Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Bước đầu tìm hiểu về cấu trúc thời gian trong truyện ngắn nam cao từ góc độ tu từ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (219.55 KB, 7 trang )

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ CẤU TRÚC THỜI GIAN TRONG
TRUYỆN NGẮN NAM CAO TỪ GÓC ĐỘ TU TỪ
Lê Kim Nhung
1


Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa, thời gian là yếu tố hư cấu đầu tiên trong tác
phẩm tự sự. Ở bài viết này, chúng tôi vận dụng cơ sở lí thuyết của các nhà nghiên cứu
ngôn ngữ học để khảo sát và bước đầu nêu ra những nhận xét về cách thức cũng như
hiệu quả sử dụng các dạng cấu trúc thời gian trong truyện ngắn Nam Cao

1. Mở đầu
Truyện là một thể loại văn học thuộc loại tự sự. Hai thành phần chủ yếu cấu tạo nên tác phẩm
truyện là cốt truyện và nhân vật. Truyện thừa nhận vai trò rộng rãi của hư cấu và tưởng tượng. Để tiếp cận
một tác phẩm tự sự nói chung, truyện ngắn nói riêng, chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề cấu
trúc thời gian, một trong những yếu tố hư cấu đầu tiên của tác phẩm tự sự. Trong phạm vi bài viết này,
chúng tôi vận dụng cơ sở lí thuyết của tác giả Nguyễn Thái Hòa và Đỗ Hữu Châu để tìm hiểu cấu trúc
thời gian trong truyện ngắn Nam Cao. Hi vọng những nhận xét bước đầu của chúng tôi sẽ góp thêm tiếng
nói khẳng định những cơ sở lí thuyết của phong cách học văn bản và những đóng góp nghệ thuật của
Nam Cao, một nhà văn được đánh giá là có những thành công trong việc đổi mới ngôn ngữ của văn xuôi
nghệ thuật trước Cách mạng tháng Tám.
2. Nội dung
Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa: “Truyện thuộc loại hình nghệ thuật thời gian và thời gian trong
truyện là thời gian trong thời gian.” Tác giả đã phân chia cấu trúc thời gian của truyện thành ba loại: Thời
gian của chuyện, thời gian của truyện và thời gian kể chuyện.
2.1. Thời gian của chuyện
Thời gian của chuyện được tác giả Đỗ Hữu Châu gọi là thời gian lịch sử. Đây là thời gian của
chuỗi các sự kiện, diễn tiến các sự kiện và là trật tự niên biểu của các sự kiện hình thành nên truyện.
Người kể (hay người viết) truyện hình dung ra nhân vật, sự kiện đồng thời cũng đóng khung thời thời
gian của nhân vật và sự kiện trong khung thời gian đó. Người đọc (hay người nghe) khi tiếp nhận một
truyện nào đó dù thời gian xáo trộn đến mấy cũng phải lập lại khung thời gian này, trên cơ sở đó đối


chiếu với thời gian của truyện để phân tích giá trị tác phẩm. Như vậy, thời gian của chuyện đã tạo ra sự
thống nhất chung trong cảm thức của người viết và người đọc, có giá trị như một hàm ẩn và là cơ sở để
đối chiếu khi phân tích tác phẩm. Truyện Chí Phèo được bắt đầu bằng khoảng thời gian Chí đi tù về:
“Hắn vừa đi vừa chửi…”, nhưng khi kể chuyện người kể phải đưa truyện về thời gian lịch sử mà câu
chuyện xảy ra, đó là thời gian trước Cách mạng tháng Tám và sắp xếp lại thời gian của cuộc đời nhân vật

1
Trường ĐHSP Hà Nội 2
Chí Phèo bắt đầu từ khi hắn sinh ra ở lò gạch hoang đến khi hắn đâm chết Bá Kiến và chính mình. Đặc
điểm lịch sử xã hội Việt Nam thời kì trước Cách mạng tháng Tám là cơ sở để hiểu và phân tích tác phẩm.
2.2. Thời gian của truyện
Tác giả Đỗ Hữu Châu gọi là thời gian tự sự. Thời gian tự sự là cách bố trí thời gian lịch sử theo
cấu trúc thời gian mà tác giả định ra. Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa, đây là “nhân tố hư cấu đầu tiên
trong truyện xuất hiện đồng thời với các sự kiện, nhân vật … để dựng thành truyện”. Thời gian tự sự có
thể trùng hoặc không trùng với thời gian lịch sử. Thời gian tự sự thể hiện ở hai dạng: thời gian đẳng tuyến
(trùng với thời gian lịch sử) và thời gian đảo tuyến (không trùng thời gian lịch sử). Chúng tôi đi sâu phân
tích kiểu thời gian này trong truyện ngắn Nam Cao để chứng minh giá trị nghệ thuật của các loại cấu trúc
thời gian trong tác phẩm tự sự. Qua khảo sát hơn 40 truyện ngắn của Nam Cao, chúng tôi phân chia thời
gian tự sự thành các dạng như sau:
2.2.1. Thời gian đơn tuyến
Truyện kể chỉ có một tuyến thời gian của nhân vật chính. người kể dấu mình đi, chỉ có nhân vật
và hành động xuất hiện.
2.2.1.1. Thời gian đơn tuyến đẳng tuyến
Mỗi thời điểm trong chuyện trùng với một thời điểm trong truyện. Người viết không xáo chộn,
không phân chia lại thời gian. Sự kiện này nối tiếp sự kiện kia theo mạch thời gian hoặc theo quan hệ
nhân - quả. Tiêu biểu là các truyện ngắn: Con mèo, Nghèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Rình trộm,
Xem bói, Mua danh… Cấu trúc thời gian này thường gây cảm giác đơn giản, nhàm chán . Nhưng với
Nam Cao, ông khắc phục bằng cách tạo tình huốnghấp dẫn và nghệ thuật dẫn truyện.
Nam Cao viết nhiều về cái đói, cái nghèo truyền kiếp của nông dân Việt Nam trước cách mạng
tháng Tám. Truyện ngắn “Nghèo” kể lại một câu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn và

truyện cũng chỉ vẻn vẹn có năm trang, nhưng nó để lại một ân tượng sâu sắc trong độc giả bởi giá trị nhân
văn sâu sắc. Có thể tóm tắt truyện như sau: Vào một buổi sáng, tại gia đình chị Đĩ Chuột - một gia đình
nông dân nghèo khốn cùng, chồng ốm đau, không có tiền mua thuốc, các con đói khát, nhếch nhác - chị
nấu cháo cám cho chồng và con ăn. Nhưng họ không thể nuốt trôi vì cháo quá đắng và chát. Anh Đĩ
Chuột nghĩ đến cảnh đói nghèo và bệnh tật cùng quẫn, anh treo cổ tự tử trong khi ở ngoài vợ con anh
đang khóc lóc, van nài với chủ nợ để cố giữ lấy mẻ gạo vừa đong. Câu chuyện ngắn gọn nhưng có tầm cỡ
của “một bi kịch lớn” (Phong Lê - Lời giới thiệu tuyển tập Nam Cao). Cái chết của anh Đĩ Chuột là cái
chết khó tránh khỏi của những người nông dân trước cách mạng. Đó là thân phận con người cũng là bản
chất của một xã hội có sự phân chia giai cấp. Truyện khép lại nhưng để lại trong lòng người đọc bao nỗi
ngậm ngùi, chua sót về một kiếp người.
2.2.1.2. Thời gian đơn tuyến đảo tuyến:
Các thời điểm trong truyện xáo chộn hoặc đảo ngược so với thời gian lịch sử ở từng thời điểm
hoặc cả tác phẩm. Thời gian đảo tuyến tạo được sự hấp dẫn bởi sự phong phú của con người và cảnh vật.
Mỗi lần đảo tuyến lại tạo ra được một không gian mới, tình huống mới, bất ngờ, thú vị. Người đọc khó
đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Chúng tôi thống kê được 23/42 truyện ngắn của Nam Cao
viết theo kiểu cấu trúc này. Tiêu biểu là các tác phẩm: Một đám cưới, Đời thừa, Giăng sáng, Chí Phèo,
Điếu văn, Tư cách mõ…Truyện ngắn Tư cách mõ đảo tuyến theo quan hệ nguyên nhân - hệ quả. Hệ quả
là sự tha hóa của nhân cách con người mà nguyên nhân được diễn tả bằng nhiều chi tiết trong một quãng
thời gian dài. Lộ là một người lành như đất. Cờ bạc không, rượu chè không, ăn ở phân minh, kẻ trên
người dưới, làng xóm láng giềng ai cũng quý mến. Thế mà bỗng chốc bị biến thành “thằng mõ”, cũng ti
tiện, cũng tham lam như bất kì thằng mõ thực sự nào. Đây là một hệ quả mà nguyên nhân sâu xa của nó là
sự xấu xa, đồi bại của xã hội phong kiến. Cu Lộ nhận ra một điều là: “không thể vừa làm người lương
thiện vừa sống no đủ”. Sống trong xã hội ấy, nhu cầu tồn tại còn lớn hơn nhu cầu giữ gìn danh dự. Lộ đã
lựa chọn con đường tha hóa, tự đánh mất đi nhân cách của chính mình để tồn tại. Nguyên nhân của cách
lựa chọn ấy được tác giả giải thích ngắn gọn ở cuối tác phẩm: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh trọng của chúng
ta có ảnh hưởng tới nhân cách của người khác nhiều lắm, nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì
không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách để khiến con người sinh ra đê tiện.” Tác giả đã nêu
một nguyên nhân để giải thích cho một hệ quả. Chính lòng “khinh” của con người đã làm anh cu Lộ tha
hóa biến chất. Khi miếng ăn là mối quan tâm số một thì họ đâu còn biết đến sự khinh - trọng của những
người xung quanh. Câu chuyện để lại trong lòng độc giả nỗi đau về nhân cách con người. Giá trị tố cáo,

phê phán cũng được thể hiện từ đó.
Đảo tuyến theo trục đồng hiện (hồi tưởng) cũng là một dạng cấu trúc thời gian được Nam Cao sử
dụng thành công. Thời gian đảo tuyến đồng hiện là cách nhà văn cho thấy cái hôm qua, cái ngày mai
trong ngày hôm nay. Nói cách khác, đây là cách san phẳng thời gian theo bình diện không gian làm cho
quá khứ, hiện tại, tương lai đồng hiện cùng một lúc. Trong nhiều tác phẩm của mình, Nam Cao sử dụng
hồi tưởng như một yếu tố của cấu trúc thời gian. Trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao, hồi tưởng hiện
ra tự nhiên, ngỡ như vô tình nhưng lại có giá trị biểu hiện sâu sắc, thậm chí ngay cả khi nhà văn chủ tâm
đi vào thế giới hồi tưởng của nhân vật. Hồi tưởng không tồn tại độc lập mà nó nằm trong mối quan hệ
thường xuyên, chặt chẽ với các kiểu cấu trúc khác. Truyện ngắn “Dì Hảo” là một tác phẩm tiêu biểu. Các
kiểu cấu trúc thời gian: hiện tại, quá khứ, tương lai đồng hiện để làm nổi bật bi kịch của một kiếp người.
Cuộc đời khổ cực của dì Hảo hiện lên qua hồi tưởng của đứa cháu, vào “một buổi chiều sương bay”. Dì
Hảo sinh ra trong một gia đình nghèo, dì Hảo phải làm con nuôi rồi đi ở cho một gia đình khá giả. Lớn
lên lấy phải người chồng rượu chè, cờ bạc, chỉ quen ăn chơi. Khi dì Hảo đau ốm, không còn sức kiếm tiền
nuôi chồng thì hắn bỏ dì và dẫn một người đàn bà khác về làm vợ. Dì Hảo phải sống cảnh con ở với bà vợ
hai độc ác, chua ngoa của chồng. Quá khứ, hiện tại và tương lai là chuỗi ngày ê chề nhục nhã và đau khổ.
Dì Hảo khổ bởi vì dì không biết sống cho thật “ác”, thật “tàn nhẫn”. Hình ảnh “Dì Hảo chẳng nói gì. Dì
nghiến răng thật chặt cho khỏi bật ra tiếng khóc ” ám ảnh, day dứt. Tác phẩm khép lại nhưng để lại một
nỗi buồn mênh mang trong lòng người đọc.
2.2.2. Thời gian đa tuyến
Thời gian đa tuyến thể hiện trong các tác phẩm có nhiều nhân vật, mỗi nhân vật xuất hiện trong
từng thời điểm khác nhau, có thể trùng tọa độ hoặc không trùng. Trong truyện ngắn của Nam Cao, chúng
ta gặp các dạng thể hiện cụ thể như sau:
2.2.2.1. Thời gian đa tuyến nối tiếp
Các tuyến thời gian gắn liền với cuộc đời của các nhân vật và tồn tại nối tiếp theo lối tương đồng
hoặc tương phản để làm bật lên tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Truyện Nửa đêm là một ví dụ tiêu biểu.
Tuyến nhân vật thứ nhất là Trương Rự. Quá trình tha hóa của Trương Rự không được tác giả tái hiện lại
nhưng người đọc có thể hình dung qua cuộc đời của Năm Thọ, Chí Phèo. Trương Rự hiện ra khi đã là một
“Thiên Lôi đâm lòi bụng vợ”. Hắn hành động man rợ như loài cầm thú. Tuyến nhân vật thứ hai nối tiếp là
Đức, con của Thiên Lôi. Đức ra đời khi cha đã chết, mẹ bỏ theo trai. Đức mồ côi cha và mất mẹ. Đức
khác hẳn cha về tâm hồn và tính cách: “nó hiền như đất “ và “lớn lên như một mầm cây mạnh”. Lớn lên

,Đức làm vườn, làm ruộng - cái nghề hiền lành của tổ tiên. Thế nhưng vì quá khứ tội lỗi của người cha
mà Đức bị người đời khinh bỉ tới mức không lấy được vợ. Đức sống “co rúm mình lại” và bị “cô lập”
trước đồng loại. Hắn yêu Nhi, nhưng những định kiến của xã hội buộc Nhi phải bỏ hắn mà đi. Cũng như
Chí Phèo, Đức muốn sống lương thiện nhưng xã hội buộc hắn lại trở thành một Thiên lôi chính hiệu như
chính người cha của hắn. Hai câu chuyện nối tiếp nhau về cuộc đời của hai cha con đã tố cáo cái quy luật
tàn bạo trong xã hội phong kiến: con đường tha hóa của những người nông dân. Đồng thời gửi đến độc
giả một thông điệp nhân đạo: hãy cứu lấy nhân phẩm con người bằng lòng độ lượng và vị tha, hãy cho họ
một con đường sống khi họ muốn sống lương thiện.
2.2.2.2. Thời gian đa tuyến xen kẽ
Các tuyến thời gian của các nhân vật đan xen vào nhau, lồng vào nhau tạo ra sự hỗ trợ và bổ sung
cho nhau. Truyện ngắn Chí Phèo là ví dụ tiêu biểu. Mở đầu truyện là cảnh “Chí vừa đi vừa chửi” và kết
thúc là cảnh Chi đâm chết Bá Kiến và giết luôn chính mình, tất cả chỉ diễn ra trong một ngày. Đó là thời
gian của chuyện. Xen kẽ trong khoảng thời gian hiện tại đó là thời gian hồi tưởng đảo tuyến với thời gian
của các tuyến nhân vật khác nhau xen kẽ như Bá Kiến, Năm Thọ. Binh Chức, Thị Nở…Các tuyến thời
gian tồn tại đan xen và quan hệ mật thiết với thời gian của cuộc đời Chí Phèo, góp phần giải thich nguyên
nhân quá trình tha hóa của Chí. Truyện Chí Phèo là một truyện ngắn nhưng có tầm cỡ một tiểu thuyết là
nhờ cách cấu trúc thời gian theo kiểu đa tuyến xen kẽ.
2.2.2.3. Thời gian đa tuyến song song
Truyện ngắn Sao lại thế này là một dẫn chứng tiêu biểu. Trong truyện luôn tồn tại hai tuyến nhân
vật song song, đó là Hiệp và người vợ cũ của y. Bà Phú Hưng trước đây là một cô gái quê thô kệch, xấu
xí, lại có tật xấu “chúa đời là hay ăn vụng”. Cô gái sống trong cảnh nghèo triền miên, lại chịu sự ghẻ lạnh
của gia đình nhà chồng và đặc biệt là sự khinh bỉ đến miệt thị của chồng. Vì vậy, cô càng trở nên xấu xa,
đần độn và ti tiện: “đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng một bát”, “xúc một chai cơm mới chương đổ
vào miệng”. Bị chồng ghẻ lạnh, người đàn bà phải bỏ nhà ra đi. May mắn, cô gặp một người đàn ông tử tế
lấy làm vợ. Nhờ vậy, cô trở thành người phụ nữ lịch thiệp, quý phái.
Song song với nhân vật này là diễn biến thời gian trong cuộc đời của nhân vật Hiệp, một trí thức
tiểu tư sản, cũng là người chồng cũ của bà Hưng Phú bây giờ. Hiệp chê vợ xấu xí, nhà quê nên chưa một
lần nói chuyện cùng. Hiệp nhìn vợ với con mắt khinh bỉ, ghê tởm bởi “Hắn chưa bao giờ phải đói. Hắn
chưa bao giờ thèm cơm”. Hắn không biết rằng mẹ hắn, vợ hắn đã phải nhịn ăn lấy tiền cho hắn học. Hắn
sung sướng nên không biết hết nỗi khổ của vợ. Hắn “lấy làm may lắm” khi vợ bỏ đi và không bao giờ

nghĩ là mình đã có một người vợ khốn khổ. Và khi gặp lại, hắn ngỡ ngàng vì không thể ngờ được rằng
người vợ xấu xí, bần tiện trước kia nay lại là người phụ nữ quý phái, sang trọng hiển hiện ngay trước mắt
hắn. Cuộc hội ngộ bất ngờ, kịch tính thể hiện quan điểm nhân sinh của tác giả. Phê phán thái độ sống của
Hiệp, đại diện cho một bộ phận trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ cũng chính là cảm thông bênh vực đối với
những con người dưới đáy của xã hội. Phát hiện và tin tưởng vào bản chất hướng thiện của con người
chính là yếu tố tạo ra giá trị nhân đạo cho tác phẩm.
2.3. Thời gian kể chuyện
Thời gian kể chuyện được tác giả Đỗ Hữu Châu gọi là thời gian phát ngôn. Thời gian kể là thời
gian được định lượng rõ ràng. Thời gian kể chuyện bao giờ cũng là thời gian hiện tại và thường được thể
hiện ở ngay phần đầu câu chuyện. Ví dụ truyện Chí Phèo chọn thời gian kể là lúc Chí vừa ra tù: “hắn vừa
đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi” để bắt đầu truyện, còn truyện Điếu văn được bắt
đầu từ lúc” Thế là xong. Anh ấy chết rồi đấy nhỉ”… Thời gian kể có tác dụng làm cho câu chuyện như
đang diễn ra trước mắt và có giá trị hiện thực cao. Người kể thường đứng ở thời gian phát ngôn để xử lí
thời gian lịch sử và thời gian tự sự. Chính vì vậy, việc chọn thời gian kể chuyện thể hiện điểm nhìn nghệ
thuật của tác giả. Theo tác giả Nguyễn Thái Hòa: “Điểm nhìn ở đây không phải là lập trường chính trị xã
hội mà là tọa độ thời gian được lựa chọn cho hành động kể chuyện, phát triển nội dung, sắp xếp, bố cục
hư cấu thành truyện.”
2.3.1. Đối với những truyện được kể theo ngôi kể thứ ba
Kể theo ngôi kể thứ ba tức là người kể giấu mình đi, gọi nhân vật bằng tên và kể “như người ta
kể”, điểm nhìn của người kể mang tính bao quát toàn bộ tác phẩm theo chủ quan của tác giả Các truyện
ngắn: Lang Rận, Chí Phèo, Một đám cưới, Một bữa no, Bài học quét nhà …được Nam Cao viết theo ngôi
kể này. Truyện ngắn Một bữa no là một ví dụ tiêu biểu. Câu chuyện vẫn xoay quanh chuyện miếng ăn,
vẫn là cái đói quơ, đói quắt của người nông dân. Nhưng bà lão ở đây lại không chết vì đói mà lại chết vì
no, một kiểu chết nhục nhã của đói. Người kể đứng ở ngôi thứ ba để quan sát và kể lại câu chuyện, vì vậy
diễn biến của truyện tự nhiên khách quan như chính hiện thực cuộc sống. Vai trò của ngôi kể được thể
hiện ở chỗ đã chọn được thời điểm để tạo tình huống truyện. Đó là bữa ăn quá no của bà lão. Vì quá đói,
bà lão tìm đến nơi người cháu đang làm công để ăn chực một bữa. Cái dạ dày chịu đói đã lâu không còn
sức để co bóp nữa, thế là bà thượng thổ, hạ tả rồi bà chết vì no. Qua điểm nhìn của người kể, tác giả bày
tỏ sự cảm thông, thương cảm, xót xa đối với những con người bị cái đói hủy hoại nhân phẩm. Nhưng
trong quá trình vận động của truyện, người kể để mỗi nhân vật có một điểm nhìn khác nhau để thể hiện

quan điểm, thái độ của mình. Với bà lão, nạn nhân của cái đói, thì bà nghĩ: đã đi ăn chực thì còn gì là xấu
hổ, cứ ăn thật no. Người cháu thương bà nhưng cũng giận bà. Bà Phó Thụ tỏ ra coi thường, khinh miệt,
bà lấy hành động của bà lão để dọa dẫm, dạy dỗ tôi tớ trong nhà: “Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến
đâu cũng không chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào.”Câu nói của bà Phó
Thụ cũng là câu kết của tác phẩm. Đứng ở ngôi kể thứ ba, người kể để các nhân vật tự bộc lộ quan điểm,
cách nhìn của mình, từ đó bộc lộ bản chất của từng nhân vật. Câu chuyện được xem xét ở nhiều góc độ
khác nhau nhưng bao quát lên tất cả vẫn là điểm nhìn của người kể chuyện. Câu chuyện là tiếng chuông
cảnh tỉnh, một lời nhắc nhở: một bữa ăn có thể giết chết nhân cách con người.
2.3.2. Đối với những truyện được kể theo ngôi kể thứ nhất
Kể theo ngôi kẻ thứ nhất, người kể xưng “tôi”. Ngôi kể “tôi” có thể là một nhân vật trong truyện,
là tác giả và cũng có thể là một nhân vật tự sự hư cấu nào đó. Dù là đối tượng nào, ngôi kể “tôi” đều
đứng ở vị trí người trong cuộc, người chứng kiến để kể lại truyện. Vì vậy câu chuyện trở nên thật hơn. Và
người kể có thể thể hiện điểm nhìn, thái độ của mình cụ thể đối với từng chi tiết của truyện. Trong truyện
ngắn Nam Cao, ngôi kể thứ nhất rất đa dạng, không lặp lại. Truyện Dì Hảo là đứa cháu kể về người dì của
mình, truyện Đui mù là người chồng kể vè người vợ và truyện Lão Hạc là ông giáo nghèo kể về một lão
nông hàng xóm gần gũi, có cùng hoàn cảnh sống và đặc biệt cùng quan điểm sống “Đói cho sạch, rách
cho thơm”.
Trong truyện Lão Hạc, người kể bộc lộ quan điểm, thái độ một cách trực tiếp qua những đoạn
triết lí, suy ngẫm của chính mình. Người kể đã tạo được ba điểm nhìn tương ứng với ba thời điểm khác
nhau của truyện.
Thứ nhất: Điểm nhìn đối với việc lão Hạc day dứt, đắn đo không muốn bán con chó. Đây là một
cái nhìn cảm thông những chưa hẳn đã hiểu tất cả. Ông giáo chỉ biết con chó là kỉ vật của người con để
lại, nó gắn liền với nỗi đau vì đám cưới không thành để rồi người con phải phẫn chí bỏ đi mà không biết
rằng đó còn là hi vọng về một đám cưới trong tương lai mà lão Hạc dự định cho con người con trai duy
nhất của mình.
Thứ hai: Điểm nhìn đối với việc lão Hạc đau khổ vì đã chót lừa bán con chó , ông sang nhà ông
giáo để nhờ một vài việc và việc lão Hạc nhờ Binh Tư xin bả chó. Ở điểm nhìn này, tác giả để ba nhân
vật trong truyện bày tỏ cách đánh giá của mình. Ông giáo là người gần gũi, cảm thông với lão Hạc thì xót
xa: “Hỡi ôi Lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng thì lão cũng có thể làm liều như ai hết”. Vợ ông giáo, một
người nghèo khổ bị miếng cơm manh áo ghì sát đất, thì cho đó là người dở hơi:” Cho lão chết! Ai bảo có

tiền mà chịu khổ, lão làm lão khổ chứ ai làm khổ lão”. Binh Tư, một tên trộm cắp, thì nhìn với con mắt
của một người chuyên nghĩ và làm việc bất lương: “Lão làm bộ đấy. Thật ra lão chỉ tầm ngầm nhưng
cũng ra phết chứ chả vừa đâu”. Qua điểm nhìn của ba nhân vật khác nhau, tác giả đã tạo được cái nhìn
nhiều chiều, đa diện với nhân vật trung tâm. Cũng từ đó làm cho tình huống truyện trở nên kịch tính và
hấp dẫn hơn.
Thứ ba: Điểm nhìn đối với cái chết của lão Hạc. Đoạn độc thoại nôi tâm của nhân vật “tôi” chan
chứa tình người, day dứt, ân hận và đau đớn: “Không! Cuộc đồi chưa hẳn đã đáng buồn hay vẫn đáng
buồn nhưng lại buồn theo một nghĩa khác”. Cái chết đau đớn của lão Hạc đã giúp ông giáo hiểu rõ, hiểu
đúng về bản chất của lão, nó giải tỏa mọi băn khoăn, thắc mắc, mọi sự hiểu lầm trước đây. Cũng từ điểm
nhìn này mà thông qua nhân vật “ tôi”, tác giả thể hiện được toàn bộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Chọn thời gian kể truyện và những điểm nhìn khác nhau, Nam Cao đã giúp người đọc tiếp cận,
nhìn nhận vấn đề đa dạng, nhiều chiều và từ đó tạo ra được sự hấp dẫn cũng như chiều sâu giá trị hiện
thực cho tác phẩm.
3. Kết luận
Có thể coi cấu trúc thời gian trong truyện ngắn của Nam Cao là một sự sáng tạo nghệ thuật nhằm
phục vụ cho việc thể hiện nội dung tư tưởng và mục đích sáng tác của ông. Từ những chuyện nhỏ nhặt,
vặt vãnh đời thường, bằng việc hư cấu thời gian, ông đã nâng lên thành chuyện của cả một thời đại. Việc
sắp xếp, đảo đổi và hư cấu các tuyến thời gian trong truyện đã giúp Nam Cao lách sâu từng tí, từng tí mũi
dao của mình để mổ xẻ, phân tích và vạch trần tất cả những ung nhọt xấu xa trong xã hội thực dân, phong
kiến. Đó cũng là cách để ông bày tỏ sự cảm thông, bênh vực đối với những người lao động cùng khổ
trong xã hội. Do quan tâm truyền đạt những biến thiên của tâm lí, tâm trạng nên Nam Cao đã tạo được
cấu trúc thời gian phức điệu, bao gồm cả thời gian đơn tuyến và đa tuyến, thậm chí cả những sự đan xen
vào nhau của các loại cấu trúc thời gian. Có thể coi đây là sự đóng góp của Nam Cao vào việc sáng tạo và
phát triển ngôn ngữ văn xuôi những năm đầu thế kỉ XX. Cũng chính vì vậy mà tác phẩm của ông dường
như không cũ đi so với thời gian, ông đã có được những tác phẩm đạt tới mức cổ điển trong văn xuôi
nghệ thuật.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thái Hòa, Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, H. 2000.
2. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1999.
3. Đinh Trọng Lạc, Phong cách học văn bản, Nxb Giáo dục, H.1994.
4. Phong Lê, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học, H. 1987.
5. Bùi Văn Tiếng, Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn hóa, H.1997.

Initial learning about the structure of time in Nam Cao's short story
from the perspective of rhetoric
Le Kim Nhung

Abstract
According to author Nguyen Thai Hoa, time is the first element of fiction in the Narration
articles. In this paper, we apply the theoretical basis of linguistic researchers to investigate and initially set
out the reviews on the way as well as the efficient use of time structure in the form of Nam Cao’ short
stories

×