Tải bản đầy đủ (.pdf) (100 trang)

đặc điểm thơ quang dũng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.83 MB, 100 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN


PHAN THỊ KIM THOA
MSSV: 6116155

ĐẶC ĐIỂM THƠ QUANG DŨNG

Cán bộ hướng dẫn: LÊ THỊ NHIÊN

Cần Thơ, năm 2014

1


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT LUẬN VĂN
A. MỞ ĐẦU
1.Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Thể loại thơ
1.1.1. Khái niệm
1.1.2. Đặc điểm thơ


1.2. Đặc điểm thơ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954
1.3. Đôi nét về nhà thơ Quang Dũng
1.3.1. Cuộc đời
1.3.2. Sự nghiệp văn học

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ QUANG DŨNG
2.1. Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Quang Dũng
2.1.1 Ngợi ca cảnh sắc quê hương
2.1.2. Thể hiện tình cảm gắn bó sâu đậm đối với quê hương
2.2. Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thơ Quang Dũng
2.2.1. Vẻ đẹp của người lính
2.2.2. Vẻ đẹp của người phụ nữ
2


2.3. Tình yêu lứa đôi trong thơ Quang Dũng
2.4. “Mộng giang hồ” trong thơ Quang Dũng

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ QUANG DŨNG
3.1.Không gian và thời gian nghệ thuật
3.1.1. Không gian nghệ thuật
3.1.1.1. Không gian bối cảnh thiên nhiên
3.1.1.2. Không gian bối cảnh xã hội
3.1.2. Thời gian nghệ thuật
3.2. Các thể thơ quen thuộc trong thơ Quang Dũng
3.2.1. Thơ tự do
3.2.2. Thơ bảy chữ
3.3. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ
3.3.1. Giọng trữ tình sâu lắng
3.3.2. Giọng hào hùng


KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO

3


A. MỞ ĐẦU
1.Lí do chọn đề tài
Văn học Việt Nam mỗi thời kì, mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm nổi bật và
những thành tựu đáng kể. Đối với tôi, văn học Cách mạng là nền văn học để lại cho tôi
nhiều ấn tượng sâu sắc nhất vì nó ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt - hoàn cảnh đất nước
đang chìm trong khói lửa của chiến tranh, con người phải chiến đấu hàng ngày, hàng
giờ với kẻ thù để giành sự sống nhưng tâm hồn họ vẫn dạt dào tình cảm, dạt dào cảm
hứng văn chương.
Quang Dũng, một nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Pháp
(1945-1954), cùng với một số các tác giả khác như Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung
Thông, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nông Quốc Chấn… đã đóng vai trò quan trọng trong
sự phát triển của thơ ca dân tộc. Có thể nói, Quang Dũng là người nghệ sĩ đặc biệt, có
sở trường viết về người lính, sáng tác về chân dung anh bộ đội, bởi vì ông cũng là một
nhà thơ mặc áo lính, sống trong cuộc chiến tranh, đi cùng những chặng đường hành
quân. Bằng tài năng, nhiệt huyết, trái tim giàu yêu thương, nhà thơ Quang Dũng đã để
lại cho nền văn học Viêt Nam nói chung và giai đoạn văn học chống Pháp nói riêng
những tác phẩm giàu giá trị.
Ông là một nghệ sĩ đa tài, ông am hiểu và sáng tác nhiều lĩnh vực nghệ thuật
như: làm thơ, viết văn, viết báo, soạn nhạc, vẽ tranh... Ở lĩnh vực nào ông cũng có
những thành tựu đáng kể, thế nhưng thành công nhất vẫn là thơ. Thơ ca có vị trí đặc
biệt quan trọng trong hành trình nghệ thuật của Quang Dũng. Mặc dù ông để lại không
nhiều tác phẩm, chỉ khoảng trên dưới năm mươi bài thơ, nhưng đến với thơ Quang
Dũng ta bắt gặp cái đẹp kì diệu của tình yêu, của những khát khao và thương nhớ qua

những hình tượng nghệ thuật độc đáo. Tên tuổi Quang Dũng gắn liền với một số bài
thơ tiêu biểu như: Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây và tập thơ Mây đầu ô (1970)...
Mỗi tác phẩm là một cung bậc góp vào bản hòa âm thơ phong phú của Quang Dũng.
Hiện nay, thơ Quang Dũng đã được đưa vào học chính thức trong chương trình
trung học phổ thông (Ngữ văn 12). Điều đó chứng tỏ Quang Dũng có một vị trí quan
trọng trong nền thơ ca cách mạng, đặc biệt thơ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.
Chính vì những điều trên mà thơ của Quang Dũng ngày càng chiếm được rất nhiều
4


tình cảm của đông đảo độc giả cũng như sự đánh giá nhận xét cao của các nhà nghiên
cứu văn học.
Với sự tài hoa của một nhà thơ hiền lành chân chính, luôn nhìn đời bằng đôi
mắt trẻ trung, sôi nổi, thơ Quang Dũng như rót vào lòng người những cung bậc trầm
bổng, du dương, ngọt ngào, tươi trẻ. Ngòi bút của ông như có ma lực thần kì, thu hút,
khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc. Sự bình dị, gần gũi, quen thuộc đã làm cho
những thi phẩm của Quang Dũng không những mang đặc sắc về nội dung mà còn đặc
sắc về nghệ thuật.
Để có một cái nhìn bao quát hơn về thơ của Quang Dũng, chúng tôi quyết định
chọn vấn đề “Đặc điểm thơ Quang Dũng” làm đề tài nghiên cứu trong luận văn tốt
nghiệp của mình. Chúng tôi nhận thấy đây là việc làm giúp chúng tôi tiếp cận với thơ
Quang Dũng sâu sắc hơn. Từ đó có thể phát hiện ra những giá trị nội dung cũng như
giá trị nghệ thuật trong thơ ông. Chúng tôi cũng mong muốn rằng đây là dịp giúp
chúng tôi có thể hiểu rõ hơn con người và sự nghiệp thơ văn Quang Dũng, đồng thời
có cái nhìn hệ thống, sâu sắc và toàn vẹn hơn. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài còn là
dịp cho chúng tôi bước đầu làm quen, tập nghiên cứu độc lập một vấn đề văn học, từ
đó giúp chúng tôi nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm cho việc học tập và
nghiên cứu sau này.

2. Lịch sử vấn đề

Khi đề cập đến thơ ca Cách mạng với đề tài người chiến sĩ, thì chúng ta sẽ
không quên nhắc đến Quang Dũng. Đến với thơ Quang Dũng chúng ta bắt gặp một
giọng điệu riêng, không trộn lẫn với bất cứ nhà thơ nào, đó là giọng trữ tình lai láng,
hào hùng sôi nổi với những hình ảnh đặc tả, sắc nét, âm thanh nhịp nhàng, đường nét
uyển chuyển mang dáng dấp cụ thể sinh động của làng cảnh Việt Nam. Điều đó đã làm
nên phong cách thơ Quang Dũng, tạo cho thơ ông có những đặc điểm rất riêng, giúp
ông luôn đứng vững trên thi đàn Việt Nam qua mấy chục năm và hẳn sẽ không ngừng
gây hứng thú đối với người đọc mãi về sau.
Có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của Quang Dũng. Mỗi
bài viết đề cập một khía cạnh trong cuộc đời cũng như trong thơ ca, văn xuôi của ông,
có thể kể đến một số công trình tiêu biểu:
5


Trong bài Nghĩ về thơ bạn đăng trong Đến với thơ Quang Dũng, tác giả Trần Lê
Văn - người bạn thân của Quang Dũng đã viết: “Quang Dũng vào "làng" thơ cách
mạng với bài Tây Tiến. Như có mối duyên gì ràng buộc, bài thơ ấy gắn bó với người
làm ra nó đến mức cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhớ đến Tây Tiến và ngược
lại… [2, tr. 89]. "Quang Dũng là người tài hoa “pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”"
[2, tr. 95] , "Quang Dũng yêu thiên nhiên, và trước hết là yêu sức người, tình người ở
khắp nơi vun xới, chăm sóc thiên nhiên" [2, tr. 101]. Bên cạnh đó, ông còn rất cảm
phục khi nói về người bạn chí thân của mình - nhà thơ Quang Dũng: “Ở Quang Dũng,
ngoài cái tính tài tử hào hoa của người Hà Nội có pha tạp địa phương tính của “nhiều
quê hương”.[…] Đó là cái tài gây cười. Những ai quen Quang Dũng đều biết anh là
người vui tính, giỏi hài hước, một thứ hài hước thông minh và đôn hậu. Anh đến đâu
là vui đấy, chuyện cười rôm rã, tiếng cười trong trẻo, ấm áp nổi lên, người lớn trẻ con
đều khoái” [2, tr. 101]. Tác giả Trần Lê Văn đã đưa ra những lời nhận xét chân thành
nhưng khá sâu sắc khi nhắc đến người bạn của mình bằng những từ ngữ mộc mạc, giản
đơn nhưng rất đượm nghĩa tình. Qua bài viết này, Trần Lê Văn đã cho người đọc càng
thấy rõ hơn những tài hoa cũng như đức tính hài hước, tốt bụng của nhà thơ Quang

Dũng.
Bài viết Quang Dũng, con người hồn hậu, ngòi bút tài hoa cũng đăng trong
Tuyển tập Quang Dũng của tác giả Ngô Quân Miện là một cái nhìn đầy sâu sắc về
Quang Dũng. Theo ông, Quang Dũng luôn “là một tâm hồn nghệ sĩ thuần hậu, đầy
tính dân dã. Đi bộ đội, đi công tác, đi sơ tán, đi viết văn, đến đâu Quang Dũng cũng
hòa hợp ngay với những chòm xóm, với người quê, cảnh quê, say sưa hít thở cái không
khí thôn dã, sống cái tính đồng ruộng chân mộc" [13, tr. 369], "Quang Dũng sống hồn
hậu, và rất giản dị. Với bạn bè, anh rất thật và cởi mở, mong được trao đổi tâm sự vui
buồn. Tình bạn với anh cần như khí trời" [13, tr. 373]. Bài viết còn nhận xét rằng:
“Bên cạnh cái đẹp dân dã, thơ văn Quang Dũng còn có cái đẹp tài hoa. Cái tài hoa
trong thơ thể hiện rất rõ ở những bài Đôi mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua, Tây
Tiến, trong đó cảm xúc tinh tế, lời thơ thanh thú mà không bóng bẩy, không để lại dấu
vết gia công: nhạc điệu đẹp” [13, tr. 370]. Ở đây, tác giả không chỉ nghiên cứu về con
người nhà thơ Quang Dũng mà ông còn đi sâu vào khai thác những điểm đặc sắc trong
thơ Quang Dũng. Bài viết của ông còn cho chúng ta biết thêm một Quang Dũng có
"máu giang hồ" bên cạnh cái tài hoa, lãng tử.
6


Trong bài Người thơ Quang Dũng đăng trong Tuyển tập Quang Dũng, tác giả
Thanh Châu đã giúp chúng ta nhận biết nhà thơ Quang Dũng vốn là người có thú ngao
du, có máu giang hồ nghệ sĩ. Quang Dũng là “người suốt đời ưa ngao du sơn thủy,
luôn bực tức phố nhà chật hẹp, hễ có dịp rỗi rãi, công tác là rủ bạn đi bất cứ nơi đâu
[...]. Đi chơi với Quang Dũng là một cái thú, [...] miễn là thoát ra khỏi thành phố.
[...]. Đến địa phương nào, Quang Dũng cũng hồ như đã có người quen từ trước, hoặc
mới làm quen thoải mái” [13, tr. 366] . Thanh Châu cũng rất nể trọng nhà thơ Quang
Dũng khi cả bản thân “Quang Dũng xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng cốt cách
lại là một kẻ bình dân chẳng tham thanh chuộc lạ. Gặp anh bao giờ cũng giày vải, mũ
nan, y phục chả có gì nổi bật giữa mọi người” [13, tr. 366]. Bài viết đã có cái nhìn bao
quát về người thơ Quang Dũng.

Năm 1988, trong bài viết Tình người của Quang Dũng đăng trong Tuyển tập
Quang Dũng, Hoàng Như Mai đã nhận định rất thấu đáo về con người Quang Dũng:
“Tôi cho là anh có một tình yêu đời, yêu người lớn lao, có thái độ sống trượng phu” [2,
tr. 386].
Hoài Việt trong quyển Nhà văn trong nhà trường - Quang Dũng có viết:
“Quang Dũng yêu con sông Đáy “ngàn dâu xanh ngắt một màu” yêu núi Ba Vì mờ
cao, yêu cánh đồng vàng Bương Cấn, yêu rặng Sài Sơn gắn với Hoàng Xá,... đẹp như
tranh. Từ đó mà yêu biển, yêu rừng,... yêu nên tìm đến, tìm đến mà hội nhập. Gót chân
“giang hồ xê dịch” của anh kể cũng đã đặt tới nhiều nơi. Ở những nơi đó, anh nhập
với trời đất, với con người, [...] Trời đất “tự nó”, con người “tự nó” nên trong trang
thơ, trong tranh vẽ của anh không thấy cảnh cao sang quyền quý, không thấy bàn tay
“trau lục chuốt hồng” - Rất dân dã nên rất Việt Nam!” [24, tr. 8]. Hoài Việt đã cho ta
thấy vẻ đẹp tự nhiên, bình dị trong thơ Quang Dũng xuất phát từ phẩm chất và tâm hồn
giản dị của ông.
Trần Minh Nguyệt trong quyển Văn học và tuổi trẻ nhận xét về Quang Dũng:
“Quang Dũng đã khẳng định một vị trí không thể nào thay thế trong lòng đông đảo
độc giả” [16, tr. 3] và tác giả đặt tên cho bài viết của mình là Quang Dũng - Nhà thơ
giữ trọn tình người... Thật vậy, ngày nay vị trí nhà thơ Quang Dũng càng được khẳng
định sâu sắc hơn đối với độc giả khi bài Tây Tiến đã được đưa vào giảng dạy trong
chương trình trung học phổ thông (Ngữ văn 12). Đặc biệt, ông còn được xếp vào
7


những nhà thơ tiêu biểu thời kì kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Trong bài viết
này, tác giả Trần Minh Nguyệt đã góp thêm một tiếng nói trong việc nhận xét về vị trí
của Quang Dũng trong lòng độc giả.
Về nội dung thơ Quang Dũng, Lê Bảo trong quyển Nhà văn và tác phẩm trong
nhà trường - Quang Dũng, Chính Hữu đã nhận xét: “Về nội dung, thơ Quang Dũng
hội tụ được hai dòng thi cảm. Đất nước, quê hương cùng với khát vọng lên đường là
cốt cách của một hồn thơ, một đời thơ ấy” [1, tr. 7], “Thơ Quang Dũng, trong nhiều

trường hợp như ống kính lướt nhanh để kịp ghi lấy những cảnh, những người, cả
những điều chỉ là cảm nghĩ” [1, tr. 13]. Tuy tác giả Lê Bảo đã dành khá nhiều nhận
định nói về nội dung thơ Quang Dũng nhưng những nhận định đó đã góp phần thêm
trong việc cho chúng ta thấy rõ được những nét đặc sắc trong nội dung thơ Quang
Dũng.
Trong bài Người thơ Quang Dũng đăng trong Tuyển tập Quang Dũng, tác giả
Thanh Châu đã cho độc giả thấy được sự bình dị, mộc mạc trong nội dung thơ Quang
Dũng: “Thơ văn anh “thoảng mùi thơm quê mùa […]. Đó là văn phong một con người
còn nhiều dây mơ rễ má gắn mình với gốc rễ ông cha nông nghiệp và dù đi đến đâu,
lòng anh bao giờ cũng quay về nỗi nhớ nhưng vùng đất đá ong cằn cõi Sơn Tây, với
cánh đồng Bương Cấn, với núi Sài Sơn, mây trắng xứ Đoài bay ngang đỉnh núi Ba Vì”
[13, tr. 366]. Đây là một bài nhận xét khá chi tiết và sâu sắc về nội dung thơ Quang
Dũng, điều đó làm nổi bật lên hồn thơ lãng mạn của ông.
Giới nghiên cứu không chỉ đề cập đến con người và điểm đặc sắc về nội dung
thơ Quang Dũng mà còn đề cập đến hình thức nghệ thuật. Có bài nghiên cứu một cách
cụ thể và sâu sắc một tác phẩm nào đó như Tây Tiến, Mây đầu ô, nhưng cũng có bài
đưa ra những nhận định khái quát về toàn bộ sự nghiệp thơ Quang Dũng.
Nguyễn Đăng Mạnh trong quyển Những bài giảng về tác gia văn học trong tiến
trình văn học Việt Nam nhận xét rất thấu đáo về thơ Quang Dũng: “Thơ Quang Dũng
có những bài thật hay, cảm hứng lãng mạn cuốn bốc dạt dào. Thơ đầy chất họa, chất
nhạc. Nhiều chữ dùng rất thật và rất bạo” [10, tr. 162]. Quả thật như nhận xét của
Nguyễn Đăng Mạnh, thơ Quang Dũng có nhiều bài thật hay có thể kể đến như Tây
Tiến, Không đề, Đôi mắt người Sơn Tây, Mây đầu ô,... Cảm hứng dạt dào trong thơ của
ông là cảm hứng lãng mạn, không xa rời hiện thực mà luôn gắn với cuộc chiến đấu
8


gian khổ của quân và dân ta.
Anh Ngọc trong quyển Từ thơ đến thơ đã dành nhiều nhận định về tài năng
nghệ thuật rất điêu luyện của Quang Dũng. Anh Ngọc cho rằng ở bài Tây Tiến, Quang

Dũng là: “Một khả năng điều khiển chữ nghĩa bậc thầy” [14, tr. 287]. “Quang Dũng đã
để mặc cho hồn thơ trào lên đầu ngọn bút khi cố gắng tái hiện lại cảnh trí và đời sống
vốn thực ra là vô cùng gian lao, đầy nguy hiểm bất trắc của đoàn quân “Tây Tiến”
bằng cách cảm, cách nhìn, cách nói mang đầy dấu ấn sách vở của một cậu học trò
lãng mạn. Có thể nói Tây Tiến chính là bức tranh đầy ấn tượng về một thế giới ác liệt,
dữ dội được vẽ bởi biện pháp lãng mạn truyền thống còn trinh trắng đến ngây thơ” [14,
tr. 288]. Nhận xét của Anh Ngọc xung quanh bài Tây Tiến đã khái quát được tài năng
sử dụng ngôn từ bậc thầy của Quang Dũng, đồng thời cũng nói lên được khả năng cảm
thụ cuộc sống dạt dào của nhà thơ.
Tài năng của nhà thơ còn được khẳng định trong bài Tây Tiến qua nhận xét của
Hữu Đạt trong quyển Ngôn ngữ thơ Việt Nam: “Một mặt ông khai thác được các ưu
việt của các thứ tiếng giàu thanh điệu, mặt khác kết hợp nhuần nhuyễn thủ pháp nhân
hóa và khoa trương làm cho bút lực ông vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển. Thơ ông vừa
thực vừa ảo” [4, tr. 243].
Trong quyển Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX của Viện văn học có nhận
định: “Những cách tân thi ca kiểu “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh, “Đèo cả” của Hữu
Loan, “Đêm mít tinh” của Nguyễn Đình Thi, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông,
“Tây Tiến” của Quang Dũng, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm,... là những
mẫu mực của nền thi ca Cách mạng” [23, tr. 906].
Lê Bảo trong quyển Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường - Quang Dũng,
Chính Hữu thì nhận định: “Về nghệ thuật thơ Quang Dũng kết hợp được cốt cách cổ
điển, hiện đại với sự cách tân, nghĩa là vừa kế thừa, vừa đổi mới. Nhiều câu thơ như kí
họa đời Tống, đời Đường. Có khi là những bức tranh thuốc nước màu sắc mờ nhờ, cổ
kính” [1, tr. 16]. Lê Bảo đã nhận ra cái màu sắc cổ kính của thơ Quang Dũng, bên cạnh
chất lãng mạn tài hoa mà nhiều người đã nhận ra. “Thơ Quang Dũng có thể hiện ra ở
đầu đối cực: Ở trạng thái động nhiều khi đến chóng mặt, nhưng ở trạng thái tĩnh: Tất
cả mọi chuyển động dường như bất động. Chúng đứng yên, tự ngắm mình, ở cả những
âm thanh mà bình thường không ai nhận thấy. Những thủ pháp của văn chương,
9



những liên tưởng nhiều chiều như một thứ ăng ten đa hệ được đặt vào mọi lúc, mọi nơi
đều vô cùng đúng chỗ” [1, tr. 25]. Ông cũng cho rằng thơ Quang Dũng “không phải
bài nào cũng hay, có sự khá kém đồng đều, cái mạnh và cái yếu đan cài, xen kẽ”. Với
ông cái “đáng quý của tập thơ Mây đầu ô là ở mảng chất liệu quê hương mà nhà thơ
đã tắm mình trong đó. Đây là một thứ ánh sáng kì diệu, từ một sự bắt đầu nào đó, đã
lan tỏa, đã lung linh” [1, tr. 22].
Lê Bảo còn nhận xét khá tỉ mỉ về giọng điệu thơ Quang Dũng: “Thơ Quang
Dũng có một giọng điệu, một sự hòa âm khá đặc sắc. Ấy là sự vận dụng những thanh
bằng, thanh trắc trong từng đoạn thơ, kể cả những tiếng gieo vần. Nhà thơ đã khéo léo
sử dụng một bút pháp hòa âm táo bạo” [1, tr. 26].
Nhìn chung, các ý kiến đánh giá hay những bài viết về con người cũng như về
thơ ca của ông cũng đã cung cấp cho chúng ta những nhận định xác thực về thơ Quang
Dũng ở cả phương diện nội dung lẫn về hình thức nghệ thuật. Các tác giả cũng đã phát
hiện được những đóng góp của nhà thơ cho thi đàn văn học Việt Nam hiện đại. Tuy
nhiên, nhìn chung trong quá trình khảo sát những công trình nghiên cứu về thơ Quang
Dũng, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đều có một tiếng nói chung là thống
nhất với nhau trên những vấn đề cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của nhà thơ.
Tuy nhiên, vấn đề về đặc điểm thơ Quang Dũng chưa có một công trình nào nghiên
cứu chuyên sâu và hệ thống. Hầu như nó chỉ được lồng vào các vấn đề khác mà ít khi
được khai thác một cách trọn vẹn. Chính vì thế, đề tài “Đặc điểm thơ Quang Dũng” sẽ
đóng góp, bổ sung thêm những cái nhìn mới mẻ, riêng biệt về đặc điểm nội dung và
nghệ thuật thơ Quang Dũng.

3. Mục đích nghiên cứu
Như chúng ta đã biết Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của
nền văn học Cách mạng. Quang Dũng với phong cách thơ độc đáo cùng bút pháp nghệ
thuật thật đặc sắc đã để lại những bài thơ đầy hương sắc, đồng thời còn góp phần làm
phong phú thêm vườn hoa văn học Việt Nam, đặc biệt là nền văn học thời kì kháng
chiến chống Pháp. Do đó, nghiên cứu đề tài "Đặc điểm thơ Quang Dũng" người viết

nhằm làm rõ đặc sắc thơ Quang Dũng ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
Trên cơ sở cảm nhận, phân tích các sáng tác thơ Quang Dũng, chúng tôi có cơ
hội tiếp xúc, đi sâu tìm hiểu các bình diện đề tài, cảm hứng chủ đạo và thế giới hình
10


tượng trong thơ ông. Bên cạnh đó, chúng tôi còn muốn khai thác sâu hơn phương diện
nghệ thuật thông qua các mặt như không gian và thời gian nghệ thuật, sự độc đáo về
thể thơ, giọng điệu trong thơ của ông.

4. Phạm vi nghiên cứu
Quang Dũng là người nghệ sĩ tài hoa, ông thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ
thuật. Ở luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung về toàn bộ tác phẩm thơ của ông. Đồng
thời, chúng tôi cũng tìm hiểu một số nhà thơ trước và cùng thời kì với ông để có sự so
sánh khi cần thiết. Tất cả đều phục vụ cho việc làm sáng tỏ yêu cầu của đề tài.

5. Phương pháp nghiên cứu
Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp:
Phương pháp lịch sử: Trong quá tình tìm hiểu thơ Quang Dũng trước và sau
Cách mạng tháng Tám 1945 để thấy được sự chuyển biến, sự khác nhau về nội dung
cũng như hình thức nghệ thuật trong từng thời kì, từng giai đoạn. Chúng tôi còn kết
hợp việc tìm hiểu hoàn cảnh và cuộc đời của tác giả Quang Dũng để hỗ trợ cho việc
nghiên cứu và nhìn nhận vấn đề.
Phương pháp so sánh: So sánh nét đặc sắc thơ Quang Dũng với đặc điểm thơ
của một số nhà thơ khác để nhận ra nét riêng và độc đáo của ông.
Phương pháp phân tích - tổng hợp: Dựa trên những tư liệu được cung cấp từ
phương pháp lịch sử, chúng tôi tiến hành thao tác phân tích. Việc phân tích từng câu
thơ, từng đoạn thơ, từng bài thơ cũng như việc lí giải mối quan hệ giữa câu thơ này với
câu thơ khác, giữa đoạn thơ này với đoạn thơ khác, giữa bài thơ này với bài thơ khác
được tiến hành đồng thời với quá trình tổng hợp nhằm mục đích rút ra nhận xét, những

kết luận có tính chất khái quát, tổng quát về vấn đề mà luận văn nghiên cứu, tìm hiểu.
Cùng với các phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng các thao tác: chứng
minh, bình luận, giải thích... để rút ra đặc điểm của thơ Quang Dũng.

11


B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Thể loại thơ
1.1.1. Khái niệm
Thơ là thể loại có lịch sử phát triển lâu đời nhất trong văn chương nghệ thuật. Vì
thế có rất nhiều định nghĩa về thơ và việc định nghĩa thơ rất phức tạp và chưa có kết
luận sau cùng. Một số nhà thơ phương Đông cũng như phương Tây đã có những quan
niệm rất riêng về thơ. Hà Minh Đức đã dẫn lời một số tác giả phương Tây và phương
Đông quan niệm về thơ. Như nhà thơ cách mạng Tố Hữu nhấn mạnh: "Thơ là tiếng
nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước cuộc đời, trước trời đất". Lê Quý
Đôn thì cho rằng: "Thơ phát khởi từ trong lòng người ta". Hà Minh Đức thì quan
niệm: Thơ là sự kết tinh cái đẹp của tâm hồn và tạo vật, và bài thơ hay là sự kết tinh
của kết tinh. Còn các nhà thơ phương Tây cũng có nhiều ý kiến gần gũi: "Thơ là người
thư kí trung thành của những trái tim" (Đuy Belây - Pháp); "thơ là nhiệt tình kết tinh
lại" (Anphret đơ Vinhi - Pháp); "thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm" (Gorki Nga) [5, tr. 168].
Từ những quan niệm trên, ta thấy thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ, dùng chữ
trong ngôn ngữ làm chất liệu và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp
xếp dưới một hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính
thẩm mĩ cho người đọc, người nghe.

1.1.2. Đặc điểm thơ
Về nội dung, thơ thường tập trung thể hiện thế giới chủ quan của con người, cảm
xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người một cách trực tiếp. Tuy nhiên, điều đó không có

nghĩa là thơ không phản ánh thế giới khách quan. Các sự kiện được gián tiếp tái hiện
thông qua tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình.
Nhân vật trữ tình không có diện mạo, tiểu sử, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể,
nhưng được thể hiện qua giọng điệu, cảm xúc, cách cảm, cách nghĩ và có khi là "biểu
hiện trực tiếp cái tôi thứ hai của tác giả, nhưng nhiều khi chỉ là cái tôi "nhập vai" trữ
tình" [21, tr. 272]. Chẳng hạn anh bộ đội trong bài Bầm ơi, bà mẹ trong bài Bà mẹ Việt
12


Bắc của Tố Hữu. Nhân vật trữ tình nhập vai đã có từ xưa. Đặng Trần Côn trong Chinh
phụ ngâm, Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc, Hồ Xuân Hương trong Tự
tình, đều xuất hiện với nhân vật trữ tình nhập vai. Nhân vật trữ tình là người trực tiếp
thổ lộ những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả.
Còn nhân vật trong thơ trữ tình là "đối tượng mà tác giả muốn gởi gắm tình cảm,
là nguyên nhân trực tiếp khơi dậy nguồn tình cảm của tác giả" [21, tr. 272]. Qua thơ,
ta có thể biết những chi tiết thoáng qua về lịch sử cuộc đời họ, như biết về: quê hương,
kỉ niệm tuổi thơ, đường đời, sự từng trải, tài năng, khát vọng. Ví dụ sau đây là hình
ảnh một tuổi thơ chân đất ở làng quê của Nguyễn Duy:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
(Đò lèn)
Không gian nghệ thuật trong thơ là nơi tác giả - cái tôi trữ tình hoặc nhân vật trữ
tình xuất hiện để thổ lộ tấm lòng của mình. Không gian ấy có khi rất mênh mông, có
khi eo hẹp, có khi gần, khi xa, khi cao, khi thấp, có lúc mang tính cụ thể nhưng cũng
có lúc chỉ là một hiện tượng ước lệ thể hiện cảm xúc. Có khi không gian mênh mông:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan)
Không gian trong bài thơ trên là một không gian bao la rộng lớn nơi đèo Ngang, dưới
núi, bên sông.

13


Hay đôi khi là không gian vô cùng ngột ngạt, tù túng nơi góc phố phường:
Ôi! Chật làm sao
Góc phố phường
(Mây đầu ô - Quang Dũng)
Thời gian nghệ thuật trong thơ ca là thời gian được tác giả tái tạo lại trong tác
phẩm mang quan niệm, cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh có tính chủ quan. Thời gian
trong thơ được cảm nhận bằng tâm lí và mang ý nghĩa thẩm mĩ nên nó có thể diễn tiến
theo mọi chiều hướng. Thời gian trong thơ có thể có tính liên tục, diễn biến theo trật tự
tuyến tính. Các sự kiện được thể hiện mang tính chất nhân quả, sự việc này dẫn đến sự
việc kia, không bị đảo lộn thời gian. Sự việc nào xảy ra trước thì kể trước, sự việc nào
xảy ra sau thì kể sau. Thời gian trong bài thơ Quê hương của Giang Nam là thời gian
tuyến tính, thời gian sự kiện diễn ra theo một trật tự từ xưa đến nay “Thưở còn thơ hai
buổi đến trường” rồi đến “Cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kì” và cuối
cùng “Hòa bình tôi trở về đây”. Hay trong bài ca dao:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lòng như cá mắc câu
Nhưng đôi khi trình tự thời gian có thể bị đảo lộn. Sự việc được trình bày theo
dòng hồi tưởng. Kiểu thời gian đó thường là thời gian tâm lí:
Nhất nhật bách kiến như tam thu huề
Hay:

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Thời gian trong câu thơ trên là thời gian tâm lí, nó không diễn tiến theo một trình tự
tuyến tính, mà nó diễn tiến theo tâm trạng của nhân vật trữ tình. Nỗi niềm của nhân vật
trữ tình trong thơ là tâm trạng chờ đợi người yêu, nhân vật trữ tình xem thời gian một
ngày dài như ba mùa thu tức dài như ba năm. Thời gian nghệ thuật ở đây đã được tác
14


giả Nguyễn Du tái tạo lại để làm nổi bật thêm tâm trạng chờ đợi người yêu mòn mỏi
của nhân vật trữ tình.
"Ngôn từ thơ không có tính liên tục và tính phân tích như ngôn từ văn xuôi,
ngược lại nó có tính nhảy vọt, gián đoạn, tạo thành những khoảng lặng giàu ý nghĩa"
[21, tr. 267]. Ví dụ:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
(Tự tình III - Hồ Xuân Hương)
Câu ba, bốn hầu như không gắn trực tiếp với câu một, hai. Câu năm, sáu lại càng
không gắn với hai câu ba, bốn. Câu bảy, tám cũng không gắn với câu năm, sáu. Các
câu thơ gắn với nhau theo mạch liên tưởng ở chiều sâu. Câu ba gợi ra cái ý cô đơn trơ
trọi giữa cõi đời. Mà cuộc đời trơ trọi cần được giải khuây, giải tỏa. Câu ba, bốn là sự
giải khuây bằng rượu nhưng vô hiệu trước cuộc đời xế bóng, trống trải mênh mông.
Câu năm, sáu đột ngột như một thoáng khát vọng phá phách (xiên ngang, đâm toạc) để

thay đổi hiện trạng. Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra, cuộc sống vẫn trôi theo cái nhịp
buồn tẻ của nó, để lại niềm khát khao khôn nguôi.
Thứ hai, ngôn từ thơ giàu nhạc tính. Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều
yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh,… và nhạc trong thơ đó là nhạc của
cảm xúc và tâm hồn:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
15


Rất đậm hương và rộn tiếng chim
(Từ ấy - Tố Hữu)
Đó là một nhịp thơ đầy rạo rực đắm say của một người vừa bắt gặp được ánh sáng
cách mạng. Cảm xúc của nhà thơ như một bản nhạc đầy tươi vui, náo nức.
Ngôn từ trong thơ cũng giàu hình ảnh, sắc màu (tính họa). Nhà thơ Tố Hữu viết
về bốn mùa đông, xuân, hè, thu ở Việt Bắc bằng ngôn ngữ giàu tính họa (có người gọi
đây là bức tranh tứ bình):
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
(Việt Bắc)
Giọng điệu thơ thường mang tính chủ quan do thể hiện trực tiếp, trực diện quan
niệm, thái độ lập trường của tác giả. Mỗi giai đoạn văn học có giọng điệu thơ khác
nhau. Mỗi nhà thơ lại có giọng điệu thơ riêng. Như nhà thơ Xuân Diệu với giọng trầm

lắng, thiết tha:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
(Vội vàng)
Tố Hữu với giọng thơ tâm tình, ngọt ngào:

16


Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
(Việt Bắc)
Về thể thơ, thơ Việt Nam gồm có thơ luật và thơ tự do. Thơ luật bao gồm một số
thể: Thể thất ngôn bát cú, thể tứ tuyệt, thể lục bát, thể song thất lục bát.
Thể thất ngôn bát cú là thể thơ Đường luật du nhập từ Trung Hoa. Về hình thức,
một bài thơ Đường luật phải theo đúng các quy định về vần, đối, luật, niêm, bố cục.
Trong bài thơ tám dòng, có năm vần gieo ở cuối các dòng một, hai, bốn, sáu, tám. Đối
là đặt hai dòng sóng đôi sao cho ý cân xứng hoặc đối chọi. Dòng ba, bốn và năm, sáu
bắt buộc phải là đối nhau. Luật là sắp xếp các thanh bằng trắc cố định trong các
dòng, phụ thuộc vào thanh điệu của từ thứ hai trong đầu dòng: nhất, tam, ngũ bất
luận; nhị, tứ, lục phân minh. Niêm là sự phối hợp cùng thanh điệu bằng trắc của từ
thứ hai trong các cặp câu một và tám, hai và ba, bốn và năm, sáu và bảy. Bố cục
thường chia thành các phần: đề, thuật, luận, kết" [21, tr. 276]. Ví dụ:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hẳn ở tù
Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội giữa năm châu
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
(Vào ngục Quảng Đông cảm tác - Phan Bội Châu)
"Thể tứ tuyệt cũng có hai loại: cổ tuyệt là thể tứ tuyệt không theo luật và luật
tuyệt tuân theo luật. Thơ tứ tuyệt cũng thể hiện các yêu cầu về luật như bài thất luật
(thất ngôn bát cú)" [21, tr. 277]:
Canh cá tràu mẹ thường nấu khế
Khế trong vườn thêm một chút rau thơm
17


Ừ, mới thế đó mà một đời xa cách mẹ
Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm
(Canh cá tràu - Chế Lan Viên)
"Thể lục bát là thể thơ lâu đời của dân tộc, vốn là hình thức thơ ca truyền miệng
dân gian. Lục bát có thể dùng trữ tình hoặc tự sự" [21, tr. 278]. Nhịp thơ là cái được
nhận thức thông qua toàn bộ sự lặp lại có tính chu kì, cách quãng hoặc luân phiên theo
thời gian của những chỗ ngừng, chỗ ngắt và của những đơn vị văn bản như câu thơ,
khổ thơ, thậm chí đoạn thơ. Nhịp thơ giúp người nghe, người đọc cảm nhận được thơ
một cách chính xác hơn. Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn là 2/4 (2/2/2, 4/2)
hoặc 4/4 (2/2/4, 2/2/2/2, 4/2/2), nhưng cũng có thể có cách ngắt nhịp 3/3, 5/1, 1/5, ....
Câu thơ lục bát rất thuận tiện cho việc sử dụng các phép sóng đôi, đối ngẫu" [21, tr.
278]
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
(Bầm ơi! - Tố Hữu)
Thể song thất lục bát cũng là một thể thơ đặc biệt của dân tộc, thơ song thất lục
bát ra đời trên cơ sở kết hợp từ thể thơ lục bát và thơ bảy chữ vốn có trong thơ ca dân
gian. "Thể thơ này mang tính nhạc cao, do sử dụng nhiều tiểu đối, bình đối, đối cách
đoạn, ngôn ngữ sóng đôi, láy đi láy lại làm lời thơ réo rắt, tầng tầng lớp lớp, mạch
cảm xúc xoắn quýt, tuôn trào như thác đổ. Thể thơ này thường dùng nhiều thi liệu
Trung Hoa, do đó tính bác học, trang nhã, cao quý của thể loại được nâng cao". [21,
tr. 279]. Cách hiệp vần trong thơ song thất lục bát tương đối khó hơn so với các thể thơ
khác, chữ cuối của dòng bảy thứ nhất hiệp vần với chữ thứ năm của dòng bảy thứ hai.
18


Hai chữ hiệp vần đều thuộc thanh trắc. Chữ thứ bảy của dòng bảy thứ hai hiệp vần với
chữ thứ sáu của dòng lục tiếp theo(đều thuộc thanh bằng). Chữ thứ sáu của dòng lục
hiệp vần với chữ thứ sáu của dòng bát (thuộc thanh bằng). Câu song thất thường dùng
nhịp 3/4 và hai câu lục bát thường sử dụng nhịp đôi 2/2. Về phối thanh:
Chữ thứ năm và chữ thứ bảy của dòng thất đầu tiên là bằng và trắc, dòng thất ở dưới
thì ngược lại. Thanh bằng trắc trong câu sáu - tám giống như trong thơ lục bát
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
(Chinh phụ ngâm - bản dịch Đoàn Thị Điểm)
"Thơ tự do là loại thơ không có quy định bắt buộc về số câu, về vần, bằng trắc và
nhịp điệu. Tất cả các yếu tố hình thức này đều có thể thay đổi tùy thuộc vào cảm xúc
của tác giả" [21, tr. 280]. Cho nên nhịp thơ và số lượng chữ trong câu biến hóa rất linh
hoạt, vần không cố định:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Tóm lại, với những đặc điểm của thơ đã giúp cho người viết có thể trải lòng
mình, bộc bạch tình cảm một cách chân thành nhất, tự nhiên nhất, và đặc biệt là phản
ánh được thế giới khách quan qua lăng kính của nhà thơ, góp phần làm nên âm vang
cho bài thơ.
1.2. Đặc điểm thơ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954
Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một chân trời mới cho sự sáng tạo
thơ ca. Thời kì này, thơ ca phát triển thành cao trào, mạnh hơn cả với nhiều thành tựu
nổi bật. Truyền thống yêu thơ của dân tộc và đặc điểm lịch sử cụ thể của chín năm
19


kháng chiến đã quyết định thực tế ấy. Thơ ca tiếp tục gắn bó với đời sống buồn vui, lúc
hạnh phúc cũng như khi gian lao, vất vả của con người Việt Nam. Nhà phê bình Hoài
Thanh đã có nhận xét xác đáng: “Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các
nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ. [...]
Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng
hòa điệu”. (Nói chuyện thơ kháng chiến). [12, tr. 203]
Thơ ca giai đoạn 1945 - 1954 ra đời và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh nên
mang những đặc điểm riêng. Có thể nhận thấy sự khởi sắc của thơ ca giai đoạn này,
trước hết, là lực lượng sáng tác. Lực lượng sáng tác được tập hợp đông đảo, có sự góp
mặt đầy đủ và bổ sung lẫn nhau giữa các thế hệ. Mặc dù còn phải tiếp tục giải quyết
nhiều vướng mắc về lập trường, quan điểm, về tư tưởng nghệ thuật nhưng nhìn chung
ngay từ buổi đầu, đa số lớp tác giả trước Cách mạng đều phát huy tinh thần dân tộc,
hăng hái đi theo kháng chiến bằng lương tâm và trách nhiệm cao nhất của người nghệ
sĩ chân chính. Đội ngũ nhà thơ thời kì này ngày càng đông đảo với hai thế hệ:
Thế hệ nhà văn thơ trước Cách mạng tháng Tám, với kinh nghiệm và tài năng đã

được khẳng định, đóng góp của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh,
Huy Cận,... tuy chưa thật sự là hơi thở mãnh liệt của thời đại nhưng vẫn có ý nghĩa sâu
sắc là khơi gợi lòng yêu nước, hào khí đấu tranh và niềm tự hào dân tộc.
Thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Sáng tác của
họ đậm hơi thở thời đại, tạo nên sức trẻ cho nền văn học, có sức động viên, khích lệ
tinh thần nhân dân rất mạnh mẽ. Các nhà thơ trẻ không ngừng tự khẳng định bằng sáng
tác có giá trị. Những tác phẩm tiêu biểu thời kì này có thể kể đến: Việt Bắc (Tố Hữu);
Nhớ, Ðất nước (Nguyễn Ðình Thi); Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại (Hoàng Trung
Thông); Ðồng chí (Chính Hữu); Nhớ (Hồng Nguyên); Thăm lúa (Trần Hữu Thung);
Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ); Dọn về làng (Nông Quốc Chấn); Nhớ máu (Trần
Mai Ninh)....

Có thể nói, điểm chung nhất của các nhà thơ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng
Tám là gắn bó sâu nặng với Tổ quốc và dân tộc. Họ vượt qua mọi gian khổ, thử thách
để đi khắp các quê hương nhằm tìm tòi, sáng tạo.
20


Thứ hai là về nội dung tư tưởng, thơ ca luôn phục vụ cách mạng và cổ vũ chiến
đấu, luôn gắn bó chặt chẽ, phản ánh chân thực và sinh động hiện thực kháng chiến
hoành tráng. Qua những trang thơ, người ta có thể thấy lại từng chặng đường lịch sử
của dân tộc. Chẳng hạn như qua các tập thơ của Tố Hữu: Từ ấy (1937 - 1946), Việt
Bắc (1947 - 1954), Gió lộng (1955 - 1961), Ra trận (1962 -1971), Máu và hoa (1972 1977) ta có thể nhận ra từng bước thăng trầm của đất nước và dân tộc trong suốt hơn
nửa thế kỉ qua sự miêu tả tỉ mỉ của ông. Khác với thơ lãng mạn trước đó, thơ ca kháng
chiến phát triển trên nền hiện thực tâm trạng của nhân dân. Từ chỗ thơ Mới chỉ bộc lộc
cái Ðẹp trong từng con người riêng lẻ, trường cảm xúc giờ đây được mở rộng, phạm vi
phản ánh cũng bao gồm từ nơi sâu kín tâm hồn người cho tới khoảng rộng bao la của
cả đất nước, dân tộc.
Thơ ca giai đoạn này chủ yếu hướng về đại chúng: nghĩa là xem quần chúng nhân
dân vừa là đối tượng phản ánh, vừa là đối tượng phục vụ. Trực tiếp ca ngợi quần

chúng hoặc xây dựng hình tượng đám đông, nhân vật anh hùng mà kết tinh là nhân dân,
dân tộc với phẩm chất tốt đẹp.
Thơ ca chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi thể hiện ở ba phương diện: đề tài, nhân vật và giọng điệu.
Đề tài bao giờ cũng là những vấn đề lớn có liên quan đến cộng đồng dân tộc. Ở
năm đầu sau Cách mạng, thơ ca tập trung thể hiện niềm vui lớn của dân tộc, ca ngợi
Ðảng và Bác Hồ, ca ngợi con người mới, chế độ mới. Nổi bật nhất phải kể đến Tố Hữu
với Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt,... Xuân Diệu với hai trường ca Ngọn quốc kỳ và Hội
nghị non sông. Các thi sĩ đã đưa được không khí thời đại mới mẻ, khỏe khoắn vào thơ..
Thơ ca tập trung thể hiện tâm tình phơi phới tin yêu, lạc quan, tự tin, tự hào của người
Việt Nam được giải phóng những ước mơ, khát vọng cháy bỏng; những sắc thái tình
cảm cao cả trong cuộc chiến đấu tuy gian khó nhưng vô cùng anh dũng. Cảm hứng thơ
chủ yếu hướng ngoại, chú ý nhiều đến tình cảm công dân nên ít nói tới con người
trong đời sống riêng tư. Tình yêu lứa đôi cũng như mọi cung bậc tình cảm khác đều
được cảm nhận thông qua tình đồng chí. Do đó, trong khi mặt chói sáng của hiện thực
được phản ánh sinh động thì chiều sâu đời sống, ở đó có nỗi buồn mất mát, chia lìa lại
ít được đề cập đến. Tuy nhiên, sự phiến diện ở đây là tự giác và cần thiết. Hoàn cảnh
lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hi sinh cái riêng tư, vì vận mệnh đất nước. Thơ ca
21


không thể đứng ngoài sự hi sinh vĩ đại ấy. Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi là
một ví dụ cụ thể:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Hình tượng trung tâm của thơ ca giai đoạn này là hình tượng nhân dân anh hùng,
những người điển hình, tượng trưng cho tư thế, sức sống, nghị lực của cả dân tộc. Ðó
là những con người vừa bình thường, chân chất, vừa phi thường, chói sáng. Truyền

thống cha ông và khí phách của giai cấp vô sản được kết tinh ở người anh hùng thời
đại mới. Tiêu biểu hơn cả là hình ảnh người Vệ quốc quân. Tầm cao tư tưởng và chiều
sâu tâm hồn của hình tượng người Việt Nam được tập trung làm nổi bật ở hai phương
diện: phẩm chất cách mạng tốt đẹp và tình nghĩa quân dân thắm thiết:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Các anh đi bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
(Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông)
Ðặc biệt, hình tượng nhân vật đó còn được thể hiện đầy xúc động qua lòng kính
yêu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều bài thơ hay về Bác ra đời như: Sáng tháng Năm
(Tố Hữu); Ảnh cụ Hồ, Thơ dâng Bác (Xuân Diệu); Bộ đội ông Cụ (Nông Quốc Chấn);
Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ). Tất cả góp phần xây dựng hình tượng cao đẹp về
vị lãnh tụ vĩ đại, đó là một con người tài năng kiệt xuất, có lòng nhân ái mênh mông và
lối sống giản dị, khiêm tốn.
Giọng điệu trong thơ luôn là giọng anh hùng ca bi tráng chứ không phải là bi lụy:
22


Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Cảm hứng lãng mạn trong thơ ca giai đoạn này cũng được chú ý đến. Tuy khó
khăn gian khổ, mất mát đau thương nhưng tâm hồn của những người nghệ sĩ cũng như
nhân dân luôn hướng về tương lai, lí tưởng độc lập tự do. Chính tâm hồn lãng mạn này

giúp quân dân ta được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua gian khổ, khó khăn
hướng tới ngày chiến thắng với tinh thần lạc quan nhất để thực hiện khát vọng tự do:
Tiếng hát lừng vang trong gió núi
Bộ đội cười lên tươi như hoa
(Lên Cấm Sơn - Thôi Hữu)
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Thứ ba, nghệ thuật biểu hiện của thơ ca giai đoạn 1945-1954 cũng có những sự
vận động, biến chuyển mới trên cơ sở phát huy thành tựu của thời kì trước, để tương
ứng với nội dung tư tưởng, tình cảm mới. Dưới ánh sáng của quan niệm nghệ thuật
cách mạng, yêu cầu về tính đại chúng, tính dân tộc được đặc biệt chú trọng. Cụ thể:
Thể thơ ngày càng đa dạng và phong phú, xuất hiện nhiều thể thơ mới như: thơ
không vần, phá thể, hợp thể, thơ tự do.
Hình tượng thơ, cảm hứng thơ không còn màu sắc yên hùng, lãng mạn của những
năm đầu kháng chiến, mà trở nên gần gũi, bình dị, phù hợp với quan niệm về người
anh hùng thời đại mới.

Ngôn ngữ thơ chuyển dần từ tình trạng hoa mĩ, cầu kì, tượng trưng, ước lệ sang
đời thường, tự nhiên, phong phú đến vô cùng. Lời ăn tiếng nói của quần chúng hàng
ngày được chú ý vận dụng trong quan niệm thẩm mĩ mới mẻ, nhưng không vì thế mà
23


kém đi sự tinh tế, sâu sắc. Biểu hiện cụ thể qua một số câu thơ sau:
Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn, vẫn không ra ngoài
(Nông trường cà phê - Tế Hanh)
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán uớt mồ hôi
(Đồng chí - Chính Hữu)

Nhìn chung, đặc điểm thơ Việt Nam giai đoạn này đã có nhiều sự đổi mới về cả
nội dung lẫn hình thức. Thơ ca giai đoạn này ra đời và phát triển trong hoàn cảnh chiến
tranh nên mang những đặc điểm riêng mà văn học giai đoạn trước đó không thể có
được. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954, đặc biệt mảng thơ ca đã có những
bước tiến vượt bậc và có những đóng góp thật đáng kể cho thành tựu văn học nước nhà
giai đoạn này.

1.3. Đôi nét về nhà thơ Quang Dũng
1.3.1. Cuộc đời
Quang Dũng có tên khai sinh là Bùi Đình Dậu. Về sau bố đổi tên Dậu thành
Diệm vì Dậu trùng tên với một người trong họ. "Sở dĩ khi mới sinh ông được đặt tên là
Dậu vì ông sinh năm Dậu (Tân Dậu - 1921)" [2, tr.15], quê quán ở Phượng Trì (làng
Phượng Trì trước kia thuộc tổng Phùng), tổng Đại Hoàng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà
Tây (nay thuộc Hà Nội).
Thuở nhỏ Quang Dũng học trường làng rồi theo học ông cậu ruột làm giáo học ở
Ngã ba Thá. Đến cấp thành chung, ông học ở trường sư phạm Hà Nội. "Ra trường
không làm công chức mà cái “máu giang hồ” bắt đầu nổi lên, ông đi đánh đàn kéo nhị
cho một gánh hát. Rồi làm nghề dạy học tư, nay đây mai đó trong thành phố Hà Nội
nhưng rồi không thoải mái, gò bó nên bỏ" [13, tr. 17].
Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày Cách mạng tháng Tám
thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu. Năm 1947, ông
được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm
Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây
24


Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm
Phó đoàn tuyên truyền Lào – Việt.Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm
Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn
nghệ Liên khu III. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như

đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì
của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi
dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam).
Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ. Đây là khoảng thời gian để lại nhiều kí ức nhất
trong cuộc đời Quang Dũng và là thời gian xuất hiện những tác phẩm xuất sắc góp
phần đánh dấu tên tuổi nhà thơ trong nền thơ Cách mạng Việt Nam.
Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản
Văn học.
Nói về con người, trong cuộc sống Quang Dũng là người sống hồn hậu, giản dị,
trọng tình nghĩa bạn bè và đặc biệt luôn luôn lạc quan yêu đời. Tuy nhiên, ông cũng là
người có nhiều lận đận, là thi sĩ có tài được dùng mà không được tin cũng bởi lí lịch
“đen” một thời sang Tàu và cái mác “tiểu tư sản” lãng mạn khi viết Tây Tiến. Thơ của
ông khi đó bị phê bình trên báo chí miền Bắc là mang hơi hướng “tiểu tư sản”, thiếu
tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản, phổ biến rộng rãi được nhiều người
yêu thích. Lúc ấy ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm. Về sau, như
những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... tài năng của ông bị mai một và
mất đi trong âm thầm. Sau sóng gió ấy, ông cùng gia đình lui về ẩn thân trong nghèo
nàn. Cuộc sống của gia đình ông khá khó khăn, Quang Dũng đông con, con lại hay đau
ốm, vợ yếu, đồng lương ít ỏi, dù cố gắng nhiều nhưng vẫn không cải thiện được tình
hình. Tuy nghèo nhưng bản chất con người Quang Dũng vẫn không hề thay đổi, anh
vẫn luôn đặt niềm tin yêu vào cuộc đời, vẫn sống với nghĩa khí của một đại trương phu.
Trong khi bạn bè của anh đã thành danh, có người làm đến tổng cục trưởng, thứ trưởng
thì Quang Dũng vẫn bằng lòng với đồng lương cán sự không một lời ca thán.

Những năm 1983, 1984 Quang Dũng bị bệnh tai biến mạch máu não. Năm 1986,
bệnh đến thời kì nặng, bạn bè thân thiết có ý định xuất bản một tập thơ dành tặng
nhưng cũng không đơn giản vì vốn Quang Dũng ít khi lưu lại những tác phẩm của
25



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×