Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết ma văn kháng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (208.95 KB, 9 trang )

YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT MA VĂN KHÁNG
Hoàng Mai Hương
1


Suốt một đời văn cần mẫn, bền bỉ và đầy sáng tạo, Ma Văn Kháng đã
khẳng định tên tuổi như một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi
hiện đại Việt Nam. Những năm đầu của thế kỉ XXI, Ma Văn Kháng vẫn tiếp
tục cầm bút, say mê viết và cống hiến. Nhìn lại những sáng tác của tác giả
trong giai đoạn này, không thể không chú ý đến yếu tố kì ảo, một trong
những yếu tố góp phần làm nên đặc sắc nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Ma Văn
Kháng. Được coi là một phạm trù thẩm mĩ trong văn học, cái kì ảo được sử
dụng như một phương tiện quan trọng giúp nhà văn tiếp cận toàn bộ tính
hiện thực nhiều tầng bậc của cuộc sống. Yếu tố kì ảo hiện diện trong tiểu
thuyết Ma Văn Kháng ở nhiều cấp độ khác nhau: Kết cấu không gian, thời
gian nghệ thuật, nhân vật, cốt truyện.

1. Mở đầu
Cái kì ảo là một phạm trù thẩm mỹ trong văn học. Cùng với “cái thực”, “cái kì ảo” trở
thành một trong những phương tiện nhà văn sử dụng một cách tự giác, có ý thức trong quá trình
tiếp cận, chiếm lĩnh, phản ánh và lý giải hiện thực. Hiện thực cuộc sống vốn nhiều tầng bậc.
Bản chất của sự vật, hiện tượng không đồng nhất với biểu hiện bề mặt. Bằng việc sử dụng, kết
hợp “cái thực” và “cái kì ảo” nhà văn tạo ra khả năng tiếp cận một cách chân xác, đầy đủ nhất
toàn bộ tính hiện thực nhiều tầng bậc của cuộc sống.
Thực trạng đời sống xã hội và đời sống văn học Việt Nam những năm sau 1975 là mảnh
đất màu mỡ cho yếu tố kì ảo nảy nở, phát triển. Điều đó thể hiện rõ qua những sáng tác của
một loạt những cây bút văn xuôi tiêu biểu thời kì này như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo
Với trường hợp Ma Văn Kháng, yếu tố kì ảo đã xuất hiện dưới nhiều biểu hiện phong
phú, tham gia vào hầu hết các khâu quan trọng trong quá trình xây dựng tiểu thuyết của nhà
văn, trong đó có thể đến không gian nghệ thuật - thời gian nghệ thuật, nhân vật, cốt truyện.


2. Nội dung
Cái kì ảo đã hiện diện trong văn học thế giới ngay từ những bước đầu sơ khởi. Dù vậy,
cho đến nay, quan niệm về cái kì ảo vẫn còn nhiều điểm chưa thật thống nhất. Những vấn đề
tranh luận chủ yếu tập trung vào quanh việc trả lời câu hỏi: một tác phẩm thỏa mãn những
tiêu chí như thế nào thì được xếp vào dòng văn học kì ảo? Thực tế ấy làm nảy sinh nhu cầu
cần thiết phân biệt rạch ròi những khái niệm dễ gây nhầm lẫn: Cái kì ảo (fantastic), cái phóng
túng hư ảo thuần túy (fantasy), cái huyền diệu (marvelous).

1
Học viên Cao học K13, trường ĐHSP Hà Nội 2
Trong bài viết Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học, Lê
Văn Long đã cố gắng phân tách những khái niệm này bằng việc đặt chúng trong mối quan hệ
đối chiếu, song hành với cái thực (reality). Tác giả cho rằng “Cái kì ảo chỉ tồn tại khi đối diện
với nó, người ta luôn có ý thức về một sự đối lập giữa những cái siêu nhiên hư huyễn với thế
giới thực tại”.
Theo cách quan niệm như trên, sự xuất hiện những yếu tố siêu nhiên (supernatural), cái
không thể xảy ra (impossible) trong truyện cổ tích thần kì có thể được xem như các yếu tố kì
ảo. Xét về bản chất, chúng hoàn toàn khác với những chi tiết đậm tính màu nhiệm, hoang
đường trong những câu chuyện thần thoại, cổ xưa. Nếu như người sáng tác và người đọc cổ
tích đều ý thức được tính “không có thật” (unreal) của các chi tiết hoang đường, thì thần thoại
lại được xây dựng với xác tín rằng tất cả những điều hoang đường được kể đều là sự thật.
Điều này xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa một bên là khao khát khám phá, tìm hiểu và chiếm
lĩnh hiện thực, giải thích nguồn gốc thế giới và sự xuất hiện của các hiện tượng tự nhiên, với
bên kia, trình độ nhận thức còn ở mức vô cùng sơ giản.
Như vậy, cái “siêu nhiên” chỉ trở thành cái “kỳ ảo” khi người ta ý thức đặt nó trong mối
quan hệ đối lập với cái thực. Bằng việc sử dụng, kết hợp “cái thực” và “cái kì ảo”, nhà văn
tạo ra khả năng tiếp cận một cách chân xác, đầy đủ nhất toàn bộ tính hiện thực nhiều tầng bậc
của cuộc sống.
Sau 1975, xã hội Việt Nam chuyển từ thời chiến sang thời bình. Cơ chế thị trường dần
được định hình và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Hệ thống giá trị cũ đứng

trước sự đổi thay như vũ bão của thời đại và sự va đập tất yếu với những luồng văn hóa, tư
tưởng ngoại nhập đã không còn giữ được địa vị độc tôn, tính duy nhất đúng. Những giá trị và
xác tín, những hiện thực tất yếu của thời đại đã qua khiến người ta hoài nghi. Đâu là “cái
thực”, đâu là chân lý thật sự? Thế giới hiện lên không còn hiển nhiên như nó vốn có, khó có
thể phân biệt rạch ròi ta - địch, bạn - thù, yêu - ghét, đúng - sai… Sự hoang mang, mất
phương hướng, thậm chí là đổ vỡ niềm tin trở thành một mẫu số tâm lý chung. Mặt khác, xã
hội càng tiến nhanh về phía hiện đại, con người càng trở nên cô đơn. Họ quay trở về với đời
sống tâm linh, tìm cho mình một điểm tựa tinh thần, niềm tin trong tôn giáo, trong những siêu
hình, kì ảo…
Tính phức tạp của đời sống xã hội và đời sống văn học thời kì này chính là những tiền
đề quan trọng cho sự bùng nổ của yếu tố kì ảo trong văn học, thứ phương tiện đặc biệt hữu
dụng trong mô tả những hiện thực phong phú, đa chiều. Hơn bao giờ hết, nhà văn thời kì này
càng ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của cái kì ảo trong chiếm lĩnh, miêu tả hiện thực.
2.1. Yếu tố kì ảo trong kết cấu không gian - thời gian nghệ thuật
Không gian và thời gian là những phạm trù triết học chỉ sự tồn tại của thế giới vật chất.
Không có sự vật, hiện tượng nào tồn tại bên ngoài không gian và thời gian. Sự tồn tại của
chúng trong tác phẩm văn học cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Mỗi nhân vật, tình huống,
sự kiện, chi tiết văn học đều được đặt trên nền một khoảng không gian và thời gian xác định.
Tuy nhiên, không gian và thời gian được xác định trong tác phẩm văn học không đơn thuần là
một đại lượng vật lý, một phạm trù triết học, mà còn là một đơn vị quan trọng trong chỉnh thể
nghệ thuật tác phẩm. Nó trở thành một phương tiện giúp thể hiện tư tưởng, chủ đề của nhà
văn.
Trong Một mình một ngựa, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Bóng đêm, người đọc nhiều lần bắt
gặp những bối cảnh không gian - thời gian mang đậm màu sắc kì ảo.
Gặp gỡ ở La Pan Tẩn là câu chuyện cảm động về cuộc đời nhiều thăng trầm của thầy
giáo Thiêm. Câu chuyện gắn liền với vùng đất người Mèo, với Bãi Đá, với La Pan Tẩn. Đó là
nơi Thiêm đã sống những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ, với khát vọng lập thân, với giấc mơ
mười năm xây dựng “tòa lâu đài văn hóa”. Là nơi anh gặp và yêu Seo Mùa, tình yêu đẹp đẽ
mà nhiều ngang trái. Nơi ghi khắc những thành quả, những chiến công, cũng là nơi ngậm
ngùi những oan ức cay đắng đời Thiêm. Vùng đất Mèo đã trở thành phông nền chung, là bối

cảnh cho toàn bộ câu chuyện. Vùng đất ấy, dưới ngòi bút Ma Văn Kháng, hiện lên như “xứ
lạ” kì ảo, lung linh: “Xứ này, gió xuân hây hẩy mùi men rượu. Gió hè nồng đậm hương trà
thơm, gió thu mang vị trầm và mùa đông gió dông lên trời, lạnh mùi băng tuyết. Xứ này thiên
nhiên nguyên vẹn hình con sắc khởi thủy cùng những tình cảm ban sơ của đồng loại quấn
quýt nhau”.
Màu sắc kì ảo của vùng đất hiện diện trong sắc vẻ trầm tĩnh, cô độc, sự vĩnh hằng như
ngưng đọng tĩnh tại muôn đời, không có chiều kích hiện tại, quá khứ lẫn tương lai. Nơi đây
“là bảo tàng lưu giữ tập tục sinh hoạt, đời sống vật chất, quan hệ tinh thần đã có cả ngàn
năm của bộ tộc. Nơi đây, dấu tích tổ chức cộng động thị tộc còn đậm đà. Nơi đây ngoại trừ
hạt muối, là trọn vẹn đời sống tự cấp. Nơi đây xa cách hết thảy. Nơi đây không có chữ. Nơi
đây, đời sống tâm linh dồi dào, thời cúng sầm uất đủ các loại ma, lời thề còn giữ nguyên sự
thiêng liêng nguyên thủy”, “Nơi đây con người chưa bị lý tính, khôn ngoan chi phối”, “sự
sống còn chưa vong thân”…
Trên cái phông nền chung là xứ Mèo đầy kì ảo ấy, hiện lên hình ảnh bãi đá La Pan Tẩn,
bối cảnh quan trọng, trở đi trở lại rất nhiều lần trong tiểu thuyết. Chính bãi đá sống dậy trong
niềm thương nỗi nhớ của anh, hoan lạc ngỡ ngàng cả một giấc mơ tình ái. Chính bãi đá mà lần
đầu nhìn thấy “đưa mắt xa gần giữa ngổn ngang đá lớn đá nhỏ, đá phiến đá hòn, như phế tích,
di chỉ thời cổ đại”, Thiêm đã choáng ngợp “cảm giác bé nhỏ” trước trời đất bao la. Bãi đá nơi
Thiêm đã gục xuống vì kiệt sức khi kéo chiếc bánh xe sắt về bản. Nơi anh thức ngủ suốt những
đêm trăng hạ tuần khi Quốc Thanh họp chi bộ Đảng, suy ngẫm về bản thân, cuộc đời và vũ trụ
bao la. Nơi cơn mưa đá oan nghiệt giáng xuống. Nơi chứng nhân đêm tình yêu giữa Thiêm và
Seo Mùa. Nơi vua Mèo gieo chữ cho bản làng. Nơi tha thiết khúc hòa âm nức nở “Mổng cà!
Chi tu sa! Đi nhé! Đừng đứt lòng” khi Thiêm cay đắng nói lời từ giã. Nơi suốt một đời Thiêm
yêu dấu, nhớ nhung.
Có thể nói, bãi đá Mèo, với tất cả sự kì vĩ, lạ lùng, cô độc của nó, bối cảnh cho những
khúc đoạn quan trọng, lạ lùng, bí ẩn trong cuộc đời Thiêm, đã trở thành một không gian - thời
gian nghệ thuật đầy sức ám ảnh suốt cả thiên tiểu thuyết.
Không chỉ có tác dụng làm nền cho diễn biến cốt truyện, bối cảnh không gian - thời
gian đậm màu sắc kì ảo được nhà văn lựa chọn xây dựng nhiều khi còn trở thành một chi tiết
quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Không gian cái

“ngõ hoang” hun hút, tăm tối trong tiểu thuyết Bóng đêm chính là một trường hợp như thế!
Lạc vào trong cái ngõ hoang dẫn vào nhà Thuyên, tên tội phạm ghê rợn, phi nhân tính,
kẻ ác độc và nhẫn tâm đến mức không chỉ giết hại mà còn “xả thịt” một con người, hai chiến
sĩ công an Nhâm và Trừng có cảm giác “như đang rơi xuống một cái giếng sâu, đang đi vào
một đường hầm kín mít”. Tối tăm, lạnh lẽo, ghê rợn, cái ngõ hoang ấy có khác chi con đường
dẫn xuống âm ti, địa ngục: “Đây là cái ngõ hoang, là con đường liên thông với cõi giới âm ti
địa ngục; từ ngõ hoang này quỷ sứ mang hình người ngày ngày từ địa phủ đi lên, gia nhập
vào thế giới loài người”.
Tiểu thuyết mang tựa đề Bóng đêm. Bóng đêm ngự trị không chỉ nơi ngõ hoang thông
thiên với địa ngục ấy. Bóng đêm còn là màn tăm tối vô minh. Nơi “xa cách nền văn minh”,
“quãng khuyết sử mênh mông”. “Nơi ngự trị các quy luật rừng rú, vô thường”. Bóng đêm
của sự man rợ, của tội ác. Rõ ràng, “đêm tối” trong tác phẩm này không chỉ đóng vai trò như
bối cảnh không gian - thời gian nghệ thuật mà đã hóa thân thành một biểu tượng nghệ thuật,
một lực lượng vô hình nhưng sống động hiện diện, len lỏi trong từng ngõ ngách. Nó tồn tại
trong thế đối nghịch với ánh sáng, như tội ác đối nghịch với cái thiện, thiên lương. Nó là đối
tượng cần phát hiện, cần thanh trừng và tiêu diệt. Nó hiện lữu, hóa thân sống động trong
những phân thân khác nhau, khi là màn đêm tối khi Nhâm và Trừng rượt bắt tội phạm, khi là
bãi tha ma hoang vắng, lạnh lẽo trong đêm đen nơi xử bắn những tên tử tù… Nhưng có lẽ,
phân thân quan trọng nhất của hình tượng bóng đêm ấy, chính là những tội ác ghê rợn của
những tên tội phạm đã mất hết tính người: Bóng đêm của sự tàn ác, vô lương tâm ẩn khuất
trong chính bản thân con người. Đây là điểm đặc sắc trong việc lựa chọn, tổ chức và sử dụng
linh hoạt không gian - thời gian nghệ thuật của nhà văn.
Sắc thái kì ảo còn xuất hiện trong nhiều bối cảnh không gian - thời gian khác ở ba cuốn
tiểu thuyết, nổi bật là bối cảnh của những lễ nghi mang màu sắc tâm linh, tôn giáo: Đám tang
của ông nội Thiêm, lễ hố pẩu cúng gọi hồn Thiêm khi anh kiệt sức, mê man ở bãi đá (Gặp gỡ
ở La Pan Tẩn), lễ gọi vong hồn người chết và đưa nạn nhân xấu số lên chùa (Bóng đêm)…
La Pan Tẩn là vùng đất còn lưu giữ nguyên vẹn những tập tục cổ xưa, nơi “thờ cúng
sầm uất các loại ma”. Con người nơi đây chữa bệnh, đuổi tà, cầu cúng vụ mùa bội thu hay
làm tang ma… đều thông qua những lễ nghi đậm chất tâm linh, kì bí. Để lại những ấn tượng
mạnh mẽ với người đọc là hình ảnh hố pẩu “như lão kỵ sĩ đang trên mình con tuấn mã phóng

xuống địa ngục thực hiện lớp đuổi bắt con ma ác trong buổi cúng cứu vong hồn Thiêm. Lão
kỵ sĩ đang tả xung hữu đột với đủ các loại ma cản đường, quyết xông vào vào con ma ác để
dành lại hồn vía Thiêm đang bị nó giam giữ”. Con người sống trọn vẹn với niềm tin vào thế
giới tâm linh, nơi có ma ác ma tà, những kẻ hãm hại con người. Và cuộc vật lộn để mưu sinh,
để tồn tại còn là chiến đấu với những thế lực ma tà, những bí ẩn siêu nhiên để giành giật sự
sống.
Ma Văn Kháng mở ra trước mắt người đọc một khoảng vời vợi, đầy bí ẩn, huyền hoặc,
vô thường của đời sống tâm linh. Chết chưa phải là kết thúc. Thế giới không chỉ gói gọn
trong thực tại hữu hình. Và cuộc sống còn là vô vàn những linh diệu, huyền bí vượt ra ngoài
tầm con người có thể nắm với. Người chết vẫn có thể trò chuyện với người sống. Như cuộc
trò chuyện giữa người lái xe Ford với thầy giáo Thiêm, giữa Thiêm với ông nội (Gặp gỡ ở La
Pan Tẩn), hay như khi Bội hiện hồn về kêu oan trong thân xác người chị gái (Bóng đêm).
Chứng kiến cái chết của một con người luôn gợi lên cho người ta nỗi buồn và sự cảm
thương. Nhưng với một cái chết “bất đắc kì tử, thảm khốc, phi tự nhiên” như của Bội, ấn
tượng đối cho người đọc còn là sự ghê rợn, sợ hãi. Có lẽ cũng vì vậy, nên nếu như đám tang
ông nội Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn nghiêng về màu sắc buồn bã, trang nghiêm, thì
đám tang Bội trong Bóng đêm lại đầy ám ảnh day dứt. Cảm giác rợn người gợi lên từ nỗi mơ
hồ về sự hiện diện đâu đây của một linh hồn oan khuất: “…ngọn gió quẫy lộng khiến những
tàu chuối ướt đầm rung soàn soạt và dựng đứng hết cả dậy; như một linh hồn sống động nào
đó vừa thức tỉnh; trở về”.
Tâm thức người Á Đông còn lưu giữ bao câu chuyện rùng rợn về những án oan, chuyện
người chết hiện về báo oán. Người đọc không khỏi rùng mình trước giấc mơ hằng đêm của
người anh trai, kể rằng Bội hiện về đòi đầu. Có bao nhiêu nỗi bấn loạn, hoảng sợ trong lời
phân trần đau đớn của ông với người em đã khuất: “Đây là đầu anh, còn đầu em các anh
công an đã tìm thấy rồi, đã an táng tiếp cho em rồi…” .
Mối giao linh giữa kẻ sống, người chết không chỉ có ở tộc người Mèo. Lễ gọi hồn người
đã chết trong đám tang Bội đã bổ sung thêm một bằng chứng về niềm tin vào sự tồn tại một
thế giới hư ảo, một thế giới bên kia lằn ranh giới sự sống - cái chết, vẫn hằng in đậm trong
tâm thức người Á Đông.
Không gian của buổi lễ rước vong hồn Bội lên chùa hiện lên đầy kì bí, hư ảo: Tất cả đều

như “chập chờn trong ảo giác hoang mê”, “trong tiếng mõ đều đều buồn tẻ, tiếng kinh tụng
những mật ngữ bí hiểm, giữa tiếng chuông đồng như một dao động nguyên thủy phản hồi lần
lần nới rộng không gian” khiến chính Nhâm “cũng rơi vào trạng thái mê mị, mịt mù”.
Có thể nói, yếu tố kì ảo trong việc lựa chọn, xây dựng không gian - thời gian nghệ thuật
đã hỗ trợ đắc lực trong việc mô tả thế giới như một thực thể phức diện, đa chiều. Cùng với sự
xuất hiện của yếu tố kì ảo, đọc tiểu thuyết Ma Văn Kháng, người ta thấy hiện lên sống động
và phong phú những mảng màu bí ẩn của đời sống tâm linh, huyền diệu vẫn đang song hành
cùng thế giới con người, thấy nổi lên những góc cạnh khuất lấp của một cuộc sống còn nhiều
“bóng đêm”, với cái xấu, cái ác vẫn đang thường trực khắp nơi rình rập đe dọa. Một quan
niệm mới về hiện thực đã được biểu hiện sống động ngay từ cách kết cấu không, thời gian.
2.2. Yếu tố kì ảo trong xây dựng nhân vật
Yếu tố kì ảo trong xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết Ma Văn Kháng giai đoạn này trước
hết thể hiện qua nhóm nhân vật có liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh. Đó thường là
những người có năng lực đặc biệt, có khả năng giao tiếp với thế giới siêu hình, huyền bí. Cô
đồng Hồng (Một mình một ngựa), cô đồng Thúy (Gặp gỡ ở La Pan Tẩn), người gọi hồn
(Bóng đêm)… chính là cầu nối giữa hai thế giới, là thực thể mà ở đó người sống và người
chết, thế giới vô hình và hữu hình thông linh với nhau. Sự tồn tại của họ là bằng chứng cho
sự xác tín về một thế giới bí ẩn, huyền diệu nằm ngoài hiểu biết của con người.
Cũng được coi như là nhân vật thông linh, nối liền hai thế giới, nhưng khác với các cô
đồng, thầy gọi hồn - những nhân vật chỉ đơn thuần giữ chức năng lễ nghi, thực thi những nghi
lễ tâm linh - nhân vật hố pẩu trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn còn được khắc họa như biểu tượng
đẹp đẽ của giá trị tinh thần của con người và miền đất nơi đây. Ở nhân vật này có sự hòa trộn
giữa một vốn sống thực tiễn phong phú, với những niềm tin xác tin về sự màu nhiệm của thế
giới tâm linh bí ẩn. Ông đại diện cho những giá trị tinh thần đẹp đẽ trong truyền thống, trong
vốn văn hóa và tín ngưỡng dân gian bản địa. Ông đối diện và đón nhận những biến chuyển,
đổi thay của thời đại với một cái nhìn cởi mở nhưng thấu thị, điềm tĩnh. Con người ấy bình
tĩnh, an nhiên để tỉnh táo để nhận ra những hạn chế, sai lầm của một giai đoạn lịch sử nhiều
thăng trầm, biến động.
Yếu tố kì ảo cũng được Ma Văn Kháng sử dụng trong việc khắc họa nhóm những nhân
vật lý tưởng, mang tính biểu tượng. Ngoài hình tượng hố pẩu, ông nội Thiêm (Gặp gỡ ở La

Pan Tẩn), bố Nhâm, ông Tầm (Bóng đêm) cũng thuộc về nhóm nhân vật này. Điểm chung
giữa họ là vẻ đẹp trong tư cách đạo đức, trong lý tưởng sống. Họ là những nhân cách, những
khí phách cao đẹp đáng được trân trọng, nể phục. Tính lý tưởng, biểu tượng ở nhóm nhân vật
đẹp đẽ, phi thường này còn thể hiện ở chỗ cuộc đời họ được miêu tả, được bao bọc trong bầu
không khí ít nhiều mang màu sắc kì ảo, huyền diệu. Cả bố Nhâm và ông nội Thiêm biết trước
ngày mất của mình. Họ hoàn thành những việc còn dang dở, căn dặn con cháu, đón nhận cái
chết trong tâm thế bình thản, an nhiên. Khoảnh khắc nhắm mắt xuôi tay của ông nội Thiêm
đồng thời với sự động lòng, tiếc thương không chỉ của con người mà cả muôn loài, cỏ cây:
“Đúng lúc ấy, cây mít già bung nở các cánh hoa dày, tỏa hương thơm nức khắp vườn. Những
cây có hoa đều theo gương cây mít già. Các cây không hoa phút chốc lá đều bạc phếch. Gia
súc trong chuồng bỗng cất tiếng kêu thảm thiết”.
Màu sắc kì ảo trong hình tượng nhân vật ông Tầm (Bóng đêm), người chiến sĩ công an
dạn dày kinh nghiệm lại chủ yếu thể hiện qua những cảm giác, linh giác nhạy bén, khả năng
thông ngộ với một thế lực siêu thường nào đó ngoài tầm hiểu biết của con người. Những linh
giác, cảm giác, sự mách bảo của đấng bí ẩn, của vô thức, thông linh là góp phần quan trọng,
giúp những chiến sĩ công an như ông Tầm, như Trừng, như Nhâm phá án thành công.
Không có những khả năng siêu phàm, hình tượng ông Quyết Định (Một mình một ngựa)
dường như vẫn được bao bọc bởi bầu không khí như huyền thoại. Cảm giác ấy có lẽ xuất phát
từ tư thế hiên ngang Một mình một ngựa lao vào vòng vây quân thù, bản lĩnh và tư thế hiên
ngang của một con người hội tụ đầy đủ những phẩm chất anh hùng thời đại. Và đúng như Ma
Văn Kháng đã thừa nhận trong những trang văn của mình: “Những bậc quân tử, bậc anh
hùng thường gây cho người ta ảo giác”.
Một biểu hiện quan trọng khác của yếu tố kì ảo trong xây dựng nhân vật tiểu thuyết Ma
Văn Kháng là việc đặc biệt tô đậm đời sống tinh thần, tâm linh của con người. Sự xuất hiện
của giấc mơ, của vô thức, dòng ý thức hay những cảm giác, linh giác đã làm phong phú hơn
quan niệm con người đa chiều, phức diện mà văn học Việt Nam thời kì đổi mới nói chung,
tiểu thuyết Ma Văn Kháng nói riêng tập trung khắc họa.
Giấc mơ giữ một vị trí quan trọng trong diễn biến cốt truyện Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Chủ
thể những giấc mơ ấy hầu hết chính là nhân vật thầy giáo Thiêm. Trong tác phẩm, giấc mơ
xuất hiện như nguồn chia sẻ, an ủi động viên và nâng đỡ nhân vật vượt qua khó khăn. Người

lái xe Ford chia sẻ, tri ân với những nỗ lực và thành quả lớn lao mà Thiêm đã gây dựng ở
vùng đất La Pan Tẩn, động viên, cổ vũ anh; ông nội luôn hiện về như một nguồn cổ vũ, động
lực tinh thần giúp Thiêm đứng vững trong cuộc sống, ông cũng là người trong giấc mơ, với
phép lạ của mình chữa lành những vết thương cho Thiêm - cả vết thương thể xác và những
chấn thương tinh thần.
Không chỉ vậy, Những giấc mơ đến với Thiêm còn ẩn chứa yếu tố dự báo, tiên tri.
Người lái xe Ford trong đêm mưa đá kì lạ trăm năm chưa từng thấy ở vùng đá Mèo La Pan
Tẩn đã dự báo trước về “cảnh biến” sắp diễn ra. Một lần nữa sự huyền nhiệm, khó nắm bắt
của cuộc sống lại được nhấn mạnh. Cuộc sống là những định đề đã sắp sẵn dưới bàn tay một
thế lực vô hình.
Cùng với sự phát triển của khoa học, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các giấc mơ:
nguồn gốc, nguyên nhân, cơ chế hình thành. Theo đó, có thể thấy giấc mơ là một hoạt động
đặc biệt của não bộ. Khi xem xét lý giải giấc mơ, Freud đặc biệt quan tâm đến những ẩn ức
tình dục bị đè nén trong bề sâu tiềm thức, vốn chịu sự chế ngự của quy chuẩn đạo đức xã hội
hoặc những kiềm chế do hoàn cảnh cá nhân. Ông cho rằng giấc mơ chính là một hình thức
giải phóng những ẩn ức bị đè nén ấy. Xét trên một phương diện nào đó, lý thuyết của Freud
có thể áp dụng để lý giải sự xuất hiện của giấc mơ tình ái đậm màu sắc nhục cảm của
Thiêm:“Giấc mộng mơ vừa xảy ra chính là cái ước ao sở cầu bị dồn nén được đột ngột phô
bày bằng chuỗi biểu tượng trá hình qua một dãy xuyên tạc ngọt ngào. Ngọt ngào quá là
mộng mơ, ôi, nỗi ham muốn thầm kín mãnh liệt ở ngoài mọi chế ngự và trói buộc của
Thiêm”.
Giấc mơ là sự giải phóng của bản năng bị kìm nén, là sự hoạt động và thăng hoa của
vùng vô thức dưới tầng sâu bản ngã con người. Chính vì vậy, dù “ngẩn ngơ”, “không hiểu
sao trong sự kiện này, hình ảnh tạo lập được lại giống như một sản phẩm hư cấu dị thường,
một kết hợp đầu Ngô mình Sở giữa những tình tiết đã trải nghiệm và những sự việc chưa hề
xảy ra. Nghĩa là hết sức chắp vá, tùy tiện, chúng hoàn toàn không có cái trật tự thông
thường”, Thiêm cũng phải thừa nhận giấc mơ ấy “hợp với tâm cảm và thú vị vô cùng”.
Nghĩa là, giấc mơ kia là huyễn hoặc, huyền ảo và hoàn toàn không có thật, nhưng lại đã
diễn tả trọn vẹn những khao khát bản năng bị kìm giữ trong nội tâm sâu kín nhân vật. Cái kì
ảo phát huy sức mạnh trong việc khám phá, mô tả những ẩn ức sâu kín và đời sống tinh thần

vô cùng tinh diệu, phức tạp của con người. Với yếu tố kì ảo, Ma Văn Kháng có thêm một
công cụ đắc lực để biểu đạt quan niệm sống động về con người đa chiều, con người của đời
sống bản năng.
2.3. Yếu tố kì ảo trong xây dựng tình tiết, cốt truyện
Tình tiết và cốt truyện là bộ xương kết cấu của tác phẩm tự sự. Yếu tố kì ảo chi phối và
tham gia, xuất hiện ở cả cấp độ này của tiểu thuyết Ma Văn Kháng.
Gặp gỡ La Pan Tẩn xoay quanh câu chuyện về cuộc đời nhiều thăng trầm của thầy giáo
Thiêm. Tiểu thuyết mở ra với giấc mơ tình ái, dồn nén những khao khát ẩn ức và cả nỗi niềm
thương nhớ của nhân vật hướng về vùng đất Mèo, và nhất là bãi đá La Pan Tẩn. Câu chuyện
khép lại cũng bằng một giấc mơ. Giấc mơ hóa giải mọi oan khiên, chữa lành mọi vết thương
thể xác lẫn tâm hồn. Cuộc đời là vòng định mệnh. Sự kiện này là điềm báo, là sự chuẩn bị
cho chuỗi sự kiện tiếp theo. Cuộc đời Thiêm linh ứng đúng như những gì cô đồng Thúy và
ông nội từng đoán định. Kết cục số phận từ phút đầu tiên con người sinh ra đã được an bài.
Ở hiền gặp lành, người tốt sẽ được cứu giúp, triết lý của truyện cổ tích được hiện thực
hóa sinh động trong cuốn tiểu thuyết hiện đại này. Thiêm và An sẽ gặp lại nhau, mắt và vết
thương trên mặt Thiêm được chữa lành; anh trở lại La Pan Tẩn tiếp tục giấc mơ xây dựng
“tòa lâu đài” văn hóa. Kết thúc có hậu khiến tiểu thuyết phảng phất dáng dấp của một câu
chuyện cổ tích kì ảo. Yếu tố kì ảo - sự linh ứng của số phận - trở thành trục chính quy định
chiều hướng phát triển và kết cục của diễn biến cốt truyện.
Cái chết của Trừng (Bóng đêm) cũng là sự linh ứng lời tiên báo của ông nội ngay từ khi
Trừng còn là một thiếu niên. Con người sinh ra thực sự đã có số mệnh. Hầu hết các nhân vật
trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng được xây dựng theo quan điểm này. Số phận ấy có thể được
gọi rõ qua những lời tiên tri, trực tiếp, hoặc hé lộ qua những điềm báo ở ngoại hình, tướng
mạo. có thể thấy rằng Ma Văn Kháng là nhà văn đặc biệt coi trọng việc miêu tả ngoại hình
còn người theo mối quan hệ giữa tướng mạo, tính cách, số phận. Ngoại hình đã trở thành yếu
tố được cài trước từ những phần đầu tiên của diễn biến cốt truyện, báo trước kết cục số phận
đã được an bài.
Bàn về vị trí của yếu tố kì ảo trong diễn biến cốt truyện Ma Văn Kháng, cần đặc biệt chú
ý đến tiểu thuyết Bóng đêm. Viết về đề tài an ninh, hình sự, tác phẩm xoay quanh việc điều tra,
phá án của các chiến sĩ công an, mà đại diện cụ thể ở đây là ông Tầm, Trừng và Nhâm. Diễn

biến cốt truyện ở tác phẩm này có quan hệ chặt chẽ đến quá trình giải quyết vụ án, từng bước
tiến trong quá trình điều tra. Đáng nói ở chỗ, thúc đẩy bước việc tìm ra manh mối, giải quyết vụ
án, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, vốn kinh nghiệm, Ma Văn Kháng đặc biệt nhấn mạnh đến sự
tham gia mách bảo của những cảm giác, trực giác, linh giác. Chúng có ý nghĩa quan trọng trong
tiến trình diễn biến cốt truyện.
Ngay lần đầu tiên đặt chân tới cái ngõ hoang dẫn vào nhà Thuyên, bóng đêm mù mịt
khiến Nhâm và Trừng “vừa kinh sợ vừa linh cảm thấy có cái gì đó rất đáng ngờ”. Linh cảm
cũng theo suốt quá trình hai chiến sĩ phá vụ án đó, cũng như hầu hết các vụ án mà ông Tầm
kể lại trong tập hồi kí của mình. Không dưới năm lần trong tác phẩm, Ma Văn Kháng để cho
các nhân vật của mình trực tiếp phát biểu, hoặc ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về sự kì lạ và vai
trò của những cảm giác, linh giác ấy. Ông Tầm khuyên Nhâm và Trừng “Rất nên coi trọng
cảm giác, linh giác”, “Tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta làm công việc này
phải bằng tất cả sức mạnh tinh thần, kể cả sức mạnh tâm linh có sẵn ở trong mình và tiếp
nhận từ bên ngoài”.
Nhưng linh cảm ấy không hoàn toàn là phi thường, siêu nhiên, không thể giải thích, mà
là kết quả của vốn sống, vốn kinh nghiệm tích lũy:“Tổng số kinh nghiệm thu được, tập trung
lại ở nơi gọi là tàng thức, và chính đây là nơi góp phần tạo ra linh cảm, linh giác, sức mạnh
bí ẩn của con người”.
Cái kì ảo hiện hình trong cốt truyện, đôi khi còn dưới dạng thức những chi tiết nghệ
thuật đậm chất kì ảo: Đó là bánh xe sắt chiếc xe Ford mà Thiêm đã theo một sự điều khiển
của một sức mạnh siêu nhiên nào đó phát hiện thấy và mang về La Pan Tẩn; nó trở thành cái
kẻng khai tâm vỡ lòng, trở thành linh vật của dân làng, quân phỉ phản loạn sau này cũng
không thể, không dám phá hủy. Đó là câu chuyện vua Mèo làm mất chữ mà ông chủ tịch xã
kể cho đám trẻ trong buổi tiễn chúng đi học. Câu chuyện kì ảo, hoang đường nhưng lại gần
gũi và cảm động bởi chứa đựng trọn vẹn cả niềm kiêu hãnh tự hào truyền thống văn hóa; nỗi
ngậm ngùi về thua kém, lạc hậu, thất học và khao khát đổi thay; sự khích lệ, niềm hi vọng gửi
gắm vào những đứa trẻ rồi đây sẽ gánh vác vận mệnh tương lai của bản làng.
3. Kết luận
Tóm lại, yếu tố kì ảo biểu hiện sinh động ở mọi cấp độ nghệ thuật trong tiểu thuyết Ma
Văn Kháng, từ không gian - thời gian nghệ thuật, nhân vật đến tình tiết, cốt truyện. Chúng

góp phần quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, trong đó đặc biệt nhấn
mạnh quan niệm mới về con người và thế giới hết sức phức tạp, đa chiều với nhiều tầng bậc,
phương diện phong phú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, H., 2006.
2. Lê Bá Hãn, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn
học, Nxb Đại học Quốc gia, H., 1997.
3. Ma Văn Kháng, Bóng đêm, Nxb Công an Nhân dân, H., 2011.
4. Ma Văn Kháng, Tiểu thuyết 2, Nxb Công an Nhân dân, H., 2003.
5. Ma Văn Kháng, Một mình một ngựa, Nxb Phụ nữ, 2009.
6. Đỗ Phương Thảo, Nghệ thuật tự sự trong sáng tác của Ma Văn Kháng, Luận án Tiến
sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007.

FANTASTIC IN MAVANKHANG NOVELS
Hoang Mai Huong
Abstract
With the resilient and innovative career of writing, Ma Van Khang is considered as one
of the most typical writers of Vietnam modern prose. The early years of Century XXI, he
continued to write passionatedly and dedicatedly. Looking back at all his words during this
period, we can not help attending to fantastic, one of factors which make special Ma Van
Khang novels‟ narrative art. Considered as an aesthetic category in the literature, the fantastic
is used as an important way to reflect the complex life. Fantastic exists in many different
levels in Ma Van Khang„s novels: Structure of space an time organization, characters, plot.

×