Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Vài nét về lịch sử phẫu thuật nội soi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.19 KB, 5 trang )

Vài nét về lịch sử phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi được áp dụng để chẩn đoán bệnh lí của màng phổi lần
đầu tiên năm 1910 do Giáo sư Hans Christian Jacobbaeus (1879-1937) ở Stockholm,
Thụy điển, ông đã ứng dụng soi lồng ngực để giải phóng các chỗ dính trong khoang
màng phổi, bơm hơi nhằm tạo ra một tình trạng tràn khí nhân tạo để điều trị lao
phổi (phương pháp điều trị lao phổ biến thời đó).
Từ những năm 1980, phẫu thuật nội soi đã có những tiến bộ vượt bậc nhờ
vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật : sự cải tiến của hệ thống thấu kính nội soi
kết hợp với hệ thống định hình lập thể và máy quay phim cực nhỏ cho phép quan
sát toàn cảnh của một lồng ngực, kèm theo đó là những tiến bộ của kỹ thuật gây mê
với thông khí chọn lọc một bên phổi cho phép làm xẹp một bên phổi ; tạo điều kiện
dễ dàng cho các thao tác trong khoang lồng ngực, cùng với việc chế tạo thành công
nhiều loại dụng cụ nhỏ chuyên biệt v.v...Phẫu thuật nội soi lồng ngực giờ đây được
áp dụng rộng rãi trong rất nhiều kỹ thuật, từ chẩn đoán đến điều trị các bệnh lí
màng phổi, phổi và trung thất.
Tại Việt nam, từ những năm đầu của thập kỉ 90, phẫu thuật nội soi đã được
bắt đầu áp dụng tại một số trung tâm lớn về ngoại khoa tại Hà nội và thành phố Hồ
Chí Minh, sau đó đã được phát triển nhanh chóng tại hầu khắp các bệnh viện lớn
trong cả nước.
Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương, phẫu thuật nội soi lồng ngực đã
được tiến hành từ năm 1995, hiện đang được áp dụng và phát triển rộng rãi. Trong
phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các ứng dụng của phẫu thuật nội
soi trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lí màng phổi : tràn khí màng phổi, tràn
dịch màng phổi, tràn máu màng phổi và viêm mủ màng phổi .

PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI (TKMP)
Mục đích phẫu thuật
-Tìm và xử lí chỗ rách trên bề mặt nhu mô phổi, thường hay gặp là vỡ các bóng
khí gây tràn khí. Cắt bóng khí với một phần nhỏ nhu mô phổi bình thường quanh
bóng khí qua nội soi bằng stapler nội soi là an toàn, hiệu quả và nhanh nhất, tuy
nhiên giá thành cho dụng cụ này còn rất cao nên việc áp dụng còn nhiều hạn chế.


Cắt bóng khí còn có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như
đốt bóng khí bằng dao điện, đốt bằng laser, buộc bóng khí bằng thòng lọng, khâu
buộc bóng khí....
- Làm dính màng phổi một phần hay toàn bộ bằng cơ học hay dao điện : làm xước ;
rạch màng phổi thành, bóc lá thành màng phổi hay cắt một phần màng phổi thành
v.v... hoặc bằng tác nhân gây dính
Chỉ định phẫu thuật
- Dẫn lưu màng phổi thất bại: Phổi không nở hoặc tiếp tục xì khí kéo dài sau dẫn
lưu màng phổi 5-7 ngày, có tác giả khuyên nên can thiệp phẫu thuật sau 3-5 ngày.
- TKMP tự phát nguyên phát lần đầu, trên CT scan có hình ảnh bóng – kén khí
cùng bên tràn khí.
- TKMP tự phát tái phát cùng bên.
- TKMP 2 bên cùng lúc.
Nên cân nhắc chỉ định phẫu thuật sớm trong các trường hợp :
- TKMP lần đầu ở những bệnh nhân làm nghề nguy hiểm như: thợ lặn, phi công…
hoặc những bệnh nhân sinh sống ở vùng núi, miền cao, xa cơ sở y tế.
Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương, chỉ tính riêng trong năm 2008
chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị 69 bệnh nhân TKMP ( tương
đương 83% tổng số bệnh nhân mổ nội soi). Kết quả điều trị là rất khả quan, không
có tử vong phẫu thuật, tỉ lệ biến chứng thấp và cho đến nay chưa ghi nhận trường
hợp nào bị tái phát sau phẫu thuật.

PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ TRÀN MÁU MÀNG PHỔI
Các nguyên nhân gây tràn máu màng phổi
-Trong bệnh cảnh của chấn thương ngực, nguồn chảy máu có thể từ xương
sườn gãy, bó mạch liên sườn, nhu mô phổi v.v...
-Tràn máu màng phổi do nguyên nhân nội khoa thường do tổn thương màng
phổi, nhu mô phổi (các mạch máu của màng phổi, nhu mô phổi bị rách, đứt) do
màng phổi, nhu mô phổi bị thủng, rách khi tràn khí.
- Tràn khí màng phổi tự phát kèm theo tràn máu màng phổi : khi có tràn khí

màng phổi, phổi bị đẩy dạt về phía trung tâm làm đứt các dây dính giữa lá thành và
lá tạng, mạch máu trong các dây dính đó bị đứt gây chảy máu trong khoang màng
phổi.
Phẫu thuật nội soi trong các trường hợp này được chỉ định khi chảy máu
nhiều, chảy máu tiếp diễn sau khi đã đặt dẫn lưu....Mục đích của phẫu thuật là lấy
máu tụ có thể kèm bóc vỏ màng phổi nếu cần thiết, cầm máu, rửa sạch khoang
màng phổi và xử lý nguyên nhân dẫn đến chảy máu.
Tai Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương, trong năm 2008 chúng tôi đã
tiến hành mổ cho 8 trường hợp tràn máu tràn khí màng phổi ( 9,6% tổng số bệnh
nhân được mổ nội soi). Đây là một trong những cấp cứu ngoại khoa hay gặp trong
các bệnh hô hấp.

PHẪU THUẬT NỘI SOI CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TRÀN DỊCH MÀNG
PHỔI
Mục đích của phẫu thuật :
- Chẩn đoán các trường hợp tràn dịch màng phổi dịch tiết, tràn dịch kéo dài
chưa tìm được nguyên nhân với các biện pháp chẩn đoán thông thường : xét nghiệm
dịch màng phổi, sinh thiết màng phổi v.v...
- Trong các trường hợp tràn dịch màng phổi do lao, dịch tiết kéo dài, trong
khoang màng phổi bắt đầu xuất hiện hiện tượng dày dính, tạo vách gây khó khăn
trong việc chọc hút dịch, phẫu thuật nội soi được chỉ định để khẳng đinh thêm chẩn
đoán, đồng thời qua nội soi phẫu thuật viên có thể gỡ dính, bóc cắt các vách fibrin,
các mảng dày dính...giúp cho phổi nở.
- Chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư màng phổi, hoặc ung thư phế
quản, qua nội soi lồng ngực có thể sinh thiết cơ hoành, phổi, trung thất hay màng
tim một cách chính xác, giúp phân loại mô bệnh học tốt hơn so với sinh thiết màng
phổi.
-Trong các trường hợp tràn dịch màng phổi ác tính, qua
nội soi có thể điều trị gây dính màng phổi, có thể gây dính bằng dung dịch
iodopovidone, bột talc, bleomycin....với hiệu quả khống chế tràn dịch màng phổi

theo nhiều tác giả đạt tới trên 90%.

PHẪU THUẬT NỘI SOI TRONG ĐIỀU TRỊ VIÊM MỦ MÀNG PHỔI
Phẫu thuật nội soi có vai trò đặc biệt tốt trong dẫn lưu viêm mủ màng phổi đóng
kén, khu trú. Trong những giai đoạn sớm của viêm mủ màng phổi và dày dính màng
phổi, qua phẫu thuật nội soi có thể thực hiện bóc vỏ màng phổi, lấy hết các tổ chức
hoại tử và giả mạc, gỡ các chỗ dính để khoang màng phổi được thông thương, giải
phóng phổi. Dẫn lưu khoang màng phổi có thể được đặt vào vị trí tốt nhất dưới
hướng dẫn của camera nội soi giúp dẫn lưu đạt hiệu quả tốt nhất.
Kết luận

Phẫu thuật nội soi lồng ngực là phương pháp xâm nhập tối thiểu làm giảm đáng kể những
tai biến và biến chứng về hô hấp sau mổ, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và rút ngắn thời
gian nằm viện để điều trị, bệnh nhân ít đau sau mổ, ít biến chứng và đảm bảo tính thẩm mỹ
cao, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn so với phương pháp mổ mở kinh điển.
Phẫu thuật lồng ngực qua nội soi tại Việt nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Hi
vọng trong một tương lai không xa nội soi lồng ngực sẽ được áp dụng rộng rãi, trở thành
những phẫu thuật thường quy ở tất cả mọi bệnh viện, mang lại nhiều lợi ích cho các bệnh
nhân.
Tạp chí Thầy thuốc Việt nam- Số 32 ( 04/2009)
Tác giả
Thạc sỹ Vũ Đỗ
Khoa Bệnh màng phổi
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương

×