Tải bản đầy đủ (.doc) (95 trang)

Luận văn: Tín ngưỡng Thờ Mẫu ở tỉnh Thái Bình hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (927.31 KB, 95 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐẶNG THỊ YẾN
TÝn ngìng thê MÉu
ë tØnh Th¸i B×nh hiÖn nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60.22.03.01
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Thường
HÀ NỘI, 2014
MỤC LỤC
ĐẶNG THỊ YẾN 1
HÀ NỘI, 2014 1
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 86
PHỤ LỤC………………………
……………………………………………………………90
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là một đất nước có đặc điểm riêng về địa lý, dân cư, lịch sử,
văn hóa…đây là những điều kiện hình thành nhiều tín ngưỡng, tôn giáo độc
đáo mà các nước trên thế giới không có được. Bên cạnh các hình thức tôn
giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… hay tôn giáo
nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo thì hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại những
hình thức tín ngưỡng nguyên thủy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
hay tín ngưỡng dân gian của người Kinh như tín ngưỡng thờ thần, thờ tổ
tiên, thờ thành hoàng, thờ Mẫu…Trong đó thờ Mẫu là một trong những
loại hình tín ngưỡng đặc trưng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh
thần người Việt.
Nếu như Phật giáo khuyên răn con người sống từ bi, bác ái… để sau


khi chết sẽ hưởng cuộc sống tốt đẹp ở cõi Niết Bàn… hay nhiều tôn giáo
khác cũng luôn hướng con người đến cuộc sống không có thực, thì tín
ngưỡng thờ Mẫu lại hướng con người đến cuộc sống thực tại, với những
ước vọng về công danh, sự nghiệp, tiền lộc, sức khỏe, hạnh phúc…những
điều mà ai cũng cần phải quan tâm đến. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc
từ tín ngưỡng thờ Nữ thần, hình thành từ việc tôn thờ người phụ nữ trên
cơ sở truyền thống của người Việt Nam coi trọng vai trò người phụ nữ
trong gia đình và xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phản ánh rõ nét đặc
trưng của văn hóa dân gian Việt Nam trong việc đề cao vai trò người phụ
nữ.
Thái Bình là vùng đất nằm ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, là cái nôi của
nền văn minh sông Hồng. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Thái Bình là tín
ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ lâu đời. Khảo sát cho thấy Thái Bình có
hơn hai trăm nơi thờ tự Mẫu, thờ Mẫu thần như thờ Mẫu mẹ Đông Nhung
tướng quân Vũ Thị Thục Nương ở đền Tiên La, thờ bà Man Thiện- thân
3
mẫu Hai Bà Trưng, thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung… Những năm
gần đây, tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ xâm nhập vào tục thờ Mẫu tạo
nên những yếu tố đặc sắc riêng của tỉnh Thái Bình.
Hiện nay, cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng Bắc bộ khác, Thái Bình đang
trên đà phát triển kinh tế và đã đạt được những thành tựu đáng kể về đời
sống vật chất và tinh thần, trình độ dân trí được nâng cao. Tuy nhiên, tín
ngưỡng thờ Mẫu không hề bị quên lãng trong nền kinh tế thị trường,
ngược lại nó còn được quan tâm, trỗi dậy hơn bao giờ hết vì đáp ứng được
phần nào đó nhu cầu tâm linh tinh thần của người dân… Đồng thời, một số
phần tử xấu đã lợi dụng lĩnh vực nhạy cảm này để lòe bịp, kích động nhân
dân với nhiều mục đích khác nhau, gây nên tâm trạng lo lắng, hoang mang,
hoài nghi cuộc sống thực tại, thiếu niềm tin vào chế độ xã hội…
Cùng với sự phát triển kinh tế, tỉnh Thái Bình đã chú trọng đưa ra
nhiều đề án kế hoạch phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn ngắn và dài hạn,

phấn đấu đến năm 2020 đưa ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành mũi
nhọn của tỉnh. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch là: Du lịch lễ hội- tín
ngưỡng, du lịch biển, du lịch tìm hiểu các giá trị lịch sử- văn hóa…Đặc biệt
là quan tâm đến khai thác và phát triển tiềm năng du lịch văn hóa và du
lịch tâm linh, trong đó không thể thiếu tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trong xu thế toàn cầu hóa, thương mại hóa của nền kinh tế, sinh hoạt
tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình càng diễn ra nhộn nhịp, đa dạng. Tuy
nhiên, có thể nói tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa được chú trọng nghiên cứu,
tìm hiểu, phụng dựng đúng mức. Các cơ quan, ban ngành của tỉnh chưa có
chiến lược, chính sách cụ thể để giữ gìn và khai thác giá trị của tín ngưỡng
này ở Thái Bình. Do đó, phát huy ảnh hưởng tích cực, loại bỏ ảnh hưởng
tiêu cực của tín ngưỡng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội là một
việc làm cần thiết cho sự bứt phá đi lên của tỉnh nhà.
Xuất phát từ những lí do trên, tác giả lựa chọn đề tài: “ Tín ngưỡng
thờ Mẫu ở tỉnh Thái Bình hiện nay” để làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ triết
học của mình.
4
2. Lịch sử nghiên cứu
Cho đến nay vấn đề tín ngưỡng bản địa của Việt Nam nói chung và tín
ngưỡng thờ Mẫu nói riêng đã được một số tác giả nghiên cứu dưới nhiều
góc độ, khía cạnh với mục đích và phương pháp khác nhau. Các học giả như
giáo sư Ngô Đức Thịnh, Đặng Văn Lung, Nguyễn Đăng Duy, Đỗ Thị Hảo,
Mai Ngọc Trúc, Nguyễn Đình San… đã công bố các công trình về tín ngưỡng
thờ Mẫu gắn với đời sống văn hóa, lịch sử, tôn giáo.
Trước hết, có thể kể đến các tác giả và tác phẩm nghiên cứu về văn
hóa, tôn giáo, tín ngưỡng nói chung như: Toan Ánh (1991), Nếp cũ tín
ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, Nxb TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Minh San
(1998) Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội;
Nguyễn Đăng Duy (2001) Các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam,
Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội; Ngô Đức Thịnh (2001) Tín ngưỡng và văn

hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội; GS. VS. TSKH
Trần Ngọc Thêm (1999) cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục; Đặng
Nghiêm Vạn (2002) Về tôn giáo tín ngưỡng hiện nay, Nxb Thanh niên;
Đặng Văn Lung (2004) Văn hóa thánh Mẫu, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.
Các công trình này được coi là các tác phẩm lớn, nghiên cứu một cách cơ
bản và tương đối toàn diện về sự hình thành và phát triển, các nghi lễ thờ
cúng đặc biệt là nghi lễ hầu đồng, lịch sử, nhân thân của một số Thánh
Mẫu, làm rõ một số khía cạnh của tín ngưỡng nói chung ở Việt Nam.
Riêng về loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu có một số công trình nghiên
cứu đáng chú ý như: Ngô Đức Thịnh (1996) Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 1,
Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Phạm Minh Thảo, Trần Thị An, Bùi Xuân
Mỹ (1997), Thành hoàng Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội; Vũ Ngọc
Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà (2002), Nữ thần và Thánh mẫu Việt
Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Ngoài ra, rải rác trên các tạp chí và báo có một số bài viết của các tác
giả như: Nguyễn Quốc Phần “Góp bàn về tín ngưỡng dân gian và mê tín dị
5
đoan” Tạp chí văn học Nghệ thuật số 11, 1998; Đinh Gia Khánh “ Tục thờ
Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam” Tạp chí Văn hóa
số 5, 1996; Đặng Văn Lung với bài “ Thử tìm hiểu cách xây dựng hình
tượng Mẫu Liễu” Tạp chí văn học số 5, 1992. Ngoài ra còn có các bài tham
luận tại hội thảo quốc tế “ Tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội Phủ Dày” tổ chức
năm 2001 tại Hà Nội, in trong kỉ yếu dưới tiêu đề: “ Đạo Mẫu và các hình
thức Shaman trong các tộc người Việt Nam và Châu Á”, Nxb khoa học và xã
hội, Hà Nội, 2004. Các bài báo, tạp chí góp phần bàn thêm về tín ngưỡng
thờ Mẫu, dần đưa nghi lễ tín ngưỡng thành tài sản văn hóa phi vật thể của
thế giới.
Tại Thái Bình, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đang là đề tài thu hút sự chú
ý của nhiều học giả. Những năm gần đây, được sự quan tâm và chỉ đạo của
Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa tỉnh Thái Bình đã thường xuyên tổ chức

các hội thảo về đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu như: thờ Mẫu đền Tiên La xã
Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; thờ Mẫu đền Đồng Bằng huyện Quỳnh Phụ;
thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung… Và đã xuất bản cuốn kỉ yếu khoa
học ‘‘Nữ thần và Thánh Mẫu Thái Bình”năm 2005.
Về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái, tác giả Trần Thiên Ngọc có cuốn “Mẫu
thiêng Đông Nhung tướng quân và văn hóa du lịch danh thắng đền Tiên La
hiện nay”(2003), Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao Thái Bình; Nguyễn
Thanh, Lễ hội truyền thống ở Thái Bình (2000), Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội; Phạm Minh Đức, Bùi Duy Lan, Nữ thần và Thánh mẫu Thái Bình
(2005), Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao Thái Bình; Nguyễn Thị Tô Hoài
“Tín ngưỡng thờ Mẫu đền Đồng Bằng và việc bảo tồn bản sắc văn hóa địa
phương trong bối cảnh hội nhập” (2005), kỉ yếu khoa học, Nxb Sở Văn hóa
Thông tin và Thể thao Thái Bình. Ngoài ra còn một số bài viết trên báo tỉnh
Thái Bình như: Lê Hoàng Tiến với bài” Đền Mẫu Song An, Vũ Thư, Thái
Bình”; Nguyễn Hải Dũng với bài “Thờ bà Man Thiện- thân Mẫu Hai Bà
Trưng”…Nhìn chung, các công trình này mới chỉ bước đầu nghiên cứu về
6
tín ngưỡng thờ Mẫu ở địa phương dưới góc độ văn hóa tín ngưỡng mà
chưa bàn sâu về phương diện triết học của vấn đề. Về phương diện này, có
thể nói hiện chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào. Vì vậy, tôi chọn
vấn đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình hiện nay” với hướng nghiên cứu
chủ yếu là những khía cạnh triết học và thực trạng của sinh hoạt tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình để làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
3.1 Mục đích nghiên cứu
Từ việc nghiên cứu tư tưởng triết học của tín ngưỡng thờ Mẫu, luận
văn tiến tới khảo sát thực trạng sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình
và đề xuất kiến nghị nhằm phát huy những giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu ở
Thái Bình.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được những mục đích trên, luận văn cần thực hiện những
nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tìm hiểu về khái niệm tín ngưỡng, tín ngưỡng thờ Mẫu, khái quát
tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình
- Phân tích làm rõ tư tưởng triết học qua quan niệm về vũ trụ, về
nhân sinh trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình
- Nêu lên thực trạng của sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình,
từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm định hướng đúng đắn cho sinh hoạt
văn hóa đặc sắc này.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu tư tưởng triết học và sinh hoạt tín ngưỡng trong tín
ngưỡng thờ Mẫu.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh Thái Bình
hiện nay.
5. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Đề tài này lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử là cơ sở lý luận chung. Ngoài ra, đề tài còn sử dụng nhiều phương pháp
nghiên cứu khác như:
7
- Phương pháp so sánh đối chiếu, để làm rõ nét đặc sắc của tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình so với các tín ngưỡng bản địa khác ở Việt
Nam
- Phương pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp lôgic, lịch sử
6. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của tác giả
- Bước đầu tìm hiểu, nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình
dưới góc độ triết học.

- Khái quát thực trạng hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái
Bình hiện nay.
- Đề xuất một số kiến nghị nhằm định hướng đúng đắn cho hoạt
động của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội
dung của luận văn được chia làm 2 chương 6 tiết
Chương 1: NHỮNG KHÍA CẠNH TRIẾT HỌC TRONG TÍN NGƯỠNG
THỜ MẪU Ở TỈNH THÁI BÌNH
1.1Khái niệm tín ngưỡng, tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ thờ
Mẫu ở Thái Bình hiện nay
1.1.1. Khái niệm tín ngưỡng và tín ngưỡng thờ Mẫu
1.1.1.1 Khái niệm tín ngưỡng
Có nhiều cách tiếp cận khái niệm tín ngưỡng tùy thuộc vào góc độ
nghiên cứu cũng như mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khi
nghiên cứu tín ngưỡng, đa phần các tác giả thường gắn nó với khái niệm
tôn giáo. Có ý kiến khác lại cho rằng, tín ngưỡng là một cấp độ phát triển
thấp của tôn giáo, là giai đoạn tiền tôn giáo.
Trong Hán- Việt từ điển, Đào Duy Anh đã giải nghĩa: “Tín ngưỡng là
8
lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hay một chủ nghĩa” [1;238].
Ngô Đức Thịnh đưa ra quan điểm rõ ràng hơn: “ Tín ngưỡng được
hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng cao cả, siêu nhiên,
hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào cái thiêng liêng, đối lập với cái
trần tục, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm
tin, nhưng ở đây là niềm tin của tín ngưỡng là niềm tin vào cái thiêng liêng.
Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất của con người, nó là nhân
tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống đời sống vật
chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống, tình cảm…” [40;16].
Nguyễn Duy Hinh trong “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam” cho

rằng: “Dùng thuật ngữ tín ngưỡng ở đây để chỉ một tình cảm tôn giáo chưa
được thể chế hoá cao độ, và có thể hiểu là một hình thái thấp hơn tôn giáo,
hiểu theo nghĩa tôn giáo đã thể chế hoá, như các tôn giáo lớn hay các tôn
giáo nhân tạo như Ăng ghen nói”[15;335]. Cũng trong công trình này,
Nguyễn Duy Hinh nhận xét: “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam xét về
phân loại thì thuộc tôn giáo tự nhiên, bởi vì nó giải quyết mối quan hệ giữa
con người Việt Nam với tự nhiên. Nhưng về thời đại thì tín ngưỡng Thành
Hoàng đã vượt ra ngoài phạm vi xã hội nguyên thuỷ.”[15;334].
Nguyễn Minh San trong cuốn “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã” (NXB Văn
hoá dân tộc, Hà Nội, 1998) cho rằng: “Tín ngưỡng là một biểu hiện của ý
thức, về một hiện tượng thiêng liêng, một sức mạnh thiêng liêng do con
người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho một hiện tượng
một sức mạnh chỉ cảm thụ mà chưa nhận thức được. Tín ngưỡng là một
sản phẩm văn hoá của con người được hình thanh tự phát trong mối quan
hệ giữa con người với chính mình, với người khác và với giới tự nhiên”
[34;7].
Giáo sư Trần Ngọc Thêm lại xem xét tín ngưỡng trong quan hệ với văn hóa
tổ chức đời sống cá nhân: “Tổ chức đời sống cá nhân là tổ chức thứ hai của văn
9
hóa cộng đồng. Đời sống mỗi cá nhân trong cộng đồng được tổ chức theo tập
tục, được lan truyền từ đời này truyền sang đời khác (phong tục). Khi đời sống
và trình độ hiểu biết còn thấp, họ tin và ngưỡng mộ vào thần thánh do họ tự
tưởng tượng ra (tín ngưỡng). Tín ngưỡng cũng là một hình thức tổ chức đời
sống cá nhân rất quan trọng. Từ tự phát lên tự giác theo con đường quy phạm
hóa thành giáo lý, có giáo chủ, thánh đường… Tín ngưỡng trở thành tôn giáo”
[38;262]
Trần Đăng Sinh trong cuốn Những khía cạnh triết học trong tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay lại
phân tích khái niệm tín ngưỡng trên cơ sở năm đặc trưng:
1. Xem xét tín ngưỡng gắn với đời sống tinh thần nói chung.

2. Xem xét tín ngưỡng như là kết quả của sự hình thành và phát triển
các quan hệ xã hội, có tác động trở lại các quan hệ của nó.
3. Xem xét tín ngưỡng như là phương thức biểu hiện niềm tin của con
người vào cái thiêng liêng, biểu hiện sự bất lực của họ trước sức mạnh
thống trị của lực lượng siêu nhiên và xã hội.
4. Xem xét tín ngưỡng như là một hiện tượng lịch sử- văn hóa có quy
luật hình thành và vận động biến đổi riêng.
5. Xem xét tín ngưỡng như là một bộ phận của ý thức xã hội quan hệ
với tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, triết học, lịch sử, nghệ thuật, khoa học. Sự
tổng hợp, đan xen của năm đặc trưng trên tạo thành lát cắt bởi điểm giao
nhau nói lên đặc trưng chung nhất của tín ngưỡng”.
Trong pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Chương I, điều 3 quy định như
sau: “ Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng
niệm và tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần
thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân
gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã
hội”[6;10]
Theo quan điểm của triết học Mácxit, tôn giáo và tín ngưỡng không
phải là những khái niệm đồng nhất. Mặc dù chúng đều thuộc một hình thái
10
ý thức xã hội nhưng giữa chúng vẫn có sự khác biệt cơ bản. Triết học Mác-
Lênin đưa ra quan niệm: tín ngưỡng là sản phẩm của lịch sử xã hội, thể
hiện niềm tin của con người vào một lực lượng siêu nhiên nào đó có khả
năng “cứu vớt” con người khỏi những bất công và bế tắc trong cuộc sống.
Tín ngưỡng theo cách hiểu thông thường là tín ngưỡng tôn giáo, nhưng xét
về bản chất và nguồn gốc, tín ngưỡng và tôn giáo vừa có những nét tương
đồng nhưng vẫn có những điểm khác biệt.
* Về sự tương đồng giữa tôn giáo và tín ngưỡng
Một là, những người có tôn giáo (Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin
lành,…) và có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,

tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu,…) đều tin vào những
điều mà các tôn giáo và loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy, mặc dù họ
không hề được trông thấy Chúa Trời, đức Phật hay cụ kỵ tổ tiên hiện hình
ra bằng xương bằng thịt và cũng không được nghe bằng chính giọng nói
của các đấng linh thiêng đó.
Sự giống nhau thứ hai giữa tôn giáo và tín ngưỡng là những tín điều của
tôn giáo và tín ngưỡng đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các cá
thể với nhau, giữa cá thể với xã hội, với cộng đồng, giải quyết các mối quan hệ
trong gia đình trên cơ sở giáo lý tôn giáo và noi theo tấm gương sáng của
những đấng bậc được tôn thờ trong các tôn giáo, các loại hình tín ngưỡng đó.
* Về sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng
Một là, nếu tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành là giáo chủ, giáo lý,
giáo luật và tín đồ thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó.
Hai là, nếu đối với một tín đồ tôn giáo, ở một thời điểm cụ thể, chỉ có
thể có một tôn giáo thì một người dân có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều
tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn, người đàn ông vừa có tín ngưỡng thờ
cụ kỵ tổ tiên, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng tháng, ông ta còn
ra đình lễ Thánh. Cũng tương tự như vậy, một người đàn bà vừa có tín
11
ngưỡng thờ ông bà cha mẹ, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng
tháng còn ra miếu, ra chùa làm lễ Mẫu.
Ba là, nếu các tôn giáo đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ thì các
loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ thành
hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ tổ tiên và thờ Mẫu). Hệ thống kinh
điển của tôn giáo rất đồ sộ như những bộ kinh, luật, luận của Phật giáo; “Kinh
thánh” và “Giáo luật” của đạo Công giáo; Kinh “ Cô ran” của Hồi giáo… Còn
các cuốn “Gia phả” của các dòng họ và những bài hát chầu văn mà những
người cung văn hát trong các miếu thờ Mẫu không phải là kinh điển.
Bốn là, nếu các tôn giáo đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và
theo nghề suốt đời, thì trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian không có ai

làm việc này một cách chuyên nghiệp cả. Các tăng sĩ Phật giáo và các giáo
sĩ đạo Công giáo đều là những người làm việc chuyên nghiệp và hành đạo
suốt đời (có thể có một vài ngoại lệ, nhưng số này chiếm tỷ lệ rất ít).
Như vậy, sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo có thể hiểu là sự
khác nhau giữa cái chung và cái riêng, giữa cái phổ biến và cái không phổ
biến. Tín ngưỡng thường được coi là trình độ phát triển thấp hơn so với
tôn giáo. Tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian. Khi nói đến tín ngưỡng
người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc
có một số đặc điểm chung còn tôn giáo thì thường là không mang tính dân
gian. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn
giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát
triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo. Ngoài ra, khi
nghiên cứu về tín ngưỡng và tôn giáo cũng cần phải lưu ý rõ sự khác biệt
giữa chúng với khái niệm “mê tín” và “mê tín dị đoan”.
Mê tín được hiểu là lòng tin mê muội, viển vông, cuồng nhiệt không
dựa trên cơ sở khoa học và lẽ phải thông thường. Mê tín gây ra hậu quả
xấu đối với con người và xã hội. Mê tín đến mức cuồng tín mê muội, không
12
còn lý trí, suy đoán tuỳ tiện, tin vào những điều không có trong thực tế thì
trở thành mê tín dị đoan.
Mê tín và mê tín dị đoan là những hiện tượng phản khoa học, phản
văn hoá. Trong thực tế các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo, mê tín, mê tín
dị đoan thường tồn tại đan xen lẫn nhau, phản ánh hư ảo hiện thực cuộc
sống. Vì thế, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể để loại trừ những
hiện tượng mê tín, mê tín dị đoan đang len lỏi vào trong đời sống xã hội.
Từ những lược khảo về các khái niệm hay quan điểm về tín ngưỡng đã
có trong lịch sử các chuyên ngành khoa học khác nhau, có thể đúc kết rằng,
tín ngưỡng mang những nét đặc trưng như: Tín ngưỡng gắn liền với đời
sống tinh thần của con người, được sinh ra từ hiện thực xã hội và phản ánh
hiện thực xã hội ấy, là sự thể hiện niềm tin của con người vào các đấng siêu

nhiên, tín ngưỡng mang tính lịch sử xã hội, có mối quan hệ đan xen với các
hình thái ý thức xã hội khác như: tôn giáo, triết học, lịch sử, văn hoá …
Vậy có thể quan niệm tín ngưỡng như sau: Tín ngưỡng là một bộ phận
của ý thức xã hội, là một yếu tố thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là hệ quả
của các quan hệ xã hội, được hình thành bởi quá trình lịch sử- văn hóa, là
sự biểu hiện niềm tin dưới dạng tâm lý xã hội vào cái thiêng liêng thông
qua hệ thống lễ nghi thờ cúng của con người và cộng đồng người trong xã
hội.
1.1.1.2 Khái niệm tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian của dân tộc
Việt Nam, được hình thành từ ngàn đời xưa, ăn sâu vào tiềm thức của dân
tộc và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hoá Việt
Nam. Đã có một số công trình nghiên cứu đề cập tới tín ngưỡng thờ Mẫu.
Kết quả nghiên cứu tuy chưa được coi là hoàn thiện, nhưng bước đầu có
thể nêu ra một số nhận thức cơ bản sau đây về khái niệm tín ngưỡng thờ
Mẫu.
13
Mẫu là một từ gốc Hán Việt được hiểu là Mẹ, hay Mụ, Mạ, Mế, dùng để
chỉ người phụ nữ nói chung, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng
những đứa con nên người. Ngoài ra, Mẫu còn được hiểu theo nghĩa rộng
hơn đó là sự tôn vinh, tôn xưng một nhân vật nữ nào đó (có thật hoặc
không có thật) như: Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Nghi Thiên hạ…
Thậm chí, Mẫu cũng dùng để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hóa không ngừng
của vạn vật.
Khi cần tìm kiếm một biểu tượng cho quê hương, xứ sở nhân dân ta
cũng tìm đến hình ảnh các Bà Mẹ, các Nữ Thần. Vị Nữ Thần được nhân dân
ta suy tôn Quốc Mẫu đó là Mẹ Âu Cơ. Ngoài ra, còn có những vị thần sáng
tạo ra các giá trị văn hoá của dân tộc như Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa…
Trong quan niệm của người Việt thì Mẹ đầu tiên nuôi sống và che chở
cho con người là Mẹ Cây. Từ xa xưa, khi con người còn sinh sống trong

rừng xanh, hang hẻm, hình ảnh đầu tiên mà con người tôn thờ là Mẫu
Thượng Ngàn, Mẫu Sơn Lâm. Cũng chính từ sự tôn thờ đó mà trong dân
gian xuất hiện nhiều truyện kể, truyền thuyết ly kỳ về Mẫu Thượng Ngàn.
Cho đến ngày nay nhân dân ta vẫn tôn thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, hình
ảnh của bà còn đọng mãi trong ký ức dân gian cùng với các vị Nữ thần
khác.
Khi mở rộng địa bàn cư trú xuống đồng bằng, người che chở cho
dân là Mẹ nước, thế nên ý thức về Mẫu Thoải dần dần được hình thành.
“Thực chất nhân vật Mẫu Thoải là sự ngưng kết, chắt lọc của tín ngường
thờ thần nước trong lòng xã hội cũ, khi mà nền kinh tế nông nghiệp còn
lạc hậu, còn triền miên, dai dẳng” [16;108].
Cuộc sống sinh sôi và nhu cầu của con người ngày càng nhiều thì con
người không chỉ trú ngụ ở sông núi mà còn phải khai phá đất đai để sinh
sống. Lúc này hình ảnh Mẹ Đất được hình thành với sự tôn vinh là Mẫu Địa
cùng với Mẫu thoải, Mẫu Thượng Ngàn phù hộ cho cuộc sống bình an, mưa
14
thuận, gió hoà của con người: “Trông trời, trông đất, trông mưa”.
Cho đến thế kỷ XVI, tín ngưỡng thờ Mẫu được làm phong phú hơn với
hình tượng công chúa Liễu Hạnh được tôn là Thánh Mẫu. Khác với Mẫu
Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa đều có nguồn gốc từ tự nhiên thì Mẫu
Liễu là hình tượng con người trần thế hội tụ đầy đủ các yếu tố và đức tính
quý báu của người phụ nữ Việt Nam như: yêu chồng, thương con, có trách
nhiệm với gia đình, ghét cái ác, yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ, tài
hoa, khéo léo… Chính vì thế người Việt tôn vinh Liễu Hạnh là Tiên, là
Thánh, là một trong tứ bất tử của mình. Mặc dù Mẫu Liễu xuất hiện muộn
hơn cả nhưng lại mau chóng trở thành vị thần được tôn vinh hơn hết của
dân tộc Việt Nam.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt còn tôn thờ những người
mẹ, những phụ nữ có tài, có đức, có công lao trong lich sử đấu tranh dựng
nước và giữ nước của dân tộc như: Hai Bà Trưng, Thái Hậu Dương Vân

Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Bà Chúa Kho, Bà hàng nước ở bến Rừng (Quảng
Ninh), Bà bán Dầu ở Lam Sơn (Thanh Hoá)…
Có thể thấy rằng, Mẫu là nữ thần nhưng không phải tất cả Nữ thần
đều là Mẫu mà chỉ một số Nữ thần được tôn vinh mới là Mẫu mà thôi. Việc
thờ Nữ thần nói chung và thờ Mẫu nói riêng không phải là một hiện tượng
đơn lẻ. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hình thức điển hình của
tục thờ Nữ thần còn tồn tại cho tới ngày nay ở Việt Nam. Lớp thờ Nữ thần
mang tính phổ quát rộng rãi phù hợp với xã hội nông nghiệp và vai trò của
người phụ nữ trong xã hội. Lớp Mẫu thần phát triển trên nền tảng của thờ
Nữ thần, thường gắn với tính chất quốc gia như thờ các Vương Mẫu,
Thánh Mẫu, Quốc Mẫu. Về cơ bản lớp Nữ thần và Mẫu thần đều mang tính
bản địa, nội sinh. Ngoài ra trong tín ngưỡng thờ Mẫu còn có lớp thờ Mẫu
Tam phủ, Tứ phủ có thể được xem là sự phát triển, hoàn thiện của loại hình
tín ngưỡng thờ Mẫu, hình thành trên cơ sở lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần và
15
Mẫu thần, đồng thời kết hợp và tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo
Trung Hoa.
Như vậy, có thể hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng
dân gian được tích hợp các loại tín ngưỡng thờ Nữ Thần, thờ Mẫu thần, thờ
Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu, đấng
sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của vũ trụ, đất nước và con
người.
1.1.2. Khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình hiện nay
1.1.2.1. Điều kiện kinh tế- xã hội tỉnh Thái Bình
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp có diện tích đất tự nhiên là 1546 km2,
chiếm 0,5% diện tích đất đai của cả nước. Phía Đông giáp Vịnh Bắc bộ, phía
Tây và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hải
Dương, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. Thái Bình là một tỉnh ven biển
nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là hành lang cận kề với
tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng

Ninh), là cửa ngõ thông thương giữa Hải Phòng, Quảng Ninh, nối dài tới
các tỉnh duyên hải suốt dọc đất nước. Toàn tỉnh được bao bọc bởi hệ thống
sông biển khép kín. Bờ biển Thái Bình chạy dài trên 50 km, là môi trường
thuận lợi để phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch. Có 4 sông lớn chảy
qua địa phận của tỉnh: phía Bắc và Đông Bắc là sông Hoá, phía Bắc và Tây
Bắc là sông Luộc, phía Tây và Nam là hạ lưu của sông Hồng và sông Trà Lý
với 5 cửa sông lớn Văn Úc, Diêm Điền, Ba Lạt, Trà Lý, Lân [52].
Đơn vị hành chính của tỉnh gồm thành phố Thái Bình và tám huyện:
Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải, Vũ Thư
với 286 xã, phường, thị trấn và một thành phố. Với quy mô dân số tính đến
thời điểm hiện tại khoảng 1.945.276 người, mật độ dân số trung bình
khoảng 1.250 người/km2 (cao hơn nhiều so với các tỉnh trong cả nước), tỷ
lệ sinh khoảng 1,3%. Đây cũng là tỉnh có mật độ dân cư cao nhất so với các
tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong đó có gần 90,1% dân số sống ở
16
nông thôn. Người Việt (người Kinh) sinh sống là chủ yếu, các dân tộc khác
chỉ có khoảng trên dưới 100 người [52].
Thái Bình là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống anh hùng,
đóng góp nhiều thành tích và chiến công trong lịch sử dựng nước và giữ
nước. Nhân dân Thái Bình giàu truyền thống yêu nước. Trong hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân luôn tin theo Đảng, tích cực chiến
đấu, lao động, góp phần tô thắm thêm những trang lịch sử hào hùng của
dân tộc.
Là tỉnh thuần nông, kinh tế Thái Bình chậm phát triển so với các tỉnh
lân cận. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 70% nhưng năng suất và
hiệu quả chưa cao. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đang phát
triển nhưng chưa mạnh mẽ. Thu nhập bình quân/đầu người còn thấp, đời
sống và sản xuất của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi cả nước
thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, đời

sống nông thôn Thái Bình cũng đã có nhiều khởi sắc, gặt hái được nhiều
thành tựu.
Thái Bình là cái nôi của người Việt cổ, là vùng đồng bằng nên con
người cư trú rất lâu đời, dựa trên nền nông nghiệp lúa nước, sống thành
từng làng xã, cùng đoàn kết chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch
họa. Chính vì vậy, người dân Thái Bình có nhiều đức tính tốt đẹp như: cần
cù, chịu thương chịu khó, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong chiến
đấu, yêu nước đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái. Không những biết
làm nông nghiệp, họ còn sáng tạo ra các nghề khác như dệt vải, đan lát, đúc
đồng…
Thái Bình còn là vùng văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo và đa dạng
với sự góp mặt của đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên, tín ngưỡng dân gian đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu.
17
1.2.2.2 Một số Mẫu thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình
Mẫu thần thực sự là sự suy tôn đặc biệt đối với nữ thần trong hệ thống
“bách thần” lên hàng đầu. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thái Bình trước hết thờ các
Mẫu thần là nhân thần, những người có công lao đóng góp trong quá trình
dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là Mẫu Tiên La thờ Hai Bà Trưng và
tướng Đông Nhung Vũ Thị Thục Nương; Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung
thời nhà Trần; Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao ở triều đại Lê; Bảo Hoa công chúa

*Mẫu Tiên La Vũ Thị Thục Nương
Thục Nương không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn
giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, bà đính hôn với
Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Chân. Vào thời đó, nước ta là thuộc
địa của phong kiến phương Bắc. Biết Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn,
Tô Định cho bắt phụ thân và chồng chưa cưới để ép phải nhường Thục
Nương cho hắn. Vì cự tuyệt, cha Thục Nương và Phạm Danh Hương đã bị
hại. Thục Nương tìm cách chạy trốn tới hương Đa Cương, vào chùa Tiên La

nương thân cửa Phật. Nợ nước thù nhà, Thục Nương chiêu tập binh mã,
dựng cờ khởi nghĩa mang bốn chữ vàng “Bát Nạn tướng quân” lập đàn tế
trời dấy binh chống lại bọn xâm lược. Nghĩa quân do Bà chỉ huy ngày càng
lớn mạnh và làm tổn thất rất nhiều quân thù. Hay tin Hai Bà Trưng khởi
nghĩa tại Hát Môn, Thục Nương đem quân hợp sức với quân của Hai Bà
Trưng và được phong chiếu “Đông Nhung Đại Tướng Quân”. Cuộc khởi
nghĩa của dân tộc ta do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã giành toàn thắng vào
mùa xuân năm 40. Bát Nạn tướng quân được thưởng 1000 quan tiền và
làng Tiên La - căn cứ của nghĩa quân được coi là đất thang mộc, nhân dân
trong làng được xoá tô thuế.
Bị thất bại nặng nề, nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang đánh nước
ta, đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tướng quân Bát Nạn đã cùng
18
nghĩa quân hương Đa Cương sát cánh cùng quân của Hai Bà Trưng đánh
giặc. Thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui dần Cuối năm 43, cuộc
kháng chiến chống xâm lược của Hai Bà Trưng thất bại, Hai Bà Trưng đã
anh dũng hy sinh để giữ vẹn toàn khánh tiết. Bát Nạn và nghĩa quân Đa
Cương phải về Tiên La cố thủ. Quân Hán vây ép, cuối cùng căn cứ Tiên La bị
phá. Trong trận chiến đấu cuối cùng, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ của
mình đã anh dũng hy sinh ở gò Kim Quy vào ngày 17-3-43. Nhân dân ta vô
cùng thương tiếc Bát Nạn tướng quân và những dũng tướng trung thành
của Bà, đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất Bà đã anh dũng hy sinh để đời
đời tưởng nhớ công đức.
Trải qua bao tháng năm thăng trầm lịch sử, tuy có bị ảnh hưởng bởi
chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết song đền Tiên La được nhà nước và
nhân dân bảo tồn, tôn tạo mỗi ngày thêm nguy nga, lộng lẫy - là điểm đến
lý tưởng của đông đảo du khách. Hàng năm cứ vào dịp trung tuần tháng 3
âm lịch, UBND huyện Hưng Hà, UBND xã Đoan Hùng và nhân dân địa
phương lại mở lễ hội đền Tiên La để tưởng nhớ công ơn Bà.
*Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung

Trần Thị Dung (?-1259) tên tục là Trần Thị Ngừ, con gái Trần Lý, là
dòng họ có thế lực ở vùng đất Lưu Gia, Hải Ấp lúc bấy giờ (nay là xã Lưu
Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trần Thị Dung chào đời khi triều Lý
đang đi vào con đường suy sụp, bấy giờ vua Lý là Lý Cao Tông (1175-1210)
sa vào lối sống sa đọa, không chăm lo việc triều chính, quần thần hãm hại
nhau. Thái tử nhà Lý là Lý Hạo Sảm phần buồn rầu, phần lo sợ chốn nội
cung nên bỏ kinh thành ra ngoài, khi đến vùng Lưu Gia, say mê nhan sắc
của cô gái Trần Thị Dung, nên đã cưới làm vợ (năm 1209).
Cuối năm 1210, Thái tử Sảm lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Lý Huệ
Tông (1210-1224), bà Trần Thị Dung được mời về cung nhưng cuộc đời
của bà hoàng hậu cuối cùng của dòng họ Lý cũng không ít phen lận đận.
19
Thoạt đầu cuộc hôn nhân của bà với Thái tử Lý Hạo Sảm không được triều
Lý chấp nhận vì cho rằng Thái tử Lý Hạo Sảm cưới bà khi đang chạy loạn.
Tuy nhiên vì có đức hạnh bà được nhà vua ưu ái sắc phong Nguyên Phi
(bậc cao nhất trong hàng thứ hai của vợ vua, sau Hoàng hậu). Năm 1213,
vì có chút nghi ngờ đối với người anh trai của bà là Trần Tự Khánh nên vua
Lý Huệ Tông đã giáng bà xuống hàng Ngự Nữ (bậc thấp nhất trong các thứ
bậc của vợ vua). Đầu năm 1216, bà được phong làm Thuận Trinh Phu
Nhân và cuối năm ấy được sắc phong làm Hoàng hậu. Tuy nhiên do sự dèm
pha của đám quan thần nên bà bị Thái hậu ghét bỏ.
Hoàng hậu triều Lý Trần Thị Dung sinh hạ hai công chúa. Trưởng
công chúa là Thuận Thiên, sinh năm Bính Tý (1216), sau gả cho Trần Liễu
(thân sinh của Trần Hưng Đạo) và công chúa thứ hai là Chiêu Thánh, sinh
năm Mậu Dần (1218), sau kết hôn với Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu). Vì
Lý Huệ Tông không có con trai lại mắc bệnh điên nên Chiêu Thánh được
truyền ngôi lấy niên hiệu là Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), sau đó nhường
ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Cuộc chuyển giao nền thống trị giữa hai triều
đại Lý và Trần diễn ra trong không khí hòa bình, công lao đó không thể
không có đóng góp của bà Trần Thị Dung. Kể từ đó, nhà Trần được lập và

cũng là quá trình bà Trần Thị Dung trong vai trò Quốc mẫu dù không được
phong tước hiệu, không được xướng tên đăng đàn, nhưng đã luôn tìm cách
tạo điều kiện cho họ Trần phát triển thế lực. Ngay cả khi bị giáng xuống làm
Thiên Cực công chúa và gả cho Thái sư Trần Thủ Độ, bà vẫn một lòng hy
sinh cho sự hưng thịnh của dòng tộc họ Trần. Chính sự khiêm nhường và
lòng trung thành không chút so bì của bà mà vua Trần Thái Tông (1226-
1258) đã ban cho bà rất nhiều đặc ân.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm Mậu Ngọ
(1258), trước thế giặc mạnh, chủ trương của triều đình nhà Trần là tạm thời
rút khởi thành Thăng Long, thực hiện vườn không nhà trống nhằm tiêu hao
20
sinh lực địch rồi sau đó tổ chức đánh úp. Cuộc rút lui khỏi thành Thăng Long
gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp bởi ngoài lực lượng quân đội còn có
hoàng tộc, thân nhân quan lại. Nhận thấy năng lực và lòng trách nhiệm của
phu nhân Thái sư Trần Thị Dung, triều đình đã ủy thác cho bà toàn bộ trọng
trách bảo đảm an toàn cho hoàng gia và tích trữ hậu cần cho quân đội trong
cuộc rút lui. Trước khi quân ta rút khỏi Thăng Long, bà đã đôn đốc công việc
chuẩn bị tích trữ lương thực, vận chuyển về vùng hậu phương an tòan. Dưới
sự chỉ huy của bà, các thuyền bè lánh nạn có thu giấu binh khí đều bị khám xét
và tịch thu để dùng vào việc quân. Ngày mười ba tháng chạp năm Đinh Tỵ
(1257), khi quân nhà Trần cho phá cầu Phủ Lỗ (nay thuộc địa bàn huyện
Đông Anh, Hà Nội), bày trận ở bên sông chặn giặc Mông Cổ thì Linh Từ quốc
mẫu Trần Thị Dung chỉ huy hoàng gia lặng lẽ, trật tự tản cư khỏi kinh thành
Thăng Long. Quân Mông Cổ vào kinh thành nhưng Thăng Long là một trận
địa vườn không nhà trống: không người, không lương thực. Ngày 24 tháng
Chạp, quân dân nhà Trần mở trận đánh úp ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng,
khoảng phía trên cầu Long Biên, Hà Nội), đang trong tình thế quẫn bách tiến
thoái lưỡng nan và cũng không kịp trở tay, quân Mông Cổ đành rút chạy về
nước. Thành Thăng Long được giải phóng sau 9 ngày bị giặc chiếm đóng.
Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258) của quân

dân nhà Trần thắng lợi lớn, chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ
tướng hậu cần Trần Thị Dung.
Không chỉ là nữ tướng giỏi trong việc nước mà trong gia tộc họ Trần,
bà Trần Thị Dung còn là một phụ nữ rất có uy tín và có sức thuyết phục. Khi
An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với em trai mình là vua Trần Thái
Tông, bà Trần Thị Dung với tư cách là người cô của vua đã đứng ra dàn
xếp cuộc hòa giải. Nhờ đó, tình nghĩa huynh đệ được giữ vững, sự đoàn kết
trong nội bộ gia tộc được thắt chặt hơn và trên hết là sức mạnh của hàng
ngũ lãnh đạo nhà Trần được phát huy tối đa trước trước họa ngoại xâm
21
bên ngoài.
Tháng Giêng, năm Kỷ Mùi (1259), bà qua đời, hưởng thọ gần 70 tuổi,
được vua Trần Thái Tông phong là Linh từ Quốc mẫu, đây là đặc cách của
nhà Trần vì theo qui định vinh hiệu này chỉ ban cho Hoàng hậu nhà Trần
mà thôi. Lịch sử ghi nhận vương triều nhà Trần đã sản sinh ra các vị vua
anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân
Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất như
Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo nhưng không thể không nhắc đến Linh từ
Quốc mẫu Trần Thị Dung, người phụ nữ mà cuộc đời và tên tuổi không chỉ
gắn liền với hai triều đại phong kiến trong lịch sử chế độ quân chủ Việt
Nam mà còn mang sứ mệnh đúng như sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận định:
“Thế mới biết trời sinh ra Linh từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy”.
Cuối năm 2008, cùng với lễ yên vị thánh tượng các vua đầu triều Trần
và Thái sư Trần Thủ Độ, thánh tượng Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung
cũng được long trọng đưa vào thờ phụng tại nội điện Thái Đường Lăng
(cụm di tích Đền thờ các vua Trần), nay thuộc địa bàn làng Tam Đường, xã
Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; điều này không chỉ thể hiện sự
ghi ơn của hậu thế về công lao to lớn của bà mà còn là sự tôn vinh tấm
gương người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
*Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao

Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là thân mẫu của vua Lê Thánh Tông- một
vị vua anh minh, hùng tài đảm lược trong lịch sử Việt Nam.
Bà Ngọc Dao mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được bà ngoại đem về nhà nuôi.
Một lần, có người đi qua nhìn bà và bảo rằng: “Cô bé này về sau sẽ làm mẹ
thiên hạ”.
Chị ruột của bà Ngọc Dao là Ngọc Vân được vào chầu Thái tổ Cao
Hoàng đế. Năm thứ ba niên hiệu Thiệu Bình (1436), Ngọc Dao 16 tuổi,
22
được tuyển vào cung. Do nết na, lễ độ, thờ trên đúng lễ, đối với kẻ dưới có
ân nên được vua Lê Thái Tông rất yêu mến.
Sử cũ chép, lúc Thái hậu còn làm Tiệp dư, đi cầu tự, chiêm bao thấy
trời cho tiên đồng, rồi có thai. Vì sự ghanh tị của Nguyên phi Ngọc Anh nên
Ngọc Dao đã về làng Đô Kỳ nay thuộc xã Đông Đô, Hưng Hà (quê ngoại của
bà) để sinh nở an toàn. Dân gian kể rằng khi được đón về đến cầu Chày, bên
này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì Tiệp dư
trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa
đến và thắp hương khấn rằng:
“Có phải con mẹ, con cha
Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê”.
Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc
anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh”, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc
Dao đặt tên con là Lê Tư Thành. Tư Thành lên ngôi vua từ 19 tuổi đổi
thành Lê Thánh Tông, ông cho soạn bộ Luật Hồng Đức (còn gọi là Quốc
triều hình luật) gồm 723 điều, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhận xét về
tài đức của vua, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Vua sáng lập cơ đồ, văn vật khả
quan, mở rộng đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược,
dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được”. Vậy thì
ngoài những điều đã biết, còn điều gì nữa đã tạo nên đức độ, tài năng lỗi lạc
của ông vua trẻ lên nắm giữ triều chính lúc 19 tuổi? Phải chăng là còn do
công mẹ sinh thành, được rèn cặp chu đáo ngay từ thuở nhỏ, mà từ nghìn

đời đã đúc kết là “Phúc đức tại mẫu”.
Thái hậu Ngọc Dao qua đời, văn bia do Tiến sĩ Nguyễn Bảo và Tiến sĩ
Nguyễn Xung Xác soạn kể bà Hoàng Thái hậu sinh ra đã là người đôn hậu,
cần kiệm, không chuộng xa hoa, việc nữ công không lúc nào rời, mắm muối
nơi bếp núc lại càng quan tâm. Ngày thường ở trong nhà vẫn nghiêm trang
như đang tiếp khách. Khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hòa nhã, dịu dàng. Bà
23
kính trọng tông miếu, phụng thờ thần linh, của ngon vật lạ bốn phương
dâng lên, bao giờ cũng đem tiến cúng trước. Không làm việc trái lễ, không ở
nơi không chính đáng, giản dị mà trang nhã, lịch sự, cử chỉ thường lễ độ, ít
khi ra khỏi phòng vi. Trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi Người là
Phật sống. Khi được vua cung cấp vàng lụa thì đem ban phát cho mọi người
xung quanh và giúp đỡ kẻ nghèo khó, hòm tủ thường trống rỗng, không có
của cải dành riêng.
Đặc biệt, khác với người thường là tuổi cao mà tóc bà không bạc, răng
không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không kém sút, vẫn tươi đẹp như
người trạc tuổi 40. Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mỏi, tuổi
tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. Tính vốn ham học, lại biết làm thơ,
mỗi lúc nhàn rỗi lại đem kinh truyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ. Khi ngọc thể
bất an, phải nằm giường bệnh hơn một tháng mà không hề thấy tiếng kêu
rên. Nhớ công dưỡng dục, suốt thời gian mẹ bị ốm, vua Lê Thánh Tông luôn
ở bên cạnh chăm sóc, thuốc thang cơm nước.
Công lao lớn nhất của bà Ngô Thị Ngọc Dao đối với xã tắc là đã nuôi
dưỡng, dạy bảo con trai trở thành vị vua anh minh, tài lược. Thái hậu là
người đã hết lòng cùng con chăm lo cho giang sơn xã tắc, là một trong
những chỗ dựa tin cậy của Hoàng đế Lê Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn
thư ghi rõ rằng, chính bà là người đã không quản đường xá dặm dài, cùng
Lê Thánh Tông tiến hành cuộc tấn công vào đất Chiêm Thành, cuối năm
1470 đầu năm 1471. Các sử gia đời sau đánh giá: Đức của bà sánh với trời
đất, có công làm rạng rỡ ba đời vua (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông). Bà

xứng đáng ở vị trí hàng đầu các vị hoàng hậu của nước Đại Việt. Năm 1496,
ngay sau khi mất, vua Lê Thánh Tông truy phong bà là Quang Thục Hoàng
Thái hậu. Nhớ tới công lao của Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người dân xã
Đông Đô, huyện Hưng Hà (quê ngoại của bà) đã lập đền thờ và ngày ngày
hương khói. Cứ tháng ba âm lịch hàng năm nhân dân lại mở lễ hội Đô Kỳ để
tưởng nhớ và tri ân tới bà.
24
*Bảo Hoa công chúa, con gái vua Trần Duệ Tông
Đình Phất Lộc tên tự là (Đình Phúc Lộc) thuộc thôn Phất Lộc, xã Thái
Giang, huyện Thái Thuỵ, cách thành phố Thái Bình 21 km về phía đông
Nam.
Đình thờ Đức thánh Trần Triều Bảo Hoa công chúa, con gái vua Trần
Duệ Tông. Xuất thân từ tầng lớp “Kim chi ngọc diệp” nhưng bà đã tới đất
Thái Giang dạy cho nhân dân làm ăn và truyền đạo Phật. Công lao của bà
được nhân dân vô cùng khâm phục giúp đời sống của họ trở nên yên ấm.
Vào ngày 2 - 4 âm lịch hàng năm (ngày giỗ của bà) nhân dân Thái Giang tổ
chức nghi thức lễ hội rước kiệu và bài vị của bà từ dòng ho Trần sang đền
thờ bà để làm tế lễ. Bà được tôn làm Mẫu của người dân Thái Giang. Trải
qua biến cố thăng trầm của lịch sử, các di tích ở vùng quê này dần bị mai
một. Song đến nay đình Phất Lộc vẫn là một trong những di tích có kiến
trúc nghệ thuật hiếm hoi có niên đại cách ngày nay gần 400 năm, được
nhân dân giữ gìn tôn tạo, để lưu lại những dấu ấn lịch sử, tô đẹp cho cảnh
quan làng xã.
Thờ Mẫu ở Thái Bình thờ Mẫu là nhân thần, những người có công lao
trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc còn thờ phụng Mẫu là
như Mẫu Đời, Đền Bà…
*Đền Mẫu Đợi
Đền Mẫu Đợi (còn gọi là Đền Đợi) nằm ở phía Đông của tỉnh Thái
Bình, cách trung tâm tỉnh lỵ Thái Bình khoảng 17 km. Đền Đợi thờ bà Thái
Vỹ- Cao Sơn Thần Nữ (tức bà chúa Thượng Ngàn).

Tương truyền rằng vào thời vua Hùng thứ 18 hiệu là Duệ Vương, theo
“Ngọc phả” và cuốn “Thần tích” còn lưu tại Đền Đợi do các nhà nghiên cứu
lịch sử tại động Lăng Xương – huyện Thanh Xuyên – phủ Gia Hưng – đạo
Sơn Tây (nay là xã Trung Nghĩa – huyện Thanh Thủy – tỉnh Phú Thọ) một
nhà họ Nguyễn sinh được ba người con đều khôi ngô, tuấn tú; đặt tên là
Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý. Khi ba anh em được 6 tháng
25

×