Tạo động lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên tại
Trường Đại học Thương Mại
Dương Thị Hồng Nhung
Trường Đại học Kinh tế
Luận văn Thạc sĩ ngành: Quản trị kinh doanh; Mã số: 60 34 05
Người hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Văn Hải
Năm bảo vệ: 2014
Keywords. Quản trị kinh doanh; Quản lý nhân sự; Giảng viên; Cán bộ; Trường Đại học
Thương Mại
Content
1 Tính cấp thiết đề tài
Trong mọi tổ chức, vấn đề lao động và sử dụng lao động hiệu quả có vai trò rất quan trọng,
quyết định phần lớn đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức đó. Người lao động có sức sáng tạo
nhưng không phải lúc nào sự sáng tạo ấy cũng được khơi dậy và phát huy. Bởi vậy, muốn phát
triển các tổ chức phải có những chính sách để thu hút, duy trì, quản lý và phát triển nguồn lực
của mình. Để làm được điều này, người lãnh đạo phải có cách thức quản trị nhân lực hiệu quả.
Có rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng công tác quản trị nhân lực, trong đó tạo động
lực lao động có vai trò rất quan trọng. Tạo động lực là biện pháp nhằm duy trì, khuyến khích và
động viên người lao động làm việc hết mình và làm việc một cách hứng thú.
Qua thời gian làm việc cũng như tiếp xúc thực tế tại trường Đại học Thương mại, tác giả
nhận thấy trường đã tiến hành nhiều biện pháp khuyến khích nhằm tạo động lực cho người lao
động, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên vẫn còn có những hạn chế
nhất định, cụ thể là: Với các công cụ tài chính để tạo động lực, nguồn thu của Nhà trường còn
hạn chế, ảnh hưởng đến kinh phí cần thiết cho các chính sách tạo động lực, chưa thực sự quan
tâm đến đội ngũ giảng viên trẻ, đời sống còn nhiều khó khăn. Với các công cụ phi tài chính, các
phong trào chưa thực sự thu hút lực lượng giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ, điều kiện làm
việc nhìn chung còn chưa thực sự đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả và công việc của
đội ngũ giảng viên của nhà trường… Từ những lý do đó, tác giả đã lựa chọn đề tài “Tạo động lực
cho đội ngũ cán bộ giảng viên tại trường đại học Thương mại” làm để tài luận văn cao học của
mình.
2 Tình hình nghiên cứu
a, Các công trình nghiên cứu khoa học, dự án R&D
Dự án Nghiên cứu và triển khai: “Đảm bảo và tăng cường đãi ngộ đối với cán bộ giáo viên trẻ
trong bối cảnh mới của Nhà trường” do PGS.TS Đỗ Minh Thành, Đại học Thương mại chỉ đạo
dự án, nghiệm thu năm 2009. Đề tài đã phản ánh được tình hình đãi ngộ cán bộ giáo viên trẻ
trường Đại học Thương mại, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm đảm bảo và tăng cường
đãi ngộ đối với cán bộ giáo viên trẻ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu
bó hẹp, chỉ bao gồm các cán bộ giảng viên trẻ nên còn chưa mang tính bao quát, và chưa thể đại
diện cho toàn thể đội ngũ giảng viên của trường.
Đề tài khoa học cấp trường: “Vận dụng lý luận phân phối theo lao động của Chủ nghĩa
Mac-Lênin xây dựng chế độ đãi ngộ đối với giảng viên trường Đại học Thương mại” do Hoàng
Văn Mạnh làm chủ nhiệm đề tài, nghiệm thu năm 2010. Đề tài đã khái quát được tình hình thu
nhập của giảng viên trường Đại học Thương mại, tuy nhiên cũng mới chỉ dừng lại ở việc nghiên
cứu về thu nhập mà chưa tìm hiểu được các vấn đề khác để tạo động lực làm việc cho giảng viên.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, “Các giải pháp tạo động lực cho nhân viên bán
hàng tại chuỗi siêu thị Hapro trên địa bàn Hà Nội” do Nguyễn Thị Thanh Tâm chủ nhiệm đề tài,
nghiệm thu năm 2010. Đề tài đã khái quát được thực trạng và các nhóm giải pháp tạo động lực
cho nhân viên, giới ạn nhóm đối tượng nghiên cứu ở các nhân viên bán hàng của siêu thị Hapro
trên địa bàn Hà Nội. Đề tài cung cấp một số lý thuyết tham khảo cho đề tài của tác giả, tuy nhiên,
do sự khác nhau về đối tượng nghiên cứu nên đề tài của tác giả không bị trùng lặp.
b, Các luận văn thạc sỹ có liên quan
Trần Thị Hồng Vân (2012), “Giải pháp thúc đẩy động lực làm việc cho giảng viên tại
trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng”, Luận văn thạc sỹ, trường Đại học Đà Nẵng.
Lăng Song Vân (2012), “Tạo động lực thúc đẩy giáo viên làm việc tại trường Cao đẳng
Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam, Luận văn thạc sỹ, trường Đại học Đà Nẵng.
Các đề tài nói trên chủ yếu trình bày các nội dung liên quan đến việc tạo động lực và thúc
đẩy động lực làm việc cho đội ngũ giảng viên tại các trường Đại học, cao đẳng. Các luận văn này
cung cấp các vấn đề lý luận cơ bản về tạo động lực, đồng thời đưa ra các phương pháp nghiên
cứu phù hợp với cách thức tiếp cận đề tài của tác giả. Tuy nhiên, những đề tài nói trên không đề
cập đến công tác tạo động lực và giải pháp tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tại trường Đại
học Thương mại. Vì thế, đề tài của tác giả có mang tính kế thừa, nhưng vẫn đảm bảo tính mới,
không bị trùng lặp với các đề tài trước đó.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu chung của tiểu luận là đề xuất các giải pháp đẩy mạnh động lực cho người lao
động tại trường đại học Thương mại. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
là:
-Hệ thống hóa các vấn đề lý luận cơ bản về tạo động lực cho người lao động trong tổ chức
- Nghiên cứu thực trạng tạo động lực cho giảng viên tại trường đại học Thương mại, phân
tích các ưu, nhược điểm của công tác trên để làm cơ sở đề xuất các biện pháp tạo động lực làm
việc cho giảng viên.
- Đề xuất các biện pháp đẩy mạnh tạo động lực cho giảng viên tại trường đại học Thương
mại.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tạo động lực cho đội ngũ giảng viên tại trường Đại học
Thương mại
Phạm vi nghiên cứu:
-Về nội dung: Nghiên cứu các giải pháp tạo động lực cho giảng viên tại trường đại học
Thương mại.
- Về không gian và thời gian: Nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học Thương mại
thông qua các dữ liệu được thu thập đến hết năm 2013.
5. Phương pháp nghiên cứu
a, Phương pháp thu thập dữ liệu
- Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Trong bài tiểu luận của mình, tác giả đã sử dụng
phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp. Những tài liệu được tham khảo bao gồm: quá trình hình
thành và phát triển của trường Đại học Thương mại, kết quả công tác đào tạo trong những năm
gần đây, số lượng giảng viên cơ hữu tại trường và các tài liệu liên quan đến tạo động lực của
trường thông qua phòng Kế hoạch – tài chính, phòng Tổ chức cán bộ, phòng Đào tạo, website
và các công trình nghiên cứu khoa học của trường có liên quan.
- Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp
+ Sử dụng phiếu điều tra trắc nghiệm: Đề tài sử dụng phương pháp điều tra trắc nghiệm đối với
giảng viên tại trường Đại học Thương mại. Tác giả đã phát 100 phiếu điều tra dành cho các
giảng viên để đánh giá cảm nhận của họ về tạo động lực lao động tại trường. Số phiếu phát ra là
100 phiếu, số phiếu thu về là 100, số phiếu hợp lệ là 100 phiếu. Phiếu điều tra bao gồm các câu
hỏi liên quan đến tạo động lực của trường qua đó có những nhận định khách quan làm cơ sở đề
xuất các giải pháp nhằm tạo động lực cho giảng viên của trường.
+ Phương pháp phỏng vấn: Tác giả cũng tiến hành phỏng vấn trực tiếp 20 giảng viên ở các cấp
quản lý khác nhau như các trưởng Khoa, các trưởng và phó các Bộ môn, chủ tịch Công đoàn các
khoa, bí thư Đoàn thanh niên các Khoa về các vấn đề xung quanh tạo động lực cho giảng viên tại
trường. Việc phỏng vấn được tiến hành trực tiếp ngay tại văn phòng Khoa và Bộ môn. Phương
pháp phỏng vấn nhằm làm rõ hơn các vấn đề trong phiếu điều tra, đồng thời giúp tác giả có cái
nhìn toàn diện, tổng thể làm cơ sở kết luận và đề xuất các giải pháp trong chương 3 của đề tài
này.
b, Phương pháp xử lý dữ liệu
Những phương pháp được sử dụng để xử lý dữ liệu là:
- Phương pháp thống kê: được dùng để thống kê những câu trả lời của các đối tượng điều tra
khác nhau trong các phiếu điều tra và phỏng vấn.
- Phương pháp tổng hợp: tổng hợp các ý kiến trả lời thông qua phiếu phỏng vấn, tổng hợp phân
tích các thông tin từ các dữ liệu thứ cấp đã thu được.
Ngoài ra đề tài còn sử dụng nhiều phương pháp khác như phương pháp so sánh, suy luận…
6. Những đóng góp của đề tài
Đề tài đã hệ thống hóa lý luận về tạo động lực làm việc làm cơ sở lý luận cho việc đánh
giá, phân tích về tạo động lực cho giảng viên trường Đại học Thương mại. Đề tài đã phân tích và
chỉ ra những ưu điểm cũng như các vấn đề còn tồn tại trên cơ sở đỏ đề xuất các giải pháp cơ bản
nhằm đẩy mạnh tạo động lực cho giảng viên trường Đại học Thương mại từ đó góp phần làm cho
đội ngũ này yên tâm công tác, gắn bó với Nhà trường. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở
cho những nhà quản lý xây dựng các biện pháp tạo động lực cho giảng viên trường Đại học
Thương mại ngày càng tốt hơn.
7. Kết cấu đề tài
Ngoài danh mục sơ đồ, bảng biểu, danh mục từ viết tắt, mở đầu, kết luận, tài liệu tham
khảo và phụ lục, đề tài có kết cấu gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về tạo động lực làm việc cho người lao động
Chương 2: Thực trạng tạo động lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên tại trường Đại học
Thương mại
Chương 3: Giải pháp tạo động lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên tại trường Đại học
Thương mại.
References
I Các sách, giáo trình
1.Business edge, Tạo động lực làm việc, phải chăng chỉ có thể bằng tiền?, NXB Trẻ, 2003
2. Nguyễn Văn Điềm, PGS,TS. Nguyễn Ngọc Quân, Quản trị nhân lực, NXB Quốc gia, 2001
3.Bùi Anh Tuấn, Giáo trình Hành vi tổ chức, NXB Thống Kê, 2003
4. Kỷ yếu 50 năm thành lập trường Đại học Thương Mại (1960 – 2010)
II Các đề tài NCKH
1. Phạm Tuấn Anh (trưởng ban), “Đảm bảo và tăng cường đãi ngộ với cán bộ giáo viên trẻ trong
bối cảnh mới của Nhà trường”, Dự án R&D, trường Đại học Thương Mại, 2009
2. Hoàng Văn Mạnh, “ Vận dụng lý luận phân phối theo lao động của Chủ nghĩa Mác – Lê nin
xây dựng chế độ đãi ngộ đối với giảng viên trường Đại học Thương Mại”, Đề tài NCKH cấp
trường Đại học Thương Mại, 2010.
III. Các văn bản, quy định, quyết định của trường Đại học Thương mại
1. Quyết định số 407 về Ban hành tổ chức quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ,
giáo viên trong trường Đại học Thương mại
2. Quy chế chi tiêu nội bộ 2012
3. Quy định số 200 về Chuẩn hóa và nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên, cán bộ quản lý
đào tạo trường Đại học Thương mại
IV. Một số trang web:
- Vcu.edu.vn
- Baigiang.violet.vn