt, giam,
giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không được để xảy ra những trường hợp oan sai. Viện
kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Sắp xếp
lại hệ thống Tòa án nhân dân, tổ chức lại Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án theo
nguyên tắc gọn đầu mối.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
khóa X tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi một số điều của Hiến
pháp năm 1992. Theo đó, chức năng của VKSND là: "thực hành quyền công tố và kiểm sát
các hoạt động tư pháp". Để thực hiện chức năng theo Hiến pháp quy định, hệ thống VKSND
phải đổi mới cả về tổ chức và phương pháp hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện và
hoàn cảnh mới.
Trong hoàn cảnh đó, việc tăng cường pháp chế XHCN không chỉ là một nhiệm vụ
mà còn là một quan điểm cơ bản có tính nguyên tắc chỉ đạo việc tiếp tục cải cách bộ máy
nhà nước nhằm xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
nhằm đảm bảo thắng lợi cho quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Để tăng cường pháp
chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, không chỉ xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp
luật, mà quan trọng hơn là tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực
hành thường xuyên và nghiêm chỉnh, đấu tranh kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp
luật. Pháp luật không được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất thì pháp luật sẽ không có
hiệu lực và trên thực tế cũng sẽ không có pháp chế.
Muốn cho pháp luật của Nhà nước được đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh và
thống nhất thì điều quan trọng trước nhất là các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị -
xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế,các cán bộ của Đảng và công chức nhà nước
phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, phải tôn trọng các quyền tự do, dân chủ
của nhân dân, phải làm đúng trách nhiệm là người thừa hành ý kiến của nhân dân, là người
bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân. Từ đó đòi hỏi phải tăng cường pháp chế XHCN
trong hoạt động của VKSND nói chung và của mỗi cán bộ, kiểm sát viên của VKSND
thành phố Hà Nội nói riêng.
Trong những năm qua, VKSND thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt công tác kiểm
sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn Thủ đô
và thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống
nhất, phát huy vai trò tích cực của mình trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội
phạm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân. Song, bên cạnh những ưu điểm trên, công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực
hành quyền công tố còn bộc lộ những sai sót cần khắc phục. Để hoàn thành tốt chức năng
của mình, xứng đáng là một công cụ sắc bén của Đảng trong việc bảo vệ nền pháp chế
XHCN, ngành KSND phải tiếp tục phấn đấu phát huy thành tích, hạn chế và khắc phục
khuyết điểm. Nhằm góp phần làm sáng rõ thêm về mặt lý luậnvà thực tiễn của việc tăng
cường pháp chế trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư
pháp, tác giả chọn đề tài: "Tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động thực hành
quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân thành
phố Hà Nội" làm luận văn thạc sĩ luật, chuyên ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp
luật.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Pháp chế XHCN là một phạm trù khoa học pháp lý cơ bản, đã được nhiều nhà
khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau. Lý luận về pháp chế
XHCN và tăng cường pháp chế XHCN đã được hình thành và phát triển rực rỡ trong nền
khoa học pháp lý Xô-viết và các nước XHCN trước đây. Ở nước ta, vấn đề tăng cường
pháp chế XHCN đã trở thành quan điểm chính thống và nhất quán được thể hiện trong các
văn kiện của Đảng ta qua nhiều kỳ Đại hội; quan điểm đó cũng đã được thể hiện trong
nhiều tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, vấn
đề pháp chế XHCN và tăng cường pháp chế XHCN đã trở thành một nội dung khoa học có
vị trí không thể thiếu trong giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật của các
trung tâm đào tạo Chính trị - Pháp lý như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại
học Quốc gia Hà Nội (khoa Luật), Đại học Luật Hà Nội v.v...
Hiện nay vấn đề "tăng cường pháp chế XHCN"đã trở thành một nguyên tắc hiến
định, chính vì vậy nó đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học
pháp lý; có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về pháp chế và tăng cường pháp chế
XHCN gần đây đã được công bố như:
- Luận án TS Luật học của Nguyễn Phùng Hồng về "Tăng cường pháp chế XHCN
trong hoạt động của lực lượng công an nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia ở
nước ta hiện nay",Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1994.
- Luận án TS học Luật học của Quách Sỹ Hùng về "Tăng cường pháp chế về kinh
tế trong quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay", Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 1996.
- Luận án TS Luật học của Nguyễn Nhật Hùng về "Tăng cường pháp chế XHCN
trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe nhân dân ở nước ta hiện nay", Học viện Chính trị Quốc gia
Hồ Chí Minh, năm 1996.
- Luận văn Thạc sĩ Luật học của Nguyễn Huy Bằng về "Tăng cường pháp chế
XHCN trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay", Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh, 2001.
Và nhiều công trình khoa học của nhiều tác giả khác.
Như vậy, vấn đề pháp chế và tăng cường pháp chế XHCN trong một số lĩnh vực
cụ thể đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và làm sáng tỏ. Tuy nhiên, về pháp chế và
tăng cường pháp chế XHCN trong lĩnh vực hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát
các hoạt động tư pháp của VKSND thì chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập một cách
toàn diện.
Chính vì vậy có thể coi đề tài "Tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động
thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân
dân thành phố Hà Nội" là công trình đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích
Mục đích nghiên cứu của luận văn là đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm tiếp
tục tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các
hoạt động tư pháp của VKSND thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
3.2. Nhiệm vụ
Nhằm thực hiện mục đích nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận về pháp chế XHCN và pháp chế trong hoạt
động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
- Đánh giá thực trạng pháp chế trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm
sát các hoạt động tư pháp thông qua việc phân tích kết quả hoạt động của VKSND thành
phố Hà Nội trong một số năm gần đây.