Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

Văn xuôi việt nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong sách giáo khoa tiếng việt bậc tiểu học và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh (LV01263)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (907.67 KB, 117 trang )



BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2




NGUYỄN QUỲNH VÂN




VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ
DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI TRONG SÁCH
GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT BẬC TIỂU HỌC VÀ
Ý NGHĨA GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH




LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC








HÀ NỘI, 2014




BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2




NGUYỄN QUỲNH VÂN




VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ
DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI TRONG SÁCH
GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT BẬC TIỂU HỌC VÀ
Ý NGHĨA GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH

Chuyên ngành: Giáo dục học (Bậc tiểu học)
Mã số: 60 14 01 01


LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh






HÀ NỘI, 2014



LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh -
người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình làm luận văn.
Đồng thời, tôi xin cảm ơn các thầy, cô giáo khoa Ngữ văn; khoa Giáo dục
Tiểu học; phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều
kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận văn này.
Xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã quan tâm, giúp đỡ, động viên trong
suốt thời gian qua, để tôi hoàn thành quá trình học tập của mình.

Hà Nội, tháng 12 năm 2014
Tác giả luận văn


Nguyễn Quỳnh Vân















LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan bản luận văn này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi.
Kết quả nghiên cứu này không trùng với một công trình có sẵn nào. Nếu sai,
tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 12 năm 2014
Người cam đoan


Nguyễn Quỳnh Vân



MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN
LỜI CAM ĐOAN
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 5
3. Mục đích nghiên cứu 8
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 8
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 8
6. Phương pháp nghiên cứu 9
7. Đóng góp của luận văn 9
8. Cấu trúc của luận văn 9
NỘI DUNG 10
CHƯƠNG 1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM

HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ DÂN TỘC, MIỀN NÚI VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN, THỰC
TIỄN ĐỐI VỚI DẠY HỌC TIẾNG VIỆT Ở NHÀ TRƯỜNG TIỂU HỌC 10
1.1. Quá trình vận động, phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về
dân tộc và miền núi 10
1.1.1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 10
1.1.2. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945 17
1.2. Vị trí văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong tiến
trình văn học Việt Nam hiện đại 29
1.3. Cơ sở lí luận và thực tiễn đối với việc dạy môn Tiếng Việt ở trường
Tiểu học qua các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và
miền núi 30
1.3.1. Cơ sở lí luận 30
1.3.2. Cơ sở thực tiễn 38


CHƯƠNG 2. VẺ ĐẸP NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN XUÔI
VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ DÂN TỘC, MIỀN NÚI TRONG SÁCH
TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC 43
2.1. Tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong
sách Tiếng Việt bậc Tiểu học 43
2.1.1. Thống kê số lượng các tác phẩm 43
2.1.2. Nhận xét 44
2.2. Vẻ đẹp nội dung của những văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về
dân tộc và miền núi trong SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học 46
2.2.1. Không gian cảnh sắc thiên nhiên núi rừng 46
2.2.2. Con người miền núi 54
2.2.3. Không gian đất và người giàu bản sắc văn hóa dân tộc 61
2.3. Vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật 64
2.3.1. Ngôn từ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh 64
2.3.2. Ngôn từ giàu bản sắc văn hóa miền núi 67

2.3.3. Biện pháp tu từ 68
CHƯƠNG 3. Ý NGHĨA GIÁO DỤC CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN
ĐẠI VIẾT VỀ DÂN TỘC, MIỀN NÚI VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI DẠY
HỌC MÔN TIẾNG VIỆT 73
3.1. Ý nghĩa giáo dục đối với học sinh Tiểu học 73
3.2. Bồi dưỡng kĩ năng cảm thụ và năng lực tư duy Văn cho học sinh 80
3.2.1. Bồi dưỡng kĩ năng đọc - hiểu văn bản văn học 80
3.2.2. Năng lực ngôn ngữ và khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ
văn chương 83
3.2.3. Hình thành và phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng phong
phú 88
3.2.3. Bồi dưỡng vốn sống cho học sinh 90


3.3. Định hướng khai thác giá trị nội dung, nghệ thuật của văn xuôi Việt
Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi đối với dạy học môn Tiếng Việt ở
Tiểu học 93
3.3.1. Lựa chọn bài và thiết kế giáo án dạy 93
3.3.2. Đánh giá kết quả 101
KẾT LUẬN 103
TÀI LIỆU THAM KHẢO 106















1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Tầm quan trọng của môn Tiếng Việt và những văn bản văn xuôi
Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi ở trường Tiểu học
Trong các môn học ở Tiểu học, cùng với môn Toán, môn Tiếng Việt có
vị trí rất quan trọng. Việc giảng dạy và học tập môn Tiếng Việt đã góp phần
hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng Việt và thông
qua môn học này, các em được rèn luyện các thao tác của tư duy. Ngoài mục
tiêu cung cấp những kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người;
môn Tiếng Việt còn giúp các em hiểu biết về văn hóa, văn học của Việt Nam
và nước ngoài. Hơn bất kì môn học nào, môn Tiếng Việt có khả năng rất lớn
trong việc bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành ý thức giữ gìn sự trong
sáng của tiếng Việt; góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã
hội chủ nghĩa.
Môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học bao gồm các phân môn Tập đọc, Kể
chuyện, Luyện từ và câu, Chính tả, Tập làm văn, Tập viết. Ở Tiểu học, chưa
học môn Văn nhưng thực chất, kiến thức Văn đã được tích hợp thông qua
những giờ học Tiếng Việt. Thông qua những văn bản văn học, học sinh sẽ
được bồi dưỡng năng lực Văn. Các em sẽ có thêm vốn sống, vốn hiểu biết,
phát triển vốn từ tiếng Việt. Từ đó, các em có năng lực đọc - hiểu, năng lực
tạo lập văn bản nói và viết. Và hơn thế nữa, học sinh sẽ cảm thụ được cái hay,
cái đẹp ẩn chứa trong những câu chuyện, bài thơ, dần dần bồi đắp cho các em
tình yêu với văn học, một điều đang có nguy cơ mất dần ở học sinh thời nay.

Và mục đích cuối cùng là góp phần hoàn thiện nhân cách của học sinh, bởi
những văn bản văn học ấy vừa cung cấp kiến thức trên nhiều lĩnh vực, vừa
giàu cảm xúc, vừa mang tính giáo dục cao.
2
Các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi
trong môn học Tiếng Việt ở trường Tiểu học mà chúng tôi muốn tìm hiểu ở
luận văn này có một vị trí đặc biệt trong việc giáo dục các em về nhân cách.
Nó có vị trí quan trọng đối với quá trình dạy học ở Tiểu học nói riêng và giáo
dục học sinh nói chung.
Ở Tiểu học, các văn bản văn xuôi Việt Nam này không được giảng dạy
độc lập như một môn học riêng mà nó được tích hợp thông qua các giờ dạy
học môn Tiếng Việt. Đây là một trong những quan điểm mới mẻ và tích cực
của phương pháp dạy học Tiếng Việt ở bậc Tiểu học hiện nay. Cho nên, các
văn bản văn xuôi (với tư cách là ngữ liệu để dạy học các phân môn của Tiếng
Việt) có tác dụng tích cực trong việc làm giàu tâm hồn, làm phong phú tình
cảm, rèn luyện tính cách, nhân cách con người; có ý nghĩa giáo dục rất lớn về
thẩm mĩ, về lòng yêu con người, yêu quê hương đất nước… Nó hiệu quả hơn
rất nhiều so với những lời giáo huấn khô khan, khiên cưỡng. Từ đó, mang đến
cho các em những bài học nhân sinh nhẹ nhàng, tự nhiên mà tế nhị, sâu sắc.
1.2. Thực tế dạy học văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân
tộc và miền núi trong môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy ở Tiểu học, tôi nhận thấy, thực tế,
việc dạy học mảng văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi
trong môn Tiếng Việt chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều giáo viên chưa
thực sự nhận thức được tầm quan trọng của mảng văn học này. Giáo viên chủ
yếu tập trung dạy sao cho đúng nội dung, kiến thức, chương trình của từng
bài, của từng phân môn và quy trình của từng tiết học. Có những giáo viên
hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa giáo dục to lớn ẩn chứa trong các văn
bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi, nhưng khi dạy
còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Một phần vì chưa thấu hiểu hết dụng ý

giáo dục của các nhà biên soạn SGK khi đưa các văn bản này vào dạy ở
3
trường Tiểu học, phần vì thấy độ tuổi học sinh còn nhỏ mà chủ quan nghĩ
rằng các em chỉ hiểu được những điều đơn giản nhất mà thôi. Vì vậy, nhiều
giáo viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ rằng: Khi dạy các văn bản đó sẽ phải
dạy cái gì? Phải dạy như thế nào cho phù hợp, vừa sức với các em mà vẫn
mang lại hiệu quả giáo dục tối đa thông qua những văn bản ngôn từ ấy? Đó
vẫn là những câu hỏi khó đối với nhiều giáo viên hiện nay.
Về phía học sinh, các em học sinh Tiểu học độ tuổi còn nhỏ nên còn lệ
thuộc nhiều vào sách vở. Nhiều em chưa chủ động sáng tạo trong sản sinh văn
bản nói và viết. Tình trạng ngôn ngữ trong bài văn của các em giống ngôn
ngữ người lớn đang rất phổ biến. Học sinh viết văn bắt chước văn mẫu, bài
văn tả người thường theo khuôn chung như: tả tóc thì phải “đen nhánh”, mũi
phải “dọc dừa”, da thì “trắng mịn”… Hơn nữa, kiến thức sách vở cũng như
kiến thức thực tế của học sinh Tiểu học hiện còn nhiều khuyết thiếu. Nhiều
học sinh ở vùng nông thôn, thành phố chưa từng được trải nghiệm cảnh sắc
thiên nhiên núi rừng, bản sắc văn hóa và cuộc sống đa dạng phong phú của
các dân tộc thiểu số. Chủ yếu các em chỉ được nhìn, cảm nhận qua sách báo,
thông tin đại chúng… Ngoài ra, sức hút của các trò chơi công nghệ hiện đại
khiến trẻ em ngày nay gần như lãng quên thế giới hiện thực rừng núi thơ
mộng, cái thế giới đầy màu sắc của cánh rừng đại ngàn, con suối, ngọn cỏ,
của cuộc sống các đồng bào dân tộc anh em… Việc đọc sách của các em cũng
đang dần bị xem nhẹ. Phần lớn học sinh Tiểu học ít quan tâm đến phần đọc
sách, nếu có đọc thì đó chủ yếu là truyện tranh, thậm chí là những truyện
tranh thiếu tính giáo dục. Việc trò chuyện, tiếp xúc với bố mẹ, người thân
trong gia đình và cộng đồng cũng dần hạn chế do áp lực công việc của đời
sống hiện đại nên việc các em tìm hiểu thế giới xung quanh còn nhiều phiến
diện, chủ quan.
4
Trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc Tiểu học, mảng văn xuôi Việt

Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi chiếm số lượng đáng kể và được
dạy xuyên suốt chương trình Tiếng Việt từ lớp 2 đến lớp 5 trong hầu khắp các
phân môn của bộ môn Tiếng Việt. Các sáng tác này là của các tác giả người
dân tộc thiểu số và các tác giả người Kinh. Các bài viết, trích đoạn được phân
bố tương đối đều ở những chủ điểm quan trọng như: Tình yêu cuộc sống;
Khám phá thế giới; Vẻ đẹp muôn màu và đa phần đều phù hợp với tâm lý
tiếp nhận của độc giả nhỏ tuổi, nhằm giáo dục cho các em các giá trị nhân
văn, tình yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi, tinh thần đoàn kết, tinh thần
hướng thiện, lòng say mê cái đẹp, những hiểu biết về văn hóa xã hội… thông
qua con đường tiếp thu và phê phán. Mỗi văn bản văn xuôi viết về dân tộc và
miền núi trong SGK Tiếng Việt vừa bồi dưỡng năng lực học Văn cho các em,
lại vừa là công cụ để các em học tập phần Tiếng Việt. Trên thực tế, mỗi nhà
vănđích thực đều là “một nghệ sĩ ngôn từ”. Những gì tốt đẹp nhất của ngôn
ngữ tiếng Việt đã được nhà văn chưng cất thành những văn bản tác phẩm.
Tiếp xúc với mỗi văn bản đó các em sẽ cảm nhận được tiếng Việt giàu và đẹp.
Đấy vừa là một văn bản mẫu mực lại vừa gợi mở để các em tiếp tục sáng tạo
theo sự hiểu biết của mình. Điều này giúp các em mở mang kiến thức về tự
nhiên và xã hội, về con người, tình yêu quêhương đất nước, yêu giống nòi,
tình đoàn kết cộng đồng. Từ đó, giúp các em rèn luyện khả năng sử dụng
tiếng Việt ở cả văn bản nói và văn bản viết.
Có thể nói, những giờ dạy học Tiếng Việt thông qua ngữ liệu là các văn
bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong trường Tiểu
học,kì thực là con đường ngắn nhất, phù hợp nhất giúp các em mở cánh cửa
cuộc đời và bước vào một thế giới thiên nhiên và cuộc sống phong phú, kì
diệu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ đó, giáo dục các em cùng
chung sức, chung lòng “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc
5
dân tộc” và hình thành trong các em bản sắc của con người Việt Nam trong
thời đại mới.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn nghiên cứu đề tài

“Văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong sách giáo khoa
Tiếng Việt bậc Tiểu học và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh”.
2. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, đã xuất hiện một số công trình, bài viết chủ yếu nghiên
cứu về một số tác giả, tác phẩm văn học viết về dân tộc và miền núi như: Văn
học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Lâm Tiến - Văn hóa dân tộc,
1995); Văn học và miền núi (Lâm Tiến - Văn hóa dân tộc, 2002);Văn xuôi dân
tộc và miền núi (Nhiều tác giả - Văn hóa dân tộc, 2002); Nhà văn dân tộc
thiểu số Việt Nam - đời và văn (Nhiều tác giả - Văn hóa dân tộc, 2004)…;
trong đó có khá nhiều ý kiến đánh giá xoay quanh vấn đề: sự phát triển của
văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, cũng như các tác giả, tác
phẩm tiêu biểu.
Trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, nhà
nghiên cứu Lâm Tiến nhận xét: “Việc đánh giá văn xuôi các dân tộc thiểu số
không thể nhìn từ góc độ hình thành và phát triển tự thân của dân tộc ấy, mà
phải được xem xét từ nhiều mặt, từ sự ảnh hưởng qua lại của các nền văn học
và quá trình trưởng thành của từng nhà văn …” [37, 95]. Tác giả đã khảo sát,
phân tích khá tỉ mỉ đối tượng, phương pháp nghiên cứu văn học các dân tộc
thiểu số, những vấn đề liên quan đến văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại và phác thảo diện mạo nền văn học hiện đại của họ. Đặc biệt, trong
phần khảo cứu kho tàngvăn học hiện đại của các nhà văn dân tộc, Lâm Tiến
đã ít nhiều chỉ ra dấu tích của văn học dân gian trong sáng tác của các nhà văn
người dân tộc thiểu số. Tác giả không chỉ khẳng định có sự tiếp thu tinh hoa
dân tộc từ nguồn văn hóa, văn học dân gian mà còn đề cao vai trò của chất
6
liệu dân gian trong các sáng tác văn học hiện đại. [37, 30].Cũng trong cuốn
sách này, Lâm Tiến còn nhận định về tính truyền thống có trong sáng tác của
một số nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số: Truyền thống văn hóa dân gian hàng
ngàn năm và những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi ảnh hưởng
không nhỏ tới văn học các dân tộc thiểu số. Những dấu ấn đó thể hiện rất rõ

trong tác phẩm của Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, Vi Hồng, Đồng thời, ông
cũng đưa ra lý do giải thích vì sao, văn xuôi các dân tộc thiểu số chưa thực sự
phát triển trong giai đoạn đầu, do “rất ít các nhà văn dân tộc thiểu số phát biểu
về quan điểm sáng tác của mình, cũng như chưa có được những bài phê bình
và tiểu luận về văn học” [36, 224]. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định văn
xuôi các dân tộc thiểu số đã tạo cho mình những sắc thái riêng khá đặc sắc.
Tác giả Khái Vinh khẳng định “truyện ngắn ở Việt Bắc - qua hơn mười
năm nay - đó là sự thành công, khẳng định bước phát triển mới khá tốt đẹp của
nền văn xuôi các dân tộc”; “nền văn học đó đang có đầy đủ những điều kiện và
những tiền đề chưa bao giờ có trong lịch sử của nó để có những bước tiến vượt
bậc, để ngày càng hoàn chỉnh các thể loại cần phải có của một nền văn học”
[25, tr 119, 120]. Nhà thơ Nông Quốc Chấn cho rằng: “Các dân tộc thiểu số cần
xây dựng ngành văn xuôi bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Có văn xuôi, các dân tộc thiểu
số sẽ có thêm vũ khí mới mang nhiều khả năng và tác dụng để chiến đấu trên
mặt trận tư tưởng, văn hóa một cách sắc bén hơn…; viết văn xuôi bằng nhiều
thể: từ những bản tin, bài nghị luận đến các bài ghi chép, hồi ký, bút ký, truyện
ngắn…” [4, 356 - 357].
Trong cuốn Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam - đời và văn, các tác giả
đã khái quát lại những gương mặt văn xuôi của các dân tộc thiểu số Việt Nam
như Nông Minh Châu - người mở đầu nền văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại, Sa Phong Ba - người mở đầu cho văn xuôi Thái, Nông Viết Toại -
nhà văn của dân tộc Tày - Nùng hay Y Điêng - người cán bộ cách mạng viết
văn… [31, 26].
7
Trong Hội thảo về nhà về nhà văn Vi Hồng do khoa Ngữ văn trường
ĐHSP - Thái Nguyên kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên
tổ chức (năm 2006), có một số bài nghiên cứu bàn về tính truyền thống và
sáng tạo trong sáng tác của nhà văn này.Trước hết, phải kể đến bài: Bản sắc
văn hoá Tày trong truyện ngắn Vi Hồng của hai tác giả Trần Thị Việt Trung
và Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Các tác giả bài viết đã khảo sát trên các phương

diện nội dung và nghệ thuật tác phẩm Vi Hồng và đi đến nhận định: Bản sắc
văn hoá Tày thể hiện khá đậm nét ở đề tài, nội dung phản ánh, hình tượng
nhân vật và một số đặc điểm nghệ thuật khác trong truyện ngắn của Vi Hồng.
Các tác giả đã phát hiện ra chất trữ tình sâu lắng trong nội dung tác phẩm, vẻ
đẹp khoẻ khoắnmộc mạc trong hình tượng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện,
hình ảnh so sánh giàu chất dân gian miền núi trong tác phẩm Vi Hồng và
khẳng định ông là một trong những nhà văn người dân tộc thiểu số tiêu biểu
của văn học hiện đại Việt Nam [58, 50].
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu, những bài viết, ý kiến ở trên
mới chỉ bước đầu phác thảo được diện mạo của văn xuôi các dân tộc thiểu số
(qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu) mà chưa chỉ ra được tiến trình hình
thành cũng như các giai đoạn phát triển cụ thể của văn xuôi Việt Nam hiện
đại viết về dân tộc và miền núi. Hơn nữa, những công trình trên cũng chưa đi
sâu tìm hiểu phương diện đặc sắc nội dung,nghệ thuật, thi pháp… Và đặc biệt
là, cho đến nay, chưa có một công trình khoa học nào đi sâu tìm hiểu giá trị
nội dung, nghệ thuật của mảng văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và
miền núi trong SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học để thấy được ý nghĩa giáo dục
to lớn của nó đối với học sinh. Khoảng trống trên chính là gợi ý để chúng tôi
triển khai nghiên cứu đề tài Văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và
miền núi trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc Tiểu học và ý nghĩa giáo dục
đối với học sinh.Hi vọng rằng, đề tài sẽ góp một tiếng nói quan trọng tiếp tục
8
khẳng định giá trị của những văn bản văn xuôi này đối với việc rèn luyện
tiếng Việt nói riêng và việc giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh Tiểu
học nói chung.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn là cắt nghĩa, lý giải đặc sắc nội dung, nghệ thuật
hàm chứa trong các văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và
miền núi trong sách giáo khoa Tiếng Việt bậc Tiểu học. Từ đó, làm rõ ý nghĩa
giáo dục to lớn của mảng sáng tác này đối với học sinh Tiểu học như: giáo dục

tình yêu quê hương đất nước; tinh thần đoàn kết dân tộc; tình yêu văn hóa
giống nòi; niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc; bồi dưỡng năng lực
sử dụng tiếng Việt…
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận văn nghiên cứu vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật của những văn bản
văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi được giảng dạy trong
SGK Tiếng Việt từ lớp 2 đến lớp 5.
- Kết quả nghiên cứu sẽ ứng dụng thiết thực vào việc dạy học mảng
sáng tác này trong môn học Tiếng Việt ở Tiểu học.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những văn bản văn xuôi Việt
Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi trong SGKTiếng Việt bậc Tiểu học
và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh.
- Về phạm vi nghiên cứu: Luận văn sẽ làm rõ những vấn đề sau
+ Nhận diện vị trí của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và
miền núi trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.
+ Lí giải, cắt nghĩa đặc sắc nội dung và nghệ thuật hàm chứa trong các
văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc, miền núi trong SGK
Tiếng Việt bậc Tiểu học.
9
+ Làm rõ ý nghĩa giáo dục của những văn bản văn học này đối với học
sinh Tiểu học.
6. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
- Phương pháp hệ thống.
- Phương pháp so sánh loại hình.
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
Ngoài ra, phương pháp điều tra thực tế, thực nghiệm và một số quan
điểm của thi pháp học, tự sự học… cũng được chúng tôi vận dụng để hỗ trợ,
nhằm làm sáng tỏ thêm những vấn đề cơ bản của đề tài.

7. Đóng góp của luận văn
- Về lý luận, luận văn sẽ làm rõ nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật
của những văn bản văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về dân tộc và miền núi
trong SGK Tiếng Việt bậc Tiểu học.
- Về thực tiễn, luận văn vận dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình dạy
học các phân môn Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn, Luyện từ và câu cho học
sinh Tiểu học.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Thư mục tham khảo, Nội dung chính
của luận văn được triển khai thành ba chương như sau:
Chương 1: Quá trình phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về
dân tộc, miền núi và cơ sở lí luận, thực tiễn đối với dạy học Tiếng Việt ở nhà
trường Tiểu học.
Chương 2: Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuậtcủa văn xuôi Việt Nam hiện
đại viết về dân tộc, miền núi trong SGK Tiếng Việtở Tiểu học.
Chương 3: Ý nghĩa giáo dục của văn xuôi Việt Nam hiện đại viết về
dân tộc, miền núi và định hướng đối với dạy học môn Tiếng Việt
10
NỘI DUNG

CHƯƠNG 1
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN XUÔI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
VIẾT VỀ DÂN TỘC, MIỀN NÚI VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN, THỰC TIỄN
ĐỐI VỚI DẠY HỌC TIẾNG VIỆT Ở NHÀ TRƯỜNG TIỂU HỌC


1.1. Quá trình vận động, phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại
viết về dân tộc và miền núi
1.1.1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945
Cuộc cách mạng về nghệ thuật giai đoạn 1930 - 1945 đã mở ra nhiều

con đường cho nhà văn đến với những miền đất mới. Một trong những miền
đất ấy là cuộc sống và con người miền núi. Đây là mảng hiện thực vô cùng
phong phú, hấp dẫn đã thu hút sự chú ý của nhiều cây bút đương thời như Lan
Khai với các Truyện đường rừng, Thế Lữ với Vàng máu, Đới Đức Tuấn với
Thần Hổ; Ai hát giữa rừng khuya, Lưu Trọng Lư với Người sơn nhân, Khái
Hưng với Tiếng khèn, Nhất Linh với Lan rừng, Nguyễn Tuân với Đỉnh non
Tản, Vũ Bằng với Cô gái Thổ quàng khăn đỏ, Vũ Trọng Phụng với Đi săn
khỉ, Thanh Tịnh với Ngậm ngải tìm trầm, Hồ Dzếnh với Trong bóng rừng, Lý
Văn Sâm với tập Kòn trô… Sáng tác của họ đã thực sự mở ra một thời kì mới
cho “giai đoạn văn chương rừng núi” (Thế Phong) và góp phần đánh dấu một
bước tiến mới cho nền văn học dân tộc.
Đặc điểm chung của truyện viết về dân tộc và miền núi ở giai đoạn này
là cái nhìn còn xa lạ, e dè đối với thiên nhiên miền núi. Trong các truyện,
miền núi hiện lên như là chốn linh thiêng, thế giới bí ẩn đầy hiển nguy và bất
trắc, vừa gợi trí tò mò khám phá vừa tạo cảm giác ghê sợ. Cảnh núi, rừng,
mây, suối thường được các tác giả hình dung như những quái vật ẩn chứa bao
11
bí mật và sự khủng khiếp. Quan niệm về con người miền núi của các tác giả
thời này chưa ổn định, còn chủ quan và thiếu độ chân xác thể hiện ở hai xu
hướng định kiến và chuộng lạ. Xu hướng chuộng lạ thể hiện qua những trang
viết về phong tục tập quán (Chẳng hạn trong truyện Hồng thầu, các cô gái
Mán ép đàn ông lấy mình sau khi tắm chung trong nhà); trong việc tạo dựng
những tính cách dị thường, táo bạo (như cô gái Thổ trong Đêm trăng của Thế
Lữ rủ người trai đến thác nước hoang vắng để giúp mình trả thù); trong những
tình huống lạ giàu kịch tính (như người lập kế thiến hổ trong Suối đàn của
Lan Khai). Những hiện thực này dẫu có thật ở chốn hoang vu, cũng không
hẳn là phổ biến. Sự can thiệp của trí tưởng tượng là phần nhiều. Trong một số
truyện khác của Lan Khai, Lý Văn Sâm cách nhìn nhận về con người miền
núi ít nhiều khách quan và chân thực hơn, các nhân vật được miêu tả như là
những con người chất phác, thật thà có ý thức về lẽ phải, có khát vọng về

chính nghĩa. Một số nhân vật của Lan Khai có dung mạo tươi tắn, có đời sống
nội tâm phong phú, phức tạp.
Đặc điểm nổi bật của hầu hết các truyện về rừng núi giai đoạn này là
tính chất kỳ ảo (fantastique) như một yếu tố thi pháp bao trùm. Yếu tố kì ảo
(còn gọi là kinh dị, ma quái, huyễn tưởng ) này thực chất là sự kế thừa
truyền thống dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa thế giới trong bối cảnh xâm
thực của văn hóa diễn ra mạnh mẽ đầu thế kỉ XX. Cái hoang đường trong
truyện cổ dân gian cùng tính truyền kì trong truyện cổ trung đại pha trộn với
màu sắc huyền bí trong văn học phương Đông (như Liêu trai chí dị của Trung
Hoa) và yếu tố kinh dị của văn học phương Tây (như truyện của Ét-ga Pô) đã
chuyển hóa khá nhuần nhuyễn vào các tác phẩm. Sự ảnh hưởng truyện kì ảo
nước ngoài trong truyện của Thế Lữ đã được Khái Hưng chỉ ra: “Thực vậy,
tác giả những Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ rõ óc khoa học của E.Pô
và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh” [21]. Đọc những truyệnNgười lạ, Ma
12
thuồng luồng, Gò thần, Đôi vịt con, Người hoá hổ (Lan Khai); Vàng
máu (Thế Lữ); Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Đới Đức Tuấn)… người
đọc lại bắt gặp ở đó những câu chuyện dị kì mang đầy màu sắc truyền kì và
kinh dị. Chẳng hạn: Ma thuồng luồng gợi ra một hình trạng khủng khiếp, khi
con vật mang hình hài kinh dị từ hang sâu chui lên cưỡng hiếp vợ một anh
phù thuỷ người Dao; Truyện Gò thần một con bò của Long Vương lên cạn bị
giết, Vua Thuỷ Tề liền dâng nước phát tan gò Yên Ngựa để trả thù. Kì dị hơn
là truyện Đôi vịt con, một chàng trai Kinh cưới một cô gái Thổ (Tày) làm vợ
nhưng lại bạc tình bỏ về xuôi, bị gia đình người vợ dùng thuật chài (một lối
yểm bùa) làm cho tiêu mòn sinh lực thổ ra huyết rồi chết, khi vừa tắt thở thì
có “đôi vịt con từ bụng chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất”. Ghê rợn
hơn là truyện Người hoá hổ, anh chàng Mèo đen (H’Mông) có mẹ già tự
nhiên hoá hổ, xé xác cháu ăn thịt rồi trốn vào rừng sâu, “mất hết quần áo, toàn
thân lông lá mọc đầy”. Hay trong Truyện Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya,
thần Hổ hiện hữu trong thế giới của ma quỷ, của các loài mãnh thú với những

phép lạ, quyền uy gieo rắc nỗi kinh hoàng cho con người. Trong Vàng
máu, hình ảnh hang Văn rú bí ẩn với những cái chết ở chốn hang sâu, rừng
thẳm như đưa người đọc chìm vào một thế giới xa lạ, đầy ghê rợn, hãi hùng…
Tất cả những truyện này, ngoài mục tiêu chính nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí
còn muốn nhắc nhở con người cần phải bảo vệ thiên nhiên, vì con người là
một phần của thế giới đó. Khám phá cuộc sống và con người miền núi trên
nhiều bình diện khác nhau như vậy, chứng tỏ các nhà văn đã thể hiện được tư
duy nghệ thuật mới mà giai đoạn văn học trước chưa bao quát thành những
bức tranh toàn cảnh.
Truyện viết về miền núi giai đoạn trước cách mạng tháng Tám mang
đặc điểm chung của loại hình tự sự nhưng có nhiều sáng tạo. Các câu chuyện
ở đây có kết cấu theo nhiều mô thức về tình yêu, vận mệnh, hiện thực, phi
13
hiện thực, ảo hoá… đã tạo được sự khác biệt so với các truyện cổ dân gian và
các tác phẩm thuộc thời kì văn học trung đại. Ở những câu chuyện cổ dân
gian của các dân tộc Thái, Mường, H’Mông … đều có cốt truyện và kết cấu
xây dựng trên nền tảng những “môtíp”: Người giàu với kẻ nghèo, kẻ mạnh
người yếu và kết thúc theo lối nhân quả, giống các truyện Nôm khuyết danh
như: Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phan Trần, Nhị Độ Mai,
Thạch Sanh… cũng đều kết thúc có hậu. Điều này cho thấy, cách thức tổ chức
cốt truyện của các truyện dân gian gần gũi nhau. Còn các tác phẩm thuộc giai
đoạn văn học trung đại của các tác giả Lê Thánh Tông, Vũ Phương Đề, Đan
Sơn, Trần Trợ, Nguyễn Dữ… đã có nhiều điểm khác với truyện cổ dân gian
về quan niệm nghệ thuật. Sáng tác văn học giai đoạn này đã tránh được những
mô típ quen thuộc của văn học quá khứ. Dưới ngòi bút của các nhà văn cuộc
sống và con người miền núi hiện lên sống động và trong mỗi câu chuyện, mỗi
lần xuất hiện một nhân vật, đều đem đến cái nhìn mới cho bạn đọc. Có được
điều này là bởi, mỗi câu chuyện ở đây là một thế giới nghệ thuật mới mẻ. Đọc
các truyện Rừng khuya, Suối Đàn, Hồng thầu, Đỉnh non thần, Chiếc nỏ cánh
dâu của Lan Khai; Tiếng khèn của Khái Hưng; Ai hát giữa rừng khuya, Thần

hổ của Đới Đức Tuấn; Tiếng hú hồn ban đêm và tập Vàng và máu của Thế
Lữ… ta thấy mỗi câu chuyện là một bức tranh nghệ thuật riêng. Trong Rừng
khuya chàng trai Mai Kham và cô gái Dua Phăn yêu nhau tha thiết, nhưng lại
bị tên quan lang phá hoại. Để bảo toàn giá trị của tình yêu, hai người lần lượt
kết thúc đời mình bằng lưỡi dao oan nghiệt. Tiền mất lực, kể về mối tình say
đắm giữa TôĐay và LôHli, nhưng gia đình cô gái lại muốn gả cô cho kẻ có
tiền và có quyền. Không cam chịu số phận, cả hai đã cùng nhau bỏ trốn. Khi
bị lùng bắt LôHli đã tự sát cùng chàng trai để giữ trọn tình yêu thuỷ chung.
Đến Suối đàn người đọc lại thấy cuộc tình say đắm của Ẻn, cô gái Tày tài sắc
với chàng trai người Kinh, nhưng cô không thắng nổi bi kịch tinh thần của
14
chính mình; không nỡ phụ người tình xưa tàn tật và không dám bội bạc với
người đang yêu mình, thất vọng, đau khổ người phụ nữ này đã tìm đến lá
ngón để kết thúc cuộc đời mình. Người phụ nữ trong Hồng thầu và Đỉnh non
thần là những con người yêu đến đau đớn và tuyệt vọng, chờ đợi người
thương cho đến chết như “hòn đá vọng phu”. Chàng trai H’Mông trong Tiếng
khèn chỉ còn biết gửi lòng mình vào âm thanh tiếng khèn rầu rĩ, oán thương
cho số kiếp của mình với người con gái anh thương yêu đã chết bởi hủ tục
cưỡng hôn trong xã hội phong kiến miền núi. Trong Chiếc nỏ cánh dâu, hình
tượng cô gái Peng Gai Lâng và chàng trai Mai Khâm dệt nên mối tình cao đẹp
giữa núi rừng Tây Nguyên. Tình yêu đã giúp họ vượt qua ranh giới sắc tộc,
hận thù giữa hai dân tộc Bana và Giarai; tình yêu đã giúp họ chống lại lòng
tham và tội ác, đấu tranh cho hoà bình, ấm no và hạnh phúc. Truyện Mọi
rợ nói về bi kịch đau thương của một gia đình người H’Mông ở đỉnh núi cao.
Đó là những con người phải sống trong cảnh nghèo túng, cha chết, nợ nần
TumĐiang và em gái phải chịu sự o ép của thế lực đồng tiền, khiến cho cuộc
đời của họ phải chìm vào u mê, mông muội. Phong tục lạc hậu, lòng tham và
tội ác của giai cấp bóc lột là cội nguồn bi kịch của người lương thiện.
Tuy nhiên, tính hấp dẫn về bút pháp miêu tả vẫn luôn là đặc tính cơ bản
làm nên giá trị độc đáo của những truyện viết về miền núi. Có thể nói trong

nền văn xuôi hiện đại, Thế Lữ, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Lý Văn Sâm… là
những nghệ sĩ đầu tiên đi sâu khám phá thế giới thiên nhiên, đã xây được
những hình tượng nghệ thuật hết sức sinh động mang “những phẩm chất tinh
tuý của thơ ca và nhạc hoạ”. Và dưới ngòi bút của mình, các nhà văn này đã
viết lên những “bản tình ca bất tận của thiên nhiên ban tặng con người”, đã đi
vào “mọi ngõ ngách suối khe, đến từng ngọn cỏ, lá cây, nhị hoa, tiếng hót của
vượn chim muôn loài, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng của con người trước
thiên nhiên hoang dã và tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn hằng sinh
15
tồn” (Trần Mạnh Tiến). Họ xứng đáng là những nhà văn “mới mẻ”, “đã cách
mệnh lối tả cảnh trong văn học Việt Nam hiện đại” (Trương Tửu). Bởi trước
họ chưa nhà văn nào có được những bức tranh hiện thực sống động - một thế
giới muôn hình vạn trạng, linh hoạt, rõ nét in đậm vào hồn người đọc như
vậy. Đặc biệt sự pha trộn giữa cái mới mẻ, hiện đại với những yếu tố thuộc về
truyền thống mang bản sắc của miền núi đã tạo nên giọng điệu riêng của
những Truyện đường rừng. Trong nhiều trang văn, người đọc hay bắt gặp cái
gần gũi của truyện cổ dân gian, gặp cái kì ảo trong các truyện trung đại đan
cài với những nỗi đau lớn, chua chát của hiện thực đương thời. Có nhiều trang
viết lại thấm đẫm chất thơ thể hiện qua cái “tôi” trữ tình bày tỏ tình cảm, tình
yêu mặn mà trong sáng hồn nhiên; nhiều lúc lại là nỗi buồn, sự cô đơn về
những kỷ niệm đẹp đã qua, về một thế giới hiện thực ẩn sâu trong tâm hồn
con người. Điều đó đã chứng tỏ các nhà văn đã biết kế thừa một cách linh
hoạt các tinh hoa truyền thống của dân tộc và thế giới.
Một đặc điểm nữa mà ta nhận thấy trong các truyện viết về miền núi là
dấu ấn sáng tạo của từng cây bút khá đậm nét trong từng tác phẩm nghệ thuật.
Nếu các truyện tình của Thế Lữ vẽ lên khung cảnh thiên nhiên, hoang dã thơ
mộng với vẻ đẹp “khác lạ” của cô gái miền sơn cước thì trong những truyện
truyền kỳ, kinh dị, độc giả lại dường như được sống trong cái huyền diệu ở
cõi ảo và cái bí ẩn ở cõi âm. Với những truyện của Tchya (Đới Đức Tuấn) bạn
đọc như được lẫn mình trong thế giới của cổ tích, thần thoại mà trong đó

nhiều tình tiết được khoác lên chiếc áo hoang đường kỳ ảo, từ đó gợi ra một
không gian chứa bao điều hư thực, một cuộc sống huyền bí của thế giới đại
ngàn. Các truyện giàu chất hiện thực của Lan Khai đưa ta đến với xứ sở thiên
nhiên hùng vĩ, gần gũi với đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng viết
về mảng đề tài miền núi, Lý Văn Sâm thể hiện rất rõ chất đường rừng của
vùng núi phía Nam của Tổ quốc. Trong các truyện của nhà văn này, số phận
16
các nhân vật thường được đẩy tới tận cùng của những bi kịch thấm đẫm đau
thương hoặc được sống phóng khoáng trong một không gian hùng tráng. Và
trong những khoảnh khắc thiêng liêng đó, họ luôn sống hết mình cho lý
tưởng, cho nghĩa lớn và lẽ công bằng, cho tình đồng loại và cốt nhục. Tuy số
lượng tác giả viết về miền núi không nhiều và số lượng tác phẩm cũng khác
nhau, nhưng những truyện của các nhà văn Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn
Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thanh Tịnh, Hồ DZếnh, Đỗ Huy Nhiệm khó lẫn
vào nhau. Truyện Ngậm ngải tìm trầm và Tình trong câu hát của Thanh Tịnh
có tình tiết ly kỳ, nhưng nhịp văn chậm rãi, khiến lời kể va xiết trong không
gian hẹp đã đặt nhân vật rơi vào những khoảng cô đơn lạnh lẽo của cuộc đời,
gây ấn tượng khó quên. Nhất Linh với truyện Lan rừng kể về mối tình kỳ lạ
và bí ẩn giữa chàng trai Kinh với cô gái Thổ bên thác Linh Hai, trong hương
lan rừng quyến rũ cùng tình cảm tha thiết của đôi trai gái khiến người đọc
bâng khuâng, thao thức trước dòng chảy cuộc đời như đang chìm dần vào thế
giới bí ẩn của tâm linh. Những truyện Trên đỉnh non Tản, Cô Dó, Người tỉnh
rượu đốt cháy rừng trúc của Nguyễn Tuân lại giàu nhạc tính, khi réo rắt, lúc
trầm bổng, gợi cảm giác phiêu lãng về một thế giới mơ hồ, kỳ lạ. Đọc những
truyện Trong bóng rừng của Hồ Dzếnh, Ngọn gió rừng của Trần Thanh Mại
như gợi ra trong ta những gì thương nhớ thuộc về dĩ vãng với những kỷ niệm
của tuổi ấu thơ. Bên cạnh những truyện kì ảo, lãng mạn, tồn tại một số truyện
chủ yếu được viết bằng bút pháp tả thực như Tiền mất lực, Tiếng khèn của
Khái Hưng; Đi săn khỉ của Vũ Trọng Phụng. Các tác phẩm này là bức tranh
cuộc đời vất vả của người lao động miền núi trong cuộc mưu sinh, những

người ở địa vị thấp hèn bị áp bức, bóc lột.
Nhìn lại văn xuôi về miền núi trước Cách mạng, có thể nói, đóng góp
của các cây bút truyện đường rừng giống như những bước tìm đường của các
nhà thám hiểm lần đầu tiên tiếp cận địa bàn rừng núi. Thiên nhiên và con
người được phản ánh rất chân thực và gần gũi. Cần phải thấy rằng, dù có
17
nhưng hạn chế không tránh khỏi, ở hoàn cảnh và điều kiện của văn nghệ sĩ
Việt Nam thời thuộc địa, công khai vỡ của một mảng đề tài hoàn toàn mới mẻ
của các nhà văn là điều rất đáng trân trọng. Từ giá trị hiện thực và thẩm mĩ
các tác phẩm đem lại có thể coi đó là một thành tựu trong lịch sử văn học, góp
phần hoàn chỉnh diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỉ XX.
1.1.2. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945
a. Chặng đường từ 1945 đến 1975
Văn học các dân tộc thiểu số chỉ thực sự được hình thành và phát triển
từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Cùng với chính sách quan tâm của Đảng,
Nhà nước và sự dìu dắt của các tác giả văn xuôi người Kinh, văn xuôi các dân
tộc thiểu số thực sự được ra đời một vài năm sau ngày Hòa bình lập lại
(1954). Người đi tiên phong trong giai đoạn đầu là Nông Minh Châu với
truyện ngắn Ché Mèn được đi họp.
Hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng đất nước diễn ra trên địa
bàn miền núi đã tạo cho văn học mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực. Các
nhà văn có điều kiện mở rộng, thâm nhập thực tế lao động, chiến đấu của các
dân tộc, từ đó có được vốn sống và nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật về
miền núi phong phú hơn nhiều so với các cây bút truyện đường rừng trước
Cách mạng tháng Tám. Trên cơ sở ấy, văn xuôi về miền núi phát triển mạnh
và đạt đến đỉnh cao với các tác phẩm của các nhà văn người Kinh.
Nam Cao và Tô Hoài là hai nhà văn đầu tiên mở đường cho văn xuôi
cách mạng viết về miền núi. Tác phẩm của hai ông đã phản ánh chân thực
hình ảnh nhân dân các dân tộc ở Việt Bắc, Tây Bắc trong cách mạng giải
phóng dân tộc và kháng chiến. Trong nhật kí Ở rừng (1948) và bút kí Chuyện

biên giới (1951) của Nam Cao, gương mặt chân thật của người Thổ, Người
Dao trong kháng chiến ở Việt Bắc là sự nhìn lại, nhận thức lại hình ảnh miền
núi từng bị thêu dệt trong tâm thức người đọc một thời. Tiếp đó, vào khoảng
18
thập niên 60, các tác phẩm văn xuôi được xuất hiện khá nhiều và bước đầu tạo
được dấu ấn riêng. Mặc dù những sáng tác ở giai đoạn này còn có nhiều hạn
chế về nghệ thuật nhưng khi những tác phẩm ra đời, con người và cuộc sống
miền núi đã được phản ánh một cách chân thật và sinh động bằng chính
những cây bút văn xuôi các dân tộc.
Qua các tập truyện Núi Cứu Quốc (1948) và Truyện Tây Bắc (1953), từ
một chút dấu vết bàng quan và chuộng lạ buổi đầu, các truyện của Tô Hoài
ấm dần lên tình người, tình núi, trong đó có tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Đáng
chú ý trong giai đoạn này là sự xuất hiện lần đầu tiên của thể loại văn xuôi
trong văn học các dân tộc thiểu số. Cuộc cải cách dân chủ ở miền núi sau
1954 với những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của các
dân tộc đã tạo tiền đề mạnh mẽ cho thể loại chủ lực của văn học ra đời. Trong
số các dân tộc thiểu số, dân tộc Tày ở Việt Bắc có trình độ phát triển tương
đối cao từ nhiều thế kỉ trước, từ rất lâu trong văn học Tày đã xuất hiện những
sáng tác bằng chữ Nôm Tày, chữ Hán của một số tác giả có tên tuổi - vì vậy
văn xuôi các dân tộc thiểu số được khơi nguồn và mở rộng bắt đầu từ dân tộc
này. Tiểu thuyết Muối lên rừng (1964) của Nông Minh Châu có ý nghĩa là
những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng văn xuôi các dân tộc thiểu số
Việt Nam. Muối lên rừng trở về với cuộc sống cay cực và nạn thiếu muối
trầm trọng do chính sách hà khắc của thực dân Pháp ở Việt Bắc trước cách
mạng cùng quá trình giác ngộ và vùng dậy cướp chính quyền của đồng bào
miền núi.
Nhìn lại văn xuôi miền núi trong ba mươi năm cách mạng và kháng
chiến, có thể khẳng định, văn xuôi của người Kinh đã hoàn thành sứ mệnh mở
đường và chiến lĩnh một hiện thực mới theo yêu cầu của lịch sử. Cuộc đổi đời
vĩ đại của nhân dân các dân tộc miền núi với quá trình phát triển cách mạng từ

tự phát đến tự giác, lòng trung thành và tinh thần đoàn kết dân tộc, những khó

×