Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

Tội phạm và dẫn độ tội phạm trong lĩnh vực hàng không quốc tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (743.09 KB, 100 trang )


1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT




ĐỖ THỊ QUYÊN





TỘI PHẠM VÀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM
TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ





LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC










HÀ NỘI - 2014



2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT



ĐỖ THỊ QUYÊN




TỘI PHẠM VÀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM
TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ

Chuyên ngành : Luật quốc tế
Mã số : 60 38 60



LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC





Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Văn Bính





HÀ NỘI - 2014


3




Lời cam đoan


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, ví dụ và
trích dẫn trong luận văn đảm bảo độ tin cậy, chính
xác và trung thực. Những kết luận khoa học của
luận văn cha từng đợc ai công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.

Tác giả luận văn


Đỗ Thị Quyên










4
MỤC LỤC

Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Mục lục

MỞ ĐẦU
1
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
8
1.1. Tội phạm hàng không quốc tế 8
1.1.1.

Khái niệm tội phạm hàng không quốc tế 8
1.1.2.

Khủng bố hàng không quốc tế 11
1.1.3.

Đặc điểm của tội phạm hàng không quốc tế 16

1.1.4.

Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ 17
1.1.5.

Những quy định pháp luật về tội phạm xâm phạm an ninh
hàng không dân dụng quốc tế
19
1.2. Một số vấn đề lý luận chung về dẫn độ tội phạm 26
1.2.1.

Khái niệm dẫn độ 26
1.2.2.

Đặc điểm của dẫn độ 29
1.2.3.

Mục đích, căn cứ của dẫn độ 32
1.2.4.

Đối tượng bị dẫn độ 33
1.2.5.

Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự và dẫn độ để chấp
hành hình phạt
35
1.3. Pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm 36

Chương 2:
CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ


TỘI PHẠM HÀNG
KHÔNG QUỐC TẾ VÀ VẤN ĐỀ DẪN ĐỘ LOẠI TỘI
PHẠM NÀY

44
2.1. Những quy định về tội phạm trong lĩnh vực hàng không trong
một số điều ước quốc tế
44
2.1.1.

Công ước Tokyo năm 1963 về tội phạm và một số hành vi
khác thực hiện trên tàu bay
44

5
2.1.2.

Công ước Lahay năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất
hợp pháp tàu bay
45
2.1.3.

Công ước Montreal năm 1971 về trừng trị những hành vi bất
hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng
46
2.1.4.

Nghị định thư Montreal năm 1988 về trừng trị các hành vi
bạo lực bất hợp pháp tại cảng hàng không dân dụng quốc tế

49
2.2. Thẩm quyền xét xử tội phạm hàng không quốc tế theo các
điều ước quốc tế
50
2.2.1.

Nguyên tắc xác định thẩm quyền 50
2.2.2.

Quy định về việc xác định thẩm quyền xét xử đối với tội phạm
hàng không quốc tế trong các điều ước quốc tế về an ninh
hàng không dân dụng
52
2.2.3.

Những quy định về chế tài 54
2.2.4.

Chế tài, biện pháp xử lý tội phạm hàng không dân dụng theo
pháp luật Việt Nam
56
2.3. Quy định pháp luật về dẫn độ tội phạm trong lĩnh vực hàng
không quốc tế
57
2.3.1.

Nguồn của chế định dẫn độ tội phạm 57
2.3.2.

Các nguyên tắc pháp luật về dẫn độ tội phạm 59

2.3.3.

Cơ sở pháp lý của dẫn độ 62
2.3.4.

Thủ tục dẫn độ người phạm tội 63
2.3.5.

Các quy định đặc biệt liên quan đến thủ tục dẫn độ 69
2.3.6.

Quy định về dẫn độ trong pháp luật một số quốc gia 72
2.3.7.

Dẫn độ tội phạm hàng không quốc tế theo những quy định tại
Điều ước quốc tế
73

Chương 3:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG
NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI PHẠM VÀ
DẪN ĐỘ TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC HÀNG
KHÔNG QUỐC TẾ


75
3.1. Những quy định trong pháp luật Việt Nam về tội phạm hàng
không quốc tế
75


6
3.2. Dẫn độ tội phạm xâm phạm an ninh hàng không dân dụng
quốc tế. Thực tiễn tại Việt Nam
78
3.3. Sự cần thiết của việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương
về an ninh hàng không; điều ước quốc tế về chống khủng bố
nói chung và chống khủng bố hàng không dân dụng nói riêng

81
3.4. Một số kiến nghị và giải pháp 84
3.4.1.

Tiếp tục đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế 84
3.4.2.

Hoàn thiện các quy định pháp luật quốc gia về tội phạm, dẫn
độ tội phạm trong lĩnh vực hàng không quốc tế
84
3.4.3.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, phổ biến
các quy định về an ninh hàng không tại các càng hàng không
86
3.4.4.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực; trao đổi, học
hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới
86
3.4.5.


Tăng cường quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ 87
3.4.6.

Thành lập lực lượng Cảnh sát hàng không dân dụng có nhiệm
vụ đảm bảo an toàn cho tàu bay và các chuyến bay
87

KẾT LUẬN
89

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
91



7
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi quốc gia đã phát
sinh yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực và trên
thế giới. Hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển mọi
mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Song bên cạnh mặt tích cực còn có
những mặt tiêu cực đó là việc nảy sinh một số loại tội phạm mới có tính chất
ngày càng phức tạp, nguy hiểm, sử dụng những phương tiện phạm tội hiện đại
với nhiều phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi. Đặc biệt là những hành
vi phạm tội trong lĩnh vực hàng không quốc tế như: hành vi đe dọa đặt bom,
mìn, vũ khí sinh học và hóa học trên tàu bay đang bay; các hành vi phá hoại
tàu bay, cảng hàng không, sân bay gây thiệt hại vô cùng to lớn về người, tài
sản và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không dân dụng quốc

tế. Trước tình hình đó, nhằm ngăn chặn, trừng trị những hành vi phạm tội
cũng như ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài nhằm trốn tránh
trách nhiệm hình sự hoặc trốn tránh việc thi hành án của người phạm tội, các
quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng thiết lập một khung pháp luật quốc tế
nhằm mục đích ngăn chặn và trừng trị một cách có hiệu quả loại tội phạm
này. Các điều ước quốc tế đa phương và song phương tạo cơ sở pháp lý để
các quốc gia cùng nhau hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác đấu tranh phòng,
chống tội phạm nói chung và tội phạm trong lĩnh vực hàng không quốc tế nói
riêng. Bên cạnh đó, các quốc gia đã cùng nhau ký kết những Hiệp định tương
trợ tư pháp về hình sự có những quy phạm quy định về vấn đề dẫn độ tội
phạm và Hiệp định về dẫn độ tội phạm riêng biệt nhằm mục đích nâng cao
hơn nữa hiệu quả của việc đấu tranh, ngăn ngừa và trừng trị kẻ phạm tội.
Đối với Việt Nam, cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp
luật quốc gia, Việt Nam đã ký kết một số điều ước quốc tế đa phương liên

8
quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hàng
không quốc tế. Một trong những quy định quan trọng trong những điều ước
đó chính là việc quy định những hành vi phạm tội, trách nhiệm của các nước
thành viên trong việc xử lý người phạm tội, xác định thẩm quyền xét xử đối
với tội phạm hàng không quốc tế và vấn đề dẫn độ loại tội phạm này. Để thực
thi có hiệu quả, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn cho việc dẫn độ tội phạm
hàng không quốc tế, Việt Nam đã ký kết với các quốc gia những Hiệp định
tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định về dẫn độ tội phạm. Đây là những
văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở cho việc thực hiện hợp tác quốc tế giữa
Việt Nam với các nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong
lĩnh vực hàng không quốc tế giai đoạn hiện nay.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hợp tác quốc tế, việc nhận thức
thống nhất về vấn đề tội phạm xâm phạm an ninh hàng không quốc tế và vấn
đề dẫn độ tội phạm là cần thiết khách quan không chỉ với người nghiên cứu lý

luận về khoa học pháp lý mà còn đối với những người làm công tác thực tiễn
áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài "Tội phạm và dẫn
độ tội phạm trong lĩnh vực hàng không quốc tế" làm đề tài nghiên cứu luận
văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Hợp tác quốc tế về vấn đề dẫn độ tội phạm trong tố tụng hình sự là
vấn đề quan trọng và nhạy cảm, đã được một số nhà luật học ở trong và ngoài
nước quan tâm nghiên cứu như:
Trên bình diện quốc tế, trên thế giới đã có rất nhiều những công trình
nghiên cứu có đề cập đến vấn đề dẫn độ của các tác giả có uy tín lớn trong
lĩnh vực khoa học pháp lý. Các công trình tiêu biểu đã được xuất bản thành
sách, giáo trình, sách chuyên khảo hoặc những bài viết được công bố trên các
tạp chí khoa học pháp lý như: André (1880), "Nghiên cứu về các điều kiện
dẫn độ", nhà xuất bản L.Larose; Maurice Violet (1898), "Thủ tục dẫn độ, đặc

9
biệt tại lãnh thổ nước tị nạn", nhà xuất bản Giard & Brière; Charles Soldan
(1882), "Dẫn độ tội phạm chính trị", Nhà xuất bản Thorin; Maulineau (1879),
"Hậu quả pháp lý của dẫn độ", Nhà xuất bản F, Le Blanc - Hardel; Paul
Bernard (1890), "Lý luận và thực tiễn dẫn độ", tái bản lần 2, Nhà xuất bản
Duchemin; Ivan Anthony Shearer (1971), "Dẫn độ trong luật quốc tế", nhà
xuất bản Manchester University Press Dobbs Ferry, N.Y; Oceana Publications
Kalfat (1987), "Áp dụng các điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia trong dẫn
độ bị động", Luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật hình sự, Đại học
Paris 2; Ducel (André) (1988), "Nghiên cứu so sánh thực tiễn dẫn độ của
Pháp với các nước Anh - Mỹ", luận án tiến sĩ Luật học, chuyên ngành Luật
quốc tế, Đại học Monpellier I; Ép. Ringel (1988), "Tội phạm chính trị trong
pháp luật về dẫn độ", luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật quốc tế, Đại
học Aix-Marseille; Ingeade (1988), "Chế độ pháp lý của dẫn độ trong khuôn
khổ của Hội đồng Châu Âu", luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật quốc

tế, Đại học Monpellier I; Gilbert.G (1991), "Luật dẫn độ và vấn đề quyền con
người", Nhà xuất bản Martimes Nijhoff; Claudin DIB (2008), "Dẫn độ và
trừng phạt độc ác, vô nhân đạo và các giải pháp khả dĩ tại Canada", Luận
văn Thạc sĩ luật học, Đại học Quebec, Montreal, Canada.
Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XX đến nay đã có nhiều bài viết, công trình
nghiên cứu độc lập về tội phạm hàng không, về dẫn độ, về hợp tác quốc tế trong
đấu tranh phòng, chống tội phạm, về hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế nói chung
và hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự nói riêng đã được công bố trong các
cuốn sách chuyên khảo, tham khảo hoặc đã được công bố trên các tạp chí
chuyên ngành khoa học pháp lý tiêu biểu là công trình của các tác giả: Nguyễn
Ngọc Anh (2000), "Hoạt động dẫn độ tội phạm theo Hiệp định tương trợ tư
pháp giữa Việt Nam với các nước", Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 5; Dương
Tuyết Miên (2006), "Vấn đề dẫn độ tội phạm", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10;
Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Việt Hồng, Phạm Văn Công (2006), "Dẫn độ

10
những vấn đề lý luận và thực tiễn", Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội;
Đào Thị Hà (2006), "Vấn đề dẫn độ trong pháp luật Việt Nam", luận văn Thạc sĩ
Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Thủy (2007), "Một
số vấn đề về dẫn độ tội phạm", Tạp chí Kiểm sát, số 16; Nguyễn Xuân Yêm
(2000), "Dẫn độ tội phạm, tương trợ pháp lý về hình sự và chuyển giao phạm
nhân quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm", Nhà xuất bản Chính trị
quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Xuân Yêm (2000), "Dẫn độ tội phạm và tương trợ tư
pháp hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam", Tạp chí Tòa
án nhân dân, số 1; Nguyễn Thị Mai Nga (2007), "Dẫn độ tội phạm và hoạt
động tương trợ tư pháp của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án ma túy có
yếu tố nước ngoài", Tạp chí Kiểm sát, số 16; Nguyễn Ngọc Anh, Bùi Anh Dũng
(2007), "Hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh
sát nhân dân Việt Nam", Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội; Chử Văn Dũng (2008),
"Hoạt động INTERPOL trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội

phạm ở Việt Nam", luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Cảnh sát nhân dân; Đại
học Cảnh sát nhân dân (2009), "Hoạt động tương trợ tư pháp hình sự trong điều
tra tội phạm có yếu tố nước ngoài của lực lượng cảnh sát nhân dân - Lý luận và
thực tiễn", đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, mã số: BX-2008-T48-23; Nguyễn
Giang Nam (2011), "Hoạt động tương trợ tư pháp hình sự và dẫn độ tội phạm
trong điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài", luận án Tiến sĩ Luật học, Học
viện Cảnh sát nhân dân; Nguyễn Long, "Pháp luật quốc tế về chống khủng
bố, một số vấn đề lý luận và thực tiễn", Hà Nội, 2003; Công Vũ Phương,
"Khủng bố quốc tế cơ sở pháp lý quốc tế ngăn ngừa và trừng trị khủng bố
quốc tế", Hà Nội, 2003; Nguyễn Thị Yên, "Khủng bố hàng không quốc tế là
một loại hình khủng của khủng bố quốc tế", tạp chí Khoa học pháp luật, số 8/2002;
Trần Nam Trung (2010), "Khủng bố hàng không trong luật quốc tế hiện đại,
thực trạng và giải pháp", Luận văn thạc sĩ Luật học, khoa Luật - Đại học Quốc
gia Hà Nội; Lê Văn Bính, "Vai trò của Liên hợp quốc trong đấu tranh chống

11
khủng bố", Tạp chí Khoa học Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tập
25, số 4 và "Khái niệm khủng bố dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu", Tạp
chí Khoa học Luật học, 2011, tập 27, số 1; Đại học Quốc gia Hà Nội (2010),
"Khủng bố quốc tế và vai trò của Luật quốc tế trong đấu tranh chống khủng
bố", Đề tài đặc biệt Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số QG.09.44.
Các đề tài trên đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau về vấn đề tội
phạm hàng không quốc tế, vấn đề lý luận cơ bản về dẫn độ trong luật quốc tế
và pháp luật quốc gia cũng như thực tiễn ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước
quốc tế và pháp luật về dẫn độ của một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam,
về nguyên tắc của dẫn độ; phân biệt dẫn độ với các hình thức hợp tác quốc tế
khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đối tượng, phạm vi và thủ tục
dẫn độ…Nhưng chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện,
chuyên sâu và có hệ thống về tội phạm trong lĩnh vực hàng không quốc tế và
vấn đề dẫn độ loại tội phạm này.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích
Trên cở sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu vấn đề tội phạm và dẫn độ
tội phạm xâm phạm đến hoạt động hàng không dân dụng quốc tế trong các
Điều ước quốc tế đa phương và những Hiệp định tương trợ tư pháp về hình
sự, Hiệp định về dẫn độ tội phạm, đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao
hiệu quả của việc áp dụng những quy định về dẫn độ tội phạm.
* Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Làm sáng tỏ khái niệm về tội phạm và dẫn độ tội phạm; trình tự, thủ
tục thực hiện việc dẫn độ tội phạm.
- Phân tích làm rõ sự hình thành và phát triển của quy định trong pháp
luật quốc tế về vấn đề tội phạm và dẫn độ tội phạm trong lĩnh vực hàng không
quốc tế.

12
- Làm rõ quy định về tội phạm trong lĩnh vực hàng không và những
quy định dẫn độ loại tội phạm này trong pháp luật Việt Nam; thực tiễn thực
hiện việc dẫn độ ở nước ta.
- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định về vấn đề
dẫn độ tội phạm.
4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận của luận văn là hệ thống quan điểm chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận văn được xây dựng trên cơ sở quán
triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề hợp tác
quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, và hợp tác trong
dẫn độ tội phạm nói riêng.
- Cơ sở thực tiễn của luận văn là: Các công ước quốc tế về lĩnh vực
hàng không quốc tế (Công ước Tokyo năm 1963 về các tội phạm và một số
hành vi khác thực hiện trên tàu bay; Công ước LaHay năm 1970 về trấn áp

hành vi chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước Montreal năm 1971 về
trấn áp hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hàng không dân dụng quốc tế
và Nghị định thư Montreal năm 1988 về trấn áp các hành vi bạo lực bất hợp
pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế (bổ sung
cho Công ước Montreal năm 1971); Các báo cáo tổng kết, số liệu về hợp tác
quốc tế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cách công trình nghiên cứu
khoa học đã được công bố
- Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn là phương
pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử, nghiên cứu lý luận
kết hợp với thực tiễn. Việc nghiên cứu đề tài cũng sử dụng phương pháp so
sánh, phân tích, tổng hợp…
5. Những đóng góp mới của luận văn
- Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm trong lĩnh
vực hàng không quốc tế và những quy định dẫn độ loại tội phạm này.

13
- Phân tích làm rõ trình tự, thủ tục thực hiện việc dẫn độ tội phạm xâm
phạm hoạt động hàng không quốc tế trong một số điều ước quốc tế.
- Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định về
vấn đề dẫn độ loại tội phạm này;
- Kết quả nghiên cứu có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho
công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo luật.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội
dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận chung
Chương 2: Các quy định pháp luật về tội phạm hàng không quốc tế và
vấn đề dẫn độ loại tội phạm này.
Chương 3: Những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng những quy
định pháp luật về tội phạm và dẫn độ tội phạm trong lĩnh vực hàng không

quốc tế.


14
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

1.1. TỘI PHẠM HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ
1.1.1. Khái niệm tội phạm hàng không quốc tế
Trên cơ sở thực tiễn và dựa vào các công ước quốc tế về an ninh hàng
không, có thể phân chia các hành vi phạm tội xâm phạm an ninh hàng không
dân dụng quốc tế thành hai loại:
* Loại thứ nhất: Gồm các hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay, gồm:
Một là, hành vi đe dọa của kẻ phạm tội đối với phi hành đoàn hoặc
hành khách bằng vũ khí, bắt thay đổi đường bay, hạ cánh xuống lãnh thổ của
nước khác nhằm trốn chạy khỏi sự truy tìm của nhà nước đối với hành vi
phạm tội hoặc trốn chạy khỏi đồng bọn của chúng.
Hai là, hành vi chiếm đoạt tàu bay nhằm vào lợi ích vật chất hoặc lợi
ích kinh tế.
* Loại thứ hai: Gồm các hành vi khác đe dọa an ninh hàng không dân
dụng như:
Một là, thực hiện hành vi bạo lực đối với một người trên tàu bay trong
khi tàu bay đang bay nếu như hành động này gây nguy hiểm đến an toàn của
tàu bay đó.
Hai là, đặt hoặc chỉ đạo đặt vào tàu bay đang bay, dù bằng bất cứ
phương thức nào, một thiết bị hoặc chất sẽ phá hủy tàu bay hoặc gây thiệt hại
cho tàu bay, dẫn đến làm mất khả năng bay, hoặc làm hỏng tàu bay dẫn đến
mất an toàn của tàu bay đang bay.
Ba là, phá hủy hoặc làm hỏng phương tiện dẫn đường hàng không
hoặc cản trở hoạt động của các thiết bị đó, nếu bất kỳ một hành động nào như

vậy sẽ gây mất an toàn của tàu bay đang bay.
Bốn là, chuyển những thông tin mà biết là sai trái, từ đó gây nguy hại
đến an toàn của tàu bay đang bay.

15
Năm là, sử dụng bạo lực chống lại người đang làm nhiệm vụ dịch vụ
hàng không mà gây ra thương tích nặng hoặc tử vong.
Sáu là, phá hủy hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng các trang thiết bị
hàng không hoặc tàu bay đậu tại đó, nếu những hành vi này gây nguy hại
hoặc có thể gây nguy hại tới an ninh của sân bay.
Xem xét các quy định về tội phạm hàng không trong các điều ước
quốc tế về an ninh hàng không, có thể thấy được sự phát triển ngày một hoàn
thiện của những quy định về tội phạm hàng không quốc tế: Trong Công ước
Tokyo 1963 về an ninh hàng không thì tội phạm hàng không được hiểu là
hành vi cướp máy bay (không tặc). Đến Công ước LaHay 1970 và Công ước
Montreal 1971, quy định về tội phạm hàng không đã được mở rộng, bao gồm
cả những hành vi cưỡng đoạt tàu bay, làm hư hỏng tàu bay, những hành vi
thực hiện đối với người, trang thiết bị tại các sân bay, ảnh hưởng đến an toàn
bay. Ngay cả những hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với một người trên tàu
bay cũng bị coi là tội phạm hàng không quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu của
việc mở rộng khái niệm này là do thời kỳ cuối những năm 60 thế giới trong
tình trạng căng thẳng về nạn dịch đe dọa hàng không quốc tế như bắt cóc,
đánh bom, mìn, đưa chất cháy, nổ vào tàu bay…nhằm vào tổng thể hoạt động
hàng không của ngành hàng không, trong khi đó Công ước Tokyo 1963 còn
hạn chế, quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, Công ước Tokyo 1963 có ghi
nhận hành vi chiếm đoạt tàu bay là hành vi bất hợp pháp nhưng lại không coi
hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay là hành vi tội phạm hay vi phạm
hành chính. Đó cũng là kết quả của sự thỏa thuận giữa các quốc gia trong thời
kỳ chiến tranh lạnh, là đặc trưng của luật quốc tế so với luật quốc gia, khi thỏa
thuận xây dựng các quy định pháp luật quốc tế thường bị chi phối bởi tổng thể

lợi ích giữa các quốc gia. Công ước LaHaye 1970 và Công ước Montreal
1971 đã khắc phục được hạn chế của Công ước Tokyo 1963.
Tuy nhiên, việc quy định tội phạm hàng không quốc tế trong pháp luật
của mỗi quốc gia còn khác nhau. Chẳng hạn, hành vi cợt nhả, trêu ghẹo,

16
khiếm nhã của hành khách đối với nữ tiếp viên hàng không trên máy bay
trong luật hình sự của một số nước không định danh cụ thể đây là hành vi
phạm tội, song một số nước lại xác định đây là hành vi quấy rối tình dục.
Hành vi trộm cắp hoặc đánh nhau giữa các hành khách trên máy bay có thể
được quy định trong luật hình sự của một số quốc gia. Những hành vi này trái
với các luật lệ, quy định về hàng không, vi phạm trật tự và kỷ luật hàng
không: "Các hành vi phạm tội hay không phạm tội có thể gây nguy hiểm cho
an toàn của tàu bay hoặc của người hay tài sản trên tàu bay hoặc nguy hiểm
cho trật tự và kỷ luật trên tàu bay" (điểm b, khoản 1 Điều 1 Công ước Tokyo
1963 về an ninh hàng không). Do vậy, có sự khác nhau trong quy định về tội
phạm hàng không trong pháp luật của các quốc gia.
Bộ luật hình sự năm 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam tại Điều 8 đã định nghĩa khái niệm tội phạm như sau:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định
trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự
thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền,
thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị,
chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã
hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp
pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự
pháp luật xã hội chủ nghĩa [39].
Định nghĩa tội phạm trên đây là định nghĩa có tính khoa học thể hiện
tập trung nhất quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm. Định nghĩa này là cơ

sở khoa học thống nhất cho việc xác định những loại tội phạm cụ thể, là cơ sở
cho việc áp dụng đúng đắn những điều luật quy định về từng tội phạm cụ thể.
Như vậy, tội phạm hàng không quốc tế theo tác giả có thể được định nghĩa
như sau: Tội phạm hàng không quốc tế là những hành vi xâm phạm đến sự an

17
toàn của tàu bay hoặc của người, tài sản trên tàu bay hoặc gây nguy hiểm
cho trật tự, kỷ luật trên tàu bay.
1.1.2. Khủng bố hàng không quốc tế
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc đưa ra định nghĩa chung về
khủng bố là cần thiết vì có như vậy mới nâng cao được hiệu quả hợp tác đấu
tranh phòng chống tội phạm này. Hiện nay, mặc dù hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật quốc tế về chống khủng bố tương đối lớn, tuy nhiên chưa văn
bản nào đưa ra được định nghĩa rõ ràng, toàn diện về khủng bố.
Trong 13 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ Liên hợp quốc về đấu
tranh chống khủng bố hiện nay chỉ có ba Công ước trực tiếp nhắc đến khái
niệm "khủng bố" (Terrorism) ngay tại tiêu đề, đó là: Công ước New York
năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom (Internationail conternation for the
suppression of terrorist bombings); Công ước New York năm 1999 về trừng
trị việc tài trợ khủng bố (International convention for the suppression of the
financing of terrorism); Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn các
hành vi khủng bố hạt nhân (International convention for the suppression of
acts of nuclear terrorism). Các công ước còn lại quy định về những tội phạm
mà việc thực hiện các tội phạm đó được coi như biểu hiện của khủng bố quốc
tế. Trong ba công ước quốc tế nhắc đến khái niệm "khủng bố" ngay tại tiêu đề
chỉ có Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ khủng bố
đưa ra được định nghĩa chung về khủng bố, các công ước còn lại chỉ đưa ra
định nghĩa về từng loại hành vi khủng bố cụ thể. Công ước New York năm
1999 bên cạnh việc định nghĩa hành vi tài trợ khủng bố đã gián tiếp quy định
thế nào là khủng bố. Hầu hết các điều ước quốc tế khu vực cũng không đưa ra

được định nghĩa khủng bố. Các điều ước này trong phạm vi hợp tác đấu tranh
chống khủng bố lại dẫn ra những hành vi được quy định tại 13 Công ước quốc
tế đa phương của Liên hợp quốc. Ví dụ, Công ước của Châu Âu về chống
khủng bố năm 1977 ngay tại Điều 1 đã đưa ra các hành vi thuộc phạm vi điều

18
chỉnh của Công ước, yêu cầu các quốc gia thành viên phải tội phạm hóa, đó là
các hành vi được nêu trong Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc
chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước Montreal năm 1971 về trừng trị
các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.
Tháng 11 năm 2007 tại Cebu, các quốc gia trong khu vực Đông Nam
Á (ASEAN) đã ký Công ước chung về chống khủng bố (ASEAN Convention
on Counter Terrorism). Tại Điều 2 Công ước này quy định về "Những hành vi
phạm tội khủng bố" đã ghi nhận các hành vi theo 13 Công ước đa phương về
đấu tranh chống khủng bố trong khuôn khổ Liên hợp quốc; Đối với các mục
đích của Công ước này, tội phạm có nghĩa là bất kỳ hành vi phạm tội trong
phạm vi được liệt kê như sau:
- Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp
pháp tàu bay.
- Công ước Montreal năm 1971 về trừng trị những hành vi bất hợp
pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.
- Công ước New York năm 1973 về ngăn chặn và trừng trị các tội phạm
chống lại những người được bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao.
- Công ước New York năm 1977 về chống bắt cóc con tin.
- Công ước Viên năm 1979 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân.
- Nghị định thư Montreal năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực
bất hợp pháp tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.
- Công ước Rome năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp
chống lại những công trình cố định trên thềm lục địa.
- Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom.

- Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố.
- Công ước Viên năm 2005 (sửa đổi Công ước Viên năm 1980) về bảo
vệ an toàn vật liệu hạt nhân.
- Công ước New York năm 2005 về ngăn ngừa các hành vi khủng bố
bằng hạt nhân.

19
- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Công ước về ngăn chặn các hành vi
phi pháp chống lại an toàn hàng hải.
- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Nghị định thư về trừng trị những
hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình trên thềm lục địa ký tại
London ngày 14 tháng 10 năm 2005.
Như vậy, hiện nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra được định nghĩa
chung hoàn chỉnh về khủng bố mà mới chỉ ghi nhận một số hành vi nhất định
là khủng bố và các biện pháp để hợp tác đấu tranh chống lại các hành vi này
Trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng
với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm
trọng. Khủng bố có tổ chức xuyên quốc gia đang trở thành thách thức lớn đối
với hòa bình, an ninh quốc tế. Vì vậy, hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng
bố là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và vùng lãnh
thổ. Do tính chất nguy hiểm và phạm vi hoạt động xuyên quốc gia của tội
phạm khủng bố nên một trong những biện pháp hữu hiệu mà cộng đồng quốc
tế rất quan tâm là xác lập cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh phòng,
chống tội phạm khủng bố.
Ngoài các điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố quốc tế còn
có một số văn kiện pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc như Tuyên bố bổ sung
về các biện pháp thanh toán khủng bố quốc tế năm 1994; Đặc biệt, sau sự
kiện 11/9/2001 xảy ra tại New York, Hoa Kỳ, Liên hợp quốc đã ra ba nghị
quyết và ba tuyên bố về khủng bố quốc tế và một số điều ước khu vực, như
Công ước châu Âu về trừng trị khủng bố năm 1977, Công ước chống khủng

bố của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) năm 2002, Công ước ASEAN về
chống khủng bố năm 2007.
Khái niệm khủng bố theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: khủng bố là
hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hoặc truyền đi các hình ảnh hoặc
video giết người do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện làm thiệt mạng người, gây

20
hoang mang khiếp sợ hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích
chính trị hoặc tôn giáo.
Khái niệm khủng bố trong Từ điển Công an nhân dân năm 2006:
"Khủng bố là dùng biện pháp tàn bạo làm cho khiếp sợ để hòng khuất phục.
Khủng bố tinh thần" [4, tr. 97].
Trong lịch sử hàng không quốc tế, đã xảy ra nhiều vụ khủng bố hàng
không quốc tế lớn. Chẳng hạn như: Năm 1974 tại LaHay (Hà Lan) đã xảy ra
sự kiện ba người Nhật Bản có vũ trang đã tấn công cơ quan đại diện ngoại
giao của Pháp tại LaHay và bắt giữ một số người làm con tin tại cơ quan đại
diện này. Chúng yêu cầu Chính phủ phải thả tù nhân và nộp tiền chuộc con
tin. Nhà cầm quyền không những thỏa mãn yêu sách của những kẻ phạm tội
(đòi thả tù nhân và nộp tiền chuộc) mà còn phải cung cấp cho chúng tàu bay
và phi hành đoàn, sau đó chúng hạ lệnh bay sang Siri. Khủng bố bằng máy
bay đã diễn ra từ rất lâu, nhưng đến những năm 80 của thế kỷ trước nó mới
thực sự bùng nổ mạnh mẽ và gây thiệt hại rất nặng nề. Vụ khủng bố chuyến
bay 182 của Air India (Hãng hàng không Ấn Độ) có thể coi là vụ thiệt hại lớn
đầu tiên. Ngày 23/6/1985, chiếc máy bay Boeing 747-237B khởi hành từ sân
bay quốc tế Montreal - Mirabel (Canada), quá cảnh ở London và đến sân bay
quốc tế Indira Gandhi (Ấn Độ). Tuy nhiên, khi bay tới không phận Ireland, nó
đã bị đánh bom và đâm xuống Đại Tây Dương. Toàn bộ 329 người trên
chuyến bay 182 đều thiệt mạng, trong đó có 268 người Canada, 27 công dân
Anh và 24 người Ấn Độ. Đau buồn hơn là chỉ một nửa số xác những người
thiệt mạng được tìm thấy.

Đặc biệt là vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 của mạng lưới
khủng bố do Osama bin Laden lãnh đạo nhằm vào nước Mỹ, mười chín tên
không tặc chiếm quyền kiểm soát bốn máy bay thương mại đang trên đường
từ Boston, Newark và Washington D.C tới San Francisco và Los Angeles
đâm vào tòa tháp phía bắc và phía nam của Trung tâm thương mại thế giới

21
làm ba tòa nhà trong khu Trung tâm thương mại thế giới đổ sập. Vụ tấn công
khủng bố này gây hỗn loạn khắp nước Mỹ [56].
Ở các ví dụ trên, chúng ta thấy tổng thể các hành vi khác nhau đã hoàn
thành và các hành vi này đã vượt ra ngoài giới hạn truyền thống của hiện tượng
"bắt cóc tàu bay". Từ đây, trong khoa học luật quốc tế khái niệm khủng bố
hàng không quốc tế đã được chú ý làm rõ. Như vậy, khủng bố hàng không
quốc tế cũng là tội phạm hàng không nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm và
hậu quả thiệt hại của tội phạm này gây ra rất to lớn.
Thuật ngữ "khủng bố hàng không quốc tế" được sử dụng dùng để xác
định tổng thể các hành vi khủng bố quốc tế được thực hiện nhằm chống lại và
đe dọa an ninh của các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế. Thuật ngữ
này bao gồm nhiều hành vi khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hành vi bắt cóc
hoặc cưỡng bức tàu bay mà thường được gọi bằng thuật ngữ pháp lý chung là
"hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay".
Khủng bố hàng không quốc tế phải được hiểu là các hành vi khủng bố
quốc tế, nghĩa là các hành vi đó thỏa mãn bốn điều kiện sau:
- Là tội phạm theo luật hình sự của các quốc gia.
- Hành vi này xâm hại đến khách thể kép (nó nhằm vào lợi ích của
quốc gia hay tổ chức quốc tế, đồng thời gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe,
tự do của con người).
- Có yếu tố quốc tế, yếu tố này phát sinh trong mối quan hệ tổng thể
của các hành vi đối với nhau - từ góc độ quốc tế. Đó là mối quan hệ giữa chủ
thể tội phạm với các thành phần khách thể của tội phạm.

- Các hành vi này bị truy cứu và trừng phạt trên cơ sở các điều ước
quốc tế hoặc nguyên tắc phổ cập quốc tế.
Như vậy, có thể thấy rằng tội phạm hàng không quốc tế là các hành vi
trái với các quy định của luật hàng không quốc tế và được điều chỉnh tại các
điều ước quốc tế có liên quan tới an ninh hàng không quốc tế. Còn khủng bố

22
hàng không quốc tế là các hành vi phải đáp ứng bốn điều kiện nêu trên, trong
khi đó tội phạm hàng không quốc tế không nhất thiết phải đáp ứng.
Đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng: Khủng bố hàng không quốc
tế là các hành vi khủng bố quốc tế có liên quan tới các loại hình hoạt động
của hàng không dân dụng quốc tế.
Khủng bố hàng không quốc tế được xem là hành vi cực kỳ nguy hiểm
cho xã hội, là một trong những loại hình nghiêm trọng nhất của khủng bố
quốc tế. Tính nguy hiểm cho xã hội của khủng bố hàng không quốc tế là gây
thiệt hại lớn cho Nhà nước, gây tử vong cho nhiều người không chỉ trên máy
bay mà còn ở mặt đất. Nó làm chấn động môi trường hàng không, làm mất
niềm tin của con người vào sự an toàn của ngành hàng không dân dụng quốc
tế. Các quốc gia đều nhận thức được vấn đề này, vì vậy một trong những lĩnh
vực mà cộng đồng quốc tế đã thành công nhất trong việc điều chỉnh bằng
pháp luật quốc tế là phòng chống tội phạm khủng bố hàng không quốc tế, đảm
bảo an ninh hàng không dân dụng quốc tế.
1.1.3. Đặc điểm của tội phạm hàng không quốc tế
Hiện nay, các hành vi xâm phạm an ninh hàng không dân dụng quốc
tế ngày càng phức tạp và có chiều hướng ra tăng. Những kẻ phạm tội thường
sử dụng một số phương pháp dụng như:
Một là, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của lực lượng an ninh hàng
không những kẻ phạm tội mang vũ khí, bom, mìn…lên tàu bay.
Hai là, sử dụng vũ khí đe dọa, khống chế phi hành đoàn, tiếp viên
hàng không, hành khách và sử dụng họ làm con tin để gây sức ép, thực hiện

các hành vi phạm tội. Đặc biệt, các phần tử này còn sử dụng máy bay như một
loại vũ khí để tấn công vào các mục tiêu đã định trước.
Ba là, bằng thủ đoạn sử dụng các chất độc, chất gây mê làm tê liệt phi
hành đoàn, nhân viên an ninh nhằm cướp máy bay nhằm mục đích cá nhân
như trốn chạy sự truy đuổi của các cơ quan chức năng hoặc vì động cơ kinh tế.

23
Bốn là, sử dụng các loại bom, mìn, hóa chất gây nổ mang lên tàu bay.
Năm là, phá hoại cảng hàng không bằng cách đặt các thiết bị bom,
mìn tại khu vực hành khách làm thủ tục bay, kho xăng… nhằm làm cho hoạt
động tại các cảng hàng không ngừng trệ, gây hoang mang, lo sợ cho hành khách.
Sáu là, đe dọa với phi hành đoàn rằng đang nắm giữ bom, mìn, hóa
chất gây nổ… nhằm đe dọa, yêu cầu phi hành đoàn phải thực hiện những yêu
sách của kẻ phạm tội.
Đặc biệt đối với các hành vi khủng bố hàng không quốc tế thì các
phần tử khủng bố hiện nay có đủ khả năng để thực hiện những vụ tấn công
khủng bố ngày càng chuyên nghiệp, với quy mô lớn, phức tạp. Các phần tử
khủng bố cũng sử dụng những phương pháp phạm tội như trên nhưng với sự
liên kết giữa các phần tử khủng bố, các tổ chức khủng bố ngày càng chặt chẽ
hơn mà biểu hiện của sự liên kết đó là cùng vạch kế hoạch, cùng phối hợp
thực hiện, giúp đỡ huấn luyện, thậm chí còn có sự giúp đỡ lẫn nhau về tài
chính để thực hiện cuộc khủng bố giữa các tổ chức khủng bố hoặc nhóm
khủng bố; phương thức tấn công khủng bố ngày một đa dạng (tấn công đơn lẻ
hoặc tấn công liên hoàn)…mục tiêu tấn công của kẻ khủng bố thường là
những trung tâm thương mại, trung tâm chính trị, cơ quan, tổ chức nước
ngoài, những nơi tập trung đông người và việc cướp, sử dụng máy bay như là
một loại vũ khí tấn công vào các mục tiêu đã lựa chọn. Kế hoạch khủng bố
thường được chúng vạch ra một cách chi tiết, cụ thể, có sự phân chia nhiệm
vụ đối với từng phần tử.
1.1.4. Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ

Sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ là một loại tấn công khủng bố cảm tử, khi
một nhóm không tặc cướp bốn máy bay hành khách hiệu Boieng đang trên
đường bay nội địa trong nước Mỹ. Nhóm không tặc đã lái hai chiếc máy bay
đâm thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tại Mahattan,
New York, mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa nhà cao nhất cách nhau

24
khoảng 18 phút, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ cả hai tòa tháp bị sụp đổ.
Chiếc máy bay thứ ba đâm thẳng vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại
Ngũ Giác Đài ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống
một cánh đồng gần Shanksville thuộc quận Somerset, Pennsylvania, sau khi
nhóm không tặc bị hành khách trên máy bay chống cự lại. Nhóm không tặc đã
biến những chiếc máy bay thành những quả bom lửa đang bay có sức hủy diệt
khủng khiếp nhất, gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, chính trị,
văn hóa, quốc phòng trong lịch sử của Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác
trên thế giới. Sự kiện 11/9 là một phần trong kế hoạch "giết người Mỹ ở tất cả
những nơi nào có thể" mà tổ chức khủng bố Al Qaeda đưa ra. Họ cho rằng
nước Mỹ chính là nước đã bóc lột tài nguyên trên bán đảo Ả Rập, làm lũng
đoạn nền chính trị của các quốc gia trong vùng và có âm mưu tạo mối bất hòa
giữa các quốc gia Hồi giáo để làm suy yếu sức mạnh của khối này. Chính vì
vậy, chiến dịch khủng bố này đã lợi dụng niềm tin tôn giáo với việc viện dẫn
kinh Koran và họ đi đến kết luận "Nghĩa vụ của người Hồi giáo là giết người
Mỹ ở khắp mọi nơi"
Các vụ tấn công khủng bố hàng không quốc tế mức độ sát thương đạt
đến mức nghiêm trọng chưa từng thấy, gây ra những thiệt hại và hậu quả vô
cùng to lớn về người, tài sản, kinh tế. Mặt khác, còn có tác động rất lớn đến
tâm lý của người dân.
- Thiệt hại về người và sức khỏe: Sự kiện 11/9 đã làm 2.975 người tử
vong, 24 người mất tích. Hơn 90 quốc gia có công dân thiệt mạng. Ngoài ra,
trong hàng ngàn tấn vật liệu đổ nát từ sự sụp đổ của tòa tháp đôi có chứa các

độc chất Amiăng, chì, thủy ngân, cùng mức độ tăng cao chưa từng có của dioxin
và PAH (Polycyclic aromatic hydro cacbon) sản sinh từ những đám lửa cháy
âm ỉ trong suốt ba tháng đã gây ra chứng bệnh suy nhược cho các nhân viên
cứu hộ, công nhân tái thiết và ảnh hưởng đến sức khỏe của một số dân cư, học
sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng ở gần Trung tâm thương mại quốc tế.

25
- Thiệt hại về kinh tế: Sự kiện 11/9 ngay lập tức đã gây tác động nghiêm
trọng đến nền kinh tế Mỹ và thế giới. Thị trường chứng khoán New York
(NYSE), Nasdad đóng cửa trong ngày 11/9 và ngưng hoạt động cho đến ngày
17/9. Khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại thì chỉ số Dow Jones mất
7,1%, sau đó tụt xuống 14,3%, riêng thị trường chứng khoán mất 1,4 ngàn tỷ
USD trong vòng một tuần. Bên cạnh đó, bầu trời khu vực Bắc Mỹ bị đóng
cửa trong vài ngày ngay sau vụ tấn công, các chuyến bay bị cắt giảm đáng kể,
hậu quả của cuộc tấn công làm suy giảm các hoạt động hàng không đến 20%,
tăng mức độ nghiêm trọng trong vấn đề tài chính của ngành công nghiệp hàng
không [56].
1.1.5. Những quy định pháp luật về tội phạm xâm phạm an ninh
hàng không dân dụng quốc tế
Là một thành viên của Liên hợp quốc, có truyền thống tôn trọng và
yêu chuộng hòa bình, với mong muốn góp phần vào việc ổn định an ninh
quốc tế, thời gian qua Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế đa
phương của Liên hợp quốc về đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và
tội phạm hàng không quốc tế nói riêng, bao gồm: Công ước năm 1963 về các
tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay; Công ước năm 1970
về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước năm 1971 về
trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng;
Công ước năm 1973 về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những
người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao; Nghị định
thư năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng

không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế; Công ước quốc tế năm 1999 về
trừng trị việc tài trợ cho khủng bố.
Việt Nam đang tích cực nghiên cứu khả năng gia nhập bốn điều ước
quốc tế còn lại và đã ký kết Công ước của ASEAN về chống khủng bố. Đồng
thời, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam đã ký nhiều hiệp định, thỏa

×