Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Những nét chính trong sự nghiệp sáng tác văn học của chủ tịch hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.22 KB, 3 trang )

Đề bài: Nêu những nét chính trong sự nghiệp sáng tác văn học của
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đáp án - Hướng dẫn làm bài
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là một vị anh hùng dân tộc lỗi lạc mà còn là
một nhà văn, nhà thơ lớn. Trước lúc từ biệt thế giới này, Người đã để lại cho nhân dân ta, đất
nước ta những di sản tinh thần vô giá. Trong số đó phải kể đến một sự nghiệp văn chương
vừa phong phú về thể loại, vừa đa dạng về phong cách, vừa sâu sắc về tư tưởng.

1. Văn chính luận
Đó là những sáng tác viết ra chủ yếu nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tấn công trực diện kẻ
thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng cụ thể qua từng chặng đường lịch sử.
a. Những năm 20 của thế kỉ XX, Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Nhân đạo”,
“Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”, tiêu biểu nhất là tác phẩm “Bản án chế độ thực
dân Pháp”. Bằng những dẫn chứng tiêu biểu, chính xác, bằng phương pháp lập luận chặt chẽ,
sắc bén, Nguyễn Ái Quốc chẳng những đã lột trần được chân tướng, bản chất tàn bạo, nham
hiểm của thực dân Pháp mà còn gây ảnh hưởng lớn đối với công chúng Pháp và thức tỉnh,
kêu gọi những người nô lệ đoàn kết lại trong một mặt trận đấu tranh chung.
b. “Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện lịch sử vô giá phản ánh khát vọng độc lập - tự
do và cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của dân tộc để giành thắng lợi; tuyên bố một cách
hùng hồn quyền độc lập dân tộc của Việt Nam trước nhân dân toàn thế giới và đồng bào cả
nước. “Tuyên ngôn Độc lập” còn là một tác phẩm chính luận mẫu mực giàu tính thuyết phục
và nhân văn.
Ngoài ra, Bác còn viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, lời kêu gọi chống Mĩ cứu
nước: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Di chúc”… Những tác phẩm ấy được viết bằng
trí tuệ của một bậc anh hùng kiệt xuất, một trái tim rực cháy của nhà ái quốc vĩ đại. Trong các
tác phẩm ấy, Người không chỉ nêu lên những vấn đề thời sự cấp bách của dân tộc mà còn cất
tiếng gọi vang dậy non sông với toàn thể đồng bào trước vận mệnh hiểm nghèo của đất nước;


đồng thời còn gửi vào từng câu chữ muôn vàn tình thương yêu của Bác đối với toàn Đảng,
toàn dân ta.



2. Truyện và kí
a. Trước hết phải kể đến tập “Truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc” được viết trong
khoảng từ năm 1922 đến 1925. Đây là tập truyện kí rất đặc sắc được viết với bút pháp đầy
sáng tạo, giàu chất trí tuệ và rất hiện đại. Truyện của Bác cô đọng, hàm súc, cốt truyện biến
hóa linh hoạt, kết cấu độc đáo, hình tượng mới mẻ, giàu ý nghĩa thẩm mĩ. Tiêu biểu là tác
phẩm “Vi hành”, “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”. “Những trò lố hay là Varen và Phan
Bội Châu”, “Con rùa”…Những truyện này một mặt đã vạch trần bộ mặt tàn ác, xảo trá, bịp
bợm của chính quyền thực dân, châm biếm một cách thâm thúy sâu cay vua quan phong kiến
ôm chân thực dân xâm lược; mặt khác, bộc lộ lòng yêu nước nồng nàn và tự hào về truyền
thống bất khuất của dân tộc Việt Nam.
b. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác viết truyện “Giấc ngủ mười năm” rất giàu tính
chất lãng mạn, lạc quan cách mạng. Người còn viết nhiều tác phẩm kí như “Nhật kí chìm
tàu”, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”.

3. Thơ ca
Đây là lĩnh vực nổi bất nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Người: “Nhật kí
trong tù” (1960), “Thơ Hồ Chí Minh” (1967)…
a. “Nhật kí trong tù”: Thời kì 1942 - 1943, Bác Hồ sang Trung Quốc với tư cách “đại
biểu dân Việt Nam”, song Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 14 tháng trời.
Chính trong thời gian này, Bác đã viết “ Nhật kí trong tù” bằng bút pháp vừa cổ điển vừa
mang màu sắc Đường Thi; lại vừa rất hiện đại,… Thơ Người thâm thúy, súc tích, “ý tại ngôn
ngoại”, chấm phá như tranh thủy mặc.
Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về mặt tàn bạo của nhà tù Quốc Dân đảng và một
phần xã hội Trung Quốc những năm 1942 - 1943, vừa là một bức chân dung tinh thần tự họa
của một tù nhân vĩ đại có tâm hồn vô cùng phong phú, cao đẹp: Yêu nước thiết tha, khát khao
tự do cháy bỏng, yêu thương con người, nhạy cảm với cảnh đẹp thiên nhiên; bất khuất, kiên
cường, ung dung tự tại, tràn đầy niềm lạc quan.



b. Bác Hồ còn viết nhiều bài thơ với bút pháp giản dị nhằm tuyên truyền đường lối của
Đảng và động viên nhân dân hăng hái tham gia cách mạng như “Bài ca thợ thuyền”, “Bài ca
dân cày”, “Bài ca thiếu niên”, “Bài ca du kích”, “Bài ca sợi chỉ”…
c. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Bác cũng viết nhiều bài thơ tức
cảnh, trữ tình thể hiện chất trữ tình đằm thắm và cảm hứng anh hùng ca thời đại của bậc đại
trí, đại dũng với tâm hồn lạc quan tươi sáng, với phong thái ung dung tự tại và một tấm lòng
luôn canh cánh nỗi niềm lo âu cho “nỗi nước nhà”. Tiêu biểu là các bài thơ: “Cảnh khuya”,
“Báo tiệp”, “Nguyễn tiêu”, “Tức cảnh Pắc Bó”, “Pắc Bó hùng vĩ”, “Thượng sơn”, “Đi thuyền
trên sông Đáy”, “Vô đề”…
Là một vĩ nhân suốt đời “chỉ có một ham muốn”, “ham muốn tột bậc”, đó là độc lập của
Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, Bác không xem sự nghiệp văn thơ là sự nghiệp chính của
mình. Song không vì thế mà sự nghiệp văn thơ của bác không trở thành di sản vô giá. Trái
lại, văn thơ của Người là tiếng nói tâm hồn của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng” (Viên
Ưng) luôn luôn lạc quan, tin vào sức mạnh của chân lí và của con người vươn tới Chân Thiện - Mĩ. Bởi thế, tiếng nói ấy chính là “lời non nước” dành cho con cháu hôm nay và cả
mai sau.

Giáo viên: Nguyễn Quang Ninh.



×