Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Tính hai mặt của biểu tượng đô thị trong phong trào thơ mới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (362.11 KB, 12 trang )

TÍNH HAI MẶT CỦA BIỂU TƯỢNG ĐÔ THỊ
TRONG PHONG TRÀO THƠ MỚI
Hoàng Thị Duyên
1

ầu thế kỉ XX, trước sự xâm lược và nhu cầu khai thác thuộc địa ráo riết
của thực dân pháp, đất nước Việt Nam đã có những chuyển mình dữ dội
với sự xuất hiện ngày càng nhiều và nhịp độ phát triển ngày càng mạnh mẽ
của các khu công nghiệp, nhà máy, hầm mỏ Như một hệ quả tất yếu, đô thị
cũng ra đời và ngày càng lan rộng. Nó nhanh chóng được các thi sĩ hướng
đến hấp thụ và xây dựng thành một biểu tượng nghệ thuật sinh động và đa
nghĩa. Mang tính chất của biểu tượng nghệ thuật đích thực, biểu tượng đô thị
chứa đựng trong mình tính hai mặt vừa đối lập vừa song hành. Một mặt, đô
thị là nơi ánh sáng phồn hoa đô hội đáng mơ ước, nhưng mặt khác nó lại là
nơi đầy cạm bẫy, hiểm ác đối với con người. Tính lưỡng diện này góp phần
không nhỏ trong việc giải thích căn nguyên của những xúc cảm, tư tưởng của
các thi nhân trong phong trào thơ Mới.
1. MỞ ĐẦU
Thơ Mới (1932  1945) đã hình thành và tồn tại ở Việt Nam gần một thế kỉ nay. Dù trải
qua những thăng trầm biến động nhưng sự hiện diện của nó đã cho thấy sức mạnh của thơ
Mới thực sự đã cắm rễ sâu xa vào nền văn hoá, văn học dân tộc Việt Nam. Để mang lại
những giá trị và sức mạnh ấy, một nhân tố quan trọng không thể không nhắc tới đó là việc
các thi sĩ đã tạo dựng được một hệ biểu tượng nghệ thuật sâu sắc và giàu ý nghĩa trong thơ.
Chính những biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu này cũng góp phần làm nên diện mạo đặc sắc
cho phong trào thơ Mới trong nền thơ ca Việt Nam. Trong số những biểu tượng nghệ thuật
tiêu biểu của phong trào thơ Mới, biểu tượng đô thị nổi lên đóng vai trò chủ đạo. Sức hấp dẫn
của biểu tượng này được tạo ra từ chính tính chất lưỡng diện khó nắm bắt của nó.
2. NỘI DUNG
2.1. Đô thị  chốn phồn hoa đô hội, rực rỡ ánh đèn, tiếng gọi của công
danh, phú quí và giấc mộng dấn thân
Từ lâu trong cảm thức của nhân loại, đô thị đã trở thành biểu tượng cho ánh sáng, phồn


hoa, nơi phủ đầy hào quang rực rỡ. Lúc mới ra đời, " đô thị được coi là dấu hiệu định cư của
các dân tộc du cư, xuất phát từ một sự thực mang tính chu kì. Vì vậy, các đô thị theo truyền
thống có hình vuông, đây là biểu tượng của sự ổn định biểu tượng về một người mẹ với
thiên chức chở che những cư dân (giống người mẹ che chở những đứa con của mình)" [8,
tr.307]. Không chỉ biểu tượng cho sự ổn định mà đô thị còn là nơi tập trung thủ phủ của một
thành quốc, một đất nước, do vậy tất cả những gì là văn minh, tiện lợi, rực rỡ nhất cũng
thường tập trung ở nơi này. Các hoạt động chính trị, giao lưu, văn hoá, lễ hội, buôn bán

1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2.
Đ
thường diễn ra sôi động hơn các vùng thôn xa khác. Do vậy, từ lâu trong cảm thức của con
người trên thế giới, đô thị đã là một nơi lấp lánh ánh đèn, nơi phồn hoa đô hội. Nhiều truyện
cổ trên thế giới đã nói đến cảnh nhân dân ở những vùng thôn xa nô nức di chuyển về kinh
thành để dự lễ hội, hay để xem nhà vua tuyển hoàng hậu. Ở Việt Nam, truyện Tấm Cám bản
của Nguyễn Đổng Chi đã kể rõ việc nhà vua mở hội và mọi người " áo mớ ba mớ bảy dập dìu
kéo nhau về kinh đô để trảy hội". Trong văn học hiện đại, truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch
Lam cũng tiếp nối cảm thức trên một cách rõ rệt. Dưới sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của
Liên, một cô bé mới lớn, Hà Nội hiện lên như một thế giới khác hẳn phố huyện nghèo nàn,
hiu hắt: " Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo".
Đặc biệt, chuyến tàu đêm từ Hà Nội đã mang theo ánh sáng rực rỡ dù chỉ dừng lại ở phố
huyện nghèo trong chốc lát nhưng cũng đủ để xua đi màn đêm u ám và thắp lên trong con
người mòn mỏi nơi đây khát vọng về cuộc sống tốt lành no đủ hơn Những cảm thức nêu
trên đã chảy tràn trong kí ức nhân loại và dường như nó trở thành " vô thức tập thể" (K.Jung)
ít nhiều chi phối đến nguồn suy nghĩ, khát khao của các nhà thơ mới trong hành trình tiến về
đô thị. Vì vậy, đọc thơ Mới, ta thấy sự cảm nhận về Hà Nội, về đô thị của các nhà văn, nhà
thơ đều có điểm gặp gỡ ở chỗ họ đều coi đó là một thế giới hoa lệ, thế giới phồn hoa có sức
hút mãnh liệt đối với con người.
Được coi là ánh sáng của văn minh, là mảnh đất châu thành tráng lệ, đô thị đã trở thành
môi trường hấp dẫn, chinh phục những cái tôi thơ Mới đang hăm hở và khao khát công danh,

sự nghiệp, mong muốn được thể hiện tài năng, khẳng định chính mình và " mơ ước chuyện
mai sau". Trong mắt của các thi sĩ, chốn thị thành là mảnh đất lí tưởng để thực hiện ước mơ
công danh sự nghiệp. Vì thế, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Bích
Khê và bao thi sĩ khác nữa cũng luôn khao khát hướng về.
Trong số các nhà thơ mới, có thể nói, Thế Lữ là người có nhiều gắn bó với chốn thị
thành. Theo cách nói của Đỗ Lai Thuý thì Thế Lữ là " là con đẻ của đường phố, thơ ông là
tiếng nói của đô thị" [7, tr.38]. Ông đã từng hăm hở ra đi mang theo một hoài bão, một niềm
tin mãnh liệt vào tương lai:
Bỗng một hôm từ phương ngoài xa cách
Cơn gió phồn hoa thổi qua đời tịch mịch
Đem tới cho lòng ham muốn tung hoành
Giữa vinh hoa lồng lộng của văn minh.
(Trả lời  Thế Lữ)
Không chỉ hướng về thị thành, nhà thơ còn kéo nàng Thơ của mình về với chốn phồn hoa
đô hội. Đó là miền đất hứa hẹn một cuộc sống mới tốt đẹp trong cách nhìn nhận và đánh giá
của thi nhân:
Tôi khuyên thơ tìm đến thành thị
Khuyên sống chung trong cuộc đời mới mẻ
Nàng ngại ngùng nhưng bởi đã quen chiều
Bạn tình thơ nên nàng cũng ưng theo.
(Trả lời  Thế Lữ)
Với hoài bão mãnh liệt, nhà thơ đã có lúc ôm giấc mộng khẳng định mình nên quyết tâm
dấn thân vào cuộc sống thị thành. Ông nhận thấy, đây là mảnh đất hứa để thi thố tài năng. Sự
ham mê đến mức cuồng si đã khiến thi sĩ " căng phồng" mình lên để sống. Thành thị tấp nập
là nơi cái tôi của ông luôn hướng về cùng những giấc mộng công danh:
Đến Hà Nội với chiếc quần cộc lốc
Với đôi giày vải trắng mang từ hạ sang đông
Đi giữa đường anh cứ ngước trông trời
Và dương dương vui vẻ như người
Không bao giờ, không bao giờ biết khổ

(Tự trào  Thế Lữ)
Hăm hở với cuộc sống mới, cái tôi thi sĩ không còn màng đến những khó khăn mà cuộc
sống ấy mang lại. Đô thành đã chinh phục thi sĩ làm cho họ nhìn cuộc đời đầy
rạng rỡ:
Đi qua các phố quên người đông
Trời rét hay chăng chẳng bận lòng
Ta thấy tâm hồn đang rạng rỡ
Tưng bừng muôn cánh bướm hoa tung.
(Mưa hoa  Thế Lữ)
Không chỉ hăm hở, khát khao hướng về đô thị của cái tôi trữ tình càng trở nên cháy bỏng
trong những vần thơ lãng mạn:
Trông về phía thị thành sau áng sương lam
Mà tơ tưởng cảnh ngựa xe náo động
Mà tha thiết mong cùng ai được sống
Trong cuộc đời chói lọi của phồn hoa.
(Bóng mây chiều  Thế Lữ)
Không chỉ Thế Lữ, mà ngay cả Nguyễn Bính, người thôn dân được coi là thi sĩ của hồn
quê đất Việt cũng không cưỡng nổi sức hút của đô thành. Trong cuộc đời phong trần của
mình, ông đã không ít lần từ biệt chốn bờ lau gốc chuối để đến dấn bước chốn phồn hoa:
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành.
(Hoa với rượu  Nguyễn Bính)
Cũng như các thi sĩ khác, với Nguyễn Bính, đô thành trở thành miền đất hứa cho những
giấc mộng công danh:
Rồi men tráng lệ châu thành ấy
Từ đấy in thêm một bóng người
Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng
Giữ lòng tin tưởng bước tương lai.
(Lá thư về Bắc  Nguyễn Bính)
Sức hấp dẫn của chốn phồn hoa là một ma lực khó cưỡng. Có lúc, nó đủ sức để đánh bật

những ràng buộc, níu giữ của truyền thống xưa đã ăn sâu vào tâm thức ngay trong một con
người được coi là " con nhà nho cũ gắn với thôn quê" như Nguyễn Bính. Một thôn dân đặc
sệt như ông trước đây đã từng " ngày thì theo đòi búi tó củ hành với cậu ruột mình  một nho
sĩ thôn Vân, đêm thì chìm đắm trong những hội chèo thôn Đoài, làng Đặng" vậy mà không ít
lần dấn bước vào chốn phồn hoa đô hội:
Phồn hoa rộn rã áo xiêm
Muôn bao hình ảnh có tìm như không
(Mười hai bến nước  Nguyễn Bính)
Chung một chí hướng với Thế Lữ, Nguyễn Bính, Thâm Tâm cũng nhận thấy ánh đèn rực
rỡ chốn đô thành có một sức quyến rũ, hấp dẫn lạ kì:
Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
Một lứa chung tình từ tứ chiếng
Hội nhau vầy một tiệc quần anh.
(Vọng nhân hành  Thâm Tâm)
Trong con mắt của các thi sĩ thơ Mới, kinh thành là nơi phồn hoa đô hội, nơi ríu rít muôn
xuân, nơi chứa đựng giấc mộng công danh, phú quí Điều này đã khẳng định trong bài thơ
Khóc Tản Đà của Trần Huyền Trân
Kinh thành ríu rít nở nghìn xuân
Nghìn cánh song dâng mộng đỏ dần
(Khóc Tản Đà  Trần Huyền Trân)
Mảnh đất phồn hoa không chỉ là cái đích hướng tới của các thi sĩ như Thế Lữ, Thâm
Tâm, Trần Huyền Trân mà nó còn có đủ sức mạnh để kéo thi sĩ Vũ Hoàng Chương ra khỏi
mối tình đang nồng đượm chốn quê nhà với người trong mộng:
Ai ngờ giữa lúc lửa hương đượm
Tình em thắm thiết gần si mê
Tiếng gọi phồn hoa một buổi sớm
Đã cuốn chàng đi chẳng trả về.
(Đời còn chi  Vũ Hoàng Chương)
Khảo sát thơ Mới, ta dễ dàng nhận thấy rằng hình ảnh của đô thị xuất hiện với mật độ

dày đặc. Nó có thể hiển diện trực tiếp hoặc gián tiếp; ở dạng nguyên thể hay biến thể nhưng
nó có đặc điểm chung là tạo ra một hấp lực để lôi cuốn con người. Từ thơ Hàn Mặc Tử,
Nguyễn Bính, Nam Trân đến thơ Đinh Hùng, Bích Khê, Thái Can đều xuất hiện những
hình ảnh đô thị như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, kinh thành, kinh đô, thành thị, đô thị với
cảm thức về một vùng ánh sáng rực rỡ, lung linh mà ai cũng có khát vọng hướng về.
Như vậy, trong bước chuyển mình đầu tiên của xã hội trên con đường hiện đại, các đô thị
lớn đã hình thành và toả sức hấp dẫn với con người, nhất là các thi sĩ vốn là những người
mang trong mình cái nghiệp văn chương cần có miếng đất để thi thố tài năng. Ánh hào quang
rực rỡ của đô thị, kinh thành, kinh đô đã lần lượt chinh phục những cái tôi thơ Mới từ những
sinh viên, viên chức tân tiến sống, học tập và làm việc ở đô thị (như Xuân Diệu, Huy Cận,
Thế Lữ ) cho đến những thôn dân thủ cựu gắn bó máu thịt với làng quê hương đồng gió nội
như Nguyễn Bính. Bởi thế, đô thị đã trở thành một thứ ánh sáng huyễn hoặc có đủ sức mạnh
để kéo không ít thi sĩ thơ Mới ra khỏi mái nhà bình yên nơi thôn ổ để lao vào một cuộc sống
mới đầy thử thách. Đô thị đã đồng hành cùng khát vọng dấn thân để thực hiện ước mơ công
danh, sự nghiệp của biết bao thi nhân.
2.2. Đô thị, chốn bon chen, ngột ngạt, tha hoá và sự giã từ đô thị
Mang đầy đủ những đặc điểm, bản chất của một biểu tượng nghệ thuật đích thực, đô thị
trong phong trào thơ Mới tập hợp trong mình những thái cực đối lập (điều này xuất phát từ
bản chất sống động, biến ảo và đa trị của biểu tượng) " vừa hút vừa đẩy", vừa là nơi phồn hoa
đô hội vừa là chốn cạm bẫy hiểm nguy. Một mặt nó mang ý nghĩa về sự ổn định, sự chở che,
với ánh sáng văn minh huyễn hoặc con người. Song, mặt khác nó lại là không gian ngột ngạt,
giam hãm, bào mòn dần sự sống tạo nên một tâm trạng chán ghét đô thị, nỗi sầu đô thị tràn
ngập trong lòng các thi nhân. Tâm trạng này cũng có phần được giải thích từ phân tâm học: "
Theo phân tâm học hiện đại, thành thị là một trong những biểu tượng của người mẹ, với hai
khuôn mặt là chở che và giới hạn" [8, tr.307].
Nếu trở về với cội nguồn văn hoá nhân loại thì nỗi sầu đô thị, sự chán ghét đô thị đã
được đề cập đến từ lâu. Ngay từ thời La Mã, đô thành Babilone Lớn (tập trung hơn một triệu
dân và đạt tuyệt đỉnh của đế chế) đã bị người xưa nguyền rủa, coi đó là con đại dâm phụ Và
tôi thấy người đàn bà ấy uống say máu các vị thánh đồ và máu các vị tuẫn đạo vì đức chúa
Giêsu. Trong tâm thức của người La Mã cổ đại, đô thị đã gắn liền với sự huỷ diệt (uống máu)

và họ coi đó là người mẹ hư hỏng và làm hư hỏng thay vì đem lại sự sống và phép lành đã
gây nên chết chóc và tai hoạ [8, tr.307]. Tâm lí chán ghét đô thị của các nhà thơ Mới có phần
được dội về từ kí ức xa xưa của nhân loại nhưng chủ yếu do xuất phát từ những bất cập,
những trở ngại thực tế mà họ vấp phải từ chính cuộc sống này. Bởi thế, hăm hở khát khao
được đến thành thị lệ hoa nhằm thực hiện giấc mộng công danh sự nghiệp và để khẳng định
bản lĩnh, nhưng vừa đặt chân đến nơi này, các nhà thơ đã vấp ngay phải những sự thật phũ
phàng, những éo le, trớ trêu nên ngập tràn nỗi thất vọng.
Hầu hết các thi sĩ thơ Mới rất nhạy cảm với mặt trái của đô thị, họ nhận ra những sự thật
đắng cay như sự chật chội, ngột ngạt, bon chen, lừa lọc, ganh ghét, gian trá đầy rẫy trong
cuộc sống thị thành.
Đô thị là cái " lồng" ngột ngạt, nhỏ bé không đủ chỗ cho các thi sĩ vươn tới thực hiện
những lí tưởng vĩ đại, những mộng đẹp về công danh: Cánh vĩ đại vướng trong lồng thực tế
(Lí tưởng  Vũ Hoàng Chương); Kinh thành mây đỏ như son/ Chiếc lồng em hẹp giam con
chim trời (Thưa bà  Trần Huyền Trân).
Chính sự ngột ngạt ấy đã " bào mòn" con người trong nhịp sống chóng mặt, ồn ào, hỗn
tạp:
Hà Nội cơ hồ loạn tiếng ve
Nắng dâng làm lụt cả trưa hè.
(Nguyễn Bính)
Đô thị không long lanh như các thi sĩ vẫn mơ mộng mà cũng nhuốm đầy tang tóc, buồn
bã:
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ
Tôi thấy quanh tôi và tất cả
Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô.
(Viếng hồn trinh nữ  Nguyễn Bính)
Nguy hiểm hơn, đô thị còn đầy rẫy lừa lọc, ganh ghét, gian trá, đố kị, bon chen:
Những vai Ganh Ghét cùng Gian Trá
Diễn kịch Trần Gian mãi chẳng thôi.
(Thế Lữ)

Con người đô thị dần đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, trở nên xa lạ với chính
mình, trở thành những con người vong bản, thô tục:
Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những buổi xa xôi
(Bài ca man rợ  Đinh Hùng)
Xa tục phố đây bức tranh thần hoạ
(Đinh Hùng)
Hoặc: Ta cười xuống kẻ tình nhân tục phố
(Đinh Hùng)
Và hơn thế, cuộc sống đô thị ô trọc đã " giết chết" cảm hứng nghệ thuật của bao
thi sĩ:
Tiếng ồn ào nhộn nhịp Hà thành
Đã che át tiếng du dương êm dịu
Của khúc tiên ca xa xăm trong trẻo
Cho nên tôi chán nản bấy lâu nay
Chiếc đờn lòng hờ hững bỏ chùng dây
Và để mặc tơ nhện sầu chăng phím
(Trả lời  Thế Lữ)
Đến đây, ta thấy rõ mặt trái của đô thị. Nó không chỉ có sức hấp dẫn mà còn là nơi xa lạ
đầy cạm bẫy. Nó đã " ném" các thi sĩ nhiều mộng mơ vào guồng quay lạnh lùng khắc nghiệt.
Nó khiến các thi nhân bừng tỉnh và không ít người đã vỡ mộng. Bao giấc mộng huy hoàng
được ấp ủ và kì vọng ở nơi phồn hoa đô hội, " mộng huy hoàng" đến đây đã tan vỡ tạo nên
một nỗi buồn thẳm sâu thành một khối sầu lớn có sức lan toả mạnh mẽ. Chưa hết, sự " vô
tình", lạnh lùng trong guồng quay của nó khiến con người phải đối diện với một thế giới buồn
chán, lẻ loi, cô độc. Họ cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, lạc lõng ngay trong môi trường mà trước
đây họ luôn khao khát, mơ ước:
Bao năm đi giữa kinh thành
Bao năm lẻ bóng lẻ hình lẻ đôi.
Hay:
Một buổi sớm mai đến Sài Gòn

Thân em chẳng khác con chim non
Bơ vơ trong xứ người xa lạ
Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn
(Lá thư về Bắc  Nguyễn Bính)
Không chỉ lạc lõng, các thi nhân còn cảm nhận rõ sự " ăn mòn" của cuộc sống đô thị đối
với niềm tin, tư tưởng, khát vọng và cả cuộc đời của họ. Họ đắng cay nhìn cuộc đời đang chết
mòn, chết dần từng ngày một:
Sao chẳng về đây nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết rồi từng nấc rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân chết cả đời.
(Sao chẳng về đây  Nguyễn Bính)
Đối diện với mặt trái đáng buồn của đô thị, các hồn thơ Mới sau buổi háo hức ban đầu đã
quay ra chán ngán cuộc sống nơi đây:
"Cái sung sướng phồn hoa tôi đã chán!"
(Tự trào  Thế Lữ)
Đâu chỉ dừng lại ở nỗi chán ngán, đôi lúc cuộc sống đô thị với những áp lực riêng, những
quan hệ lạnh lùng, tráo trở đè nặng lên tâm hồn thi sĩ trở thành những cơn ác mộng đầy ám
ảnh:
Tôi chợt hiểu hình ảnh đời là thế
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng
Là chốn nhân gian đang uống máu nồng
Nuốt một nửa, còn phun nhau một nửa.
(Ác mộng  Thế Lữ)
Những vần thơ trên viết về đô thị của Thế Lữ không khỏi nhắc nhở ta trở về với những
ấn tượng, cảm giác của người Babilone xưa khi nghĩ về đô thành của mình, về sự huỷ diệt,
chết chóc đô thị trong suy nghĩ của Thế Lữ cũng như các nhà thơ Mới khác là một xã hội
đầy ganh tị, gian trá, chuộng cái áo khoác bên ngoài, lấy cái nhân tạo thay thế cái thiên tạo
một cách sống sượng, tâm hồn bị đoạ đầy, thể xác trĩu nặng đang giãy giụa, lồng thét như cố
vẫy vùng khỏi ngục tù vật chất để hoà hợp với thiên nhiên. Bởi thế, họ luôn cảm thấy lạc lõng

trước cuộc sống phồn hoa khắc nghiệt.
Tỉnh ngộ khi giấc mộng không thành, nhiều thi sĩ thơ mới ngậm ngùi trước cuộc sống vô
phương hướng, mịt mờ của đô thị: Em ơi, Hà Nội là phương nào/ Đêm tàn chẳng có chiêm
bao (Một con sông lạnh  Nguyễn Bính); Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội/ Bốn tháng hình như
kém mấy ngày/ Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh/ Để rồi nằm mốc ở nơi đây (Giời mưa ở Huế 
Nguyễn Bính); Bóng đơn đi giữa kinh thành/ Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta (Tương
tư  Trần Huyền Trân)
Không chỉ ngậm ngùi, cô đơn, mà các nhà thơ mới còn giã từ nơi thị thành nhốn nháo để
tìm đường trở về chốn cũ:
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời.
(Trên đường về  Chế Lan Viên)
Chán ghét cuộc sống nơi phồn hoa đô hội, khước từ nơi đây để tìm đường trở về với thôn
quê, trở thành một xu hướng tâm lí của các thi sĩ thơ Mới:
Tôi từ thơ trẻ biệt lều tranh
Rồi lớn và yêu giữa thị thành
Gió thổi bâng khuâng hồn cỏ dại
Ngậm ngùi chợt nhớ luỹ tre xanh
(Đinh Hùng)
Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang
Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng
Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị
(Sao chẳng về đây  Nguyễn Bính)
Trong tâm thức các nhà thơ Mới luôn tồn tại hai trạng thái tâm lí đối lập, một mặt họ háo
hức được bước chân vào cuộc sống đô thành rực rỡ nhưng mặt khác, họ lại chứng kiến những
mặt trái đáng buồn của nó và nảy sinh tâm trạng chán ngán, muốn từ bỏ nó. Để từ bỏ cuộc
sống này, họ lại mơ về một ngôi nhà, một mảnh vườn, một con đường quê thôn dã, bình yên
muôn thưở như một điểm tựa vững chãi trong tâm hồn.
Trong số các nhà thơ Mới giã từ đô thị để trở về thôn quê, Nguyễn Bính là người tỏ thái
độ rõ ràng, dứt khoát nhất. Mới ngày nào, thi sĩ của đồng quê từng mơ ước, khát khao được

dấn bước chốn kinh thành (chốn tôi mơ), đã ngậm ngùi tạm biệt bướm trắng, tơ vàng, vườn
cam, mái gianh để gia nhập vào cuộc sống thành thị đầy háo hức mà giờ đây đã lại muốn từ
bỏ chốn " phồn hoa cát bụi" để trở về với thôn quê đồng nội ấm áp tình người. Sự va vấp và
cái khắc nghiệt của cuộc sống thành thị khiến cho hồn thơ ông sống giữa đô thành mà luôn
hướng về thôn quê như một khát vọng mãnh liệt:
Xuân đang sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa ý xuân đầy
Kinh kì bụi quá xuân không đến
Sao chẳng về đây, chẳng ở đây
(Nguyễn Bính)
Bỏ nơi thành thị chốn tôi mơ
Trở lại thôn quê lúc bấy giờ
Sống lại quãng đời thời trẻ bé
Thả diều bắt bướm với nàng thơ.
(Sao chẳng về đây  Nguyễn Bính)
Với sự cảm nhận của tâm hồn thi nhân thì thôn quê là mảnh đất bình yên, là mái nhà
hạnh phúc, là nơi che chở bao dung, còn đô thị là nơi " gió mưa phai", giết dần giết mòn tuổi
xuân, lòng hăm hở, sự yêu đời của con người. Sẵn trong mình mặc cảm về thân phận tha
hương, của kiếp chim lìa đàn, Nguyễn Bính tự phân lập mình thành hai cực ở hai miền không
gian đối lập: Quê mình và quê người, thôn quê và đô thị. Xứ người là nơi đất khách, nơi bụi
bặm, nơi xa lạ vô tình. Đối lập với xứ người là " xứ mình", " quê mình" là những gì nên thơ
trong trẻo lắm bướm nhiều hoa, bờ tơ lá lộc, là hội xuân, là tiếng trống chèo, ngay cả khi có
mưa gió thì cũng là " mưa nhè nhẹ, gió thanh thanh" đầy gợi tình, gợi cảm. Toàn bộ không
gian ấy như một cõi yên bình muôn thưở mà thi nhân luôn hướng về. Bởi thế, Chu Văn Sơn
thật có lí khi cho rằng: " Nếu quê mình là nơi đoàn tụ thì quê người là trường lưu lạc. Nếu
quê mình là vun trồng, nuôi dưỡng thì quê người, nhất là đô thị lại là nơi tàn phá, tiêu huỷ.
Nếu quê mình là thanh đạm, bình ổn thì đô thị quê người là nhiễu loạn, bấp bênh. Nếu quê
mình là thôn ổ nghĩa tình thì quê người là cái biển tiền người ta. Nếu quê mình là đất lành,
nôi ấm thì quê người là cái sòng đời" [6, tr.53].
Cùng với Nguyễn Bính, Đinh Hùng cũng là nhà thơ cảm nhận rõ nét về sự tha hoá của

con người đô thị. Trong thơ Đinh Hùng, đô thị hiện lên gắn nhiều với nét tiêu cực. Và hơn
thế, con người đô thị là con người vong bản, mất tinh thần, lạc mất thiên nhiên, đánh mất
những gì tốt đẹp nhất. Chính vì sự vong bản nên nhà thơ đã có cả một hành trình để tìm về
với sự hồn nhiên trinh bạch trong tâm hồn, là sự níu kéo, lưu giữ chút gì tốt đẹp nhất còn sót
lại:
Lòng đã khác ta trở về Đô Thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
Bóng ta trùm đi khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
(Bài ca man rợ  Đinh Hùng)
Sự khát khao níu kéo những gì tốt đẹp nhất cũng không làm cho nhà thơ kiếm tìm được
những điều mình hằng khao khát vì vậy ông càng cảm thấy thất vọng và lạc loài:
Ta lạc hồn giữa lâu đài kì dị
Suốt muôn đời không hiểu dãy hành lang
Dưới hiên tây từng thế kỉ điêu tàn
Gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh.
(Mê hồn ca  Đinh Hùng)
Tâm trạng chán ghét đô thị trong văn học dường như ta đã bắt gặp trong thơ của Bôđơle
trước đây:
Những ngôi nhà đủ màu xanh đỏ
Che kín trời xanh ở mọi nơi
Không một ánh sao, một chút mặt trời
Dẫu nhìn đâu nữa đi
Cũng chỉ thấy con quái vật ấy đứng nghênh ngang
Và trong tâm trí tôi
Trong cái im lặng khủng khiếp của tường vôi đá
Chỉ còn biết sợ.
(Giấc hãi mộng Pari  Bôđơle)
Cảm giác của Bôđơle đã được các nhà thơ Mới ở Việt Nam cảm nhận và trải nghiệm một
cách thấm thía. Song, trong sự cảm nhận của các thi sĩ thơ Mới Việt Nam, nỗi sầu đô thị

dường như rõ rệt hơn, mãnh liệt hơn bởi họ nhận thức được rõ nhất những cái được, mất của
nền đô thị xâm lấn xã hội thôn quê cổ truyền, họ sẵn nỗi niềm mặc cảm với đời sống đô thị
công nghiệp vốn ra đời từ cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa của phương Tây. Bởi thế, sau
phút hào quang, tráng lệ ban đầu, đằng sau vẻ long lanh ngụy tạo bên ngoài, đô thị đã hiện ra
với bản chất đích thực là nơi ngột ngạt, chốn bon chen, tha hoá khiến cho các thi sĩ mệt mỏi,
buồn sầu, chán ghét và giã từ đô thị.
3. KẾT LUẬN
Như vậy, việc phân tích trên có thể đi đến khẳng định rằng: biểu tượng đô thị trong thơ
Mới mang tính hai mặt rõ rệt. Một mặt, nó là nơi ánh sáng phồn hoa, văn minh, tiện lợi, sôi
động tạo ra sức hút khó cưỡng với các thi sĩ. Nhưng mặt khác, đó là nơi bụi bặm đầy cạm bẫy
với những quan hệ lạnh lùng, tàn nhẫn, tráo trở, những " nanh vuốt" sẵn sàng " nuốt chửng"
con người, làm tha hoá, giết dần giết mòn sự sống và cảm hứng nghệ thuật. Với ý nghĩa là
nơi phồn hoa đô hội, là ánh sáng của văn minh, biểu tượng đô thị đã tạo ra nhiều cung bậc
cảm xúc như niềm vui, sự hăm hở, nhiệt tình, khát vọng hoà nhập, niềm tin tưởng, sự hy
vọng tràn trề và cả những viễn cảnh đẹp tươi, sáng láng Nhưng khi đô thị hiện lên mang ý
nghĩa là nơi bụi bặm, cạm bẫy, nó tạo ra tâm lí hụt hẫng, sự chán chường, nỗi thất vọng, sự
khước từ Trong đó, cảm xúc buồn đóng vai trò chủ đạo. Chính đô thị đã trở thành nền tảng
cho sự hình thành những cảm xúc mới mẻ của thơ mới. Nó là môi trường thuận lợi để " cởi
trói" cho suy nghĩ, cảm xúc, giúp con người thực hiện khát vọng " được thành thực". Vì vậy,
biểu tượng đô thị đã góp phần tạo nên diện mạo cho thơ Mới cũng như hiện đại hoá nền văn
học dân tộc trong buổi giao thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thị Anh, Thơ Mới với Thơ Đường, Nxb Văn học, H., 1997.
2. Huy Cận, Hà Minh Đức (Chủ biên), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca (60 năm Phong
trào Thơ mới), Nxb Giáo dục, H., 1997.
3. Phan Cự Đệ (biên soạn), Về một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, H., 2007.
4. Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu trong thơ trữ tình (qua một số nhà thơ tiêu biểu của Phong trào
thơ Mới), Nxb Văn học, H., 2002.
5. Hà Minh Đức, Một thời đại trong thi ca (Về phong trào thơ mới), Nxb Đại học Quốc gia, H.,
2002.

6. Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao thơ Mới, Nxb Giáo dục, H., 2007.
7. Đỗ Lai Thuý, Mắt thơ I, Nxb Văn hoá thông tin, H., 2000.
8. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới: Huyền thoại, chiêm
mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, Nxb Đà Nẵng  Trường Viết văn
Nguyễn Du, Hà Nội, 2002.
9. S. Freud, C. G. Jung, E. Frommm, Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Đỗ Lai Thuý (dịch),
Nxb Văn hoá Thông tin, H., 2004.
THE DUALITY OF URBAN SYMBOL
IN MODERN POEM MOVEMENT
Hoang Thi Duyen
Abstract
At the beginning of the 20
th
century, because of the hectic French colonialist’s invasion and
exploitation of its colonies, Vietnam underwent a vigorous change with the appearance of more and
more industrial zones, factories and mines, etc. at a dramatically high speed. As an inevitable result,
urban areas came out into society and have spread around more and more rapidly day by day. Soon,
they have become an inspiration for poets and have been made a lively and polysemous artistic
symbol. Having the general characteristics of artistic symbols, the urban symbol itself contains the
duality which exists both oppositionally and abreast. On the one hand, urban areas are noisy and
gaudy places of dream but on the other hand, they are full of traps and wickedness. This duality plays
a dramatically important part in explaining the sources of poets’ inspirations, feelings and thoughts.

×