TẬP BÀI GIẢNG
TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH
tháng 8 năm 2015
1
PHẦN A: MỞ ĐẦU
1. Đối tượng sử dụng bài giảng
Sinh viên ngành Tiểu học năm thứ hai học kỳ 2.
2. Mục đích yêu cầu đặt ra cho đối tượng sử dụng bài giảng
- Cung cấp cho sinh viên một tài liệu học tập phục vụ cho môn học.
- Sinh viên sử dụng tập bài giảng như một tài liệu học tập và tham khảo.
- Sau mỗi chương sinh viên cần giải quyết hết các câu hỏi và bài tập đã đề ra.
3. Cấu trúc cuốn tập bài giảng: Tập bài giảng gồm các phần, chương mục sau
- Phần A: mở đầu
- Phần B: Nội dung
Chương 1: Rèn luyện kĩ năng đọc
Chương 2: Rèn luyện kĩ năng viết chữ
Chương 3: Rèn luyện kĩ năng nghe nói
4. Sơ lược về các kiến thức chính sẽ trình bày trong tập bài giảng
Tập bài giảng bao gồm các kiến thức cơ bản như: Rèn luyện kĩ năng đọc hiểu
văn bản và kĩ năng đọc thành tiếng. Rèn luyện kĩ năng viết chữ và kĩ năng viết một số
kiểu loại văn bản. Rèn luyện kĩ năng nghe nói (kể chuyện, trình bày một vấn đề).
5. Những đặc điểm mới của tập bài giảng
Tập bài giảng đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề quan trọng của môn học,
bổ xung thêm những kiến thức, quan điểm mới mang tính cập nhật, hiện đại.
6. Hướng dẫn sử dụng tập bài giảng
Sinh viên đọc kỹ tập bài giảng trước khi lên lớp, kết thúc mỗi chương, bài cần
giải quyết đầy đủ các câu hỏi và bài tập thực hành mà tập bài giảng đã đề ra.
2
PHẦN B: NỘI DUNG
Chương 1: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC
(10 tiết = 4 lí thuyết + 6 thực hành)
Tóm tắt nội dung:
Chương 1 trình bày những vấn đề, nội dung cơ bản sau: Rèn luyện kĩ năng đọc
hiểu văn bản bao gồm: Phân tích văn bản, tóm tắt văn bản, tổng thuật văn bản và rèn
luyện kĩ năng đọc thành tiếng.
Mục tiêu của chương
1. Kiến thức
- Xác định được những yêu cầu chung của việc đọc hiểu văn bản.
- Trình bày và nhận xét được quy trình phân tích văn bản.
- Chỉ ra đúng các bước trong hoạt động tóm tắt văn bản.
- Trình bày và phân tích được quy trình tổng thuật văn bản.
- Trình bày được những kiến thức về ngôn ngữ học và Tiếng Việt có liên quan
đến kĩ năng đọc thành tiếng như: đọc là một trong hoạt động giao tiếp bằng chữ viết,
các hình thức đọc thầm, đọc thành tiếng, đọc đúng, đọc diễn cảm…
2. Kĩ năng
- Vận dụng được quy trình phân tích văn bản để đọc hiểu văn bản.
- Biết cách tóm tắt một văn bản theo những hình thức khác nhau.
- Sử dụng được quy trình tổng thuật văn bản.
- Hình thành kĩ năng đọc thành tiếng và có thể đọc mẫu các bài tập đọc cho học
sinh ở Tiểu học.
3. Thái độ
- Tích cực rèn luyện thực hành để có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, kĩ xảo
đọc hiểu văn bản.
- Luôn luôn ứng dụng những điều được học tập và rèn luyện vào đời sống giao tiếp
ngôn ngữ thường ngày.
- Có ý thức rèn luyện kĩ năng đọc, đáp ứng một trong những yêu cầu nghiệp vụ đầu
tiên và tối thiểu để trở thành một giáo viên Tiểu học.
3
1. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1.1 Phân tích văn bản
1.1.1. Tìm hiểu chung về phân tích văn bản
a. Khái niệm văn bản:
Đọc và nhận xét các VD sau:
(1) Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
(2) Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
(3) Tác phẩm “Chí Phèo” – Nam Cao
Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, gồm một hay nhiều
câu, nhiều đoạn và có những đặc điểm cơ bản sau:
- Mỗi văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách
trọn vẹn.
- Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời cả văn bản được xây
dựng theo một kết cấu mạch lạc.
- Mỗi văn bản có dấu hiệu biểu hiện tính hoàn chỉnh về nội dung (thường mở đầu
bằng 1 nhan đề và kết thúc bằng những hình thức thích hợp với từng loại văn bản).
- Mỗi văn bản nhằm thực hiện một (hoặc một số) mục đích giao tiếp nhất định.
b. Các loại văn bản:
Theo lĩnh vực và mục đích giao tiếp phân biệt thành các loại văn bản sau:
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: thư, nhật kí…
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch…
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học: SGK, tài liệu học tập, bài báo Khoa
học, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu…
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính: đơn, biên bản, nghị quyết, quyết
định, luật…
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận: bài bình luận, lời kêu gọi, bài hịch,
tuyên ngôn…
- VB thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí: bản tin, bài phóng sự, bài phỏng vấn,
tiểu phẩm…
c. Phân tích văn bản
Hãy đọc văn bản dưới đây và trả lời các nhiệm vụ:
4
NGƯỜI ĂN XIN
Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một ngườì ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước
mặt tôi.
Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi
thảm hại… Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí
biết nhường nào!
Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu,. Ông rên rỉ cầu xin cứu
giúp.
Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một
chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.
Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.
Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:
- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.
Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ
cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng
giọng khản đặc.
Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông
lão.
Theo TUỐC – GHÊ – NHÉP
(SGK lớp 4 – tập 1)
- NV 1: Hãy cho biết văn bản trên viết về vấn đề gì?
- NV 2: Văn bản đó nhằm hướng tới đối tượng bạn đọc nào?
- NV 3: Văn bản đó được viết ra nhằm mục đích cụ thể gì?
- NV 4: Văn bản được viết như thế nào?
Phân tích văn bản thực chất là quá trình đọc hiểu văn bản. Đọc văn bản là một
hoạt động, hiểu văn bản chính là mục đích, là kết quả của hoạt động ấy. Đọc là một
cách giao tiếp giữa bạn đọc với người viết để hiểu về những điều người viết trình bày
trong văn bản. Vì vậy hoạt động đọc văn bản là hoạt động người đọc tự phân tích văn
bản để hiểu cho rõ những điều người viết thể hiện trong đó. Quá trình viết văn bản là
quá trình mã hoá ngôn ngữ, chuyển ý thành lời ở phía người viết, thì quá trình đọc lại
là quá trình giải mã ngôn ngữ chuyển lời thành ý trong nhận thức của người đọc.
5
Muốn hiểu được văn bản, muốn biết những điều người viết “gửi gắm” trong văn bản là
gì, người đọc thường luôn luôn tự phân tích để làm rõ một số câu hỏi sau:
- Văn bản viết về vấn đề gì? (nội dung của văn bản )
- Văn bản viết ra nhằm đạt kết quả gì? (mục đích giao tiếp của văn bản )
- Văn bản nhằm tới hoạt động nào? (đối tượng giao tiếp của văn bản )
- Văn bản được viết như thế nào? (cách thức giao tiếp của văn bản ).
1.1.2. Phân tích nội dung giao tiếp của văn bản
Thông thường, để phát hiện ra nội dung giao tiếp của văn bản – cũng là mảng
hiện thực được tác giả phản ánh – người đọc có thể đọc kĩ hoặc đọc lướt nhanh toàn bộ
văn bản để có được cảm nhận về nội dung cần tiếp nhận trong văn bản ấy.
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các nhiệm vu bên dưới:
“TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN”
Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ
sưu tập trống đồng hết sức phong phú.
Trống đồng Đồng Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về
phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn. Giữa mặt trống bao giờ cũng có hình ngôi sao
nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Tiếp đến là những hình tròn đồng tâm, hình vũ công
nhảy múa, chèo thuyền, hình chim bay, hươu nai có gạc…
Nổi bật trên hoa văn trống đồng là hình ảnh con người hòa với thiên nhiên. Con
người lao động, đánh cá, săn bắn. Con người đánh trống, thổi kèn. Con người cầm vũ
khí bảo vệ quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần
linh,… Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên cạnh
xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy là những cánh cò bay lả bay la, những
chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng,… Đó đây, hình tượng ghép đôi
muông thú, nam nữ còn nói lên sự khát khao cuộc sống ấm no, yên vui của người dân.
(Theo Nguyễn Văn Huyên – SGK lớp 4 – tập 2)
- NV 1: Hãy cho biết văn bản trên viết về vấn đề gì?
- NV 2: Căn cứ vào những yếu tố nào để xác định nội dung của văn bản?
Nội dung giao tiếp của văn bản bao gồm:
- Nội dung khách quan: bao gồm các thông tin sự việc, sự kiện, hiện tượng… xảy
ra trong thực tế của thiên nhiên, xã hội. Đây là những thông tin tương đối phổ cập
6
(thông tin mở) mọi người đều có thể biết ở những mức độ khác nhau (phụ thuộc vào
trình độ, vốn sống, nghề nghiệp, thái độ quan tâm).
- Nội dung chủ quan: bao gồm những sự kiện, tâm trạng trong thế giới nội tâm
của con người như: Buồn, vui, yêu, ghét, khinh trọng, nồng nhiệt hoặc lạnh lẽo…
trong quan hệ với tự nhiên và xã hội => Đó là thái độ, tình cảm của nhân vật giao tiếp
đối với ngoại cảnh hoặc người đối thoại.
Để định hướng được nội dung tiếp nhận trong văn bản cần dựa vào những yếu tố
sau:
- Đầu đề của văn bản: Nhìn chung, đầu đề trong các văn bản khoa học, chính
luận tự nó cũng chỉ ra được hiện thực và nhiều khi cả giới hạn của hiện thực được
phản ánh trong văn bản đó.
- Các đề mục trong văn bản đó: (Không phải văn bản nào cũng có đề mục)
+ Đối với văn bản có đề mục thì chính các đề mục đó sẽ góp phần cụ thể hoá
thêm cho đầu đề văn bản, giúp người đọc xác định càng rõ ràng hơn nội dung, càng
chính xác hơn hướng tiếp nhận văn bản. Những đề mục lớn nhỏ này tự nó trở thành
những cái mốc định hướng cho việc giải mã nội dung của văn bản một cách có hiệu
quả.
+ Đối với văn bản không có đề mục: Người đọc có thể dựa vào những câu in
nghiêng hoặc những dòng chữ in đậm trong văn bản… Đây là những câu chứa thông
tin quan trọng mà người viết muốn người đọc chú ý.
Đây chỉ là những dự cảm đầu tiên về nội dung văn bản. Những dự cảm này sẽ
được làm sáng rõ dần hoặc được khẳng định đúng hay sai trong quá trình chúng ta
tiếp tục tìm hiểu những yếu tố khác khi tiến hành đọc kĩ văn bản.
- Các từ ngữ then chốt: Sau khi đọc lướt nhanh các đề mục, các câu in đậm, in
nghiêng trong văn bản, để có được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về nội dung của
văn bản, chúng ta phải đọc kĩ lưỡng, cẩn thận văn bản đó. Để có được sự hiểu biết sâu
sắc, toàn diện về văn bản, khi đọc chúng ta cần chú ý đến các từ then chốt. Đó là
những từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong việc thể hiện đậm nét nhất đề tài và
chủ đề của văn bản. Đây chính là những từ ngữ xuất hiện với tần số cao nhằm duy trì
đề tài, đảm bảo sự thống nhất nội dung cho văn bản.
1.1.3. Phân tích mục đích giao tiếp của văn bản
7
Mỗi văn bản thường có những mục đích giao tiếp nhất định, mục đích giao tiếp
rất đa dạng và sẽ được người đọc xác định cụ thể khi tiếp xúc với văn bản. Mục đích
của một văn bản có thể chia nhỏ thành mục đích tác động về nhận thức, mục đích tác
động về tình cảm, mục đích tác động về hành động.
Hiệu quả giao tiếp của văn bản sẽ được đánh giá bằng việc mục đích giao tiếp đã
đạt đến chừng mực nào. Hiệu quả giao tiếp của văn bản đã đạt đến chừng mực nào là
tuỳ thuộc vào sự tác động của văn bản tới người nghe, làm cho họ thay đổi đến chừng
mực nào của nhận thức, về tình cảm và về hành động theo hướng mà người viết mong
muốn. Nhưng đích đó có đạt được hay không lại tuỳ thuộc vào cách xử lí hiện thực
được đưa vào văn bản của tác giả. Có thể cùng một hiện thực nhưng với cách xử lí
khác nhau sẽ dẫn đến cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau ở người đọc đối với văn bản
và theo đó văn bản cũng sẽ đạt được đích ở những mức độ khác nhau.
Đọc văn bản sau và trả lời các nhiệm vụ bên dưới:
“LỪA VÀ NGỰA”
Người nọ có một con lừa và một con ngựa. Một hôm, có việc đi xa, ông ta cưỡi
ngựa, còn bao nhiêu đồ đạc thì chất lên lưng lừa. Dọc đường, lừa mang nặng, mệt quá,
liền khẩn khoản xin với ngựa:
- Chị ngựa ơi! Chúng ta là bạn đường. Chị mang đỡ tôi với, dù chỉ chút ít thôi
cũng được. Tôi kiệt sức rồi.
Ngựa đáp:
- Thôi, việc ai nấy no. Tôi không giúp chị được đâu.
Lừa gắng quá, kiệt lực, ngã gục xuống và chết bên vệ đường. Người chủ thấy vậy
bèn chất tất cả đồ đạc từ lưng lừa sang lưng ngựa. Ngựa bấy gjờ mới rên lên:
- Ôi, tôi mới dại dột làm sao! Tôi đã không muốn giúp lừa dù chỉ chút ít, nên bây
giờ phải mang nặng gấp đôi.
(Theo Lép Tôn – Xtôi, Thúy Toàn dịch, SGK ớp 3, tập 1)
- NV1: Hãy xác định mục đích của văn bản trên?
- NV2: Tìm những cơ sở để giúp cho việc xác định được mục đích ấy?
Để xác định được chính xác mục đích giao tiếp của văn bản chúng ta có thể dựa
vào các yếu tố sau:
- Dựa vào đầu đề của văn bản.
8
- Hệ thống những câu chủ đề chứa đựng trong các đoạn văn (không phải lúc nào
cũng được nói thẳng ra, mà thường chỉ là sự suy ra, nhận ra đằng sau cách lựa chọn
hiện thực, đằng sau cách dùng các từ ngữ, đằng sau cách sắp đặt lời lẽ được ghi trong
văn bản). Đó là chính kiến, quan điểm, thái độ… của tác giả bộc lộ qua đề tài. Việc
tìm hiểu chủ đề trong văn bản chính là đi tìm cái đích chi phối việc lựa chọn nội dung,
lựa chọn cách thức trình bày của tác giả. Tìm hiểu chủ đề cần phải dựa vào đầu đề, dựa
vào những mục đề lớn nhỏ có trong văn bản.
- Dựa vào phần mở đầu và kết thúc của chính văn bản ấy. Tuỳ đặc điểm loại hình
văn bản và tuỳ đặc điểm của từng bài viết cụ thể mà phần mở đầu và kết thúc văn bản
này có hoặc không có, có thể được viết ra một cách cụ thể, rõ ràng hay bị lược bỏ. Tuy
vậy, vẫn có thể nói rằng, đối với văn bản có phần mở đầu và phần kết thúc văn bản thì
chính những phần này cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp chúng ta tìm hiểu
hướng đích của văn bản.
1.1.4. Phân tích đối tượng giao tiếp của văn bản (nhân vật giao tiếp)
- Người nói, người viết và người nghe, người đọc gọi chung là nhân vật giao tiếp,
là đối tượng mà văn bản hướng tới, họ có quan hệ một chiều hoặc hai chiều với nhau.
Có khi là một nhưng có lúc lại là số đông, cũng có trường hợp mặc dù người nhận là
số đông song chỉ có một hoặc một số nhất định trong số đông đó là đối tượng giao
tiếp nhất định mà người phát hướng tới.
- Hiệu quả giao tiếp không chỉ phụ thuộc vào người phát mà còn cả ở người
nhận. Vì thế, việc hiểu biết về người tiếp nhận là điều không thể thiếu đối với người
viết (đó là những hiểu biết về thói quen sử dụng ngôn ngữ, kinh nghiệm, hoàn cảnh
sống, nhu cầu, hứng thú, tâm lí….), từ đó lựa chọn phương tiện ngôn ngữ phù hợp với
“khẩu vị” của họ và lựa chọn nội dung giao tiếp khơi gợi, duy trì được hứng thú của
họ…
Đọc lại ba văn bản và thực hiện các nhiệm vụ bên dưới:
- Người ăn xin
- Trống đồng Đông Sơn
- Lừa và ngựa
- NV1: Hãy cho biết những văn bản này hướng tới đối tượng bạn đọc nào?
- NV2: Tìm những cơ sở để xác định nhanh và đúng được những đối tượng ấy?
Những cơ sở để xác định đối tượng giao tiếp của văn bản
9
- Dựa vào tên sách, loại sách hoặc tên bài viết
- Dựa vào hệ thống các danh từ chỉ người hoặc các đại từ nhân xưng, đại từ thay
thế xuất hiện trong văn bản .
- Dựa vào các chi tiết, các hình ảnh, các cách dẫn giải, so sánh được lựa chọn và
sử dụng trong văn bản .
- Dựa vào hệ thống các từ ngữ mang tính chất đặc trưng khác.
1.1.5. Phân tích cách thức giao tiếp của văn bản (hình thức tổ chức của văn
bản)
Đọc và nêu nhận xét về hai cách viết dưới đây:
a. “Từ giữa tháng 3 – 1945 trở đi, cách mạng đã chuyển sang cao trào, phong trào
đấu tranh vũ trang và những cuộc khởi nghĩa từng phần lien tiếp nổ ra ở nhiều địa
phương. Ở khu căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
đã phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hang loạt xã, chân,
huyện. Ở nhiều địa phương, quần chúng cách mạng đã cảnh cáo bọn quân lại, tổng lí
cường hào cố ý chống lại cách mạng, trừng trị bọn việt gian. Ở nhiều thị xã, thành phố
và ngay cả ở Hà Nội , các đội danh dự Việt Minhđã táo bạo trừ khử một số tên tay sai
đắc lực của địch, kích thích tinh thần cách mạng của quần chúng. ”
(SGK lịch sử lớp 9, T 90)
b. “Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu sung bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay….”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Tìm hiểu văn bản, nếu như ta chỉ xem xét nội dung mà không chú ý tới hình thức
tổ chức của văn bản thì đó là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ, nội dung bao giờ cũng có sự
thống nhất với hình thức. Nếu hình thức không phù hợp sẽ dễ dàng dẫn đến chỗ phá
vỡ nội dung. Cùng một nội dung nhưng cách tổ chức khác nhau (ngôn ngữ khác nhau,
bố cục khác nhau, lập luận khác nhau…) sẽ đem lại hiệu quả giao tiếp khác nhau. Vì
vậy, khi đọc hiểu một văn bản, việc xác định thể loại của văn bản, xác định phương
thức trình bày văn bản cũng sẽ góp phần giúp cho người đọc thấy rõ hơn cái hay trong
10
nghệ thuật ngôn từ của văn bản, sự phù hợp giữa nội dung và hình thức trình bày văn
bản và từ đó người đọc sẽ xác định được rõ ràng hơn cách hiểu như thế nào cho thật
chính xác những thông tin đưa ra trong văn bản đó.
1.2 Tóm tắt văn bản
1.2.1 Tìm hiếu chung về tóm tắt văn bản
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các nhiệm vụ bên dưới:
VỊNH HẠ LONG
Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh có một không hai của đất nước Việt Nam.
Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên. Trên một diện tích
hẹp mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu phượng múa. Đảo có
chỗ sừng sững chạy dài như bức tường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt
biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông
như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Tùy theo sự phân bố của đảo, mặt vịnh Hạ
Long lúc tỏa mênh mông, lúc thu hẹp thành ao, thành vũng, lúc bị kẹp giữa hai triền
đảo như một dòng suối, lúc uốn quanh chân đảo như dải lụa xanh.
Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng. Nét duyên dáng
của Hạ Long chính là cái tươi mát của sóng nước, cái rạng rỡ của đất trời. Sóng nước
Hạ Long quanh năm trong xanh. Đất trời Hạ Long bốn mùa sáng nắng. Bốn mùa Hạ
Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi,
xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung,
cũng phơi phới.
Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp
dẫn lòng người. Mùa xuân của Hạ Long là mùa sương và cá mực. Mùa hè của Hạ
Long là mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển
và tôm he… Song quyến rũ hơn cả vẫn là mùa hè của Hạ Long. Những ngày hè đi trên
bờ Hạ Long ta có cảm giác như đi trước cửa gió. Ngọn gió lúc êm ả như ru, lúc phần
phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng
khoái tâm hồn ta. Trong tiếng gió thổi, ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve
ran cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng than, bến cảng vọng lại.
Những âm thanh của sự sống trăm ngả tựu về, theo gió ngân lên vang vọng.
Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt
Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.
11
(Theo Thi Sảnh – SGK Tiếng việt 5, tập 1, T 71)
- NV1: Hãy tóm tắt lại văn bản trên.
- NV2: Giải thích mục đích tóm tắt văn bản của mình.
- NV3: Đối chiếu các chi tiết, lời văn, cách sắp xếp chi tiết, bố cục của văn bản
tóm tắt với văn bản gốc.
- NV4: Từ đó hiểu như thế nào là tóm tắt văn bản?
- Tóm tắt văn bản là ghi lại những nội dung chính, những thông báo chủ yếu của
văn bản gốc dưới dạng dồn nén các thông tin theo một mục đích nào đó đã được định
trước.
- Yêu cầu của tóm tắt văn bản :
+ tóm tắt phải đảm bảo ngắn gọn, cô đọng so với bản gốc.
+ Phản ánh trung thành những nội dung cơ bản, những hướng đích và cách thức
lập luận, trình bày nd của văn bản gốc.
+ Tuyệt đối không được làm sai lạc ý đồ của tác gỉa, không xuyên tạc hoặc thêm
bớt bất kì một chi tiết nào vào bản tóm tắt.
+ Cần phù hợp với mục đích đặt ra. Bản tóm tắt càng ngắn, càng gọn mà vẫn
thoả mãn được mục đích đặt ra thì càng tốt.
- Mục đích của tóm tắt văn bản :
+ Lưu giữ tài liệu ở dạng ngắn gọn nhất.
+ Nhớ nhanh những thông tin về nội dung cơ bản, những ý cốt lõi, những luận
điểm chủ yếu của văn bản gốc.
+ Khi cần thiết có thể sử dụng bản tóm tắt để trích dẫn hoặc làm căn cứ để khôi
phục lại nội dung thông tin của văn bản gốc.
+ Giúp việc nhìn bao quát lại toàn bộ nội dung cũng như quá trình lập luận, dẫn
dắt của văn bản gốc trở nên dễ dàng hơn.
1.2.2 Lựa chọn hình thức tóm tắt văn bản
Tùy theo mục đích, tùy theo phương thức trình bày của văn bản gốc mà người
đọc có thể chọn những hình thức tóm tắt khác nhau. Bản tóm tắt có thể dài, có thể
ngắn, có thể chi tiết, có thể sơ lược, có thể trích dẫn lời văn của văn bản gốc, cũng có
thể chỉ là lời văn của người tóm tắt, có thể chỉ thuần túy tóm tắt nội dung văn bản,
cũng có thể vừa tóm tắt nội dung văn bản vừa đưa cả những suy nghĩ, những cảm nhận
của người tóm tắt.
12
Như vậy, có thể khẳng định trong thực tế của việc tóm tắt văn bản, có nhiều
hình thức tóm tắt khác nhau. Việc lựa chọn hình thức tóm tắt nào là có hiệu quả nhất
chỉ có thể được đánh giá một cách cụ thể tùy thuộc vào mục đích tóm tắt, tùy thuộc
vào văn bản cụ thể.
a. Tóm tắt văn bản thành đề cương
Dựa vào bố cục của văn bản gốc để hình thành bộ khung cho đề cương tóm tắt
văn bản. Đối với có sẵn các đề mục thì mỗi đề mục ứng với một ý lớn, một mục trong
đề cương. Với văn bản không có đề mục, cần dựa vào các luận điểm để lập thành từng
mục ý cho đề cương (chú ý sử dụng các kí hiệu chữ số la mã I, II, III, chữ số Ả rập
1,2,3, các con chữ viết hoa A, B, C…) để tách các bậc ý lớn nhỏ, ý chính phụ cho rõ
ràng.
b. Tóm tắt thành văn bản nhỏ. (bố cục 3 phần)
- Phần mở đầu và kết thúc có thể được tóm tắt bằng cách đưa câu chủ đề có trong
phần mở đầu và kết thúc của văn bản gốc vào văn bản tóm tắt. Với những văn bản gốc
không có câu chủ đề, cần phải tìm cách tóm tắt các ý đó thành một hai câu để đưa vào
bản tóm tắt.
- Phần triển khai có thể được tóm tắt lần lượt bằng cách bám theo các luận điểm
được trình bày trong văn bản gốc.
-> Khi sắp xếp các câu cần sử dụng các ph tiện ngôn ngữ thích hợp và chú ý sử
dụng hệ thống thuật ngữ phù hợp liên kết các câu lại thành một thể thống nhất, mạch
lạc.
c. Tóm tắt thành một câu
Cách này đòi hỏi phải nắm được đề tài và chủ đề của văn bản (dựa vào câu chủ
đề trong các đoạn văn) rồi trên cơ sở suy luận để tự tóm tắt văn bản thành một câu.
(dồn nén thông tin một cách tối đa)
1.2.3. Tiến hành tóm tắt văn bản
a. Bước 1: Định hướng tóm tắt
- Xác định mục đích tóm tắt. Dựa vào mục đích tóm tắt để tiến hành chọn cách
đọc văn bản như thế nào: đọc lướt, đọc kĩ hay vừa đọc vừa ghi chép…
b. Bước 2: Chọn hình thức tóm tắt và tiến hành tóm tắt.
c. Bước 3: Kiểm tra và điều chỉnh lại bản tóm tắt dựa theo mục đích đặt ra.
- Nội dung tóm tắt
13
- Bố cục của bản tóm tắt (phụ thuộc vào hình thức tóm tắt).
- Độ chính xác cảu các từ ngữ, câu chữ mượn từ văn bản gốc.
- Kiểm tra câu chữ, văn phong của văn bản tóm tắt.
- Kiểm tra các nd khác: chính tả, dấu câu, các chữ viết nghiêng dậm, các đề
mục…
- NV: Tìm đọc một số văn bản thuyết minh, miêu tả, tự sự… sau đó tóm tắt lại
các văn bản đó theo những hình thức khác nhau.
1.3. Tổng thuật văn bản
1.3.1. Xác định mục đích và yêu cầu của việc tổng thuật
a. Mục đích
Tổng thuật văn bản khoa học là giới thiệu, thuyết minh, tóm tắt lại những nd
thông tin cơ bản rút ra được từ một số bài báo hoặc công trình khoa học… đã được
công bố nhằm giới thiệu với người đọc, đặc biệt là những người quan tâm, một cách
khái quát nhất những thành tựu khoa học, những vấn đề đang được đặt ra, những
khuynh hướng nghiên cứu, những tư tưởng chính… trong lĩnh vực khoa học được bài
tổng thuật đề cập đến.
b.Yêu cầu
- Nêu được những nội dung cơ bản, những tư tưởng chính của các văn bản gốc
theo vấn đề hoặc theo cách điểm lần lượt từng văn bản.
- Đảm bảo tính trung thực, khách quan khi trình bày lại các thông tin trong văn
bản gốc.
-> Dù tổng thuật theo vấn đề nào người viết tổng thuật cũng phải cho bạn đọc rõ
tên tác giả, tên công trình khoa học, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang trích dẫn. Khi
cần thiết, người viết tổng cũng có thể cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin bổ
sung về cuộc đời tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, hoặc những thông tin khác để
giúp bạn đọc hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về nội dung tổng thuật.
1.3.2. Tìm hiểu cách thức tổng thuật văn bản
a. Định hướng tổng thuật
- Xác định mục đích và nội dung tổng thuật.
- Xác định công trình lựa chọn sẽ tổng thuật
14
- Chọn cách tổng thuật: dựa vào mục đích tổng thuật và nội dung tổng thuật để có
sự lựa chọn cách tổng thuật theo vấn đề hay theo cách điểm lần lượt từng công trình
sao cho phù hợp.
- Dự kiến số trang định viết.
b. Lập đề cương tổng thuật
- Xắp xếp các ý lớn thành đề cương khái quát.
- Bổ sung, sắp xếp các ý nhỏ vào mục trong đề cương khaí quát để có được đề
cương chi tiết.
c. Viết văn bản tổng thuật (3 phần)
- Phần mở đầu: Giới thiệu chung về vấn đề tổng thuật
- Phần triển khai: Nêu lần lượt các vấn đề, hoặc điểm lần lượt các công trình cần
tổng thuật. Có thể đưa ra những nhận định, những ý kiến bàn bạc riêng của mình.
- Phần kết thúc: Tóm tắt lại nội dung đã trình bày, đưa ra những đánh giá chung
hoặc những đề xuất, những lưu ý cần thiết.
Cuối bản tổng thuật cần lập một bản danh mục tất cả các tài liệu đã được tổng
thuật với đầy đủ tên tác giả, tên tác phẩm, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang trích
dẫn…
d. Kiểm tra lại văn bản tổng thuật
- Có phù hợp với mục đích đặt ra không
- Có sai sót gì về nội dung không
- Có bản danh mục tài liệu tham khảo không
- Có sơ suất gì về cách diễn đạt không
Nếu có cần điều chỉnh sửa lại văn bản cho phù hợp.
CÂU HỎI (BÀI TẬP)
Câu 1: Anh chị hiểu thế nào là phân tích văn bản? Hãy phân tích văn bản sau
trong đó cần trả lời được các câu hỏi bên dưới:
- VB 1:
CON QUẠ THÔNG MINH
Một con quạ khát nước. Nó tìm thấy một chiếc lọ có nước. Song nước trong lọ
có ít, cổ lọ lại cao, nó không sao thò mỏ vào uống được. Quạ liền nghĩ ra một kế. Nó
lấy mỏ gắp từng hòn sỏi bỏ vào lọ. Nước dâng lên dần dần. Thế là quạ tha hồ uống.
15
(Theo La Phông – ten, SGK Tiếng việt lớp 1, tập 2, T79)
- VB2:
MƯU CHÚ SẺ
Buổi sớm, một con mèo chộp được một chú sẻ. Sẻ hoảng lắm, nhưng nó nén sợ,
lễ phép nói:
- Thưa anh, tại sao một người sạch sẽ như anh trước khi ăn sang lại không rửa
mặt?
Nghe vậy mèo liền đặt sẻ xuống, đưa hai chân lên vuốt râu, xoa mép. Thế là sẻ
vụt bay đi. Mèo rất tức giận nhưng đã muộn mất rồi.
(SGK Tiếng việt lớp 1, tập 2, T70)
- Văn bản viết về vấn đề gì?
- Văn bản viết ra nhằm đạt kết quả gì?
- Văn bản viết ra nhằm tới người đọc nào?
- Văn bản được viết như thế nào?
Câu 2: Để định hướng được nội dung giao tiếp của văn bản, việc đọc kĩ, đọc lướt
cần dựa vào những yếu tố nào?
Câu 3: Có những yếu tố cơ bản nào để xác định chính xác mục đích giao tiếp của
văn bản?
Câu 4: Tóm tắt văn bản cần đảm bảo những yêu cầu nào?
Câu 5: Tóm tắt văn bản nhằm những mục đích gì?
Câu 6: Có mấy hình thức chính để tóm tắt văn bản? trình bày cụ thể các hình
thức đó?
Câu 7: Quy trình chung để tóm tắt văn bản gồm những bước nào?
Câu 8: Việc tổng thuật văn bản khoa học cần phải đạt được những mục đích, yêu
cầu chủ yếu nào?
Câu 9: Những cơ sở chính nào để có thể lấy làm chỗ dựa cho việc xác định đối
tượng giao tiếp của văn bản?
Câu 10: Hãy đặt nhan đề cho văn bản sau (yêu cầu đặt được 03 nhan đề khác
nhau)
“Một hôm, chú bé Ép – xây - ca thấy mình rơi xuống đáy biển, nhưng chú chẳng
hề sợ hãi. Chú ngồi lên một tảng đá có phủ lớp rong màu hung thật âm. Chú nhìn xung
quanh rồi thốt lên: “Ôi! Tuyệt đẹp!”
16
Một con sao biển đỏ thắm đang chậm chạp bò. Những con tôm hùm mang bộ râu
dài đang bệ về bước trên các hòn đá. Một con cua đang bò ngang choc nào cũng thấy
bao nhiêu vật lạ. Đây là hoa loa kèn mở rộng cánh, rung rinh dưới nước. Đàn tôm con
lao vun vút như ruồi. Bác rùa biển khệnh khạng, có hai con cá xanh như đôi bướm đùa
giỡn phía trên mai…”
(Theo M.Gori - ki)
Câu 11
Xác định nội dung giao tiếp của văn bản sau:
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là
làm sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai
cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.” Nguyện vọng đó chi phối mọi ý
nghĩ và hành động trong suốt cuộc đời của Người.
(Trường Chinh)
Câu 12
Xác định nội dung giao tiếp của văn bản sau:
Lời khuyên của bố
“Học quả là khó khăn gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và
niềm phấn khởi. Con hãy nghĩ đến những người thợ, tối đến trường sau một ngày lao
động vất vả. Cả đến những người lính vừa ở thao trường là ngồi ngay vào bàn đọc
đọc, viết viết. Con hãy nghĩ đến các trẻ em câm điếc mà vẫn thích học.
… Con hãy tưởng tượng mà xem nếu phong trào học tập ấy mà ngừng lại thì nhân loại
sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt trong sự dã man. Bố tin rằng con sẽ luôn cố gắng và
sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.”
(A Mi Xi)
Câu 13
Xác định mục đích giao tiếp của văn bản sau:
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm
sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng
có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.” Nguyện vọng đó chi phối mọi ý nghĩ và
hành động trong suốt cuộc đời của Người.
(Trường Chinh)
Câu 14
17
Xác định mục đích giao tiếp của văn bản sau:
Lời khuyên của bố
“Học quả là khó khăn gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và
niềm phấn khởi. Con hãy nghĩ đến những người thợ, tối đến trường sau một ngày lao
động vất vả. Cả đến những người lính vừa ở thao trường là ngồi ngay vào bàn đọc
đọc, viết viết. Con hãy nghĩ đến các trẻ em câm điếc mà vẫn thích học.
… Con hãy tưởng tượng mà xem nếu phong trào học tập ấy mà ngừng lại thì nhân loại
sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt trong sự dã man. Bố tin rằng con sẽ luôn cố gắng và
sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.”
(A Mi Xi)
Câu 15
Xác định nội dung giao tiếp của văn bản sau:
Tác dụng của sách
“Sách đem đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh,
về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa
học có thể giúp người đọc khám phá ra những vũ trụ vô tận với những quy luật của nó,
hiểu được Trái Đất tròn mang trên mình nó bao nhiêu đất nước khác nhau. Những
quyển sách xã hội học lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất
khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hóa, những truyền thống,
những khát vọng…”
(NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000)
Câu 16
Xác định nội dung giao tiếp của văn bản sau:
Bưởi Phúc Trạch
… “Chẳng mấy ai dùng bưởi cho người ốm ăn, mà thường dùng cam. ấy thế mà
ở Hà Tĩnh, người ta cố mua cho được bưởi Phúc Trạch khi trong nhà có người ốm
đau… Già nua tuổi tác, người mệt mỏi, miệng khô, được ăn múi bưởi Phúc Trạch cảm
thấy tính táo, dễ chịu,… Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thương binh
được ưu tiên dành phần bưởi. Có cô gái vượt núi hàng chục ki – lô - mét chỉ cốt mang
cho được mấy quả bưởi đến một trạm quân y. Các anh bộ đội qua làng, nghỉ chân
dưới gốc đa, mấy bà mẹ gánh nước chè xanh và mang bưởi ra tiếp. Vị ngọt thanh của
bưởi làm tiêu tan nỗi mệt nhọc trên đường hành quân. ”
18
(Võ Văn Trực)
Câu 17
Anh (chị) hãy đặt nhan đề cho văn bản sau (yêu cầu đặt được 3 nhan đề khác
nhau):
“Một con cáo chẳng may bị kẹp đuôi vào bẫy, trong lúc giẫy giụa nó bị cụt cả
đuôi, còn lại có độc một mẩu cuối. Mới đầu nó xấu hổ quá không dám lộ diện trước
những con khác cùng đàn. Nhưng cuối cùng nó quyết ý, đã chẳng may thì đành phải
sượng mặt và triệu tất cả các con cáo khác đến một cuộc họp toàn thể để cùng bàn
một sáng kiến do nó đề xướng. Khi cả đàn tụ họp đông đủ, cáo đề xuất ý kiến là tất cả
đều nên vứt bỏ đuôi đi.
Nó chỉ ra rằng có đuôi quả là bất tiện khi bị kẻ thù, tức là chó, săn đuổi hoặc
khi ngồi trò chuyện nó mới vướng làm sao. Đi lại mà phải mang cái gánh nặng vô tích
sự ấy thật chẳng lợi lộc gì. “Nghe hay đấy”, một con cáo già nói, nhưng tôi cho rằng
nếu như không do tình cờ mà anh bị cụt mất đuôi thì chắc gì anh khuyên chúng tôi bỏ
món đồ trang sức của chính mình.”
(Truyện ngụ ngôn )
Câu 18
Anh (chị) hãy đặt nhan đề cho văn bản sau (yêu cầu đặt được 3 nhan đề khác
nhau):
“Một hôm cáo bị mấy người thợ săn rượt đuổi. Trông thấy bác tiều phu, nó liền
khẩn khoản xin bác che chở. Bác tiều phu bảo cáo vào lều nhà mình để trốn. Chẳng
mấy lúc, toán thợ săn đến hỏi bác tiều phu xem có thấy cáo chạy qua đường này
không. Bác tiều phu nói: “không”, nhưng vừa nói bác vừa chỉ vào chỗ cáo trốn. ấy thế
nhưng những người thợ săn tin lời bác và không mảy may đến nơi cáo trốn. Khi toán
thợ săn đi rồi cáo ta mới mò ra bỏ chạy, không nói một lời. Bác tiều phu trách cáo vì
bác đã che giấu cho cáo ấy thế mà cáo không mảy may có lấy một lời cảm ơn. Cáo
nói: “Giá mà lời nói của ông đi đôi với việc làm và bản chất của ông thì tôi đã phải
cảm ơn ông rồi”.
(Truyện ngụ ngôn)
19
2. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC THÀNH TIẾNG
2.1. Tìm hiểu kĩ năng đọc thành tiếng, xác định kĩ năng đọc một bài tập đọc
cơ bản
2.1.1. Mục đích của việc rèn luyện kĩ năng đọc.
- Đọc là một hoạt động giao tiếp bằng chữ viết, là hành vi tiếp nhận thông tin
qua văn bản. Nhờ hoạt động đọc mà con người chuyển giao cho nhau những thông tin,
hiểu biết, làm giàu thêm tri thức ở mỗi người và thúc đẩy xã hội không ngừng phát
triển.
- Đối với học sinh – đọc là hoạt động học tập.
- Đối với một nhà khoa học – đọc là hoạt động nghiên cứu.
- đối với phát thanh viên, biên tập viên – đọc là một hoạt động quảng bá thông
tin đến hàng triệu công chúng.
- Một người lúc nghỉ ngơi – đọc là một nhu cầu giải trí.
- Đối với giáo viên – đọc nhằm mục đích để học tập, để tham khảo tài liệu, đọc
còn là một hoạt động nghề nghiệp, một công việc thường xuyên diễn ra trong dạy học.
2.1.2. Các hình thức đọc.
Ở bậc Tiểu học, học sinh được rèn luyện kĩ năng đọc thông qua môn Tiếng Việt
với các hình thức luyện đọc như: đánh vần, đọc trơn, đọc đồng thanh, đọc cá nhân, đọc
nhẩm, đọc thầm, đọc hiểu, đọc diễn cảm… căn cứ vào mục đích và phương pháp đọc,
chúng ta có thể chia thành hai hình thức đọc: Đọc thầm và đọc thành tiếng
a. Hình thức đọc thầm
- Là để hiểu và tiếp nhận, khi đọc sử dụng thị giác và hoạt động tư duy của bộ
não để tiếp nhận nd thông tin của văn bản.
- Là một hoạt động hướng nội không chuyển tới người nghe, hình thức này diễn
ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
b. Hình thức đọc thành tiếng
- Người đọc sử dụng thị giác và hoạt động tư duy của bộ não để tiếp nhận văn
bản, đồng thời sử dụng bộ máy phát âm để đọc lên thành tiếng làm cho người nghe có
thể hiểu được nội dung của văn bản thông qua giọng đọc của mình.
- Vừa là hoạt động nhận , vừa là hoạt động phát, người đọc là nhân vật trung gian
giữa tác gỉa với người nghe, là người chuyển tải thông tin từ văn bản đến người nghe.
2.1.3. Kĩ năng đọc thành tiếng
20
a. Kĩ năng đọc đúng chữ cái và âm tiết tiếng Việt
- Đọc phân biệt được sự khác nhau giữa các âm vị phụ âm đầu trong Tiếng việt.
VD: l/n…
- Đọc phân biệt được sự khác nhau giữa các âm vị là nguyên âm giữa vần. VD:
Luá chiêm/ lúa chim, khoa học/ khoa họoc…
- Đọc phân biệt được sự khác nhau giữa các âm vị là âm cuối vần. VD: son sắt/
son sắc.
- Đọc phân biệt được sự khác nhau giữa các thanh điệu. VD: lọ mỡ/ lọ mớ…
b. Kĩ năng biểu cảm thông qua ngữ điệu đọc
- Kĩ năng đọc ngắt giọng: Khi đọc, các chức năng ngữ pháp: dấu chấm, dấu
phẩy, dấu chấm phẩy… được thể hiện bằng ngữ điệu đọc, bằng cách đọc ngắt nhịp
khác nhau tại vị trí các dấu câu tạo nên giá trị biểu cảm đối với người nghe.
VD: “Mùa nước nổi”
Mùa này/ người làng tôi gọi là mùa nước nổi/ không gọi là mùa nước lũ/ vì
nước lên hiền hòa// Nước mỗi ngày một dâng lên// Mưa dầm dề/ mưa sướt mướt ngày
này qua ngày khác//
Rồi đến rằm tháng bảy// “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ”// Dòng sông Cửu
Long đã no đầy/ lại tràn qua bờ// Nước trong ao hồ/ trong đồng ruộng của mùa mưa
hòa lẫn với nước dòng sông Cửu Long//
Đồng ruộng/ vườn tược và cây cỏ như biết giữ lại hạt phù sa ở quanh mình/
nước lại trong dần// Ngồi trong nhà/ ta thấy cả những đàn cá ròng ròng/ từng đàn/ từng
đàn theo cá mẹ xuôi theo dòng nước/ vào tận đồng sâu//
(Theo Nguyễn Quang Sáng - SGK TV lớp 2, tập 2, T 19)
Đối với thơ ca, vần điệu và tiết tấu là một đặc trưng nổi bật làm cho đọc thơ ca
khác với đọc văn xuôi và rất gần với âm nhạc.
VD: “Mùa thu của em”
Mùa thu/ của em
Là vàng/ hoa cúc
Như nghìn /con mắt
Mở nhìn /trời êm//
Mùa thu /của em
21
Là xanh/ cốm mới
Mùi hương /như gợi
Từ màu /lá sen//.
Mùa thu/ của em
Rước đèn/ họp bạn
Hội rằm/ tháng tám
Chị Hằng/ xuống xem.//
Ngôi trường/ thân quen
Bạn/ thầy mong đợi
Lật trang/ vở mới
Em vào/ mùa thu.//
(Quang Huy – SGK TV lớp 3, tập1, T 42)
- Kĩ năng đọc nhấn giọng: trong văn bản có những từ ngữ, những câu có giá trị
ngữ nghĩa nổi bật hơn trong câu, trong đoạn (những từ chủ chốt, câu chủ đề, “nhãn
tự”). Khi đọc cần thể hiện bằng ngữ điệu đọc nhấn giọng hơn (cường độ đọc mạnh
hơn, âm lượng đọc to hơn).
VD: “Người mẹ”
“… Bà đến một hồ lớn. Không có một bóng thuyền. Nước hồ quá sâu. Nhưng bà
nhất định vượt qua hồ để tìm con. Hồ bảo:
- Tôi sẽ giúp bà, nhưng bà phải cho tôi đôi mắt. Hãy khóc đi, cho đến khi đôi mắt
rơi xuống!
Bà mẹ khóc, nước mắt tuôi rơi lã chã, đến nỗi đôi mắt theo dòng lệ rơi xuống hồ,
hóa thành hai hòn ngọc. Thế là bà được đưa đến nơi ở lạnh lẽo của Thần Chết.”
(An – Đéc - Xen)
Trong thơ ca, từ ngữ được đọc nhấn giọng hơn chính là “nhãn tự” của thơ (đó là
những từ ngữ hay, có giá trị biểu cảm)
VD:
“…Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
22
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
(Huy Cận)
- Kĩ năng điều chỉnh âm lượng và tốc độ đọc: âm lượng đọc cần đủ nghe, không
quá to, không quá nhỏ, nếu không phù hợp sẽ làm cho người nghe khó theo dõi hoặc
gây tâm lí mệt mỏi. Người đọc phải biết điều chỉnh giọng đọc của mình phù hợp các
tình huống giao tiếp khác nhau. Tốc độ đọc: không đọc quá nhanh, không quá chậm,
phải phù hợp với nội dung cụ thể của văn bản.
VD: “Chiếc lá”
Chim sâu hỏi chiếc lá:
- Lá ơi! Hãy kể cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
- Bình thường lắm, chẳng có gi đáng kể đâu.
- Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn
bạn?
- Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn
dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.
- Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi
sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ
tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày chưa?
- Chưa. Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời, tôi chỉ
là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.
- Thế thì chán thật! bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa
chuyện.
- Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường
như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà
bạn vừa nói đến.
(Theo Trần Hoài Dương, SGK 4 tập 2, T 98)
- Kĩ năng thay đổi ngữ điệu đọc: Mỗi loại câu có những đặc điểm ngữ nghĩa và
ngữ pháp khác nhau, được sử dụng các dấu câu khác nhau và ngữ điệu đọc cũng khác
nhau. Câu kể được đọc với ngữ điệu kể (cao độ và cường độ của giọng đọc không biến
đổi, âm lượng đọc vừa phải), câu hỏi được đọc với ngữ điệu hỏi (lên cao giọng ở cuối
câu và đọc nhấn giọng ở các từ để hỏi), câu cầu khiến được đọc với ngữ điệu cầu khiến
23
(đọc nhấn giọng ở những từ ngữ để yêu cầu đòi hỏi), câu cảm thán được đọc với ngữ
điệu cảm thán (đọc nhấn giọng ở các từ mang sắc thái cảm thán).
VD: “Mầm non”
Dưới vỏ một cành bàng
Còn một vài lá đỏ
Một mầm non nho nhỏ
Còn nằm ép lặng im.
Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá
Thấy mây bay hối hả
Thấy lất phất mưa phùn
Rào rào trận lá tuôn
Rải vàng đầy mặt đất
Rừng cây trông thưa thớt
Như chỉ cội với cành…
Một chú thỏ phóng nhanh
Chẹn nấp vào bụi vắng
Và tất cả im ắng
Từ ngọn cỏ, làn rêu…
Chợt một tiếng chim kêu:
- Chiếp, chiu, chiu! Xuân tới!
Tức thì trăn ngọn suối
Nổi róc rách reo mừng
Tức thì ngàn chim muông
Nổi hát ca vang dậy….
Mầm non vừa nghe thấy
Vội bật chiếc vỏ rơi
Nó đứng dậy giữa trời
Khoác áo màu xanh biếc.
24
Võ Quảng
c. Kĩ năng biểu cảm thông qua các yếu tố ngoài ngôn ngữ (nét mặt ánh mắt, cử
chỉ, điệu bộ…): Bên cạnh việc đọc đúng, đọc hay còn phải có các kĩ năng biểu cảm
ngoài ngôn ngữ trong khi đọc. Các yếu tố này đi kèm với ngữ điệu đọc sẽ tác động cả
vào thính giác và thị giác của người nghe.
VD: “Cuộc họp của chữ viết”
Vừa tan học, các chữ cái và dấu câu đã ngồi lại họp. Bác chữ A dõng dạc mở
đầu:
- Thưa các bạn! Hôm nay, chúng ta họp để tìm cách giúp đỡ em Hoàng. Hoàng
hoàn toàn không biết chấm câu. Có đoạn văn em viết thế này: “Chú lính bước vào đầu
chú. Đội chiếc mũ sắt dưới chân. Đi đôi giày da trên trán lấm tấm mồ hôi.”
Có tiếng xì xào:
- Thế nghĩa là gì nhỉ?
- Nghĩa là thế này: “Chú lính bước vào. Đầu chú đội chiếc mũ sắt. Dưới chân đi
đôi giày da. Trên trán lấm tấm mồ hôi.”
Tiếng cười rộ lên. Dấu Chấm nói:
- Theo tôi, tất cả là do cậu này chẳng bao giờ để ý đến dấu câu. Mỏi tay chỗ nào,
cậu ta chấm chỗ ấy.
Cả mấy dấu câu đều lắc đầu:
- Ẩu thế nhỉ!
Bác chữ A đề nghi:
- Từ nay, mỗi khi em Hoàng định chấm câu, anh Dấu Chấm cần yêu cầu Hoàng
đọc lại câu văn một lần nữa đã. Được không nào?
(Theo Trần Ninh Hồ - SGK TV lớp 3, tập 1, T44)
d. Kĩ năng đọc các loại thể văn bản khác nhau: Mỗi văn bản có những đặc trưng
riêng về nội dung và cấu trúc văn bản, việc đọc mỗi văn bản vì thế cũng có những đặc
điểm riêng: thơ ca có vần điệu, truyện có cốt truyện, nhân vật, văn nghị luận có luận
đề, luận điểm…